IV-2.2: Pháp tu thứ hai: Định Niệm Hơi Thở (tiếp theo)
Bắt đầu học, tu tập và muốn đạt được một đời sống Giới Hành Niệm Hơi Thở Ra, Hơi Thở Vô nghiêm chỉnh thì phải thông hiểu: giới đức, giới hạnh và giới hành của nó. Vậy giới đức, giới hạnh và giới hành của giới hành niệm hơi thở ra, hơi thở vô là gì?
Giới đức giới hành niệm hơi thở ra, hơi thở vô là những lời dạy đạo đức về đời sống của con người tức là Chánh Nghiệp.
Giới hạnh giới hành niệm hơi thở ra, hơi thở vô là những lời dạy về Phạm hạnh tức là oai nghi tế hạnh thường thể hiện qua giới hành niệm hơi thở ra, hơi thở vô như: nói, nín, tiếp giao với mọi người, v.v... những oai nghi tế hạnh như vậy được gọi là Chánh Nghiệp.
Trước khi muốn tu tập về giới hành niệm hơi thở ra, hơi thở vô thì các bạn hãy lắng nghe lời Đức Phật dạy La Hầu La: “Này La Hầu La, hãy tu tập sự tu tập về niệm hơi thở vô, hơi thở ra, làm cho sung mãn, nên được quả lớn, được lợi ích lớn. Và này La Hầu La, thế nào là tu tập niệm hơi thở ra, hơi thở vô làm cho sung mãn nên được quả lớn, được lợi ích?” Ở đây lời dạy này có những danh từ khó hiểu như: làm cho sung mãn, được quả lớn, được lợi ích lớn. Vậy làm cho sung mãn như thế nào? Được quả lớn, được lợi ích lớn như thế nào?
Chữ sung mãn có nghĩa là đầy đủ, sung túc, tràn đầy, dư thừa không thiếu hụt. Trước khi thực hiện nghĩa này thì phải tập an trú tâm trọn vẹn trong hơi thở. An trú tâm trọn vẹn trong hơi thở tức là biết hơi thở vô, hơi thở ra một cách nhẹ nhàng, tự nhiên, thoải mái, an lạc. Đó là làm cho tràn đầy sung túc, dư thừa, không thiếu về niệm hơi thở.
Quả lớn là gì? Quả lớn có nghĩa là kết quả to lớn của sự tu tập về hơi thở vô, hơi thở ra. Quả lớn còn có nghĩa là kết quả của sự tu tập đạt được sự giải thoát một cách cụ thể rõ ràng, hay nói cách khác là làm chủ được sanh, già, bệnh, chết tức là tâm bất động trước các pháp và các cảm thọ.
Được lợi ích lớn là gì? Lợi ích lớn có năm nghĩa là:
1. Đời sống được an vui hạnh phúc, không có ác pháp nào làm dao động được tâm, tâm luôn luôn thanh thản, an lạc và vô sự, thường thản nhiên trước mọi dục lạc thế gian, mọi sự cám dỗ vật chất, mọi ác pháp, v.v...
2. Làm chủ được tuổi già có nghĩa là khỏe mạnh quắc thước như một thanh niên cường tráng.
3. Làm chủ được mọi bệnh tật không sợ ốm đau như người thường tục.
4. Làm chủ được sự sống chết, muốn sống thì sống, muốn chết thì chết.
5. Chấm dứt tái sanh luân hồi.
Đây là năm điều lợi ích lớn của kiếp sống làm người do tu tập hơi thở vô, hơi thở ra. Vậy trước khi muốn tu tập giới hành hơi thở vô, hơi thở ra thì chúng ta hãy lắng nghe Đức Phật dạy La Hầu La:
“Ở đây này La Hầu La, vị tỳ-kheo đi đến khu rừng, đi đến gốc cây, hay đi đến ngôi nhà trống và ngồi kiết già, lưng thẳng và an trú chánh niệm trước mặt. Tỉnh giác, vị ấy thở vô, tỉnh giác vị ấy thở ra.”
Đọc đoạn kinh này chúng ta cần lưu ý những từ sau đây: khu rừng, gốc cây, ngôi nhà trống, ngồi kiết già, lưng thẳng, an trú chánh niệm trước mặt, tỉnh giác. Khu rừng, gốc cây, ngôi nhà trống là địa điểm để tu tập, có nghĩa là tìm nơi chốn yên tịnh, vắng vẻ để tu tập hơi thở vô, hơi thở ra. Nếu địa điểm không tìm được như Đức Phật đã dạy thì sự tu tập về hơi thở vô hơi thở ra rất khó khăn. Các bạn lưu ý những lời dạy này vì rất cần thiết cho sự tu tập của các bạn, xin các bạn nên nhớ kỹ.
Các bạn đừng cho rằng bất cứ nơi đâu tu cũng được. Nếu vậy thì Đức Phật dạy điều này để làm gì? Có quan trọng Đức Phật mới dạy như vậy. Đừng nghe theo những nhà Đại Thừa và Thiền Tông. Họ chỉ nói suông: “Bất cứ chỗ nào tu cũng được, tu trong bốn oai nghi, tu trong công việc làm.” Lời nói này đi ngược lại lời dạy của Đức Phật.
Ngồi kiết già là gì? Ngồi kiết già là tư thế ngồi xếp bằng tréo hai chân đan vào nhau. Đó là tư thế ngồi của người tu thiền định. Tư thế ngồi này rất vững chắc để thân tâm dễ gom vào một đối tượng thân hành nội (hơi thở).
Ví dụ: Đi, đứng, nằm, ngồi, co tay, duỗi chân, ngước nhìn, nói, nín, ăn, nhai, nuốt, hơi thở vô, hơi thở ra, v.v... đều là thân hành, nhưng phải rõ tất cả thân hành của thân là thân hành ngoại chỉ trừ có hơi thở là thân hành nội. Như vậy chúng ta phải hiểu rõ mới có thể tu tập được.
An trú chánh niệm là gì?
An trú chánh niệm là ở yên ổn trong niệm chân chánh. Niệm chân chánh là gì? Trong đạo Phật có bốn chỗ niệm chân chánh:
1- Niệm thân.
2- Niệm thọ.
3- Niệm tâm.
4- Niệm Pháp.
Chữ chánh niệm ở đây gồm chung có 4 niệm, như vậy an trú chánh niệm tức là an trú trong bốn niệm. Vậy an trú bốn niệm một lần có được không? An trú bốn niệm một lần là tu tập Tứ Niệm Xứ. Cho nên Tứ Niệm Xứ còn gọi là Tứ Chánh Niệm.
Ngoài bốn niệm: thân, thọ, tâm, pháp còn có niệm nào khác nữa không?
1- Trên thân gồm có hai niệm: 1, Thân hành niệm nội; 2, Thân hành niệm ngoại.
2- Trên thọ gồm có ba niệm: 1, Niệm thọ lạc. 2, Niệm thọ khổ. 3, Niệm thọ bất lạc bất khổ.
3- Trên tâm gồm có hai niệm: 1, Niệm tịnh. 2, Niệm động.
4- Trên pháp gồm có hai niệm: 1, Niệm thiện. 2, Niệm ác.
Ở đây, bài pháp này Đức Phật đang dạy La Hầu La về hơi thở vô, hơi thở ra, vì thế chánh niệm ở đây phải hiểu là Thân hành niệm nội, tức là hơi thở vô hơi thở ra. Vậy an trú chánh niệm trước mặt tức là an trú hơi thở vô, hơi thở ra ở trước mặt.
Tỉnh giác nghĩa là gì? Tỉnh giác nghĩa là biết rất rõ ràng từng chi tiết nhỏ, biết rất kỹ lưỡng, biết không có mờ mịt một chút xíu nào cả. Ở đây chúng ta nên hiểu Đức Phật dạy La Hầu La phải biết rất kỹ từng hơi thở vô, từng hơi thở ra.
Người giữ gìn giới hành hơi thở vô hơi thở ra có nghĩa là tu tập an trú trong hơi thở vô hơi thở ra phải biết rất rõ ràng, không được để quên, để mất, để mờ mịt hơi thở vô ra. Vì tâm chúng ta hay quên (vô ký) nên phải dùng pháp tác ý dẫn tâm tỉnh giác mãi mãi, làm cho tâm sáng suốt thấy biết rất rõ ràng từng hơi thở vô, ra: “Hít vô tôi biết tôi hít vô, thở ra tôi biết tôi thở ra.” An trú được trong hơi thở là đạt được căn bản về phương pháp tu Định Niệm Hơi Thở.
Để thực hiện giới hành này chúng ta nên theo lời Đức Phật dạy Tôn giả La Hầu La mà tu tập như sau:
Trước tiên chúng ta tìm nơi vắng vẻ, yên tịnh, rồi tập ngồi kiết già lưng thẳng, sau khi tập ngồi kiết già lưng thẳng được có nghĩa là ngồi tréo chân mà không thấy khó chịu, hoặc đau hoặc tê chân chừng nửa tiếng đồng hồ. Khi ngồi được nửa tiếng đồng hồ yên ổn thì mới đặt niệm hơi thở vô, hơi thở ra trước mặt và tác ý như sau:
“Hít vô tôi biết tôi hít vô, thở ra tôi biết tôi thở ra.”
Khi tác ý xong câu này ta truyền lệnh: “Hít,” truyền lệnh xong ta mới hít vô, tỉnh giác rất kỹ theo hơi thở vô. Sau khi hơi thở vô hết ta truyền lệnh “Thở,” khi truyền lệnh xong ta mới thở ra và phải sáng suốt tỉnh giác theo hơi thở ra.
Cứ như vậy mà tu tập một phút. Nếu tu tập một phút sức tỉnh giác rất tốt không quên hơi thở nào, có nghĩa là trong một phút không bao giờ ta quên hơi thở, mà cũng có nghĩa là trong một phút không có một niệm vọng tưởng nào xen vào được. Nếu một phút tu tập tốt, ta tăng lên 2 phút, rồi 3 phút, rồi 4, 5 phút. Sau khi đạt được 5 phút rất tỉnh giác hơi thở ra vô, ta tăng 6, 7, 8, 9, 10 phút. Sau khi tăng lên 10 phút ta soát xét xem lại toàn bộ cơ thể có xảy ra trạng thái gì không? Ví dụ: nặng đầu, nặng mặt, choáng váng chóng mặt, v.v... Khi có những trạng thái như vậy xảy ra thì nên báo cho Thầy biết để kịp thời sửa lại cho đúng cách tu tập, không bị ức chế tâm khiến thân cơ bắp và thần kinh rối loạn, v.v...
Trong giới hành về hơi thở vô, hơi thở ra có 19 đề mục tu tập: 7 đề mục đầu luyện tập nhiếp tâm và an trú, 12 đề mục sau luyện tập đẩy lùi ác pháp. Thứ tự các đề mục để tu tập Định Niệm Hơi Thở như sau:
1- Hít vô tôi biết tôi hít vô, thở ra tôi biết tôi thở ra. Đó là đề mục thứ nhất để tu tập nhiếp tâm trong hơi thở. Đề mục này tập trung tâm tại nhân trung giữa hai lỗ mũi, biết hơi thở ra vô tại chỗ đó chứ không được theo hơi thở vô lồng ngực và ngược lại hơi thở từ lồng ngực chạy ra. Nếu các bạn nhiếp tâm được 30 phút mà không quên hơi thở tức là không có tạp niệm xen vào thì đó là các bạn đã tu tập viên mãn đề mục thứ nhất. Khi tu tập viên mãn đề mục thứ nhất thì các bạn nên xin Thầy kiểm tra hơi thở để xin tu tập đề mục thứ hai.
2- Hít vô dài tôi biết tôi hít vô dài; thở ra dài tôi biết tôi thở ra dài. Đề mục này có mục đích là làm giảm nhẹ nơi tập trung tâm. Theo Phật giáo không được tập trung tâm một chỗ, vì tập trung tâm một chỗ rất nguy hiểm có thể làm rối loạn các cơ và thần kinh gây ra bệnh tưởng. Khi tu tập đến đề mục này thì chú ý vào hơi thở chậm và nhẹ, vì khi tác ý như vậy thì hơi thở bắt đầu thở chậm và nhẹ một cách tự nhiên chứ không dùng các cơ vận dụng thở chậm và nhẹ. Dùng các cơ vận dụng thở chậm và nhẹ là sai. Ở đây chỉ cần tác ý hơi thở chậm nhẹ thì tự động hơi thở sẽ thở chậm nhẹ, lúc bấy giờ chúng ta chỉ cần tác ý theo đề mục đã trạch pháp câu: “Hít vô dài tôi biết tôi hít vô dài; thở ra dài tôi biết tôi thở ra dài.”
3- Hít vô ngắn tôi biết tôi hít vô ngắn; thở ra ngắn tôi biết tôi thở ra ngắn. Đó là đề mục thứ ba của Định Niệm Hơi Thở, khi chúng ta muốn hơi thở ngắn thì tác ý câu này: “Hít vô ngắn tôi biết tôi hít vô ngắn; thở ra ngắn tôi biết tôi thở ra ngắn.” Đây là cách điều khiển hơi thở ngắn bằng pháp Như lý tác ý. Xin các bạn lưu ý: Do tu tập về hơi thở nên phải làm chủ được hơi thở. Muốn thở dài thì hơi thở dài, muốn hơi thở ngắn thì hơi thở ngắn. Khi nào chúng ta thở dài thở ngắn mà không thấy có sự rối loạn hô hấp đó là chúng ta đã thành công làm chủ hơi thở. Riêng về phần tu tập hơi thở thì nên tu tập hơi thở bình thường là tốt nhất, không nên vận dụng hơi thở dài hoặc hơi thở ngắn.
4- Cảm giác toàn thân tôi biết tôi hít vô; cảm giác toàn thân tôi biết tôi thở ra. Đây là đề mục dời tụ điểm không còn thấy hơi thở ra vô tại nhân trung nữa. Mỗi lần hít thở cảm nhận sự rung động toàn thân. Trong pháp Thân Hành Niệm dạy: “Cảm giác thân hành tôi biết tôi hít vô; cảm giác thân hành tôi biết tôi thở ra.” Chỗ này tu tập khi nào từng hơi thở cảm nhận được sự rung động của toàn thân thì đó là kết quả của đề mục này.
5- An tịnh thân hành tôi biết tôi hít vô; an tịnh thân hành tôi biết tôi thở ra. Đây là một đề mục rất quan trọng trong sự tu tập mà Đức Phật thường nhắc nhở: “Nhiếp tâm và an trú tâm.” Từ đề mục thứ nhất đến đề mục thứ tư là những đề mục nhiếp tâm, còn đề mục thứ năm này là đề mục an trú tâm chứ không còn là đề mục nhiếp tâm nữa. Đề mục này rất quan trọng và lợi ích to lớn trong việc đẩy lui các chướng ngại pháp trên thân, thọ, tâm và pháp. Đề mục này tu xong cũng giống như người lính đánh trận có chiến hào, vì thế tất cả cảm thọ không thể tấn công được.
Đây là phương pháp làm chủ bệnh mà Tứ Niệm Xứ thường dạy: “Trên thân quán thân để khắc phục tham ưu.” “Trên tâm quán tâm để khắc phục tham ưu.” “Trên thọ quán thọ để khắc phục tham ưu.” “Trên pháp quán pháp để khắc phục tham ưu.” Các bạn nên lưu ý đề mục này nó rất quan trọng trong sự tu tập làm chủ sanh, già, bệnh, chết.
6- Cảm giác tâm hành tôi biết tôi hít vô; cảm giác tâm hành tôi biết tôi thở ra. Đề mục này là để hướng dẫn chúng ta ý thức nhận xét sự hoạt động của tâm theo từng hơi thở ra vô chứ không phải biết hơi thở ra vô bình thường. Do đó mỗi lần hít vô hay thở ra chúng ta đều lắng nghe tâm đang có niệm hay không niệm. Khi tu tập lắng nghe tâm từng hơi thở mà thấy tâm lặng lẽ bất động không một niệm xen vào trong suốt 30 phút hay một giờ là chúng ta đã đạt được kết quả tu tập về đề mục này.
7- An tịnh tâm hành tôi biết tôi hít vô; an tịnh tâm hành tôi biết tôi thở ra. Khi tâm chúng ta đang bị động mà không có cách nào làm cho nó an được, chúng ta sử dụng ngay đề mục này bằng phương pháp Như lý tác ý: “An tịnh tâm hành tôi biết tôi hít vô; an tịnh tâm hành tôi biết tôi thở ra.” Cứ mỗi lần tác ý như vậy là chúng ta cảm nhận như tâm chúng ta có một sự an ổn trong im lặng và mỗi lần hơi thở ra vô là tràn ngập sự an ổn của thân và tâm. Nếu kết quả này kéo dài từ một giờ đến hai giờ là chúng ta đã hoàn thành đề mục này.
8- Quán thân vô thường tôi biết tôi hít vô; quán thân vô thường tôi biết tôi thở ra. Khi thân tâm được an trú trong hơi thở vô, hơi thở ra thì suốt trong thời gian tu tập hơi thở các bạn thỉnh thoảng tác ý câu này: “Quán thân vô thường tôi biết tôi hít vô; quán thân vô thường tôi biết tôi thở ra.” Nương vào hơi thở vô ra và tác ý như vậy thì giúp cho các bạn có một nội lực mạnh mẽ thân vô thường thật sự. Từ đó thân kiến kiết sử bị đoạn dứt. Đây là tu tập Định Niệm Hơi Thở câu hữu với Tứ Niệm Xứ.
9- Quán thọ vô thường tôi biết tôi hít vô; quán thọ vô thường tôi biết tôi thở ra. Đề mục này tu tập như đề mục thứ tám quán thân vô thường để thấm nhuần thọ vô thường thật sự khiến khi thân có bệnh tật khổ đau tâm không dao động sợ hãi. Đó là mục đích của đề mục này. Vậy muốn tâm bất động trước các cảm thọ thì đề mục này phải cần siêng năng tu tập không được biếng trễ. Đây là tu tập Định Niệm Hơi Thở câu hữu với Tứ Niệm Xứ
10- Quán tâm vô thường tôi biết tôi hít vô; quán tâm vô thường tôi biết tôi thở ra. Người ở ngoài đời cũng như các tôn giáo khác, trong đó có Đại Thừa, Thiền Tông, Tịnh Độ Tông, Pháp Hoa Tông, Mật Tông v.v... đều cho tâm này là linh hồn, là Phật tánh, là Tánh Không, là Chơn như, là trí tuệ Bát Nhã, là Bản Thể của vạn hữu v.v... Đó là sự hiểu biết lầm lạc bằng ảo tưởng. Tâm là một xứ trong Tứ Niệm Xứ: Thân, Thọ, Tâm, Pháp.
Cho nên quán tâm vô thường cũng như quán thọ hay quán thân vô thường vậy. Hằng ngày quán tâm vô thường để chúng ta không bị kiến chấp Linh hồn, Phật tánh thường hằng của tà giáo ngoại đạo. Và luôn nhờ có quán tâm vô thường nên từng tâm niệm sanh khởi chúng ta không bị dính mắc và chấp đắm. Đây là tu tập Định Niệm Hơi Thở câu hữu với Tứ Niệm Xứ.
11- Quán các pháp vô thường tôi biết tôi hít vô; quán các pháp vô thường tôi biết tôi thở ra. Đây là một đề mục tu tập hơi thở trong pháp môn Tứ Niệm Xứ để thấm nhuần các pháp đều vô thường, nhờ thế các pháp đến với chúng ta là chúng ta đều buông xả sạch, vì chúng ta hiểu:
“Buông xuống đi! Hãy buông xuống đi!
Chớ giữ làm chi có ích gì?
Thở ra chẳng lại còn chi nữa,
Các pháp vô thường buông xuống đi!
Đề mục này siêng năng tu tập khi đã thấm nhuần thì có ích lợi rất lớn, đó là nhìn các pháp mà không dính mắc, không chắp trước. Đây là tu tập Định Niệm Hơi Thở câu hữu với Tứ Niệm Xứ.
12- Quán ly tham tôi biết tôi hít vô; quán ly tham tôi biết tôi thở ra. Theo lời Đức Phật dạy chỉ cần từ bỏ được tâm tham là nhập vào Niết Bàn, chấm dứt tái sanh luân hồi. Như vậy hằng ngày các bạn thường tác ý câu: “Quán ly tham tôi biết tôi hít vô; quán ly tham tôi biết tôi thở ra.” Khi tâm tham đã được ly ra thì tâm chúng ta luôn luôn thanh thản, an lạc và vô sự. Tâm thanh thản, an lạc và vô sự là tâm bất động trước các ác pháp và các cảm thọ.
13- Quán ly sân tôi biết tôi hít vô; quán ly sân tôi biết tôi thở ra. Nếu một khi tâm sân đã được từ bỏ sạch thì Niết Bàn ở tại đó. Chỉ cần chuyên tu tập một đề mục này từ bỏ được tâm sân thì con đường tu của Phật giáo đâu mấy khó khăn. Phải không các bạn? Đức Phật đã đem lời dạy này ra bảo đảm với chúng ta:
“Điều này đã được Thế Tôn nói đến, đã được bậc A-la-hán nói đến. Và tôi đã được nghe. Này các tỳ-kheo hãy từ bỏ một pháp, Ta bảo đảm cho các ngươi không đi đến lại (tái sanh). Thế nào là một pháp? Sân, này các tỳ-kheo là một pháp, các ngươi hãy từ bỏ. Ta bảo đảm cho các ngươi không đi tái sanh. Thế Tôn nói lên ý nghĩa này. Ở đây, điều này được nói đến.”
Theo lời dạy trên đây chúng ta chỉ cần tu tập một đề mục này cũng đủ chứng đạo quả giải thoát, chấm dứt tái sanh luân hồi chỉ trong một đời này mà thôi.
14- Quán từ bỏ tâm tham tôi biết tôi hít vô; quán từ bỏ tâm tham tôi biết tôi thở ra. Đề mục này tu tập cũng giống như đề mục “Quán ly tham...”, nhưng ở đây “Từ bỏ” mạnh hơn. Vậy khi tu tập ly được tâm tham thì chúng ta kế tiếp tu tập từ bỏ tâm tham thì lại thấm nhuần nhiều hơn và tâm tham sẽ bị diệt trừ.
15- Quán từ bỏ tâm sân tôi biết tôi hít vô; quán từ bỏ tâm sân tôi biết tôi thở ra. Đề mục này tu tập cũng giống như đề mục “Quán ly sân” nhưng ở đây nó mạnh hơn là do “Quán từ bỏ tâm sân.” Nếu người nào bền chí tu tập chỉ một đề mục này cũng đủ làm chủ sanh, già, bệnh, chết và chấm dứt luân hồi.
16- Quán đoạn diệt tâm tham tôi biết tôi biết tôi hít vô; quán đoạn diệt tâm tham tôi biết tôi thở ra. Đề mục tu tập này có một sự quyết liệt mạnh mẽ hơn những đề mục trên vì “Đoạn diệt tâm tham.” Ở trên chỉ có “ly” và “từ bỏ” mà thôi. Tại sao chỉ có tâm tham mà phải ba đề mục tu tập cẩn thận như vậy? Kính thưa các bạn! Tâm tham dục là một nguyên nhân sinh ra muôn thứ khổ đau của loài người. Vì thế nó quan trọng đệ nhất trong các pháp ác. Cho nên tu tập tới đề mục này các bạn phải có sự quyết định mạnh mẽ không thể lôi thôi với tâm tham dục được.
17- Quán đoạn diệt tâm sân tôi biết tôi hít vô; quán đoạn diệt tâm sân tôi biết tôi thở ra. Đề mục này cũng có sự quyết định cuộc đời tu hành của mình được hay không được. Nếu một người tu hành mà tâm sân còn thì có nghĩa lý gì là một tu sĩ. Phải không các bạn? Sân là một tính rất xấu và cực ác. Lúc sân có thể giết người hay làm bất cứ việc gì; lúc sân cũng không sợ bất cứ một thứ gì. Biết sự nguy hiểm của tâm sân như vậy, nên chúng ta quyết liệt đoạn diệt tâm sân tận gốc không còn để một chút xíu trong tâm. Phải chấm dứt ngay liền. Chính dứt được tâm sân là Niết Bàn ngay liền tại đây, đâu có xa gì?
18- Quán tâm định tỉnh tôi biết tôi hít vô; quán tâm định tỉnh tôi biết tôi thở ra. Đây là đề mục phá tâm si. Các bạn phải cố gắng tu tập với đề mục tu tập này cho nhuần nhuyễn. Khi tu tập đã nhuần nhuyễn thì không bao giờ có hôn trầm thùy miên và vô ký đến thăm các bạn. Nếu các bạn tu tập chưa nhuần nhuyễn thì các bạn sẽ bị hôn trầm thùy miên đánh gục. Hôn trầm thùy miên là một pháp cực ác đối với những người hành theo Phật giáo.
19- Với tâm giải thoát tôi biết tôi hít vô; với tâm giải thoát tôi biết tôi thở ra. Đây là đề mục cuối cùng của Định Niệm Hơi Thở, khi tất cả các đề mục trên đều đã hoàn tất viên mãn thì đến đề mục này là tâm bất động hoàn toàn có nghĩa là tâm lúc nào cũng thanh thản, an lạc và vô sự tức là tâm ở trạng thái không phóng dật.
Xưa Đức Phật đã xác định cho chúng ta biết trạng thái này là cứu cánh Niết Bàn: “Ta thành Chánh Giác là nhờ tâm không phóng dật, muôn pháp lành cũng đều nơi đó sinh ra.”
IV-2.3: Pháp tu thứ ba: Định Vô Lậu
Sau khi xả nghỉ để cơ thể lấy lại bình thường thì quý vị tu tập Định Vô Lậu. Định Vô Lậu chuyên nhất vào sự tư duy, suy xét hay gọi là quán. Quán những sự việc xảy ra trong đời sống hàng ngày của quý phật tử. Khi quán xét thấy trong tâm mình đang mắc phải một pháp nào đó khiến cho tâm bất an và bất toại nguyện thì quý vị hãy cố gắng dùng pháp hướng mà xả nó đi. Hãy dùng pháp hướng tâm ra lệnh để làm cho tâm bất toại nguyện, ưu phiền đó rời khỏi tâm quý vị.
Ví dụ 1: Khi đang giận ai thì ta phải dùng pháp hướng như sau: “Quán ly sân tôi biết tôi hít vô, quán ly sân tôi biết tôi thở ra.” Với pháp hướng như thế quý vị thở vào, thở ra năm hơi chậm và nhẹ thì quý vị sẽ thấy cơn giận bắt đầu giảm cường độ. Tiếp theo quý vị có thể dùng câu pháp hướng: “Quán từ bỏ tâm sân tôi biết tôi hít vô, quán từ bỏ tâm sân, tôi biết tôi thở ra.” Thở năm lần rồi lặp lại câu pháp hướng ấy, và thở năm hơi nữa thì ta sẽ thấy cơn giận đã giảm đi quá nửa.
Ví dụ 2: Khi thân bị bệnh đau đầu, quý phật tử muốn xả lậu hoặc đau đầu này thì phải dùng đề mục thứ năm của Định Niệm Hơi Thở bằng câu tác ý: “An tịnh thân hành tôi biết tôi hít vô; an tịnh thân hành tôi biết tôi thở ra.” Nhiếp tâm và an trú tâm trong hơi thở và tác ý như vậy thì bệnh đau đầu sẽ hết. Bệnh đau đầu hết tức là vô lậu.
Khi tâm đã vô lậu thì quý phật tử nên đưa ra một đề tài khác như: Nhân quả, các pháp vô thường, thân vô thường hay thân bất tịnh, thực phẩm bất tịnh v.v... Quý vị tư duy quán xét những pháp này cho thấu suốt. Tư duy quán xét những pháp này cho thấu suốt đó là tu tập Định Vô Lậu. Còn những ví dụ trên là quý phật tử áp dụng vào các pháp môn khác để tâm được vô lậu. Đấy cũng là tu tập Định Vô Lậu.
Quý phật tử hãy thực hành pháp quán Vô Lậu theo những đề tài đã được dạy trong lớp Chánh Kiến dưới đây:
1, Đường đi nhân quả.
2, Nhân quả thảo mộc.
3, Nhân quả con người qua: thân hành; khẩu hành; ý hành.
4, Ái ngữ.
5, Giới thiệu đạo đức nhân bản.
6, Thực phẩm bất tịnh.
7, Thân bất tịnh.
8, Các pháp vô thường.
9, Tứ Vô Lượng Tâm.
10, Tâm Từ vô lượng.
11, Tâm Bi vô lượng.
12, Tâm Hỷ vô lượng.
13, Tâm Xả vô lượng.
14, Tất cả các loài hữu tình do các món ăn mà an trú.
15, Tất cả các loài hữu tình do các hành mà an trú.
16, Năm triền cái.
17, Ít muốn, biết đủ.
18, Danh và sắc.
19, Tàm và quý.
20, Ba ác hạnh: Thân ác hạnh, khẩu ác hạnh, ý ác hạnh.
21, Ba thiện hạnh: Thân, khẩu, ý thiện hạnh.
22, Năm tâm hoang vu.
23, Năm hạ phần kiết sử.
24, Năm thượng phần kiết sử…
IV-2.4: Pháp tu thứ tư: Định Sáng Suốt
Sau thời gian tu tập quá mệt nhọc (vì đã ra sức dụng công), cơ thể và tinh thần của quý vị đã mỏi mệt thì hãy tu tập Định Sáng Suốt tức là phương pháp thư giãn. Muốn tu tập phương pháp này thì quý phật tử buông xả các pháp ra có nghĩa là quý vị không còn tu tập pháp nào cả, tìm một nơi an tịnh ngồi buông thả tay chân ra và tác ý: “Các cơ và tinh thần buông xuống! Buông xuống hết!” Quý vị nhắc như vậy để rồi toàn thân sẽ thư giãn và tinh thần sẽ thấy thoải mái, an lạc và dễ chịu.
Tập luyện các pháp môn Chánh Niệm Tỉnh Giác và Định Niệm Hơi Thở là để quý phật tử định tỉnh và ngăn ác diệt ác pháp trên thân tâm, nhưng tập luyện kéo dài sẽ bị ức chế. Vậy thì phải có giờ nghỉ. Chính giờ nghỉ là giờ quan trọng. Điểm quan trọng nhất là pháp xả tâm trong giờ nghỉ. Trong giờ nghỉ, tâm quý phật tử khởi lên niệm gì, ví dụ muốn nói chuyện, muốn làm cái này cái kia thì nhất định không làm theo nó. Đó là pháp thư giãn Xả Tâm.
Thật sự ra không cần phải tập luyện pháp gì khác mà tối ngày giữ mình là người vô sự, không làm gì hết, cứ ngồi mà xả tâm thôi, niệm gì khởi lên cũng xả hết, riết rồi mình có cái lực khiến cho đủ cả bảy Giác Chi xuất hiện. Cái tâm lúc đầu khởi lên sai bảo mình vậy, sau đó nó không sai bảo được nữa là mình đã phá sạch các dục, tức là thư giãn xả tâm.
Tâm sạch hết các dục, các lậu hoặc thì tâm thanh tịnh. Đó là điều quan trọng nhất của đời người tu tập. Thầy gọi là “Xả tâm.” Còn Đức Phật nói là “Đẩy lui chướng ngại pháp.” Thời nào cũng đẩy lui chướng ngại pháp. Tất cả các thời khóa biểu mà Đức Phật đã để lại đều nhắc nhở, dạy phải “Đẩy lui các chướng ngại pháp.”
Cái tâm suy nghĩ, sai sử chính là chướng ngại pháp. Nó làm cho mình không vô sự. Cho nên phải nhớ giờ thư giãn chính là giờ xả tâm. Quý phật tử cứ làm lặt vặt, làm cho khuây khoả thì đó là phóng dật.
Cách giữ tâm vô sự, thư giãn thì điểm quan trọng cần biết là mỗi niệm khởi lên đều mang theo tính chất sai bảo mình làm, hoặc không có tính chất sai bảo làm. Quý vị phải nhớ là khi niệm nào sai bảo mình làm gì thì nhất định không làm. Không làm theo niệm tức là ly dục. Khi niệm muốn quý vị làm tức là có niệm dục thì nhất định không làm là ly dục. Không làm là không bị phóng dật.
Quý vị cần phân biệt niệm dục và niệm “tào lao.” Niệm tào lao là niệm không sai bảo mình làm gì hết. Thí dụ quý vị nhớ bạn bè hay những tư tưởng này kia thì điều đó không quan trọng; chỉ có niệm sai bảo quý vị làm gì thì đó mới là niệm dục.
Trong giờ tập luyện thư giãn, không có niệm gì hết là tốt. Cứ để cho nó không niệm. Còn khi có niệm thì quý vị phải suy xét coi để phân biệt niệm nào là niệm dục. Phải nắm cho vững điều này quý phật tử mới tập luyện Định thư giãn được. Vừa tập luyện xong Định Niệm Hơi Thở thì qua tập luyện Định thư giãn tức là Định Sáng Suốt để có thời gian nghỉ ngơi, tiếp tục tập luyện Chánh Niệm Tỉnh Giác, rồi Định Sáng Suốt lại. Như vậy là tập luyện liên tục không có nghỉ. Nghỉ là tập luyện Định Sáng Suốt, giữa hai pháp tập luyện kia cần xen Định Sáng Suốt (hay định thư giãn) vào giữa. Cách thức thư giãn không phải dễ thực hành đâu, coi chừng bị ức chế mà không hay.
Thư giãn là nghỉ ngơi, phải để thân và tâm hoàn toàn nghỉ ngơi. Phải tác ý cho nó xả chứ không thì làm như tập luyện mà không có thời gian nghỉ ngơi sẽ đi đến chỗ ức chế tâm. Cứ tác ý thư giãn theo định Sáng Suốt để không bị kẹt vào các pháp tập luyện khác mà tập cho nó lìa ra khỏi các pháp để nghỉ ngơi. Nghỉ thì ra nghỉ; tập luyện thì ra tập luyện. Thư giãn cũng là tập luyện, không phải nói thư giãn là thư giãn được liền đâu; phải tập luyện.
Định thư giãn (hay Định Vô Sự cũng là Định Sáng Suốt) hơi khó vì khi yên lặng thì tâm thường gom vào hơi thở khi ngồi, còn nếu đang đi thì nó lại gom vào bước đi. Làm sao để nó không gom về hai cái đó.
Thư giãn thì phải làm như mình không biết tập luyện là gì hết, phải xả ra. Khi đi thư giãn thì phải nhắc tâm đừng tập trung dưới bước chân mà nhìn cái này cái kia nếu đi trong thất, còn đi ngoài trời thì nhìn cây cối, trời mây. Đừng lưu ý bước chân, đừng lưu ý hơi thở, đi như người vô sự. Thư giãn thì trở về trạng thái như khi không tập luyện gì hết. Tác ý để cơ bắp, thần kinh lơi ra, thư giãn ra. Nói chung thư giãn thì không tập trung trong pháp, phải trở về cái bình thường, không được ở trong ác pháp. Nó sai bảo mình làm gì thì không làm theo. Đó là ly dục. Chỉ có vậy thôi.
Tóm lại, giai đoạn đầu tiên tập luyện Định Sáng Suốt (hay Định Thư Giãn) thì quý phật tử tập trung như thế cho biết để sau này tu tập tới giai đoạn hai là Tứ Niệm Xứ trên Tứ Niệm Xứ mới dễ. Khi bước qua tu Tứ Niệm Xứ tức là tập luyện tỉnh giác có nghĩa là “Trên thân quán thân để khắc phục tham ưu” thì quý phật tử ở trên đó mà quét sạch chướng ngại pháp trên bốn chỗ thân, thọ, tâm, pháp.
Một ngày một đêm mà tu tập như vậy quý phật tử sẽ ước nguyện cho gia đình được bình an và bệnh tật sẽ được chuyển đổi khiến cho gia đình được thay đổi đem đến sự yên vui hạnh phúc. Với một lòng tin vững chắc không gì thay đổi; với một tâm tha thiết tìm cầu sự giải thoát chân thật trong pháp môn của Phật giáo thì quý phật tử sẽ thấy kết quả giải thoát ngay liền, khiến cho thân tâm vô sự và an lạc. Cuộc sống không còn biết lo lắng, sợ hãi và bận rộn về mọi việc.
Vì thế quý phật tử phải cố gắng tu tập như lời Thầy đã dạy Thọ Bát Quan Trai. Thọ Bát Quan Trai là tu thiện pháp, luôn luôn lúc nào cũng ngăn ác và diệt ác pháp để cho cuộc sống lúc nào cũng sanh thiện và tăng thiện pháp. Cho nên không cần phải tụng niệm, cúng lễ và sám hối niệm hồng danh chư Phật theo các nghi thức ngày xưa của kinh sách phát triển.
Nếu quý vị chuyên cần tu tập và sống đúng giới hạnh thì trong một ngày một đêm quý vị sẽ thấy kết quả giải thoát đau khổ của kiếp người rất rõ ràng và cụ thể. Nếu biết giới luật Phật có lợi ích không lường thì quý vị nên phát khởi thiện tâm, tu tập rốt ráo liền được thiện giới thanh tịnh. Khi tu tập và trau dồi thân tâm như vậy là quý vị đã thực hiện giới thể theo pháp môn bốn định như Thầy đã dạy ở trên thì chứng quả giải thoát đâu còn xa, chỉ ở trong tầm tay của quý phật tử. Phải cố gắng lên tu tập để không phí uổng một kiếp làm người.