NHIỆT TÂM

Câu hỏi của Hải Tâm

Hỏi: Kính bạch Thầy! Nếu không có nghị lực, dứt khoát, từ bỏ thì tu Định Vô Lậu và tu tập Pháp Hướng Tâm, theo sự nhận xét của con trong sự tu tập thì con thấy cũng không có hiệu quả, có phải vậy không thưa Thầy?

Đáp: Con đường tu theo đạo Phật nếu không có quyết tâm dứt khoát từ bỏ, nhất là thiếu nghị lực thì không thể nào tu Định Vô Lậu và dùng pháp Hướng Tâm có hiệu quả được. Người ta biết thuốc lá, thuốc phiện và rượu gây bệnh tật, tai hại cho cơ thể, nhưng không quyết tâm dứt khoát từ bỏ thì vẫn phải chịu bệnh nghiện và con người luôn luôn ương gàn như một con thú vật, họ không biết đạo đức là gì.

Nhiệt tâm là một điều quan trọng hết sức cho bước đường tu tập xả tâm, nếu không có nhiệt tâm thì nhất định không bao giờ có xả tâm được.

Định Vô Lậu là một danh từ nếu chúng ta chỉ dùng danh từ để quán xét và nói suông thì chẳng có nghĩa gì là vô lậu. Nói vô lậu tức là nói không còn đau khổ, nói không còn đau khổ tức là nói không còn chướng ngại pháp trong tâm, nói chướng ngại pháp trong tâm tức là nói ác pháp.

Do đó, đức Phật dạy: “Ngăn ác diệt ác pháp, sanh thiện tăng trưởng thiện pháp” là để thoát khổ, nếu người không có nhiệt tâm ngăn ác diệt ác, sanh thiện tăng trưởng thiện pháp thì khó mà giải thoát được.

Bởi, nhiệt tâm là một việc làm tích cực hết sức của một người quyết chí đi tìm đường giải thoát, nếu người quyết chí đi tìm đường giải thoát mà không có nhiệt tâm thì sự tu hành cũng chỉ hoài công vô ích mà thôi.

Muốn bỏ một điều ác nào, thì chúng ta phải thông suốt điều ác ấy. Vậy, phải thông suốt như thế nào?

- Thứ nhất, là phải thông suốt lý nhân quả thiện và ác.

- Thứ hai, là phải thông suốt lý duyên hợp.

- Thứ ba, là phải thông suốt lý các pháp vô thường, khổ, vô ngã.

- Thứ tư, phải thông suốt Bát Chánh Đạo, tức là tám lớp tu tập để được giải thoát như:

Lớp 1: Chánh Kiến.

Lớp 2: Chánh Tư Duy.

Lớp 3: Chánh Ngữ.

Lớp 4: Chánh Nghiệp.

Lớp 5: Chánh Mạng.

Lớp 6: Chánh Tinh Tấn.

Lớp 7: Chánh Niệm.

Lớp 8: Chánh Định.

- Thứ năm, phải thông suốt ba lậu như: dục lậu, hữu lậu, vô minh lậu.

- Thứ sáu, phải thông suốt Ngũ triền cái và Thất kiết sử.

- Thứ bảy, phải thông suốt Năm hạ phần kiết sử và Năm thượng phần kiết sử.

- Thứ tám, phải thông suốt Thập thiện và Thập ác.

- Thứ chín, phải thông suốt bốn loại định: Định Sáng Suốt, Định Niệm Hơi Thở, Định Vô Lậu và Định Chánh Niệm Tỉnh Giác. 

- Thứ mười, phải thông suốt Tứ Thánh Định.

- Thứ mười một, phải thông suốt pháp Như lý tác ý và pháp Tác ý.

- Thứ mười hai, phải thông suốt phóng tâm và phóng dật.

Trong khi đã thông suốt 12 pháp môn này, mà thiếu nhiệt tâm dứt bỏ tu hành thì trở thành một vị giảng sư, vị giảng sư là người nói được, chứ không làm được, người nói được mà chưa làm được là người nói láo. Người nói láo bằng thuyết giảng là người lừa đảo người khác bằng kinh sách.

Vốn đạo Phật không phải là một tôn giáo nói láo, nên khi đã thông suốt các pháp thì phải nỗ lực xả bỏ, ly tham đoạn diệt ác pháp cho chính mình, để được ra khỏi cuộc đời đầy khổ đau, chứ không phải thông suốt lý đạo để đem ra dạy đời bằng những lý thuyết suông trong khi mình tu tập chẳng ra gì mà lại dạy người tu thì hóa ra lừa đảo người. Đừng dùng những ngôn từ trong kinh phát triển để che mắt thiên hạ “Y pháp bấty nhân”, có nghĩa là y nơi pháp mà tu hành, còn đừng y vào các Thầy, vì các Thầy tuy dạy như vậy mà chưa có tu hành được như trong kinh đã dạy.

Đối với con đường tu hành theo đạo Phật, nếu không có nhiệt tâm nồng cháy quyết dứt bỏ những chướng ngại pháp trong tâm, như những lời dạy của đức Phật trong thời khóa tu tập lúc đức Phật còn tại thế thì không bao giờ làm chủ được sanh, già, bệnh, chết, nếu không có nhiệt tâm nồng cháy sửa đổi những lỗi lầm của mình trong những thói hư tật xấu thì chẳng bao giờ trở thành những con người tốt trong xã hội được. Những con người có đạo đức, nếu không có nhiệt tâm nồng cháy ly dục ly ác pháp, sửa đổi tánh hư tật xấu thì không bao giờ có ly dục ly ác pháp được. Không ly dục ly ác pháp, thì không bao giờ nhập được Thiền định, nếu không nhập được Thiền định thì không bao giờ thực hiện được Tam Minh, nếu không thực hiện được Tam Minh thì không bao giờ chấm dứt tái sanh luân hồi.

Xem thế, chúng ta mới thấy nhiệt tâm là một điều quan trọng hết sức trong việc tu hành theo đạo Phật, vì có nhiệt tâm mới có giải thoát.

Chúng ta biết, có nhiệt tâm mới có nghị lực để chiến đấu với nội tâm của mình, không nhiệt tâm thì không nghị lực, người không có nghị lực làm việc gì, người ấy đều gặp thất bại, huống là công việc tu hành thì lại còn thất bại nặng nề hơn.

Cho nên, người tu Định Vô Lậu cũng như sử dụng pháp Hướng Tâm mà không có nhiệt tâm dứt khoát từ bỏ, thì sự tu tập chỉ có hoài công vô ích và uổng phí một đời tu hành, chẳng bao giờ có giải thoát đối với những người này.

Theo sự nhận xét của con, trong sự tu tập của chính mình, thì con đã rút ra được những kinh nghiệm bản thân, nếu không có nhiệt tâm xả bỏ thì sự tu tập cũng chỉ hoài công vô ích và uổng phí một đời tu hành chẳng bao giờ có giải thoát. Với những ai tu chơi thì chẳng bao giờ có nhiệt tâm, không có nhiệt tâm thì đừng nên tu theo đạo Phật đã chẳng ích lợi cho mình mà còn hại đạo Phật thêm, khiến cho người đời khinh chê và phỉ báng vì phạm giới cấm của đức Phật.

Theo sự nhận xét của con trong sự tu tập của chính mình, thì con đã hiểu biết được những kinh nghiệm bản thân, “nếu không có nhiệt tâm xả bỏ thì sự tu tập không có hiệu quả”.

Đúng vậy! Đúng vậy! Lời nói này là cả một kinh nghiệm bản thân. Nếu trên đường tu tập mà ai không có nhiệt tâm xả bỏ xa lìa ác pháp và lòng ham muốn của mình, thì kết quả chẳng ra gì như trên đã dạy.

Nếu một người tu hành theo đạo Phật mà sống không đúng Phạm hạnh của đạo Phật, thì người ấy không bao giờ có nhiệt tâm với sự tu tập của mình. Người có nhiệt tâm, là người sống đúng giới luật Phạm hạnh.

Nếu tu tập mà không có kết quả, thì sự nhiệt tâm sẽ mất dần và cuối cùng, lòng tha thiết nhiệt tâm tu hành giải thoát không còn nữa.

Bởi vậy, kẻ nào tu sai, nhiệt tâm sẽ bị mất, nhiệt tâm mất thì nghị lực cũng không còn, tu như vậy chỉ mang tiếng tu mà thôi.

Đây là một vấn đề quan trọng trong sự tu hành, quý Thầy và quý Phật tử phải bảo vệ và giữ gìn nhiệt tâm của mình, đừng nên để nó mất, nó mất đi cuộc đời tu hành của quý vị sẽ trở thành đen tối và âm u.

Người tu hành theo đạo Phật nhiệt tâm là hàng đầu của người xuất gia, nó sẽ giúp cho quý vị tu tập đến nơi đến chốn, quý vị nên nhớ kỹ và khắc ghi mãi trong lòng hai chữ “NHIỆT TÂM”. Nhiệt tâm còn là còn sự tích cực, nhiệt tâm mất là tiêu cực đến.