20090308 - SỐNG TỈNH THỨC LÀM CHỦ NHÂN QUẢ - PHẬT TỬ ĐỒNG THÁP

SỐNG TỈNH THỨC LÀM CHỦ NHÂN QUẢ - PHẬT TỬ ĐỒNG THÁP

Ngày Thầy giảng: 08/03/2009

Người nghe: Phật tử Đồng Tháp

Thời lượng: [26:23]

Chuyển ngữ: Nhóm Tu sinh Chơn Như

Con người chúng ta khi mà trái ý nghịch lòng của mình, thì đâm ra buồn phiền giận hờn, còn trái lại mà mình hiểu thì không giận hờn, không buồn phiền. Bởi vì nhân quả mà, có gì đâu mà giận hờn. Cho nên chúng ta hàng ngày sống trong nhân quả, mấy con. Thí dụ mấy con tập đi, mấy con tỉnh thức, mấy con đi cẩn thận thì mấy con sẽ không đạp miểng chai, mấy con sẽ không sụp hố. Còn mấy con thiếu cẩn thận, thiếu tỉnh giác thì mấy con sẽ không nhìn ở dưới chân mình, thì mình sẽ đạp phải miểng chai, hoặc là sụp hố. Mà khi đạp miểng chai, sụp hố thì mấy con phải bị đau chứ sao, phải không? Còn mấy con cẩn thận, cẩn thận đi, mà cẩn thận như vậy thì đó gọi là tỉnh thức mấy con, hay là tỉnh giác. Tỉnh là cái sức bình tĩnh của mình, cái sức sáng suốt của mình. Cho nên đi đâu mấy con cẩn thận, đừng có giục giã, đừng có vội vàng, thấy không? Đi đâu cũng vậy. Cho nên một cái người lái xe mà cẩn thận, dè dặt cẩn thận thì ít tai nạn giao thông xảy ra. Còn chúng ta không cẩn thận thì thường xảy ra, mà thường xảy ra thì đem đến đau khổ cho mình cho người, mấy con.

(01:09) Cho nên đạo Phật dạy cho chúng ta có một cái đời sống, chứ không có gì mà dạy cho chúng ta cao sâu cả. Nhưng, nói như vậy không có nghĩa là đạo Phật chỉ có bấy nhiêu. Có cái tri kiến hiểu biết để chúng ta được giải thoát đời sống chúng ta, mà chúng ta còn giải thoát được bệnh tật của chúng ta nữa mấy con. Hiện giờ Thầy dạy cho mấy con có cái tri kiến nhân quả để mấy con giải thoát được cuộc sống. Cuộc sống chúng ta có nhiều điều làm chúng ta phiền toái lắm mấy con. Làm chúng ta dễ lo lắng, dễ giận hờn lắm mấy con, dễ đau khổ lắm. Cho nên chúng ta có cái sự hiểu biết của tri kiến thì làm cho đời sống chúng ta được bình an.

1- LÀM CHỦ BỆNH, CHẾT

Nhưng thân chúng ta nó không thể dừng ở tại đó, tâm chúng ta nó không dừng ở tại đó đâu mấy con. Cái thân này mà đau thì cái tâm nó cũng khổ lắm, mấy con! Có phải không? Bệnh mà! Nhưng đạo Phật không dừng ở chỗ tri kiến giải thoát mà còn dạy chúng ta làm chủ bệnh. Chứ không phải là có bệnh rồi đi nằm nhà thương đâu mấy con. Nghĩa là chúng ta khi đau bệnh, cả gia đình chúng ta, đang ở trong gia đình chưa ai biết chúng ta đau bệnh. Còn nếu mấy con không có phương pháp để trị bệnh thì gia đình, khi đau mấy con phải rên, mấy con phải chịu không nổi thì gia đình đều phải thức dậy hết. Không có người nào mà yên ngủ hết mấy con, bởi vì tình thương của mọi người mà. Vợ con hay hoặc là chồng con, hay hoặc là mọi người thân của chúng ta, khi nghe chúng ta đau là họ không yên, họ lo lắng. Cho nên họ không thể nào mà họ ngủ yên được, họ phải dậy chăm sóc cho chúng ta. Do đó chúng ta khổ là bệnh mà những người thân của mình cũng khổ, vì phải thức chăm sóc cho mình, các con thấy khổ của người này.

(02:56) Còn trái lại mấy con biết pháp, mấy con không bao giờ rên đâu mấy con. Khi đau bệnh mấy con nhiếp tâm và an trú ở trong cái hơi thở hoặc là trong thân hành của mấy con. Khi mấy con an trú trong thân hành của mấy con thì đau bệnh không còn đau nữa, nó sẽ đẩy lui được bệnh ra khỏi thân mấy con. Có hạnh phúc không? Khỏi tốn tiền nè, mà gia đình không ai cực khổ nè, chỉ có mình mình biết. Bây giờ nó đang đau bụng hay nhức đầu hoặc là đau một cái bệnh gì, mình cứ nằm im lặng rồi mình nhiếp tâm an trú. Mà khi nhiếp tâm an trú tức là mình đem cái biết của mình, cái ý thức biết đó đó, nó rời khỏi cái đau của mình, cho nên mình không có cảm thấy đau nữa. Và lần lượt cái thân của chúng ta mà không có thấy đau thì có cái sức nó đề kháng, nó phục hồi lại cái chỗ đau. Cho nên chỉ trong vòng một giờ hoặc một ngày thì cái cơ thể chúng ta nó sẽ bình phục trở lại không đau mà không có tốn tiền thuốc mấy con. Nhưng cái đó phải tập, bởi vì nhiếp tâm và an trú tâm là một cái điều phải tập luyện chứ không thể như chúng ta học cái tri kiến được.

(04:01) Còn cái tri kiến hiểu biết thì chúng ta cần học, cần hiểu biết, tức là cần học để cho nó hiểu biết. Như mấy con thấy, cái tri kiến của mấy con, mấy con nếu mà không đi học chữ thì mấy con bây giờ đọc chữ không được. Nó là phải học nó mới hiểu chứ. Còn cái tri kiến giải thoát về nhân quả thì mấy con phải học thì mấy con mới hiểu. Hiểu thì mấy con mới giải được cái khổ của tâm mấy con. Còn cái này khác, nó qua một cái giai đoạn mà để đẩy lui bệnh thì nó phải tập luyện chứ không thể học nữa. Mà phải tập cho đúng cách mấy con, tập nhiếp tâm và an trú. Khi tập nhiếp tâm an trú được thì mấy con phải đẩy lui được bệnh. Nhưng như vậy nó cũng chưa đủ, chưa đủ.

(04:42) Bây giờ như mấy con muốn chết hồi nào chết, muốn sống hồi nào sống không phải dễ. Muốn cho cái hơi thở này nó ngưng thì mấy con không thể làm được. Mấy con nín thở thì nghe tức tối, nghe khổ sở quá, có phải không? Cho nên Phật pháp dạy chúng ta đến cái cuối cùng của nó để chúng ta làm chủ được cái sự sống chết. Muốn chết (thì) chết, muốn sống (thì) sống. Bây giờ mấy con bị cái bệnh, nó làm cho mấy con thở không được, nó sắp chết, thì mấy con bảo: “Thở!” là nó thở mấy con. Cái lệnh của một cái người tu nó có cái quyền lực, nó có cái năng lực. Nó rất mạnh mà cái năng lực đó nó thuộc về ý chí của mấy con, cái ý của mấy con, gọi là ý thức lực.

Mấy con bảo thở là nó thở, bảo hết bệnh là hết bệnh, bảo sống là nó sống. Mà bây giờ mấy con thấy, bây giờ già yếu rồi, sống với con cháu làm nó cực khổ. Đi chân cẳng mấy con đi run rẩy, phải có con cháu phải vịn thì mấy con thôi chết cho rồi, để chi cho cực người này người kia. Cho nên mấy con bảo: “Hơi thở tịnh chỉ ngưng! Chết!” nó chết mấy con. Nó an ổn quá! Còn mấy con về già đi lụm cụm vậy khổ sở gần chết, mà muốn chết nó không chết, có phải không mấy con? Thấy khó quá, không phải chuyện dễ. Nhưng mà người tu, người ta làm chủ được điều đó mấy con.

(06:00) Bởi vì chỉ có con người mới làm được điều này, chứ không thể có một cái, một cái con vật mà tu tập được điều đó. Cho nên trong khi các con nhớ lại, trong khi đức Phật đi ra bốn cửa thành thấy bốn sự đau khổ của kiếp người. Đi bốn cửa thành thấy bốn sự đau khổ đó là: sinh, già, bệnh, chết. Một cuộc sống mấy con thấy nãy giờ Thầy nói: “Giận hờn phiền não đó là khổ, rồi già cả lụm cụm yếu đuối là khổ, rồi bệnh tật đau nhức là khổ”. Chết nó hành hạ, nó trăn trở rồi nó mới chịu chết. Chứ đâu phải mấy con muốn chết, cái nó nằm đó nó nín thở nó chết sao? Nó lăn lộn, nó trăn trở. Khi mà cơ thể này muốn chết nó rã đó, thì nó đau nhức từ cái khớp xương của chúng ta, từ da thịt chúng ta, nó rã rời. Không biết mấy con có nuôi người chết không, chứ Thầy có nuôi ông thân của Thầy với mẹ Thầy, Thầy biết. Mẹ Thầy thì đỡ, là tại vì Thầy có dạy pháp tu. Còn ông thân của Thầy thì, khi ông thân Thầy mất, Thầy mới đi tu. Cho nên Thầy chưa có biết pháp dạy ông thân Thầy. Cho nên ông thân Thầy chết khổ lắm mấy con.

(07:09) Trước khi chết thì Thầy không biết trong người ông đau nhức thế nào, nhưng mà ông bảo Thầy đỡ ông ngồi dậy. Nhưng mà khi vừa ngồi dậy thì ông bảo để nằm xuống. Rồi cứ đỡ lên nằm xuống mà người xưa người ta gọi là trăn trở. Cho đến khi mà nằm yên được thì sắp chết rồi mấy con. Cho nên cái người chết khổ lắm, thật sự khổ. Không biết những người bệnh đau như thế nào, chứ riêng ông thân Thầy thấy trăn trở rồi mới chết. Chắc chắn là cái sức mà yếu đuối của những người bệnh nó đau nhức trong đó lắm, rất nhiều. Nhưng mà họ không có trăn trở đỡ lên ngồi xuống, chứ sự thật ra họ cũng lăn lộn hoặc họ nằm im. Nhưng mà trong cái đau khổ đó- cái cơ thể nó rã mà. Nó rã rời rồi nó mới chết, chứ đâu phải là đơn giản mấy con.

2- THƯƠNG NGƯỜI THÂN TRONG THẤT CHUYÊN TU

(08:00) Cho nên đạo Phật biết được bốn sự đau khổ này. Vì vậy mà đức Phật mới lìa bỏ cung vàng điện ngọc, lìa bỏ vợ con mình, rồi đi vào một cái đất nước khác. Sợ ở đất nước mình, vợ con rồi này kia đến thăm, mà vợ con đến thăm làm sao tu được mấy con. Cũng như bây giờ mấy con đến thăm một người thân các con đang tu ở đây, mà mấy con muốn gặp thì rất tội cho người đó mấy con. Cứ mấy con để im cho người ta tu cho xong cái đã. Tu xong rồi sẽ gặp, có gì khó khăn đâu. Miễn họ hỏi thăm Thầy là họ đã mạnh khỏe là được rồi. Cho nên đức Phật lúc bấy giờ rất sợ ở nước mình cho nên đi qua một cái nước khác ở, để cho vợ con không có biết, không đi vào trong rừng. Chứ vợ con làm sao không thương? Cho nên khi biết còn ở trong đất nước mình thì mình sẽ đi. Cũng như bây giờ mình ở Việt Nam, bây giờ dù ở Tây Ninh hoặc là ở Đồng Tháp, thì chắc là bà vợ cũng lần lượt tới thăm. Cho nên ông đi qua bên Pháp ông ở, thì bà vợ chắc đi không nổi, có phải không? Đi qua một nước khác rồi. Do đó đức Phật cũng biết được con đường tu, cho nên đi, bỏ nước đi qua nước khác ở tu. Sau khi tu chứng rồi, đức Phật mới trở về thăm cha và dạy cho vợ con mình tu chứng quả A La Hán hết mấy con.

(09:21) Còn khi mà đang tu thì nhất định là cắt bứt không gặp. Đó là cái Tu viện của Thầy hôm nay cũng tổ chức như vậy mấy con. Cho nên mấy con thương những người thân mình đi tu, mấy con đến đây thăm là quý rồi. Nhưng mấy con đừng gặp, mấy con đừng gặp mấy con, để cho cái người, người ta đang tu mà người ta gặp thì nó bao những cái tâm người ta đã xả ra, đã ly dục ly ác pháp, coi như nó gần cạn mà khi gặp nó tràn đầy rồi. Cũng như một cái hồ mà chúng ta tát nước, chúng ta tát nước gần cạn rồi, bỗng dưng chúng ta lại khai cho nước vô thì nó đầy trở lại mấy con. Tội người ta sẽ xả ra một thời gian dài mới hết. Cho nên mấy con thương người tu hành cực khổ lắm mấy con. Sống một mình, ăn ngày một bữa, không nói chuyện với ai hết, để cho chúng ta gạn lọc từng cái tâm tư. Còn bây giờ mấy con sống, mấy con đi tiếp duyên, mấy con nói chuyện thì bình thường quá đâu có gì đâu.

Nhưng mà cái người mà tu hành, người ta sống một mình, người ta từng cái tâm niệm người ta ở trong này nó mới hiện ra. Nó hiện ra người ta mới gạn, người ta tác ý, người ta xả nó. Cho nên cái tâm lần lượt nó thanh tịnh, nó không còn tham sân si và ly dục ly ác pháp. Cho nên tu hành phải sống độc cư, chứ còn tiếp duyên thì không bao giờ tu hết. Cái tâm chúng ta nó chứa dữ lắm, nó chứa nhiều lắm mấy con. Cho nên mình sống độc cư để mình gạn lọc từng tâm niệm, từng tâm niệm. Hàng ngày biết bao nhiêu niệm nó khởi ra mấy con. Mình ngồi im coi, nó nhớ nhà, nó nhớ con, nó nhớ cái, nó nhớ những người thân. Rồi nó nhớ những chuyện tào lao nữa chứ đâu phải nó nhớ nhiêu đó đâu. Nhớ nhiều lắm. Cho nên cố gắng hàng ngày tác ý.

(11:02) Tác ý là cái phương pháp Như Lý Tác Ý của đạo Phật dạy chúng ta lấy ý thức mà đuổi nó. Ví dụ như bây giờ trong đầu Thầy có một niệm nhớ mẹ mình, khởi lên thương mẹ mình, mẹ mình cực khổ nuôi mình thì nhớ cái niệm. Cái niệm nó khởi ra thì ngay đó Thầy tác ý: “Tâm bất động, thanh thản, an lạc, vô sự. Tất cả là ái kiết sử, là nhân quả. Tại sao mày không biết một kiếp người thì nó có một cha một mẹ, mà nhiều kiếp thì nó có nhiều cha mẹ. Tại sao cha mẹ nhiều kiếp mày không nhớ, mày nhớ một kiếp này?”. À do đó mình gạt nó, mình luận để cho nó đi mất. Rồi nó đi, rồi nó trở lại, nó tái đi tái lại chớ đâu phải nó đi cái nó đi luôn đâu. Nó hay quanh trở lại lắm.

Cho nên chúng ta lại bền chí, đuổi nữa, đuổi hoài: “Tâm bất động, thanh thản, an lạc, vô sự. Tất cả là niệm tái sanh luân hồi, là đau khổ”. Đó, mình tác ý như vậy thì nó lại im lặng cho mình. Và nó im lặng một chút thì nó lại có niệm khác chứ con, rồi mình lại đuổi nữa. Mà ngày ngày rồi đuổi như thế này suốt bảy tháng sống độc cư, suốt bảy tháng. Mà bảy tháng mà ngồi đuổi như thế này mà không hết thì bảy năm. Các con thấy không? Bảy năm thì phải hết chứ sao, bởi vì bền chí quá mà. Chớ mấy con vô tu có một tuần lễ ra các con nói chuyện thì thôi không hết, có phải không? Cho nên vì vậy mà chúng ta vào tu là chúng ta quyết định sống chết, thì chúng ta sẽ đuổi sạch. Đơn giản mình đuổi nó mà, chớ mình có làm gì nó đâu. Đuổi riết nó phải hết à.

(12:40) Mấy con thấy cái tâm của mình nó hay khởi nghĩ cái này kia gì thì phải đuổi cái đó hết, mà đuổi hết thì nó hết. Nhưng nó còn một cái khó nữa đó là cái tâm buồn ngủ. Mấy con đuổi hơi cái thấy nó không vắng bóng cái nó gục á, nó gục đó. Bởi vì cho nên nó phải có cái phương pháp phá cái tâm buồn ngủ. Phá cái tâm buồn ngủ nó tỉnh rồi thì nó mới có niệm, nó có vọng tưởng. Cho nên mình ngồi mà nó tỉnh táo thì phải đuổi từng niệm. Nhưng mà cái niệm đó hết rồi thì nó lại buồn ngủ, thì mình lại phải đi. Chứ mình ngồi nó ngủ sao? Các con hiểu chưa? Cho nên mình phải chịu khó mình đi. Mà mình đi như vậy, nó có cái phương pháp gọi là Thân Hành Niệm. Thân hành mà, mình tu tập trên cái thân hành, cho nên tu tập nó có những cái phương pháp mấy con.

3- ĐỜI SỐNG CỦA NGƯỜI CƯ SĨ

(13:33) Nhưng mấy con còn là cư sĩ, còn là gia duyên thì mấy con chưa có tập được, chưa tập được! Nhưng mấy con có thể tập để cho mình có cái cơ bản, sau này có cái duyên tu tập để mình đi sâu. Thì ban ngày thì mấy con sống làm việc bình thường tất cả mọi việc y như cuộc sống của mấy con, nhưng mấy con sống trong cái tri kiến nhân quả. Để mọi chuyện xảy ra mấy con xả được tâm của mình không giận hờn, phiền não, không đau khổ. Biết nhẫn nhục, biết thương yêu, biết tha thứ, phải không? Mấy con có đủ cái trí tuệ, cái tri kiến như vậy thì mấy con đã được giải thoát cái đời sống của mấy con rồi.

(14:12) Nhưng những buổi tối, buổi khuya mấy con ngủ. Trước khi ngủ, mấy con tập cho có căn bản là mấy con tập nhiếp tâm. Để làm chi? Để cho mình, thân mình có bệnh mình cũng đẩy lui được, cũng đỡ tốn tiền thang thuốc. Phải không? Mấy con đỡ. Nếu mà đẩy lui được bệnh thì mấy con đâu có tốn tiền bác sĩ nhà thương đâu, có phải không? Mà do đó những buổi tối mấy con bỏ ra 30 phút mấy con tập. Mấy con tập với cái câu, cái phương pháp tập, phương pháp tập của mấy con. Đầu tiên thì mấy con tập cho an trú được cái tâm của mấy con, thì mấy con nhắc: “An tịnh tâm hành tôi biết tôi hít vô, an tịnh tâm hành tôi biết tôi thở ra”. Rồi mấy con hít vô thở ra cái hơi thở ấy gì. Mấy con hít vô thở ra 5 hơi thở, 5 hơi, hít vô thở ra. Đếm đủ 5 hơi thở cái mấy con tác ý lại: “An tịnh tâm hành tôi biết tôi hít vô, an tịnh tâm hành tôi biết tôi thở ra”, rồi mấy con hít vô thở ra 5 hơi thở nữa. Tập một thời gian mấy con thấy nó không còn niệm xen vô, thì tức là mấy con nhiếp tâm được rồi. Khi mà nhiếp tâm được rồi thì mấy con tập cho an trú cái thân của mấy con. Nhiếp cái thân của mấy con cho nó an trú.

(15:22) Thì mấy con thay đổi cái câu mà tâm bằng cái thân: “An tịnh thân hành tôi biết tôi hít vô, an tịnh thân hành tôi biết tôi thở ra”. Rồi mấy con cũng hít vô thở ra 5 hơi thở, rồi tác ý câu đó nữa. Cuối cùng 30 phút mấy con đã đạt được cái sự an của cái thân của mấy con. Thì khi mà mấy con tác ý được như vậy mà không có một niệm nào xen vô ở trong cái tâm của mấy con, thì đó là mấy con đã an trú được thân. Mà an trú được thân thì khi mà cái thân có đau thì mấy con cứ nhắc: “An tịnh thân hành tôi biết tôi hít vô, an tịnh thân hành tôi biết…​”, rồi cứ hít ra thở vô, đau mặc đau. Bây giờ thí dụ cái đầu mấy con nhức thì biết nó nhức đó, nhưng mà phải biết cái hơi thở rồi tác ý, rồi nhiếp trong hơi thở tác ý, thì mấy con cứ ôm pháp, ôm pháp tu thì cái bệnh nó sẽ hết, phải không?

Thì nó có hai phần, thì cái phần thứ nhất là mấy con đối trị được cái tâm. Phần thứ hai thì buổi tối với buổi khuya mấy con ngủ, mấy con thức dậy, mấy con tập. Mấy con tập để đuổi bệnh, thì khi mà tập được như vậy thì mấy con thấy có hai phần lợi. Lợi thứ nhất là cuộc sống mấy con không khổ, không giận hờn phiền não, không có ai cám dỗ mấy con được gì hết. Mấy con được giải thoát được cái tâm của mấy con trong cuộc sống. Và phần thứ hai thì mấy con làm chủ được bệnh của mình. Khi có bệnh thì mấy con nhiếp tâm ở trong cái hơi thở rồi câu tác ý đó mấy con làm chủ được cái thân của mấy con, đẩy lui được bệnh. Hai cái đó là đủ rồi.

Chứ mấy con muốn chết, muốn sống thì mấy con phải xuất gia như Thầy. Phải bỏ hết gia đình giao lại cho con cái làm gì làm, thì mấy con mới đến đây, mấy con mới tu cao hơn. Để cho mấy con muốn chết hồi nào chết, muốn sống hồi nào sống. Đó là dành riêng cho những bậc xuất gia. Chứ còn cư sĩ của mấy con tu tập nhiêu đây thôi.

(17:09) Ngày thì mấy con sống bằng cái sự hiểu biết để xả tâm, để đem lại cái sự giải thoát cho cho cuộc sống của mấy con. Đêm mấy con tập để đẩy lui bệnh. Nó có hai phần. Bởi vì ban đêm mấy con không tập thì mấy con cũng ngủ, cũng phí uổng. Mấy con tập chút chừng 30 phút, rồi mình ngủ có sao đâu. Khuya mà thức giấc dậy nó không ngủ thì tập, tập 30 phút. Cứ vậy mấy con tập hoài, tập riết mới được. Mà nó được rồi thì mấy con đời sống thì không buồn phiền, mà bệnh đau thì đẩy lui. Vậy là hạnh phúc rồi, phải không? Đời sống của cư sĩ mấy con được nhiêu đó là mấy con hạnh phúc rồi. Cố gắng tập. Nghe lời Thầy mấy con. Mấy con sẽ tập, mấy con sẽ đem lại sự lợi ích cho bản thân của mấy con. Còn mấy con không tập thì mấy con phải tốn tiền thuốc. Mấy con giận hờn, mấy con khổ, mấy con ráng chịu, chứ Thầy không chịu thế cho mấy con được, phải không? Mấy con nhớ kỹ chưa?

Mấy con đứa nào cũng phải ráng mà tập, bởi vì đức Phật nói, đức Phật nói: “Các con tự thắp đuốc lên mà đi, ta chỉ là người hướng đạo mà thôi”. Thầy bây giờ cũng vậy. Mấy con phải tự giác, tự tu tập chứ thầy không thể tu dùm mấy con được. Không thể tu thay được, tự mấy con tu. Đó như vậy thì mấy con nghe hiểu cách thức như vậy rồi, mấy con ráng, mấy con ráng. Mỗi lần đến đây là có cái duyên lắm. Phải không mấy con? Có duyên mới đến thăm Thầy chứ. Mà thăm Thầy thì phải đem lại sự lợi ích thiết thực cho mình. Mà thiết thực cho mấy con là đem lại sự bình an cho gia đình của mình mấy con. Bản thân của mình, rồi gia đình của mình nó không khổ, thấy không, mấy con nhớ chưa? Nhớ kỹ những lời Thầy dạy, về rồi tìm những cuốn sách đạo đức mà học. Đạo đức nhân quả đó mấy con, để học cho biết nhân quả. Chớ còn không học mình làm sao mình biết nhân quả đâu. Phải không? Cho nên tìm những bộ sách đạo đức nhân quả. Thầy sẽ lần lượt, Thầy cho tái bản những cái bộ sách đạo đức để khi mấy con đến rồi Thầy phát cho người tập tập, làm món quà (Thầy cười). Món quà nhân quả mấy con. Phải không?!

4- ĐỊNH NIỆM HƠI THỞ

(19:08) Còn bây giờ đó thì mấy con để tập làm chủ cái bệnh của mình hoặc là để làm chủ cái tâm của mình, thì không biết ở đây, không biết 19 cái đề mục Định Niệm Hơi Thở có không con? Coi còn không? Nếu mà Định Niệm Hơi Thở có mấy con sẽ cho mấy cô mấy chú này đó. Không có hả con? Định Niệm Hơi Thở là nó có 19 cái đề mục, con! Mỗi cái đề mục hồi nãy Thầy dạy mấy con đó, phải không? “An tịnh thân hành tôi biết tôi hít vô, an tịnh thân hành tôi biết tôi thở ra”. Thì mấy con hít vô thở ra, mấy con nhiếp tâm 30 phút thôi thì mấy con đẩy lui được bệnh.

Còn mấy con thấy cái tâm mình nó dễ giận quá. Ai nói gì dễ giận quá, mà không biết làm sao nhẫn được. Cứ hễ ai nói gì tức là giận à, không làm sao dằn được, thì mấy con nương vào cái chỗ đó: “Quán ly sân tôi biết tôi hít vô, quán ly sân tôi biết tôi thở ra”, thì mấy con tập hít vô thở ra. Cứ tác ý câu đó, thời gian sau thì ai nói gì nói, mấy con không biết giận nữa. Nhờ mình tập cái đó đó, nó trở thành huân một cái nội lực ly cái sân của mình. Nó làm cho tâm sân mình không còn. Cho nên cái gì, cái Định Niệm Hơi Thở , thì mấy con có tập sách về mấy con đọc, rồi nghiên cứu ở trong đó cách thức nó dạy mấy con tập.

Rồi ban đêm mấy con chỉ cần nửa tiếng đồng hồ. Buổi tối, buổi khuya dậy thức giấc, mấy con chỉ siêng năng mấy con tập. Như vậy là mấy con đã lợi ích cho mấy con rồi, các con hiểu chưa? Để Thầy nói mấy cháu nó sẽ đem đến cho mấy con, tập sách đó, để lợi ích các con. Con đến thăm Thầy mà không có món quà gì tặng mấy con thì…​ (Thầy cười), có phải không?! Mấy con đến phải có món quà cho mấy con chứ. Cho nên vì vậy, thì Thầy sẽ nói, mấy cháu tụi nó sẽ đem qua cho mấy con, thấy không?

Bây giờ mấy con còn hỏi Thầy gì không? Không có gì hết phải không con? Nhớ có bấy nhiêu đó để rồi Thầy sẽ cho. Và Thầy sẽ cho tái bản những cái bộ sách đạo đức, cái bộ sách, những cái đạo đức, để rồi Thầy sẽ gởi. Thầy sẽ gởi mấy con.

5- TƯỚNG NGỒI KHI NHIẾP TÂM

Phật tử: Dạ thưa Thầy, mình ngồi tác ý những câu như vậy, mình ngồi bán già hay kiết già hả Thầy?

Trưởng lão: Con ngồi bán già hoặc ngồi kiết già thì nó cũng gom tâm cũng tốt, mà bán già cũng tốt, con ngồi trên ghế như vậy cũng được. Ở đây nó không quan trọng cái chỗ ngồi, con. Mà ngồi bán già hay kiết già thì nó gom cái tâm mình. Mình tác ý nó có vẻ trịnh trọng hơn là mình ngồi cái ghế, mình buông chân vậy, nó không có trịnh trọng lắm, nó không gom tâm lắm. Nhưng mà mình ngồi kiết già, bán già thì mình ngồi để hai bàn tay vậy. Đừng để chéo vầy mấy con, phải không? Mình để hai bàn tay cách mặt bằng, tay trên dưới vậy này. Mình để vậy này con. Mình để vậy này. Đó, hai ngón tay này, cái nó đụng cái đầu lại, phải không? Cái tay này dưới, cái tay này trên hoặc trên dưới, bàn tay nào cũng được.

Người ta nói: “Nam tả nữ hữu”. Nam thì cái tay trái nó ở dưới mà nữ thì tay trái nó ở trên. Nam tả nữ hữu mà, hữu í, cái tay mặt. Cho nên vì vậy mà nói thì nói nhưng mà Thầy thấy thuận cái chỗ nào mình để chỗ nấy, chứ không có nghe nam tả nữ hữu gì hết. Nam hay nữ gì cũng vậy, cũng có hai tay thôi chứ gì. Tại người ta thì nói chứ thật sự ra đối với Thầy thì không có bị cái ảnh hưởng đó. Cho nên mấy con để hai bàn tay như thế nào mà mình thấy thoải mái là được.

(22:45) Mình để như thế này rồi mình ngồi xếp bằng thì mình tác ý: “Hít vô tôi biết tôi hít vô, thở ra tôi biết tôi thở ra”. Rồi mấy con hít vô thở ra, đó là nhiếp trong hơi thở. Hoặc là mấy con: “An tịnh tâm hành tôi biết tôi hít vô, an tịnh tâm hành tôi biết tôi thở ra.” Rồi mấy con hít vô thở ra, cũng ngồi như thế này mấy con. Nó dễ nhiếp tâm lắm. Tức là nó dễ gom tâm mình lại lắm. Còn mình ngồi trên ghế như con ngồi, mấy con ngồi vậy thì cái nhiếp tâm nó khó, nó khó hơn. Nó không gom mấy con. Cho nên nó hay có vọng tưởng xen vô lắm. Còn ngồi vầy chứ nó ít vọng tưởng mấy con. Mấy con ngồi vậy chứ nó gom, ít vọng tưởng. Mà ngồi kiểu mấy con ngồi chứ tác ý chứ vọng tưởng nó vô ra, bị nó lỏng lẻo quá cho nên nó xen vô được. Còn ngồi vầy chặt quá nó vô không được. Mấy con, cái tướng ngồi nó cũng là có cái tư thế của nó. Nó khép chặt, nó gom. Do đó thì mấy con sẽ tập. Hoặc là “quán ly tham”“quán ly sân”“quán từ bỏ tâm sân”“quán từ bỏ tâm tham”, ở trên cái đề mục của Định Niệm Hơi Thở nó dạy mình đó. Nó dạy rất rõ để cho mấy con tu.

Khi mấy con buồn ngủ hôn trầm, mấy con lười biếng không muốn đi, thì mấy con: “Với tâm định tỉnh tôi biết tôi hít vô, với tâm định tỉnh tôi biết tôi thở ra.” Rồi các con hít vô sâu thì hơi thở chậm mấy con, thở ra một hơi, thở chậm mà dài. Trời đất ơi, nó làm sao nó ngủ nổi. Các con hiểu chưa? Cách thức để mình phá, mà mình ngồi tại chỗ, mình phá được cái buồn ngủ của mình con. Các con hiểu cách thức không? Cho nên đức Phật dạy: “Hít vô dài tôi biết tôi hít vô dài, thở ra dài tôi biết tôi thở ra dài”. Đó, là cách thức để chúng ta dùng cái hơi thở dài đó mà phá cái hôn trầm thùy miên. Các con hiểu không? Ngồi tại chỗ mà vẫn phá buồn ngủ hết đó mấy con, chớ không phải không. Tại vì có phương pháp mà. Mà trong Định Niệm Hơi Thở nó dạy mình 19 cái đề mục rất đầy đủ, không thiếu một cái đề mục nào hết. Mình muốn phá cái tâm của mình, chướng ngại nào đó thì mình cứ dùng cái đề mục ngay người ta dạy. Cái đề mục đó nó sẽ giúp chúng ta làm cho cái tâm chướng ngại đó, làm ác pháp đến nó sẽ ly, không còn nữa.

(24:48) Cho nên cuốn sách đó tuy nó mỏng, nó gọn mà nó giúp lợi ích cho mấy con rất nhiều. Cho nên ráng ru tập mấy con. À thôi, để rồi Thầy sẽ về, Thầy sẽ gởi qua món quà cho mấy con. Ở đây mấy người thì Thầy không biết nhưng mà Thầy gởi qua đây một số khá khá, các con để đây có ai đến mấy con phát cho họ mấy con. Họ đến đây thăm mình là mình có món quà cho người ta mừng lắm mấy con. Được rồi, để Thầy gởi cho mấy con. Thôi bây giờ Thầy chào mấy con Thầy về mấy con. Về. Rồi chút nữa mấy con về, ăn cơm rồi về nhé. Thôi Thầy chào.

Phật tử: Thưa Thầy, kỳ rồi nói là Thầy mới có sáng tác cái quyển Mười Hai Nhân Duyên hay gì đó, như vậy thì bữa nay có chưa?

Trưởng lão: À, xin phép mà chưa in con, phải không? Thứ sáu này thì nhà in họ sẽ in. Họ bắt đầu in, xin phép rồi nhưng bây giờ còn in nữa con. Mà Mười Hai Nhân Duyên tức là 12 Cửa Vào Đạo đó, 12 Cửa Vào Đạo. Cái duyên này mà mình bẻ gãy thì tất cả các duyên khác nó bẻ gãy, mình giải thoát à. Cuốn sách cũng hay lắm mấy con. Thôi Thầy chào mấy con. Để nữa rồi Thầy sẽ gởi cho mấy con. Mấy con, khi mà mấy con muốn gởi thì mấy con để cái địa chỉ ở đây cho mấy cháu. Nó sẽ gởi cho, nó gởi qua bưu điện, từ đó, thì cái địa chỉ đó mấy con đến, mấy con lãnh, ha. Rồi thôi Thầy về.

HẾT BĂNG