CHI ĐÔNG THAM VẤN - CÁCH THỨC TU TẬP
Trưởng lão Thích Thông Lạc
Người nghe: Phật tử
Thời gian: 23/05/2010
(00:01) Phật tử: Chùa Hương Hải Thiền, thì con thưa Thầy. Hôm nay có phải là tất cả các đồng chí lãnh đạo thôn về rất đông đủ ạ, và Phật tử chúng con gần xa về đây tề tựu cũng đông. Có sự hiện diện của sư Thầy Hàm Yên.
Trưởng lão: Vậy hả con?
Phật tử: Thì con xin Thầy bố thí cho chúng con một thời pháp ạ. Để chúng con biết đường, để chúng con tu tập cho những năm sau tốt hơn ạ.
Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.
Trưởng lão: Hôm nay có mặt đủ hết phải không con?
Phật tử: Dạ vâng ạ.
Trưởng lão: Như vậy thì các con dùng cái điện thoại mở lớn lên cho mọi người nghe.
Phật tử: Vâng ạ
Trưởng lão: Để rồi Thầy sẽ hướng dẫn chỉ dạy để một đoạn, một bài pháp, để giúp cho mấy con biết cách tu tập. Mình sống không làm khổ mình, khổ người. Để sống được giải thoát đó!
Phật tử: Vâng ạ.
Trưởng lão: Bây giờ các con chuẩn bị xong chưa?
Phật tử: Con thưa Thầy. Chúng con xong rồi ạ.
Trưởng lão: Xong hết rồi phải không?
Phật tử: Dạ vâng ạ.
(1:02) Trưởng lão: Bây giờ các con lắng nghe Thầy nói chuyện đây.
Trong cuộc đời mà tu á thì các con cũng biết rằng mình có duyên phước, mình được theo Phật giáo, được theo tôn giáo. Mà đức Phật là người đã tu tập làm chủ Sanh- Già- Bệnh- Chết. Tức là làm chủ được 4 sự đau khổ của kiếp người. Cho nên Ngài làm chủ được, Ngài dạy lại cho chúng ta hiện giờ. Những lời Ngài dạy gọi là kinh sách Phật giáo. Chúng ta được học tập và được tu luyện. Cho nên cũng có người làm chủ được bệnh, cũng có người làm chủ được sự sống chết chứ không phải là không có. Không phải chỉ có mình Ngài không mà đã có một số đệ tử. Và trong đại hiện tại của chúng ta thì cũng có như Thầy bây giờ làm chủ được sự sống chết của mình rất rõ ràng, cụ thể. Như vậy pháp của Ngài quá thực tế, quá rõ ràng. Pháp của con người, để con người làm chủ được 4 sự đau khổ. Cho nên đức Phật nói: "Pháp ta không có thời gian đến để mà thấy". Nghĩa là mình không thực hiện thì thôi, mà mình đã thực hiện thì sẽ được giải thoát ngay liền.
Thì như mấy con biết đạo Phật có 4 cái chân lý: "Khổ, Tập, Diệt, Đạo".
Khổ, thì chắc ai sanh ra làm người cũng biết khổ hết đó là cái chơn lý rồi.
Tập là cái nguyên nhân tạo ra những cái điều khổ, tập hợp những cái điều khổ, đó là lòng ham muốn của con người. Thì chắc chắn là con người ai cũng có lòng ham muốn, đó là cái nguyên nhân gây ra đau khổ.
Còn Diệt đế thì mấy con biết rằng cái “tâm bất động thanh thản, an lạc”, đó là cái chân lý của đạo Phật giải thoát rồi.
Một người mà ví dụ: có người khác chửi mình mà mình bất động, mình không giận, không buồn phiền não thì đó là bất động tâm rồi, thì người đó là giải thoát rồi. Một cái ác pháp nào tác động đến thân tâm của chúng ta. Như một cái cơn bệnh đau nhức cái đầu, đau bụng mà chúng ta xem thường thản nhiên không sợ hãi thì đó là bất động tâm. Mà bất động tâm thì bệnh sẽ lui đi và trên thân chúng ta sẽ không bệnh.
(03:20) Các con thấy Phật pháp quá tuyệt vời. Tại vì chúng ta quá sợ hãi. Thì từ cái nghiệp mà bệnh đau đó nó sẽ tăng lên, nó làm đau bệnh nhiều hơn. Cho nên chúng ta do cái sợ hãi mà làm cho chúng ta khổ sở hơn nhiều. Trái lại chúng ta chẳng sợ, chúng ta, đức Phật đã dạy mà các pháp đều vô thường. Bữa nay không đau thì ngày mai đau; mà bữa nay đau thì ngày mai phải hết có gì mà phải sợ!? Bởi vì nói là các pháp vô thường mà, nó đâu có thường mà sợ.
Cho nên chúng ta hiểu biết tin lời Phật dạy, cho nên chúng ta không sợ một cái pháp nào cả. Chỉ biết cái “tâm bất động, thanh thản, an lạc, vô sự”. Do đó Thầy lấy cái chân lý diệt đế của đạo Phật mà làm cái pháp tu, để chúng ta thường tác ý để giữ “tâm bất động, thanh thản, an lạc, vô sự” không cần tu lòng vòng. Tu nhiều quá làm chúng ta cũng mệt mỏi. Mà chỉ ngay cái câu tác ý thôi là các con cũng đã được giải thoát rồi, đã được giải thoát rồi. Ai chửi, ai mắng các con nói: “tâm bất động, thanh thản, an lạc, vô sự” đó là nhân quả, mình có chửi người ta trong quá khứ thì bây giờ người ta chửi lại mình có gì mà mình phải giận, buồn phiền”. Khi mà mình tác ý được như vậy, thì tâm mình nó sẽ thanh thản, an lạc, vô sự. Các con thấy thực tế quá, giải thoát quá. Thân đau bệnh, nhức, mình tác ý: “thọ là vô thường có gì phải sợ, mặc! Chết còn không sợ huống hồ là đau nhức”. Thản nhiên trước cái cơn đau của cơ thể thì bệnh đau sẽ bị diệt đi liền tức khắc.
Các con thấy chưa, Phật pháp dạy chúng ta thực tế lắm. Cho nên đức Phật nói: "Pháp ta không có thời gian đến để mà thấy". Chỉ cần tác ý thì chúng ta thấy giải thoát ngay liền.
(05:10) Vậy, pháp như vậy mà các con còn không tu. Các con còn muốn nuôi dưỡng sự đau khổ trong thân tâm của mấy con; còn để giận hờn, buồn phiền, đau khổ; còn để lo lắng sợ hãi, đi bệnh viện, bác sĩ nhà thương đủ loại. Làm cho người thân của mình quá nhọc nhằn, cực khổ. Còn mấy con thản nhiên không sợ gì hết, thì người thân của mình đâu có cực, đâu có đi nhà thương mà nuôi mình.
Các con thấy chưa, pháp của Phật thực tế, tại sao hàng ngày chúng ta không ngồi tu, không tác ý tâm bất động?! Khi có một niệm trong tâm chúng ta khởi ra, thì niệm đó sẽ là ái kiết sử, nhớ gia đình, nhớ con, nhớ cái thương này kia toàn là nhân quả, phải không?
Thì các con tác ý: “tâm bất động, thanh thản, an lạc, vô sự. Niệm này đi đi, chỗ này là cái chỗ bất động chứ không phải là chỗ động tâm”. Ngay đó thì cái niệm đó sẽ đi mất. Rồi một cái niệm khác đến cũng tác ý, mà tác ý cho đến khi mấy con ngồi mà không niệm thì mấy con chứng đạo. Mà đức Phật đã xác định rằng mấy con sẽ tu 7 ngày đêm, mà nếu mà siêng năng 7 ngày đêm thì hôm nay, cái nơi mà mấy con đã từng thọ Bát Quan Trai á, thì mấy con đã đến đó ở Chi Đông á, thì mấy con thành tựu lâu rồi. Chứ đâu cần cầu cúng, đâu cầu chư Phật gia hộ mấy con làm gì.
Đức Phật nói: "Tự thắp đuốc lên đi", tức là dạy chúng ta không cầu một người nào hết. Ngay cả đức Phật Thích Ca cũng không cầu Ngài cứu chúng ta nữa. Chúng ta tự cứu mình, thắp đuốc lên mà đi. Tức là thắp ngọn đuốc Như Lý Tác Ý mà đi mấy con. Các con hiểu chưa?
(06:45) Cho nên vì vậy mà Thầy dạy mấy con có một câu, tu có một pháp, không có nhiều. Mà bây giờ mấy con lại tu, hồi nào tới giờ Thầy dạy cho mấy con thấy pháp thì nó có 37 phẩm Trợ Đạo; có pháp hơi thở; có cái phương pháp quán vô lậu, này dạy cho mấy con biết. Nhưng mà rút lại để cho mấy con tu, thì mấy con tu một pháp thôi. Tu lung tung quá nhiều, nào là: "An tịnh thân hành tôi biết tôi hít vô, an tịnh thân hành tôi biết tôi thở ra"; nào là tác ý đi kinh hành, dỡ chân lên, đưa chân tới, hạ chân xuống, hạ gót xuống. Tất cả mọi cái đó gọi là: "Pháp Thân Hành Niệm". Nhưng mấy con có buồn ngủ đâu mà mấy con phải tác ý chi cho cực khổ, đi kinh hành chi cho nhiều cực?! Chừng nào mà chúng ta thấy mình bị hôn trầm, thùy miên, buồn ngủ, ngồi đâu gục đó thì mới đi kinh hành; còn không có thì thôi, đi kinh hành, đi Thân Hành Niệm làm gì cho cực?!
Phải không, mấy con thấy sự tu tập mấy con phải sáng suốt, phải biết áp dụng pháp. Chứ không phải lúc nào cũng ôm tu, tu ôm pháp Thân Hành Niệm đi hoài, đi hoài để chứng đạo sao. Cái đó là tu không trí tuệ! Cũng như luôn luôn lúc nào cũng ôm Định Niệm Hơi Thở, tu từ đề mục thứ nhất cho đến đề mục thứ 19, trời đất ơi! Tu vậy là tu sao?!
Tùy theo đặc tướng của mình, mình bị cái tâm tham hoặc tâm sân nhiều, mà không cách nào để mà ly được cái tâm sân, hay hoặc tâm tham của mình, thì mình mới dùng một cái đề mục của Định Niệm Hơi Thở để mình tập: "Quán ly sân tôi biết tôi hít vô, quán ly sân tôi biết tôi thở ra"; hay: "Quán đoạn diệt tâm sân tôi biết tôi biết tôi hít vô, quán đoạn diệt tâm sân tôi biết tôi thở ra", để cho nó đoạn diệt cái tâm sân đi, đặng người ta chửi, người ta mắng, người ta nói gì mình không giận hờn. Đó là mình biết áp dụng.
Còn bây giờ nó không có sân, không gì hết, mà mấy con cứ quán ly sân hoài, thì nó không đúng cách, nó không đúng cái pháp tu, áp dụng nó sai, nó không đúng!
(08:44) Phải không, cho nên nghe lời Thầy ngay bây giờ mấy con tùy theo cái người sân nhiều á, thì nên sử dụng cái Định Niệm Hơi Thở. Sau một thời gian sử dụng trong 3 tháng thì không được sử dụng Định Niệm Hơi Thở nữa. Mà trở về giữ “Tâm bất động, thanh thản, an lạc, vô sự”, chỉ 3 tháng thôi. Nếu mình có một chướng ngại, ví dụ: tâm tham, tâm sân, tâm si thì mình dùng cái đề mục của: "Định Niệm Hơi Thở", hoặc là mình dùng pháp: "Thân Hành Niệm", để cho mình phá cái tâm đó đi. Thí dụ như tâm si mình nhiều, ngồi đâu thì hôn trầm, thùy miên, vô ký thì mấy con dùng pháp Thân Hành Niệm, đi kinh hành để phá. Phá cho hết không còn hôn trầm, thùy miên. Thì mấy con sẽ áp dụng vào cái phương pháp giữ “tâm bất động, thanh thản, an lạc, vô sự” để mình chứng đạo.
Còn bây giờ nó còn hôn trầm, thùy miên mà mấy con không chịu đi kinh hành lười biếng, thì mấy con tu biết chừng nào cho hết. Cứ ngồi đâu thì gục đó thì làm sao mà tu?!
(09:49) Cho nên biết áp dụng đúng pháp thì tu hành không có lâu chỉ trong vòng, đức Phật nói 7 ngày, 7 tháng, 7 năm. Người nào mà tệ lắm thì 7 năm cũng chứng đạo. Còn người nào sớm một chút thì 7 tháng cũng chứng đạo. Còn người nào mà tu siêng năng, chuyên tấn, tinh tấn không còn ham ăn, ham ngủ, không còn sợ chết, sợ đói, sợ bệnh, sợ đau thì trong 7 ngày chứng đạo.
Còn mấy con tu thấy hơi mệt mệt cái sợ, thôi để mình xả nghỉ, cho lấy sức khỏe, tu lâu. Mấy người đó thì tu phải có thời gian lâu rồi, không thể nhanh được mấy con.
Cho nên ở đây mấy con nhớ, nhớ câu Thầy dạy với câu tác ý, pháp tác ý: “Tâm bất động, thanh thản, an lạc vô sự”. Rồi lặng im nhìn coi cái tâm mình nó còn muốn khởi cái niệm gì, nó nghĩ cái gì. Nếu nó không thì mấy con ngồi im lặng để nhìn nó. Chứ đừng có ngồi đó mà lo giữ cái tâm mình đừng có khởi niệm, thì sai! Hoặc là ngồi đó mà ôm chặt cái hơi thở để cho ý thức đừng khởi niệm là sai!
Mình nhìn, mình ngồi, mình nhắc rồi im lặng. Mình để coi tự nhiên cái ý thức của mình nó khởi cái niệm gì, nó muốn cái gì, thì chừng đó mình phải dùng cái câu tác ý mình xả cái niệm đó đi. Còn nó không thì thôi, chứ mình không dùng cái gì ức chế nó hết. Bảo nó cứ niệm cho nhiều đi, càng niệm nhiều càng tốt. Mà niệm nhiều càng tốt thì tác ý càng nhiều thì ý thức lực nó sẽ có chứ sao. Phải không, mấy con nỗ lực tu!
(11:34) Bởi vì các pháp đều vô thường. Mấy con có thân, mà thân thì không thể giữ được hoài. Nay sống, mai chết không chừng; nay mạnh, mai đau cũng không chừng. Mà nếu bỏ phí cái thời gian, mà không nỗ lực tu tập thì quá uổng mấy con. Phải tu tập làm chủ được bệnh, đuổi được bệnh. Phải tu tập làm chủ được chết, muốn chết hồi nào thì chết, muốn sống hồi nào sống. Mới an vui, chứ còn không khéo thì không có an được mấy con.
Nếu mấy con còn chạy theo cuộc đời từ ăn uống, vật chất, từ tình cảm con cái này nọ, thì mấy con tu không bao giờ được hết. Bỏ xuống hết, bỏ xuống hết tất cả đều nhân quả. Gia đình là con cái, con hoặc là những người thân của mình, cha mẹ đi nữa cũng là nhân quả mà thôi, vay trả mà thôi có gì mà phải bận bịu?! Buông xuống, buông xuống hết đi! Các con có nghe cái cái bài kệ của Thầy không:
"Buông xuống đi, hãy buông xuống đi.
Chứ giữ làm chi có ích gì.
Thở ra chẳng lại còn chi nữa.
Vạn sự vô thường buông xuống đi!".
Buông hết thì tâm mình nó sẽ “bất động, thanh thản an lạc, vô sự” mấy con. Mà còn niệm thì buông, hết niệm thì thôi, thì giải thoát chứ có gì. Mấy con thấy có dễ không? Nội cái bài kệ của Thầy mà đọc thuộc rồi thì nó cũng là thành một cái phương pháp nhắc nhở tâm mình rất là tốt.
Thầy xin nhắc lại cái bài kệ để mấy con lấy đó mà làm cái tiêu chuẩn để mà tu tập xả tâm:
"Buông xuống đi, hãy buông xuống đi.
Chứ giữ làm chi có ích gì.
Thở ra chẳng lại còn chi nữa.
Vạn sự vô thường buông xuống đi!".
Nhớ chưa, mấy con nhớ chưa? Nhớ ráng mà tu tập! Phải không?
Đến đây thì mấy con nhớ, Thầy tóm lược lại để mấy con nhớ cái pháp tu: "tâm bất động, thanh thản, an lạc, vô sự". Phải không?. Mấy con ngồi im lặng nhìn coi cái tâm của mình, cái ý của mình nó muốn nói cái gì; còn nó không, thì đó nó bất động. Còn muốn nói, nó nói cái niệm gì mà nó nói ra, thì mấy con tiếp tục tác ý: "Tâm bất động, thanh thản, an lạc, vô sự". Nếu mấy con không tác ý câu: "Tâm bất động, thanh thản, an lạc, vô sự", thì mấy con đọc ngay cái bài kệ: “Buông xuống”. Thì mấy con chỉ cần:
"Buông xuống đi hãy buông xuống đi
Chứ giữ làm chi có ích gì
Thở ra chẳng lại còn chi nữa
Vạn sự vô thường buông xuống đi!".
(14:16) Cái niệm mà trong đầu mấy con mà khởi lên, thì nó sẽ bị rớt, rớt xuống lập tức. Mà siêng năng, Thầy nghĩ rằng mấy con sẽ suốt 7 ngày đêm nỗ lực tu không còn thích ăn, thích ngủ. Thì trong 7 ngày đêm mấy con sẽ chứng đạo.
Còn mấy con tu mà còn sợ đói, sợ khát, đi ăn, đi uống, còn ăn ngon, ăn dở đủ loại thì thôi còn lâu lắm. Bởi vì tâm còn dục, còn chạy theo dục lạc thế gian. Còn ham ngủ, ham ăn thì làm sao mà chứng đạo được?!
Hơi mất ngủ một chút cái than thở, đi bác sĩ, đi mua thuốc ngủ về uống cho nó ngủ, nó tỉnh táo thì con người mới sáng suốt. Mà con người ham ngủ là con người si mê dại dột. Mấy con ngủ mấy con thấy, thấy biết cái gì không, quên mất hết. Đó là cái mê, cho nên bỏ ham ngủ đi, đừng có sợ chết! Có nhiều người nói mất ngủ chết, chết cho rồi chứ để làm chi mà ngu si quá vậy, cứ ham ngủ?! Phải không.
Đến đây Thầy xin chấm dứt, con nhớ những lời tóm lược của Thầy để dùng cái pháp đó mà tu. Trong cái buổi nói chuyện hôm nay. Trong cái bài thuyết pháp của Thầy. Đến đây Thầy xin chấm dứt mấy con.
HẾT BĂNG