25-NHIẾP TÂM KHÔNG HỢP THÌ TU TỨ CHÁNH CẦN

LỚP NGŨ GIỚI NÂNG CAO 25-NHIẾP TÂM KHÔNG HỢP THÌ TU TỨ CHÁNH CẦN

LỚP NGŨ GIỚI NÂNG CAO 25

Trưởng Lão Thích Thông Lạc

Ngày giảng: 07/03/2008

Người nghe: Tu sinh

Thời lượng: [38:57]

Tên cũ: Cần Thông Suốt - Bảy Tháng Chứng Đạo

1- PHẢI TU TẬP THẬT CĂN BẢN

(00:00) Trưởng lão: “Cái việc làm của chúng tôi như vậy đó” thì các con sẽ làm được tất cả mọi thứ chuyện khó khăn. Cho nên đừng có lo điều gì!

Thì cái phần con, Thầy nhắc nhở để con thấy rằng cái trách nhiệm và bổn phận phải làm gì, rồi coi thông tin như thế nào?

Tu sinh Thanh Quang: Con kính bạch Thầy, con xin thưa việc tu của con. Con thưa Thầy, ngay lúc này thì sự tu của con nó khác với khi trước rồi. Bây giờ nếu Thầy hỏi rằng: “Những ai đã ngồi được ba mươi phút mà không có khởi niệm?” Ngồi ở đây thì hôm nay con dám giơ tay để xin được ngồi, chứ không phải như hôm trước là con tu năm phút nữa. Đợt hôm xưa ở miền Bắc con về thì tâm con rất động và thân động mà con không lường được.

Hôm Thầy kiểm tra thì nhận xét là thân con bị động quá. Con thấy sợ rùng người, thì con biết là cái thứ nhất con sợ là suốt mấy năm tu tập, tu đến giờ là trôi tuột hết rồi. Lại đúng như thời kỳ ban đầu không khác một chút nào cả, cả thân cả tâm đều rất động. Nhưng mà vẫn động như thế rồi thì con thấy ân hận.

Ân hận là trong những ngày mình đi vừa rồi, mình không lúc nào cũng luôn nghĩ đến chuyện tu, để giữ cho tâm nó bất động trước tất cả các chướng ngại pháp, để tìm một cái cách tu riêng để giữ mình, mà gây ra cho mình tự buông lỏng để cho nó tuột mất pháp và mình không còn giữ được tâm của mình và thân không giữ được mình nữa, cái điều như thế là con ân hận!

Có cái điều thứ ba nữa là trong ngay khi đó thì con thấy dốc dậy, quyết chí bằng được chứ không thể để cái chuyện như thế này được. Tuổi cao rồi, già rồi, sự tu mà như thế này thì uổng phí tất cả. Nên là trong những ngày vừa qua con tu thật cần mẫn, thế là hôm mồng bốn và hôm mồng năm vừa rồi con ngồi con tu thì con đã kéo được năm phút hơi thở lại là không có khởi, không có niệm.

Thế và liên lục những ngày như thế thì con thấy đều không có khởi, không có niệm trong khoảng năm phút, bảy phút. Cứ tập năm phút thì con lại nghỉ ba phút, con bấm chuông đồng hồ thì ba phút ấy lại thả lỏng đầu cũng lại không có niệm nữa, thì cho nên thấy được là tám phút chứ không phải là năm nữa.

Hôm qua được Thầy dạy Thầy sách tấn như thế thì con về con tự kiểm điểm, con tự phát sinh là mình học đi, lâu nay là chỗ con tu lười. Tức là tu theo cái kiểu chưa thật là tinh cần, chưa thật là nhiếp tâm trong từng hơi thở một. Hiểu thì hiểu như thế, nói thì nói như vẹt nhưng mà việc làm thì chưa thấy đến nơi đến chốn.

(02:59) Thế tức là thí dụ những ngày vừa rồi ở ngoài Bắc là đêm nào cũng cứ hai giờ con tu đến sáng, thì không có hôm nào bỏ tu cả. Nhưng vì trời rét ngồi lạnh, cả một cái chăn bông khoác lên người ngồi xong rồi kéo dài hàng tiếng, thế xong lại tựa lưng vào tường tiếp, thả lỏng đầu cho nó nghỉ ngơi, thế là nó ngủ lúc nào ạ. Tức là ở trong một cái trạng thái vừa tu vừa lười lắm, mà không ngủ không được. Thế thì đến bây giờ mấy ngày nay từ hôm qua Thầy dạy như thế, thì ngay từ chiều hôm qua sau khi học xong trời mưa, con ngồi đây con quyết tu ba mươi phút và ba mươi phút ấy không có niệm.

Thì có một lần nó hơi xẹt ở trong đầu, tức là cái vọng là lúc chiều con phát biểu là cái đức yêu tổ quốc. Thì trong lúc đấy là nó xẹt ở trong đầu cái điều mà mình, nó thoáng cái ý nghĩ về tình yêu tổ quốc, thế thôi chứ nó không thành ý và cũng không bị duyên nó kéo ở trong đó. Thì thoáng thế và con nhận thấy thế này, thế với ba mươi phút buổi chiều hôm ấy thì con thấy thế.

Cái thời tu tối hôm qua và thời tu buổi sớm hôm nay, thì tối hôm qua cũng ba mươi phút thì con ngồi trước cửa cũng như thế.

Nó lén vào hai lần thì con tỉnh con biết ngay là nó lén vào, thì lần này con vẫn cứ bám sát hơi thở, tác ý đúng đủ là cứ năm hơi thở nữa thì tác ý một lần, năm hơi thở tác ý một lần. Điều này đúng là từ xưa đến nay con chưa bao giờ thấy như thế. Con cũng nhận thấy cái khuyết điểm và một cái bài học rất sâu sắc đối với con là con đơn giản trong cái chuyện con cho là năm hơi thở lại tác ý một lần, cái này là để cho người mới vào tu, những người ở cái trình độ thật là sơ cơ, thật là thấp người ta mới tu thế, chứ làm gì có mức thế.

Thì ra lâu nay con vẫn cứ mắc ở cái chỗ đó và con không thực hiện như thế. Thế nhưng đến chiều hôm qua thì con căng ra và tỉnh táo vừa bằng cái sự buồn khổ, thế rồi bằng cái ý chí quyết tâm, thế thì ngồi dứt khoát là phải bằng được phải thắng nó, không thế thì không thể không được. Thì là con bắt đầu tập theo đúng năm hơi thở thì hôm qua con đạt được không thể tưởng tượng. Và thật là bất ngờ, tối hôm qua con vẫn giữ được, tối hôm qua ba mươi phút bị hai niệm thế thôi.

Và đến sáng hôm nay thì con không ngồi một tăng nữa mà ngồi hai tăng liền. Tăng thứ nhất ba mươi phút rất tốt, thế sau đó con nghỉ ba mươi phút cho đầu óc thật thoải mái, cho lướt qua. Và bây giờ lại ngồi ba mươi phút như thế, tiếp theo thì sau con thấy là: “Thôi, hai lần như này là đủ lắm rồi, về bắt đầu đọc sách”. Thế con thưa Thầy là đến bây giờ thì con lại bắt đầu thấy vui, thế là không sợ gì nữa rồi! Như thế này thì sư Giác Thường làm được, mình chắc chắn phải làm được như sư Giác Thường, thầy Viễn Chí cũng phải như thế chứ không thể rằng là khó.

Thế thôi con xin phép Thầy.

2- NHIẾP TÂM KHÔNG HỢP THÌ TU TỨ CHÁNH CẦN

(05:46) Trưởng Lão: Bây giờ tới phiên Gia Khánh con, có Gia Khánh đây không con? Gia Khánh có không? (Con đây) Con lên trên này con. Về cái phần mà nhiếp tâm ở trong cái hơi thở thì con bị nặng ngực, phải không? Nó tức, nặng ngực thì thật sự ra thì con nên tu pháp Tứ Chánh Cần- ngăn ác, diệt ác, xả tâm triển khai cái tri kiến của mình. Nhiếp tâm và an trú nó không có hợp với con. Cho nên bây giờ nhiếp tâm trong hơi thở mà nó bị tức ngực như vậy thì rất khó.

Mà con chỉ nên tập đi kinh hành thôi! Đi kinh hành mà nó còn thấy tức ngực, cho nên vì vậy mà con chỉ tu xả tâm mà thôi. Tức là con chỉ nhắc tâm tác ý: “Tâm bất động, thanh thản, an lạc, vô sự”, rồi con ngồi chờ cho đến khi con ngồi tỉnh, con ngồi con quan sát cái tâm của con coi có khởi niệm hay không? Chứ không phải là con ngồi con quan sát cái thân của con như Tứ Niệm Xứ đâu. Mà con ngồi đây con vắng lặng, con coi cái tâm con nó khởi cái niệm gì? Mà con cứ ngồi con nhìn nó thôi, rồi nó khởi cái niệm thì con dùng cái tri kiến con quán pháp xả.

Chứ con không tập trung trong hơi thở, con không tập trung ở trong bước đi gì hết. Nhưng buồn ngủ thì con bước dậy con đi kinh hành cho nó động thân. Đi tới đi lui cho nó đừng buồn ngủ, để cho nó hết giờ mới đi ngủ, phải không? Để phá cái hôn trầm, thuỳ miên của con thì phải đi thôi, nhưng mà con phải đi để mà tập trung từng cái bước đi. Bởi vì con tập trung từng cái bước đi kinh hành của con suốt ba mươi phút thì con thấy nặng ngực này, tức ngực này. Mà tất cả những cái đó nó đều nó làm cho con rất là khó, còn bình thường thì con không tu thì nó đâu có tức ngực con đâu. Bình thường con không tu có tức ngực không?

Tu sinh Gia Khánh: Dạ, có ít.

Trưởng lão: Ít. Mình tu như vậy là nó tức ngực tức là nó do ảnh hưởng của sự tu. Do đó vì vậy con không nên tu trên cái pháp này, mà tu Tứ Chánh Cần- ngăn ác, diệt ác; sanh thiện, tăng trưởng thiện, phải không? Con nhớ cái điều đó, cái pháp con tu.

Tu sinh Gia Khánh: Dạ, con ngồi?

Trưởng lão: Con ngồi.

Tu sinh Gia Khánh: Thế mỗi lần con ngồi yên tĩnh thì có một cái cục trì kéo cái ngực con phải khòm xuống.

(07:57) Trưởng Lão: Như vậy không được! Con không có, con ngồi ở trên ghế. Đừng có ngồi ở trên. Ngồi dựa lưng, đừng có ngồi mà xếp bằng, đừng có ngồi bán già hay kiết già. Con ngồi nó hay thụng lắm thì nó sẽ quen, nó xấu lắm, đừng ngồi nữa. Sau này chừng nào khi mà nhiếp tâm và mình xả được hết các ác pháp rồi đó, thì chừng đó sẽ ngồi lại, đừng có lo tập ngồi bây giờ. Bởi vì nó có cái tật rồi, nó ngồi như vậy thì nó nặng nề, nó thụng xuống thì như vậy là không được, Thầy không cho ngồi.

Đó, thì cho nên vì vậy mà chỉ xả tâm thôi, rồi học hành về giới luật đức hạnh. Thì dùng cái tri kiến hiểu biết về giới luật đức hạnh đó mà xả tâm, nhất là cái Đức Hiếu Sinh. Lúc nào con cũng phải lấy cái Đức Hiếu Sinh mà làm đầu, thấy mọi pháp xảy ra cho con, xung quanh con đều là nhân quả, có bao nhiêu đó thôi! Tức là con tu cái pháp Tứ Chánh Cần- ngăn ác, diệt ác; sanh thiện, tăng trưởng thiện, con nhớ chưa? Có gì thì báo cáo liền, tức ngực hay hoặc cái gì, hay hoặc là có những cái bệnh gì thì đều báo cáo cho Thầy biết. Thầy sẽ dạy cách thức để mà xả cái bệnh đó, đuổi cái bệnh đó đi, có vậy thôi.

Còn bây giờ do mình tu tập sanh ra bệnh, thì tức là mình không tu tập cái pháp đó nữa, thì nó không sao, con hiểu không? Bây giờ chỉ có cần xả những cái tâm niệm của mình nó ở trong cái ác pháp mà thôi. Đó, thì con tu Tứ Chánh Cần- ngăn ác, diệt ác; sanh thiện, tăng trưởng thiện để tránh được sự nhiếp tâm. Vì cái duyên của con không có nhiếp tâm được mà mới xảy ra những cái trường hợp này. Cho nên chúng ta đi qua một cái lộ trình khác. Cái lộ trình khác tức là cái lộ trình ngăn ác, diệt ác; sanh thiện, tăng trưởng thiện.

(09:30) Đó, chúng ta cũng có cái đường đi, chứ không phải là không có. Cái người nào mà nhiếp tâm được thì chúng ta sẽ đi qua cái ngả nhiếp tâm. Còn cái người nào nhiếp tâm không được thì chúng ta đi qua ngả Tứ Chánh Cần- ngăn ác, diệt ác, rất nhẹ nhàng đâu có gì đâu khó khăn. Người nào mà nói tôi tu Tứ Chánh Cần mà tôi bị thế này thế khác thì cái người đó nói sai không đúng, nhớ chưa? Chỉ có nhiếp tâm, an trú tâm thì chúng ta dùng cái sức tập trung của chúng ta thì nó mới căng đầu, nó mới nhức đầu. Hoặc là nó nương vào hơi thở nó mới tức ngực, nó mới làm chúng ta mệt nhọc, nó làm chúng ta khó chịu.

Đó là những cái phương pháp nhiếp tâm. Còn khi mà chúng ta không có sử dụng những cái phương pháp nhiếp tâm và an trú, thì chúng ta sử dụng Tứ Chánh Cần, thì ngồi chơi để mà xả tâm của mình thôi. Thì mới đầu, thì nó mờ mịt, cái vọng tưởng nó hiện ra, thì nó lôi mình một đoạn, thì mình cũng thấy biết rồi. Còn lần lượt cái sự tu tập của mình, mình nhắc: “Tâm bất động, thanh thản” tức là mình nhắc nó tỉnh thức chứ gì? Do đó lần lượt mình xả dần dần nó quen đi rồi, cái sức tỉnh thức nó lần lượt nó cao lên, thì mình cứ mình lo mình xả.

Hễ mình xả được bao nhiêu thì cái sức tỉnh thức của mình nó sẽ tăng lên bấy nhiêu. Tăng lên bấy nhiêu thì cái niệm nó vừa khởi ra thì mình nhận ra liền, nhận ra liền thì mổ xẻ cái niệm đó ra. Thì coi như là toàn bộ tất cả những cái niệm đều là mình ngăn và diệt nó hết, nó không còn ở trong tâm của con, trừ ra có niệm thiện. Đó, thì con nên nhớ tu cái pháp Tứ Chánh Cần và có buồn ngủ thì đi kinh hành, đi tới đi lui cho hết giờ.

Mà đi kinh hành cũng vẫn tu Tứ Chánh Cần chứ không phải là tu cái bước chân con đâu, mà tu Tứ Chánh Cần. Đi nhưng mà mình lắng coi từng cái tâm niệm của mình đi vậy nó có khởi niệm hay không? Nó khởi niệm thì ngăn và diệt nó, con hiểu chưa? (Dạ) Rồi, bây giờ con về, con về, xong rồi con. Nhưng mà Thầy xác định cho mấy con biết cái pháp thân hành, cái đặc tướng của mình để mình tu.

Còn Gia Hạnh con, con tới đi. Rồi. Con trình bày cho Thầy nghe con.

3- NHIẾP TÂM THUẦN THỤC TRONG 5 PHÚT

(11:49) Tu sinh Gia Hạnh: Dạ thưa Thầy, trong cái thời gian vừa qua thì Thầy dạy con thì ngồi nhiếp tâm trong năm phút rồi mình nghỉ hai phút, thì trong quá trình con tới hôm nay có tu tập cùng với đại chúng, thì mỗi một cái thời như vậy là một buổi tu như vậy là ba thời mình nhiếp tâm, thì con thấy mấy ngày này nó cũng rất là yên ổn, thành ra con cũng trình với Thầy và như vậy thì có một thời như vậy thì con nên tu tập mấy lần ngồi như vậy để cho nó thích nghi?

Và trong cái thời gian nghỉ thì có nên tu tập pháp gì thêm không? Hay là con vừa rồi thì con ngồi bớt ba lần thì còn một tiếng rưỡi, khi nghỉ thì con cũng làm bài, thành ra thấy cũng thoải mái và con tin chắc. Thì bây giờ ngoài cái thời đó nữa, thí dụ trong năm phút thì nghỉ hai phút đó, thì hai phút đó cũng ngồi thôi chứ không có tu tập gì trong hai phút hết, thì như vậy nó có đúng không hay là như thế nào nhờ Thầy chỉ dạy thêm?

Trưởng lão: Tu như vậy đúng đó con, tu như vậy đúng, không có sai. Nhưng mà lần lượt con cứ dùng cái pháp Như Lý Tác Ý dẫn con luôn cho nó kéo dài nó liên tục cho đến ba mươi phút, ba mươi phút không có niệm khởi nữa, có vậy thôi! Rồi khi đó mà nó không có niệm, hoàn toàn ba mươi phút không niệm thì bắt đầu mình thay đổi cái câu tác ý, thay đổi câu tác ý: “An tịnh thân hành”. Bắt đầu mình dẫn cho nó đi vào cái sự an ổn hoàn toàn, rồi tăng dần lên cái chỗ mà pháp tác ý thưa dần ra. Bởi vì khi mà: “An tịnh thân hành” thì cái pháp tác ý bắt đầu nó thưa ra, để cho nó trong cái thời khóa an ổn của nó.

Còn cái tác ý của cái sự nhiếp tâm thì mình tác ý liên tục, mình dẫn nó vào liên tục để mình nhiếp cho được. nó khác nhau ở chỗ đó. Cho nên vì vậy khi an tịnh thì nó thưa, cái câu tác ý nó thưa để cho nó có sự an ổn hơn, an tịnh hơn cho nên mình không cần tác ý nhiều. Rồi bắt đầu nếu mình nhiếp được rồi thì bắt đầu bây giờ con phải tập tới cái sự an tịnh. An tịnh được rồi thì chừng đó Thầy sẽ dạy tiếp pháp. Còn cái xả nghỉ như vậy là nó đúng, hợp lý với cái đặc tướng của con. Tu như vậy là đúng rồi, con về áp dụng tu tập như vậy đi.

Tu sinh Gia Hạnh: Như vậy cái thời gian tu tập là cũng giữ năm phút?

Trưởng lão: Cũng giữ năm phút.

Tu sinh Gia Hạnh: Và cũng tu y như vậy?

Trưởng lão: Cũng y như vậy để cho nó thuần thục, tăng dần. Rồi một thời gian nữa thì Thầy sẽ trở về đây, Thầy kiểm tra lại một lần nữa thì Thầy sẽ nâng mấy con lên cái pháp khác nữa. Rồi.

4- TÁC Ý TRƯỚC TỪNG HÀNH ĐỘNG

(14:31) Trưởng lão: Thiện Đức I, con! Thiện Đức có không con? Có, con. Con đi cái pháp mà mình vừa đi kinh hành mười bước, rồi ngồi xuống hít thở năm hơi thở. Buổi sáng, buổi chiều như vậy là con tu cái pháp đó rất tốt, nó vừa phá hôn trầm, thuỳ miên, nhưng vì nó còn tạp niệm phải không con? (Dạ, thưa Thầy) Con cố gắng dùng cái pháp Như Lý Tác Ý con dẫn từng cái bước đi của con, thì con dẫn từng cái hơi thở. Khi con ngồi xuống con nhắc: “Ngồi xuống!”, con cũng nhắc bảo ngồi xuống chứ không phải là chỉ đợi hơi thở ra vô con mới nhắc nó đâu.

Mà khi mà con đứng lại thì con cũng bảo: “Đứng lại!”, con đang đi kinh hành mà. Mà đi kinh hành con phải nhắc từng cái, dùng cái pháp tác ý dẫn nó. Thí dụ như chẳng hạn bây giờ: “Chân mặt bước!” thì con bước chân mặt. “Chân trái bước!” thì con bước chân trái. Mà khi con muốn đứng lại: “Hai chân đứng lại!” thì con đứng lại, phải không? Đứng lại rồi thì bảo: “Bây giờ hai chân co ngồi xuống!”, con cũng ra lệnh ngồi xuống như cái pháp Thân Hành Niệm.

Cho nên nó, có dẫn nó như vậy thì nó sẽ không bị tạp niệm. Rồi khi mà con ngồi xuống xong rồi: “Co chân!”, chân này, co chân kia co xong rồi thì con nhắc: “Hít vô tôi biết tôi hít vô, thở ra tôi biết tôi thở ra.” “Hít, thở, hít, thở”…​ năm hơi thở. Rồi bắt đầu thì con bảo: “Thân con đứng dậy!” thì bây giờ con mới đứng dậy. Đứng dậy rồi con bảo: “Chân mặt bước!” thì bước hay hoặc: “Chân trái bước!”, chân trái bước. Và cứ như vậy tiếp tục con ngồi xuống nữa. Và con tu khoảng, cái thời gian con tu ít thôi, chừng năm phút thôi, đừng có tu nhiều.

(16:13) Mà ráng cố gắng nhiệt tâm từng cái hành động, từng cái tác ý của cái hành động của con, thì con làm, thì nó sẽ không có niệm. Thì nếu mà đạt được cái năm phút mà không niệm rồi, thì Thầy sẽ dạy cũng trên cái phương pháp đó, Thầy sẽ dạy con tiếp tục, con sẽ tu tập dài hơn. Thì đồng thời nó không còn cái lơ mơ, nó không còn mờ mịt, nó không có cái buồn ngủ con nữa. Thì con sẽ tu tập tốt. Cố gắng con! Cực khổ lắm!

Bởi vì cái sự tu tập là cực khổ, cực khổ hơn là cái người học tập, cái người học trò phải thức khuya, dậy sớm làm bài vở. Còn con phải là huấn luyện cả thân tâm, phải đi kinh hành, phải đứng lên ngồi xuống. Rồi phải từng cái hơi thở phải tập trung rất kỹ và phải tác ý rất kỹ, nhớ chưa? Nhớ về tập.

Tu sinh Thiện Đức: Thì con tập năm phút thì con nghỉ năm phút?

Trưởng lão: Con tu tập năm phút rồi, con sẽ nghỉ năm phút, rồi con tiếp tục, con tu tập năm phút trở lại. Đúng ba mươi phút vừa nghỉ vừa tu ba mươi phút là con sẽ nghỉ luôn, con hiểu không? Trong khi con nghỉ luôn thì còn thì giờ đó thì con nên đọc kinh sách hoặc là con nên làm bài vở. Con nhớ chưa? Chứ không phải phí cái thì giờ đó đâu.

Minh Thiện con. Con lên đây trình bày Thầy cách thức tu con. Con trình cho Thầy con nhiếp tâm làm sao con, có được không?

Tu sinh Minh Thiện: Dạ, kính thưa Thầy, con là Minh Thiện, từ ngày con theo Thầy tập theo chánh pháp của đức Phật, con lúc đầu thì như Thầy dạy con tu tập Chánh Niệm Tỉnh Giác, đi kinh hành mười bước, hít thở năm hơi. Tại vì pháp Như Lý Tác Ý cũng được gần hai năm rồi, nhưng mà mỗi lần đi thì niệm khởi vẫn còn, nó chưa hết, và hôn trầm, thùy miên thì nó cũng là chưa xong, nó cũng tỉnh táo nhưng mà ngồi một lúc thì nó cũng rơi vào hôn trầm, thùy miên.

Mà sau khi mà tu học, về Tu viện để mà rèn nhân cách Đạo Đức Hiếu Sinh, con cũng cố gắng tập trung vào bài vở để mà triển khai tri kiến của mình. Nhưng có lúc thì cũng là phát biểu tốt, có lúc cũng như là phát biểu nó cũng không đúng vào trọng tâm chủ đề. Và sau này con tập trung về vấn đề học hành nhiều, cũng như là con nghĩ về đến những bài pháp nhiếp tâm và an trú tâm cũng chưa rành lắm. Cho nên sau khi mấy ngày Thầy về sách tấn, lúc đầu thì hôm trước con cũng đăng ký về lập tức.

Nhưng mà sau khi Thầy sách tấn chúng con thì con quyết chí, mà khi cái chân con thì ngồi kiết già không được, ngồi bán già thì nó đau nhức hai cái đầu gối lắm. Kể như là gần hai năm nay con là quyết chí mà ngồi chưa được, con xin Thầy tạo duyên cho con để cho con ngồi cho nó vững. Con mấy hôm nay là con an trú trong cánh tay, tựa lưng vào cái vách, dùng cánh tay đưa ra đưa vô để mà nhiếp tâm, thì như vậy thì thưa Thầy có được không ạ?

(19:41) Trưởng lão: Được con, được. Con dùng cách đưa tay ra, đưa tay vô nhiếp tâm.

Tu sinh Minh Thiện: Con muốn xin Thầy chỉ dạy thêm cho con.

Trưởng lão: Bây giờ đó, nhiếp tâm cho kỹ, đừng cho có cái niệm nó xen ra xen vô được. Thí dụ sáng, con thấy bây giờ tu mười phút mà nó có niệm xen vô, con tu năm phút thôi. Năm phút hoàn toàn là mình phải nhiếp tâm cho được, đạt cho được. Dùng hết cái phương pháp Như Lý Tác Ý của mình, mình dắt nó từng cái hành động. Con cố gắng con làm cho được ít cái thời gian năm phút, rồi nghỉ năm phút, rồi tu tập năm phút. Cứ như vậy cho đến khi mà con xả nghỉ ba mươi phút, đủ ba mươi phút thôi.

Còn hoàn toàn những cái thời gian khác thì coi như là con học tu, nghiên cứu đọc kinh sách, phải không? Cái phần đó là phải triển khai cái hiểu biết của mình, cái tri kiến của mình. Còn cái phần nhiếp tâm và an trú thì con sẽ nhiếp tâm trong cánh tay của con bằng cách là đưa ra, đưa vô. Con tác ý dẫn dắt nó từng cái hành động đưa ra, đưa vô cho đạt được trong năm phút mà không có một niệm nào xen vô trong đó. Phải tập lại cho kỹ lưỡng hẳn hoi, rồi báo lại cho Thầy đàng hoàng để mà đạt được cái kết quả năm phút.

Thì từ đó Thầy sẽ cho tăng lên mười phút, chứ không phải là còn ở năm phút tu hoài đâu, phải tăng lên. Tu là phải- không tu thôi- mà tu phải tu làm cho được, chứ không có chịu thua nó, con hiểu không? Mình phải luôn cố gắng hết sức mình! Coi vậy chứ nó cũng khó lắm chứ không phải dễ! Nhưng mà điều kiện là mình phải đem hết sức lực của mình ra mình tập tu, mà mình nhiệt tâm từng cái hành động đưa tay ra, đưa tay vô của con. Đó, nó sẽ không bị rối loạn cái hô hấp của con. Mà cánh tay con đưa ra vô thì con phải làm cho thật kỹ lưỡng hẳn hoi, thì năm phút sẽ không bao giờ có một niệm nào xen vô trong đó hết. Đó! Là kết quả nó như vậy.

Tu sinh Minh Thiện: Dạ thưa Thầy là bây giờ con nên là Thầy dạy là về an trú trong cánh tay đưa ra, đưa vô, (Ừ) con có thể ngồi dựa lưng vô vách được không Thầy? (Được) duỗi chân ra ngoài.

(21:37) Trưởng lão: Duỗi chân ra ngoài thẳng, đưa tay ra vô.

Tu sinh Minh Thiện: Và sáng con cũng cố gắng để tập ngồi (Ừ) và phóng dật với lại lười.

Trưởng lão: Để sau này khi mà nhiếp tâm, an trú được rồi, thì Thầy sẽ dạy cho cách thức ngồi kiết già. Cho nên khi mà tác ý an trú thì kiết già nó không có đau, nó không có làm cho con khó chịu, con hiểu không? Còn bây giờ mình nhiếp tâm chưa được, mình an trú chưa được mà mình ngồi kiết già, nó làm cho con bị ác pháp. Tức là nó đau, nó tê, nó nhức chân con thì coi như là loạn, con không thể làm sao mà con nhiếp tâm được, con hiểu không? Cho nên bây giờ lo nhiếp tâm cho được cho Thầy đi, thì sau này sẽ là ngồi. Thì chừng ngồi đó Thầy sẽ dạy cách cho các con sẽ chiến đấu lại những cái cảm thọ của cái ngồi, phải không? Cho nên lo mà nhiếp tâm cho được, nhớ chưa? Về ôm cho chặt cái pháp đó mà tu cho đạt được chất lượng.

Tu sinh Minh Thiện: Dạ, mấy bữa nay con cũng cố gắng tinh tấn và cũng nhiếp tâm của mình trên cánh tay con được, nghĩa là từ một phút tới năm phút, nghĩa là nó trở lại mấy lần, vậy con cũng cố gắng.

Trưởng lão: Vậy hả con, vậy tốt. Ráng cố gắng đi con. Cố gắng vậy là tốt, được đó con.

Tu sinh Minh Thiện: Con xin cảm ơn Thầy.

5- LỚN TUỔI TU TỨ CHÁNH NGỒI CHƠI XẢ TÂM

(22:50) Trưởng lão: Từ Phước con, rồi, con lên đây đi. Xá Thầy thôi con. Xá rồi con ngồi xuống đi con. Con tu tập sao, có nhiếp tâm được không con?

Tu sinh Từ Phước: Dạ, con thưa Thầy con ngồi lại. (…​)

Trưởng lão: Con cố gắng con, cái tuổi của con lớn rồi. Theo Thầy thấy bây giờ thì về vấn đề mà nhiếp tâm trong cái hơi thở, thì bảy mươi tám tuổi con cũng lớn rồi. Bây giờ thì con sẽ tu với cái sức khoẻ của con, mà vận dụng cái chỗ nhiếp tâm thì nó hao cái năng lượng con nhiều lắm, mình theo kịp người ta thì không được đâu. Thôi bây giờ theo Thầy thiết nghĩ thì con nên tu Tứ Chánh Cần- ngăn ác, diệt ác. Con chỉ nhắc như thế này, con chỉ ngồi lại bán già hay hoặc là ngồi lại trên cái ghế như thế này, con ngồi con nhắc: “Tâm bất động thanh thản an lạc vô sự”. Rồi con ngồi lại yên lặng, con sẽ thấy từng cái tâm niệm nó nghĩ nhớ cái gì?

(24:00) Mỗi khi cái niệm nó khởi ra thì con quan sát đem cái niệm đó. con xét nó thuộc về nhân quả nào? Nó thuộc về ái kiết sử hoặc là nó thuộc về những cái niệm tào lao. Hoặc là nhớ trong quá khứ cái chuyện gì thì con sẽ đem nó mà con mổ xẻ, quán sát nó rồi con quán nó. Tất cả các cái niệm đều là những cái nhân quả. Cái gì mà xảy ra trong đời của con, thì ái kiết sử thì con cũng: “Đây là ái kiết sử, tất cả những cái này đều là cái duyên để mà tạo ra cái nhân quả khổ đau từ kiếp này sang kiếp khác, hãy buông xuống đi! Tao không chấp nhận, chỉ có chấp nhận tâm bất động, thanh thản, an lạc, vô sự”.

Hoặc là con nói ngắn, gọn: “Đây là nhân quả, đi đi”. Nghĩa là có cái trường hợp tai nạn hoặc là cái gì nhớ lại, hoặc là cái thân bệnh đau của con, con “Đây là nhân quả, mang cái thân này phải trả nhân quả, có gì mày phải lo! Đi đi, ở đây chỉ còn Bất Động Tâm, thanh thản, an lạc, vô sự”. Con nhắc vậy, rồi con tiếp tục con ngồi, một chút con lại nhắc: “Tâm bất động, thanh thản an lạc, vô sự”. Nó không niệm thì con một lúc con cũng nhắc: “Tâm bất động, thanh thản an lạc, vô sự” để rồi nó kéo dài cái trạng thái này, mà có niệm thì con ngăn con diệt nó, con nhớ chưa?

Bởi vì lớn tuổi rồi con phải tu tập vậy thôi chứ không khác gì hết. Rồi khi mà tu tập vậy cho đến khi nó kéo dài cái thời gian nó không còn niệm nữa, thì Thầy sẽ dẫn con vào Tứ Niệm Xứ để mà làm chủ sự sống chết. Rồi, con về con, ráng cố gắng tu tập con.

Thiện Hướng con, Thiện Hướng đâu? Con lên đây đi con, con ráng tu tập nghe không? Tuổi còn trẻ, còn nhỏ, nỗ lực. Khi mình đã biết rồi thì hãy ráng mà tu tập. Con có thể nhiếp tâm ở trong hơi thở chưa con?

Tu sinh Thiện Hướng: Con nhiếp tâm nó bị niệm, nhiều lúc nó hay bị hôn trầm (Nó bị hôn trầm hả?). Con đi kinh hành bị.

Trưởng lão: Đi kinh hành bị…​ Vậy thì con nên tập đi kinh hành, thay vì đi mười bước, con tác ý từng bước đi con: “Chân trái bước!” thì chân trái con bước. “Chân mặt bước!”…​ Con tác ý trước rồi cái chân con mới bước, chứ mình đừng có đi liên tục, mình cứ nhắc đâu mình bước đó, nhắc đâu bước đó. Đến khi đúng mười bước thì con đứng lại, con bảo: “Hai chân đứng lại!” thì con sẽ đứng lại. Rồi: “Hai chân co ngồi xuống!”, bắt đầu con ngồi xuống. Con ngồi xuống, rồi con bảo hít thở: “Hít vô tôi biết tôi hít vô, thở ra tôi biết tôi thở ra”, rồi bắt đầu con hít thở, hít thở đúng năm hơi thở.

(26:35) Rồi con bảo: “Hai chân đứng dậy!”, con đứng dậy. Đứng dậy xong rồi: “Chân trái bước!”, con bước chân trái. “Chân mặt bước!”…​ con cứ tiếp tục con tu tập như vậy, con hiểu không? (Dạ)

Vậy nhiếp tâm cho được trong cái bước đi của con như vậy, con tu cái pháp đó là cái pháp rèn luyện nghị lực. Để làm gì? Bởi vì con còn trẻ tuổi, có nghị lực để mà chiến thắng được cái tâm của mình, cái tâm dục của mình nó nặng lắm, phải không? Con phải chiến thắng. Đây là dục là ác pháp, đây là những cái sai khiến trên con đường nhân quả làm nghiệp quả của con khổ, con hiểu không?

Cho nên con cố gắng tu tập, Thầy sẽ giúp đỡ con, phải không? Con về con tu pháp Đi mười bước, ngồi hít thở năm hơi. Tập luyện như vậy làm cho con có lực, cái nghị lực để con chiến đấu lại cái dục, cái ham muốn của con người. Khi mà nó có hiện ra cái tướng gì thì con có đủ cái nghị lực để con chiến thắng nó. Ráng cố gắng mà tu, tuổi còn nhỏ lắm.

Rồi ráng cái thì giờ mình nghỉ thì con đọc, nghiên cứu lại kinh sách Đạo Đức, học rồi làm bài vở cho kỹ lưỡng. Bất kỳ, Thầy không có cần mấy con phải viết văn hay chữ giỏi gì hết, viết sao cũng được mà nói lên được cái đạo đức, để cho áp dụng được cái bản thân của mình trở thành những người có đạo đức. Đến đây được gặp Thầy thì hãy ráng tu học, sống đạo đức, sống không làm khổ, mình khổ người. Mà nếu mình, tự mình không hiểu đạo đức, mình sống mình làm khổ mình tức là mình cứ dày vò mình. Một cái sự suy nghĩ nào đó mà làm cho mình buồn khổ là cũng là mình thiếu đạo đức với mình.

(28:21) Chứ chưa nói là cái sự mà mình làm cho cái thân của mình nó bị nhiễm như rượu, thuốc lá, hay hoặc là sì ke, ma tuý, đều là do mình bị nhiễm là mình đã làm khổ mình, mình là người thiếu đạo đức với bản thân mình rồi. Trong khi mình học, mình hiểu rồi thì cố gắng mình khắc phục mình, để cho mình có đủ cái nghị lực, mình chiến thắng lại cái lòng ham muốn của mình, cái cám dỗ của dục, của đối tượng bên ngoài, của cả ác pháp bên ngoài.

Một cái ly rượu nó cũng là cái vật bên ngoài, nó cám dỗ cho mình bỏ, mình thèm rượu. Nó cám dỗ cho mình mua vé số, nó cám dỗ cho mình bài bạc đều là cái đối tượng bên ngoài nó cám dỗ mình, nó lôi mình đi vào cái sự đau khổ. Mà mình không sáng suốt, mình không đủ nghị lực nó lôi mình, mình tưởng nó là hạnh phúc, nó lạc. Nhưng mà không ngờ đó là cái dục lạc đem đến cái sự khổ, con nhớ chưa?

Con về tập tu. Cứ mỗi buổi vậy, con tu trong ba mươi phút đi kinh hành mười bước, mình ngồi xuống hít thở năm hơi thở. Buổi chiều cũng vậy, buổi tối cũng vậy, buổi khuya cũng vậy, cố gắng chất lượng con.

Tu sinh Thiện Hướng: Con xin bạch Thầy, là con đi kinh hành mà con dở chân lên con biết từng cái lúc mà con dở chân cho tới con đưa chân tới rồi con đặt chân xuống, con biết từng hành động con tập trong khoảng mười phút?

Trưởng lão: Thì cũng được con.

Tu sinh Thiện Hướng: Về chân trái con biết đưa chân trái lên, con đưa tới, (Đưa tới, hạ xuống) hạ xuống. Chân phải con cũng biết con đưa chân phải lên, mà con tập chỉ mười phút rồi còn nghỉ mười lăm phút lại tập tiếp, vậy có được? (Vậy được) Vậy có cần thêm không?

(30:07) Trưởng lão: Cái đó là cái pháp Thân Hành Niệm. “Dở chân lên! Đưa chân tới! Hạ chân xuống! Hạ gót xuống!” đó là pháp Thân Hành Niệm. Đó cũng là đi kinh hành.

Tu sinh Thiện Hướng: Con tập cái pháp đó mà con tập nhiều quá là nó bị đau đầu.

Trưởng lão: Đúng rồi, tập trung nhiều quá. Cho nên tập vừa cái sức của mình thì nó không bị. Con nhớ căn cứ vào cái thời gian vừa với sức con, không được quá. Đừng có quá cái thời gian nó sẽ bị nặng đầu, phải không? Tập rồi nó quen, rồi con mới tăng lên thì nó không có bị. Nó chưa quen thì mình tập nhiều quá, nó căng cái đầu, tập trung. Cho nên nhớ kỹ, phải tập như vậy đi con. Bởi vì tập như vậy nó mới có cái sức tỉnh táo, có cái sức định tĩnh. Nó mới có đủ cái lực để cho mình ngăn và chặn được cái lòng ham muốn của mình nó dẫn mình đi sai đường. Ráng cố gắng tập.

6- TU TỨ CHÁNH CẦN LÀ BẢO VỆ CHÂN LÝ

(30:57) Sư Pháp Châu con, rồi, con tu như thế nào? Bây giờ con chưa biết pháp tu phải không con?

Tu sinh Pháp Châu: Dạ, lúc đầu Trưởng lão dạy con tu xả tâm thanh thản, an lạc, và vô sự rồi con đi kinh hành. Con đi thì con không tác ý, rồi đi được thư giãn rồi con vô con: “Tâm thanh thản, an lạc, vô sự” , con ngồi kiết già xong cứ nhắc, thì Thầy dạy cho con.

Trưởng lão: Như vậy thì con sẽ tu cái pháp Tứ Chánh Cần con. “Tâm thanh thản an lạc vô sự”, thì con ngồi yên lặng nó thanh thản, an lạc, vô sự. Nó có niệm thì con quán xả nó thôi, xả. Tức là con tu, hễ có cái niệm gì ở trong đầu con là con quán con tư duy con xả nó: “Mày là nhân quả, mày là ái kiết sử, đi. Ở chỗ này không có cái chỗ của mày ở đâu! Chỗ này cái tâm thanh thản, an lạc, vô sự”. Con chỉ tác ý nó vậy để đuổi những cái niệm nó đi. Nó đem lại cái sự bình an cho con, cái sự bất động tâm của con, con tu cái pháp Tứ Chánh Cần, hiểu chưa? Hiểu cái pháp con tu chưa?

Tu sinh Pháp Châu: Dạ, con ngồi kiết già ba mươi phút thì cứ nhắc: "Thanh thản, an lạc vô sự”.

Trưởng lão: Được rồi, đó, cứ vậy thôi. Cứ nhắc có câu đó: “Tâm bất động, thanh thản, an lạc, vô sự”, rồi chút con nhắc nữa. Mà có cái niệm gì khởi trong đầu con ra, có niệm gì khởi trong đầu ra thì quán tư duy xả niệm “Đây là nhân quả, đây là ái kiết sử, đây là ngũ triền cái”, tất cả con chỉ mặt nó. Cái niệm của con nó nằm ở trong tham, sân, si, mạn, nghi hoặc là kiết sử hoặc là nhân quả thì con cứ chỉ: “Đây là nhân quả, đi. Chỗ này là Bất Động, tâm thanh thản, an lạc, vô sự”. Rồi con trở về Bất Động Tâm của con, con cứ chỉ mặt nó, nó rơi rụng xuống. Rồi đến khi nào mà Thầy thấy cần suốt trong cái thời gian ba mươi phút mà nó không còn có niệm nữa, thì chừng đó Thầy sẽ dẫn con đi vào Tứ Niệm Xứ.

(32:51) Rồi bắt đầu bây giờ con về tu đi, về nhớ ôm cái pháp đó. Mỗi người có cái pháp mà Thầy dạy rồi thì sẽ ôm chặt cái pháp đó mà tu đi tới, chứ đừng có tu cái pháp khác.

Trong vấn đề con đang tu tập nhiếp tâm như vậy thì cũng là nhiếp tâm để mà đẩy lui bệnh của con. Con nên tu theo cái phương pháp mà con sẽ tu như vậy, cố gắng để hoàn toàn nó đạt được cái chất lượng là không niệm. Nó còn xẹt một hai chút, bây giờ quyết định là mỗi lần tu là con phải đạt cho được.

Hôm qua Thầy dạy mà hôm nay thì con tập như vậy là nó có kết quả. Mà cái bệnh thừa hơi con nó không làm hoành hành cho con khó khăn. Thì do đó là nó tốt rồi, con hãy tập cái pháp đó. Nhiếp tâm cho đạt được một trăm phần trăm. Nghĩa là phải đạt được một trăm phần trăm rồi chừng đó. Còn cái vấn đề mà đẩy lui bệnh thì không có cần.

Tới chừng nào mà Thầy sẽ, bây giờ cái trường hợp đó như thế nào thì Thầy sẽ dạy cho cách thức đẩy lui bệnh, mà bây giờ lo nhiếp tâm. Nhiếp tâm cũng là một cái phần đẩy lui bệnh. Nhiếp tâm, an trú là bệnh nó sẽ không có con. Còn bây giờ đó, hiện cái người mà đang bị bệnh thì do đó thì Thầy sẽ dạy cho họ cách thức để trị bệnh con. Chứ còn cái sự nhiếp tâm là quan trọng cần thiết bây giờ con biết không? Bệnh con thì bây giờ nó hoàn toàn nó luôn luôn lúc nào nó cũng có trong thân.

(34:11) Cho nên vì vậy mà cứ lo nhiếp tâm đi, cho được. Được rồi thì chừng sẽ dụng cái câu tác ý để đẩy lui bệnh. Bệnh thừa hơi con hoàn toàn nó sẽ bình phục lại cơ thể, không còn bị thừa hơi chút nào nữa. Còn bây giờ có, bây giờ nhiếp tâm nó chưa trọn vẹn, tức là nó còn có niệm, nó chưa có trọn vẹn. Cho nên con dùng nó đuổi thì nó cũng tạm thời đỡ được thôi chứ nó chưa có phục hồi được. Nhiếp tâm, an trú cho được hoàn toàn, rồi bắt đầu đi vào Tứ Niệm Xứ được rồi sẽ tính chuyện mình đuổi, đẩy lui bệnh, tức là phục hồi hoàn toàn cơ thể không bệnh nữa. Còn bây giờ thì không có lo cái vấn đề đó, nghe không? Cứ lo đúng cái pháp mà con đã tu được có kết quả rồi, cứ nỗ lực tu, con nhớ chưa? (Con nhớ rồi) Rồi, thế con tu đi.

Tu sinh: Mô Phật! Con cũng mới được về nhà cho nên là nó nhiếp tâm chưa được. Con thì nói chung vấn đề con tu cái Định Niệm Hơi Thở thì hơi thở của con rất tốt, mà hiện giờ là con đang tu tập Tứ Chánh Cần, Chánh Niệm Tỉnh Thức và Chánh Niệm Tỉnh Giác nhưng mà lâu lâu thì nó có cái niệm khởi, thì coi như nó cũng có niệm khởi thì con xin hỏi Thầy thì Thầy chỉ cho được rõ, con tu tập cái bước thì theo cái tâm bất động tức là không có niệm khởi. Như vậy là cái tâm mình lúc đó nó đã nhiếp tâm hay là?

Trưởng lão: Nó, không. Cái tâm mình nó đang ở trong cái trạng thái bất động của nó, chứ nó không có nhiếp ở chỗ nào hết. (Dạ) Nó không nhiếp, bởi vì nó ở trong cái trạng thái bất động của nó rồi. Nó trở về cái chân lý của nó là cái Diệt Đế. Nhưng khi mà mình nhắc nó, coi như là: “Tâm bất động thanh thản, an lạc, vô sự” , tức là mình bảo vệ và giữ gìn nó ở trong cái trạng thái đó chứ nó không có nhiếp vô nữa. Con hiểu không, nó trở về với cái trạng thái Niết Bàn của nó.

(36:04) Còn nó nhiếp như thế nào? Nhiếp nó, nó phải có một cái đối tượng, còn cái này nó không có đối tượng con. Cái đó là cái chân lý rồi, còn cái đối tượng là cái phương pháp, cái pháp. Cái Thân Hành Niệm là cái pháp Thân Hành Niệm, con nghe Phật nói pháp Thân Hành Niệm mà? (Dạ) Vậy thì cái niệm của cái đối tượng, của cái ý thức của chúng ta mà đang nhiếp nó, thì cái hơi thở của chúng ta là cái thân hành nội mà, phải không? Cái hơi thở làm sao cho cái tâm mình nó cột dính vào cái hơi thở gọi là nhiếp.

Còn cái này mình trở về với cái trạng thái Tâm Bất Động, thanh thản, an lạc, vô sự, tức là trở về với cái chân lý. Cái chân lý không phải mà nhiếp tâm trong chân lý. Mình không có buộc cái tâm mình trói trong cái chân lý, mà mình trở về cái nơi trạng thái giải thoát.

Nhưng mà trở về không được, cho nên nó cứ bị niệm này niệm kia nó khởi ra. Do đó buộc lòng mình phải nhiếp tâm ở trong một cái thân hành của nó. Cho nên vì vậy mà khi nhiếp tâm được rồi, thì mới thả cái chỗ nhiếp của mình đi, nó bây giờ mới ở trong cái chỗ mà chân lý của nó, nó không bị niệm. Cho nên ngăn ác, diệt ác cũng là cái mục đích để trở về với chân lý, để cho nó không niệm, chứ không gì!

Đó, bây giờ đó mình, cái người mà tu ở trên Tứ Chánh Cần rồi mấy con lưu ý. Người tu Tứ Chánh Cần là ngăn ác, diệt ác thì họ phải ở trên cái chỗ Bất Động của họ, chỗ chân lý đó thanh thản, an lạc, vô sự chứ gì? Để rồi họ quan sát cái tâm của họ, coi từng niệm nó khởi ra để mà họ ngăn, họ diệt. Để rồi họ bảo vệ, họ trở về cái chân lý họ, chứ không còn nhiếp vô cái chân lý con. Con hiểu chỗ đó? (Dạ) Đó, còn bây giờ nhiếp là con phải nhiếp về hơi thở hoặc là nhiếp về cánh tay, hoặc là nhiếp ở dưới bước chân đi con, gọi là pháp Thân Hành Niệm, nhiếp trên cái pháp đó.

Đó, thì bây giờ con tu được hơi thở, con xả tâm cũng được nhưng mà vẫn còn niệm. Tức là trên cái Tứ Chánh Cần nó vẫn còn niệm. (Dạ) Mà con nhiếp tâm được ở trong hơi thở, thì muốn cho tăng được cái không niệm của con ở trên Tứ Chánh Cần, mà nó không niệm thì nó là ở trên Tứ Niệm Xứ rồi. Bởi vì còn niệm tức là con còn ở trên Tứ Chánh Cần để mình ngăn và diệt nó, nó có cái niệm mà, cái vọng tưởng ra đó. Bây giờ nó hết niệm rồi thì tức là con bước vào Tứ Niệm Xứ.

(38:13) Vì Tứ Niệm Xứ nó không còn niệm nữa nhưng mà nó còn tham, sân, si chứ chưa phải hết. Bởi vì nó vi tế, nó không lộ tướng nó ra, nhưng mà nó ngầm, nó vẫn còn. Cho nên mình ở trên Tứ Niệm Xứ kéo dài cái trạng thái, cái Bất Động Tâm của mình đó, thì cái trạng thái chân lý đó kéo dài ra. Thì tự nó ngầm nó ở chỗ đó, nó khắc phục tham ưu ở trên đó. Nó diệt những cái tham, sân, si của nó ở trên đó bằng cách là vi tế, con hiểu Tứ Niệm Xứ?

Cho nên buộc lòng cái Tứ Niệm Xứ nó phải sáu tiếng đồng hồ hoặc mười hai tiếng đồng hồ người ta mới cho mình luyện cái Thần lực, cái nội lực, tức là bảy cái năng lực của nó. Cho nên vì vậy mà bây giờ theo muốn đi vào con đường mà Tứ Chánh Cần, thì khi nào mà cái người nào đó mà người ta nhiếp tâm về hơi thở, người ta nhiếp tâm và an trú trong hơi thở…​ (38:57)

HẾT BĂNG