LỜI DẨN NHẬP
Nhân duyên nào đã đưa người thiếu phụ từ miền trung vào miền nam, đến giúp mẹ tôi, chăm sóc tôi từ thuở ấu thơ cho đến lúc trưởng thành? Bà thường khẽ đọc bài kệ lúc ru tôi ngủ, cũng như lúc dẫn tôi dạo chơi quanh nhà, dù không hiểu bài kệ nói gì, nhưng qua năm, tháng, tôi cũng thuộc lòng.
Đời lắm KHỔ là quả
Do TẬP nhân dính chấp
DIỆT tập nhân si mê
ĐẠO dứt “ngã” đời vui.
Qua những năm dài chí tâm tìm học, đã bao lần cúi đầu cảm tạ ơn Đức Thế Tôn, qúy Thầy, qúy thiện tri thức, tôi đã thấm nhuần lời dạy của Như Lai, biết được xuất xứ và ý nghĩa cuả bài kệ. Liên tưởng đến những đấng sinh thành, bà vú năm xưa, xin ghi nhận ân sâu.
Nay ghi lại những nhận thức đã học hỏi, với tất cả lòng kính ngưỡng thận trọng không làm lệch lạc giáo pháp Như Lai, mong có thể giúp ích phần nào cho những người hữu duyên, để đền ơn Đức Thế Tôn. Sự Sống Thiên Nhiên vi diệu, sự trình bày chỉ hạn hẹp trong lãnh vực thực tiễn, theo khả năng thấy biết thô thiển, thực hành chưa thấu đáo. Bài viết chỉ cốt ghi lại trung thực những nhận thức xuyên qua giáo pháp cùa Thế Tôn, không thêm thắt tưởng luận, không theo những quy tắc hành văn, ngôn ngữ. Văn cú vụng về, nếu có những sai sót lỗi lầm, đó là trách nhiệm của người biên chép không đủ sáng suốt.
Kính mong quí vị cao minh thông cảm và vui lòng chỉnh đốn cho sự thấy biết và thực nghiệm Sự Sống Thiên Nhiên được sáng tỏ. Nếu có phần nào thích hợp, xin tùy nghi ứng dụng, vì lợi ích chung cho nhân loại và vạn vật.
Công đức nầy thuộc về Chư Thế Tôn, quý thầy, quý thiện tri thức và tất cả người, vật khắp Pháp giới.
Tỉnh Giác
Như Lai Diệu Pháp
Tuyệt vời Diệu Pháp thật cao sâu
Trăm ngàn muôn kiếp khó tìm cầu
Nay con nghe thấy, chuyên trì tụng
Nguyện giải Như Lai nghĩa nhiệm mầu
Vua nước China
Như Lai Diệu Pháp giản đơn thực tiễn
Ngay đây bây giờ, nhân quả hiện tiền
Tinh cần nhận thức Sự Sống đồng nhất
Tỉnh thức cơn mê ngã chấp đảo điên
Dân nước Việt
I - ĐỜI
Con người sinh ra và lớn lên trong môi trường cá nhân vị kỷ. Lúc lên 4 lên 5, đã được đưa vào trường, học tập phát triển khả năng 10 đến 20 năm, để xây dựng tương lai, thường chỉ quanh quẩn những mục tiêu: Vật chất, tiền tài, danh vọng, địa vị, quyền thế, tình cảm, mang tính cách cá nhân, vị kỷ.
Mấy ai thỏa mãn được hoài bão? Người càng giàu sang, quyền thế, danh tiếng, càng nhiều lo âu gìn giữ, và rất đau khổ khi phải mất quyền thế, địa vị, danh tiếng, tài sản của họ. Nhưng thiên nhiên biến dịch vô thường, đời sống ngắn ngủi, con người không giữ được gì, ngay cả sinh mệnh của mình.
Thiên nhiên vi diệu, khoa học dù tiến bộ, vẫn chưa bao nhiêu và đang còn mãi đi tìm. Chính trị và khoa học đem lại đời sống tiện nghi, trật tự, nhưng cũng đem đến những tác dụng không hay. Những bộ luật ngày càng phức tạp, đời sống con người thêm gò bó. Sự tiến bộ khoa học kỹ thuật, có hấp lực kích thích lòng ham muốn, thôi thúc con người trau dồi kiến thức, để thích nghi với cuộc sống, nên ngày càng trở nên lệ thuộc, vội vã, và máy móc. Hơn nữa con người còn lợi dụng những phát minh khoa học, để phạm tội và tàn sát nhau khủng khiếp hơn.
Đời sống vẫn luôn bất ổn. Bất lực trước những bức xúc của cuộc đời, những biến dịch của thiên nhiên, con người đã tưởng ra “đấng quyền năng”, “thiên đường”, để cầu xin nương tựa, hay một “cảnh giới bất sanh, bất diệt, bất biến” mơ hồ, để an trú, để khuất lấp thực tại đang diễn biến bất như ý. Những tưởng tượng mơ hồ, mê tín, bất công, trái với nhân quả, trái với thiên nhiên, không giải quyết được vấn đề…
Sự kiện trên đang tiếp diễn, đến bao giờ nhân loại mới có được an vui hạnh phúc? Bài toán không có đáp số, vì con người không giải quyết vấn đề ở chỗ then chốt căn bản, chỉ lo những việc không rồi. Do sợ hãi, tưởng tượng thần thoại, mê tín, cầu xin, nên không thấy, không nghe, không biết, không nhận ra Thực Tại Hiện Tiền, Sự Sống Thiên Nhiên Đồng Nhất, tự tại, thanh an tuyệt vời đang diễn biến.
II - ĐẠO
Đạo ở đây là Lẽ Thật Thiên Nhiên, là Sự Sống Thực Tại. Gọi là Thiên Nhiên, là Thật, vì xưa như thế, hiện tiền đang là như thế. Gọi là Sống, Như, hay Tại, vì vạn vật thực tại đang hiện bày, diễn biến như thế. Nói chung, Đạo là nhận thức Sự Sống Thiên Nhiên Thực Tại đang là:
- Thể: lặng lẽ, tùy duyên uyển chuyển
- Tánh: tùy duyên thấy, nghe, biết
- Dụng: tùy duyên biểu hiện, sinh động
- Tướng: tùy duyên diễn biến, là vạn vật, vũ trụ kỳ diệu, tuyệt vời.
Tánh, Thể, Tướng, Dụng, là Sự Sống Thực Tại Đồng Nhất, bất khả phân. Nếu riêng chấp Tánh Thể, rời bỏ thực tại, là tự phân biệt, là rơi vào lặng lẽ, vô dụng, nên phải cần Tướng Dụng, phải nói diệu hữu. Nếu dính chấp Tướng Dụng, mê tưởng “tôi” là tự tách rời, nhận sinh tử, theo dòng nghiệp lực, phiền não, đau khổ. Cho nên Đạo và Đời vốn không hai, chỉ khác ở chỗ có mê lầm dính chấp hay không mà thành thiên lệch.
Sự Sống không ngoài hiện đời, chỉ ngay đây bây giờ, khéo nhận ra Sự Sống Thiên Nhiên Đồng Nhất, nơi thân tâm, nơi sinh hoạt hàng ngày, trong mọi hoàn cảnh, nơi vạn vật, đang bàng bạc khắp mọi nơi.
Hai ngàn sáu trăm năm trước, một vị hoàng tử tên Siddhartha đã cảm nhận sự đau khổ trong cuộc sống. Năm 29 tuổi, Ngài đã từ bỏ hoàng cung, tìm cách dứt khổ đau. Sáu năm khổ hạnh, theo nhiều pháp, nhưng vẫn không dứt được phiền não. Sau đó Ngài đến ngồi dưới cội bồ đề suốt 49 ngày, nhận thức 4 lẽ thật, 4 niệm xứ, 12 nhân duyên. Ngài tỉnh nhận Sự Sống Đồng Nhất, biết rõ nguyên nhân của phiền não, và phương cách để chấm dứt nguyên nhân khổ đau. Dứt hết nguyên nhân của phiền não và đau khổ là giải thoát, là thành đạo. Sau đó, Ngài tùy duyên giảng dạy hơn 45 năm, giúp người vật lợi ích mấy ngàn năm nay và mãi mãi về sau.
Giáo pháp của Ngài thực tế, sáng tỏ, đơn giản, phổ thông, tựu trung dạy con người tự lực nhận thức Thực Tại vô thường, vô ngã, tỉnh thức buông bỏ Tham, Sân, Si, rũ sạch “mê tưởng tôi”, thì ngay đây, Thực Tại hiện tiền, “Sự Sống Đồng Nhất”, đang diển biến theo nhân duyên. Giáo pháp khai thác những khổ đau trong đời sống, không phải để làm con người sợ hãi, chối bỏ thực tại, mê tưởng thần thoại mơ hồ, mà để truy nguyên tận gốc rễ của khổ não, hầu tỉnh thức, dứt nguyên nhân khổ đau, dứt mê lầm tham sân si, sống tự tại thanh an, lợi ích đời sống thực tại nầy…
*Tham, động cơ của lòng tham là “mê tưởng tôi” ích kỷ, muốn tồn tại, muốn chiếm hữu, muốn hưởng thụ, không biết đủ, không biết nhân quả. Bất cứ ai còn ham muốn, chưa biết đủ, nhất định sẽ khổ não, nhẹ là thấy thiếu thốn, tủi thân, ganh tị, nặng thì lường gạt, trộm cướp v.v…
*Sân, do cái “tôi” ích kỷ, bị va chạm, bị cản trở. Cơn thịnh nộ như ngọn lửa đốt cháy tâm can, khiến thân thể mệt nhọc, trí não hết sáng suốt, hành sự sai lầm. Người sân hận, trước tự chuốc khổ, sau làm khổ những người xung quanh. Bất cứ ai, dù ở địa vị hoàn cảnh nào, nếu còn nóng giận là không sáng suốt, là đau khổ.
*Si, là không tỉnh thức, mê lầm nhận thân duyên hợp, tư tưởng và cảm giác, tưởng là “tôi”. Theo mê tưởng chấp “tôi”, chấp “người”, khởi tham sân, phiền não khổ đau, không nhận ra Lẽ Thật: Sự Sống Thiên Nhiên Đồng Nhất, đang diễn biến.
*Tỉnh thức không phải là đặc ân ban cho từ một đấng nào. Không phải chứng đắc quả vị nầy nọ, có thần thông, hiển linh, biết qúa khứ vị lai, biết chữa bệnh. Không phải được tiếp rước về cõi nào đó, do thờ lạy, cầu xin. Cũng không phải sợ hãi thực tại, truy tìm quá khứ, tưởng nhận một “chủ thể”, thường hằng bất biến. Phật dạy tất cả pháp đều vô thường. Thực tế là như thế.
Tỉnh thức là nhận thức nguyên nhân của khổ đau, do tư tưởng mê lầm tự đồng hoá thân, tâm và những cảm xúc, cho là tôi. Cái “mê tưởng tôi” ích kỷ, ngã mạn, phân biệt, dính chấp, lo âu, sợ hãi, tham sân, mê tín,tạo nên nghiệp lực, nhận chìm con người trong biển sóng nghiệp.
Tỉnh thức là trực nhận thân tâm và vạn vật trong vũ trụ, là những thành phần của Sự Sống Đồng Nhất, đang diễn biến tuyệt vời theo nhân duyên. Tỉnh thức là dứt cái “mê tưởng tôi” phân biệt, ích kỷ, dính chấp, lo âu, sợ hãi, tham sân, ngã mạn, mê tín. Nhận rõ Sự Sống Đồng Nhất, Thực Tại hiện tiền, tự tại, trước mọi vấn đề của cuộc sống, hòa thuận cùng mọi người làm an vui, lợi ích cho đời.
Chỉ Tỉnh thức dứt mê lầm, cảm nhận Sự Sống Thực Tại, đang diễn biến, ứng dụng 4 niệm xứ, không dính chấp thân tâm, bấu víu pháp vô thường, không mê tưởng, truy tìm một cái gì khác, mới có thể hy vọng dứt Si, thoát khỏi gông cùm của bản ngã Tham Sân. Không nhận ra điều nầy, con người rất dễ đi đến mê tín, cuồng tín, tưởng luận mơ hồ do cái “tôi” ngạo mạn, ích kỷ, để củng cố và phụng sự chính nó, đưa đến những việc thật đáng tiếc, lịch sử xưa nay chứng tỏ điều này.
Sự Sống Thiên Nhiên hàm dung Tánh, Thể, Tướng, Dụng, bất khả phân, là vũ trụ hiện tiền liên tục đổi mới, diễn biến sống động tuyệt vời, tùy nghi được gọi là Thực Tại, Đang Là, Như Lai v.v... Con người do mê tưởng tự tách rời, tự nhận mình là thực thể cá biệt, rồi dính chấp những hiện tướng, quên mất Sự Sống Đồng Nhất, nên bị trôi lăn trong phiền não, mê lầm sinh tử. Vì sợ hãi khổ đau, cái “tôi” mê tín thần thoại, hiển linh, cầu xin cho “mê tưởng tôi” thoát khổ!.
Như Nguồn Ẩm bàng bạc khắp mọi nơi trong vũ trụ:
- Thể trong lặng.
- Tánh dính, ướt, uyển chuyển.
- Dụng tùy duyên biểu hiện.
- Tướng diễn biến vô thường.
Chỗ thật lạnh là thể đặc, tướng băng đá. Chổ ấm là thể lỏng, tướng nước, theo triền là suối, thác, ở đồng bằng là sông, hồ, ra khơi là biển, gặp gió là sóng, dập vào bờ là bọt. Chổ nóng là thể khí, tướng hơi, nơi thấp là sương, lên cao là mây, gặp lạnh rơi xuống là mưa, tuyết. Tất cả danh, tướng hoàn toàn khác nhau, nhưng không ngoài Nguồn Ẩm theo duyên, biểu hiện thành hình tướng, danh tự như thế…
Không thể riêng chấp “Tánh Thể” cho là ‘Thật”, xem “Tướng Dụng” là “giả”, là “không”, vì tất cả là Nguồn Ẩm. Ngoài Nguồn Ẩm không có Tánh Thể trong lặng, dinh ướt, không có Tướng Dụng là tuyết, mây, sóng bọt hiện tiền. Nhưng nếu dính chấp một chiếc bọt, là tự phân biệt, tự tách rời, quên mất tất cả chỉ là Nguồn Ẩm trùm khắp. Thấy có những bọt hay những hình tướng khác cao thấp, trong đục, đẹp xấu, sinh ưa ghét, ham muốn, chen lấn, vỡ tan, rồi theo sóng gió tái lập… vỡ tan.
Nếu tự biết tất cả là Nguồn Ẩm, thì không tự cô độc lặng lẽ, không hợm hĩnh khi là mây trên cao, hay buồn tủi lúc ở vũng lầy, cũng không tranh với những bọt chung quanh, không lo sợ còn, mất, cái thân bọt bé bỏng. Do duyên, nước nổi bọt, hết duyên bọt là nước, là Nguồn Ẩm diễn biến mọi sự kiện, mọi hình tướng, không có gì là phiền não, đau khổ, lo sợ. Những thay đổi từ thể đặc sang thể lỏng, thể lỏng thành thể khí, băng tuyết, mây mưa, sông biển đến sóng bọt, tất cả chỉ là Nguồn Ẩm tùy duyên có danh tướng khác nhau, nhưng Nguồn Ẩm nguyên trạng vốn như như: Vẫn tuyết mây, suối thác, sông hồ; vẫn đại dương; vẫn trong lặng. Nhân chi là vậy, duyên đâu là đó, tự tại vô ngại, đâu đâu cũng là Nguồn Ẩm.
Thân tâm con người và vạn vật, từ nhỏ nhiệm đến vĩ đại khắp vũ trụ đang diễn biến, chỉ là sự kết hợp của 4 yếu tố: Đất, Nước, Lửa, Gió, là hiện tướng Sự Sống Đồng Nhất. Sinh, gìà, bệnh, chết, tất cả hoàn cảnh thuận nghịch, như hoàn toàn riêng biệt, nhưng Sự Sống nguyên trạng vốn như như: vẫn người, thú, động vật, thực vật, là vũ trụ tùy duyên, diễn biến vô thường, nhân chi quả vậy, duyên đâu là đó, tự tại vô ngại, đâu đâu cũng là Sự Sống Thiên Nhiên Đồng Nhất.
Điều này khó nghe, khó nhận, nhưng thực tế, người buông bỏ “mê tưởng tôi” thì ngay đây, rõ ràng Thực Tại Hiện Tiền, Sự Sống Đồng Nhất đầy đủ Tánh, Thể, Tướng, Dụng, Lẽ Thật đang là, liên tục đổi mới, sống động tuyệt vời.
Nơi mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, nếu ”Ý” (tư tưởng) dính chấp hình tướng, âm thanh, mùi, vị, cảm xúc; khởi phân biệt, tham sân, là rời bỏ, quên mất Sự Sống Đồng Nhất, là bỏ gốc theo ngọn, thì trùng trùng phiền não đau khổ. Trái lại, ngay lúc gặp duyên đối cảnh, tỉnh thức, chẳng để “ý” dính nhiễm hiện tướng, khởi tham sân, nhận rõ thân, thọ cảm, tâm và các pháp chỉ là những sự kiện, đang theo duyên diễn biến liên tục tụ tán, có-không đắp đổi, vô thường, không có gì là riêng lẻ, không có gì là “tôi”, ngay đó Sự Sống Đồng Nhất, Thực Tại Hiện Tiền, thanh an, tự tại.
Nhận thức do đủ duyên Đất, Nước, Lửa, Gió, tụ tán, liền có Sự Sống, có Tánh, Thể, Tướng, Dụng bất khả phân. Rời Sự Sống không có Tánh, Thể, Tướng, Dụng. Ngược lại rời Tánh, Thể, Tướng, Dụng cũng không có Sự Sống. Tỉnh thức, dứt “mê tưởng tôi”, còn lại là Sự Sống Thiên Nhiên sinh động, đang diễn biến. Trong giây phút nhận thức Sự Sống Đồng Nhất, xích xiềng nghiệp lực tan rã, biển luyến ái khô cạn, lửa sân hận nguội lạnh, ma phiền não lánh xa, vì nghiệp lực, luyến ái, sân hận, sinh tử, thiên đàng, địa ngục, tất cả chỉ là sản phẩm của “mê tưởng tôi” mà thôi.
Nhận thức được Sự Sống Đồng Nhất, như có bản đồ trong tay, nhưng “mê tưởng tôi” kiên cố, muốn hiện hữu, muốn tồn tại, luôn trỗi dậy, len lỏi nhập cuộc bằng đủ mọi nhãn hiệu như: Danh vị, Quyền thế, Lý tưởng, Đảng phái, Giáo hội, Tông thừa v.v… Do tham sân, nghiệp chướng sâu dầy, con người không làm chủ được tư tưởng, bị đồng hóa bởi Kiến thức, tưởng luận mê lầm, quên mất Sự Sống Đồng Nhất.
Chừng nào còn tự thấy “tôi” riêng lẻ, nhận lấy một “linh hồn”, một ”thần thức”, còn tham sân, phản ứng, bồn chồn, muốn an ổn, muốn đạt đến một quả vị, một cảnh giới gì đó, chừng đó đã “ăn trái cấm” tự tách biệt khỏi Sự Sống Đồng Nhất, đã bị đồng hóa bởi “mê tưởng tôi”. Chừng đó dù có tin tưởng, thờ lạy, cầu xin, có thấy cảnh giới gì đó, thấy ta không phải là, ta là v.v… cũng chỉ là phóng hiện của mê tưởng “tôi” mà thôi.
“Mê tưởng tôi” thâm căn cố đế, muốn tồn tại, luôn nhập cuộc, biến đổi thiên hình vạn trạng, khó nhận, khó biết, khó bỏ. Nên xưa nay, nhiều người học đạo theo mê tưởng, lý luận mơ hồ, để củng cố cái “mê tưởng” nầy. Thực tế, người bỏ được “mê tưởng tôi”, thật hiếm hoi.
Như Lai đã từ bi dạy “4 Đế”, hướng dẫn từng bước: nhận thức nguyên nhân và phương cách để dứt nguyên nhân của khổ đau: “mê tưởng tôi”. Tỉnh thức nhận diện “mê tưởng tôi” và những chiêu bài, danh, tướng thật hấp dẫn của nó. Nhận rõ buông bỏ dính chấp vô thường, buông bỏ “mê tưởng tôi” là dứt khổ.
Lịch sử ghi nhận, ngay sau khi Như Lai nhập diệt, hơn 500 đệ tử từng sát cánh bên Ngài, đã họp đại hội để kết tập những gì Như Lai chỉ dạy. Những đệ tử nhắc lại và thảo luận cẩn thận từng lời, do nhân duyên gì, Như Lai dạy ai, điều gì, ở đâu, lúc nào, không để sai sót, dưới sự chứng minh của toàn thể tăng đoàn. Đại hội kết tập lần 2 và lần 3 cũng diển ra như thế. Những điều kết tập sau 200 năm, được ghi lại làm thành tạng kinh Nikaya. Đây là bộ kinh đầu tiên trong lịch sử Phật giáo, là bộ kinh đáng tin nhất (Ngài Minh Châu dịch từ tiếng Pali sang tiếng Việt, không qua bản dịch A hàm đã có sửa đổi)
Tuy Nhiên bộ Nikaya được đúc kết hơn 200 năm sau, qua lần kết tập 2 và 3 có nhiều thay đổi, nên xác xuất không phải 100%, đây là nguyên nhân phân phái trong tăng đoàn. Huống là hơn 600, 700, 800… 1000 năm sau, có những vị với tư cách “cá nhân”, đã copy, phóng tác lời dạy của Như Lai, viết những sách gọi là “Đại Thừa”, tự xưng là Đại Thừa, cho những ai nghe theo lời dạy nguyên thủy của Như Lai là “tiểu thừa”, là “tiêu nha bại chủng”?!
Pháp của Như Lai là duy nhất, với 3 Pháp ấn: Vô thường, khổ, vô ngã, và 5 đặc tính: thực tế, rõ ràng, tự lực, đơn giản, phổ thông. Vấn đề là mê tín, tưởng luận, ngã mạn, nên có lớn nhỏ. Tùy phong hóa nhân sinh, copy, phóng tác, khai triển lời dạy của Như Lai cũng tốt, nhưng mạo danh, tự cao, tự đại, và không dám nhận trách nhiệm về sự phóng tác lệch lạc, đã tự mình lầm lẫn, lại làm cho người sau mê lầm thì không nên.
Từ cố cổ Sự Sống Thiên Nhiên, vũ trụ, vạn vật như thế, hiện tại, tương lai cũng như thế, theo nhân duyên diễn biến sinh động, kỳ diệu tuyệt vời, không có gì là khổ. Nhận thức phiền não, đau khổ chỉ bắt nguồn từ tư tưởng. “Mê tưởng tôi” tự tách rời Sự Sống Đồng Nhất, theo sắc tướng, âm thanh, sinh cảm xúc, dính chấp khởi ưa, ghét, rồi cảm xúc và tư tưởng khuếch đại lẫn nhau nhận chìm cái “tôi” theo làn sóng nghiệp phiền não, khổ đau.
Sợ hãi phiền não, khổ đau, “mê tưởng tôi” cho vô thường là khổ, chối bỏ Tướng Dụng đang là, truy tìm “chủ thể” quá khứ ban đầu: “Chân Không” xem tất cả hiện tướng, Sự Sống Thực Tại đang diễn biến sống động là “như huyễn”. Kết luận thực tướng các pháp là “không”, “bổn lai vô nhứt vật”. Tưởng luận thần thoại mơ hồ!
“Mê tưởng tôi” kiên cố, muốn tồn tại, tham sân nghiệp chướng sâu dầy, nên muốn dứt mê lầm, thoát khỏi sự thúc bách của “mê tưởng tôi” không đơn giản. Không thể loại bỏ Tướng Dụng, từ chối thực tại. Không thể riêng chấp Tánh Thể, mê tưởng một cảnh giới bất sinh bất diệt, bất biến mơ hồ. Cũng không thể mê tín có những đấng quyền năng, để cầu xin nương tựa là yên ổn.
Biết như huyễn không phải là dứt dính chấp như huyễn, dù có tạm bớt dính chấp, nhưng cái “mê tưởng tôi” thâm căn cố đế vẩn còn đó, nguyên nhân của vấn đề vẫn còn đó, thì không có gì an toàn. Những tưởng luận thần thoại, mê tín, mơ hồ, không thể dứt được mê tưởng, Khổ đau. Không thể tưởng “mê tưởng tôi” là “không”, là cứu cánh được.
Quan điểm là làm sao để tự tại, không bị “mê tưởng tôi” và “của tôi” đồng hóa và chủ động. Nói rõ hơn là phải rũ sạch “mê tưởng tôi”. Đây là yếu chỉ của bài pháp 4 Diệu Đế: Khổ-Tập-Diệt-Đạo. Thực tế vạn vật, Sự Sống đang vận hành theo nhân duyên, diển biến vô thường, nên bước đầu Như Lai dạy Bồ tát đạo: Xa lánh việc ác, gieo nhân lành, giữ tâm ý trong sạch, lợi ích người vật, để Sự Sống an vui. Nhưng mục tiêu cốt lõi là tỉnh thức rũ sạch “mê tưởng tôi”, là nhập pháp giới, đồng với Sự Sống Thực Tại đang là.
Muốn dứt “mê tưởng tôi”, không đơn giản. Qua 6 năm khổ hạnh, dù đã đạt tuyệt đỉnh: “dứt cảm thọ”, ”dứt tư tưởng”, “không vô biên”, “thức vô biên”,“ Diệt tận định”, “Tưởng, phi tưởng”, vẫn không dứt được phiền não. Ngài phải trở lại từ đầu, đến ngồi dưới cội Bồ đề, ứng dụng 4 Diệu Đế, tỉnh nhận Sự Sống Đồng Nhất qua “4 xứ” thân, thọ, tâm, pháp. Đây là 6 năm kinh nghiệm thực tế vô giá của Như Lai đã trải qua và để lại cho hậu thế.
Tỉnh nhận Sự Sống, Tánh, Thể, Tướng, Dụng Đồng Nhất, vô thường, vô ngã, không dính chấp, không sanh lại cái “mê tưởng tôi” là dứt luân hồi sinh tử, là giải thoát. Chừng đó nhận thức vô thường, sinh tử là cần thiết để Sự Sống luôn tươi mới. Sự Sống Thiên Nhiên Đồng Nhất, Thực Tại đang hiện bày, là nghĩa đích thực của danh hiệu Như Lai. Từng hạt cát, hòn sỏi, ngọn cỏ, khóm hoa, con trùng, con dế, cánh nhạn lưng trời, cơn gió thoảng, áng mây bay, đến những hoàn cảnh éo le, ngặt ngèo… tất cả sự kiện, hiện tượng, tất cả những cảnh giới trong vũ trụ bao la, là Đất, Nước, Lửa, Gió đang diển biến theo nhân duyên, là sự sáng tạo tuyệt vời thiên nhiên .
Chừng đó, Sự Sống với 8 chánh đạo: Chánh kiến, Chánh tư duy, Chánh ngữ, Chánh nghiệp, Chánh mạng, Chánh tinh tấn, Chánh niệm, Chánh định. Thanh an, tự tại, lợi ích, an vui người vật, là đoạn phiền não, là độ chúng sinh. Từng sát na tỉnh thức, từng sát na nhận thức Sự Sống Đồng Nhất, Thực Tại hiện tiền, qua 4 xứ Thân, Thọ, Tâm, Pháp không nhiễm cũng không rời là nhập pháp giới, là tuỳ hỉ công đức, là cúng dường Như Lai, thỉnh Phật trụ thế.
Sự Sống Thiên Nhiên
Từ cố cổ Thiên nhiên như thế
Chuyển vần xoay vật đổi sao dời
Lẽ nhân quả liên đới ba thời
Sự Sống hiện có-không, tụ-tán
Trước như thế, nay, mai, như thế
Vũ trụ là hiện tướng vui chơi
Sinh tử là lương dược tuyệt vời
Để Sự Sống thiên nhiên tươi, mới
Thuận nhân quả sống trong thực tại
Dứt mê lầm ngã chấp đảo điên
Thường tỉnh thức, tinh cần, chánh niệm
Từng sát na sự sống hiện tiền
Nếu không nhân ngã thì là
Thiên nhiên thực tại sum la tuyệt vời
Nhân nào quả đó vậy thôi
Mỉm cười nhận thức đạo đời như như.
(Còn tiếp)