52-SỰ CHỨNG ĐẠO CỦA MỘT NGƯỜI TU

LỚP NGŨ GIỚI NÂNG CAO 52-SỰ CHỨNG ĐẠO CỦA MỘT NGƯỜI TU

LỚP NGŨ GIỚI NÂNG CAO 52

Trưởng lão Thích Thông Lạc

Người nghe: Tu Sinh

Thời gian: 20/06/2008

Thời lượng: [17:35]

Tên cũ: Cần Thông Suốt - Bảy Tháng Chứng Đạo

1- KHU VỰC CHO NGƯỜI MỚI TU

Trưởng lão: Thay vì Thầy thăm mấy con trước, nhưng để mấy con làm bài, rồi Thầy thăm khu ở ngoài kia.

Đó là một cái khu mà cô Út vừa xây dựng để sau này các cụ, các bác, quý Phật tử người ta muốn về Tu viện mình người ta tu thì người ta sẽ ở ở ngoài đó. Ở cái khu ngoài đó để tập ăn ngày một bữa cho nó quen đi. Chứ còn nếu mà vào đây mà bắt buộc mọi người cũng đều ăn một bữa thì rất tội cho các cụ, cho cái người mới tu, người ta chưa quen thành ra ức chế, rất là khổ sở!

(00:37) Cho nên, trong cái giới luật của đạo Phật, chúng ta ai cũng quyết tâm tu để tìm cầu sự giải thoát. Nhưng mà vào mà đụng giới luật thì coi như là bị ức chế thân và tâm chúng ta. Cho nên, vì vậy mà Thầy ra đó để mà xem và đồng thời để coi cái khu đất đó, để xây dựng bao nhiêu cái thất, để nhận được cái số người bao nhiêu. Và đồng thời cái khu bên ngoài, đằng sau mà chỗ Thầy ở đó, cái khu mà ở trên mặt đường đó, thì Thầy cũng tạo cái khu đó cho những người cư sĩ. Họ lớn tuổi, họ về đó họ ở đó, để đồng thời họ tập luyện cái giới luật nghiêm chỉnh được, thì Thầy mới cho họ vào Tu viện.

Tu viện chúng ta không phải chấp nhận một cách hỗn tạp như hiện giờ, ai muốn vô tu cũng cho vô hết. Cho nên, khi mà người mới, chưa có quen giới luật, đức hạnh, những cái oai nghi tế hạnh chưa có học xong thì cho họ ở cái khu ngoài Tu viện. Để khi đó họ được tập luyện sống cho quen, rồi chúng ta mới cho vào Tu viện.

Khi vào Tu viện là họ đã thuần thục được cái giới luật, cho nên họ ít có vi phạm. Rồi từ đó họ sẽ tập tu trên Tứ Chánh Cần: “ngăn ác, diệt ác; sanh thiện, tăng trưởng thiện”. Để khi cái tâm họ được bất động, được an trú ở trong 30 phút. Chừng đó khi mà được xong như vậy, thì Thầy sẽ đưa họ vào một cái giai đoạn tu Tứ Niệm Xứ, cái giai đoạn mà Đức phật đã xác định “7 ngày, 7 tháng, 7 năm” chứng đạo.

Thì trong cái vòng mà 7 ngày, 7 tháng, 7 năm chứng đạo thì mấy con thấy rằng nó đâu phải là khó. Nói 7 năm chứ sự thật ra chỉ trong 7 ngày mà tâm chúng ta bất động, thanh thản, an lạc, vô sự thì người đó đã chứng đạo rồi.

2- SỰ CHỨNG ĐẠO CỦA MỘT NGƯỜI TU

(02:18) Chứng Đạo là chứng như thế nào? Nghĩa là tâm luôn bất động, không có ác pháp nào tác động vào tâm họ. Và họ không còn bị hôn trầm, và họ không còn bị vọng niệm. Họ ngồi suốt cả 7 ngày đêm như vậy mà họ không thấy mỏi mệt, không thấy cảm thọ, không thấy một niệm nào khởi ra. Toàn là một cái trạng thái an lạc vô cùng của trạng thái Tứ Niệm Xứ. Cho nên, gọi là chứng đạo.

Chứng đạo nghĩa là chúng ta không còn phải là cái người còn ham ngủ; cũng không phải còn là người tham ăn; cũng không phải là còn người mà ngồi đây sanh niệm này, niệm kia. Cho nên, đó là cái sự chứng Đạo của một người tu.

Chứng Đạo có nghĩa là họ đủ cái lực ở trong nội thân của họ, để họ làm chủ được sự sống chết. Vừa rồi Thầy có cho mấy con những cái câu hỏi để mà làm. Cái câu hỏi đó để xác định được cái mục đích chúng ta tu theo đạo Phật lợi ích gì?

Cái lợi ích của một người tu theo đạo Phật là mục đích của chúng ta đó, là làm sao làm chủ được bốn sự đau khổ của thân tâm của chúng ta. Làm sao mà làm chủ được sự sống chết của chúng ta, trước khi muốn chết thì chết, mà muốn sống là sống. Đó là cái mục đích của đạo Phật ra đời để dạy chúng ta.

Cho nên, đã nắm được mục đích của đạo Phật rồi thì chúng ta phải nhắm vào cái mục đích đó mà tiến tới, để hoàn thành được cái mục đích đó thì như vậy mới gọi là cái người tu theo đạo Phật. Chứ không phải đạo Phật tu để cầu làm Phật hoặc là để sanh vào một cái cõi Thiên đàng hay Cực lạc nào, hay hoặc cõi Niết bàn nào hết. Bởi vì, cái trạng thái mà Niết bàn Đức Phật đã xác định cho mỗi người chúng ta, đều hiện tiền ai cũng biết tức là: “tâm bất động, thanh thản, an lạc, vô sự”. Đó là một cái chân lý thật sự. Cho nên, nó là một cái trạng thái, nó không còn cái lậu hoặc, đau khổ, phiền não trong đó nữa.

Rõ ràng chúng ta hiện giờ chúng ta biết, nhưng mà chúng ta bảo vệ và giữ gìn nó, để từ suốt ngày thứ nhất cho đến ngày thứ bảy thì chúng ta chưa làm được. Chúng ta chỉ 1 phút, 1 giây hay 5, 10 phút mà chúng ta còn thấy vất vả để mà bảo vệ, giữ gìn cái trạng thái đó. Trạng thái đó chính là chân lý của chúng ta, chính là Niết bàn. Chứ không phải là có cõi Niết bàn, mà là trạng thái trong thân tâm của chúng ta.

3- ĐIỀU KIỆN TU TỨ NIỆM XỨ

(04:26) Cho nên, hôm nay Thầy về đây là có một số người, Thầy đã chọn lấy, chọn lấy họ có thể sống được, bảo vệ được cái chân lý đó. Thầy sẽ rút họ ra cái khu vực của Thầy để họ đi qua một cái giai đoạn thứ hai, tức là giai đoạn Thiền định.

Cái giai đoạn hiện nay mấy con đang tu tập, để ngăn ác, diệt ác; sanh thiện, tăng trưởng thiện là giai đoạn Giới luật. Từ Giới luật tâm mới bất động. Mà tâm bất động tức là Giới sanh Định. Cái tâm bất động đó là cái trạng thái Định chứ không phải gì. Ngồi đây mà tâm thanh thản, an lạc, vô sự, đó là định, chứ không phải gì.

Mà cái định này là định của Tứ Niệm Xứ, chứ không phải định của Tứ Thiền. Khi nào mấy con có Tứ Thần Túc, định Như Ý Túc thì mấy con mới nhập được Bốn Thánh Định, tức là Tứ Thiền.

Cho nên, Chánh Niệm tức là Tứ Niệm Xứ, mà Chánh Niệm chưa xong thì làm sao mấy con có trạng thái bất động tâm. Còn vọng tưởng mà muốn vào nhập Định thì làm sao có Định được?!

(05:17) Cho nên, khi mà vào Tứ Niệm Xứ là tâm mấy con, ít ra mấy con cũng không còn niệm vọng tưởng, không còn hôn trầm, không còn các cảm thọ trên thân của mấy con, thì con mới vào được Tứ Niệm Xứ. Chứ đâu phải Tứ Niệm Xứ mà còn những cái thô, ngồi mà đau, tê chân, nhức mà gọi là tu Tứ Niệm Xứ. Ngồi lại mà vọng niệm khởi, niệm này hết rồi tới niệm khác thì làm sao vô Tứ Niệm Xứ. Ngồi lại mà hôn trầm thùy miên, gục tới gục lui như thế này thì làm sao mà gọi là Tứ Niệm Xứ được.

Tứ Niệm Xứ là một cái phương pháp để khắc phục tham ưu vi tế. Nó không niệm, nhưng mà trong thân tâm chúng ta còn cái vi tế mấy con, còn cái tham, sân, si, mạn, nghi vi tế. Cho nên, ngồi giữ tâm bất động từ 7 ngày thì tất cả những tham, sân, si vi tế sẽ bị diệt hết rồi. Từ đó chúng ta mới chứng đạo, tức là tâm vô lậu hoàn toàn.

Còn hiện giờ chúng ta biết cái tâm chúng ta vô lậu là cái trạng thái bất động, thanh thản, an lạc, vô sự. Nhưng nó chỉ có 1 giây, 1 phút, 5, 3 phút là cùng chứ không thể hơn được nữa.

(06:19) Cho nên, hôm nay mấy con nỗ lực tu thật tu thì Thầy sẽ dạy mấy con thật chứng. Không để mấy con uổng phí một đời tu, mà mang tiếng mình là tu sĩ, mình là cư sĩ, là đệ tử của Phật nhưng cuối cùng mình được những gì đây? Hay là mình học ăn, học nói để đi ra nói dối, lừa đảo người ta. Nói Phật pháp mà hoàn toàn mình chẳng được gì hết. Cái quan trọng là ở chỗ chúng ta nói được, làm được. Đó là cái quan trọng của chúng ta!

Hôm nay Thầy đến đây, Thầy sách tấn, khích lệ mấy con. Có một số người Thầy đã chấm điểm để các con sẽ được vào được sống gần bên Thầy, được hướng dẫn tu tập Tứ Niệm Xứ. Và khi hoàn thành Tứ Niệm Xứ, thì Thầy sẽ hướng dẫn mấy con sẽ nhập Tứ Thánh Định và thực hiện Tam Minh, thì con đường tu của mấy con sẽ hoàn tất.

Hôm nay, mấy con nhớ những cái bài mà Thầy cho những câu hỏi, nó rất đơn giản. Mấy con làm cho kỹ, coi thử coi mấy con có thông suốt được cái lý của Phật pháp không.

Đây là cái lớp mà dạy trường hạ, vừa rồi Thầy giới thiệu chứ Thầy chưa dạy Giới luật gì cả. Giới thiệu Giới luật, giới thiệu mục đích của đạo Phật cho các tu sinh trong trường hạ, để họ biết rằng họ tu học phải Giới luật như thế nào cho nghiêm chỉnh để đạt được cái mục đích. Cho nên, những câu hỏi này là những câu hỏi của tu sinh trường hạ chứ không phải là câu hỏi của mấy con.

(07:37) Và bây giờ mấy con làm để kiểm điểm lại coi mấy con có cái tri kiến hiểu biết đúng hay không. Nếu mà mấy con hiểu biết đúng, tức là mấy con đã có cái sự hiểu biết. Sau khi, đi ra làm giảng sư mà dạy đạo thì thân giáo và thuyết giáo phải song song. Lời nói của mấy con phải có một giá trị rất lớn đối với cái thân hành của mình, cái thân giáo của mình.

Cho nên, khi mình nói ra được thì mình phải làm được. Cũng như hiện giờ Thầy nói được trước chúng, Thầy phải làm được những hành động đó để làm chủ được mình. Và Thầy mong rằng mấy con ở đây cũng sẽ làm được những điều đó mấy con.

(08:15) Đến đây thì Thầy sẽ thăm mấy con một chút để khích lệ mấy con và đồng thời nỗ lực. Và đồng thời các quý thầy, quý sư lớn tuổi, Thầy đã chú ý mấy con lắm, tuổi mấy con không còn xa nữa đâu. Mấy con nỗ lực thật sự tu tập để rồi Thầy rút vào ở gần bên Thầy, Thầy sẽ hướng dẫn mấy con. Thầy sẽ cho mấy con vào khu vực của Thầy, ở gần bên Thầy. Thầy lo cất mấy cái thất, mười mấy, hai mươi cái thất là để cho mấy con chứ không phải để cho ai hết.

Cho nên, mấy con chuẩn bị tập luyện kỹ lưỡng, nhất là Tứ Chánh Cần. Vừa rồi thì mấy con thấy Kim Quang tu Tứ Chánh Cần chứ không nhiếp tâm, an trú gì cả. Nhưng mà Tứ Chánh Cần đến khi mà ngồi lại bất động tâm, thanh thản, an lạc, vô sự. Ngồi chơi chứ không tu tập gì hết mà tâm không có niệm, không hôn trầm, thùy miên.

Đó, thì mấy con thấy, bạn của mấy con chứ ai. Kim Quang là một cư sĩ, trước kia vẫn là một tu sĩ. Nhưng mà sau khi về đây chỉ mặc chiếc áo cư sĩ mà thôi, chứ không dám mặc chiếc áo tu sĩ, vì sợ mình tu không xong mà mang tiếng. Cho nên, từ đó nỗ lực thực hiện được những cái điều tu tập như vậy cho nên được sống gần bên Thầy và hôm nay tu rất tốt mấy con. Tu rất tốt! "Tâm bất động, thanh thản, an lạc, vô sự" , từ đó tăng lên từng giờ.

Cô Út Diệu Quang: Dạ, thưa Thầy! Lớp bên kia đã sắp xếp xong.

Trưởng Lão: Rồi! Thầy sẽ ra mấy con. Thầy sẽ ra thăm lớp bên nữ một chút xíu, để khích lệ, sách tấn cho các cô tu tập. Đến đây Thầy xin chào mấy con!

4- SẮP CHẾT CỨ ÔM CHẶT PHÁP BẤT ĐỘNG TÂM

(09:30) Con ngồi xuống hết đi con. Lâu quá, lâu quá mới về thăm mấy con. Hôm nay, chắc là tu nhiều rồi, tu khá, tu nhiều rồi.

Hôm nay, Thầy có cái duyên là Thầy về thăm mấy con, cũng là sách tấn mấy con ráng nỗ lực tu tập. Để rồi Thầy sẽ nghiệm xét thấy cái tâm bất động của mấy con thanh thản, an lạc, vô sự mà nó đạt chừng 30 phút thôi, Thầy không cần nhiều. Thầy sẽ đưa mấy con vào khu vực khác, để cho mấy con tập tu Tứ Niệm Xứ.

Mấy con nhớ nỗ lực thật sự, nỗ lực tu tập từ cái pháp Tứ Chánh Cần: “Ngăn ác, diệt ác; sanh thiện, tăng trưởng thiện”. Cái pháp đơn giản lắm mấy con, đâu có gì khó khăn! “Tâm bất động, thanh thản, an lạc, vô sự”, rồi ngồi lại chơi chứ không có gì. Rồi nhìn xem coi từng cái tâm của mình coi nó khởi niệm gì không. Nó khởi niệm thì quán xét tư duy, thì dùng cái câu tác ý mà xả. Còn nếu nó không có thì mấy con cứ ngồi để nó tự nó bất động, thanh thản, an lạc, vô sự.

Nếu mà cái tâm bất động, thanh thản, an lạc, vô sự chỉ trong vòng ba 30 thì Thầy sẽ cho mấy con khép vào tu Tứ Niệm Xứ liền.

Từ Tứ Niệm Xứ đó mấy con mới tăng lên từ 1 giờ, 2 giờ, 3 giờ, 4 giờ, rồi 5 giờ, 6 giờ, rồi một ngày cho đến 7 ngày. Nếu mà suốt trong 7 ngày mà mấy con giữ gìn được cái tâm bất động như vậy thì đó là mấy con đã chứng đạo, mấy con đủ Tứ Thần Túc rồi mấy con.

(10:52) Sau khi trên Tứ Niệm Xứ mình 7 ngày, là được bất động tâm rồi thì mấy con có đủ Tứ Thần Túc, mấy con sẽ nhập Tứ Thánh Định. Nhập xong Tứ Thánh Định mấy con sẽ thực hiện Tam Minh. Đơn giản quá! Mà mấy con tu lâu quá vậy?! Nó thật đơn giản mà!

Các con thấy rõ ràng là tâm ai bây giờ, các con ai cũng biết rằng, người nào cũng biết rằng, mình biết được cái trạng thái bất động tâm, thanh thản, an lạc, vô sự. Có ai không biết cái trạng thái này không? Người nào không biết lên đây Thầy chỉ cho biết. Phải không, mấy con người nào không biết? Có người nào không biết không? Biết hết chứ! “Thanh thản, an lạc, vô sự” có vậy thôi!

Cho nên, khi mà Thầy nhắc, khi mà cái thân này mà lỡ có đau bệnh mà sắp chết đi, Thầy nói sắp chết, cứ ôm chặt cái pháp bất động tâm cho Thầy, thanh thản, an lạc, vô sự. Vì cảm thọ nó không có thể nào nó giết mình được, bởi vì mình có cái chỗ tựa nương rất là vững chắc.

Và mình có một cái phương pháp, cái phương pháp Như Lý Tác Ý mà Phật đã dạy: “Có Như Lý Tác ý thì các Lậu hoặc chưa sanh sẽ không sanh, và đã sanh thì bị diệt”. Các con nghe cái câu Phật dạy, nó rõ ràng!

Có Như Lý Tác ý, các Lậu hoặc chưa sanh thì không sanh, mà đã sanh thì bị diệt. Thì cái cảm thọ trên thân của chúng ta đau nhức bệnh gì, dù là ung thư, dù là lao phổi, dù là bán thân, dù là tiểu đường, bất cứ một cái bệnh gì, Thầy nói bất cứ bệnh gì ở trên thân chúng ta, bệnh ngặt nghèo, bệnh cảm sốt sơ sài thì cứ ôm chặt tâm bất động, thanh thản.

Muốn ôm chặt tâm bất động, thanh thản như thế nào? Khi mà cái cơ thể đang quằn quại đau nhức, làm sao chúng ta ôm chặt được? Thì pháp Như Lý Tác Ý, cứ tác ý mãi: “Tâm bất động, thanh thản, an lạc, vô sự”. Rồi hít thở hai hơi thở, hít vô thở ra. Rồi: “Tâm bất động, thanh thản, an lạc, vô sự”. Rồi hít thở, cứ ra vô nương vào hơi thở ra vô.

Mà hơi thở tức là thân hành, cái đối tượng để mà chúng ta tựa vào cái thân hành, để mà chúng ta quên đi tất cả những sự đau khổ trên thân của chúng ta.

(13:14) Thì như vậy rõ ràng cái pháp Như Lý Tác Ý: “Thọ là vô thường, ta không sợ! Phải giữ gìn tâm bất động, thanh thản, an lạc, vô sự”. Và cứ như vậy, tự âm thầm mà chiến đấu với nghiệp lực của chúng, trong khi thân chúng ta bị bệnh đau đó là nghiệp, đó là chúng ta đang trả nghiệp. Mà chúng ta đang chiến đấu nghiệp để chúng ta trở thành người chiến thắng!

Như vậy cứ ôm chặt, chết bỏ! Làm gì ai cũng có một lần chết. Không chết nhỏ thì cũng chết già, có làm sao mà khỏi chết bao giờ?! Thế mà chết ở trong tâm bất động không phải là hạnh phúc lắm sao! Các con nhớ kỹ những lời Thầy dạy. Ôm cho chặt, không có sợ bệnh đau, không có cầu mong đi bác sĩ, nhà thương mà hết bệnh, mà chỉ có cái phương này sẽ là hết bệnh.

Các con có tin lời của Phật dạy? Đức Phật đã nói mà: “Có Như Lý Tác Ý, Lậu hoặc đã sanh thì bị diệt”. Đá sanh là như thế nào? Tức là cái bệnh nó đang đau nhức ở trên thân chúng ta đó là đã sanh. Mà tác ý thì nó bị diệt, cho nên chúng ta cứ tin Phật, chúng ta sẽ làm như vậy. Và tỉnh táo ở trên cái hơi thở, biết hơi thở ra, hơi thở vô.

(14:21) Thầy xin nhắc lại một lần nữa để mấy con nhớ, bởi vì các con những lớn tuổi là cái ổ bệnh nó đổ ra. Nó đổ ra, nay không bệnh này, mai không bệnh khác thì đổ bệnh này bệnh khác nó ra. Cho nên, vì vậy mà luôn luôn chiến đấu với giặc nghiệp của chúng ta.

Còn các con tuổi trẻ cũng đâu phải là không bệnh đâu. Nó chưa tới đó, chớ nó tới rồi mấy con sẽ thấy, nó giật tay, giật chân mấy con, nó tìm mọi cách nó làm cho mấy con khổ sở tận cùng trước khi mấy con chết. Nhưng mấy con rất bình tĩnh, an trú ở trong cái phương pháp cho thật sự thì mấy con sẽ làm chủ được sống chết. Nhớ kỹ những điều này để mà cứu mấy con!

Cho nên, trong khi đó mấy con phải tu tập kỹ, tu tập kỹ ngay từ bây giờ nhiếp tâm và an trú. Còn người nào mà không nhiếp tâm được, không an trú được thì ở trên Tứ Chánh Cần mà ngăn ác, diệt ác; sanh thiện, tăng trưởng thiện. Thì may ra Thầy sẽ thấy mấy con căn cơ tu tập được, Thầy sẽ tìm cách đưa mấy con đi vào cái khu chuyên tu về Tứ Niệm Xứ.

Và Thầy nghĩ rằng cái Ni đoàn mà mấy con đã thành lập, Thầy mong rằng trong cái số mấy con trở thành một cái, những người tu sĩ của bên Ni đoàn là người nào cũng phải thực hiện được cái phương pháp này.

Và đồng thời làm sao cho một lần mấy con tu tập mà Thầy đưa cái Ni đoàn mấy con vào mỗi người một cái thất, cái thất hết để mà tu tập thì quá hay. Chớ còn không khéo được 5, 3 người đi hay hoặc 2, 3 người đi còn mấy người ở lại thì mấy con thấy mình xấu hổ lắm. Phải ráng ngay từ bây giờ, phải tập luyện cho kỹ lưỡng, hẳn hòi hoàn toàn để xả cho thật sạch tâm của mình! Ai nói gì mình như cục đất, thấy lỗi mình đừng thấy lỗi người. Ái chửi, ai mắng, ai nói gì tất cả những cái này đều là mình xả hết mấy con. Nhớ kỹ! Vui vẻ, an lành, an ổn để mà xả tâm, xả cho thật sạch thì Thầy sẽ đưa mấy con vào cái cơ sở tốt.

Có gì không con?

Tu sinh: Dạ!…​

(16:29) Trưởng lão: Rồi xong rồi!

Vậy thì hôm nay, Thầy đến thăm mấy con để rồi khích lệ mấy con nỗ lực tu để mà cái Ni đoàn của mấy con được Thầy đưa qua cái khu chuyên tu hết, không có người nào rớt lại thì đó là hạnh phúc nhất!

Mấy con đâu có nhiều đâu, có 11, 12 người chứ bao nhiêu, có 11 người hà. Ni đoàn có 11 người hà, chứ đâu có nhiều đâu. Vừa rồi Thầy làm giấy tờ đồ xong rồi đó, thì mấy con an tâm để mà tu tập đừng có lo về phần giấy tờ. Bây giờ đi tới đâu mấy con cũng có giấy tờ của Giáo hội phật giáo Việt Nam, của Giáo hội Tỉnh đã chứng cho mấy con xong rồi, mấy con yên tâm.

Cho nên, vì vậy mà nổ lực tu bỏ hết chuyện đời, gia đình gì cũng không có bằng đâu mấy con. Nó là Ái kiết sử đừng có để cho nó trói buộc mấy con nữa. Mà hãy lo cứu mình đi ra cho khỏi cái sự sống chết này. Rồi mà nỗ lực tu cuối cùng con đường chúng ta.

Đến đây, Thầy xin chấm dứt! Để Thầy còn trở về, Thầy còn nhiều công việc lắm mấy con. Thầy xin chào mấy con.

Tu sinh: Các con xin đội ơn Thầy!

HẾT BĂNG