Trưởng lão Thích Thông Lạc
Ngày giảng: 21/4/2008
Thời lượng: [22:55]
Người nghe: Phật tử TPHCM
https://thuvienchonnhu.net/audios/20080421-y-thuc-luc-phat-tu-tp-ho-chi-minh.mp3
(00:01) Trưởng lão: Sao, hôm nay lên thăm Thầy có gì không con?
Phật tử: Dạ bạch Thầy hai vị ở đây là đệ tử của Cô Hạnh Liên. Hai vị nghe Cô sắp lên đây ở, cho nên cũng lên thăm Thầy, sắp tới cũng muốn quy y rồi lên ở với Thầy đó Thầy. Dạ xin phép được quy y với Thầy ngày hôm nay luôn.
Trưởng lão: Thôi được rồi mấy con cứ ghi tên, tuổi với địa chỉ, Thầy sẽ ghi trên cái điệp phái Thầy sẽ cho các con cái pháp danh. (Dạ). Coi như thành đệ tử của Thầy rồi thì về cố gắng mà tu tập. Chứ cũng không có gì hết. Rồi thỉnh thoảng về thăm Thầy. Rồi có những cái khoá học Đạo Đức gì đó thì trong những ngày chủ nhật rồi mấy con về mấy con học. (Dạ)
Thầy ở đây thì coi như là cố gắng để dựng lại cái nền Đạo Đức đó con.
Phật tử: Dạ dạ. Kính bạch Thầy.
Trưởng lão: Có gì không con?
Phật tử: Mấy cô trò của tụi con hôm nay lên đây một lần nữa cũng cung thỉnh Thầy từ bi hoan hỷ yêu thương chúng con, mong Thầy ở thế gian trụ thế lâu dài để chúng con được nương theo Thầy để tu tập cho đến ngày thành đạo, kính Thầy hoan hỷ.
Trưởng lão: Rồi không có sao đâu! Chừng nào Thầy muốn chết Thầy nói Thầy chết. Mấy con yên tâm. Nhưng mà cố gắng tu cho được mấy con. Tu cho được để còn thay thế Thầy, thế rồi cái thân vô thường thì cũng có ngày cũng phải đi chứ không thể mà ở đây được mấy con. (Dạ)
Cho nên cố gắng lên. Mấy con về đây rồi Thầy sẽ hướng dẫn cho cách thức tu tập, tu tập theo căn bản từ cái thấp đi lên cái cao. Ba mươi bảy pháp của Phật là ba mươi bảy phẩm trợ đạo đó, đi từ cái thấp lên cái cao dần, cho đến khi mình làm chủ cái sự sống chết, thì lúc bấy giờ coi như là xong rồi, thì Thầy đi là được. Thầy mong cho mấy con tu xong rồi Thầy đi, chứ để cứ kéo dài Thầy sống hoài, nó cực lắm mấy con.
Ăn nó cũng cực lắm chứ đâu phải mà ăn sung sướng đâu: nhai, nuốt rồi ăn rồi phải rửa bát, rửa chén … Các con thấy cái ăn ở đời thì người ta thích nhưng mà đối với người tu rồi người ta thấy cái ăn người ta cực lắm. Nhưng mà sống phải ăn chứ sống mà không ăn làm sao sống được, mấy con. Nhưng vì mấy con mà ở lại sống mà cố gắng mà nuốt ba cái đồ bất tịnh này. Có phải không mấy con? Cho nên cố gắng tu mấy con. Tu đi! Tu cho được. Thầy dạy mà Thầy tin rằng mấy con không nỗ lực chứ mấy con nhiệt tâm là mấy con sẽ tu được, sẽ làm được.
(02:49) Kết quả nó sẽ cụ thể, nó rõ ràng lắm mấy con. Tự nơi thân của mình nó có cái nội lực rất là vĩ đại. Tại mình không có luyện tập, chứ mình luyện tập thì mình làm chủ được nó qua cái ý thức lực, cái pháp Như Lý Tác Ý của Phật đó mấy con, nó trở thành cái ý thức lực rất là vĩ đại. Mình muốn sống thì sống, muốn chết thì chết, muốn làm sao nó làm vậy. Bệnh đau muốn không bệnh đau thì nó không bệnh đau, mấy con khỏe.
Cuộc đời mình như vậy, ai chửi mắng mình, bảo “Đừng có giận hờn” thì nó không có giận hờn, mình la cái tâm mình một cái nó không biết giận nữa, có phải sướng không? Đó gọi là Ý Thức Lực. Người ta nói gì nói, người ta nói oan ức gì đó: “Không có giận hờn à nha” thì cái tâm mình nó trơ trơ, nó không giận hờn. Nó biết nghe lắm chứ đâu phải không biết nghe đâu? Chẳng hạn bây giờ con ăn, tập ăn ngày một bữa mà nó muốn ăn, thì con nói: “Không muốn ăn nữa, ăn ngày một bữa thôi”, thế thôi nó không ăn. Mà năm mười lần vậy thì bắt đầu nó quen rồi nó không có đói nữa luôn, có đúng không? Tức là mình làm chủ được rồi.
Thầy nói đơn giản cái ăn nó như vậy, nó mới làm chủ được, thì tức là cái thân này cũng phải làm chủ được chứ sao? Ăn để sống, mà giờ không ăn thì cái thân nó chết, mà giờ làm chủ được cái sống của nó thì phải làm chủ được cái chết chứ? Có phải không? Mình cho nó ăn giờ nào nó ăn giờ nấy, chứ đâu có ăn bậy bạ được? Thì mấy con thấy Phật giáo nó có cái uy lực đàng hoàng mà, có cái lực mà? Có phải không?
Tại vì mình muốn ăn mình mới ăn nhiều chứ còn mình không muốn ăn thì ăn một bữa thôi. Có đúng không? Mấy con thấy không? Cho nên thực tế lắm mấy con. Thầy nói thật mà, mấy con theo Thầy đi, Thầy bảo ăn một ngày một bữa thì cứ ăn một ngày một bữa, chết Thầy bồi thường cho. Làm gì chết được! Thầy bảo tới giờ ngủ là ngủ mà giờ thức là thức, mà nó không nghe nó thức thì cứ phải chịu, nó cũng chết, Thầy bồi thường cho. Đâu làm sao chết được, phải không? Bởi vì mình còn cho nó ngủ chứ đâu phải không cho đâu? Tại mày không ngủ mày ráng mày chịu.
Tu tập theo Thầy dễ lắm mấy con. Mà mình thì có gan dạ, chứ đừng có chạy theo nó thôi. Nó muốn buồn ngủ phải chạy theo nằm ngủ, tức là mình không làm chủ chứ gì? Rồi riết rồi bắt đầu nó quen rồi tới giờ bảo ngủ thì nó phải lo nó ngủ, chứ không ngủ nó chết làm sao? Có đúng không mấy con?
Thôi, mấy con đứng hết vậy mấy con? Mấy con ngồi ghế hết đi con.
(05:09) Ráng cố gắng! Mấy đứa biết Thầy rồi, từ đây về sau ráng nỗ lực tập. Ở trong gia đình của mình tập sống đạo đức, mình thương yêu, mình tha thứ những lỗi lầm của người khác, lỡ người ta có nói lời nặng nhẹ gì mình thì mình tha thứ. Đời không có gì hết, các pháp đều vô thường. Thân này cũng đâu phải là mình đâu, của mình đâu mà mình chấp nó chi để cho mình giận hờn, phiền não mấy con? Cho nên mình buông xuống hết cho tâm hồn nó thanh thản, an lạc, vô sự cho sung sướng hơn. Cho nên từ đó cái ý thức của mình hiểu, rồi cái pháp tác ý phải nhắc nó hoài, chứ mấy con không nhắc nó hiểu chứ rồi nó quên, nó quên rồi nó sân tầm bậy, tầm bạ, nó làm cho mình đau khổ. Con hiểu không?
(05:53) Cho nên cái pháp Như Lý Tác Ý nhắc, mình lỡ mình quên chút rồi mình lại nhắc nó nữa. Do đó lần lượt nó thấm nhuần, chứ đâu có phải một bữa, hai bữa mà nó quen. Các con thấy bây giờ cái tâm giận hờn, phiền não của mình tại sao nó nhanh quá vậy, người ta vừa nói trái ý mình cái mình tức giận liền? Là tại vì mình huân nhiều đời chứ đâu phải một đời? Mà mỗi lần mình giận một chút nó vô một chút, mỗi lần giận một chút nó vô một chút. Bây giờ mình xả ra cũng từng chút mình xả ra chứ buộc xả một cái nó hết sao? Các con hiểu không?
Cho nên mình tác ý, là mục đích mình xả ra, người ta nói gì đó mình nghe nó bực mình, thì mình nhắc: "Không có sân nha, sân là khổ đó", mình nhắc nó một cái, nó nhẹ xuống liền, tức là nó giảm xuống. Mà mỗi lần nó giảm xuống là nó tạo thành cái lực, cái ý thức lực.
Cái ý thức lực của mình - cái lực của ý thức đó nó tương đương với cái lực của nghiệp. Cho nên khi mà nó tương đương với nhau rồi thì bên kia nó không lôi mình được nữa. Còn bây giờ cái ý thức của mình nó yếu lắm, nó chưa có cái chút nào hết, cho nên khi mà người ta nói trái ý mình, thì mình sân liền lập tức, có phải không? Thấy cái món ăn đó ngon một cái, nó lôi liền: “Trời đất ơi nó thèm quá!”. Con thấy không? Nó dễ lôi mình lắm. Nhưng mà mình tập riết rồi nó không có lôi nữa.
(07:07) Ráng cố gắng tu tập đi mấy con. Tập rồi nó thuần nó quen chứ không có gì. Ở trên đời này không có ai giỏi hơn ai, Thầy cũng vậy, mười năm rèn luyện ở trong thất, sống một mình một bóng mà hằng ngày tác ý nhắc tâm mình xả những cái tham, sân, si của mình. Mà mười năm con thấy ăn no rồi ngồi, có làm cái gì nữa không? Thành ra nó phải thành công chứ? Còn bây giờ mấy con làm nhiều quá thành ra nó không thành công. Làm đủ thứ chuyện hết làm sao thành công được? Đó cho nên nhớ, Thầy nói khi nào mấy con sắp xếp ổn rồi Thầy cho cái thất vô đó mà ngồi mà rèn đi, cho mười năm sau coi thử có còn sân không? Sạch bóng chứ ở đó mà. Làm có một việc quét hoài nó phải sạch chứ? Các con thấy không? Mình chuyên cần mà! Muốn riết phải được thôi, không có gì khó hết.
(07:58) Phật tử: Dạ Bạch Thầy! Con muốn lên đây hỏi Thầy một câu mà con không dám!
Trưởng lão: Có gì cứ hỏi, cái gì mà được thì Thầy trả lời, cái gì không được thì Thầy nói không có nên. Không sao, có vậy thôi.
Phật tử: Dạ bạch Thầy, con đọc sách Thầy viết đó, thì Thầy có giải thích cái vấn đề về kinh Đại thừa đó Thầy, về kinh Pháp Hoa. Nhưng mà con thấy có một số chùa khuyên tụng kinh Pháp Hoa, nói tụng kinh Pháp Hoa thì có phước đủ thứ hết đó. Mà thấy có một số vị tụng cũng có kết quả, thưa Thầy thì Thầy chỉ cho con cái đó là do cái phước duyên họ tới đủ duyên hay là sao hả Thầy?
Trưởng lão: Bởi vì trong khi đó họ tụng kinh Pháp Hoa như vậy, họ cũng sống một đời làm thiện của họ, chứ mà họ cứ làm ác đó rồi họ tụng kinh thử coi? Cứ đi ăn trộm đi rồi tụng kinh Pháp Hoa xem thử xem có vào tù không? Có phải không? Còn ít ra họ tụng kinh Pháp Hoa nhưng mà vì họ nghĩ là mình tụng kinh Pháp Hoa thì không nên đánh lộn hay chửi lộn, nhịn người ta đi, thì từ cái hành động thiện đó nó có cái phước báu của họ. Cho nên: “Do tụng kinh Pháp Hoa mà cũng lợi thiệt chứ, nghe nó bệnh mình cũng giảm”. Nhưng mà sự thật do cái chỗ mà ông này tụng kinh Pháp Hoa mà ổng ăn chay, không ăn thịt chúng sanh, không lẽ tụng kinh rồi bây giờ cứ ăn mặn sao? Cái hành động thiện của ông đó nó chuyển được cái nghiệp, chứ không phải do tụng kinh Pháp Hoa. Nhưng mà nhờ cái tin tưởng của ông là kinh Pháp Hoa, cho nên vì vậy mà ông làm được việc thiện. Con hiểu điều đó không? (Dạ)
Cho nên nó thực tế chứ không phải không. Nhưng mà bây giờ một người mà người ta hiểu đúng thì người ta làm thiện, chứ ai mà dựa lưng vào kinh Pháp Hoa cho mất công mất thì giờ ngồi tụng, nó mệt sao? Có phải không? Cho nên họ dạy lòng vòng, lòng vòng, cũng: “Anh tụng kinh, anh niệm Phật anh phải làm lành, chứ còn anh tụng kinh, niệm Phật anh làm ác rồi anh coi!”. Có đúng không? Ông Phật nào mà giúp đỡ. Các con cứ suy ngẫm xem Thầy nói đúng không?
(09:58) “À bây giờ không lẽ mình tụng kinh mà bây giờ mình làm dữ với người ta sao?” - “Anh sao mà, tối ngày tôi thấy anh tụng kinh Pháp Hoa mà đụng cái anh muốn đánh muốn đập tôi liền”, thì như vậy là cũng mang tiếng rồi đó. Phải không? Cho nên vì vậy mà tụng kinh Pháp Hoa là mình phải cố gắng giữ gìn, giữ gìn những cái thiện pháp. Cho nên vì vậy cuối cùng thì anh này được những cái phước như bây giờ, anh tụng kinh Pháp Hoa để cầu cho gia đình của anh ấy, nhưng ít ra anh ấy cũng làm cái điều thiện. Ảnhnh cũng khuyên trong gia đình của mình: “Bây giờ trong gia đình mình như vậy thôi mình cũng nên ăn chay hay hoặc làm lành, hoặc bố thí gì”. Nhưng không ngờ những cái hành động đó lại chuyển được cái nghiệp của gia đình. Cái người bệnh được mạnh. Nên nói tụng kinh Pháp Hoa có linh thật. Nhưng linh gì? Anh làm thiện nó mới chuyển đó chứ anh làm ác coi. Dễ gì nó chuyển. Có đúng không mấy con?
Cho nên mấy con thấy, bởi vì đức Phật dạy chúng ta: "Ngăn ác, diệt ác mà sanh thiện, tăng trưởng thiện", tức là Tứ Chánh Cần. Tứ Chánh Cần là bốn cái điều kiện cần siêng năng, cần mẫn hàng ngày sống, thì nó sẽ đem lại sự bình an cho mình. Ai phù hộ cho mình? Bằng chính Tứ Chánh Cần chứ ai vào đó? Các con thấy chưa?
Nhưng một người mà đi sâu hơn nữa để làm chủ được sự sống chết thì chúng ta phải đi vào Tứ Niệm Xứ. Tứ Niệm Xứ nó quét cái vi tế, nó không còn cái niệm. Còn cái Tứ Chánh Cần nó còn cái niệm khởi, khởi thì mình nghĩ phải tính toán làm cái này cái kia, thì trong cái nghĩ làm cái này cái kia thì nó có ác, có thiện trong đó chứ đâu phải là toàn thiện hết đâu. Con hiểu không? Cho nên nó ở trong Tứ Chánh Cần thì mình phải: “Cái niệm này khởi ra tư duy. Nó lo làm cái này mà cái này làm như vậy là lừa đảo, lừa gạt người ta, dừng lại không nên làm”, thì đó nó làm thiện rồi, phải không? Còn cái này thấy: “Làm cái này lừa đảo như vậy, ăn lo hối lộ rồi này kia, thôi chỉ cách cho nó đi ngõ sau để mình lấy tiền nhiều”, thì cái chuyện này không được.
Đó thì ác pháp thôi, thì mai mốt lộ ra thì anh này đi ở tù. Có gì đâu. Tại vì là ác pháp, ăn hối lộ. Các con hiểu không? Cho nên vì vậy cái pháp của Phật dạy rất hay là cái Tứ Chánh Cần: "Ngăn ác, diệt ác mà sanh thiện, tăng trưởng thiện". “Tôi nghĩ thiện, điều này không nên làm”, mình phải tăng trưởng, sống như vậy thì nó mới tốt. Thì mình làm thiện làm sao có ai bắt mình được đâu? Có ai bắt tội mình được? Cho nên hoàn toàn do cái điều thiện mà nó chuyển được cái nghiệp ác của mình, nó không tai họa, không có tai nạn đến với mình. Đó, như vậy là thuận với Phật pháp.
(12:21) Nhưng mà cái anh Đại thừa này thì ảnh gây cái mê tín cho người ta, cho nên ảnh soạn ba cái kinh này ra, anh dạy: “Thôi cầu cúng đi”. Phải không? Mà cái anh này mà có anh thì cầu cúng thì có linh hiển thật, nhưng mà có anh thì cầu cúng không linh hiển. Nhưng mà anh không linh hiển, anh này là làm ác rồi, còn cái anh này làm thiện. Nhưng mà hành động thiện nó mới đưa đến. Nhưng mà cái người mà họ tụng kinh Pháp Hoa họ đâu có hiểu rằng do cái hành động thiện họ đâu?
Cái anh Đại thừa này khéo léo lắm, anh nói: “Tụng kinh như vậy đó, nhờ chư Phật gia hộ hay hoặc nhờ Tam Bảo gia hộ”, chứ ông Phật ông đã nói rồi: "Các con tự thắp đuốc lên mà đi, ta là người hướng dẫn mà thôi, chứ ta có cứu độ các con được đâu". Thế mà ông Phật đã từ chối mà bây giờ lại cầu? Thì như vậy mấy cái ông Đại thừa này viết kinh sách này có đúng như Phật dạy không? Đâu có đúng.
Ông Phật nói từ khi ông Phật ra đời, ông đưa bốn cái chân lý là sự thật của loài người rồi, thì ông dặn cho chúng ta tu tập hằng ngày sống trong thiện pháp. Các con thấy không? Mà sống trong thiện pháp thì nhờ cái thiện pháp mới chuyển ác pháp, bởi vì đức Phật đứng ở trên cái quy luật của nhân quả mà dạy. Mà nhân quả, hễ nhân ác thì phải thọ quả khổ mà nhân thiện thì phải hưởng được phước báu chứ sao. Điều đó điều hiển nhiên. Mà do ai làm? Tự mình làm chứ, ông Phật ông làm giùm cho mình được à? Có phải không? Ai mà làm thiện cho mình được đâu? Chính mình mình phải làm. Cho nên đức Phật dạy mình thực tế, tự mình cứu mình rồi, vậy mà đạo Phật bây giờ không tự, mà cứ vào chùa cầu cúng, lạy, rồi cầu an, cầu siêu nữa. Trời đất ơi, hồi sống mình không làm điều gì hết mà bây giờ cầu cho mình siêu, thì siêu sao được? Đó là một cái thực tế.
Trưởng lão: Thôi được rồi, Thầy nhận, Thầy sẽ gửi cho cô Út, để lo cho Chúng, để mấy con gieo một cái duyên, sau này mấy con về đây mấy con chỉ lo tu thôi, không có còn lo đói nữa. Mọi người người ta sẽ lo cho mình, chỉ cố gắng tu thôi con, nhớ không? Nhớ vậy là được rồi.
Phật tử: Dạ chúng con xin cảm ơn Thầy.
Phật tử: Dạ bạch Thầy, con có bà chị bà con ở miền Trung, bà tuổi già không về đây được, hôm nay con về đây bà có nói là cho bà xin cái lễ cúng dường cho Thầy. Xin Thầy từ bi Thầy nhận giúp chúng con.
Trưởng lão: Rồi Thầy sẽ nhận, mấy con yên tâm đi. Thầy sẽ nhận cái tâm của mấy con, nhưng mà Thầy rất thương chúng mấy con, Thầy thương chúng, Thầy rải hết cho chúng. Thầy nhận cái lòng của mấy con, chứ còn Thầy bây giờ ăn bao nhiêu nữa đâu? Cái lòng của mấy con, tấm lòng của mấy con lớn lắm mấy con, thành ra Thầy rải cho chúng, tất cả mọi người mà đang lo tu, cái công đức lớn lắm. Họ nỗ lực để họ gạn lọc từng cái tâm tư của họ đó, thì do đó mà những cái sự cúng dường của mấy con mà đến với chúng, là hạnh phúc lắm mấy con, nó gieo cái duyên đó để có cái duyên sau này mấy con có cái duyên để mấy con tu. Cố gắng về đây tu con.
(15:22) Phật tử: Thưa Thầy từ bi hỷ xả nhận con con làm đệ tử Thầy.
Trưởng lão: Rồi Thầy bảo con ghi tên cho Thầy rồi Thầy sẽ làm điệp phái Thầy sẽ gửi về cho, rồi Thầy cho pháp danh.
Phật tử: Xin Thầy độ cho nó để tội nghiệp nó, đời này nó khổ dữ lắm.
Trưởng lão: Thầy biết, đời mà có người nào mà sung sướng? Khổ lắm mấy con.
Phật tử: Bạch Thầy, con cũng có cái này, không biết Thầy …
Trưởng lão: Có gì cứ nói đi.
Phật tử: Dạ, tại vì con cũng muốn cúng dường cho Thầy đó, Thầy cứ cầm, Thầy nhận rồi Thầy dùng tiền cho chúng hay cho ai cũng được, miễn sao Thầy nhận là con hoan hỷ rồi.
Trưởng lão: Rồi, rồi, Thầy nhận mà.
Phật tử: Dạ, dạ cho nên Thầy cho con gửi cái này luôn, dạ xin Thầy hoan hỷ.
Trưởng lão: Rồi rồi được rồi.
Phật tử: Dạ xin Thầy hoan hỷ, cho con cúng dường cho Thầy.
Trưởng lão: Cố gắng mà sau này về đây tu với Thầy. (Dạ). Nhớ không? Sắp xếp trong gia đình cho đàng hoàng, trở thành một người có đạo đức trong gia đình hẳn hòi. Về đây rồi sẽ tu tập với Thầy, để tội đó.
(16:24) Phật tử: Con muốn dứt bỏ cái chuyện tình duyên nhục dục ở thế gian ra đi mà sao con cũng chưa có đi được.
Trưởng lão: Nó còn trói, sợi dây nó còn lớn quá. Từ từ thôi con, coi vậy chứ cái chí hướng của mình nó có đặt một cái hướng, cái mục đích rồi thì mình nhắm vào cái mục đích đó và lần lượt mình trang trải tất cả mọi cái duyên nghiệp của cuộc đời. Rồi nó lần lượt nó giảm bớt cho đến một cái lúc nào đó nó thuận duyên nhất để rồi mình chỉ còn chấp nhận trong cuộc đời sẽ đi đến cái cuối cùng để cho mình làm chủ được sự sống chết của mình, chấm dứt luân là tốt nhất con. Phải quyết định chứ còn đừng có yếu yếu, nó lôi mấy con đi tứ hướng đó mà Thầy không có với được mà cứu đâu.
Phật tử: Kính bạch Thầy, dạ anh Tài thì cũng có một cái tâm mà hướng về Phật pháp cũng sâu đậm lắm, nhưng mà thưa Thầy con thấy có một cái sự việc giống như là nghiệp lôi đó, thành ra xin Thầy, tha thiết mong Thầy cứu độ anh ấy tội anh ấy lắm.
Trưởng lão: Thì kệ nó, nó lôi mình trả nghiệp cho nó hết, rồi sau này nó mới tu được chứ còn không nếu mà nó trả nghiệp không hết nó tu không được đâu, rồi đời này tu không được qua đời sau trả nữa.
Phật tử: Dạ kính bạch Thầy đời này gặp Thầy mà không tu được, rồi đời sau thì làm sao mà gặp nữa Thầy?
Trưởng lão: Sẽ gặp mấy đứa học trò khác.
(17:51) Thôi không sao đâu. Ráng đi mấy con, cứ lần lượt … tâm nguyện của mình, mình nguyện mình nhất định mình tìm con đường giải thoát ra khỏi cái cuộc đời này mấy con.
Cuộc đời này như là mấy con đang ở trên mặt biển đó lúc thì nó yên lặng, lúc thì như sóng gió ba đào. Cho nên nó ở trên mặt biển khổ, làm sao mà cho qua được bờ bên kia, tức là qua bờ không có còn ở trên cái mặt biển nữa thì mới an. Nó yên đó, thấy nó vui đó mà nó khổ kế đó, vì nằm ở trên biển mà làm sao mà nó không sóng gió? Nó yên chút xíu chứ sóng gió nó chập chùng hoài. Cuộc đời là nó vậy đó mấy con. Cho nên khổ lắm! Thôi không sao đâu, khổ, cười nó, nó hết khổ.
Phật tử: Kính bạch Thầy sẵn nhân duyên đây Thầy cho con hỏi là ví dụ như cái duyên nghiệp con phải lập gia đình. Nhưng mà con nguyện con tu để mà con thay vì trả nợ ân ái gì đó, nhưng mà con nguyện con xuất gia con tu để mà con giải cái đó được không?
Trưởng lão: Được chứ con, mình chuyển, mình chuyển được. Chuyển bằng cách là ví dụ như bây giờ nó có cái duyên với một cái người nào đó, thì khi mình gặp rồi, mình hiểu Phật pháp, mình hướng dẫn cho cái người đó cũng đi vào theo con đường, cùng nhau hướng tới để rồi từ đó mình cắt đứt cái đường ân ái, rồi mình hướng đến cái đường tu tập để cho nó thanh tịnh hoàn toàn, cả mình và người đó. Tại vì cái duyên nhân quả mới gặp nhau, mà gặp nhau thì phải dẫn nhau đi cho tới nơi, tới chốn chứ không dẫn nhau đi xuống địa ngục mới chết.
Thầy nói dẫn nhau đi xuống địa ngục chết là tại sao? Sinh con đẻ cái là xuống địa ngục hết đó. Khổ dài dài đó chứ đừng nói chuyện. Còn mình dẫn nhau mà mình không có đi vào trong con đường mà sanh con đẻ cái nữa, mà đi vào con đường tu tập, thì cả hai người đều thăng thiên đường hết chứ sao? Có đúng không?
Phật tử: Dạ con cảm ơn thầy.
Trưởng lão: Đó là cái duyên nhân quả của đời trước con. Đời trước nó gieo nó còn duyên đời nay nó phải gặp nhau, mà nếu mà không gặp nhau thì không khổ chứ có gì.
(19:59) Trưởng lão: Rồi cố gắng đi con. Có gì mà trên cuộc đời có gặp chuyện gì khó khăn đó, thì cứ biên thư hỏi Thầy. Thầy làm cố vấn cho.
Phật tử: Dạ, con cảm ơn Thầy.
Trưởng lão: Cho mấy con vượt qua những cái cơn sóng, khi gặp sóng gió quá lớn rồi, coi yếu đuối sức rồi thì kêu Thầy, rồi viết thư hỏi Thầy bây giờ giải quyết như thế nào để con vượt lên? Thì Thầy sẽ gợi ý giúp con vượt lên những cái cơn khó khăn đó để đem lại sự bình an, rồi đi đến cái chỗ mà cuối cùng tu tập rồi bình an luôn. Chứ không có gì đâu. Mấy con nhớ, nhớ luôn lúc nào Thầy là Thầy mấy con rồi, thì cái gì cũng nên hỏi Thầy, đừng có nên không hỏi. Bởi vì không hỏi, mấy con làm sao mấy con đủ cái trí đương đầu với cái nghiệp của mình mấy con?
Chỉ có Thầy là người có đủ trí để đương đầu với cái nghiệp của nhân quả. Cho nên khi mà mấy con hỏi thì Thầy giải quyết cho mấy con. Rồi giải quyết rồi thì cứ theo đó mà ôm chặt vượt lên, thì mấy con sẽ thoát khổ. Mấy con coi như là con của Thầy rồi mà, không lẽ con mình nó khổ sở mà mình nhìn nó sao? Nó kêu cứu mà bỏ nó sao? Phải cứu nó chứ. Các con hiểu chưa?
Đã cho các con tên, đã là nhận các con là đệ tử thì phải có trách nhiệm chứ? Bỏ con mình khổ sao? Không nhận thì thôi mà đã nhận rồi thì phải làm hết bổn phận. Còn mấy con phải nghe lời người cha dạy bảo thì các con sẽ bình an chứ. Chỉ các con không nghe lời thì các con phải chịu thôi. Phải không? Nghe lời thì mấy con sẽ vượt lên được cái khổ.
Thôi bây giờ Thầy sẽ xin phép Thầy ra, mấy con. Ở ngoài kia kêu, thời gian không có đủ. Thôi xá Thầy đủ rồi.
Phật tử: Mô Phật, sau này Thầy cho tụi con được đảnh lễ Thầy, mỗi lần đảnh lễ Thầy con thấy bình an dữ lắm.
Trưởng lão: Phải rồi Thầy mong mấy con được bình an như vậy đó, lễ hoài thì thôi chắc Thầy làm vua mất. Thôi mấy con đứng dậy cho Thầy ra, con. Con sẽ gửi cái này lại cho cô Út con, nghe không? Thầy sẽ nhận hết mấy cái này con.
Phật tử: Dạ thưa cái này là thuốc đau bụng đó Thầy.
Trưởng lão: Thôi được rồi để đây coi lúc chúng có người đau bụng, rồi để đây đi Thầy sẽ nhận cái hộp dầu con. Ra kia để gửi lại cho cô Út, con. Chúng người nào mà cần thì cô Út sẽ dùng cái này để giúp cho chúng con.
Phật tử: Dạ hôm nay cũng là đủ cái phước duyên ba đời của con.
Trưởng lão: Cố gắng lên mấy con.
Phật tử: Nay con gặp được pháp của Thầy, Thầy nhận con làm đệ tử, cả cuộc đời này con nguyện từ đây đến cuối cuộc đời này con sẽ đi theo Thầy để mà con tu tập.
Trưởng lão: Cố gắng con, cố gắng lên. Thầy sẽ dạy cho mấy con thoát khổ sớm nhất. Có gì khổ thì phải kêu gọi Thầy đi. Tạm biệt con. Thôi Thầy ra mấy con.
Phật tử: Dạ.
HẾT BĂNG