20100307 - THANH NIÊN HÀ NỘI - Ý LÀM CHỦ - NHẬN BIẾT TU ĐÚNG HAY SAI

20100307 - THANH NIÊN HÀ NỘI - Ý LÀM CHỦ - NHẬN BIẾT TU ĐÚNG HAY SAI

THANH NIÊN HÀ NỘI - Ý LÀM CHỦ - NHẬN BIẾT TU ĐÚNG HAY SAI

Trưởng lão Thích Thông Lạc

Người nghe: Phật tử

Thời gian: 07/03/2010

Thời lượng: [2:09:25]

1- Ý LÀM CHỦ

(0:00) Trưởng lão: Hôm nay là buổi mấy con gặp Thầy để có những gì mấy con thưa hỏi, để biết cái con đường tu tập. Rồi cách thức mà mấy hôm rài mấy con tu tập như thế nào, rút tỉa qua kinh nghiệm đó mấy con trình, coi mấy con tu tập đúng hay là sai. Chứ không khéo mấy con tưởng ra rồi mấy con tu, sai mấy con không biết, cứ lo ức chế cái tâm của mình tiến tới, thành ra Đại thừa hết ráo, còn Thầy dạy là theo lời Phật dạy là ly dục, ly ác pháp chứ không phải mà ức chế cái ý thức của chúng ta.

Thầy thường nhắc mấy con: "Ý làm chủ, ý tạo tác. Ý dẫn đầu các pháp" mà. Chúng ta có cái ý thức của chúng ta. Nó chủ động trong sáu cái thức của chúng ta. Nó chủ động nó điều khiển con mắt, nó điều khiển lỗ tai, mũi, miệng, thân, ý của mình. Nó điều khiển được hết, cái ý của chúng ta, nó làm chủ mà. Thí dụ như con mắt nó nhìn ra, bảo con mắt quay vô, không nhìn. Cái ý của chúng ta nó điều khiển mà, các con thấy nó làm chủ rõ ràng mà. Vì vậy chúng ta biết được cái ý thức của chúng ta là cái điều quan trọng nhất trong cơ thể của chúng ta để chúng ta sử dụng trên con đường tu tập.

(01:14) Mà đức Phật nói: "Có Như Lý Tác Ý, lậu hoặc chưa sanh sẽ không sanh và đã sanh thì bị diệt". Các con nhớ, gặp các con Thầy thường nhắc cái câu lời Phật dạy rất là tuyệt vời. "Có Như Lý Tác Ý", như cái lý giải thoát đó mà nhắc thì nó sẽ được giải thoát. Không cần mình phải tu tập gì nhiều, không cần phải đọc Thần chú, tụng kinh, lạy Phật, sám hối gì hết, không cần.

Cho nên những cái điều mà người ta dạy mình sám hối cho tiêu tội cho hết vọng tưởng, mấy cái điều lòng vòng của Đại thừa, làm mất thời giờ vô ích. Mình xin sám hối với ai? Ai cho mình sám hối? Mình làm tội lỗi, thì hôm qua nó tội lỗi thì "Quá khứ không truy tìm", hôm qua mình làm lỗi thì nó đã thành quá khứ rồi, bỏ nó đi. Làm trong cái hiện tại chúng ta cho phép. Còn tương lai thì chúng ta đừng có suy nghĩ là mình sẽ ráng mình tu như thế này, thế khác làm Phật. Đừng có nghĩ cái điều đó, mà hãy làm tốt trong hiện tại!

"Quá khứ không truy tìm

Vị lai không ước vọng

Chỉ có sống trong hiện tại”

Mà sống trong hiện tại thì mấy con sống trong tâm bất động chứ ai làm động tâm mấy con được. Mà bất động thì mấy con giải thoát rồi. Vậy mà hầu hết mọi người nghe Thầy mà chạy lăng xăng, tâm động bên đây, tâm động bên kia, đủ loại. Nghe rồi là người ta bỏ xuống, trong vòng một tuần lễ là chứng đạo. Bởi vì tâm bất động mà, không chứng đạt sao được!

Còn để tâm phóng dật, suy tư cái này, suy tư cái kia, tìm hiểu cái nọ. Tìm hiểu làm gì? Có ích lợi gì cho mấy con? Mình đâu phải là nhà lý luận để tìm hiểu, để rồi đi ra lý luận hơn thua với người ta sao. Chúng ta không phải là những người học thức để lý luận hơn thua với ai cả. Mà chúng ta tu tập để làm chủ bốn sự đau khổ mà con người ai cũng chịu bốn sự đau khổ đó là "Sanh, già, bệnh, chết" mấy con.

2- NỖ LỰC TỰ CỨU MÌNH

(03:28) Thân người là pháp vô thường, nay còn mai mất, bữa nay sống, ngày mai chết chưa chắc chúng ta đã biết. Cho nên ráng mà tôi tu, tu cho tôi làm chủ được ngay trong bây giờ mà chúng ta làm chủ được rồi thì có chết chúng ta thấy cũng mãn nguyện. Cái chết chúng ta cũng làm chủ nó mà. Còn không khéo cứ chần chừ ngày qua tháng lại rồi, không làm chủ được gì cả.

Biết những cái gì mà Thầy nói ra thì nói cho người khác nghe được mà chính mình làm không được. Toàn là nhai lại cái bã mía của Thầy thôi chứ làm gì! Phải không mấy con thấy?

Cho nên những điều mà Thầy nói thì mấy con cần phải sống, cần phải sống. Khép chặt cửa, không chơi ai nữa hết. Bây giờ mình có nói chuyện với mọi người mà khi mình đau họ cũng không đau thế cho mình được. Khi mình chết họ cũng không chết thế cho mình được đâu. Vậy thì còn chơi với ai bây giờ? Ai cứu mình bây giờ? Chỉ có mình cứu mình mà thôi. Đức Phật cũng dạy: "Tự thắp đuốc lên mà đi", không ai thắp đuốc cho mình được. Vậy thì trên đời này không ai mà cứu mình được. Không có ông Thánh, ông Thần, ông Phật nào cứu các con được. Mà chính các con tự cứu mình, tự cứu mình!

Gặp được Thầy đó là may mắn. Mấy con gặp được Thầy để Thầy ca hát cho mấy con nghe cho vui. Chứ Thầy thấy mấy con có nỗ lực tu thật sự đâu, lúc nào cũng muốn gặp Thầy thôi. Thầy là diễn viên, Thầy là đào kép hát, có phải không mấy con? Gặp Thầy thì mãn nguyện rồi. Cho nên người nào cũng nghe được Thầy nói, dạy rồi thế mà mong mong hễ nghe nói Thầy giảng ở đâu đó thì tìm cách gặp Thầy. Có phải không mấy con? Sao gặp Thầy nghe nó an ổn quá mà mình tu không an ổn.

Cho nên ráng mấy con, các con ráng! Mình phải tự lực, đừng có dựa vào Thầy, Thầy không cứu mấy con được đâu. Bệnh, các con có đau Thầy cũng không đau thế được. Các con chết Thầy cũng không chết thế được. Mà chính các con phải tự cứu lấy mình!

3- KINH SÁCH RẤT NHIỀU, KHÔNG PHẢI KINH NÀO CŨNG PHẬT THUYẾT

(05:53) Và vì vậy thì Phật pháp kinh sách rất nhiều, tạng kinh Pali mấy con thấy, nhiều lắm. Nhưng trong tạng kinh Pali chưa hẳn đã là lời Phật dạy không. Đã có người khác xen vô rất nhiều bài kinh, chứ không phải chỉ có lời đức Phật. Đức Phật dạy cô đọng có ba mươi bảy phẩm trợ đạo mà thôi, ba mươi bảy pháp môn tu tập, không nói lảm nhảm nhiều. Vậy mà người ta dám đưa vô kinh sách Nguyên Thủy.

Còn kinh sách Đại thừa thì khỏi phê bình rồi mấy con. Các Tổ thẳng tay cứ nghĩ tưởng sao thì viết như vậy, nghĩ tưởng sao thì viết vậy. Toàn là mấy ông Tổ của Trung Hoa không à. Phật giáo Việt Nam mình chịu ảnh hưởng của Phật giáo Trung Hoa nặng lắm mấy con, nó thành bệnh đó.

Cho nên người Việt Nam chúng ta tự vươn lên, đó như Hòa thượng Minh Châu là người tự vươn lên trên kinh sách Nguyên Thủy của đức Phật. Ngài phải đi học tiếng Pali, rồi Ngài dịch ra Việt ngữ để phổ biến cho chúng ta hôm nay. Ngài phải dựa vào thế của Giáo hội để xin mở trường Đại học Vạn Hạnh. Trong lúc bây giờ Thầy cũng được tham dự học cho nên Thầy mới biết kinh Pali. Chứ không khéo Thầy cũng chỉ biết kinh Đại thừa thôi. Chứ hồi đó đâu có ai biết kinh Pali đâu.

Cái tạng kinh Hán tạng của Trung Quốc đem qua, các sư Trung Quốc mang qua chuyên môn là tụng kinh cầu siêu, cầu an, cúng bái. Hễ có người chết là người ta xách cuốn kinh Di đà tụng hát hết. Có phải không mấy con? Càng tụng nhiều càng tốt, càng siêu sanh Tịnh Độ. Còn ngày rằm, ngày mười bốn, ngày ba mươi, vọng chính thì tụng kinh sám hối mấy con, để cho chư Phật ban phước lành cho mình. Cho nên lạy biết bao nhiêu lạy. Lại còn kinh Thập Vương, lại Tam Thiên, ba ngàn lạy, lạy riết hai đầu gối mỏi chồn hết. Mấy con cứ cái tượng Phật để đây mà mình cứ đọc một danh hiệu Phật xong rồi cái quỳ xuống lạy, rồi đứng dậy đọc tên Phật nữa cái quỳ xuống lạy mà 3 ngàn đức Phật như vậy, 3 ngàn lạy vậy, mấy con nghĩ làm sao? Ghê quá!

(08:19) Bởi vậy Thầy nói hồi còn nhỏ đi vào chùa tu xóm, các Thầy Đại thừa dạy thôi. Mấy chú tiểu này làm biếng, tới chừng mà lạy thì trốn hết (cười), để cho mấy ông già đó lạy đi. Chớ còn mấy chú tiểu nhỏ mà cỡ tám, mười tuổi, mười một, mười hai mấy ổng rủ nhau trốn hết. Lạy mệt lắm! Đó các con thấy, người ta sợ lạy Phật quá mà. Mà Phật có phù hộ mình sức khỏe đâu mấy con, càng lạy càng mệt thêm. Đó cho nên trong cái tuổi trẻ nhắc lại trong cái thời mà Thầy mới tu, Thầy nói: Thiệt! Nó không có cái gì mà gọi là đạo Phật để mà chúng ta thấy sự an lạc của Phật pháp. Mà hành, những cái thực hành của nó lại làm khổ chúng ta quá nhiều.

Thầy nói khi Thầy ra ngoài Vũng Tàu, lên Tu viện Chơn Không, theo Hòa thượng Thanh Từ. Cái sức của Thầy ngồi có ba mươi phút mấy con, mà Hòa thượng cho ngồi một giờ, trời đất! Ôi thôi ngồi kiết già một giờ, nửa giờ sau Thầy nói nó rùng mình, nó đau cách gì chịu không nổi. Thầy uốn qua, uốn lại như thế này, uốn xương sống mình để chịu đau đó chứ đâu dám, người ta ngồi hai bên hết mà. Người nào mà quen thì họ đã tập trước lâu với Hòa thượng rồi, còn mình mới vô mà, thành ra ngồi chịu không nổi.

Nhưng Hòa thượng Thanh Từ là người biết thương đệ tử lắm mấy con. Hòa thượng thấy Thầy ngồi cứ uốn lưng hoài, Hòa thượng thì đi vác cái thiền bản như cái bản chèo, mấy con biết cái bản chèo để chèo ghe đó, gọi là thiền bản. Nó có cái bề dẹp, có cái cán tròn. Hòa thượng để trên vai này vác đi tới đi lui, hai bên thì đệ tử ngồi thiền. Thấy Thầy rùng mình quá, Hòa thượng biết Thầy đau chân lắm. Cho nên Hòa thượng lại xoa cái lưng cho Thầy, dịu cơn đau. Chắc có lẽ lúc bấy giờ chắc Thầy sợ Hòa thượng quá cho nên thấy mất đau mấy con (cười). Đúng đó mấy con. Vì hồi đó Thầy của mình thì mình sợ lắm. Bởi vì Thầy là người chưa có quen với Hòa thượng, chỉ lên học cái khoa tu thiền năm đó, năm 1970, về Chơn Không, ở đó tu tập.

(10:52) Cho nên Hòa thượng cũng rất thương đệ tử, thấy đau, khổ, cho nên Hòa thượng xoa, làm cho nó dịu. Nhưng mà Thầy cảm nhận từ chỗ tình thương của Hòa thượng cho đến cái bàn tay xoa dịu, rồi cộng luôn cả sự sợ hãi, nó làm cho giảm cơn đau nhiều lắm. Thầy cũng mang ơn Hòa thượng nhiều lắm.

Cho nên nhắc đến Hòa thượng không bao giờ mà Thầy quên ơn Hòa thượng. Mặc dù Thầy không tu pháp môn của Hòa thượng làm chủ sanh, già, bệnh, chết nhưng cái ơn của Hòa thượng, tình của Hòa thượng như một người thân; như một ông thân của Thầy; như 1 người cha thương con đúng nghĩa. Cho nên 3 tháng học hạ ở đó xong, rồi Thầy và hai huynh đệ nữa xin rời khỏi Tu viện Chơn Không. Thì Hòa thượng không có nói gì nhiều "Sợ các chú còn nông nổi quá", nói có vậy thôi. Mà Hòa thượng rất buồn. Còn Thầy thì ngậm ngùi rơi nước mắt, trước cái tình Thầy trò mà, ra đi. Thì mấy con thấy sống ở đâu Thầy cũng có tình hết, biết thương Thầy, thương huynh đệ.

4- ĐẶT TÌNH THƯƠNG ĐÚNG CHỖ LÀ GIẢI THOÁT

(12:11) Cho nên trong cuộc sống của mình tình cảm không được quyền giết nó mấy con. Nhưng chúng ta đem tình cảm chúng ta đặt đúng chỗ, nó sẽ được giải thoát; còn chúng ta đặt không đúng chỗ nó sẽ nguy hiểm đó mấy con. Nó làm chúng ta khổ, nó làm chúng ta mất mạng. Cho nên từ cái lòng thương yêu đó nó biến tình thương yêu của quê hương xứ sở của chúng ta, nó mạnh bạo lắm, nó can đảm lắm. Mình tu hành mình phải có ý chí, mình có nghị lực, mình có lòng thương yêu. Chứ đâu phải tu hành nói tôi diệt hết, tôi như gốc cây, ngồi như cục đá đó đâu. Đâu phải như vậy!

Tôi ly dục, ly ác pháp qua cái lòng thương yêu tôi, tôi ly dục. Bởi vì cái dục đó nó sẽ làm khổ tôi và làm khổ người khác. Cái ác pháp đó sẽ làm khổ tôi và làm khổ người khác. Cho nên tôi quyết định là tôi phải ly dục. Mà mình ly dục, ly ác pháp bằng tri kiến giải thoát của mình, bằng ý thức của mình hẳn hoi hoàn toàn. Cái đó sai, tôi không chấp nhận làm.

Con mắt nhìn ra ngoài thấy cái bông hoa đó đẹp, "Quay vô, đừng có ham. Bữa nay nó nở nó đẹp, ngày mai nó sẽ tàn, nó còn gì đẹp. Không thấy các pháp vô thường hả?". Phải không, mình cứ răn dạy cái tâm của mình riết rồi nó thông suốt rồi bây giờ nó không còn ham muốn gì hết nữa. Thì nó ly dục, nó hết ham chứ gì mấy con, thì nó giải thoát chứ gì.

Chịu khó sống một mình, chứ đừng có tập trung nhau nói chuyện thì thôi, Thầy nói mấy con vui theo đời mất, tu hoài không có được. Sống một mình rồi mình thấy từng tâm niệm của mình. Chứ không phải sống một mình, ngồi đó mà cố gắng ngồi thiền, ức chế ý thức của chúng ta đừng có cho niệm. Cái đó điều sai mấy con. Ngồi một mình, để tự do cái tâm mình nó nghĩ gì đó nó nghĩ. Nó muốn nghĩ gì cũng được hết hà. Nhưng mà mình làm chủ nó, không để cho nó bảo mình. Nó sai mình đi ra không được. Mà nó bắt mình nghe cái gì cũng không được hết. Luôn luôn lúc nào kêu nó quay vào trong thân; nghe tao nè; nghe trong thân; thấy trong thân; nhìn trong thân. Mình sử dụng sáu căn của mình để cho nó quay vào, thì mình làm chủ nó, tập riết mình làm chủ nó.

5- CHƠN LÝ CỦA ĐẠO PHẬT

(14:42) Cho nên pháp Như Lý Tác Ý rất tuyệt vời! Mà hôm nay Thầy đưa ra cái câu mà Thầy thường nhắc mấy con đó là cái chơn lý của đạo Phật: "Tâm bất động, thanh thản, an lạc, vô sự". Đó là cái chân lý mà mấy con.

Cho nên mình sống mà mình giữ gìn bảo vệ được cái chơn lý tức là mình chứng đạt. Chứ đạo Phật đâu có nghĩa chứng là nó ngoài cái tâm bất động của chúng ta đâu. Nhưng mà trong thân tâm chúng ta bây giờ nó có những cái biết, cho nên nó biết rõ là cái tâm bất động. Nhưng bất động nó không phải ở trong thân tâm chúng ta đâu mà cả ở vũ trụ. Cho nên chúng ta chết nó đâu có mất đâu mấy con.

Cho nên khi một người tu chứng nó có Tứ Thần Túc mấy con, các con thấy không gian mình đâu có thấy ông Phật đâu. Thầy đặt thành vấn đề cỡ bây giờ ông Phật muốn cho mấy con thấy, có cái duyên để cho mấy con thấy đức Phật Thích Ca Mâu Ni, Ngài chỉ cần ra lệnh thôi. Tứ đại trong không gian này hợp lại mà thành hình ảnh của đức Phật Thích Ca, ngày xưa. Thì lúc bây giờ tất cả trong không gian chúng ta có tứ đại mấy con, cái lệnh truyền nó là nó hợp lại thì nó sanh ra làm người. Mà sanh ra làm người vậy thì mấy con nghĩ rằng đó là biến hóa, không phải, đó là hóa sanh chứ. Nó có bốn chỗ sanh mấy con:

  •  

    Thấp sanh: là cái nơi ẩm ướt, như đất ẩm ướt cái loài côn trùng nó sanh ra đó. Chỗ ẩm ướt nó sanh ra gọi là thấp sanh.

  •  

    Noãn sanh: cái loài sanh trứng mấy con, đẻ trứng ra rồi từ cái trứng nó nở ra gọi là noãn sanh.

  •  

    Thai sanh: là sanh ra ngay đứa con, không có sanh trứng mà sanh ngay đứa con. Như con người chúng ta sanh con; như những cái loài vật như con bò, con chó nó sanh ra ngay cái con vật. Còn con gà, con chim thì nó sanh ra trứng, rồi từ trứng nó mới nở ra con nó.

  •  

    Còn cái hóa sanh thì mấy con chưa thấy. Cho nên các nhà Đại thừa không hiểu mấy con, nói con bươm bướm nó là hóa sanh. Đâu phải mấy con, từ con bươm bướm nó đẻ ra cái trứng, rồi từ cái trứng đó nó mới nở ra con sâu, từ đó con sâu nó mới mọc cánh ra nó mới làm con bướm. Các con hiểu chưa? Chứ đâu phải là tự không mà con sâu nó biến ra làm con bướm đâu, không phải đâu, không có đâu mấy con. Từ con sâu đó là trứng của con bướm đẻ ra. Chứ trứng của con chim mà đem nó ra thành con bướm được sao? Có phải không, mấy con thấy. Hay hoặc là lấy cái trứng gà mà bảo thành con bươm bướm đi, đâu có thành được.

(17:49) Tất cả những điều mà chúng ta học hôm nay là chúng ta đi tìm con đường giải thoát. Cho nên cái chân lý của đạo Phật, cái mà sự thật không thể thay đổi được, mới gọi là chơn lý.

Đạo Phật có Bốn Chân Lý. Cái chơn lý thứ nhất đức Phật nói con người là Khổ, cho nên gọi là khổ đế. Nghĩa là con người người nào cũng có khổ hết. Mà có người nào mà sanh ra nói tôi không khổ, đó là đi ngược lại lời của đức Phật dạy. Mà mấy con thấy có ai sanh ra không khổ? Cho nên cái đó là cái mà nói đúng, không sai, thì gọi là chân lý khổ!

Rồi Tập đế. Khổ-Tập-Diệt-Đạo, bốn cái lận. Tập là nó tập hợp tất cả những cái khổ lại. Tức là cái nguyên nhân nó tạo ra chúng ta đau khổ, đó là lòng ham muốn của chúng ta. Nó là cái chơn lý rồi. Chúng ta sinh ra ai cũng có lòng ham muốn hết. Có người nào sinh ra nói tôi không ham muốn gì hết? Chắc không bao giờ có điều đó đâu. Có phải không? Mà con người có ham muốn, tức là cái chơn lý rồi, không thể nào không. Nó là Tập đế, cái nơi mà tập hợp khổ, tức là lòng ham muốn của chúng ta là tập hợp của những sự đau khổ cho chính bản thân của mình.

Khổ- Tập - Diệt, Diệt đế, diệt cái sự đau khổ. Cái chơn lý diệt đế nó là cái chơn lý giải thoát. Mà sự thật người nào cũng có, Thầy nói “Tâm bất động, thanh thản, an lạc, vô sự” các con người nào cũng có hết. Nhưng mấy con sống chưa được cái đó. Cho nên mấy con còn bị Khổ - Tập nó làm cho mấy con khổ. Chừng nào mấy con diệt hết tập đế, cái sự tập hợp thành đau khổ mấy con diệt hết, tức là lòng ham muốn con diệt, thì mấy con sẽ ở trong trạng thái “tâm bất động, thanh thản, an lạc, vô sự” tức là diệt đế.

Còn Đạo đế là Bát Chánh Đạo, tám cái lớp học, tám cái đường lối từ thấp đến cao để mà chúng ta học tập. Cho nên chúng ta nói Bát Chánh Đạo, là đạo đế, là tám cái lớp học của một người để làm chủ bốn sự đau khổ sanh, già, bệnh, chết. Nó là sự thật, cũng như một chương trình đào tạo của bộ quốc gia - giáo dục, phải học lớp nào trước, lớp nào sau. Đó là tám cái lớp học, từ Chánh Kiến cho đến Chánh Định, tám lớp. Các con thấy chưa?

6- LINH HỒN KHÔNG CÓ, NGHIỆP ĐI TÁI SANH LUÂN HỒI

(20:57) Đạo Phật nó rõ ràng, nó cụ thể, nó chơn lý, nó sự thật, nó không có nói dối. Còn nói dối mấy con thấy như thế nào? Đại thừa nói dối đó mấy con! Tại sao Thầy dám nói Đại thừa nói dối? Nói Phật tánh! Nó nói trong thân chúng ta có Phật tánh, chết đi rồi Phật tánh còn. Phật gì mà ngu đến mức độ mà chui vô cái thân này? Có phải không mấy con? Phật gì mà ngu đến cái mức độ mà chui làm con chó, con heo, con bò? Đâu có đúng đâu. Đâu có Phật tánh!

Chết mà còn? Thân chúng ta đức Phật đã xác định có ngũ uẩn: Sắc - Thọ - Tưởng - Hành - Thức. Khi chết rồi năm uẩn hoại diệt hết, không còn 1 cái gì cho nên không có linh hồn. Còn cái kia dựa vào thuyết linh hồn để mà xây dựng cái Phật tánh. Không đúng mấy con. Cho nên mấy con đọc cuốn sách Thầy đã dạy, Thầy đã viết ra "không có Linh hồn". Mà cũng may mắn là Nhà nước, nhà xuất bản tôn giáo cho phép. Chớ còn cuốn đó đọc ra thì người ta nói thuở giờ ai cũng cho có linh hồn mà tại sao Thầy viết sách không? Cho nên xin cuốn sách đó cũng rất khó khăn, chớ không phải dễ. Nhưng mà cuối cùng thì cũng thành tựu. Cho nên con người chúng ta đừng nghĩ rằng có linh hồn mấy con. Chết là hết rồi!

Rồi cái gì đi tái sanh luân hồi mấy con? Hành động hàng ngày của mấy con thiện ác nó tương ưng nó tái sanh luân hồi đó, mà gọi là Nghiệp tái sanh. Nghiệp nó có biết cái gì đâu. Con tức giận là nó tức giận, rồi nó la, nó hét, nó đánh, nó buồn, nó khổ trong lòng của nó thì tự cái từ trường đó nó phóng ra rồi. Nó tương ưng với những cái sự la hét, tức giận của người khác nó y như nhau thì nó làm con của họ ngay tức khắc, nó tái sanh.

Cái cận tử nghiệp của mấy con là mấy con huân cái ham muốn, cái giận hờn, phiền não, đau khổ trong lòng của mấy con khi mấy con sắp bỏ cái thân này mấy con chết thì mấy con sẽ thấy rất rõ. Mấy con nằm đó, nó thể hiện qua giấc mộng của mấy con để nó thực hiện những cái ham muốn của mấy con. Giống như một người mà mua vé số trông nó trúng vé số. Cho nên ban ngày thì mua hoài, nhưng ban đêm nằm mộng để thấy trúng vé số, (không nghe rõ) mừng quá! Nhưng thức dậy thì chẳng có thứ gì hết mấy con.

Cái mộng của chúng ta là thực hiện cái lòng ham muốn của chúng ta, chứ không có gì khác. Một người mà không có ham muốn một cái điều gì thì người đó ngủ không có mộng. Người đó không sợ hãi, không giận hờn thì ngủ không mộng. Cho nên có người hỏi sao con mộng mị chiêm bao quá, làm sao cho nó hết? Thầy nói tác ý ly dục, ly ác pháp thì nó hết hà. Thì nó ly thì nó hết mộng, bởi vì nó còn dục đâu mà nó mộng. Tại vì mình còn ham muốn, mình còn dục thì nó còn mộng chứ sao! Nó thực hiện ban ngày cái lòng ham muốn không được thì nó phải thực hiện cái giấc mộng của nó, để nó thỏa mãn cái lòng ham muốn của nó.

7- TU KHÔNG ĐÚNG DỄ LỌT VÀO TƯỞNG

(24:44) Cho nên chúng ta tu đúng, không khéo thì chúng ta sống như trong giấc mộng. Mấy con tu sai mấy con ức chế ý thức của mấy con đó thì mấy con sẽ lọt trong tưởng. Lọt trong tưởng mấy con sống, mấy con cũng đi tới đi lui vậy, nhưng mà mấy con nói không đúng, mấy con nói trong mộng đó.

Mấy con thấy như các nhà ngoại cảm, họ đang sống trong mộng. Họ sống cũng bình thường, họ cũng ăn cơm, uống nước, nói chuyện như mình nhưng mà nói có linh hồn nhập họ đó, họ nói cái chuyện đâu đâu đó. Mà nói trúng chứ không có sai đâu mấy con, bởi vì cái tưởng nó giao cảm nói ra mà làm sao không trúng. Cho nên mới gọi họ là nhà ngoại cảm. Nó giao cảm, nó nói cái tưởng mà, làm sao nó nói sai được mấy con.

Trừ ra cái tưởng nó làm việc ít hoặc nó không làm việc nữa thì nhà ngoại cảm này nói trật lất hết, nói không có trúng. Ý thức chúng ta không thể nào giao cảm được những từ trường bên ngoài, những âm thanh bên ngoài được. Mà chỉ có, chỉ có tưởng thức của chúng ta thôi.

Còn một cái thức nữa mấy con, thức uẩn. Cái biết đó là tuệ Tam Minh đó mấy con, mấy con bỏ quên nó. Mấy con có thực hiện được hai cái biết. Cái biết của mấy con đầu tiên là cái biết của ý thức: mắt, tai, mũi, miệng, thân, ý. Đó là cái biết mà mấy con thực hiện trong cuộc sống hàng ngày của mấy con hiện giờ.

Và kế đó là ban đêm mấy con nằm mộng chiêm bao đó là cái tưởng thức của mấy con nó thực hiện. Các con thực hiện được hai cái thức, sắc thức và tưởng thức. Còn cái Thức uẩn mấy con chưa thực hiện.

Thức uẩn nó không ở xa mấy con đâu, nó ở ngay trên đầu mấy con, là những tế bào hoạt động. Những tế bào đó nó không hoạt động cho nên mấy con không làm việc được. Mấy con đánh thức nó, nó hoạt động. Thì mấy con đánh thức nó bằng “tâm bất động, thanh thản, an lạc, vô sự” thì nó sẽ hoạt động. Mà nó hoạt động thì nó có Tứ Thần Túc mấy con. Muốn cái gì nó làm cái nấy được hết. Nó muốn biết tất cả những gì ở quá khứ thì nó đều biết. Nó muốn biết tất cả những gì ở tương lai thì nó đều biết hết mấy con.

Đó là cái Thức thức của chúng ta. Nó nằm chờ để chúng ta triển khai nó hoạt động. Nó không ngoài cái thân của chúng ta mà có những cái điều đó mấy con. Nó không phải Thần thông! Mà cái người thường không thể làm được, mà nó hoạt động thì làm được.

Cũng như bây giờ chúng ta có cái tưởng thức mà nó không hoạt động thì chúng ta không thể làm nhà ngoại cảm. Nhưng mà trong chúng ta có những người lên đồng, nhập xác, có những người ngồi đồng, hầu đồng, mấy người đó là đồng bóng. Đó thì những cái người đó là những người sống trong tưởng mấy con.

Bây giờ mấy con tu tập tưởng, kiếp sau mấy con tái sanh làm người thì mấy con làm đồng bóng hết. Trời đất ơi! Tu làm Phật giải thoát, bây giờ đi làm đồng bóng, đặng múa mâm vàng, đặng nói chuyện linh hồn này kia nhập mình chứ có làm cái gì, uổng phí một đời. Cho nên mấy con tu tập mấy con tránh, đừng có lọt trong tưởng mấy con. “Ý làm chủ, ý tạo tác”, lấy cái ý mà làm chủ.

8- NHẪN NHỤC, TÙY THUẬN ĐÚNG PHÁP

(28:17) Mỗi cái điều ác pháp đến làm cho tâm mấy con phiền não đau khổ thì mấy con lấy ý mấy con tư duy, suy nghĩ. Những người mà làm khổ mấy con là những người có nhân quả, có nhân duyên với mấy con mới gặp mấy con, mới làm khổ mấy con. Thì mấy con nói: "Sẵn sàng trả nhân quả, vui vẻ trả nhân quả, không buồn rầu, không đau khổ!".

Có nhiều người năm ba vợ mà con muốn thêm, mấy người Thầy nói tật xấu! Bởi vậy phải dẹp hết những cái này. Càng nhiều lại càng khổ đau, ích lợi gì! Cho nên chúng ta dẹp hết, chỉ sống một mình thanh thản, an lạc, vô sự. Hạnh phúc vô cùng, không ai làm trái ý mình. Nhiều khi mình chưa bằng lòng lấy mình nữa mấy con.

Các con nghe nói cái câu Thầy dạy: "Nhẫn nhục, tùy thuận, bằng lòng". Người ta đem câu đó người ta áp dụng ngoài đời, để người ta chửi mình nhẫn nhục. Các con nhẫn nhục ở bản thân của các con, đối với con con nhẫn nhục với con chưa được, huống hồ nhẫn nhục với người ta. Các con chỉ chịu đựng nó chứ nhẫn nhục gì. Các con hiểu chỗ Thầy muốn nói không?

Người ta chửi mình, mình không chửi lại nhưng mà ấm ức trong lòng. Đó là mấy con nhẫn nhục à? Mấy con chịu đựng chứ nhẫn nhục cái gì!

Chính bản thân của mình, mình phải nhẫn. Đối với nó, mình phải tùy thuận với nó cho đúng pháp. Nó muốn ăn phi thời thì mình tùy thuận nó. Mình biết cơ thể của mình lúc bấy giờ chưa phải ăn ngày một bữa được, thì mình tùy thuận "được rồi tao không ăn, buổi sáng tao không ăn. Nhưng tao tùy thuận với cái cơ thể, tao không để cho mày bệnh đau". Bởi vì đụng cái mình ăn ngày một bữa nó đau. Cho nên mình tùy thuận, mình chỉ uống một ly nước, sữa hay hoặc gì đó. "Rồi nha, không đòi ăn nữa à". Uống rồi còn đòi chứ không phải nó chưa đòi đâu. Bây giờ mới dặn nó: "Uống rồi, thôi nha, không có đòi nữa à. Đó cho uống thôi. Đến trưa mới ăn".

Thì các con tập dần các con sẽ quen đi rồi mấy con sẽ không ăn bữa sáng, không uống buổi sáng. Chứ đừng vội ức chế nó quá mấy con. Làm khổ nó để mà làm gì? Chúng ta ăn ba bữa rồi bây giờ đùng một cái chúng ta quyết tâm ăn một bữa mà cái tâm chúng ta chưa có cái nghị lực, cái ý chí dũng mãnh thì coi chừng nó dập chúng ta nát hết, khổ lắm!

(31:04) Còn cái người mà có ý chí, có nghị lực đó quyết làm là làm được. Họ không sợ chết đâu mấy con, mấy người đó là mấy người họ có ý chí, nhất định ăn một bữa, đói chết bỏ nhất định không ăn, đến trưa ăn. Thì một vài ngày họ quen, một tuần lễ, tháng sau là họ ăn ngày một bữa, không sao hết mấy con.

Cũng như mới đầu mấy con ăn chay cũng khó lắm chứ không phải dễ đâu. Nhưng mấy con có nghị lực, có quyết tâm, có lòng thương yêu thì mấy con sẽ ăn chay được trọn vẹn. Chứ không khéo mấy con ăn chay chớ thấy người ta ăn thịt cá mấy con thèm.

Hầu hết là mấy ông Đại thừa ăn chay chứ không phải ăn mặn đâu, nhưng mà thèm lắm. Đó là mấy ông cố gắng. Còn mấy ông mà không cố gắng thì mấy ông thêm cái tội nữa ăn lén, thêm cái tội lén mà, thảm lắm. Mua thịt để giấu, để dành, đó là thêm cái tội xảo trá. Còn mấy cái ông đó thèm nhưng mà cố gắng khắc phục mình. Nhưng mà cái thèm đó là cái dục (không nghe rõ). Tại vì mình quen với thịt cá rồi bây giờ nó không ăn nó thèm chứ không phải là gì. Cho nên chúng ta cố gắng khắc phục.

9- TU TẬP CẦN PHẢI THƯA HỎI

(32:21) Hôm nay Thầy nói như vậy để chúng ta biết cái pháp mà làm chủ sự sống chết của mấy con đó là “tâm bất động, thanh thản, an lạc, vô sự”. Vậy mấy con còn thưa hỏi những điều gì, còn gặp những cái gì khó khăn cứ thưa Thầy, Thầy sẽ trãi hết những cái khó khăn, những mắc gút để mấy con đi suôn sẻ trên con đường giải thoát này bằng pháp Như Lý Tác Ý được an lạc, được thanh thản, được yên vui trên cái trạng thái bất động, nó không có làm khổ mấy con. Chứ không khéo mấy con tu tập nó sẽ gặp những cái chướng ngại mà mấy con không biết. Do tập sai, do tác ý không đúng, nó sẽ làm khổ mấy con.

Cho nên bây giờ mấy con cứ hỏi, tu tập tới đâu thì mấy con cứ trình. Rồi Thầy nghe coi thử coi mấy con tu được cái gì, không được cái gì. Rồi ngày mai, ngày mốt mấy con còn phải về, để rồi sắp xếp gia đình cho ổn. Rồi khi sắp xếp gia đình của mình một tháng, hai tháng, năm tháng, một năm…​ mấy con trở lại đây, thì lúc bấy giờ mấy con sắp xếp được ổn rồi, tâm không còn lo lắng gia đình của mình, thì mấy con đến đây mấy con tu tập được an ổn hơn. Và được gần thiện hữu tri thức mấy con. Bởi vì Phật dạy luôn luôn lúc nào chúng ta muốn tu giải thoát thì phải thân cận thiện hữu tri thức, không được ở xa cái người có kinh nghiệm sự tu tập. Thì thân cận để chúng ta thường thưa hỏi những điều tu tập của chúng ta. Bởi vì chưa biết thì chúng ta sẽ có những sự tu sai, có những khó khăn trên bước đường tu tập. Thì chỉ có người thiện hữu tri thức, người đã có kinh nghiệm qua rồi, người biết cái đó nó sẽ ở đâu thì giúp đỡ cho chúng ta vượt. Để rồi chúng ta đi tới sự giải thoát hoàn toàn.

Mấy con cứ hỏi, bây giờ bên nam các con hỏi trước đi. Hay là mấy con nhường bên nữ? Mấy con muốn nhường bên nữ thì để nữ.

10- HỌC CÓ CĂN BẢN TỰ LẬP THẤT TU ĐƯỢC KHÔNG?

(34:43) Phật tử namCho con hỏi là con, thí dụ như chúng con học được cái căn bản, xong chúng con có căn bản, là chúng con cũng học được tương đối rồi thì chúng con có thể tự lập thất tự tu được không?

Trưởng lão: Được. Nhưng mà khi mà con tu con thấy có những trạng thái, nó có hai trạng thái. Một cái trạng thái nó làm chướng ngại; một cái trạng thái nó làm cho con an ổn. Khi mà gặp an ổn thì con cũng xin thưa hỏi Thầy, viết thư hoặc là gọi điện thoại liền cấp tốc đi. Chứ đừng có nghĩ rằng bây giờ tôi tu tôi độc cư không có nói chuyện nữa thì coi chừng đi lạc đường.

Mà gặp những cái chướng ngại trên thân con, cái trạng thái đó khi ngồi như thế này, bỗng dưng nghe tức ngực, hay nghe nặng hay hoặc như thế nào trong thân con thì phải thưa hỏi. Để người ta kịp thời người ta chặn đứng nó lại, không để cho nó đi sai quá. Phải không?.

Chớ còn khi mà đọc sách đã hiểu rồi, con đóng thất ở bất cứ chỗ nào tu cũng được hết. Nhưng nó bình thường nó không có gì thì tiến tới tu, còn nó có sự an ổn là phải hỏi. Nó bình thường nó không an ổn trong lúc này mà nó có an ổn, coi chừng bị xúc tưởng hỷ lạc nó cũng nguy hiểm. Mà nó có những trạng thái chướng ngại nó làm cho đau nhức, hay hoặc là tức lói chỗ này chỗ kia thì cái đó phải mau mau hỏi lại. Cái đó dễ rồi. Nhưng mà cái an lạc, thích đó cứ ngồi riết đó, thì không được, phải thưa hỏi. Để cho người ta xác định cái tâm con nhiếp tâm, cái tâm con nó sẽ ở chỗ nào đó mà nó xuất hiện cái đó, thì lúc bây giờ người ta cho quyền con chỉ tu trong cái thời gian nào đó để chuyển qua cái pháp khác. Con phải thưa hỏi như vậy, để mình tu nó không lạc đường, nó không phí thời gian của con. Chớ đóng thất tu là tốt lắm mấy con!

Con có thưa gì không con?

11- PHÁP TU PHÙ HỢP VỚI ĐẶC TƯỚNG

(36:40) Phật tử nữDạ con kính bạch Trưởng lão! Con là Minh Tâm ạ, năm nay con 65 tuổi ạ. Con xin Trưởng lão là cho con tu pháp môn nào để tu tập đúng đặc tướng của con ạ.

Trưởng lão: Bây giờ con ngồi xuống đi con để Thầy nói.

Trong lúc con ngồi con nhắc như thế này: "Tâm bất động, thanh thản, an lạc, vô sự", con ngồi yên nó khoảng một phút nó có niệm chưa con? Nó có khởi một cái vọng tưởng không?

Phật tử nữKính bạch Trưởng lão, có ạ.

Trưởng lão: Có hả con. Rồi, như vậy là trong một phút mà có niệm thì con cần phải tu tập nhiếp tâm theo phương pháp con nhiếp:

  • Thứ nhất, là nếu hơi thở của con nó không rối loạn, không tức ngực thì con dùng hơi thở. "An tịnh tâm hành …​", bởi vì một phút mà nó có niệm đó, thì cái tâm con nó chưa an, con hiểu không? Cho nên con phải dùng cái Định Niệm Hơi Thở con sẽ nhiếp tâm nó, nhiếp cái tâm nó vào trong cái hơi thở. "An tịnh tâm hành tôi biết tôi hít vô. An tịnh tâm hành tôi biết tôi thở ra". Tác ý rồi con mới hít vô, thở ra.

Mà trong khi tác ý đó thì con để tự nhiên con thở ra, thở vô chứ đừng nín thở mà tác ý. Lỡ câu mà tác ý dài quá nín thở, con tu hơi sao nó mệt quá. Bị mình nín thở mình tác ý mà, nó không mệt sao được, có phải không? Mình cứ tác ý, cứ thở nhưng mà xong cái câu tác ý của mình rồi bắt đầu khởi sự cái hơi thở của mấy con đó, mấy con tác ý "Hít vô" thì mấy con sẽ hít vô trước và thở ra sau. Rồi xong cái hơi thở đó rồi thì mấy con tác ý thở bình thường, chứ đừng có nín thở mà tác ý. Phải không, thì mấy con cứ thở bình thường rồi mấy con tác ý: "Hít vô tôi biết tôi hít vô. Thở ra tôi biết tôi thở ra". Hay hoặc là "An tịnh tâm hành tôi biết tôi hít vô. An tịnh tâm hành tôi biết tôi thở ra".

Hồi nãy là Thầy cho hai câu, một câu dài và một câu ngắn. Cái câu dài thì "An tịnh tâm hành tôi biết tôi hít vô. An tịnh tâm hành tôi biết tôi thở ra". Còn câu ngắn là "Hít vô tôi biết tôi hít vô. Thở ra tôi biết tôi thở ra". Con muốn sử dụng hai câu này dễ, không có khó gì. Nhưng đừng có vừa hít vô vừa thở ra mà tác ý theo nó thì không được. Con tác ý xong rồi bây giờ đó mình mới thở hơi thở ra, vô nó khác, con hiểu không?

Còn con?

12- PHẬT TỬ THƯA HỎI PHÁP DANH VÀ PHÁP TU

(39:27) *Phật tử Diệu Thanh*: Kính bạch Thầy! Hôm nay Thầy cho con pháp danh là Diệu Thanh, con xin Thầy giảng nghĩa cho con.

Trưởng lão: Con ngồi xuống đi con. Chữ "Thanh" là trong sạch, mà có nghĩa là thanh tịnh. Phải không? "Diệu" đây có nghĩa là ôn tồn, nhã nhặn, nhẹ nhàng, êm ái. Chữ "diệu" mà, vi diệu, nó nhẹ nhàng, êm ái. Phải không, các con thấy chưa?

Cho nên cái sự thanh tịnh, cái sự trong sạch nó giúp cho tâm con nó sẽ nhẹ nhàng, êm ái trong cuộc đời của con. Cho nên con mang pháp danh đó, thì con phải sống sao cho thanh tịnh, luôn lúc nào cũng dè dặt. Lỡ mà nói to tiếng "Quên, tên mày là Diệu Thanh đó, mày nói to là không Diệu đâu", có phải không? "Diệu" thì phải nhẹ nhàng ôn tồn chứ! Cho nên vì vậy mà nói ra một lời nói thì nhẹ nhàng, ôn tồn. Đó là “Diệu”.

Còn làm cho mọi người vui, không làm khổ mình, khổ người đó là Thanh tịnh, con hiểu không? Nghĩa là mình đừng có làm ai khổ hết nó là thanh tịnh; mà làm có người khổ trong đó thì nó không thanh tịnh.

Đầu tiên, Thầy nói thanh tịnh là trong sạch, thì mấy con tưởng tượng như nước nó trong veo giống vầy, à mấy con tưởng tượng vậy đó. Nhưng mà tới câu cuối cùng Thầy kết luận cho mấy con thấy không làm khổ mình, khổ người là trong sạch. Bởi vì cái tâm mình nó khác chứ đâu phải nước sao, có phải không, mấy con hiểu không? Nó thanh tịnh là nó không làm khổ ai hết thì nó thanh tịnh. Mà nó còn làm khổ người khác…​ Rồi bây giờ mấy con nghe ờ tui "Thanh""Thanh tịnh" chắc có lẽ là mình làm cho cái tâm mình đừng có niệm gì hết, nó thanh tịnh. Điều này là điều bị ức chế tâm, sai! Không đúng mấy con. Con nhớ những cái nghĩa mà Thầy dạy cho con đó, con giữ đúng tên của con, để mà con thực hiện được.

Tên của con không có nghĩa là để phân biệt con với người khác, mà tên của con nói lên được cái tính của con, cái đặc tính, đặc tướng của con mà. Cái tính của con để con sống trong cái tính đó, cái tính thanh tịnh, cái tính trong sạch, cái tính ôn tồn đối với mọi người, đối với mình. Con hiểu không?

Đó là một đạo đức đẹp đẽ, một oai nghi tế hạnh đẹp của một con người chúng ta cần phải làm, cần phải thực hiện cuộc sống của chúng ta như vậy. Cho nên Thầy đặt những cái pháp danh mà mấy con lưu ý, cái pháp danh của mấy con là thực hiện được cái tính của con người sống. Mang cái tên đó phải làm cho y như cái đó thì nó mới xứng đáng, xứng đáng cái người mang tên.

Rồi, mấy con có hỏi Thầy gì thêm nữa mấy con?

(42:13) Phật tử Diệu ThanhThầy cho con cái pháp để con tác ý ạ?

Trưởng lão: Tác ý hả con? Ừm.

Cho nên cá pháp tác ý là cái pháp dẫn. Dẫn tất cả những cái, mình muốn cái đó thì mình phải dùng pháp tác ý để mình dẫn cái tâm mình con. Mình dẫn cho mình đi vào cái sự an ổn, cái sự thanh tịnh, cái sự tốt đẹp.

Thí dụ như con luôn có cái tật là mỗi lần nói ra thì không có nói ôn tồn được, thì con tác ý riết câu này: "Từ đây về sau không có nói như vậy nữa nha. Nhẹ nhàng, ôn tồn với người khác". Con tác ý vậy chứ mà, tự nhiên nó thấm nhuần rồi cái nó mỗi lần nói ra gì thì đầu tiên thì nó còn nhắc ở trong tâm con, trong đầu con, sau đó không có cần nhắc con biết liền. Cái pháp tác ý nó thấm nhuần đó rồi. Nó giúp cho chúng ta thuần thục trên đạo đức.

(43:11) Phật tử Diệu NgọcBạch Thầy, Thầy cho con cái pháp danh là Diệu Ngọc, xin Thầy giảng cho con nghe ạ.

Trưởng lão: Tên của con tốt quá, “Ngọc” đắt tiền lắm đó con (cười), đây bây giờ không biết là ngọc gì đây. Con ngồi xuống đi con.

"Diệu" tức là một cái loại ngọc chiếu ra ánh sáng mát mẻ. Con hiểu không? Thường thường viên ngọc nào cũng có ánh sáng mấy con.

Ngày xưa Thầy về tại Tu viện Chơn Như Thầy ở, mới đầu tiên Thầy về nó là khu rừng tranh, có vài cây đồng mức thôi, rồi có một số rắn ở. Vậy mà Thầy đến Thầy ở chung đó mấy con.

Thầy cất, ban đầu Thầy trèo trên cái miểu. Cái miểu đó là của cách mạng người ta cất để cho 1 cái người, để mà người ta đến đó người ta thắp hương, mục đích thắp hương đó không phải cúng Thần, Phật, hay là cô hồn cát đảng gì hết, nhưng mà để báo. Khi có cây hương thắp là biết rằng lính quốc gia nó không có kích ở trong cái khu ấp chiến lược. Thì mấy ông cách mạng, mấy ông du kích này mới rủ nhau trong đó vô phá, phá rào của ấp chiến lược. Mới chặt phá, mới ban. Các con hiểu không? Mà thấy mà không có cắm nhang đó thì biết là có lính kích trong đó vô nó bắn đổ ruột hết.

Bởi vì mấy ông cách mạng họ tổ chức có một người ở trong ấp chiến lược, các con thấy tổ chức hay lắm. Cho nên khi có lính vô thì cái ông này ông không đi, thì không có cắm nhang. Con biết không, mà không có lính kích ở trong ấp chiến lược, giữ ấp chiến lược đó thì ông này ông ra cắm nhang, báo mấy ông du kích mới đến mới nhìn trên cái miểu này thấy có nhang là biết ở trong này không có lính kích, vô chặt cái hàng rào ấp chiến lược. Cho nên mấy con biết hồi đó, hồi thời ông Diệm nó làm ấp chiến lược, nó cất, nó bắt dân nó lùa vào trong đó hết mà. Để nó lìa cộng sản với dân, mục đích nó lìa cá nước đó, cái chiến thuật của nó như vậy mấy con thấy.

Trong cái thời của Thầy hồi mà bằng mấy con đó, Thầy sống, thiệt! Khổ lắm. Chứ đâu phải là thường đâu, mà Thầy lại sống là nơi Chùa Am, cái nơi mà cách mạng làm việc ở đó. Đó nó vậy.

(45:46) Cho nên Thầy thấy là khi mà chúng ta tu tập thì chúng ta phải biết rõ ràng cách thức chúng ta tu tập. Chứ còn nếu không nắm cho rõ ràng tu tập thì chúng ta sẽ mắc bệnh, mắc bệnh trên cái phương pháp tu tập.

Thì hôm nay con hỏi Thầy về pháp danh của con đó, cái "Ngọc" mà hồi nãy Thầy nói Thầy ở một mình, có một bầy rắn nó lạ lùng Thầy cũng chẳng biết. Một đêm đó Thầy đang ngồi thiền, Thầy thì ngồi thiền hoài hà ít có nằm ngủ lắm, vậy mà cái ông rắn ổng tha vô ổng bỏ trước mặt Thầy 1 viên ngọc mấy con. Thầy không có thắp đèn thắp đuốc gì hết hà, nó bò vô nó nhả ngọc, ngọc tròn vầy. Trong cái miếng ngọc tròn, nhỏ như thế này nó có, khi ban ngày mình đem ra mình coi lại kỹ thì ở trong đó có con mắt, giống như con mắt người, mà nó sáng ra một cái vùng vậy. Cái ánh sáng nó sáng ra như cái ngọn đèn, thì ờ ngoài xung quanh Thầy nó mờ mờ, ánh sáng mờ mờ, cục ngọc nó có ánh sáng.

Mà con “Ngọc”, pháp danh là “Ngọc” thì đó là ánh sáng. Mà ánh sáng gì? Ánh sáng thanh tịnh con. "Diệu Ngọc", cái ánh sáng nó êm dịu nó làm cho người tu an ổn vô cùng. Không, Thầy nói đây là Thầy là người có phước đó rắn cho ngọc đó. Thật sự Thầy có phước thật chứ. Chứ nếu không phước Thầy làm sao Thầy tu chứng mấy con, có phước. Cảm động đến cái loài vật, mà nó mang ngọc đến nó cho Thầy.

Thì Thầy nói như thế này để cho mấy con biết tại sao nó cho Thầy. Thầy ở trong cái khu đó nó có một cái giếng lạn. Thầy phải đi lấy nước Thầy dùng, Thầy phải xuống cái giếng đó Thầy mới hốt bùn cho nó sạch mới có nước. Rồi Thầy dùng cái thùng, Thầy mới cột sợi dây Thầy mới quăng xuống, Thầy mới lấy nước Thầy lôi lên để hàng ngày tắm, giặt, hoặc Thầy uống Thầy sử dụng nước đó. Nhưng mà không ngờ rắn nó bò nó lại rớt xuống. Thầy thì cũng sợ rắn cắn lắm (cười), nhưng mà nghe nó lội xổm xổm ở dưới nước Thầy không biết con vật gì, mà Thầy thì đâu có đèn pin. Cho nên lần lượt Thầy mới từ ở trên miệng Thầy mới đi xuống, sát xuống Thầy nhìn thì nó là hai con rắn, rắn rất lớn. Hai con rắn cỡ bây lớn nè. Nó bằng rắn hổ mấy mà nó dài vầy nè, mà Thầy nói nó có khoang, có khoang, có khoang. Con trắng, con đen đó.

Thì Thầy xuống Thầy thấy thôi Thầy bò lên không dám đụng sợ nó cắn. Thầy mới nghĩ bây giờ tìm cách nào để cứu nó đây. Thầy mới chạy, từ ở chỗ Thầy ở đó Thầy mới chạy vô ấp, Thầy mới xin một cái cây tầm vông mấy con. Thầy mới chặt, mới đem thòng xuống, con rắn nó mới theo cây tầm vông nó quắn, nó bò lên. Thầy cứu hai con rắn. Rồi bắt đầu bây giờ mấy con rắn nó sống chung với Thầy. Rồi khi mà nó nhả ngọc nó cho Thầy rồi nó đi đâu mất Thầy không biết. Coi như nó từ giã Thầy nó đêm 1 cái vật gì nó biếu Thầy để mà đi.

(49:24) Thì cái con vật nó cảm thông được với mình chớ. Cho nên mấy con thấy rắn đừng sợ mấy con, nó có duyên với mình. Thầy sống chung với rắn (cười) mà. Cho nên cái người tu họ không sợ cọp, sợ beo, sợ gì hết. Thầy lên Hòn Sơn Thầy ở một mình, vượn hú ghê gớm lắm nhưng mà không sợ gì hết. Thì rất là thanh tịnh, rất là yên ổn mấy con. Tu hành mà sợ gì, có gì đâu mà sợ. Ma cũng đâu có mà sợ. Cọp cũng không có ăn thịt mình đâu mà sợ, rắn cũng không bao giờ cắn mình. Chỉ ra mấy con vô ý mà thôi, mấy con đạp nó. Nó nằm nó khoanh theo, thường thường nó bảo vệ nó thì nó khoanh cái đầu nó để giữa, nó khoanh tròn vầy, chớ cái đầu nó ló giữa. Mấy con đi mà không thấy, mấy con đạp nó thì nó đau quá nó mới mổ mấy con thôi. Nó bảo vệ nó, chứ nó không phải nó quyết tâm cắn mấy con đâu.

Cho nên vì vậy mà khi nó nằm như vậy thì mình tránh nó thôi mình đừng đạp nó. Mình đi sát vầy nó cũng không cắn đâu con, mình đừng có đạp đau nó thôi. Nó vậy, Thầy biết con vật nào cũng vậy mấy con. Cái con bọ cạp đó mấy con thấy nó sợ, nó bò nó cắn mấy con chứ sự thật ra nó không cắn mấy con đâu. Nó bò trên áo mấy con thấy, mấy con cứ để tự nhiên đó, mấy con đừng có làm cho nó sợ nó cắn mấy con, nó chích mấy con đó. Chứ mấy con cứ để tự nhiên nó bò nó đi hà. (Phật tử: Thưa Thầy như con rết?). Con rết cũng vậy con, con cứ để tự nhiên. Bởi vậy Thầy nằm ngủ, mấy con biết rết nó bò trên mặt Thầy nó nhột, thay vì Thầy phải phủi chứ gì, mà phủi nó cắn. Cho nên Thầy không phủi, để cho nó bò tự nhiên, rồi nó bò đi hà. Con rết đó, con rết nhiều chân đó con.

(51:11) Phật tử Diệu Ngọc: Bạch Thầy là, con xin Thầy cho con pháp tu ạ?

Trưởng lão: Bây giờ đó con là phải thực hiện cái pháp danh của con đó như là viên ngọc, viên ngọc sáng. Đặt con cái pháp danh đó như là viên ngọc sáng. Vì vậy mà con phải cần cố gắng để giữ tâm mình, càng trong sạch, càng thanh tịnh cho nó đúng cái tên. Nghĩa là mỗi lần ham muốn điều gì thì con nhớ tư duy suy nghĩ, đây là cái pháp à con, lấy tri kiến hiểu biết của con, con tư duy suy nghĩ con xả nó xuống, đừng có ham muốn. Ai có nói nặng nói nhẹ con, con: "đây là nhân quả, mình vui lòng mà trả cái nhân quả cho xong, đừng buồn đừng giận người ta". Con cứ nhắc vậy thì con sẽ được sạch sẽ, trong sáng như là viên ngọc. Con hiểu không? Tức là nó xứng đáng với cái tên, pháp danh của con. Nó mang đầy đủ ý nghĩa của nó, Diệu Ngọc!

(52:18) Phật tử Liên ĐứcCon kính bạch Thầy ạ! Thầy cho con pháp danh là Liên Đức,…​ cho con hiểu cái từ đấy thì Thầy có trả lời thư con nhưng con cũng không hiểu rõ lắm ạ, Thầy cho con xin cái pháp tu ạ.

Trưởng lão: Cái pháp danh của con là Liên Đức, Liên là sen, mà sen thì ở nơi bùn lầy, mà cái đức của sen là đức trong sạch. Con hiểu rồi phải không?

Cho nên mình ở trong tất cả mọi người điều là ác pháp hết, là bùn lầy đó mấy con, nó dễ làm mình khổ tâm lắm mấy con, cho nên vì vậy mình phải vươn lên, đừng có bị nhiễm ô bùn lầy. Đừng có làm như họ, đừng có giận, đừng có tức, con hiểu không? Thì con như hoa sen mà. Hiểu chưa?

Bây giờ hiểu rồi thì muốn thực hiện pháp đó thì con cứ Như Lý Tác Ý mà tác ý. Tác ý cái pháp danh của con. Mỗi lần mà người ta nói gì con buồn phiền, con tức giận thì "phải như hoa sen ấy chứ, ở nơi bùn lầy thì phải vui vẻ chứ sao lại tức giận". Thì nội bây nhiêu đó con đủ rồi, con cũng giải thoát rồi, phải không? Tùy theo cái pháp danh của con mà con biết áp dụng vào cái phương pháp Như Lý Tác Ý thì con sẽ cứu con thoát khổ. Phải không mấy con, mấy con phải tự tư duy chứ.

Trừ ra không hiểu, Thầy mới dạy, Thầy mới mớm nghĩa cho mà tu. Chứ không phải là để ca ngợi "cái tên của con quá đẹp, trời ơi! Liên Đức đẹp dữ…​" (cười). Nó không phải vậy mấy con.

Mà là cái đức của hoa sen, sống nơi bùn lầy mà không hôi tanh mùi bùn mới gọi là hoa sen chứ, mấy con hiểu chưa? Ráng mà tu tập đi mấy con, rồi mấy con ước nguyện, mấy con ước nguyện chứ không khéo ác pháp nó lôi mấy con mất đây à. Ước nguyện làm sao tôi sẽ được gần Thầy, gần một người Thầy giải thoát để giúp cho tôi giải thoát. Tôi ước nguyện, tôi mong ngày đêm để ngày nào đó đủ duyên tôi sẽ đến ở gần bên Thầy tôi tu. Tôi quyết tâm tu giải thoát chứ tôi không còn đắm nhiễm trần gian này nữa hết. Mấy con cứ ước nguyện ngầm ở trong tâm ước nguyện, cố giữ gìn năm giới cho thanh tịnh, đừng có vi phạm mấy con, cái sự ước nguyện của mấy con sẽ thành tựu được mấy con. Nó sẽ đến với mấy con, không xa đâu mấy con. Rồi mấy con sẽ lần lượt ở gần bên Thầy, được Thầy như là một người mẹ mà hướng dẫn cho một người con từng bước đi, nắm hai bàn tay đứa con của mình mà tập cho nó từng bước đi. Chừng nào nó đi vững vàng mới thả nó ra chứ không khéo buông nó ra nó té. Thầy bây giờ buông ra thì mấy con sẽ té. Các con hiểu điều đó.

Cho nên vì vậy mấy con nghĩ Thầy cũng như người mẹ mà thương con của mình, mới biết bước đi, coi như bây giờ mấy con mới biết bước đi chập chững, mà nếu thả tay thì mấy con sẽ té. Té thì đau khóc, là mất công mẹ dỗ, phải không mấy con? (cười).

Rồi bây giờ con hỏi gì với Thầy?

(55:38) Phật tử Thanh Ngọc: Dạ Thầy, pháp danh con là Thanh Ngọc, Thầy cho con xin đặc tướng con tu theo pháp nào?

Trưởng lão: Bởi vì “Thanh Ngọc" là cục ngọc màu xanh. Con hiểu không? Cái viện ngọc màu xanh. Vì vậy mà cái màu xanh là cái màu mát mẻ. Con thấy cái màu đỏ, màu vàng là màu nóng nảy, cái màu khô khan. Mà màu xanh con nhìn, khi mà cái tàn cây kia lá xanh tươi con thấy mát mẻ, cái thảm cỏ kia xanh tươi nó mát mẻ. Tức là màu xanh đó con, con hiểu không? Như vậy là con phải thực hiện ngay để tâm của mình luôn luôn là cái người mát mẻ. Lời nói cũng nghe mát mẻ, có phải không con? Hành động sống hàng ngày đối xử với ai cũng mát mẻ, chữ mát mẻ Thầy nói để thực hiện được cái màu xanh của nó. Thanh Ngọc mà con, Tên cũng quá đẹp, thanh Ngọc! Có phải không mấy con?

Mà thực hiện được cái màu xanh đẹp đẽ của một viên ngọc màu xanh thì càng đẹp lắm chứ sao! Cho nên vì vậy mà pháp danh của mấy con để thực hiện được cái tên của mấy con qua đặc tướng của nó, cái tính của nó để thực hiện được những sự giải thoát thực sự tâm hồn. Cố gắng mấy con!

Nhận được cái tên của mấy con rồi, thì phải thực hiện sống sao cho đúng với cái tên của mình thì mấy con sẽ làm Phật không bao lâu. Phải không? Phật đâu có gì khác, đem lại sự sống bình an cho mình, cho người thì đó là Phật.

Cũng như bây giờ mấy con chửi Thầy Thầy không giận người nào hết! Mà luôn luôn lúc nào cũng thương yêu mấy con, đem lại sự bình an cho mấy con. Chứ giận chửi mấy con thì tức là đâu phải Phật nữa! Mấy con có làm gì, có sai gì đi nữa Thầy cũng không mắng chửi mấy con, mà cố gắng sửa.

(57:45) Phật tử Diệu ĐịnhThưa Thầy, Thầy cho con pháp danh là Diệu Định, thưa Thầy giảng cho con pháp danh và đặc tướng của con.

Trưởng lão: Con cứ ngồi đi. Cái pháp danh của con là Diệu Định phải không? (Phật tử: Dạ) Thì con phải tập Thiền Định nhiều đó. Bời vì Định là Thiền Định chứ gì. Phải không, mấy con hiểu không? Định là tâm định, tâm không dao động, không giận hờn, không phiền não. Đó là Định. Như vậy là con phải tập sao cho xứng đáng với pháp danh của mình, luôn luôn ở trên cái sự định của nó, cái sự bất động tâm của nó. Cho nên vì vậy mà câu tác ý "Tâm bất động, thanh thản, an lạc, vô sự" là phương pháp tu của con, đặc tướng của con, con hiểu không, để nó thực hiện "Định".

Các con hiểu chưa? Nãy giờ Thầy có dạy trùng không, có trùng ai hết không?

(58:47) Phật tử Diệu Hương: Thưa Thầy con là Diệu Hương, xin Thầy cho con pháp hành con tu tập hàng ngày, khi con đi làm.

Trưởng lão: À, chữ "Phương" đây nó không phải là…​.

Phật tử: Thưa Thầy, con là tên là Hương Thầy.

Trưởng lão: Diệu Hương phải không? Mà nếu, cái chữ Hương có nghĩa là mùi thơm đó. Làm sao mình thực hiện được cái mùi thơm của sự tu tập giải thoát để nó bay khắp, nó bay cái mùi hương nó bay ngược gió được mấy con. Thường thường, cái mùi hương của hoa thì nó bay theo cái chiều gió, nó không bay ngược được. Nhưng mà cái mùi hương của con người, cái mùi hương đạo đức nó bay ngược chiều gió, không ai cản được nó. Cho nên, Thầy đặt con Diệu Hương, tức là cái tên thì quá đẹp, mà lại còn đi ngược chiều gió, đi ngược những ác pháp con. Con phải thực hiện được ngay chỗ ác pháp, mùi thơm của nó, chứ không khéo mấy con thực hiện ngay ác pháp mùi thối, thôi chết lo mà chạy (cười), con hiểu chưa? Bởi vì mình tức giận, người ta chửi mình mình chửi lại, đó thì mùi thúi đó. Mà mùi thơm á, người ta chửi mình mình cười vui vẻ, thì đó là mùi thơm, mùi thơm nó đi ngược chiều gió mấy con. Hiểu không? Vì vậy mà con phải thực hiện.

Cho nên nếu mà Thầy đặt con là Diệu Phương…​

Phật tử: Con tên Hương ạ.

Trưởng lão: Ờ, Thầy biết rồi Diệu Hương. Thì chữ Phương này mấy con đừng có hiểu nó là phương hướng. Chữ "Phương" á con. Thầy ví dụ bây giờ ở đây có một người mà Thầy đặt là Diệu Hương hay hoặc là một cái pháp danh Thanh Hương, à Thanh Phương, thì mấy con phải hiểu chữ "Phương" đó là cái mùi thơm, chữ "Phương" chữ Hán có nghĩa là cái mùi thơm chứ không phải phương hướng, phương Đông, phương Tây, phương Bắc, phương Nam. Các con hiểu?

Bởi vì, chữ "Phương" mà phương Bắc, phương Nam nó khác mà chữ "Phương" mà có mùi thơm á thì nó có bộ Thảo ở trên đầu của nó, chữ nho mà mấy con, mấy con học chữ Nho mấy con nghe nói bộ Thảo là biết hà.

À, mấy con mà làm, mà Thầy làm tu sĩ đó phải học chữ Nho hết. Tại sao vậy mấy con biết không? Tại vì Hán tạng của mình, quý thầy truyền quá nhiều. Nhưng chữ Việt của mình mới là chữ của mình chứ không phải chữ Hán. Nhưng mình phải biết, bởi vì nó trong cái giai đoạn mà giao thời giữa Phật giáo Trung Quốc truyền sang qua Việt Nam và từ người Việt Nam mình triển khai Phật giáo của Việt Nam. Thì hai cái này đều là mình phải thông suốt, nếu không thông suốt á, người ta thấy ông thầy đó dốt chữ Nho quá. Có phải không, người ta coi thường mình lắm á.

Cho nên mấy con thấy, Thầy vậy chứ Thầy thông chữ Nho dữ lắm á. Tám tuổi, được ông thân của Thầy là một vị trụ trì ở trong cái chùa Am này đưa về tu, ổng rèn Thầy học chữ Nho không bởi vì ông không có biết chữ Việt. Ông lại dốt chữ Việt mà ông lại biết chữ Nho, thành ra Thầy học chữ Nho hồi nhỏ. Mà tới 16 tuổi Thầy mới đi học chữ Việt mấy con. Tại vì khi mà Thầy đưa mấy đứa em Thầy đi ra trường mà học chữ Việt á, Thầy thấy sao mà cái chữ này kì lạ mà, mà thấy nó dễ học quá. Thầy mới hỏi ông Thầy mà dạy mà lớp 5, hồi đó lớp 5 là lớp 1 mấy con. "Lớn tuổi như em 16 tuổi vậy đi học được không Thầy?", ông nói bây giờ vô không có được, vô trong trường không được, nhưng mà em là người ham học á thì em hãy đến nhà Thầy, Thầy dạy. Rồi, Thầy dạy em rồi, Thầy chứng giấy tờ cho em, em mới lên em học. Từ đó, em mới vào trung học em học được, chứ còn tuổi em bây giờ phải ở trung học rồi. 15 tuổi người ta thi vô Pétrus Ký rồi, còn bây giờ 16 tuổi mà chưa biết abc gì hết mà làm sao mà vô được, con hiểu không? Cho nên vì vậy mà trên 15 tuổi thi vô Pétrus Ký là không cho. Ở thành phố mình có cái trường Pétrus Ký là cái trường danh tiếng lắm đó mấy con, trường nam đó. Mà 15 tuổi là nó cho vô thi. (À bây giờ Lê Hồng Phong là phải rồi). Còn, trên cái tuổi đó thì khỏi có mong vô cái trường đó, lớn rồi nó không có cho vô, tại cái tuổi đó mới vô cái lớp đề cấp của nó.

(01:03:38) Phật tử Diệu Lý: Con kính bạch Thầy ạ, tên con ở ngoài đời là Đỗ Thị Năm, hôm nay con xin được Thầy, Thầy ban cho con pháp danh là Diệu Lý, nên là con cũng muốn xin Thầy (không nghe rõ). Con ở Thanh Hóa hôm nay có duyên gặp Thầy con rất mừng.

Trưởng lão: À bây giờ đó thì à, như con bây giờ đó, cái thời gian nó tóc bạc rồi, nó sắp hết rồi. Thì giờ phải nỗ lực tu tập, chứ không khéo cái thời gian nó không kịp được nữa, giải thoát không làm chủ kịp. Cho nên phải ráng cố gắng tu tập. Thì bắt đầu bây giờ đó con phải nỗ lực con ôm chặt cái pháp tu, thì con phải nhập vào ở trong thất, con tu nó. Con tập con sống độc cư, à một mình được không?

Phật tử Diệu Lý: (Cười, lắc đầu)

Trưởng lão: Chưa được?! Nhớ, còn nhớ con, nhớ cái (Cười). Phải tập sống một mình.

Phật tử: Pháp danh của con là Diệu Lý. Thì Thầy cũng ban cho con cái pháp tu dễ tu để con biết, thì khả năng của con thấy được thì con cũng rất mừng. Thì con thì con cháu thì cũng quá đông, mà Thầy thì lại quá xa, nên bây giờ con mới hữu duyên nên mới đến với Thầy là lần đầu tiên, nên con cũng rất mừng mà cũng rất lo. Đấy, nhưng tụi con cũng sẽ ráng làm được, nên con cũng ước nguyện tu theo cái pháp môn của Thầy, con thích, con hiểu hơn…​

Trưởng lão: Bởi vậy, Thầy mới đặt con là pháp danh Diệu Lý, một cái lý chơn chánh, một cái nghĩa đúng đắn để cho con được giải thoát. Thì con phải ôm cái lý của nó, cái nghĩa đó, cái nghĩa giải thoát đó, cái lý của nó; Diệu Lý mà, cái lý giải thoát của nó, ôm chặt cái lý của nó mà đi vào nó mới kịp, chứ không khéo nó không kịp.

Thì con phải cái lý mà giải thoát của nó là không ngoài cái “tâm bất động, thanh thản, an lạc, vô sự”. Ôm cho chặt, ôm phao mà vượt biển. Con bây giờ á, như một cái người đang vượt biển sanh tử đó. Cho nên phải ôm chặt cái chân lý này để mà đi vào. Bởi vì nó là cái chân lí mà tâm bất động, thanh thản, an lạc, vô sự là chân lý, mà con Diệu Lý tức là phải ôm cái chân lý này, nhẹ nhàng, vượt trên sóng vượt, tức là vượt ở trên những cái duyên nghiệp con cái, chồng con, nghiệp này kia, anh em, bà con, tất cả những cái gì mà hiện giờ tụi con phải chịu nó đó. Con phải vượt lên, đó là sóng to, gió lớn, nghiệp nặng lắm. Cho nên Diệu Lý phải hãy cố gắng lên, đúng là cái chân lí phải ôm chặt.

Có gì không con?

13- ĐẠO VÀ ĐỜI

(01:06:42) Phật tử: Con thưa Thầy, con có hai câu hỏi, con muốn hỏi Thầy. Thì, tối hôm qua thì mấy anh em con có lời nói mãi lúc nhưng mà cuối cùng chưa thống nhất được. Vì con nghĩ là hai câu hỏi này, hơi quá với tầm hiểu biết của chúng con bây giờ, nhưng mà con cứ xin hỏi có được không ạ?

Trưởng lão: Được, con cứ hỏi. Hiểu được thì hiểu, mà hiểu không được thì ráng tu thêm thời gian nữa hiểu hà.

Phật tử: Thì theo con hiểu thì, đạo nghĩa là lẽ phải, là sự công bằng. Thì người ta hiểu thêm về đạo là hiểu theo thêm về sự công bằng, hiểu thêm về sự công bằng là hiểu thêm về lẽ phải. Và vì thế nên ba điều này là một, chứ không phải là ba điều khác nhau và có sự khác biệt đúng không ạ?

Trưởng lão: Không phải con. Đạo Phật nhắm vào làm chủ sinh, già, bệnh, chết chứ không có đạo là cái lý lẽ sống. Còn con nói là lí lẽ sống của đạo Nho, Nho giáo. Con hiểu không? Con ở trong cấp độ Nho giáo mà con nói chuyện với Phật giáo á thì nó cách trời, một trời một đất đó con, nó không phải đâu.

(01:08:04) Phật tử: Thì câu hỏi thứ hai là: thấy rằng Đạo là đạo, đời là đời. Nhưng mà đạo với đời thì gắn chặt với nhau không thể tách rời, có điều này thì mới có điều kia. À, thì hai điều này không thể tách rời được với nhau, có đúng không ạ?

Trưởng lão: Không đúng con. Bởi vì, nếu là con người mà sống làm khổ mình, khổ người, là đời. Mà con người sống không làm khổ mình, khổ người cũng con người, cũng người đó chứ có đạo chỗ nào đâu, mà không làm khổ mình, khổ người là đạo. Tại vì mình nói đạo, chứ sự thật nó là đạo đức. Một cái người mà sống không làm khổ ai hết, không làm khổ mình, ai chửi không giận hờn, thì mình nói đạo, sự thật là tôi sống vậy chứ đạo cái gì. Tôi có thờ ông Chúa hay hoặc là ông Phật ở đâu mà gọi là đạo. Đâu có một cái đường riêng gì tôi đi riêng đâu, mà đây là cái đạo đức của con người phải sống như vậy. Để làm gì? Để thoát khổ. Các con hiểu chưa?

Cho nên, nói đạo là tại cái danh từ mình nói, chứ sự thật ra, đạo Phật, đạo Phật nó không phải đạo, mà cái đạo đức của con người. Cho nên cái đạo Phật nó rộng rãi, nó vô cùng. Bây giờ con có theo Thiên Chúa, con có theo Cao Đài, hòa Hảo, tôn giáo nào mặc, nhưng mà con làm khổ con thì bây giờ Chúa cũng không có cứu khổ con được đâu.

Phật tử: Ý con là cái sự liên quan, sự gắn chặt của nó, tức là, người ta sống theo cái đời nhiều quá, làm nhiều điều sai lệch quá. Nhưng mà tới khi mà người ta nhận, nhận thấy rõ những lỗi lầm của mình là bắt đầu sửa đổi. Thì, ý con cái sự liên quan giữa từ đạo và từ đời ở đây tức là người ta ít sửa chữa những lỗi lầm, sai trái của mình, tại vì (nghe không rõ) hiểu thêm về đạo nhiều, hiểu thêm về lý lẽ và bù đắp được những…​ và tìm cách, tìm cách sửa chữa, tìm cách khắc phục, tìm cách bù đắp lại những cái lỗi lầm mà ngày trước mình gây ra. Thì ý con là cái sự, sự liên quan, sự gắn kết nó gần như là…​ Thì có đúng không?

(01:10:34) Trưởng lão: Để Thầy giải thích cho con nghe Đạo, đạo nhiều lắm mấy con.

Khổng Tử cũng là đạo, Nho giáo, đạo Nho. Nhưng mà ông đưa ra cái triết của ông, Tam Cang, Ngũ Thường. Trời đất ơi! Nghe Tam Cang là quá sợ, có phải không? Vua Chúa bảo quân Thần chết là phải chết đó, chứ không có chống lại được đó. Con thấy cái quyền sống của con người đã mất đi. Vậy mà Đạo đó, đạo đó sai hết. Bây giờ Sửa, sửa làm sao? Nếu mà chế độ phong kiến nó ngự trị, thì coi ông vua là ông Trời, thiên tử mà, con Trời mà, ông bảo chết là…​ Bảo bây giờ, cái ấp Gia Lâm này, toàn dân này phải chết, thì ông cho lính tới chặt đầu hết. Thì chết hết, không có quyền, sống chết ở trong tay ông mà. Con thấy cái đó là cái Đạo sao? Vậy mà, đạo Nho đó ca ngợi cái điều đó Tam Cang Ngũ Thường.

Còn bây giờ ông cha đó có nghĩa là sinh con lớn lên rồi, không có nghĩa lúc nào cũng cầm roi đánh nó, đâu phải vậy được. Cái quyền sống của đứa con của mình, mình có kinh nghiệm sống như thế nào để an ổn thì mình nhỏ nhẹ dạy nó, chứ không có quyền đánh nó, không có quyền nạt nộ nó. Bây giờ Thầy nói thật sự ra, cuộc sống của Thầy thấy họ làm cha họ ỉ họ làm cha là muốn đánh con họ như thế nào thì đánh, nhất là con họ còn nhỏ. Dù nó còn nhỏ như thế này, nó vẫn là một con người. Nó có quyền sống của nó chứ, tại sao mình muốn tát tay nó, muốn đạp, muốn đá nó như thế nào. Thậm chí như có người còn chặt roi vầy đánh con mình. Tại vì nó không làm theo ý mình, mình muốn nó làm như mình, giống như mình, cái khuôn khổ của ông cha đó có đúng chưa?

Đạo nào cho cái khuôn khổ đó đúng? Chúng ta còn là những người sai. Ông, làm chủ được sự sống chết ông chưa nè? Bệnh đau ông nè? Con ông đau, ông có đau thế nó được chưa mà ông đánh nó? Có phải không, mấy con thấy không? Không có làm thế được một cái nghiệp của người khác, mà bây giờ mình muốn làm cái quyền sinh sống trên cái sự sống của người khác thì không được.

Thầy chưa viết sách Đạo Đức. Thầy viết sách đạo đức nhân bản - cái gốc của con người, nghĩa là làm cha mẹ dù đứa con mình sinh ra, nhưng mình phải xem nó và trọng nó một sự sống, coi một con kiến, con trùng dưới đất là một sự sống của một loài vật, không được chà đạp trên sự sống của nó. Thầy sẽ dạy đạo đức mấy con, đạo đức nhân bản mà, đạo đức gốc của con người. Nhưng tiếc vì Thầy không có thì giờ để mà thực thi.

(01:13:42) Cho nên ở đây á, thường thường người ta đưa ra cái đạo là đưa ra một cái tư tưởng gò bó con người, đi vào cái chỗ nô lệ nó, nô lệ cái tư tưởng đó, buộc người ta phải theo cái tư tưởng đó mới gọi là đạo, còn không theo cái tư tưởng đó không phải là đạo. Ở đây đạo Phật dạy chúng ta tu tập để chúng ta làm chủ sự sống chết của chúng ta. Mình có tu thì mình làm chủ mình, mình không tu sao…​, không ép ai hết. Đó mấy con thấy chưa?

Cho nên đạo Phật là đạo của con người, ai có tu thì tu được không được thôi. Chứ không phải vô chùa lạy Phật, cầu khẩn, ông Phật ông phù hộ cho đâu, không có đâu, chuyện đó không có. Mà ông có đưa ra một cái gò bó, một cái pháp luật. Nói giới luật là khuyên chúng ta không nên giết hại chúng sanh. Vì những con vật có cái sự sống. Chúng ta phải thương yêu chúng, đừng giết hại, đừng ăn thịt chúng sanh, tội lắm mấy con. Khuyên không nên, chứ không phải cấm. Mấy ông tổ của Phật giáo của Trung Hoa đó, giới luật của Phật, khuyên không nên, mấy ông cấm không cho sát sanh. Trời! Mấy ông làm cái luật gì, coi bộ khô khan. Cấm người ta.

Mà cấm từ hồi nào tới giờ, giới cấm, mấy con nghe giới cấm chứ gì? Nhưng người ta vẫn giết chúng sanh người ta ăn thịt. Nhưng mà Thầy khuyên, Thầy dạy người ta thấm thía được cái lòng thương yêu của người ta. Thầy thấy bây giờ có nhiều người ăn chay, bây giờ đem một con vật đến, họ cũng ăn nữa. Trước cái lòng thương của họ, thật sự họ thực hiện được cái lòng thương đó, họ không ăn. Còn cái kia cấm thì họ vẫn ăn thịt như thường.

(01:15:26) Cho nên ở đây cái đạo mấy con thấy, đạo Lão có nè, đạo Khổng có nè, rồi đủ thứ Đạo hết. Ai muốn cho mình tập hợp được một nhóm nào đó cái lập ra một cái đạo, rồi dạy người ta tu thế này thế khác. Rồi cùng nhau ở trên cái đạo đó để chia nhau mà đấu đá với nhau, để giết nhau, trở thành xung đột.

Bây giờ là tôi thiên Chúa, tôi phải bênh Chúa thôi, đạo tôi tôi bênh, gặp mấy ông Phật giáo này thấy ghét quá. Có phải không? Người ta bị chia phe phái rồi, con người tại sao chúng ta không chung, cùng nhau, thương nhau, lại bị chia. Cho nên Thầy nói trong những cái buổi họp mà của các tôn giáo ở tỉnh, ở quê, thì Nhà nước mời hết các tôn giáo để học. Thì thật sự ra, thì nên góp ý cùng nhau để tìm hiểu. Bây giờ Phật giáo đi tìm hiểu Thiên Chúa giáo nè, để dạy lại tín đồ mình chứ sao, để hiểu coi bên Thiên Chúa giáo như thế nào; rồi hiểu Cao Đài như thế nào, có những cái gì giống, có những cái gì mà nó không giống nhau. Như vậy, nó mới hòa đồng được tôn giáo.

Còn này không hiểu. Tôn giáo nào, tôi thì tin Phật, có ông Phật thôi, chứ tôi không biết ông nào nữa hết. Còn ông kia, tin Chúa mà, có Chúa thôi, chớ không biết ông nào hết. Còn ông nọ tin Ngọc Hoàng, chỉ có ông Ngọc Hoàng thôi chứ bây giờ tôi không biết ông nào nữa hết. Thì cái đó, nó càng làm cho tư tưởng chúng ta di căn đi, đào tạo nên. Tự chúng ta theo tôn giáo này, tự chúng ta theo tôn giáo kia, rồi chúng ta chia cắt. Rồi, coi như cái tư tưởng chúng ta nó không có hòa đồng nhau.

Cái người lãnh đạo tôn giáo, phải sáng suốt cái điều. Một dân tộc chúng ta có một cái nhìn, là tổ quốc trên hết. Rồi từ đó chúng ta tìm hiểu, rút tỉa cái hay để chúng ta xây dựng mình trở thành con người tốt hơn. (Con ngồi xuống đi con, đừng đứng mỏi chân). Còn những cái xấu, chúng ta lần lượt chúng ta bỏ. Chúng ta là những người đi học, lấy cái tốt để xây dựng mình cho tốt hơn; bỏ cái xấu, cái ác không làm việc ác, không làm điều đau khổ, có vậy là quá quý rồi mấy con.

(01:17:55) Cho nên hôm nay thì mấy con nhớ, mình tu giữ tâm bất động chứ sự thật ra nó đòi hỏi ở tri kiến chúng ta rất nhiều. Bởi vì các pháp luôn nó động, mà nếu không có tri kiến thì mình làm sao mình bất động được mấy con. Cho nên lấy tri kiến của mình soi vào tất cả mọi pháp để rồi hóa giải nó ra, đem lại sự bình an cho chính mình.

Cho nên tri kiến rất hay. Tiếc gì, Thầy chưa có dịp, sau này có dịp Thầy mở cái Thiền đường, hoặc là cái lớp học, lấy cái thiền đường làm lớp học, để chứa một lần, năm ba trăm người. Cái giảng đường mà mấy con thấy, nó từ trên cao nó đi xuống dưới thấp, Thầy ngồi dưới thấp, mấy con ngồi từ trên cao, đặng nói mấy con nghe. Từ đây ra tới cửa cổng mà cái giảng đường nó dài vậy đó. Thì lúc bấy giờ Thầy ngồi đây Thầy nói mấy con nghe suốt, năm sáu trăm người hay hoặc cả ngàn người. Mở ra cái lớp học, học về đạo đức có gì đâu, cách thức triển khai sự hiểu biết của mấy con, để mấy con đối xử với nhau, để mấy con không làm khổ mình khổ người.

Đầu tiên là mấy con vào tu theo Phật giáo, là phải triển khai tri kiến hết, bắt buộc phải đi học. Cũng như bây giờ, mấy con muốn biết chữ, thì mấy con phải đi vào lớp học, mấy con học, mấy con mới biết chữ, mấy con đọc, mấy con viết chứ. Nếu mà bây giờ các con không chịu khó đi học, bây giờ thử hỏi mấy con cầm viết mấy con viết cái gì được? Có phải không mấy con?

Cái gì cũng phải rèn luyện. Có bao giờ cha mẹ mình sanh mình ra cái mình cầm bút mình viết được đâu. Có, chứ không phải không, có những Thần đồng. Có những người sanh ra, chưa học gì hết cầm tờ báo đọc được. Trời đất ơi! Sao mà giỏi quá vậy? Nhưng mà không ngờ những người đó là những người tu mấy con, chứ không phải là những người không tu đâu. Mấy người đó toàn là thứ Hòa thượng không đó! Chết rồi mới tái sanh đó. Vì vậy nó mới thông minh. Bởi vì người ta tu, tức là người ta tập được cái sức tỉnh -tỉnh thức. Ngồi đây nó tỉnh táo, nó sáng suốt vô cùng, mà nó không có một niệm gì xen vô trong đầu người ta được. Thì người ta phải sanh ra, người ta đã có cái sức nhớ dai. Chứ còn mình, ngồi đây lăn xăn lộn xộn làm sao nhớ, già 80 tuổi lăn xăn lộn xộn, giờ tôi quên trước quên sau hết rồi. Con cái mới cho mình ăn cơm, trời đất ơi! Tụi bây không cho tao ăn cơm. Mới ăn cái uống nước, giờ nói chưa. Quên rồi! Mấy con thấy chưa?!

Tại vì sức tỉnh không có, để cho bao nhiêu cái chuyện đời nó dồn nhét trong cái đầu chúng ta, lo lắng chuyện này chuyện kia, con cái cháu chít đủ thứ, thì cái đầu đâu làm sao mà còn nhớ được mấy con. Còn cái người tu, người ta ngồi im lặng, người ta đâu có để cái đầu người ta nghĩ tầm bậy tầm bạ đâu, cho nên nó rỗng rang, nó tỉnh táo. Vì vậy mà nó chết đi nó mang theo cái nghiệp của nó mà, nó mang cái nghiệp rỗng rang tỉnh táo đó, cho nên nó thông minh quá. Hồi đó nó học sao, bây giờ nó nhớ lại hết; còn mấy con lăng xăng, lộn xộn, quên hết. Học trả lại hết rồi, bây giờ tôi phải học lại.

(01:21:14) Cho nên tại sao trong lớp học, mấy con thấy, có đứa học thông minh, còn có đứa học dốt quá. Mấy đứa học thông minh là mấy đứa nó là giáo sư đồ này kia, nó đã học rồi, bây giờ nó mang kiếp nó, nó mang cái nghiệp học của nó có sẵn rồi, nó thông minh chứ nó giỏi hơn ai. Còn mấy con bây giờ học quên tới quên lui, hồi đó dân dốt không chịu học, bây giờ đầu thai lên làm sao học sao bằng nó, có học đâu mà bằng, người ta học sẵn rồi. Các con thấy, nhân nào quả nấy chứ, cái chủng tử nó phải mang theo chứ làm sao mất được, đó là quy luật của nhân quả, của Phật giáo mà, nó rõ. Cho nên bây giờ mấy con học bao nhiêu thì mấy con không có mất đâu mà sợ! Kiếp sau mấy con cũng mang theo cái thứ đó theo.

Cho nên nói sao mà có Thần đồng, đâu có Thần đồng gì, đâu có giỏi gì đâu. Có giỏi thì, ông nhờ ông tu tập thì ông mới thông minh được, mới giữ được còn không tu tập thì ông cũng như tui vậy chứ có giỏi gì đâu. Còn anh hay chị mà bây giờ, học đâu nhớ đó. Học trước tôi, đời trước học thuộc lòng học hết rồi, học biết hết rồi nên giờ chỉ nghe nói cái nhớ lại, nghe nói nhớ lại. Còn tôi, hồi đó trời đất ơi! Cha mẹ bắt đi coi trâu, không học chữ nào, giờ làm sao tôi học tôi biết, có phải không?

Cho nên mình thua người ta là tại vì, cái chủng tử, cái nhân, cái nhân quả đó, nó gieo cái duyên đó thì làm sao hơn người ta được. Cho nên mấy con học không mất phần, mà mấy con không học thì mất phần.

14- HỌC ĐỂ BIẾT CÁCH SỐNG KHÔNG LÀM KHỔ MÌNH KHỔ NGƯỜI

(01:22:50) Phật tử: Thì theo như Thầy vừa nói thì con nghe và con hiểu là, sự giải thoát theo đạo Phật là làm thế nào để có được sự hòa hợp giữa mình với mọi người, đối với các loài vật xung quanh để có được sự bình yên, yên ổn trong cuộc sống. Đấy mới là giải thoát.

Trưởng lão: Đúng đó con!

Đạo Phật dạy chúng ta phải hòa hợp, cách mạng hòa nhập, không làm khổ mình khổ người, đó là phải sống hòa hợp hết. Cái danh từ nói sống không làm khổ mình, làm khổ người tuy nó đơn giản chứ nó đòi hỏi ở cả một cái sức đối xử với nhau, nó đủ thứ chuyện. Cho nên vì vậy trong cuộc đời chúng ta nó không phải có một việc mà nó nhiều việc lắm mấy con, người vầy kẻ khác không giống nhau mà muốn giải quyết cho hòa đồng được đều phải có sự học thức, học thức không có nghĩa là học để biết chữ mà học thức đây là học đạo đức, để đối xử, biết cách đối xử. Chứ con không học con không biết cách đối xử, gặp cái con lúng túng, gặp cái duyên gì đó con sẽ lúng túng mất, con không biết làm sao đối xử, cái hoàn cảnh này làm sao đây.

Cho nên chúng ta làm theo cái phản ứng tự nhiên của chúng ta, chừng nó xảy ra buồn phiền, giận hờn, đó là phản ứng tự nhiên của mấy con mà. Chớ khi mấy con đã có huân tập những cái học giải thoát rồi, thì ngay cái sự việc xảy ra, cái mấy con biết áp dụng vô liền tức khắc, thì mấy con thấy an ổn, người ta vui mình cũng vui, không có gì buồn. Mà không khéo mình phản ứng theo cái nghiệp, cái mà mình huân tập theo cái kiểu mà mình hiểu biết đó thì nó sẽ đem đến sự đau khổ mấy con.

15- THƯA HỎI PHÁP DANH

(01:24:41) Phật tử Thanh Định: Kính bạch Thầy ạ, Thầy đặt cho con pháp danh là Thích Thanh Định. Xin Thầy giảng giải cho con ý nghĩa của Thanh Định ạ.

Trưởng lão: Con ngồi xuống đi con, ừm! Cái pháp danh của con là Thanh Định, Thích Thanh Định. Chữ Thanh là trong sạch mà chữ Định là giữ sự bất động, yên lặng của nó. Sự trong sạch mà yên lặng của nó thì gọi là Thanh Định.

Cái pháp danh của con, tức là nói đến sự tu tập của con luôn luôn phải nhiếp tâm an ổn, xả để ly dục ly ác pháp, để cho tâm hoàn toàn không bị ác pháp và không bị giặc chi phối. Cho nên con phải thực hiện về cái pháp ly dục ly ác pháp. Ly dục ly ác pháp như thế nào? “Quán từ bỏ tâm tham tôi biết tôi hít vô, quán từ bỏ tâm tham tôi biết tôi thở ra”. “Quán ly tham tôi biết tôi hít vô, quán ly tham tôi biết tôi thở ra” hoặc là “quán ly sân”, hoặc là “quán ly si” con. Tất cả tham, sân, si đều là con sử dụng trên cái phương pháp của hơi thở hoặc cánh tay. “Quán ly sân tôi biết tôi đưa cánh tay ra, quán ly sân tôi biết tôi đưa cánh tay vào”, nó không bị rối loạn hô hấp, con sử dụng nó. Tại vì Thanh Định mà, giữ gìn được cái sự trong sạch, yên lặng của nó. Cho nên vì vậy muốn được vậy, thì phải cần phải nhiếp tâm trong cánh tay đưa ra đưa vào theo cái lệnh của tác ý của nó, nó giúp cho tâm con nó thanh tịnh, nhớ chưa?! Để thực hiện được cái pháp danh của mình, chứ không khéo mang tên đó rồi cái tính nó lại khác thì nó không hay.

Cho nên mấy con hỏi pháp danh để Thầy chỉ cái cách thức để mấy con sống đúng cái tên của mấy con. Người mang tên đó, có đức như tên của họ, đó như vậy nó mới hay chứ.

(01:26:40) Phật tử Thanh Nhật: Dạ, thưa Thầy, pháp danh của con, Thầy đặt pháp danh của con là Thanh Nhật thì là pháp tu của con thì như thế nào?

Trưởng lão: À pháp tu của con, con ngồi xuống đi con.

Thanh Nhật, chữ Nhật là ngày chứ không phải mặt trời. Chữ Nhật là ngày đó, thì cái pháp danh của con để nói ngày ngày đều là phải giữ sự thanh tịnh. Ngày nào cũng cố gắng khắc phục để giữ sự thanh tịnh. Chữ Nhật là ngày, thì các con nên nhớ ghi khắc cái pháp danh của mình, để nói ngày ngày chứ sự thật ra chứ, giờ phút nào mình cũng cố gắng để giữ tâm của mình bất động, thanh thản, an lạc và vô sự, nhớ chưa?! Để xứng đáng với cái tên của mình.

16- TU ĐỂ TÌM SỰ GIẢI THOÁT CHỨ KHÔNG PHẢI TU ĐỂ NGỒI LÂU

(01:27:44) Phật tử 2: Kính bạch Thầy ạ! Thưa Thầy cho con hỏi một điều ạ, khi con ngồi kiết già thì thường là con ngồi được 30 phút, nếu mà có thể ngồi hơn 1 chút cũng được. Nhưng mà con vẫn luôn theo cái thời khóa 30 phút. Nhưng con xin hỏi Thầy là, khi con ngồi được 28 phút, mà cũng có lúc thì con ngồi 30 phút không thấy có một cái cảm thọ gì, nhưng có lúc con ngồi 20 phút thì tự nhiên con cũng thấy đau nhức mỏi người. Thì bây giờ, tức ý là, thưa Thầy là con có thể xả ngay được khỏi ức chế tâm, hay là con cố ngồi 30 phút để rèn luyện ý chí ạ.

Trưởng lão: À, con cứ ngồi xuống đi, Thầy sẽ dạy cho con.

Mỗi khi, mấy con lưu ý ha, mỗi khi mấy con ngồi bán già hoặc kiết già, khi nó cảm nhận được các cái cảm thọ ở trên cái ngồi của mình như chân đau nhức hoặc là tê gì đó, ngay khi mà cảm nhận thì xả ngay liền, mặc dù con định con ngồi 30 phút mà mới có 25 phút, xả ra liền. Tôi không cần cái phút đó đâu, mà tôi cần để giữ cái thân của tôi được an ổn, đó là sự giải thoát con. Chứ còn cần giữ giờ phút cho đúng thì con bị ức chế một khoảng thời gian ngắn đó. Nó không đem lại sự lợi ích cho con, mà có sự cố gắng để cho con thực hiện được cái tướng ngồi để khoe thôi.

Tôi nay tôi ráng tôi ngồi được từ 30 phút, tôi chịu đau, tui ngồi lần lược lên 1 giờ rồi 2 giờ, con cứ con ráng con ngồi vậy cái thân con nó sẽ, nó sẽ thích nghi được nó tăng giờ lên, mục đích của mình để tìm sự giải thoát chứ không phải tìm cái sự khoe khoan, thích nghi đó. Chứ sự thật ra mấy con ngồi từ 30 phút phải không? Mấy con tăng dần, tăng dần lên, mấy con chịu đau, mấy con ráng dần lên từng 5 phút, 5 phút thì mấy con tăng lên 1 giờ, 2 giờ rất dễ dàng. Mấy con ngồi không đau nữa.

Nhưng, có nghĩa là mình không phải khoe cái tướng ngồi đó, mà mình ngay từ lúc đầu, con ngồi bữa nay á, 30 phút không đau nhức, một lát nữa cái thời khóa kế đó các con ngồi mới có 25 phút mà nó nhức rồi, thì 25 xả ra không đòi hỏi phải 30 phút. Mà giờ con tới cái thời khóa kế đó buổi khuya con dậy con tu đó, mà giờ mới có 20 phút đã tê rồi hoặc đau rồi, xả ra liền, không có cần phải ráng 30 phút đâu, như vậy là mình không ức chế. Mình ngồi được bao nhiêu, an ổn được bao nhiêu thì cứ ngồi bấy nhiêu đó thôi. Cái thời này nó được yên ổn thì mình ngồi dài, mà nó không yên ổn thì mình xả ra, để cho mình giữ cái tâm mình bất động, đó là mình duy nhất con.

17- THƯA HỎI PHÁP DANH

(01:30:35) Phật tử Hạnh Đức 1: Thưa Thầy là, Thầy cho con pháp danh là Hạnh Đức 1. Thì con cũng xin Thầy giải thích cho con được hiểu. Bởi vì, khi mà con nhận cái Điệp Quy y, Thầy cho con cái tên như vậy con cũng đã suy tư về cái pháp danh này, nhưng con cũng xin Thầy giải thích cho con, để con xem suy nghĩ của con có phần nào trùng với sự giải thích của Thầy không ạ.

Trưởng lão: (Thầy cười) Thôi bây giờ con cứ trình Thầy nghe sự giải thích của con trước đã, rồi Thầy mới dạy chứ. Bởi vì con đã có sự giải thích rồi, phải không? Để coi thử con giải thích có đúng hôn. Cái pháp danh của con, con cứ ngồi đó con trình đi con, đừng có đứng con, nghĩa là Thầy trò mình là bình đẳng với nhau, là con người phải giống nhau, Thầy ngồi thì mấy con ngồi có gì đâu.

Phật tử Hạnh Đức 1: Thưa Thầy, con có pháp danh, con rất sung sướng và con rất trân trọng. Bởi vì con nôm na 1 điều là nếu mình sống trong gia đình thì mình luôn luôn phải giữ trọn 3 đức, mà đức hạnh trong giới luật thì nếu mà khi mà con có đủ duyên được bên Thầy tu tập, thì ngay trong nội quy đầu tiên của Tu viện II này là phải giữ 3 hạnh ăn, ngủ, độc cư phải giữ cho trọn. Thưa Thầy con chỉ nghỉ nôm na là như thế ạ.

Trưởng lão: À! Con nghĩ nôm na đó là một phần của cái pháp danh của con đó, một phần tu tập chứ chưa phải trọn vẹn. Nhưng mà khi giữ được như vậy đó thì càng cố gắng tác ý để giữ cái thanh đức của con, cái đức hạnh thanh tịnh của con. Mà thứ nhất nữa chứ, chứ phải mà thứ hai thứ ba đâu, đó con là giỏi lắm mới được thứ nhất đó chứ đâu phải chuyện dễ, phải không? Phải làm cho mình đứng thứ nhất đó, hơn mọi người đó. Nghĩa là người ta được hạng thứ nhất là người ta mừng lắm rồi, mà bây giờ con được hạng thứ nhất rồi thì phải ráng cố gắng. Tại sao mấy người kia không để thứ nhất, thứ nhì mà con lại để, thì con biết rằng con có khả năng làm được điều đó thì con sẽ làm được, thì con cố gắng con khắc phục những điều mà con nói ra nó đúng các phần để đời sống của con thực hiện được con đường tu. Rồi kế đó là con thực hiện được cái tâm thanh tịnh của con.

Phật tử Hạnh Đức 1: Dạ, con xin cảm ơn Thầy.

Trưởng lão: Ừm!

18- NĂNG LỰC TƯỞNG

(01:32:56) Phật tử 3: Thưa Thầy, con có hỏi một câu là người ta có 1 số pháp tu người ta phóng xuất cái năng lượng gọi là phản xạ…​(không nghe rõ) trong cuộc sống ấy. Thì cái đó là lý giải như thế nào? Cái năng lượng đó có phải là từ cái tưởng hay là được hiểu thế nào?

Trưởng lão: Cái Tưởng hoàn toàn là hiện giờ chúng ta đã biết, nó hoàn toàn là những cái pháp mà tu hiện giờ của tất cả các cái hệ phái đó, thì từ mà cái nhân điện này kia đều từ cái tưởng ra thôi, chứ cái đó chúng ta đâu có thấy được.

19- NGƯỜI CƯ SĨ CÓ TẬP THỂ DỤC ĐƯỢC KHÔNG

(01:33:33) Phật tử 3: Ý thứ hai con xin phép hỏi là, trong cuộc sống bình thường tạm thời chưa nhiếp phục được, thì người cư sĩ chưa làm chủ được sanh, lão, bệnh, tử. Thì cái vấn đề về tập thể dục để đảm bảo giữ được sức khỏe để mình có sức mình tu tập. Thì như vậy nếu mà người cư sĩ người ta có thể tập được cái phương pháp ở bên ngoài không hay cái vấn đề tập thể dục nó liên quan đến như thế nào…​

Trưởng lão: À, bây giờ, bởi vậy cho nên Thầy mới dạy mấy con cái pháp Thân Hành Niệm, đó là phương pháp tập thể dục của Thân Hành Niệm đó con. Khi mà mấy con nó ngủ đó thì mấy con phải giở chân theo kiểu mà mấy con tu tập mà theo Thầy rèn luyện mấy con, thì mấy con phải dở chân cho cao lên vậy nè, thì cái cơ của mấy con, nó dở lên cao thì nó phải co lên co xuống nhiều, rồi tay nó đưa ra đưa vô theo cái lệnh của con. Còn con tập thể thao thể dục thì cũng tốt chứ không phải không, và nếu mà con có thấy buồn ngủ mà con có tập thêm nữa những cái đường quyền của võ cũng được chứ đâu có sao đâu. Cái đó là nó luyện các cái cơ của con rất tốt, nó không có ảnh hưởng gì trên con đường tu đâu. Nó giúp các cơ của con nó khỏe, người con có được sức khỏe chứ không có gì.

Mà Thầy đã cho cái pháp Thân Hành Niệm đó, mà khi mà Thầy thấy cái người đó yếu đuối quá, Thầy rèn luyện các cái cơ của nó để cho nó mạnh mẽ lên đó. Cho nên khi mà mình dỡ chân lên thì khi đó mình gồng cái chân mình lên cho cái cơ của mình nó cứng lên, mình dỡ lên rất cao mấy con, rồi mình hạ xuống thì mình thả xuống nó nhẹ nhàng. Từng đó cái cơ bắp con nó cứng ngắt à, nó cũng như lực sĩ vậy mấy con.

20- THƯA HỎI PHÁP DANH VÀ PHÁP TU

(01:35:15) Phật tử: Thưa Thầy cho con hỏi thêm là, pháp danh của con là…​ (không nghe rõ), thưa Thầy pháp tu của cái tên của con?

Trưởng lão: Cái tên của con phải không? Ừ, con giữ cái tên của con mà con tu là đúng á con. Bởi vì Thầy theo đặc tướng của mấy con mà viết ra, để mà xin Thầy cái pháp danh viết cái tên tuổi mấy con đó. Thầy nhìn qua cái tên tuổi của mấy con, Thầy nói: cái người này là phải, đứa này là phải thực hiện được cái tâm đó thì phải đặt cái pháp danh đó. À buộc lòng Thầy phải cho con cái pháp danh đó để cho con thực hiện được cái sự thanh tịnh của thân pháp của mình, để mà con đi vào đạo.

Phật tử Chơn Nghĩa: Dạ Thưa Thầy, con cũng xin (Không nghe rõ) thì Thầy đặt pháp danh cho con là Chơn Nghĩa ạ.

Trưởng lão: Chơn Nghĩa hả con?

À, cái nghĩa của, chơn là chơn lý rồi, cái nghĩa của chơn lý. Cái nghĩa là nghĩa lý đó, chơn nghĩa, nghĩa là nghĩa lý. Phải không? Các con hiểu chữ nghĩa không? Mà chơn nghĩa là cái nghĩa lý của một cái chơn lý của nó. Mà chơn lý của nó là cái gì mấy con biết không? Là cái tâm bất động. Con hiểu chưa? Như vậy là từ đây về sau phải thực hiện cái pháp danh của con là giữ gìn cái tâm bất động, tức là giữ gìn cái chơn lý đó mà để mà thực hiện sự giải thoát. Hiểu chưa?

(01:36:37) Phật tử Chơn Nghĩa: Thưa Thầy cho con hỏi 1 câu nữa, về tu tập hơi thở, thì con tu cảm nhận được là thở hơi thở dài là con biết dài, đều và…​(không nghe rõ)

Trưởng lão: À được chứ không sao. Tốt!

Cố gắng khắc phục, những cái gì Thầy dạy rồi nó quá rõ ràng, thì mấy con cứ ôm chặt, nhất là các cái pháp danh mà các con đang hỏi Thầy thì mình thực hiện được cái tính của tên của mình, thì quá hay. Bởi vì mình mang cái tên đó rồi, mà mình thấy mình làm sai, không đúng. Phải thực hiện được đúng cái tính của nó chứ, “sao mày làm sai cái tên của mày được. Mày không xứng đáng với cái tên đó đâu”.

(01:37:29) Phật tử Diệu Như: Thầy cho con hỏi, cái pháp danh của con là Diệu Như.

Trưởng lão: Diệu Như hả con? À, rồi rồi con ngồi xuống đi con.

Chữ Như có nghĩa là Chơn Như đó con, phải không, mấy con hiểu?, chữ chơn như đó, chơn là thật, mà như là như như đó nghĩa là luôn luôn lúc nào cũng thanh tịnh, trong sạch gọi là Chơn Như. Con hiểu chưa? Cho nên chữ Như của con. Có bao giờ mà Thầy dạy, mà con nghe cái Tu viện Chơn Như này mà con được mang một nữa cái tên trong đó là quá là, con phải về Tu viện mà tu đó, chứ không có đi tầm bậy được. Bị được phân nửa rồi.

Phật tử Diệu Nghĩa: Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật, kính bạch Thầy, con cũng có duyên được Thầy đặt cho con pháp danh là Diệu Nghĩa, con xin Thầy cho con biết ý nghĩa của pháp danh con.

Trưởng lão: Pháp danh con, diệu Nghĩa, diệu là nhẹ nhàng, ôn tồn. Cái nghĩa lý nó nhẹ nhàng, ôn tồn. Nghĩa là nói lên sự đối xử với mọi người, với bản thân con, con cũng phải đối với nó rất là nhẹ nhàng gọi là Diệu Nghĩa. Nhớ chưa?

Khi nào mà từ cái vấn đề mà làm công việc đó, các con cũng thực hiện được cái dịu nhẹ của nó, tức là làm rất nhẹ nhàng; không có giựt chạy ào ào; đi không có vội vàng. Ai có, thí dụ bây giờ trời mưa, thấy trời mưa rồi, thì con vội vàng con chạy ra con đi lấy những cái áo mình phơi, có phải không? Nhưng đối với con thì nhẹ nhàng đi tới, chứ không chạy, không vội vàng. Đúng cái nghĩa của nó là Diệu Nghĩa.

(01:39:20) Phật tử 4: Kính bạch Thầy ạ, Thầy cho con hỏi pháp danh của con gái con ạ, Diệu Châu và Diệu Thành. Thưa Thầy giải thích cho con được rõ ạ.

Trưởng lão: À, Diệu Châu, diệu Thành hả con? Chữ Thành có nghĩa là nên, chữ Thành có nghĩa là nên đó, nghĩa là làm nên đó. Nghĩa là làm nên những hành động nhân quả ôn tồn, nhẹ nhàng. Gọi là Thành, làm nên những cái hành động đó gọi là Diệu Thành.

Còn Diệu Châu là cái hạt châu, hạt châu sáng chói mà thanh tịnh. Phải không, mấy con nhớ! Hạt châu nó có ánh sáng, nó tỏa ra. Ở đây mấy con có thấy hạt châu lần nào chưa? Ngọc là Thầy có thấy rồi! Nhưng mà hạt châu chắc là vua Chúa chứ mình đây không có.

Phật tử Diệu Nghĩa: Con thưa Thầy cho con pháp tu ạ.

Trưởng lão: Trong các pháp tu đó, con nghe cái pháp danh của con đó, Diệu Nghĩa. Con sẽ sống tỉnh thức ở trên từng hành động của con, tất cả các cái mọi việc mình làm. Tức là, con phải sống tỉnh táo ở trên cái hành động của con. Tức là mình làm cái gì, biết cái việc nấy, rất là nhẹ nhàng, tức là tỉnh thức đó, phải không? Về cái pháp tu thì con tu tỉnh thức, làm cho tâm con nó tỉnh táo, mà nó tỉnh táo thì nó thanh tịnh không có gì.

(01:40:55) Phật tử 4: Con bạch Thầy, về cái phương pháp tu của Diệu Thành là như thế nào ạ?

Trưởng lão: À, Phương pháp tu của Diệu Thành hả con? À, luôn lúc nào cũng từng chút một, phải làm nên từng chút một, chữ Thành có nghĩa là làm nên, cho nên làm nên từng chút một, của cái tâm của mình. Tức là cái tâm mà muốn cho nó thanh tịnh thì mình làm từng chút, chứ không phải là làm nhiều. Cũng như thay vì, người ta tu trong 1 giờ thì mình tu trong 1 phút. Nhớ cái tên của nó, nó phải tu từng chút từng chút mà nó làm nên được cái sự nghiệp của nó, chứ còn tu nhiều, coi chừng nó rớt.

Phật tử 4: Thế còn Diệu Châu thì phải tác ý như thế nào hả Thầy?

Trưởng lão: Diệu Châu là một cái hạt châu, ánh sáng dịu dàng. Thì khi tác ý cái pháp danh của mình đó, là mình phải sống thanh tịnh như hạt châu, phải sống trong sạch như hạt châu.

Phật tử Thanh Đức: Bạch Thầy, cho con xin hỏi, thì con là Thanh Đức thì con muốn xin Thầy cho con đặc tướng tu tập.

Trưởng lão: À Thanh Đức hả con? À chữ Thanh là thanh tịnh, cái đức thanh tịnh. Thì con nhắc “tâm bất động, thanh thản, an lạc, vô sự”. Đó là cái pháp tu của con, để nó thực hiện được cái đức thanh tịnh của nó. Chỉ có cái tâm bất động, thanh thản, an lạc và vô sự đó là cái đức thanh tịnh.

Phật tử Thanh Đức: Bạch Thầy cho con hỏi, khi con tu tập cái Định Vô Lậu đó, khoảng 10 phút thì con lại buồn ngủ, thì bây giờ con phải làm thế nào để, tức là khoảng 10 phút con phải giống như là rơi vào ngủ rồi…​

Trưởng lão: À con sẽ tu 5 phút. Và đồng thời tiếp tục tu 5 phút nữa để cho đúng 10 phút đó, thì con sẽ đi kinh hành. Mà đi kinh hành thì con tác ý từng hành động của Thân con.

21- TRẠNG THÁI BẤT ĐỘNG TÂM

(01:43:00) Phật tử: Con Bạch Thầy ạ, con thưa Thầy con thì, năm ngoái thì con cũng bạch Thầy thì cái pháp tu là con an tịnh thân hành tôi biết tôi hít vô, an tịnh thân hành tôi biết tôi thở ra. Hoặc là, con thời kỳ đầu con cũng về con nghe cái Thân Hành Niệm khoái quá, con về con tu tập một thời gian thì con mới nhận ra rằng là không có kết quả. Và đến khi con, Thầy cho con cái đặc tướng là Định Niệm Hơi Thở thì khi mà con ôm Định Niệm Hơi Thở vào thì con ngồi con hít thở trong vòng 30 phút ạ, thì thỉnh thoảng nó rơi vào tình trạng vô ký hoặc là hôn trầm. Sau này thì, con có rút lên là con tu 1 phút đến 2 phút thì con bắt đầu con ở trạng thái là con, dạng như là nhiếp tâm được ấy ạ, con nhiếp tâm được trên hơi thở, thì khi đấy con mới, con cảm thấy rằng là không còn cái hôn trầm nữa, không hề có hôn trầm, mà cũng không hề có các cái vô ký. Trong cái hơi thở con không hề đếm nhầm, đếm sai.

Sau đó, một ngày ở Chi Đông đấy ạ, khi con tu tập ở Chi Đông, thì con bị, con rơi vào trạng thái là khi con ngồi, con thả xuống, con không tu tập nữa con ngồi chơi thôi con thả, con không có tu, không có hướng gì cả. Thì nó bắt đầu rơi vào trạng thái không có niệm, không hề có một niệm gì, con để một lúc thì con thấy là không có niệm. Thì khi đó con mới thử, con đứng dậy con đi lại để ý theo trên bước chân, thì con cũng không thấy nó có niệm, thì cái khoảng thời gian đấy nó rơi vào khoảng từ 15 đến 20 phút gì đó. Thì con cũng không hiểu đó là đúng hay sai, hay là con bị rơi vào tưởng hay thế nào ạ?

Trưởng lão: Không phải con, cái đó là nó đi vào trong cái tâm bất động của con, nó không có niệm. Cho nên vì vậy mà con biết được rõ từng cái tâm không niệm của con, cái kia con không biết đi. Nếu không biết, tức là con bị vô ký, còn cái này con biết rất rõ, cho nên đó là đúng, không sao. Cho nên vì vậy mà, khi mà con buông thõng ra, tâm con sẽ tỉnh táo mà nó bất động. Nó khỏi cần phải nhiếp trong hơi thở. Bởi vì nhiếp hơi thở là tại vì người ta nhiếp tâm chưa được, người ta mới dùng hơi thở; còn con đã nhiếp quen rồi, bây giờ con thả hơi thở ra, con ngồi bất động thì nó vẫn thấy tỉnh táo, mà thấy tâm mình nó không có niệm. Thì cái đó là tốt quá rồi.

22- KHÔNG SỐNG ĐỘC CƯ, TIẾP DUYÊN BÊN NGOÀI NÊN KHÔNG GIỮ ĐƯỢC TRẠNG THÁI BẤT ĐỘNG

(01:45:42) Phật tử: Con thưa Thầy, con chỉ ở rơi vào được ở quãng ngày hôm đấy thôi. Còn những ngày hôm sau, con cũng tu tập theo 1 đến 2 phút, cho đến tận bây giờ con vẫn tu, con đặt giờ là 1 phút và 2 phút. Thì thỉnh thoảng nó vẫn bị nghẹt thở, và cũng có khi nó rất là dồn dập nhiều niệm đi ra, nhưng mà có những khi thì nó không hề có, tức là con không phải không có niệm mà con rơi vào ở cái trạng thái là con vẫn biết hơi thở, vẫn tỉnh táo như bình thường và con vẫn biết rằng là có thỉnh thoảng có một vài niệm nó xen vào. Nhưng con không còn có trạng thái không hề còn niệm như trước, như cái đợt trước, mà cái đợt đấy nó chỉ có đúng duy nhất một lần đấy thôi ạ.

Trưởng lão: Ừm, nó chỉ có một lần đó thôi. Tức là 1 cái lần đó đó, là lúc bấy giờ cái tâm của con nó thật sự ra nó thanh tịnh rồi, nhưng mà nó chưa có thường xuyên. Chứ nếu mà con chịu khó khi mà biết được như vậy đó con đừng có tiếp duyên bên ngoài, mà con vô thất con sống độc cư, rồi con tu thì cái trạng thái đó nó sẽ thực hiện mãi mãi. Con bị vì con tiếp duyên, bị vì con không có được nhập thất độc cư trọn vẹn nên vì vậy mà nó chỉ đến rồi thì nó đi mất.

Phật tử: Dạ con cảm ơn Thầy ạ.

23- TÂM BẤT ĐỘNG Ở TRÊN TỨ NIỆM XỨ ĐỐI TƯỢNG QUAN SÁT LÀ GÌ?

(01:47:04) Phật tử 5: Thưa Thầy, con có một câu hỏi.

Thưa Thầy là hôm vừa rồi con vào thất ạ, thì con tu, cũng Định Niệm Hơi Thở, thì con học theo cái pháp Thầy dạy là dẫn tâm vào đạo ạ, thì khi mà ý thức của con nó tác ý để tâm được bất động, thanh ản, an lạc, vô sự thì con cảm nhận rõ cái trạng thái tâm bất động, thanh ản đấy. Tuy nhiên là lúc đấy thì con có cái suy nghĩ là, vậy thì cái đối tượng quan sát tiếp theo của cái tâm bất động, thanh ản, an lạc, vô sự là cái gì ạ? Có phải vẫn là Tứ Niệm Xứ không? Hay là mình cố gắng sống trong cái trạng thái đấy và không có một đối tượng quan sát tiếp ạ? Hay là bản thân cái tâm vẫn quan sát cái tâm đấy?

Trưởng lão: Ừm, Thầy sẽ trả lời. Khi mà tâm bất động rồi thì nó sẽ ở trên Tứ Niệm Xứ, con quan sát bốn chỗ Thân - Thọ - Tâm - Pháp của con. Cho nên từ cái tâm bất động đó nó sẽ đi vào Tứ Niệm Xứ, từ Niệm Xứ nó mới có đủ Tứ Thần Túc, nó thực hiện. Bởi vậy dạy mấy con tu cái tâm bất động, nhưng sự thật ra, khi tâm bất động thì nó phải quay vào trong thân con, mà nó quay vào trong thân con thì nó phải biết chứ nó đâu phải không phải không biết. Mà nó biết thì nó biết hơi thở, thì nó biết cảm giác toàn thân của con, nó không chuyên về hơi thở như mấy con nhiếp tâm trong hơi thở vầy; mà nó lại biết toàn thân nó từ đầu đến chân, từ chân lên đầu, nó biết rất rõ. Đó là, nó đang quán trên Tứ Niệm Xứ của nó.

24- TỰ NHẬN BIẾT TU TẬP ĐÚNG HAY SAI

(01:48:26) Phật tử 5: Dạ thưa Thầy là con còn câu hỏi cuối ạ. Có nghĩa là trong thời gian tới khi mà con trở về Hà Nội thì con không được bên Thầy để hỏi nữa, thì con muốn Thầy chỉ bảo cho con là, khi mà cái quá trình chúng con là cư sĩ thì cái chuyện giữ giới không được trọn vẹn như là tu sĩ, thì trong một ngày thông thường thì con bỏ nửa tiếng buổi sáng để tập dẫn tâm vào đạo. Thì có nghĩa là con muốn hỏi là cái kết quả như thế nào thì nó là đúng và như thế nào thì là bị rơi vào tưởng đấy ạ. Vâng ạ, để con có thể xét được, tự kiểm tra được ạ.

Trưởng lão: Coi như là, mỗi buổi sáng con đều tu tập, đểu tu tập. Thì à, tất cả những cái điều mà con nhận qua được cái thân của con, cái sức tỉnh thức của con, cái tâm biết của con nó sẽ biết cái hơi thở ra vô; nó biết toàn thân của con, thì đó là nó đang ở trong tâm bất động, thanh thản, an lạc, vô sự của nó. Lấy cái thân của mình, để thấy cái biết nó nhìn, thì đó là nó đang ở trong chỗ bất động, thanh thản, an lạc, vô sự của nó.

Nhưng mà nó phải tựa vào cái Tứ Niệm Xứ của nó, tức là cái tâm định trên thân. Còn nếu mà bây giờ con tu cái tâm bất động, thanh thản, an lạc, vô sự, rồi con nhìn vào trong cái đầu của con, tức là cái biết nó quay vào cái đầu, để nhìn coi có niệm hay không. Thì cái này một là không khéo thì bị ức chế, ức chế ở trên cái chỗ bất động, để coi nó có niệm hay không, thì nó mình đã coi mình tỉnh, tức là nó không niệm. Mà nó không niệm tức là coi chừng, kéo dài quá thì bị ức chế, nó chỉ khoảng độ 30 phút trở lại mà thôi, không được hơn.

Bởi vì, 1 giờ là nó đã ức chế cái ý thức của nó quá nhiều. Cho nên, khi mình nhắc tâm bất động, thanh thản, an lạc, vô sự thì mình thấy rõ ràng nó biết hơi thở ra vô, mà nó biết…​ (không nghe rõ) của nó, thì để tự nhiên nó. À, nhưng mà mình lại trong tâm của mình nó sợ, nó không biết đúng hay không, cho nên vì vậy nó thầm tác ý, nó thầm nói: “tâm bất động, thanh thản, có phải đúng không đây? Nhìn coi thử coi”, thì thấy nó thấy rõ, hoàn toàn nó ở trên thân nó, thì đó là đúng. Nó cảnh giác lắm, bởi vì cái tâm của mình khi tu đó nó cảnh giác, nó nhắc nhở coi thử coi nó phải đúng hay sai. Đó!

25- TRẠNG THÁI TƯỞNG

(01:50:54) Phật tử 5: Dạ thưa Thầy, nếu trong bị rơi vào cái trạng thái là, mình cảm giác như thân mình nó rất là chắc chắn, tâm nó tỉnh táo ở trên đấy, thì cái cảm giác đấy có phải là tưởng thức không ạ?

Trưởng lão: À, không phải đâu con! Tưởng thức nó sẽ hiện ra. Mà khi nó hiện ra, mà khi mà tâm con nó không có niệm, tức là không có vọng tưởng đó. Thì cái đầu tiên của tưởng thức nó hiện ra là nó khinh an, nó làm cho mình thấy rất là an ổn cái thân, rồi kế đó nó tự nó làm cho mình thấy hoan hỷ, rất là vui, trong tâm của mình thấy thích thú quá, rất là vui. Do đó, đây là coi chừng tưởng nó bắt đầu, nó bắt đầu tưởng!

26- THƯA HỎI PHÁP TU

Phật tử Thanh Đức: Thưa Thầy, cho con hỏi một câu. Con xin Thầy, hôm qua con có hỏi Thầy về cái pháp tùy theo đặc tướng của con, mà Thầy nói con không hiểu rõ lắm ạ. Hôm nay con xin Thầy hoan hỷ, Thầy ban thêm cho con pháp tu theo đặc tướng của con ạ.

Trưởng lão: À, giờ cái pháp danh của con là tên gì đó?

Phật tử Thanh Đức: Thanh Đức ạ.

Trưởng lão: À, Thanh Đức. Cái đức thanh tịnh đó con. Con phải giữ cái tâm bất động, thanh tịnh của con, trong sạch của con để mà con tiến vào cái sự giải thoát của con.

Phật tử Thanh Đức: Tức là con tu theo Định Niệm Hơi Thở hay là Định Vô Lậu ạ?

Trưởng lão: Không con! Không có tu Định Niệm Hơi Thở hay Định Vô Lậu gì hết. Nhưng mà, con cố gắng con giữ tâm bất động, thanh thản, an lạc, vô sự. Tức là đức thanh tịnh của nó, thanh Đức đó. Mà nếu mà, trong cái trạng thái của con hiện giờ, nó cứ nó khởi lên niệm hoài đó, không có để cho cái tâm con nó thanh tịnh được, nó không thanh đức được đó, nó không giữ gìn được đó, thì con phải, từng mỗi niệm mà khởi ra trong đầu của con đó, con đều dùng cái Định Vô Lậu mà con quán xét nó, dùng cái tri kiến con quán xét nó một thời gian, trong vòng chừng nửa tháng, một tháng con quan sát từng cái niệm của nó, con mổ xẻ từng cái niệm của nó, thì bắt đầu bây giờ tâm của con nó sẽ thanh tịnh, nó không niệm nữa. Con phải tu Định Vô Lậu. Còn nó không có niệm thì thôi, mình cứ giữ ở tâm của mình, thanh tịnh cái tâm. Cái tâm bất động.

27- NHÂN QUẢ, CHUYỂN NHÂN QUẢ

(01:53:10) Phật tử 6: Thưa Thầy, Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.

Theo như lời Thầy dạy là sống không làm khổ mình, khổ người. Thì hôm qua, con cũng có đi thăm bên Tu viện của cô Út, thì con thấy cô Út có nuôi chó ở trong Tu viện và 1 chút mèo nữa. Thì con thấy cái này có phải là, đang nó ở trong cái đấy thì nó không được sống thanh thản, an lạc, vô sự. Như vậy là có phải là trái luật không ạ?

Trưởng lão: À, để Thầy trả lời con nghe. Mỗi chúng sanh đều có cái nhân quả, cái nghiệp với nhau đó con. Con đến đó mà con thấy cái hoàn cảnh nghiệp con biết tất cả chúng sanh đó nó có cái nghiệp, thì nó phải chịu. Rồi cái người mà nuôi dưỡng nó cũng là nằm trong nhân quả, phải trả mấy con, rất là tội. Con hiểu không?

Bởi vì cái đó là cái nhân quả của tiền kiếp mấy con, đời nay sinh ra ta gặp nhau để trả, bằng những loài vật, hoặc là bằng những người chung quanh. Như bây giờ con, tại sao mà con lại thương yêu trẻ mồ côi mà con tập trung được trẻ mồ côi đến đây 10 người, 20 người hay 100 người. Tại sao con thương những trẻ mồ côi, con nuôi được, con đi xin đi xỏ từng đồng từng cắt để về nuôi, đó là cái nhân quả mà con phải trả với trẻ mồ côi.

Phật tử 6: Kính Bạch Thầy thì nếu mà khi mình thương rồi thì mình có thể chuyển đổi nhân quả không ạ?

Trưởng lão: À, bắt đầu mình nỗ lực mình tu, mình dưỡng, thì cái nhân quả lần lượt nó chuyển biến. Thí dụ bây giờ con có nuôi một bầy chó, hoặc là con nuôi một số vật nào đó, năm bảy con chim nào đó. Mà bây giờ đưa ra, thả ra thì sợ người ta bắt người ta giết tội nghiệp. Cũng như nuôi cá nào đồ, mấy con sợ. Thì mấy con cứ nỗ lực, mấy con cứ cũng để nó như vậy, mấy con không thể mở lồng thả chim, cũng không thể nào đem cá mà quăng xuống sông được, bởi vì mấy con biết tu rồi, phải trả nó về với tự do với trời đất rồi, nhưng mà vì những con cá nuôi nó khờ lắm, nó không bằng những con cá ở ngoài, mà giờ đưa xuống sông, đưa xuống biển thì chúng lượm bắt cá, bắt ăn hết. Chim mà thả ra, bay vậy đó, con chim khác nó cắn chết à, chứ đâu phải dễ dàng đâu.

Cho nên mình không thể nỡ tâm mình thấy con vật nó đã từng sống quấn quít bên mình mà bây giờ nó khổ. Do đó thì con cứ nỗ lực con tu, một ngày nào đó, cái duyên nó hết rồi, tự nhiên nó chết mấy con, tự nhiên nó chết, nó hết rồi, nó hết nợ với mình rồi nó chết. Nó chết đó phải chết, mà chết để làm gì? Trong khi nó sống thiện với con để nó chết nó có cái thân khác, thân người mấy con. Mà từ cái thân chim mà làm thân người không mừng sao, con không mừng sao mà cứ bắt nó làm thân chim hoài? Có phải không?

Cho nên vì vậy, con cứ sống thiện, giúp đỡ cho nó, rồi ước nguyện, ngày nào mà, cái thân này mà con đã, thân tứ đại này mà con ra đi á, thì hãy sanh người, đừng xin làm loài chim, cực khổ lắm, loài thú vật. Ước nguyện vậy thôi. Hãy ráng ăn những cái vật dụng này, để mà sinh làm người. Con cứ cho ăn bình thường, ước nguyện cho nó. Cuối cùng, mình hết nghiệp cái nó chết, nó chết thì giờ cái lồng không, không còn con chim nào hết. Tụi nó xúm nhau đi đầu thai hết đó. Lúc bấy giờ thì mình không nợ nữa rồi. Bắt đầu đó, cái duyên của mình tới rồi. Cho nên mình đi tìm con đường để mình giải thoát. Chứ bây giờ con xách lồng vô đây mà con nuôi chim mà xin Thầy ở, Thầy không cho đâu. Có phải không?

28- LÀM CHỦ HƠI THỞ LÀ LÀM CHỦ SỐNG CHẾT

(01:57:18) Phật tử 7: Kính Bạch Thầy, cho con hỏi là khi mà làm chủ được hơi thở là sẽ làm chủ được sự sống không ạ?

Trưởng lão: À, con làm chủ được hơi thở, con bảo nó tịnh chỉ, ngưng này kia nó nghe lời con thì đó là con làm chủ được sự sống chết rồi, chứ đâu có gì đâu.

Bởi vậy, chỉ có hơi thở thôi, vậy mà tập thì người bị tức ngực tức này kia, có làm chủ hơi thở thôi, có gì đâu. Bảo thở dài thì phải thở dài, bảo thở ngắn thì phải thở ngắn. Đúng bây giờ mấy con làm chủ được đó. Bảo: “thở dài coi” phải không, mấy con sẽ thở chầm chậm dài, nhưng mà chừng 3 hơi cái mệt quá, phải không? Tức là làm chủ nó chưa được, cho nên nó làm mệt cái thôi, thở lại bình thường chứ không dám thở dài, có phải không? Tức là chưa có làm chủ hơi thở.

Còn làm chủ hơi thở, bảo: “thở dài, chậm”, thì ngồi nó tự nhiên nó thở dài, thở hoài không mệt không gì hết, tức là mình làm chủ nó rồi, bảo nó sao nó nghe vậy. Cho nên bảo nó: “không thở”, thì nó không thở. Còn bây giờ bảo không thở cứ thở hoài thì không được, nó không có nghe mình, chưa làm chủ nó.

Cho nên tại sao mà 19 cái đề mục của hơi thở để mà tu tập, rồi tại sao lại cuối cùng mình làm chủ sinh tử lại là tịnh chỉ hơi thở. Thì mấy con biết quay về chỗ cái mấu chốt của nó chứ, nó đâu phải đi hoài cái chuyện đó đâu. Tui muốn chết thì tui phải làm chủ hơi thở nè, chứ không thể nào mà tôi, mà tôi muốn mạnh khỏe thì cũng từ trong hơi thở, mà tui làm chủ được nó. Chẳng hạn bây giờ cái thân Thầy đau nhức nè, Thầy nương vào hơi thở, Thầy biết hơi thở, không biết chỗ đau nhức, thì đau nhức đi mất rồi. Còn cái Thầy cứ để cái tâm Thầy biết cái đau nhức nó đau hoài, nó không hết. Còn Thầy lôi cái tâm Thầy ra, bám vô hơi thở cho chặt, không có biết gì xung quanh nữa, bắt đầu bây giờ ảnh chuyên môn về hơi thở, biết có hơi thở, không biết cái đầu đau, cái thân đau gì không biết, không biết chỗ nào đau nữa hết. Chút xả ra, bây giờ ổng nương theo hơi thở bây giờ cái đau đây đi mất rồi. Rõ ràng là cái hơi thở nó đẩy lui mất đó. Cái hơi thở nó quý lắm mấy con, nhưng mà không khéo thì mấy con sẽ bị rối loạn hô hấp.

Cho nên trước khi mà tu đó, mình nghe mình thở nó có bị chướng, thì mấy con dùng cánh tay thay thế hơi thở, tập thân hành ngoại đi, tập cho thuần rồi trở về hơi thở á, chứ không phải bỏ hơi thở đâu. Mà khi thuần rồi thì mấy con tu mấy con không bị rối loạn hô hấp, bởi vì hơi thở là thân hành nội, còn cánh tay hoặc chân mình đi là thân hành ngoại, nó không bị rối loạn. Còn cái hơi thở thì dễ bị rối loạn. Mà nó độc lắm, nó tuyệt vời lắm, nhưng không phải lúc nào mình cũng muốn tu, tu nó được đâu. Cho nên, vì vậy mà người tu về hơi thở phải được gần gũi thiện hữu tri thức, người ta hướng dẫn cho mình. Để cho cái cơ thể nó quen đi, chẳng hạn bây giờ mấy con thở 3 hơi thở chặng dài không sao, mà mấy con tiếp tục 10 đến 20 hơi thở là không được, nhưng 3 hơi thở đó, con tập cho nó quen, cho nó thuần thục với cơ thể mình, thì mình tăng lên 4 hơi thở; rồi 4 hơi thở tập thuần quen rồi tăng dần lên, tới chừng mấy con thở 100 hơi thở chậm dài không sao hết, cái cơ thể nó đã quen đi rồi, nó không bị chướng nữa rồi, nó thở rất là an ổn. Cho nên cái cơ thể mình nó dễ dàng, nó dễ dàng chứ không phải khó, tại vì mình không tập luyện, chớ mình tập luyện thì nó được.

Thôi bây giờ thì thôi, mấy con sẽ chuẩn bị đi nghỉ, đi tu, phải không? Còn Thầy thì giờ về ngồi chơi. Chứ Thầy bây giờ làm gì bây giờ, ngồi chơi.

(02:01:10) Phật tử 8: Thưa Thầy, tịnh chỉ hơi thở thế là chứng đạo ạ?

Trưởng lão: Cái gì con?

Phật tử 9: Bạn ấy vừa hỏi là, tịnh chỉ hơi thở, làm chủ hơi thở đấy ạ, không biết là có chứng đạo?

Trưởng lão: À, làm chủ hơi thở hả con?

Con bảo nó ngưng là nó ngưng, tức là làm chủ nó. Con bảo nó thở dài, nó thở dài. Con bảo nó thở ngắn, nó thở ngắn. Thì con làm chủ được hơi thở.

Thí dụ như bây giờ con leo núi nè, con đi nè, mệt, thì con không biết…​ (không nghe rõ) nó thở dồn dập, nó làm cho con mệt hơn. Con bảo: “thở chậm, dài ra, không có thở dồn dập”, thì bắt đầu cái hơi thở con nó thở chậm chậm ra, thì bắt đầu con đi không mệt nữa.

Thầy đi lên đền Hùng á, ra ngoài Bắc nè Thầy đi lên đền Hùng mấy con, rồi còn Thầy đi lên nơi mà chỗ những cái nơi mà nó núi cao đồ đó mấy con, Thầy đi Thầy điều khiển hơi thở Thầy đi. À mấy chú trai đi không bằng Thầy hơi mệt, còn Thầy đi không mệt. Càng lên dốc nó mệt phải không? Chứ không phải dễ đâu. Nhưng mà ông già này đi không mệt, tại sao Thầy không mệt? Thầy không ngồi nghỉ? Mà Thầy đi hoài đi hoài. Tại vì biết điều khiển được hơi thở mấy con. Bởi vì mình lên mình cứ điều khiển hơi thở chậm nhẹ, đi. Chứ để nó dồn dập, nó thở nhanh đó, bắt đầu nó mệt, nó mệt thì phải ngồi nghỉ, mình đi hết nổi rồi.

29- PHẬT TỬ XIN Ở THÊM TRONG TU VIỆN

(02:02:40) Phật tử 10: Con xin Bạch Trưởng lão, ý là lần đầu tiên mà con đi theo đoàn đến đây, thì mai là đoàn về, thì con xin phép Trưởng lão cho con xin ở thêm, có được không ạ?

Trưởng lão: Được chứ con, không có gì đâu. Ráng tập.

Phật tử 10: Dạ, vâng con tạ ơn!

30- CÁCH NHIẾP TÂM TRONG CÁNH TAY

Phật tử 12: Con bạch Thầy là nếu như sử dụng cánh tay thì là cái tâm của mình để trên cánh tay hay là mình cứ nhìn mắt theo cánh tay?

Trưởng lão: Nói chung là muốn để cái tâm mình trên tay mà cho nó rõ ràng thì mắt phải nhìn nó. Chứ con không nhìn nó thì nó không có tập trung được. Bởi vì cái tay đưa ra đưa vô. Còn hơi thở thì con không thể thấy hơi thở được mà con cảm nhận hơi thở. Con hiểu không? Nó khác. Còn cái tay mà con đưa ra, mà con mắt nó nhìn đưa ra, đưa vô vầy nó thấy rất rõ.

Cho nên mà cái gì nó thấy rõ ràng thì cái đó nó dễ tập trung. Chứ bây giờ con cảm nhận cái tay đưa ra, con ngó chỗ khác mà con không ngó nó thì con cũng cảm nhận được, nhưng mà con dễ quên. Còn con gom con mắt vô đây, nhìn đây, đưa ra nè thấy nè; đưa vô nè, thấy nè. Đó, nhưng mà con nhớ, con nhìn vầy đó, thì con đừng có đưa cái đầu theo tới theo lui, theo cái tay con vầy không được. Con để cho cái đầu con nó nghiêng qua vầy, cái tay này, con thấy đưa ra đưa vô vầy, nó giữ cái mực, cái đầu đừng có lúc lắc, mà cái tay đưa ra đưa vô thôi. Rồi khi mà cái tay bên nay á, thì con nghiêng qua bên nay con nhìn nó, con đưa ra đưa vô. Sau đó, thì con không cần phải nhìn nó nữa mà con cảm nhận cánh tay nó đưa ra đưa vô. Bắt đầu con ngồi đây con nhìn phía trước, mà con cảm nhận, con cảm nhận. Phải tu tập từ từ chứ, bởi vì đầu tiên con phải tập trung bằng mắt và bằng cái cảm nhận của con cánh tay đưa ra đưa vô. Hai cái để gom nó lại, để tập trung cái tâm mình lại, để nhiếp phục được. Đó!

(01:04:34) Phật tử 13: Dạ kính thưa đức Trưởng Lão, ở trong cái câu chuyện Phật tử hỏi, thì con tu tập ở nhà thì, thưa đức Trưởng Lão, có lẽ tuổi con cũng không trẻ, nên khi mà con nhìn kỹ ra, cũng như nhìn kỹ vào thì phần sau này mắt con nó hơi nhòa. Khi mà con đưa ra hết cự ly ra như vầy, thì trước con có tác ý câu "Tôi đưa tay vô tôi biết tôi đưa tay vô", thì trước trong lúc con chuẩn bị tác ý thì mắt con phải nhìn lố ra ngoài viên gạch có sao không Trưởng lão? Rồi khi con tác ý xong hết con lập tức nhìn trở lại bàn tay con đưa tay vô.

Trưởng lão: À, cái nhìn…​

Phật tử 13: Mắt con hơi bị nhòa.

Trưởng lão: Cái nhìn đó của con nó có thể nó cái cánh tay nó đưa ra nó thấy ra ngoài khỏi cánh tay đưa ra.

Phật tử 13: Dạ thưa Trưởng lão, như vầy là lúc con tác ý "Tôi đưa tay ra tôi biết tôi đưa tay ra" thì con tác ý trong đầu xong như vậy đó là con đưa ở trong ra như vầy. Nhưng mà khi hết cự ly ngang của cái đầu gối đó, thì con để nhẹ trên cái đầu gối, nhưng mà do mắt con, tập một hồi thì nó hơi bị nhòa thì con lại nhìn lố ra khoảng 1, 2 viên gạch bông rồi con mới tác ý tiếp "Tôi đưa tay vô tôi biết tôi đưa tay vô" thì lúc con tác ý hết câu đó rồi là mắt con quay trở lại nhìn đúng ngay cái bàn tay này con đưa vô.

Trưởng lão: Được, không có sao. Tự nhiên nó phải thấy hết cả cái vùng đó chứ không có phải là chỉ có bắt buộc nó phải nhìn trên cái bàn tay của nó đâu. (Phật tử: Vâng)

Cho nên vì vậy mà cái bàn tay nó thì nó cộng với cái thấy của nó với cái cảm nhận của cánh tay đưa ra đưa vô thôi. Cho nên cái mắt nó có thể nhìn hết cái vòng của nó rộng lớn, chứ không phải là cứ nhìn có cái bàn tay này chứ không thấy được cái sự xung quanh này thì không được. Bởi vì cái mắt nó nhìn nó rộng lắm, cái tầm rộng của nó. Mình đừng ép nó, bảo cứ ráng nhìn chăm chăm cái bàn tay thì cái kiểu này, kiểu tập trung ức chế, trật. Để cho nó tự nhiên, nó nhìn nó thấy cái bàn, mà nó thấy cả cái bàn tay nó đưa ra. Chứ không phải nó thấy cái bàn tay không đâu.

Phật tử 13: Dạ con thấy, từ cánh tay đi ra đến hết cái bàn tay, nhưng mà con nhìn thêm vài viên gạch nữa rồi sau khi con tác ý…​

Trưởng lão: Nó phóng cái tầm rộng nó thấy ra chứ không phải hẹp đâu.

(02:06:46) Phật tử 14: Bạch Thầy cho con hỏi, khi mà con không tu tập hơi thở nữa, khi con nghỉ ngơi, đầu nó không nghĩ một cái gì, lúc đấy con thấy nó, con biết rất là rõ cái hơi thở của con thì khi đấy con cứ kệ, con biết hơi thở.

Trưởng lão: Đúng đó, con cứ kệ. Con để cho nó tự, tự nhiên nó biết thì tốt nhất con, nó không bị ức chế con. Cái đó là nó trên Tứ Niệm Xứ rồi, nó tự nhiên.

(02:07:09) Phật tử 15: Kính bạch Thầy, có câu hỏi là đưa tay ra đưa tay của 2 huynh đệ vừa rồi đó, thì con hỏi thêm Thầy một điều là, khi mình cảm nhận, khi mình cảm nhận tay đưa ra đưa vào thì lúc đấy cái tâm có cần phải để ý vào hơi thở không ạ?

Trưởng lão: À không con, bởi vì mình đã dùng nó thay cái hơi thở rồi. Còn con, mà cả hơi thở cả cánh tay đưa ra vô. Tức là bây giờ, con thở ra con đưa ra theo cánh tay chứ gì, con đưa vô con hít vô chứ gì, thì con tu hai cái hành động, hành động nội và ngoại. Coi chừng, đã rối loạn hô hấp người ta mới dạy con cái này. Mà con chơi hơi thở trong này nữa thì chết! Hiểu không? Con tập trung 2 thứ, không được. Chỉ có một cánh tay thôi, đừng có theo hơi thở. Hơi thở nó thở sao kệ nó, không biết. Chỉ biết cánh tay đưa ra đưa vô thôi, để tránh cái hơi thở con, bị con bị rối loạn hô hấp đó.

(02:08:08) Phật tử 7: Dạ con thưa kính bạch Trưởng lão ạ, chúng con hôm nay rất là hoan hỷ và hạnh phúc, được trở thành những người con của Thầy, được Thầy giảng nghĩa thật là rõ ràng, ban cho con những pháp danh, pháp hành. Thật là vô lượng phước cho chúng con. Ngày mai, phần lớn chúng con đã phải trở về quê hương rồi chỉ còn lại một số người xin được ở lại dài lâu hơn trong Tu viện. Thì chúng con rất là biết ơn Thầy. Chúng con xin kính chào Thầy. Thầy nghỉ ngơi.

Trưởng lão: Ráng về ngoài đó tu tập mấy con.

Phật tử: Phật tử đồng Kính chào Thầy.

Trưởng lão: Thầy chào mấy con. Ngày mai mấy con về nhưng mà nhớ, lúc nào ở đâu cũng phải tu hết mấy con, không mất thì giờ. Rồi thôi, Thầy về mấy con. Thôi mấy con xá Thầy thôi.

HẾT BĂNG