20120805-PHẬT DẠY TU ĐƠN GIẢN, DỄ DÀNG
Trưởng Lão Thích Thông Lạc
Người nghe: Phật tử
Thời gian: 05/08/2012
(00:06) Trưởng lão: Nay tu tới đâu rồi? Con khá không con?
Phật tử: Dạ con tu bình thường.
Trưởng lão: Bình thường hả? Con ngồi ghế đi con. Ở dưới yên không con? Ở dưới con yên không?
Phật tử: Dạ thưa yên! Thưa Thầy.
Trưởng lão: Ráng nỗ lực tâm bất động nha con. Mình tu theo đạo Phật là đạo trí tuệ, thành ra mỗi mỗi sự việc xảy ra đều không khỏi lọt qua cái sự hiểu biết của mình. Mà sự hiểu biết của nó không làm cho mình phải bận tâm, nó không phải làm cho mình phải buồn phiền, thì đó là mình giải thoát chứ không có gì khó khăn. Mình sống như vậy đó là Phật tại thế rồi, chớ không có cần đòi hỏi mình phải ngồi thiền năm bảy ngày này kia, đó là cái lối thiền của người Đông Độ; chớ còn theo Phật thì đơn giản lắm. Sống bằng trí tuệ, ai làm gì cũng không động hết, không buồn, không giận, không phiền não ai hết. Chửi mắng cũng vậy, không buồn, không gì hết, đó là mình giải thoát con.
Con cứ sống như vậy thì con thấy ngay. Trong khi đó, con sẽ thấy mình, Phật tánh của mình nó hiện tiền tại trong tâm của mình rồi. An ổn lắm con. Tu hành đơn giản, quá đơn giản, quá dễ dàng mà người ta không hiểu. Rồi người ta sinh ra cái pháp này pháp kia làm cho mình không biết mình tu quá cực khổ. Chớ Phật dạy quá dễ dàng “Pháp ta sáng nghe chiều chứng đạo.” Sáng mình nghe pháp chiều mình chứng rồi. Nghĩa là người chứng đạo là người biết buông bỏ, buông xả hết, không có…. Tất cả các pháp trên thế gian này có pháp gì của mình đâu, nó là các pháp vô thường. Cho nên không chấp cái gì hết, cái gì cũng được hết, không buồn phiền, không chấp cái gì hết thì giải thoát. Có vậy thôi!
Thầy mong rằng mấy con có duyên mấy con về thăm Thầy, Thầy cảm ơn! Nhưng mà Thầy nhắc nhở cho mấy con để khéo, để khéo mấy con được giải thoát, không uổng phí công tu tập của mình thôi. Mấy con thấy không? Mấy con về thấy Thầy cũng sống bình thường như một ông già mà không ai làm gì Thầy buồn phiền trong tâm Thầy hết. Đó là giải thoát chớ sao. Thầy lúc nào cũng vui, lúc nào cũng tha thứ và thương yêu, không ghét một người nào hết. Mà cái người mà có duyên thì Thầy tiếp. Như, ví dụ như con sắp tới có duyên cho gặp, còn những người mà không duyên đến hỏi tào lao, tầm bậy bạ mất thời giờ Thầy vô ích, Thầy không gặp. Nhất là Phật tử hỏi, gặp Thầy mà hỏi chuyện gia đình coi có bình an làm ăn coi nó khá giả không? Thôi chuyện đó Thầy không biết.
(03:18) Tu hành thì nó đơn giản lắm con. Thì thấy lâu quá con về thăm Thầy. Thầy gặp con để coi, Thầy coi sự tu tập nó ra sao, rồi Thầy trò nhắc nhở nhau để sách tấn nhau trên con đường tu tập cho nó tốt con. Ở dưới cũng xa lắm, chớ không phải gần. Thứ nhất là con nhớ cố gắng mình dùng cái trí tuệ của mình triển khai ra cái sự hiểu biết để rồi tất cả mọi cái đều không qua cái trí tuệ của mình. Những cái ác thì không có để cho tâm mình bị động theo; còn những cái thiện thì mình thấy cần thì mình triển khai để giúp cho mọi người. Mà thấy cái duyên không đủ, mặc dù thiện nhưng cái duyên nó chưa có thì thôi, đừng nên làm. Làm rồi nó dính mắc vô, rồi nó sanh ra ác pháp, nó làm cho mình khổ trên bước đường tu.
Ráng lên! Coi vậy chớ bỏ hết cuộc đời rồi không còn bao lâu nữa. Cho nên mình nỗ lực, mình giữ tâm bất động của mình, trước những cảnh gì tâm không dao động. Ai làm gì làm, vẫn thấy an vui, an vui, vẫn thấy yên ổn, chớ không thấy đó mà làm cho mình khổ đau, thì đó là giải thoát. Coi vậy chớ trên con đường hoằng đạo nó cũng khó lắm con. Mình dạy bên đây họ tu bên kia, họ không có tu theo cái lời mình dạy. Cho nên mình rất muốn cho họ đi thẳng con đường thì họ đã thành một cái thói quen rồi, nó rất khó. Khó cho mình, cực cho mình nhiều lắm.
-Rồi chừng nào con về dưới con?
(05:28) Phật tử: Dạ thưa con đi với mấy Phật tử. Chừng nào Phật tử người ta về thì con về.
Trưởng lão: Vậy hả? Ờ, đi trong cái đoàn Phật tử.
Phật tử: Dạ!
Trưởng lão: Ừm, nhớ tụi nó không? Cho Phật tử vô đây chút, thăm Thầy chút rồi họ về.
Phật tử: Dạ! Đảnh lễ Hòa Thượng!
Mô Phật!
Trưởng lão: Thôi. Xá thầy cũng được con. Thầy cho gặp Thầy đặng gieo chút duyên để tu hành. Thôi, xá Thầy thôi con.
Xưa đức Phật nói: “Được thân người là khó”, mình được sanh làm người không phải dễ đâu mấy con. Mình phải tái sanh bao nhiêu loài côn trùng rồi sâu bọ, cho đến khi mình được thân người là cả một cái vấn đề, thế mà được Phật pháp còn khó hơn.
Các con biết không? Một số người mà được gặp chánh pháp của Phật thì quá ít, mà còn cái số người mà gặp tà pháp nào là Thần, Thánh, Tiên, phù hộ gia bị cứu khổ thì thiếu gì cái đó biết được. Nhưng mà làm sao, đức Phật nói: “Các con tự độ chứ ta có độ ai được đâu”. Mình phải tu, mình phải độ mình. Cái đó là những lời của đức Phật dạy.
Vậy thì chúng ta phải ráng nỗ lực được thân người, mà được gặp chánh pháp nữa, nhìn lại với cái số Phật tử mà được chánh pháp quá ít. Vậy mà không tu thì quá uổng!
(07:14) Tu nó không phải khó mấy con, xả bỏ hết, không có gì hết. Bởi vì mình chết mình không mang theo cái gì hết. Thì bây giờ, cũng như bây giờ coi như mình chết đi, bỏ hết đi, thì ngay đó là thành Phật chớ có gì đâu! Cứ ôm ấp nhà cửa, của cải, tài sản, con cháu hoài. Trời đất ơi biết chừng nào cho hết, phải hông? Các con nghe Thầy nói, để rồi mấy con tự tư duy, rồi nỗ lực cứu mình đi chớ. Phật dạy mà mình không nghe theo, rồi rốt cuộc rồi kiếp này, rồi tới kiếp khác, luôn luôn liên tục khổ đau chứ có ích lợi gì. Cho nên vì vậy mà phải ráng nỗ lực cứu mình trong một kiếp này mà thôi, giải thoát mình trong một kiếp này thôi. Đừng có chểnh mảng, mất thì giờ vô ích. Hôm nay rồi ngày mai, thì cái thời gian không kéo lại được đâu.
“Tấc bóng thời gian một tấc vàng.
Tấc vàng tìm được không gì khó.
Tấc bóng thời gian khó hỏi han!”
Thế mà chúng ta cứ bỏ trôi qua cái thời gian hoài quá uổng. Cho nên biết Phật pháp rồi thì hỏi cho kỹ lưỡng đàng hoàng nỗ lực tu. Dù trong chiếc áo cư sĩ, mấy con cũng thành Phật được chứ đâu phải không. Thành Phật do tâm chứ đâu phải do cái áo. Nói; “Tui mặc chiếc áo này tu đâu có được, phải mặc chiếc áo như Thầy mới được”, thì không phải đâu mấy con. Tâm của mình có muốn buông xả không thôi? Có muốn thành Phật hay không thôi? Do tâm chứ không phải do cái áo! Nỗ lực ráng mấy con!
(09:06) Hôm nay có duyên Thầy Thông Vân về thăm Thầy nên Thầy cho mấy con gặp chút xíu, có lời khuyên mấy con phải nỗ lực tu tập chớ không phí hết cuộc đời.
Bây giờ mấy con cứ lo cho gia đình, cuộc sống nó kéo lôi hoài biết chừng nào cho dứt? Mình chỉ khéo sắp xếp cho nó an ổn thôi mấy con, đâu ra đó, người nào lo công chuyện nấy. Còn mình dành những thời giờ mình ra để mình tu tập chớ, để không mình phí hết thì giờ, nó vô ích quá! Cho nên ráng mấy con! Gặp được chánh pháp không phải dễ!
Cũng như mấy con biết, một cái vùng như ở dưới Thầy Thông Vân mà được mấy người biết Thầy, đâu phải hết cái vùng đó đâu, thành ra đâu phải dễ đâu. Còn ở trên Thầy coi vậy chớ, tuy rằng cái tiếng, cái danh nó lừng lẫy vậy, chứ sự thật đi vô tu đâu phải chuyện dễ. Kêu buông xuống hết, nhưng tu đây chứ nhớ nhà nhớ cửa, ít bữa chạy về. Vậy tu sao được? Mấy con nghĩ đó là cái ái kiết sử của mình mà. Khó quá, nó đâu phải dễ. Cho nên gặp duyên rồi phải cố gắng vượt lên. Ý chí của mình vượt qua tất cả mọi cái chướng ngại đó, thì mình sẽ thành công .
Thôi! Hôm nay, đến đây thăm Thầy, biết Thầy rồi phải không? Thầy cũng như mấy con hổng khác chút nào hết, mà giờ muốn chết thì nằm xuống bảo nó: “Tịnh chỉ hơi thở ngưng” nó chết. Còn mấy con bảo nó chết, nó không chết, nó cứ thở hoài. Có phải không? Còn Thầy giờ nó chết, nó không thở nữa. Thầy bảo: “Thở! Không có được chết!” cái nó thở, nó sống. Tu vậy người ta mới tu chứ, làm chủ sanh, già, bệnh, chết mà. Phải hông? Mấy con thấy Thầy tám mươi mấy tuổi rồi mà bệnh nào đến với thân Thầy, Thầy nói: “Thọ là vô thường! Mày đi đi, không được ở đây!” Sao nó cuốn gói, nó đi đâu mất, Thầy không biết? Nó không còn đau nhức nữa. Còn mấy con đuổi được không? Đâu có được, có phải không? Ráng tu đi, đuổi bệnh đi mấy con.
(11:40) Bởi vậy tu theo Phật hạnh phúc quá, không tu theo Phật chết quá uổng phải không? Có bệnh đuổi bệnh. Muốn sống hay nó muốn chết, thì mình bảo sống thì nó sống. Như vậy làm chủ sanh, già, bệnh, chết mà. Như vậy mới có cái nghĩa của nó. Mà đó là bốn nỗi khổ của con người mấy con, chứ không phải là bốn cái sung sướng đâu. Bốn cái nỗi khổ của con người mà không có cách nào thoát ra. Chỉ có ông Phật đi tìm con đường, chỉ chúng ta con đường, để mà chúng ta làm chủ nó, chúng ta làm chủ, hạnh phúc vô cùng!
Con người cũng bằng xương bằng thịt, như đức Phật mấy người Ấn Độ, cũng bằng xương bằng thịt như mình, ông ta làm được thì mình làm được chứ? Chứ không phải ông là thánh thần ở xứ nào đâu ? Ông cũng là một con người như mình, thế mà ông làm được thì mình cũng phải làm được.
Về ráng tu đi mấy con! Sắp xếp cho ổn, cho gia đình mình yên ổn đi chứ đừng có bỏ, bỏ là vô đạo đức đó mấy con! Bây giờ con cái vậy mà bỏ bê nó thì không được. Mình sắp xếp đâu, lo lắng đâu cho nó hết, hoàn tất cái công việc của một người mẹ thì chừng đó mặc sức mà tu.
Thành ra cái đạo đức nó luôn luôn, cái đạo đức của đạo Phật nó kềm mấy con. Nó đâu có bảo mình đi tu mình bỏ gia đình đâu, không có đâu. Phải sắp xếp gia đình của mình đâu ra đó đàng hoàng. Đạo đức của đạo Phật mà, đâu có phải mà nói…
Từ nhỏ chí lớn, một hành động đi, các con sau này, các con đọc cái bộ sách đạo đức mà Thầy viết. Cái hành động mà bước đi nó không đúng đạo đức, chỉ ngay liền mấy con; đi như vậy không đúng đạo đức, con phải sửa lại. Không để cho người ta chê mình là người vô đạo đức. Sửa cái tướng đi đó lại, cái tướng đi gì mà coi phách lối quá vậy? Các con hiểu không?
Đạo Phật nó dạy cho mình đạo đức mà. Thành ra đem bộ sách đạo đức ra mà dạy, Thầy thấy quá tuyệt vời! Con người mà có đạo đức thì ai chê được.
Tiếc vì bây giờ Thầy lớn tuổi rồi, ngồi mà viết sách nó cũng làm biếng, giờ ngồi chơi thì nó thích, chứ mà ngồi viết sách thì nó làm biếng. Nhưng mà vì chúng sanh, vì các con, vì các em còn nhỏ mà không dạy, không đem có cái bộ sách đạo đức như vậy thì làm sao được? Khi viết rồi cái gửi bộ đó ra giáo dục liền .Từ lâu, quý vị dạy công dân giáo dục, đạo đức đó! Nhưng mà nó có nhằm nhò gì? Ơi trời đất ơi, nó ra chơi, nó ôm, nó vật, nó đánh lộn với nhau. Vậy mà mấy người đó, vậy nói nó năng nổ, đâu phải. Thành ra sửa lại hết, để đưa trẻ em chúng ta nó trở về với những hành động đạo đức. Thầy già rồi, Thầy còn nợ chúng sinh cũng nhiều, mình phải còn viết sách, viết sách tu để…
(15:07) Phật tử: A Di Đà Phật!
Trưởng lão: Chào con!
Phật tử : Con có học mấy cái, học cái pháp môn của Thầy mấy lần trước có những cái hiện tượng con thưa Thầy để Thầy biết, khai thị. Cái câu mình nói ví dụ: “Quán ly tham…” tức là trong đó có những trường hợp là cái tâm mình khởi niệm, mình quán nó ly. Nhưng mà quán một cái đoạn thì cái quán sao nó mất luôn? Nó đi vô, coi như là dường như là vô cảnh giới biệt niệm thì cái đó là hiện tượng sao Thầy?
Trưởng lão: À, hiện tượng đó là hiện tượng sai con, tu sai! Ức chế nó đó, ức chế cái ý thức chúng ta rồi, thành ra sai. Bởi vì mình tu theo đạo Phật là đạo trí tuệ, triển khai trí tuệ. Thành ra ác pháp mình hiểu biết rất rõ, cho nên nó không tác động được tâm mình, đó là giải thoát. Chớ không phải là ngồi đó mà không biết gì hết, không được. Thành ra coi chừng tu sai á.
Bởi vì Phật giáo của đất nước của chúng ta nó chịu ảnh hưởng của nhiều Phật giáo chứ không phải riêng của đạo Phật. Mà giờ mà dẹp bỏ, mà mấy con đọc trong kinh sách mà Thầy viết đó. Thầy dẹp, Thầy bỏ những cái sai, động chạm dữ lắm chứ không phải ít đâu. Trong thư viện Hoa Sen, nó chống đối với Thầy cũng dữ lắm chứ đâu phải ít. Nhưng mà những cái người trí thức ở trong đó, chứ còn Thầy thì không tranh cãi ai hết. Cái đúng Thầy nói thôi, còn ai hiểu sao đó thì hiểu. Nhưng mà những người trí thức đó, họ ở trong đó họ tranh cãi với nhau, họ luận với nhau để cái nào đúng, cái nào sai nó phân bày ra.
(17:01) Phật tử: A Di Đà Phật! Qua cái học các cái cách tu á Thầy, mấy đợt trước thì con quán lại thì đúng ra cái lời của Đức Thích Ca Mâu Ni hồi xưa cũng dạy như Thầy, nhưng còn một cái đoạn nữa xin thưa Thầy. Ví dụ như là: Quán Thân Hành Niệm, cái quán Thân Hành Niệm này tức là niệm từ năm cho đến mười niệm, nếu mà niệm từ năm cho đến mười niệm mà nó không có khởi vọng niệm gì khác thì cái đó là trạng thái là sao thưa Thầy?
Trưởng lão: À, như vậy là lúc nào mình quán Thân Hành Niệm? Là cái thân mình đưa tay ra mình biết đưa tay, cúi đầu mình biết cúi đầu, chân bước đi mình biết bước đi đó là mình quán Thân Hành Niệm. Phải không? Mà mình lại quên đi thì nó có những cái niệm khác mình quên cái thân hành mình đi, thì đó là mình tu sai pháp rồi, trật pháp. Thành ra mình sửa lại cho đúng. Mà khi quán Thân Hành Niệm, nó có cái thời gian tu tập tới đâu thôi, chớ không phải tu hoài cái pháp đó đâu, nó còn tu những cái pháp khác chớ không phải. Ví dụ như mình quán Thân Hành Niệm chừng 15 phút, đủ rồi! không tu tập cái này nữa. Cái sức tỉnh của mình ở trong 15 phút này đủ sức để cho triển khai cái khác. Thành ra nó đi tới cái pháp khác rồi. Chứ còn không biết cứ quán Thân Hành Niệm, cứ đi kinh hành hoài thì thôi rồi……
Phật tử : Ở trong đó thì con coi thì thấy rằng quán thân hành niệm trong năm tới mười tiếng, ở trong đó là nếu không có niệm nào xen kẽ thì tu trong ba mươi phút.
Trưởng lão: Ba mươi phút là cao lắm đó, tối đa.
Phật tử: Mô Phật! Cái thứ hai nữa xin thỉnh ý thưa Thầy! Trong cái điều kiện mà mình tu tập ngay bây giờ như Thầy đã nói, rất khó khăn. Tất cả các Phật tử chưa đủ nhân duyên để tu tập, bởi vì cái điều kiện hoàn cảnh gia đình rồi cái tình hình xã hội nó dồn dập đủ cách. Cho nên do đó mà xin Thầy có cái pháp gì để Thầy khai thị cho Phật tử, để có một cái lực vượt qua những cửa ải khó khăn này để nối gót theo Thầy.
(19:28) Trưởng lão: Thầy dạy rất là đơn giản mà ngắn gọn. Mỗi lần mà có một cái niệm gì ở trong đầu của mình, mà mình thấy cái niệm đó, là chướng ngại. Nó làm cho mình lo lắng buồn phiền hoặc tư duy suy nghĩ một cái điều gì đó, thì mình nhắc: “Tâm bất động, thanh thản, an lạc, vô sự” thì nó bất động liền tức khắc, nó không còn nghĩ ngợi nữa. Nó đơn giản quá đơn giản, tác ý nó thôi. Nhưng mà các con nhớ rằng cái pháp mà tác ý như vậy á, sau này nó trở thành ý thức lực, nó điều khiển sự sống chết mình đó, chứ không phải dễ đâu. Cho nên bây giờ mình tập vậy đó, nhưng mà sau nó trở thành cái ý thức lực, cái lực của ý thức.
Phật tử 3: Mô Phật! Cho con hỏi thêm một điều nữa. Tức là trong khi quán vậy đó thì mình theo dõi cái hơi thở của mình, tức là trong đó Thầy có dạy là: “Thở vô biết thở vô, thở ra biết thở ra” theo cái quán của mình. Nhưng mà trong cái như thế đó thì nó…. Bởi vì con bạch, thưa Thầy là chưa thuần thục liên tục được, nó cứ đứt từng khoảng, nó có đứt từng khoảng thì những cái đó là do mình chưa thuần thục hay là do mình sai pháp Thầy?
Trưởng lão: Do mình không có Thầy dạy. Mà về hơi thở là nguy hiểm vô cùng. Con mà nếu tu sai bị tức ngực nè, nó sanh ra bệnh. Cho nên về tu hơi thở, coi thì đơn giản vậy, thấy ở trong sách nó dạy về hơi thở nhiều lắm, nhưng mà có điều kiện là phải có Thầy. Chứ không có Thầy mà thở bậy bạ là nguy hiểm bệnh đó. Cho nên vì vậy mà cái hơi thở, nó không phải, nó là một vấn đề để gom tâm của mình lại thôi. Trong 30 phút hay hoặc là trong 15 phút là mình biết đủ sức gom tâm rồi, không cần tu thêm. Mà tu thêm thì mình bị lạc đường, chứ không phải là nó đi trúng đâu, rồi tới đó thôi.
Bởi vì cái pháp đó nó không có đưa mình đi đến cái sự giải thoát được đâu. Nó chỉ có cái bổn phận của nó là gom tâm của mình trong một cái khoảng nào đó, để rồi bắt đầu đó mình gom cái ý thức của mình lại, triển khai nó ra, nó sáng suốt vô cùng tận . Đó nhờ mình tập gom tâm. Còn mình không gom tâm, mới nghĩ cái nó nghĩ chuyện này chuyện kia lăng xăng đủ thứ chuyện. Còn mình gom tâm, nó nghĩ có một chuyện, phóng ngay cái chuyện đó nó nghĩ, nó phát triển ra liền, nó khai triển thành cái trí tuệ hiểu biết.
(22:06) Phật tử: A Di Đà Phật. Kính thưa Thầy, trong lúc mình quán như thế thì nó có những cái hiện tượng này là hiện tượng tự nhiên hay là nghịch duyên, ở trong cái trước mặt mình làm như có một cái bóng đang đứng có nhiều màu đỏ, xanh, màu vàng.
Trưởng lão: Cái đó là trật, nghịch duyên rồi đó! Tức là nó nó bị tưởng pháp rồi, thành ra hiện ra màu xanh, màu đỏ, màu trắng, màu vàng. Nó hiện ra trước mắt của mình, hoặc là tướng người hoặc là những cái hiện tượng gì đó đều là bị tưởng hết. Tức là ý thức của mình nó dừng lại, nó không hoạt động nữa, thì cái tưởng thức nó hoạt động. Thân ngũ uẩn mà: sắc, thọ, tưởng, hành, thức mà. Tưởng thức nó hoạt động.
Phật tử: Mô Phật! Xin phép Thầy, xin Thầy khai thị thêm. Có những vị như người ta nói là ngồi niệm phật đến vô niệm, tức là vô biệt niệm. Thì giữa cái niệm Phật và cái pháp môn mà của Thầy dạy thì giữa hai cái này nó có khác biệt với nhau như thế nào? Kết quả tu tập nó ra sao?
(23:13) Trưởng lão: Nó khác xa. Kết quả nó cũng khác xa. Một đàng là lấy một cái đối tượng tưởng tượng ra một đức Phật để mà niệm, để cho đạt cái mục đích là đạt được nhất tâm. Mà đạt được nhất tâm để làm gì? Tức là gò bó cái ý thức của chúng ta lại không cho phát triển. Đạo Phật không thể chấp nhận điều này, điều này là tà giáo ngoại đạo. Cho nên pháp môn Tịnh Độ là pháp môn của tà giáo ngoại đạo, chứ đâu phải của đạo Phật. Đạo Phật là đạo trí tuệ, cho nên mình phát triển cái trí tuệ của mình hiểu biết: Thiện thì tăng trưởng mà làm; ác thì không làm. Bởi vì ác làm khổ mình khổ người thì không làm, thì đạo Phật là đạo sự hiểu biết chứ đâu phải đạo mà gom lại như thế này, là sai pháp.
Cho nên Tịnh Độ không phải là pháp của Phật. Thầy xác định Tịnh Độ, phương pháp Tịnh Độ không phải là pháp Phật, là pháp tưởng. Cho nên mình tu, mình phải chọn được cái bậc Thầy, cái bậc Thầy mà người ta tu người ta làm chủ sanh, già, bệnh, chết, người ta làm chủ đúng như Phật mình tu. Còn không khéo đó mình sẽ bị ba cái pháp Đại Thừa nó lừa đảo mình, nó gạt mình. Vào tu nó không đạt được cái gì hết, rốt cuộc rồi nó lọt trong tưởng. Nó thấy cái cảnh giới này, Phật Di Đà không có, mà nó hiện ra ông Phật Di Đà mấy con, chứ đâu phải không đâu. Mà làm gì mà có Phật Di Đà.
Trên cái hành tinh chúng ta chỉ có ông Phật Thích Ca Mâu Ni là con người bằng xương bằng thịt Ấn Độ tu chứng đạo, làm sao có ông Phật Di Đà xen vô; rồi nói ông Phật Thích Ca nói đến ông Phật Di Đà! Cái chuyện đó, người ta nói chuyện trên hành tinh, mà ai nói chuyện ở đâu á, cái xứ nào ở đâu á, có phải nói láo không? Thầy nói nếu mà ông Phật Thích Ca giới thiệu vậy là ông Phật Thích Ca cũng là nói láo. Mình nói đâu, phải có bằng chứng chứ. Ở hành tinh chúng ta thì có Phật Thích Ca; rồi có người nào chứng đạo nữa thì cũng là theo đường lối của Phật Thích Ca mà thôi, chứ làm sao có ông Phật Thích Ca thứ hai, bộ có cái pháp mới à?
Còn cái pháp ông Phật Di Đà, các con thấy không? Pháp mới. Niệm Phật nhất tâm, có phải mới không? Đâu có triển khai tri kiến, đâu có triển khai trí tuệ, mà ức chế ý thức của chúng ta để cho nó thành một cái khối của nó như vậy gọi là chứng đạo. “Thất nhật nhất tâm bất loạn chuyên trì danh hiệu A Di Đà Phật”. Bảy ngày niệm Phật mà tâm không loạn, không có một niệm nào xen vô thì người đó chứng đạo. Thôi chứng đạo vậy. Thôi! Thầy xin xá thầy không tu. Chứng đạo gì không biết gì hết trơn vậy? Bởi gom cái ý thức của mình lại rồi sao còn biết? Thành ra không tu theo đạo Tịnh Độ! Tịnh Độ là cái pháp của mấy ông tưởng tượng ra, chứ không có cõi Tịnh Độ ở thế gian này.
(26:19) Phật tử: Thưa Thầy như vậy là cái pháp môn Tịnh độ là có sau hay có trước thời đức Phật ra đời thưa Thầy?
Trưởng lão: Lẽ đương nhiên là … pháp môn Tịnh Độ nói có sau có trước thì nó không đúng. Mà pháp môn Tịnh Độ sinh ra bằng tưởng thức của con người, bằng tưởng thức của con người. Cái tưởng của chúng ta tưởng ra cái pháp đó, rồi chúng ta tu, chứ sự thật ra nó không có cái pháp đó. Pháp mà có, mà chúng ta tu đó là ông Phật Thích Ca, con người tu như vậy, làm như vậy, sống như vậy mà thành Phật, mà giải thoát. Chứ còn cái pháp mà Tịnh Độ là cái pháp không có, tưởng tượng ra, tưởng tượng ở đâu một cảnh giới Tịnh Độ. Cực Lạc mà, trời rất vui! Trời đất ơi! Đi tu mà còn vui à? Nghe hai chữ "Cực Lạc", Cực Lạc là rất vui mà. Vậy mà đi tu mà còn ham vui à? Ham đến cái cõi đó đặng cho vui, tối ngày cười vui chơi như con nít vậy sao? Đâu phải chuyện như vậy!
Thành ra Thầy thấy dùng hai chữ Cực Lạc đã là sai rồi, chứ chưa nói. Đi tu thì phải sống trầm lặng, bình an, yên ổn, bất động, vậy mới đi tu chứ! Đi tu cứ cười hoài, cho nên có ông Phật Di Lặc ra đời cười toe toét. Có phải không? Mấy con thấy mang cái bụng bự vậy! Mà ngồi đâu thì cười toe toét ở đó. Trời đất ơi! Họ đặt ra đủ thứ hết, có phải họ tưởng tượng ra không? Con người chúng ta tưởng tượng đủ thứ, chứ làm sao mà có ông Phật Di Lặc bao giờ.
(28:09) Phật tử: Con lúc con tu tinh tấn thấy nó cũng thoải mái, nó vui, nó sảng khoái lắm. Rồi ngồi hoài không muốn nghỉ. Có đôi lúc ngồi xong hai con mắt con nó rát, làm như nó đỏ, rồi mặt con ra coi kiếng nó đỏ giống như lên máu vậy á, nó lon bon lon bon rồi con biết cái đó con sai rồi con muốn dừng để cho nó bỏ hết cái hiện tượng đó con làm sao Thầy?
Trưởng lão: Con không tu phương pháp đó nữa. Con sống bình thường, con dùng trí tuệ của con để tìm hiểu những cái gì ác, những cái gì thiện. Ác thì con không làm, thiện thì con làm. Sống không làm khổ mình khổ người, con sống đúng đạo đức của đạo Phật như vậy đủ rồi. Còn những cái pháp như vậy con không tu, bởi vì tu nó gây ảnh hưởng, nó làm cho con bị cảm thọ, bị cảm thọ đau.
Phật tử: Pháp cũng là pháp của Phật, thưa Thầy, của tổ sư Thiền. Thưa Thầy con cũng đọc, cũng nghiên cứu cẩn thận lắm, cũng làm giống như tông chỉ trong đường lối của pháp của Thầy. Mà thấy đôi lúc thì thấy nó thoải mái, đôi lúc thì nó làm như nóng mặt mày, nó gằn gằn làm như nó lên máu chóng mặt vậy.
Trưởng lão: Ừ, mấy ông Tổ Sư thiền. Thấy không? Tổ Sư thiền, từ Lục tổ Huệ Năng cho đến các tổ sau này toàn là cái thứ tu điên! Thầy dám nói, không ai dám nói chứ Thầy dám nói! Từ đó tới giờ, từ hồi mà các vị tổ này dẫn dắt chúng ta tu, có người nào tu chứng đạo chưa? Các con cứ xét đi, có chứng phải có người chứ? Không có chứng, có phải tu điên không? Dám khẳng định một điều quá thực thế, khoa học đàng hoàng mà. Có chứng phải có người. Còn không chứng, không có người, mà không có người thì đó mấy người tưởng tượng ra thôi. Thành ra dẹp! Bỏ các pháp đó đi con, tu uổng công con.
(30:14) Nói chung là chỉ có Thầy dám đập mạnh thôi, không có ai dám đập mạnh. Thầy thấy sai Thầy phải đập. Bởi vì nó pha trộn cái sai, cái đúng của Phật giáo ở trong một cái đất nước như Việt Nam. Thầy nói nội cái đất nước Việt Nam thôi mà sai trái ở trong này quá nhiều, nhất là thiền Đông Độ, thiền của Trung Quốc á. Nó đưa qua đây, nó làm cho con người càng tu không có ra gì hết, cho nên dẹp phắt ba cái này đi. Bây giờ mình nghiên cứu ngay những cái tạng Kinh Pali do Hòa Thượng Minh Châu dịch. Phật dạy như thế nào, tu như thế nấy; Làm chủ như thế nào, làm chủ phải cho đúng. Nghiên cứu ngay Kinh sách Phật, để rồi Phật giáo Việt Nam của mình phát triển lên, của Việt Nam, chứ không phải của người Trung Quốc, không chịu ảnh hưởng tư tưởng của người Trung Quốc. Còn các con tu đó là các con chịu ảnh hưởng của người Trung Quốc.
(31:11) Phật tử: Con muốn nắm tâm con thì sao thưa Thầy? Vì đôi lúc mà con bình thường ai như cho người nào chửi mắng con hay gì, con có thể là bình thường không giận không hờn, nhưng đôi lúc lại tâm lăng xăng rồi nó suy nghĩ đủ thứ công việc lặt vặt, rồi làm sao để con nắm được tâm?
Trưởng lão: À, con nắm được tâm con là con triển khai cái tâm của con. Nó hiểu cái gì? Nó khởi cái niệm gì? Con đưa cái niệm đó ra, con triển khai cái niệm đó ra để con hiểu. Ví dụ bây giờ nó khởi cái niệm: “Ngày mai này nè, mình phải đi đâu?” Nó định mà, nó định ngày mai đi đâu? Rồi từ ở trong tâm của con nó triển khai ra: “Ngày mai đi gặp tai nạn”. Nó tự nó nói ở trong mà: "Ngày mai đi gặp tai nạn. Tai nạn như thế nào?”, “xe đụng gãy chân”, phải không? Nó cũng nói thẳng ra cho con, thì thấy như vậy là con đã triển khai được trí tuệ của con biết được ngày mai. Vì vậy con mới tu chứ! Đạo Phật vậy mới tu chứ! Còn tu gì mà bữa nay ngồi đây mà ngày mai không biết cái gì hết trơn hết trọi, thì như vậy là tu làm gì đây? Có ích lợi gì?
Con tu đúng theo Phật thì hôm nay ngồi đây chứ ngày mai con biết ngày mốt, rồi bữa kia… con biết. Thậm chí như cái đầu tiên mà con biết được á, con biết đời trước con là ai? con ai? cháu ai? Rồi kế tiếp này kia nọ tên gì, họ gì, ở làng nào xã nào? Quê ở đâu? Con biết rõ hết, đó là cái trí tuệ của con triển khai ra.
Phật tử: Khi nó khởi một cái vọng niệm, con quán vào cái đó để con suy nghĩ hay là sao thưa Thầy?
Trưởng lão: Ờ, con đưa cái vọng niệm con ra, con triển khai cái vọng niệm ra, thì cái vọng niệm đó nó sẽ trở thành cái đối tượng của cái trí tuệ của con, nó triển khai cái tri kiến của con rộng, hiểu rộng ra. Chứ con đừng có gom nó lại, đừng có cho nó không có hiểu, đừng có cho nó niệm, thì cái đó con tu theo Thiền Đông Độ tu sai, chịu ảnh hưởng của Trung Quốc.
(33:22) Phật tử: Mình triển khai trí tuệ của mình ra, với mình “tưởng”, nó khác nhau chỗ nào thưa Thầy? Cái tưởng với triển khai, ví dụ nãy Thầy nói là: “ngày mai đi đâu?”
Trưởng lão: Cái tưởng hả con? Thầy chỉ cho.
À, bây giờ đó, ngày mai con đi đâu? Tức là nó có cái mục đích, tức là con không có tưởng. Mà ngày mai con đi là có công chuyện gì, đó là không tưởng. Ngày mai con khởi cái niệm đi, nhưng mà ngày mai con không biết con đi làm cái gì, thì không có cái mục đích, thì đó là con bị tưởng.
Phật tử: Thưa Thầy, tiếp theo mục đích mình có, ví dụ ngày mai mình đi mình có thể gặp tai nạn giao thông, thì cái tai nạn giao thông đó là mình tưởng ra hay là cái triển khai trí tuệ mình tưởng? Nó tự tưởng hay là mình tập trung mình tưởng?
Trưởng lão: Trí tuệ nó triển khai ra nó biết con. Cái tưởng của mình. Trong thân mình có năm uẩn, sắc, thọ, tưởng. Cái tưởng đó nó hoạt động rồi, thành ra mình triển khai được cái tưởng của mình để nó biết được ngày mai, ngày mốt hay bữa kia xảy ra cái gì. Tại mình không triển khai, cho nên bây giờ mình có tưởng mà mình không biết cái gì hết.
Phật tử : Tức là mình triển khai một cái hình thức của cái tưởng của cái phần mình?
Trưởng lão: Của cái tưởng của phần mình thôi con. Cái ý thức nó không thể làm việc được cái phần đó, mà ý thức nó làm việc trong cái hiện tại của nó. Mà cái tưởng thức nó làm việc trong cái phần ngày mai, ngày mốt, ngày bữa kia.
Phật tử: Thưa thầy cho con cái ví dụ cụ thể?
Trưởng lão: Cụ thể, bây giờ đó, Thầy nói bây giờ đó, chẳng hạn nào như con ngủ, con nằm chiêm bao, con thấy cái sự việc xảy ra. Ngày hôm sau con đi, con gặp sao đúng vậy, con nằm chiêm bao sao rõ vậy. Đó là cái tưởng thực sự của con nó hoạt động đó. Còn nếu mà cái tưởng nó không hoạt động thì con nằm mơ nó không đúng sự thật, nó trật. Cái tưởng nó hoạt động rồi thì con nằm đêm nay ngủ, sáng dậy con thấy sự việc gì xảy ra, thì sáng ra nó xảy ra đúng y, con nói: “Nằm chiêm bao hôm nay nằm chiêm bao linh thiệt!” Chứ không ngờ tưởng mình hoạt động.
(35:34) Phật tử: Cho con hỏi thêm, giống như con có một cái giấc mơ, mà giấc mơ đó từ hồi nhỏ tới lớn luôn nó cứ đeo con hoài vậy, như là gặp chiến tranh, tên lửa máy bay, mà con nào giờ chưa biết lái, con chưa biết bắn, mà sao trong giấc mơ con lại làm được điều này, mà cái giấc mơ từ hồi đó tới giờ cứ đeo con hoài?
Trưởng lão: À, cái giấc mơ mà nó đeo con như vậy, mà con thấy như vậy là nó thuộc về nhân quả rồi. Nghĩa là đời trước con ít ra là cũng là một người lính cầm súng bắn thiên hạ đây. Bây giờ nó sống lại bằng cái chiêm bao của con, chứ không có gì khác hết, bởi vì nhân nào quả nấy phải không? Cho nên vì vậy mà cái nhân của đời trước gieo thì đời nay nó không còn có cái đó nữa. Con bây giờ không còn cầm súng bắn ai hết, nhưng mà nó vẫn thực hiện cái ngày trước con đã làm, nó cũng là tưởng thức đó con.
Phật tử: Mô Phật! Bạch Thầy cho con hỏi là sao trong cái động mà con lại tịnh, mà trong cái tịnh thì con lại bị động? Mà có khi cái hơi thở nó vừa đi vào cái trạng thái thanh tịnh thì nó không xông vô được nó bị sốc ra, thưa Thầy cho con được biết?
Trưởng lão: Động ở trong tịnh mà tịnh ở trong động? Tất cả những cái này đều là do cái sự tu sai của con, con tập sai. Dẹp! Không được tu cái này nữa. Nghĩa là tu phải làm chủ chứ không có được mà hiểu qua cái động tịnh như vậy. Dẹp! Thấy tu sai mà không có Thầy, con tưởng là nó vậy, nó đúng, nhưng mà sự thật nó sai. Có Thầy người ta biết liền, con đường người ta đi qua rồi, người ta biết. Người ta chỉ sai, Dừng lại! Không tập cái đó nữa. Thì mình không tập cái đó, mình không còn có nữa, mà mình tập càng ngày nó đi sâu đó con, nó nguy hiểm.
(37:37) Phật tử: Dạ, thưa Thầy cho con hỏi, cái pháp của Thầy là: “Tâm bất động, thanh thản, an lạc, vô sự” nhưng mà khi Thầy nói ra cái nhân quả nó có thì cái nghiệp của mình, cái nhân mình gieo kiếp trước, thì cái quả ở kiếp này của mình nó thành nhiều, ý niệm nó rất nặng, để xả tâm thì rất là khó, tức là cái tâm của mình nó làm cho mình… Con không biết nữa, tại nó làm cho mình lăng xăng, mình không có thể tập trung, mình không thể gom tâm mình được, thì làm thế nào để mình có thể mà….?
Trưởng lão: Bởi vì chính cái chỗ tâm bất động, thanh thản, an lạc, vô sự tức là nó đi trên nhân quả chứ không phải nó đi dưới nhân quả. Nó làm chủ cả nhân quả của nhiều kiếp con, chứ không phải một kiếp. Cái câu đơn giản vậy á, bởi vì câu đó là cái chân lý của đạo Phật mà. Người nào sống được trong đó mình bây giờ chưa sống, mà nhờ tác ý ra thôi để cho ba cái lặt vặt mà niệm khởi trong đầu của mình bị dẹp xuống là nhờ cái câu đó. Con hiểu không?
Phật tử: Tức là mình tác ý vô?
Trưởng lão: Mình tác ý vô, con thấy nó an trở lại liền hà.
Rồi Còn hỏi gì nữa không? Hết rồi phải không?
(38:54) Phật tử: Thưa Thầy cho con hỏi, hồi nãy, coi về cái tưởng và cái triển khai trí tuệ, con có một câu hỏi nữa là. Mình muốn triển khai trí tuệ của mình ra, tức là mình tự lực triển khai hay là mình tác ý để cái tâm của mình tự triển khai?
Trưởng lão: Mình triển khai cái trí tuệ của mình là phải có một cái đối tượng. Bây giờ trước mặt mình muốn triển khai cái ly này. Mình muốn hiểu nó mà: Nó làm bằng cái chất gì đây mà thành cái ly? Rồi từ cái ly này sử dụng uống hoặc là làm cái gì, cái gì? Ở đây mình triển khai ra, mình hiểu rõ cái ly này. Từ cái chỗ mà người ta cấu kết nhau lại thành cái ly cho đến khi mình sử dụng để uống nước, kết quả của nó. Đó là mình triển khai trí tuệ của mình để mình hiểu một cái đối tượng. Triển khai là bao giờ cũng có đối tượng, mà tưởng thì không có đối tượng, nghĩa là không có cái ly.
(39:49) Phật tử: Mô Phật! Con xin hỏi Thầy. Hiện nay thưa Thầy! Cái pháp môn Tịnh Độ á, bây giờ thấy ai mà mất rồi họ hộ niệm, hộ niệm rồi thấy thân thể mềm nhũn, mà bây giờ con thấy cái đó là đại trà luôn. Ở đâu, ở đâu bây giờ con cũng thấy vậy hết, thưa Thầy như vậy là như thế nào thưa Thầy?
Trưởng lão: À! Thực sự ra cái gì nó thành thói quen thì nó cũng khó, nhưng mình biết cái đó sai. Bởi vì Tịnh Độ để niệm Phật nhất tâm để được về cái xứ Tịnh Độ. Nhưng mà sự thật nó không có cái xứ đó rồi về đâu? Người ta tưởng tượng ra. Làm sao ở trong cái tưởng tượng của người ta nó không có, người ta tưởng ra. Bây giờ cái ly này có, Thầy bằng cái trí tuệ Thầy hiểu biết cái ly này từ cái gì mà nó làm nên cái ly, nó rõ ràng. Còn cái xứ Tịnh Độ, mình phải hiểu biết nó làm bằng cái gì cái gì nó ra cái xứ Tịnh độ này? Còn đằng này ông Phật Di Đà, nghe nói cũng không biết ông Phật Di Đà ra làm sao nữa. Rồi ở đây muốn vẽ ông Phật Di Đà như thế nào đó vẽ ra à. Rồi chúng ta cứ tưởng tượng niệm nó thôi, chứ chúng ta sự thật ra không có người nào mà rành rẽ cái xứ này hết. Cho nên những cái này là những cái không thật, dẹp! Cái gì thật thì mình làm, cái gì không thật dẹp bỏ.
Phật tử : Kính thưa Thầy! Cái cuốn kinh Vô Lượng Thọ với cái cuốn kinh A Di Đà là làm sao?
Trưởng lão: À! Vô lượng Thọ với cuốn kinh Di Đà nó chỉ là một; mà nó vẽ ra làm hai cho nó thấy nó có cái vô lượng của nó ở trong cuốn kinh Di Đà mà thôi. Vô Lượng Thọ tức là sống vô lượng mà, từ Di Đà nó vẽ ra.
Phật tử:Vậy thưa Thầy, rồi cái đó nó có hay là không? Tại vì trong cái cuốn thánh kinh mà nói ông Phật thuyết mà?
Trưởng lão: Thì nói Phật thuyết, chứ sự thật ra Thầy nói: Thầy muốn nói cái gì rồi Thầy nói Phật thuyết cũng được. Nhưng sự thật chứng minh ông Phật Thích Ca có thuyết hay không? Rõ ràng là cái số kinh Phật nói nó cụ thể quá rồi. Mấy người đừng có thêm thắt, tui biết rõ mà. Mấy người thêm bao nhiêu kinh tui cũng biết rõ rồi, ông Phật Thích Ca nói mấy cuốn tôi biết. Hiểu không? Đây nó rõ ràng rồi đâu có mấy người không biết được. Thành ra mấy người chêm thêm mấy cuốn kinh này, tôi nói: “Kinh này giả không thật, tôi không tin!”.
(42:12) Phật tử: Thưa Thầy! Cho con hỏi hai câu hỏi nữa con hỏi. Hồi nãy Thầy nói cái việc mà triển khai trí tuệ, cái ly này nó làm như thế nào có đối tượng… Thì tức là cái trí tuệ của mình nếu mình không biết cái món đồ đó như thế nào thì mình không thể triển khai được, tức là mình phải đọc sách đọc gì đó, mình phải tìm nó hay là mình tự động cái trí tuệ của mình nó phát triển ra hay là… ví dụ: cái ly này nó làm từ cát nấu lên nhiệt độ bao nhiêu, bao nhiêu mới thành cái ly này. Như vậy thì tức là phải đọc sách phải tìm hiểu cái gì đó mới biết được, tức là từ đó mình phải đi tìm hiểu chứ không phải tự nhiên nó hiện ra được phải không Thầy?
Trưởng lão: Đúng rồi, phải tìm hiểu! Mình muốn hiểu cái ly này thì mình phải đọc sách mình phải nghiên cứu cái này kia để mình triển khai cái tri kiến của mình hiểu về cái phần này đã có sách sẵn. Còn nó không có sách vở, không có ai nói trước á, mình tìm hiểu cái này bằng cách rất khó, không khéo nó lọt qua tưởng.
Phật tử: Thì con nói đó nó khác, ý con nói bây giờ, có sách vở thì mình hiểu bằng kiến thức, mình tiếp thu vô, mình triển khai ra rất là dễ. Nhưng mà nếu cái đó nó chưa có gì hết, mà mình tưởng ra thì triển khai bằng cái trí tuệ bằng cái tưởng, nó sẽ… tức là, theo con nghĩ thì nó là một con đường, nhưng mà nó lệch chút tí xíu thì nó sẽ trở thành cái tưởng, nếu mà đi tự thân của mình thì làm thế nào để mình….?
Trưởng lão: Coi như là, muốn mà rõ trong cái vấn đề đó. Bởi vì cái ý thức của mình nó có hạn cuộc, nó không có thể mênh mông được thì con phải tìm đến một bậc tu hành, người ta chứng đạo, người ta đầy đủ trí tuệ, người ta thông suốt vũ trụ, con hỏi cái gì, chỗ nào người ta cũng biết hết. Nhưng mà có cái nào người ta trả lời người ta trả lời, mà cái người ta không trả lời.
Phật tử : Dạ, con hiểu.
(44:15) Phật tử : Xin phép Thầy! Con còn câu hỏi thứ hai, câu hỏi cuối cùng của con. Pháp môn của Thầy tu là tu để giải thoát, theo con hiểu là tu để giải thoát, còn pháp môn hiện tại ở Việt Nam mình có là từ Đại Thừa Trung Quốc nó nhập qua thì… Thầy là giải thoát, muốn buông xả hết tất cả để nhập Niết Bàn, nhưng mà con người ta muốn xả rất là khó. Thì cái pháp môn hiện tại con hiểu, giờ người ta giới thiệu là có Địa ngục, có Thiên đàng, có gì … tức là giáo dục cho người ta đừng có nên làm ác, tức là cũng tức là…. Cái mục đích của họ là giáo dục cho con người ta làm thiện đừng có làm ác. Tức là cái pháp môn của Thầy với những pháp môn đó hai cái đó con nghĩ là pháp môn của Phật hết, nhưng mà cái cách thể hiện nó khác nhau. Của Thầy thì xả hết để nhập Niết bàn, còn cái bây giờ hiện tại người ta hướng tới gieo nhân nào gặp quả đó. Cho nên là đừng có làm việc ác, làm việc thiện, thì con không hiểu cái đó là…?
Trưởng lão: Cái đó sai, cái đó là mình dạy người ta không làm thiện ác, mình dạy không có thật, không có đúng. Còn dạy như Thầy đúng. Hành động đi như thế này vô đạo đức nè, sửa lại, không được đi như vậy nữa, đi gì mà chân cao chân thấp. Phải không? Thầy dạy trực tiếp ngay liền cái hành động có đạo đức hay không đạo đức. Cái này thực tế hơn! Mở miệng nói ra lời nói, Thầy nói: “Lời nói này không đạo đức, sửa lại mai mốt không được nói thế này nữa nha!” Thì mai mốt con nói lời nói đó không có vô đạo đức. Con hiểu không? Thầy lấy đạo đức Thầy làm đầu mà, còn cái kia gạt người ta.
Phật tử: Con thấy cái kia có cảm giác là cho người ta cái tương lai có gì tốt đẹp, người ta muốn cái tốt đẹp, người ta làm cái chuyện đó đúng không Thầy?
Trưởng lão: Đúng đó, nhưng mà lại còn cái gạt người ta nó khác.
(46:11) Phật tử 10: Thầy đại hùng, đại lực, đại từ bi giúp con dứt sạch sân si buồn phiền, Thầy vuốt lên đầu con cho con sáng mắt sáng lòng.
Trưởng lão: Rồi, ráng lên tu nha con!
Phật tử 11: Thưa Thầy! Sách của Thầy, lời nói của Thầy ở cuộn băng trước, cuộn băng đó con ghi hồi đó thưa Thầy. Bây giờ năm nay hết nghe được vì nghe lâu quá, tua hoài cái nó mòn, con xin ghi lại cái này. Còn một số sách của Thầy thì con gửi người ta cầm. Dạ hiện nay còn mấy bộ còn đang nằm ở chân núi Tà Lơn. Thưa Thầy cho con hiểu. Bây giờ con đã cất một cái cốc con thờ, hồi xưa cái chỗ đó là cái chỗ đức Phật Thầy Tây An tu theo pháp môn của đức Thích Ca Mâu Ni đắc đạo tại đó thì cái cốc hiện nay (….nghe không rõ) đang hành ở đó, xin phép Thầy coi cái đó có được hay không?
Trưởng lão: Được chớ sao không? Được chớ, không có sao hết. Đức Thầy Tây An cũng là người quyết tâm tu lắm đó con.
Phật tử 11: Mô Phật! Thì theo con nghe đó thì, lời đức Phật. Thầy Tây An dạy tu đúng như cái lời của đức Phật dạy tức là quán niệm, quán xét làm chủ cái thân tâm của mình, chứ không phải như là trong kinh giảng mà bây giờ người ta nói, cuốn giảng… Bây giờ người ta nói thuộc về cái ngoài cái lời của Thầy Tây An nói.
Trưởng lão: Làm lệch.
Phật tử: Mô Phật! Với cái thờ phượng bây giờ cũng vậy, cái thời của thầy Tây An nói không giữ thời như vậy nhưng mà bây giờ người ta làm vậy thì cũng khác với đức Phật Thầy Tây An, cũng như cái đạo của đức Phật Thích Ca Mâu Ni ngay bây giờ thì cũng như Thầy nói. Vì chính con cũng nghiên cứu, tìm hiểu được một phần thì thấy rằng cái đạo Thích Ca mâu Ni dường như bây giờ cái thời kỳ mất, mất chân thật, đó phải là cái thời kỳ mạt pháp không thưa Thầy?
Trưởng lão: Đúng đó con, hễ cái gì mà nó làm lệch lạc, nó làm không còn cái chân chánh của nó nữa, cái đúng của nó nữa thì đó là thời mạt pháp rồi.
Phật tử: Mô Phật! Xin phép Thầy thọ ký cho con. Chắc có lẽ là một tuần nữa con đi trển, rồi con trở về trên đó trở về An Giang.
Trưởng lão: Thọ ký cho, yên tâm con!
Phật tử: Mô Phật! Cuộn băng của Thầy giờ là con nghe tới bây giờ là có tiếng được tiếng không tại vì nó quá lâu rồi, cứ nghe mãi giờ con ghi lại.
Phật tử: Bạch Thầy! Xin phép ra ngoài sư Bảo Nguyên bây giờ những cái đĩa đồ đó làm lại hết rồi, lọc lại tiếng tốt lắm rồi.
Phật tử 11: Lát con thỉnh một bộ đem về trển gởi cho những bà con ở trên đó cho người ta coi người ta sáng ra. Mấy cuốn sách của Thầy cho mấy năm trước á, con về con gởi cho mỗi một cái ban tri sự một bộ.
Trưởng lão: Vậy tốt quá!
Phật tử 11: Mô Phật! Ban trị sự phật giáo Hòa Hảo, thì ban trị sự phật giáo Hòa Hảo người ta nghiên cứu người ta nói rất đúng, rất hay, thì đó con đã gởi mỗi ban trị sự một bộ, còn mấy bộ con đem đi Campuchia thì giờ còn một bộ nữa…. Kể cả cái cuốn mà… cái cuốn Quy Y Tam Bảo, Tam Quy Ngũ Giới, ngay bây giờ ở trên đó Phật tử người ta cũng đang coi cái cuốn đó, đang truyền nhau coi cái cuốn đó
Trưởng lão: Ừ duyên của Phật pháp.
HẾT BĂNG