PHÁP HÀNH 16
VÔ MINH VÀ MINH
Trưởng lão Thích Thông Lạc
Người nghe: Tu sinh
Thời gian: 1998
Thời lượng: [47:16]
https://thuvienchonnhu.net/audios/phap-hanh-16-vo-minh-va-minh.mp3
(tiếp theo Pháp hành 15)
(0:00) Như vậy là nó tu ở trên cái thân này, quán nội ngoại thân đó, chớ không phải là ngoại đâu. Mà ở đây thì nói quán ở bên ngoài không, thì nó không đúng, mà quán ở bên trong không, thì cũng không đúng, mà quán nội ngoại, cả ở trong mà cả ở ngoài, mà đây là tu về cái nhân tướng của thân chúng ta.
Bởi vì cái bài cũng dài cho nên Thầy không đọc hết, đọc những cái đoạn mà có thể nói rằng nó cụ thể cho cái chỗ mà chúng ta đang tu tập. Đó thì:
“Lại nữa, này các thầy Tỳ Kheo quan sát thân này”
Bây giờ nó còn ở trên cái nhân tướng tu tập, cho nên quan sát thân này đó, ở trong cái vị trí của các giới, sự sắp đặt trong thân. Trong thân này nó do địa đại, thủy đại, hỏa đại, phong đại, tức là chúng ta quán cái thân này nó do tứ đại mà hợp nhau lại.
“Này các Tỳ Kheo, như một người đồ tể, thiện xảo, hay một đệ tử của người đồ tể giết một con bò, ngồi cắt ra từng mảnh, phân phần tại ngã tư đường.
Cũng vậy này các Tỳ Kheo, Tỳ Kheo quán sát thân này về vị trí các giới, về sự sắp đặt các giới trong thân này, có địa đại, thủy đại, hỏa đại, phong đại”.
Nghĩa là như thế này. Nghĩa là khi quán xét thân này cũng như một cái người đồ tể mổ xẻ một con bò vậy, nghĩa là chúng ta mổ xẻ nó như thế nào?
Chúng ta thấy nó từng cái gió như thế nào, ở trong thân này có gió, tức là phong đại. Quán bốn cái đại mà, phong đại, rồi hơi ấm của chúng ta là hỏa đại, rồi nước ở trong thân của chúng ta là thủy đại, rồi những cái da thịt của chúng ta, tóc, lông, móng tay, xương, thì nó là địa đại.
Thì quán tất cả những cái phần đó, chúng ta quán xét tất cả trong thân của chúng ta, có phải nó nằm ở trong bốn cái đại này không?
Đó là cái cách thức để mà chúng ta tu về cái Định Vô Lậu, quán xét cái thân của chúng ta để nó đừng có dính mắc, nó đừng có chấp cái thân của chúng ta là cái ngã, nó rời khỏi cái tâm tham đắm, nó là cái ngã của mình.
Cho nên mình đặt được như vậy tức là mình khắc phục được cái sự tham ưu của mình. Đó là cái chỗ để quán tứ đại của cái thân. Thì đây cái quán tứ đại như vậy nó cũng nằm ở trên cái Định Vô Lậu, (2:22) đặt cái Định Vô Lậu ở trên thân quán thân tu về nhân tướng đó.
Rồi kê, cái bài kế nữa Đức Phật cũng dạy:
“Này các thầy Tỳ Kheo, Tỳ Kheo như thấy một thi thể bị quăng bỏ trong nghĩa địa, một ngày, hai ngày, ba ngày, thi thể ấy phồng lên, trương phồng lên, xanh đen lại, nát thối ra.
Tỳ Kheo quán thân ấy như sau: thân này tánh chất như vậy, bản tánh là như vậy, không vượt khỏi tánh chất ấy. Như vậy vị ấy sống quán thân trên nội thân, hay sống quán thân trên ngoại thân, hay sống quán thân trên nội ngoại thân, hay vị ấy sống quán tánh sanh khởi trên ngoại thân”.
Nghĩa là thấy cái vô thường, cái bất tịnh, cái hôi thối của cái thân sình lên, xọp xuống, thối nát như vậy. Rồi mình quán xem xét từ ở trong thân nội ngoại của mình, đó là cái lối để mà quán tu cái Định Vô Lậu đó, để cho mình đừng có cái chấp thân mình là của mình, đừng có chấp cái thân là quý, là đẹp, coi nó, ai đụng tới nó là dễ giận, dễ hờn đó.
Đó là cái lối của Đức Phật để cho mình nhìn được cái thân nó hôi thúi, bẩn thỉu, cái thân nó chẳng có ra gì hết.
Đây một cái bài kế nữa. Bởi vì ở trên thân của chúng ta tu nó nhiều như vậy đó, để mà chúng ta đặt cái Định Vô Lậu mà chúng ta quán xét như vậy:
“Tỳ Kheo thấy như một cái thi thể bị quăng bỏ trong nghĩa địa, bị các loài quạ ăn, hay bị các loài diều hâu ăn, hay bị các chim kên ăn, hay bị các loài chó ăn, hay bị các loài dã can ăn, hay bị các loài côn trùng ăn.
Tỳ Kheo quán thân như vậy, thân này tánh chất như vậy, bản chất là như vậy, không vượt khỏi tánh chất ấy. Như vậy vị ấy sống quán thân trên nội thân, sống quán thân trên ngoại thân, sống quán thân trên nội ngoại thân”.
Đó là cách thức tu về cái Định Vô Lậu trên nội ngoại thân để quan sát thấy cái sự tan rã, cái sự tàn tạ của côn trùng, của các loài vật ăn thịt thân của cái người chết như vậy. Thì cái thân của chúng ta nó cũng như vậy thôi. (04:33) Cho nên so sánh lại thì chúng ta không còn chấp cái thân nữa.
Cái cách thức này là Phật dạy chúng ta để thấy, bởi vì ở bên Ấn Độ nó có cái rừng kêu là, người ta lâm táng.
Nó có bốn cái chỗ táng. Người ta hỏa táng là đem cái thân này đốt đi. Rồi người ta điạ táng là như mình đó, mình chôn cái thân này hôn ở trong đất đi, đào cái lỗ mình chôn đi gọi là địa táng. Rồi người ta thủy táng, là người ta cột một cái cục đá hay hoặc là người ta tẩm liệm mình trong một cái quan tài, rồi người ta đem mấy cục đá người ta treo ở trên cái quan tài đó, rồi người ta thả xuống nước, rồi nó chìm ở dưới sông đi, do đó gọi là thủy táng. Còn cái lâm táng, thì người ta đem cái thân thây ma đó, người ta đem vô trong rừng, người ta bỏ đó ở trong cái rừng đó.
Cho nên vì vậy mà chó, hay hoặc là chim kên, hay hoặc là những loài ăn thịt dơ thịt thối đó, thì chúng sẽ đến xé cái thây ma đó nó ăn. Rồi từ đó thì chúng ta đi vào trong cái rừng đó chúng ta quan sát, chúng ta thấy cái thân của con người nó như vậy đó.
Cái đầu, cái chân, cái tay, con chó, con vật nó gặm nó xé, nó tan nát, nó rách rưới, nó thấy mà ghê tởm, nó không có còn cái gì mà gọi là chúng ta thấy đẹp đẽ cả hết, làm cho chúng ta thấy ghê gớm.
Đó là cái cách thức mà để chúng ta quán xét, tức là cái Định Vô Lậu đó, chúng ta quán, ở trên cái định đó mà chúng ta đặt cái thân của chúng ta mà chúng ta quán.
Cho nên nội, ngoại thân, từ cái trong, cái ngoài, ruột, gan, phèo, phổi của mình, đều là mình thấy được cái sự bị xé, cắn hoặc là vày bừa ở trong đất nó dơ bẩn rồi kia nọ, để chúng ta thấy chúng ta không còn có thương cái thân của chúng ta nữa, không có còn ưa cái thân của chúng ta nữa.
(6:20) Đây kế nữa thì cũng Định Vô Lậu đây nữa:
“Tỳ Kheo như thấy một thi thể bị quăng bỏ trong nghĩa địa, với các bộ xương còn liên kết với nhau, còn dính thịt và máu, và còn các đường gân cột lại; với các bộ xương còn liên kết với nhau không còn dính thịt, nhưng còn dính máu, còn được các đường gân cột lại; với các bộ xương không còn dính thịt, dính máu nữa, còn lại các đường gân cột lại; chỉ còn có xương không dính lại với nhau nữa, rải rác chỗ này chỗ kia.
Ở đây là xương tay, ở chỗ kia là xương chân, ở đây là xương ống chân, ở chỗ kia là xương bắp vế, ở đây là xương mông, ở chỗ kia là xương sống, ở đây là xương sườn, ở đây là đầu, chỗ kia là xương cánh tay.
Tỳ Kheo quán thân thấy như vậy, thân này tính chất là như vậy, bản tánh nó như vậy, không vượt khỏi tánh chất này.
Như vậy vị ấy sống quán thân trên nội thân, hay sống quán thân trên ngoại thân, hay sống quán thân trên nội ngoại thân. Hay vị ấy sống quán tánh sanh khởi trên thân. Hay vị ấy sống quán tánh diệt tận trên thân. Hay vị ấy sống quán tánh sanh diệt trên thân.
Có thân đây, vị ấy sống an trú, chánh niệm, tỉnh giác như vậy. Và vị ấy sống không nương tựa, không chấp trước một vật gì ở trên đời này”.
Vì mình thấy cái thân mình như vậy đó, thì mình không còn chấp trước, mình không còn dính mắc cái vật gì, không còn ham muốn gì nữa hết. Vì thấy cái thân người ta như vậy, thân mình nó cũng vậy thôi, cho nên từ đó mình không còn có ham muốn cái gì hết.
Cho nên do cái chỗ mà quán xét này, từ đó cái ái kiết sử của mình mình cũng dứt bỏ nữa, mình không thấy mình phải thương ai, cũng cái thân thiệt là nó tồi tệ, nó không thể nào tưởng tượng nổi được.
Cho nên từ đó vật gì mình cũng bỏ hết, không còn ham thích một cái gì nữa hết, nghĩ cái thân mà mình nhìn trước mắt với thân mình nó cũng chẳng khác chút nào hết.
Cho nên quán từ cái nội, ngoại, rồi nội ngoại thân của mình, rồi trên thân mình quán tánh sanh diệt của nó, nó cũng y như vậy. Rồi quán tánh diệt tận nó, nó cũng vậy.
Cho nên đó là những cái lời Đức Phật đã dạy chúng ta để chúng ta quán xét, làm cho tâm của chúng ta nó không còn dính mắc, chấp đắm nữa.
Đó là những bài để cho chúng ta học về cái Định Vô Lậu, để chúng ta biết để mà quan sát
“Tỳ Kheo như thấy một thi thể bị quăng bỏ trong nghĩa địa, chỉ còn toàn bộ xương trắng màu vỏ ốc, chỉ còn một đống xương lâu hơn ba năm, chỉ là xương thối trở thành bột.
Tỳ Kheo quán thân ấy như vậy, thân này tiánh chất là như vậy, bản tánh là như vậy, không thể vượt khỏi tánh chất ấy. Như vậy vị ấy sống quán thân trên nội thân, hay sống quán thân trên ngoại thân.”
(09:21) Nghĩa là Đức Phật nói khi mình thấy cái bộ xương đó, rồi cái bộ xương đó nó chỉ còn cái hôi thúi của nó thôi. Nó chỉ còn có cái bột hôi thúi đó thôi.
Thì chúng ta thấy, chúng ta có đi hốt cốt chúng ta thấy, xương chúng ta khoảng mười năm, hai chục năm nào đó, hốt lên chúng ta thấy còn có cái nắm bột ấy thôi, mà cái nắm bột đó nó hôi thối chớ nó không phải nó… Cho nên các con thấy, khi ma mang những cái hài cốt ở Hóc Môn về đây để trong nhà, chúng ta nghe cái mùi hôi, cho nên chúng ta chôn hết. Đó thì, nó có cái mùi hôi thúi.
Nếu mà chúng ta trực tiếp mà chúng ta nhìn thấy cái nắm xương nó mục, nó mục hết nó không còn cái xương nào, nó mục thành ra nó còn cái chất bột hôi thúi đó thôi. Đó thì, có đi hốt cốt, có đi lấy cốt thì chúng ta thấy được cái này rõ ràng lắm.
Cho nên khi mà thấy như vậy rồi mới xét cái thân của mình, nó còn cái gì? Nó đâu có cái gì mà trường tồn? Nó cũng trở thành một nắm bột hôi thúi đó, một ngày nào nó có ra gì đâu. Cho nên khi mà quán xét thấy như vậy rồi mới quán xét lại cái bản thân của mình.
Cho nên Phật nói: “Trên thân quán nội thân, ngoại thân để thấy tính chất nó như vậy.”
Do quán cái thân của mình từ đó̉ mình không còn chấp đắm, dính mắc nữa, cho nên mình không còn có bị ái kiết sử, bị tất cả sự thương ghét nó làm cho mình đau khổ, hay hoặc là bị những cái sân hận, phiền não, nó làm cho mình đau khổ nữa. Mà mình xả bỏ, mình thấy mình ngao ngán cuộc đời quá, không có gì hết, cái thân này quá khổ đau, cho nên bỏ hết.
Đây là trên thân quán thân. Rồi kế tiếp là trên thọ quán thọ.
Thầy xin dừng lại, ngày khác mình sẽ tiếp tục ở trên cái phần trên thọ quán thọ, rồi trên tâm quán tâm, rồi trên pháp, để nghe Phật dạy.
(11:18) Như vậy là nãy giờ Đức Phật dạy chúng ta, đầu tiên là dạy chúng ta ở trong cái Chánh Niệm Tỉnh Giác của hai phần:
Cái phần thứ nhất là nội về hơi thở và phần thứ hai là các hành động của chúng ta bên ngoài, từ cái tổng quát chung của cái hành động chung là cái thân, rồi đến cái hành động chi tiết của chúng ta đi, đứng, nằm, ngồi, làm tất cả mọi công việc. Thì đó là đi những cái những phần đó, để mà chúng ta tập tỉnh thức mà thôi.
Kế đó thì cái sự tỉnh thức chúng ta có cái độ cao rồi, rồi từ đó chúng ta mới “trên thân quán thân” tu về nhân tướng. Tu về nhân tướng thì chúng ta mới quán nó bất tịnh, quán nó như thế này, quán nó như thế khác, chúng ta thấy rõ ràng cái thân của chúng ta như vậy, để làm chúng ta không còn chấp ngã nữa.
Đây là cái phần trên thân quán thân tu về hành tướng nội, hành tướng ngoại, và tu về nhân tướng, nhân tướng nội và nhân tướng ngoại của nó.
Đó là cái phần để đọc, sau này thì khi mà nghe cái bài kinh này rồi, nếu mà muốn rõ nữa thì các thầy và các con có thấy cái chỗ nào cần hỏi, hỏi Thầy sẽ giảng. Còn bây giờ Thầy đọc như vậy có nghĩa là để chúng ta tổng quát mà thôi. Còn khi mà chúng ta cần phải hỏi một cái gì để làm sáng tỏ ra bài này, thì do cái sự hỏi đó nó mới làm cho chúng ta thấy rõ ra, và chúng ta sẽ đạt được kết quả.
Đó thì bài kinh Tứ Niệm Xứ. Cho nên khi mà viết nó ra thành sách thì Thầy phải đi vào những cái chi tiết rất là cụ thể, rõ ràng, cho nên nó còn đòi hỏi ở một cái thì giờ để mà làm công việc này. Cho nên ở đây giảng để chúng ta hiểu mà tu mà thôi.
Cho nên chúng ta muốn làm cho cái thân tâm của chúng ta thanh tịnh và làm chủ được nó thì phải ở trên nó mà tu tập. Mà tu tập thì chúng ta quán như vậy để cho cái tâm của chúng ta không dính mắc ở trong cái thân của chúng ta.
(13:05) Thường thường thì chúng ta chấp cái thân của chúng ta dữ lắm, chấp chặt lắm, cho nên nó mới có ái kiết sử, nó mới có thương, có ghét, có giận, có hờn, có tham, sân, si.
Cho nên vì vậy mà chúng ta không đoạn trừ được Thất Kiết Sử, mà không dẹp được cái Ngũ Triền Cái, nó làm cho cuộc đời của chúng ta điêu đứng và tâm chúng ta không thanh tịnh.
Mà tâm không thanh tịnh thì đừng có mong gì mà nhập Tứ Thiền, nhập Diệt Thọ Tưởng Định được, đừng có mong chúng ta có được cái đạo lực siêu việt.
Cho nên những điều mà Thầy nói về tu tập, trên pháp quán pháp, điều khiển các pháp, mà chúng ta không làm chủ được các pháp đang xâm chiếm tâm ta, thì chúng ta không làm chủ được cái pháp mà bảo nó bay hay này kia được. Cho nên đó là những cái khó chớ không phải dễ.
Mà nếu không thông suốt được những cái thân bất tịnh, hôi thúi, bẩn thỉu này thì chúng ta mãi cứ chấp cái thân là cho đẹp, rồi cứ cố gắng mà sửa sang cho nó đẹp thêm, dầu thơm này kia. Sự thật ra nó hôi thúi là nó hôi thúi, có gì đi nữa thì cũng che đậy bên ngoài đó mà thôi, chứ nó ở trong nó bất tịnh vô cùng lận, nó không còn cái giá trị quý báu gì hết. Cho nên khi đó chúng ta nên bỏ nó đi, dẹp đi.
Và cái tập Chân Thành vấn đạo thì Thầy sẽ photo, và đồng thời photo xong Thầy sẽ gởi cho mấy con (mỗi) người một tập, để đọc lại và nghiên cứu qua những cái lời hỏi, để cho mình thấu rõ được cái hành động tu tập cho rõ ràng, để nó mang lại những cái kết quả tu tập của mình.
Đến đây thì năm giờ rồi, thôi Thầy xin nghỉ, ngày mốt có thể chúng ta tiếp tục Tứ Niệm Xứ. Chừng nào Thầy giảng hết Tứ Niệm Xứ và Thầy mong chờ đợi những câu hỏi của các con, để rồi Thầy sẽ coi như là mình mổ xẻ ra cho nó hết những cái Tứ Niệm Xứ, để chúng ta biết các pháp hành.
Còn nếu không có hỏi, không có thưa hỏi thì chúng ta khó mà hiểu. Thầy giảng rồi coi như là lỗ tai bên đây, nó sẽ chui qua bên kia đi mất đi. Còn cái hỏi đó chớ nó có những cái thấm thía nó làm chúng ta nhớ mà không quên. Đó thì các con cũng như các thầy khi học thì chúng ta cần phải có sự thưa hỏi.
Chúng ta thấy cái chỗ nào cần thưa hỏi, chúng ta ghi chỗ đó để chúng ta tìm hiểu. Có khi Thầy đọc qua như vậy mà Thầy không có giảng, Thầy cứ nghĩ rằng Thầy hiểu như các con hiểu rồi, thì do đó Thầy không có giảng qua cái chỗ đó, do cái chỗ đó mà các con không hiểu.
Từ cái danh từ, cho đến những cái hành động tu ở chỗ đó như thế nào, thì các con hỏi thì Thầy sẽ phân tích ra rất rõ ràng và kỹ lưỡng, để các con thấy rõ mà tu tập và biết được cái pháp Tứ Niệm Xứ là cái pháp vi diệu nhất, làm cho bốn chỗ này thanh tịnh nhất, mà cứu cánh nhất cuộc đời của chúng ta tu theo đạo Phật.
Đến đây Thầy xin chấm dứt, các con nghỉ.
(15:52) Giờ chúng ta tiếp tục cái bài học hôm qua. Nhưng trước khi học cái bài Tứ Niệm Xứ thì Thầy sẽ trả lời một số của các cô cũng như của quý thầy hỏi để chúng ta biết được cái bài học, càng có hỏi những cái ý của những cái bài học mình học qua, mình hỏi thì nó sẽ rõ ràng hơn.
Chớ về kinh sách của đạo Phật thì những cái từ nó cũng làm chúng ta rất khó, và những cái ý của nó để mà hiểu, nó cũng còn khó hơn nữa. Cho nên khi mà không hiểu một cái gì thì chúng ta hỏi, để rồi chúng ta hiểu cho được, để biến nó trở ra một cái hành động tu tập, nó mới có những cái kết quả của sự tu tập.
Cho nên ở đây hôm rồi thì cô Diệu Quang hỏi Thầy, nhưng còn mấy câu hỏi nữa mà chưa trả lời xong, cho nên hôm nay Thầy tiếp tục trả lời cho cô Diệu Quang.
(16:47) Cô hỏi*:* “Kính bạch Thầy! Ý thanh tịnh có phải là Phật Tánh không thưa Thầy? Theo con nghĩ, câu nói của Lục Tổ Huệ Năng: “Chẳng niệm thiện niệm ác, bản lai diện mục hiện tiền” đó là “ý thức thanh tịnh” phải không thưa Thầy? Người tu thiền mà đạt được ý thức thanh tịnh này sẽ đưa về đâu?”
Bây giờ tới cái phần mà Thầy đáp. Ở trong cái câu hỏi này nó có ba câu hỏi. Một câu hỏi thứ nhất là hỏi về cái “ý thức thanh tịnh”. Câu hỏi thứ năm (hai) là cái “ý thức thanh tịnh” có phải là “bản lai diện mục” hay không? Câu hỏi thứ ba của cái câu hỏi này đó là cái “ý thức thanh tịnh” sẽ đưa chúng ta đi về đâu? Nó có được giải thoát hay không đó, ý như vậy.
Đáp: “Các thiền sư Đông Độ do lạc vào tưởng định, lấy “ý thức thanh tịnh” làm Phật Tánh.”
Ở đây Thầy không phải là có một cái ý bài bác của Thiền Đông Độ, mà vì cái chỗ dạy của Pháp Bảo Đàn Kinh đó, tức là lời của Lục Tổ Huệ Năng dạy, bảo “chẳng niệm thiện niệm ác, thì bản lai diện mục hiện tiền” cho nên cái “bản lai diện mục hiện tiền” đó là Phật Tánh, mà chỗ chúng ta “chẳng niệm thiện niệm ác” đó, thì cái chỗ đó là cái chỗ “ý thức thanh tịnh”, chớ nó không phải là cái gì.
Bởi vì cái ý thức chúng ta nè, bây giờ trong khi chúng ta đang sống này, đây là cái ý thức chúng ta nè, nó phân biệt nó biết nè, chúng ta khởi cái niệm thiện, niệm ác chúng ta biết, đó là ý thức.
Bây giờ nó không có khởi niệm thiện, niệm ác thì cái ý thức đó nó thanh tịnh, chớ nó không phải là cái tâm thức. Có nhiều người tưởng là cái tâm thức của chúng ta. Chúng ta phải trải qua đóng cái ý thức nó dừng lại, nó không làm việc, đóng cái tưởng thức nó không làm việc, thì cái tâm thức chúng ta mới hoạt động.
Còn bây giờ cái ý thức của chúng ta nó mới thanh tịnh, chứ chưa phải nó ngưng. Do cái chỗ tưởng này thì coi cho nó là Phật Tánh. Vì vậy mà ở đây Thầy chỉ thêm tại sao mà người ta hiểu Phật Tánh mà nó không đúng.
“Khi ngủ sáu thức đều ngưng hoạt động, thì ý thức không còn biết gì.”
Đó thì cái ý thức bây giờ nó thanh tịnh đó, bây giờ sao nó không thanh tịnh hoài, nó không biết hoài, mà khi chúng ta ngủ nó cũng phải biết chớ, thì nó mới là Phật chớ? Sao mà Phật còn ham ngủ?
Cho nên khi mà ý thức đó nó không nghĩ ngợi niệm thiện, niệm ác, thì ít ra thì chúng ta ngủ, nó cũng không niệm thiện niệm ác thì nó cũng phải thức nó biết đó chớ?
Bởi vì thường Thiền Đông Độ nó dạy chúng ta là “hằng biết”, hằng biết là nó biết hoài hoài luôn liên tục. Nhưng bây giờ nó không niệm thiện, niệm ác mà lại ngủ thì nó lại quên mất đi.
Còn bây giờ chúng ta tu tập chúng ta ức chế cái niệm thiện, niệm ác đi, nó không có, thì coi như nó hằng biết. (19:45) Nhưng mà khi chúng ta ngủ rồi thì nó lại, sáu thức nó đều ngủ hết đó, thì cái ý thức nó cũng ngủ luôn, cho nên chúng ta không biết.
“Khi ngủ sáu thức đều ngưng hoạt động,”
Sáu cái thức nó ngưng hoạt động, nhưng mà sáu căn chúng ta hoạt động, chớ không khéo các con với quý thầy hiểu, sáu thức ngưng hoạt động, tưởng là nó không hoạt động. Sự thật ra các cái căn của chúng ta, sáu căn nó hoạt động, như nhãn căn, nhĩ căn nó còn hoạt động. Nhưng mà cái thức thì nó không hoạt động.
Cái thức thuộc về tâm, mà cái căn thuộc về vật chất, nó thuộc về thân. Cho nên các căn nó hoạt động, khi chúng ta ngủ nó còn hoạt động, chớ không phải nó ngưng, nó ngưng là khi nào nó chết thì nó mới ngưng.
Đó thì bây giờ:
“Khi ngủ sáu thức đều ngưng hoạt động thì ý thức không còn biết nữa, như vậy rõ ràng ý thức thanh tịnh không phải là Phật. Phật sao lại là mê ngủ như vậy, đây là một sự tưởng của các thiền sư Đông Độ.
Câu dạy của Lục Tổ Huệ Năng “chẳng niệm thiện niệm ác, bản lai diện mục hiện tiền” là chỉ cho ý thức thanh tịnh. Người tu thiền đạt được ý thức thanh tịnh, sẽ đưa đến Không Vô Biên Xứ, rồi đến Thức Vô Biên Xứ.”
Tức là Không Vô Biên Xứ, tức là họ đạt được cái trạng thái “không” đó. Nghĩa là ngồi đó mà không có niệm gì hết, gọi là Không Vô Biên Xứ. Thì Không Vô Biên Xứ rồi thì họ mới thấy cái trạng thái phủ trùm của họ. Trạng thái phủ trùm của họ thì do đó họ mới thấy Thức Vô Biên Xứ.
“Trong kinh Đại Phương Quảng, trang 643, Kinh Trung Bộ, tập một, Đức Phật đã dạy:”
Tức là Đức Phật đã xác định được cái trạng thái này đẻ cho chúng ta biết. Chớ không phải đây là một cái sự tưởng tượng ra mà Thầy đặt, mà chính ngày xưa Đức Phật cũng đã chỉ định được cái trạng thái này.
“Này hiền giả! Ý thức thanh tịnh không liên hệ đến sáu căn”.
(21:46) Cái ý thức mà nó thanh tịnh tức là nó không niệm thiện niệm ác, nó không liên hệ với sáu căn tức là nó không phân biệt.
Bây giờ mắt là nhãn căn, mà lỗ tai là nhĩ căn, mà bây giờ nó liên hệ, cái ý thức đó nó liên hệ với mắt, nó thấy cái sắc, nó phân biệt cái đó màu xanh, màu đỏ, thì cái đó là không đúng là cái chỗ nó thanh tịnh. Mà nó không liên hệ thì nó không phân biệt cái đó là màu xanh, màu đỏ, màu trắng, tức là vô phân biệt đó.
Trong Thiền Đông Độ người ta dạy mình là vô phân biệt, là cái chỗ mà không liên hệ với năm căn đó. Bởi vì nó sáu căn, nhưng mà bây giờ nó là ý căn nó đang hoạt động làm việc, nó đang làm việc ở chỗ ý thức, cho nên người ta còn rút tỉa ra năm căn.
(22:23) Năm căn tức là nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân đó.
“Nó không liên hệ đến năm căn, có thể đưa đến Hư Không Vô Biên Xứ.”
Tức là Đức Phật nói: Khi mà cái ý thức nó thanh tịnh như vậy, thì nó không liên hệ với năm căn, tức là nói là cái ý thức thanh tịnh không phân biệt, vô phân biệt rồi thì nó sẽ đưa hành giả đến cái trạng thái Hư Không Vô Biên Xứ.
Mà đã Hư Không là vô biên thì nó có thể đưa hành giả đó đến Thức Vô Biên Xứ. Mà Thức Vô Biên Xứ, là vì Thức là vô biên, cái Thức mà nó phủ trùm rồi đó, tức là nó vô biên rồi đó, thì có thể đưa đi đến Vô Sở Hữu Xứ, nghĩa là không còn vật gì nữa hết, tức là cái chỗ mà “phản bổn hoàn nguyên” đó, cái chỗ mà không có vật, không có gì hết đó. Đó là cái chỗ Vô Sở Hữu Xứ đó.
Đó thì Đức Phật đã xác định cho chúng ta thấy rõ cái trạng thái mà chỗ ý thức thanh tịnh đó, nó sẽ đưa đi đến vào trong ba cái định này. chớ không phải là nó đưa chúng ta đi đến cái Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Xứ Định, nó chỉ có đưa đi vào ba cái định tưởng này mà thôi.
Chúng ta loanh quanh ở trong ba cái định tưởng này, chúng ta tưởng đó là Phật Tánh, tưởng là giải thoát, nhưng mà sự thật ra nó không giải thoát.
“Những danh từ của Thiền Đông Độ chỉ những trạng thái của định tưởng: “phản bổn hoàn nguyên, phủ trùm vạn hữu”.”
Thì những cái định tưởng mà chúng ta thấy, như là cái danh từ để chỉ “phản bổn hoàn nguyên”, “phủ trùm vạn hữu” thì nó là những cái định tưởng như là Không Vô Biên Xứ Tưởng, Thức Vô Biên Xứ, Vô Sở Hữu Xứ, đó là ở trong ba cái trạng thái, ba cái định tưởng đó.
(24:15) Bây giờ câu hỏi kế:
Hỏi: “Thế nào là sự sai khác giữa trí tuệ và thức?”
Bây giờ cái trí tuệ của chúng ta nè, bây giờ nó khởi ra một cái niệm, nó hiểu cái này, nó hiểu cái kia, nó biết cái nọ, đó là chúng ta nói là cái trí tuệ.
Còn cái thức thì nó cũng là biết. Thì cái trí tuệ nó cũng biết, cái thức nó cũng biết, như vậy là giữa trí tuệ với cái thức này nó có sự sai khác hay không? Chớ không khéo rồi cái trí tuệ cũng là cái biết, nhưng mà cái thức là cái biết, hai cái này nó có hợp chung lại hay không, hay là không hợp chung? Đó là những cái câu hỏi như vậy, để chúng ta phân biệt được chỗ cái trí tuệ và cái thức của chúng ta.
Ở đây Thầy sẽ đáp
“Sự sai khác của trí tuệ và thức là trí tuệ cần phải tu tập, học tập, còn thức thì cần phải liễu tri.”
Chữ “học tập”, “tu tập” nè, bây giờ có cái chuyện đó mình không có biết, cũng như bây giờ mình chưa có học tới cái lớp đó, thì mình chưa cái biết những cái bài vở đó.
Cũng như bây giờ một người học sinh mà họ chưa cái học Đại số học, thì họ chỉ học Số học không, thì họ có chưa biết cái Đại số học như thế nào. Nhưng bây giờ họ đã học, họ đã học thì họ đã biết được Đại số học, thì cái biết đó đó, cái biết thêm cho họ biết được cái Đại số học đó, gọi là trí tuệ, tức là cái trí tuệ mà tích lũy, cái đó gọi là trí tuệ.
Nghĩa là bây giờ họ chưa biết cái nghề Y Khoa là cái gì, nghĩa là họ chưa có biết cái tim, gan, phèo, phổi con người ra như thế nào. Thì do đó bây giờ họ học tập rồi, thì cái mà bây giờ họ biết được cái bộ phận ở trong người của chúng ta là ngũ tạng rồi này kia, họ biết được, thì cái biết đó gọi là trí tuệ.
Cho nên cái trí tuệ ở đây xác định, cái trí tuệ là cái chỗ mà tu tập, học tập nó sẽ hiện ra, còn nếu mà chúng ta không chịu học tập thì chúng ta không biết, thì cái đó không phải là trí tuệ.
Tu tập mà nó có trí tuệ là từ Định sanh Tuệ, nó làm cho cái tâm chúng ta lặng lẽ rồi nó phát ra, chúng ta mới thấy được cái này mà hiểu được cái kia. Từ lâu chúng ta không thấy hiểu cái đó, mà bây giờ chúng ta lại hiểu thấu được những cái đó, phát minh ra được những cái này, phát minh ra được những cái kia, là do cái sự tu tập.
Còn bây giờ chúng ta chưa biết cái gì hết mà chúng ta học tập, như bây giờ một đứa bé mới có năm, sáu tuổi, nó chưa biết chữ A, chữ B, C, do bây giờ nó được học tập A, B, C rồi nó ráp vần lại nó đọc, thì cái mà bây giờ nó đã đọc được, cái đó gọi là trí tuệ.
Có phân biệt được như vậy mình mới hiểu được cái chữ trí tuệ chớ không khéo rồi mình không hiểu.
(27:06) Còn cái thức thì như thế nào? Cái thức thì nó cũng biết vậy, nhưng mà cái thức nó nằm ở chỗ nào đây? Cái thức thì ở đây nói cái thức đó, cần phải liễu tri.
Liễu tri nghĩa là cái trí tuệ chúng ta biết được cái tâm của chúng ta tham, sân, si là khổ, mà bây giờ mỗi chút thì chúng ta biết nó bỏ, quyết tâm bỏ đó. Nghĩa là thấy cái đó là cái không phải, cái ác pháp rồi, quyết bỏ đó, nhưng mà nó cứ hễ đụng tới là nó phiền não. Cái trí tuệ thì biết rồi, biết cái đó là bậy rồi, nhưng mà bỏ thì bỏ không được.
Cho nên bây giờ chúng ta mới thấy được cái thức, cái thức thì cần phải liễu tri. Thì cái trí tuệ chúng ta biết được cái đó là khổ, nhưng mà chúng ta bỏ không được, vì vậy bây giờ chúng ta mới thấy được cái thức. Mà cái thức mà nó liễu tri, tức là nó thấm nhuần được cái chỗ khổ đó, nên bây giờ người ta chửi, mình hết giận. Cho nên cái thức là cái phải liễu tri, mà nó liễu tri thì nó mới hết giận. Còn bây giờ chúng ta, cái trí tuệ chúng ta biết cái đó khổ, nhưng chưa liễu tri.
Cho nên chữ “liễu tri”, “liễu” nghĩa là thông suốt, thấm được cái lý, “tri” là biết một cách rất là thấm cái lý của nó. “Liễu” là toàn diện, thâm sâu ở trong đó, cho nên nó không còn cái đối tượng, cái pháp ở ngoài mà làm động được cái tâm của chúng ta, gọi là “liễu tri”.
(28:28) Đó thì vì vậy cho nên ở đây cái thức thì cần phải liễu tri, mà cái trí tuệ thì cần phải tu tập và học tập. Như vậy thì bây giờ chúng ta mới phân biệt được những cái gì mà là cái trí tuệ, những cái gì mà chúng ta hiểu, mà những cái gì mà chúng ta buông xả được, chứ nếu không, chúng ta không thực hiện được cái liễu tri thì chúng ta xả không được đâu. Chúng ta chỉ có cái trí tuệ hiểu biết mà chúng ta không có liễu tri thì chúng ta không xả được.
Ở đây thầy giải thích thêm để hiểu:
“Trí tuệ do tu tập hoặc học tập thấy biết một sự vật đúng như thật.”
Bây giờ chúng ta nghe nói Khổ Tập Diệt Đạo thì chúng ta thấy chúng ta hiểu rồi đó, nhưng mà liễu tri cái Khổ Tập Diệt Đạo thì chúng ta chưa liễu tri. Đó Thầy đem một cái ví dụ để mà thấy chỗ thấm nhuần của chúng ta chưa.
Cho nên thức thì nó cần phải liễu tri. Thì cái thức với cái trí tuệ của chúng ta nó chỉ sai khác nhau ở chỗ đó, chớ nó không có sai khác ở chỗ nào được hết.
Nghĩa là bây giờ vừa thấy một cái vật đó, thì ngay đó là cái thức nó đã nhận, thì cái trí tuệ chúng ta cũng đã biết cái đó rồi, cho nên nó không có thấy nó sai khác chỗ nào được hết.
Nhưng mà thấy cái đó, mà bắt đầu cái trí tuệ chúng ta thấy cái đó, thì cái tâm dục của chúng ta khởi lên ham muốn cái vật đó. Thì cái liễu tri biết cái vật đó là khổ, còn trái lại cái trí tuệ chúng ta biết cái đó khổ, nhưng nó không xả, nó còn tham muốn chớ chưa hết. Nhưng mà khi mà liễu tri được cái vật đó là một cái sự khổ thật, thì cái liễu tri đó nó sẽ không bị dính mắc cái tâm chúng ta vào cái vật đó, cho nên gọi là liễu tri.
Đó thì trong cái sự tu tập mà phân biệt được như vậy thì chúng ta tu tập để chúng ta liễu tri. Vì vậy mà hàng ngày chúng ta hướng tâm, quán tâm của mình như cục đất đó, để làm gì?
“Tâm tôi như cục đất, không tham, sân, si nữa”. Thì khi mà cái thức của chúng ta, cái mà biết của chúng ta, nó liễu tri được cái “tâm như cục đất và không tham, sân, si nữa”, thì chừng đó ai chửi mình, mình không giận nữa, ai làm gì mình cũng không ham muốn nữa hết, đó là nó đã thấm nhuần. Cho nên:
“Thức liễu tri là sự hiểu biết thấm nhuần thâm sâu của các pháp.”
Nghĩa là các pháp nào đến với nó thì nó liễu tri, tức là nó hiểu thâm sâu và đúng như thật, chớ không có hiểu một cách lầm lạc.
Đó thì ở đây những cái câu hỏi như vậy, nó làm cho chúng ta biết được từng cái hiểu biết của chúng ta, trong con người, trong thân của chúng ta, trong tâm của chúng ta. Mà chúng ta biết được cái danh từ dùng đó, nó có cái nghĩa, nó phải có cái sự sai khác, và có cái sự trùng hợp với nhau ở trong đó.
Do vì vậy mà chúng ta biết rằng, hiện giờ chúng ta là người có trí tuệ, biết cái đó, nhưng chúng ta chưa liễu tri. Vậy thì chúng ta phải dùng cái pháp hướng, một ngày, hai ngày, năm ngày hay hoặc một năm, hai năm, hay năm năm, mười năm, để cho cái thức của chúng ta nó liễu tri được cái pháp đó, nó làm cho chúng ta không bị dính mắc trong cái pháp đó. Còn cái trí tuệ chúng ta không biết.
Cho nên khi mà phân biệt được cái này rồi, thì chúng ta biết con đường tu của chúng ta, như thế nào là iễu tri, mà như thế nào là là trí tuệ.
(31:30) Câu hỏi kế của cô Diệu Quang hỏi Thầy:
“Thế nào là vô Minh, thế nào là Minh?”
Đáp: “Vô minh là thấy biết các pháp không đúng như thật.”
Nghĩa là bây giờ đó, mình thấy cái thân này là thật, đó là thấy không đúng rồi đó. Thấy cái thân này là của mình, là không đúng rồi. Mà chấp cho cái thân này là cái ngã của mình, là đó là cái trật rồi, cái sai rồi, bởi vì mình thấy không đúng.
Mà cái thấy không đúng, như vậy chớ không phải là mình không biết đâu, mình biết rõ cái thân, nhưng mà mình cho cái thân mình là có thật, cho cái thân mình là của mình, không phải của người khác. Nhưng mà không ngờ nó không phải là của mình, cũng không phải là của ai hết, nó chỉ là duyên hợp thôi. Không ngờ mình không hiểu đúng như vậy, cho nên vì vậy mình lầm chấp. Mà mình lầm chấp thì nó làm cho mình đau khổ.
Cho nên ở đây Thầy đáp:
“Vô Minh là thấy biết các pháp không đúng như thật,” nghĩa là thấy sai. Thấy sai, cho nên mình thấy sai là mình thấy cái thân này là của mình nè, mình thấy cái thân này là cái ngã của mình nè, cho nên vì vậy mình chấp nó là tôi đó, do đó cho nên mình không thấy nó đúng như thật, cho nên mình bị lầm chấp nó.
“Ví dụ thấy thân này lầm chấp cho là ngã, là của mình hoặc cho tâm mình là linh hồn, là ý thức, là thanh tịnh, là Phật Tánh, đó là Vô Minh.”
Nghĩa là thậm chí như cái người mà cho ở trong cái thân này đó, cho cái tâm của mình là Phật Tánh, hay cho cái biết của mình là Phật Tánh, thì cái người đó là cái người đã vô minh. Cho nên các thiền sư nói họ minh chớ sự thật ra họ đang vô minh, họ lầm chấp một cái bản ngã của họ mà họ không thấy, cho nên họ chưa phải là minh, mà họ là vô minh.
“Cho nên có người cho có linh hồn. Vì cho có linh hồn đó mà người ta phải cầu siêu, cầu an, phải cầu khẩn thế này, thế khác.”
Chết đi thì người ta tưởng tượng như cái linh hồn đó nó còn quấn quýt ở bên những người thân của mình, đó là những cái vô minh, cái không thấy rõ. Vì vậy mà người ta đốt tiền, vàng mã, đốt nhang để cúng cho những linh hồn đó, để về mà hít những cái hơi nhang đó để mà cho nó no bụng, thì thiệt là mình ngu si quá ngu si, quá mê muội, vô minh quá vô minh.
Cho nên cái ý thức thanh tịnh là Phật Tánh, đó cũng đều là những cái sự vô minh không à, mình cho đó.
Bởi vì cái thân Ngũ Uẩn của chúng ta, nó có năm uẩn: sắc, thọ, tưởng, hành, thức. Năm cái uẩn này khi một người chết rồi, thì nó rã tan tành, nó không còn một cái uẩn nào hết, nó không còn có cái linh hồn, nó không còn có cái tâm thức nào mà còn lại hết, nó toàn bộ nó mất tiêu hết, nó không còn một cái vật gì ở trong cái thân Ngũ Uẩn này. Hiện giờ thì người nào cũng có thân Ngũ Uẩn đó, nhưng mà khi chết rồi thì nó không còn có một cái vật gì mà còn lại ở trong đó hết.
Nó còn lại để đi tiếp tục tái sanh luân hồi là cái hành động hàng ngày chúng ta thiện với ác, cái hành động đó nó tạo thành một cái nghiệp, cái nghiệp lực, nó đi tái sanh để mà trả những cái nhân quả thiện ác của nó kế tiếp mà thôi, chớ nó không phải có một cái gì còn ở trong thân này, để chuyển qua bên kia để trả cái nghiệp nhân quả đó, không phải.
(34:46) Cho nên nhân quả nó không có trả nhân quả, mà nhân quả thì nó phải thọ lấy, có khổ, có này, có kia, tự nó thôi. Cho nên khi mà thân chúng ta khổ là cái nhân quả khổ chớ không phải ta là người chịu khổ.
Nhưng vì chúng ta lầm chấp, vô minh lầm chấp, cho nên chúng ta thấy chúng ta đang bị đau, đang bị khổ, đang bị hành hạ. Đó là cái lầm chấp, cái ngu si của chúng ta, lầm chấp, không hiểu đúng Chánh Pháp, không hiểu đúng cái thật sự của pháp, cho nên chúng ta mới đau khổ, chúng ta mới rên la, chúng ta mới thấy nghèo đói, chúng ta mới thấy là danh, là này kia nọ. chớ sự thật chúng ta lầm, chúng ta vô minh.
Nghĩa là bây giờ mình nghèo, mình thấy mình muốn phải làm sao cho bằng người, hơn người, đó là mình đã vô minh, mình không thấy được cái sự thật của nhân quả. Mà khi thấy được nhân quả thì chúng ta có thấy cái gì là phải hơn, phải thua với ai đâu.
Mà chính ở trong cái ngã mạn, ở trong cái mạn, thì Đức Phật nói có ba cái ngã: Cái thứ nhất là mình hơn, tức là ngã mạn, cái thứ hai là mình thấy bằng người khác, cái thứ ba là mình thấy kém, ba cái này đều thuộc về mạn. Đó thì, do cái lầm chấp đó mới sanh ra cái ngã mạn của chúng ta.
Cho nên chúng ta nói: “Ờ, bây giờ phải danh dự, phải làm sao cho mình, phải có nhà sang, cửa đẹp, phải có xe hơi, phải có đủ thứ, để cho bằng người ta, hơn người ta, để cho người ta đừng chê mình.”
Vậy người ta chê mình là cái gì, mà khi mà mình đã làm người minh rồi, mình hiểu rồi, thì cái gì là của mình nữa đâu? Để cho mình chạy theo một cái danh hão như vậy, để cho đời của mình quá khổ? Tại sao mình điên đảo quá vậy, mà không thấy nhân quả?
Nhân quả, khi mình tạo cái nhân nào, thì cái đời sống của mình hiện giờ, mình đang thọ những cái quả đó. Nghèo đói cũng do cái nhân quả không tốt của mình, thì tại sao mình lại làm cho nó trở thành giàu sang lên được sao? Chuyện đó không bao giờ có.
Cho nên vì vậy mà chúng ta là cái người minh, thì chúng ta thấy rất rõ, đó là một cái hình ảnh giả tạo, không thật. Mà do cái vô minh mà mình lầm chấp, do cái ngu si không thấy các pháp nó thật sự, cho nên mình lầm chấp tưởng cái đó là cái danh dự, tưởng cái đó là cái này cái kia, cho nên mình cứ cố gắng để cho mình tạo cái danh, tạo cái đó để mà che đậy cái sự nghèo đói, cái sự này. Nghèo đói là do nhân quả chớ đâu phải nghèo đói là do mình làm?
“Thân này do duyên hợp mà thành, lầm chấp trong thân này có Phật Tánh thường, lạc, ngã, tịnh, đó là vô minh.”
Đó thì, ở đây cái người tu, mà người ta cũng lầm chấp không thấy cái thân là do đất, nước, gió, lửa hợp lại, hay hoặc là Ngũ Uẩn hợp lại, có thân tâm ở trong này, có thọ ở trong này, thì thân Ngũ Uẩn hợp lại, sắc, thọ, tưởng, hành, thức hợp lại để thành thân.
Thế mà lầm chấp cái thân này, ở trong đó khi chết rồi nó còn có một cái thường hằng, cho nên gọi là Phật Tánh “thường, lạc, ngã, tịnh”, nó có bốn cái đức của nó là thường, lạc, ngã, tịnh. Cũng đó là một sự vô minh của các thiền sư.
(37:46) Còn minh là sao đây? Đây là chỉ để cho chúng ta biết được cái sự vô minh, cái sự ngu muội, cái sự không thấy thật sự, cho nên chúng ta chạy theo một cái giả dối, một cái duyên hợp.
Duyên hợp nó đâu có bản chất thật của nó được? Nó hợp rồi nó phải tan, cũng như mây hợp rồi mây tan, thì làm sao mà nó thường xuyên cái đám mây đó ở trên trời được!
Cho nên ở đây, thì khi mà hiểu biết được Phật pháp, thì chúng ta nhìn đời bằng cái đôi mắt nhân quả. Và nhìn cái cuộc sống mọi vật, các pháp ở trong thế gian này đều là do những cái duyên hợp.
Vì vậy mà bây giờ các nhà khoa học người ta cũng thấy rằng các pháp đều, các vật dụng đều là những cái điều kiện hợp lại mới có. Cũng như cái bàn này nó cũng phải là duyên hợp rồi, từ cái cọng mây người ra vót ra, rồi từ đó những cây đinh, rồi từng đó những cái sợi mây người ta cột lại, rồi người ta đóng nó thành cái bàn.
Chớ đâu khi không mà một mình nó nó thành cái bàn được sao? Không lẽ lấy cây đinh nó là cái bàn? Không lẽ lấy cọng mây này để ra rồi nói cái bàn? Ít ra nó cũng phải có những cái việc của người ta kết hợp lại, thì do cái duyên mà kết hợp lại nó mới thành được cái bàn.
Đó thì chúng ta lầm chấp, ngỡ tưởng là có một cái gì đó duy nhất, nó không có hợp lại mà nó thành, thì cái này là không có rồi.
(39:05) “Minh là sự hiểu biết các pháp như thật, thấy đời là khổ, biết rõ nguyên nhân sanh khổ, biết rõ sự đoạn diệt - một trạng thái an lạc, thanh thản, nhẹ nhàng, biết rõ tám nẻo đi đến đoạn tận khổ đau của kiếp người. Biết rõ trong thân này khi hoại diệt không có linh hồn, thần thức, không có một vật thường hằng, bản thể, vạn hữu, Phật Tánh, Chơn Như, đây gọi là Minh.”
(39:35) Người mà biết rõ như vậy thì người đó mới gọi là Minh. Còn người mà không biết rõ, lầm chấp nó ở trong đó là có cái này cái kia còn, hoặc là lầm chấp nó là cái ngã của mình, đây là của mình, cái thân này của mình, cái tâm này của mình, chớ không phải của người khác, thì cái người đó là người vô minh. Còn cái người mà biết rõ nó không phải gì của mình hết, cho nên không lầm chấp.
Do cái sự mà biết rõ đó, mà hồi nãy Thầy nói cái trí tuệ, thì chúng ta chưa hiểu rồi chúng ta nhờ học, nhờ nghe mà chúng ta hiểu. Do nhờ học, nhờ nghe mà chúng ta hiểu đó, thì cái đó gọi là trí tuệ. Bây giờ chúng ta thấm nhuần được cái lý đúng đó, thì bằng cái thức liễu tri của chúng ta. Cho nên khi mà chúng ta không còn chấp nữa, thì do đó nó phải có cái sự liễu tri của nó, chớ không phải là nội cái hiểu biết đó mà nó rõ như vậy được.
Bây giờ cô Diệu Quang hỏi kế tiếp:
“Kính bạch Thầy! Người ta nói Vô Minh là không hiểu gì hết, và Minh là hiểu biết mọi thứ. Có đúng không thưa Thầy ?”
Nghĩa là người ta nghĩ, từ lâu đến giờ người ta suy nghĩ, cái chữ Vô Minh đó. Hồi nãy giờ Thầy giải thích cái chữ Vô Minh với chữ Minh rồi, nhưng mà bây giờ trả lời lại cái câu hỏi của cô Diệu Quang, thì cô hỏi Vô Minh có nghĩa là, người ta nói rằng cái người mà không hiểu gì hết, nó là Vô Minh. Còn cái Minh là hiểu đủ thứ, cái gì cũng hiểu hết, gọi là Minh. Cho nên nhiều người nghĩ là cái trí tuệ chúng ta, người nào mà có trí tuệ là cái người hiểu biết đủ thứ hết.
Cho nên cái hiểu biết đủ thứ đó, thì cái người đó phải là cái người có học tập, huân học biết bao nhiêu sách vở, nghiên cứu biết bao nhiêu loại thì mới gọi là sự trí tuệ hiểu biết đó. Còn nếu mà hiểu biết với một cái góc độ nhỏ nào đó thì chưa phải là hiểu biết toàn diện, đây là hiểu biết cái trí tuệ chúng ta nhỏ mà thôi.
Còn cái tu tập mà phát triển được cái trí tuệ, thì cái sự hiểu biết đó, thì như Đức Phật đã nói cho chúng ta biết: “Những gì mà ta nói với các thầy, như cái nắm lá cây ở trong bàn tay của ta, còn cái sự tu tập mà ta biết như cái rừng lá cây.”
(41:47) Thì các thầy nghĩ coi, cái rừng lá cây nhiều hay là nắm lá cây ở trong tay nhiều? Thì cái sự mà Đức Phật đã hiểu biết, cái trí tuệ cuả Đức Phật đã biết tất cả mọi pháp, mọi thứ ở trong thế gian này, trong cái vũ trụ này, thì nó như rừng lá cây.
Mà hiện bây giờ Đức Phật mà đã nói ra những cái điều mà chúng ta học tu đây, thì nó nhằm vào cái chỗ giải quyết của chúng ta, chớ không phải là hí luận, không phải nói cái chuyện mênh mông ở bên ngoài. Do đó thì những cái bài pháp mà Đức Phật mà nói cho chúng ta để biết tu tập đó, thì như cái nắm lá ở trong bàn tay.
Vậy mà cái sự hiểu biết này, mà đến ngày nay khoa học cũng không dám bác nó được. Lời nói của Đức Phật ngày xưa gần 2550 năm nay rồi, mà những lời Đức Phật là những lời cụ thể, khoa học, không có cái khoa học nào mà có thể nói rằng Đức Phật nói sai được.
Nhưng mà các tôn giáo khác, thì trải qua một thời gian dài như vậy đó, thì nhìn lại, vì cái huyền thoại thần thánh hóa một bậc nào đó, cho nên nhìn lại những cái lời dạy, như ngày xưa thì trong Thiên Chúa Giáo, thì cho rằng cái quả đất này là vuông. Nhưng mà bây giờ thì những nhà thám hiểm, khoa học chứng minh cho rõ ràng là trái đất chúng ta tròn. Như vậy là giáo lý kinh điển đó đã sai, khoa học đã xác định như vậy.
Còn Đức Phật nói: “trong một cái ly nước vô lượng trùng”. Trong khi chúng ta nhìn cái ly nước trong đâu có thấy trùng, nhưng mà Đức Phật dám xác định như vậy. Thì bây giờ khoa học chúng ta cũng xác minh ở trong đó có trùng.
Đó thì chúng ta thấy, cái lời ngày xưa đức Phật nói với cái hôm nay khoa học, thì gần như là cái lời nói của Đức Phật rất là xác thực, cụ thể.
Các nhà khoa học thì phải dùng những cái máy móc tinh vi để mà đi tìm kiếm những cái vi tế đó. Trái lại Đức Phật thì không cần, với cái trí tuệ của mình, đã biết, đã nói đúng, mà từ xưa đến giờ, từ cái thời mà người ta còn ở trong những cái bộ lạc, chứ chưa phải là thành lập những cái nước văn minh như chúng ta bây giờ. Thế mà trong cái thời Đức Phật đã nói, tới bây giờ nó không sai một cái gì.
Và những cái mà Đức Phật hiểu biết như rừng lá cây, đó là trí tuệ của Đức Phật đó, còn những cái mà Đức Phật thuyết cho chúng ta như nắm lá ở trong tay.
Đó thì, cái sự không hiểu biết, không có nghĩa là chữ “Vô Minh” có nghĩa là người ngu, người không biết gì hết, nghĩa là không hiểu biết. Người ta hiểu mà người ta hiểu lầm, như hồi nãy Thầy giải thích, đó là Vô Minh.
(44:35) Còn Minh ở đây không có nghĩa là cái sự hiểu biết mênh mông. Theo như Đức Phật, cái sự hiểu biết mênh mông nó cũng chẳng ích lợi gì cho mình! Mà mình hiểu đúng pháp, đúng sự thật của nó để cái tâm mình nó không dính mắc, thì tức là nó sé giải thoát được chính mình. Tức là mình phải liễu tri cái pháp đó, làm sao mà thấm nhuần được, mà thấy rõ thật sự được các pháp nó như vậy.
Phật nói khổ, nhưng mà bây giờ thì mình cũng biết khổ chứ không phải không biết khổ, nhưng mà cái thật sự mà khổ của cuộc đời, thật sự mà nói khổ, thì chúng ta chưa thấy nó khổ hoàn toàn. Vì nó còn có cái lạc, làm cho chúng ta thấy, như lời Đức Phật nói, nó không khổ hoàn toàn, Đức Phật nói khổ mà nó có không khổ hoàn toàn như mình hiểu.
Nhưng mà Đức Phật thấy cái chỗ lạc, đó là khổ hơn cái chỗ khổ của chúng ta. Nhưng mà chúng ta không biết cái lạc đó là khổ, cho nên chúng ta chạy theo cái lạc mà sợ cái khổ.
Như bây giờ cái đầu mình nhức, thì mình sợ nhức đầu, nhưng mà ăn cái miếng ngon thì mình thích ăn. Tức là đời nó có cái đó, và cái đó là cái làm cho mình lầm chấp nó là ngon, nhưng mà nó là cái ảo giác, chớ không phải là cái thật.
Bỏ vô miệng ngon, cũng như giờ người ta tạo ra những cái bột ngọt để nấu nướng, để bỏ vào mình ăn mình thấy ngon. Nhưng mà sự thật cái đó nó có bổ béo gì cho cái cơ thể của chúng ta không, hay nó hại cho cơ thể của chúng ta? Nó chỉ tạo ra cái ảo giác cho chúng ta thấy ngon mà thôi.
Đó là những cái cách thức mà Đức Phật thấy cái lạc của thế gian nó là con rắn độc, cho nên chúng ta bị nhiễm cái nọc độc đó mà chúng ta bỏ không được, cái mà đáng đau buồn nhất! Còn khổ thì chúng ta sợ rồi, chúng ta bỏ dễ rồi! Ai mà đau nhức không sợ? Cho nên chúng ta thấy cái thọ khổ thì chúng ta ai cũng ngán hết. Nhưng mà cái thọ lạc thì ai cũng mê hết.
(46:21) Nhưng mà cái lạc đó chính là cái độc nhất, cái độc hơn là cái thọ khổ của chúng ta. Đó thì cái sự hiểu biết mà không rõ như vậy đó, thì nó là Vô Minh. Chớ còn cái người nào thì chắc ai cũng có hiểu biết, đã là con người thì tức là chúng ta phải có sự hiểu biết thôi.
“Còn cái Minh của Đạo Phật ở đây cũng xác định cho chúng ta, không phải là cái sự hiểu biết mênh mông, mà cái sự hiểu biết như thật, để chúng ta giải thoát được tâm của mình, hiểu đúng pháp, hiểu đúng cách.
Và khi hiểu đúng cách, đúng pháp thì tâm chúng ta ly dục ly ác pháp. Mà tâm đã ly dục, ly ác pháp thì tâm thanh tịnh, từ cái tâm thanh tịnh đó, nó đi vào định. Từ cái định đó nó phát ra trí tuệ, từ cái trí tuệ đó chúng ta mới hiểu một cách như rừng lá cây.
Đó là cái chỗ mà Đức Phật dẫn ta vào cái trí tuệ, là cái trí tuệ vô sư không có thầy dạy, không có kinh sách dạy. Chúng ta hiểu hơn cả kinh sách của các bậc Thánh nhân.
Thí dụ như, không ai dám bảo rằng Khổng Tử là một vị giáo chủ của Nho giáo rằng nói sai, nhưng mà Thầy dám nói rằng Khổng tử đã viết sai, đã nói sai. Tại sao vậy? Tại Ngài viết sai là vì Ngài…”
(Xem tiếp ở Pháp hành 17)
HẾT BĂNG