41- Chỉ có vượt qua
Hỏi: Kính thưa Hòa Thượng, xin Hòa Thượng chỉ dạy cho con được rõ: “Đứng lại thì chìm xuống, bước tới thì trôi dạt, chỉ có vượt qua”. Vậy bước tới và vượt qua khác nhau như thế nào? Con chưa hiểu hết ý ba câu này.
Đáp: Bước tới và vượt qua là hai danh từ khác nhau và nghĩa cũng khác nhau. Để nêu lên ví dụ thì con dễ hiểu hơn.
Ví dụ 1: Có người chửi mắng con; con không chửi mắng lại mà tâm con tức giận, phiền muộn, đau khổ, đó là nghĩa của sự đứng lại.
Ví dụ 2: Có người chửi mắng con; con liền chửi mắng lại, đó là nghĩa của sự tiến tới.
Ví dụ 3: Có người chửi mắng con; con không chửi mắng lại và cũng không giận hờn người đó, đó là nghĩa của sự vượt qua.
Vì sự nghiệp giải thoát của Phật giáo, đệ tử của đức Phật phải thông suốt lý này, nên cuộc sống hằng ngày không chấp nhận đứng lại, vì đứng lại là thiếu đạo đức đối với mình, tự làm khổ mình, không chiến thắng được hoàn cảnh hiện tại, không chuyển hóa được nhân quả; đó là những người thiếu tri kiến giải thoát, phi đạo đức nhân bản làm người. Người như vậy đối với đạo Phật được xem là người vô minh và hèn nhát.
Vì sự nghiệp giải thoát của đạo Phật, người đệ tử của đức Phật không chấp nhận tiến tới, vì tiến tới sẽ làm khổ mình, khổ người; làm khổ mình, khổ người là người phi đạo đức nhân bản làm người. Người như vậy đối với đạo Phật được xem là người ngu si, người mê muội, người không tĩnh giác. Người như vậy được xem là một ác thú chỉ biết gầm hét, đánh đá, cắn xé nhau, tranh giành, chà đạp lên nhau vì vật chất, vì miếng ăn manh áo, v.v...
Vì sự nghiệp giải thoát của đạo Phật, người đệ tử chân chánh của đức Phật chấp nhận sự vượt qua, vì vượt qua là không làm khổ mình, khổ người; không làm khổ mình, khổ người là người có đầy đủ đạo đức nhân bản làm người; là người có trí tuệ tri kiến giải thoát; là người có đầy đủ trí tuệ nhân quả, biết chuyển hóa được nhân quả; là người khôn ngoan, minh mẫn tĩnh giác; là người đệ tử xứng đáng của đức Phật; là người biến cảnh thế gian thành Thiên Đàng, Cực Lạc; là người đầy đủ Phạm hạnh tâm bất động trước các ác pháp, là bậc chân nhân, là người giải thoát khỏi phiền toái của cuộc đời, là người làm chủ được sanh y; là người thiện hữu xứng đáng cho chúng ta làm bạn. Người như vậy là ngọn đuốc sáng soi đường cho chúng ta đi, là tấm gương soi để cho chúng ta soi chiếu lại mình.
42- Nhẫn nhục, tùy thuận, bằng lòng
Hỏi: Kính bạch Thầy, có một công việc biết là sai, nhưng phải tùy thuận làm, cuối cùng thì phí công, phí của, chẳng lợi ích gì cho mình, cho người. Vậy phải tùy thuận như thế nào?, và tùy thuận không bị lôi cuốn nghĩa là sao? Xin Thầy cho ví dụ.
Đáp: Biết việc làm không lợi ích cho mình, cho người, làm sẽ hoài công vô ích mà cứ làm, đó là người không trí tuệ, chứ không phải sống tùy thuận.
Biết việc làm không lợi ích cho mình, cho người, làm sẽ hoài công vô ích, vì thế không làm, nhưng không chống trái lại việc làm của người khác, mặc dù mình có góp ý nhưng có nghe hay không nghe đó là quyền của người khác, đó là sống tùy thuận. Thấy việc ác không làm theo, nhưng không chống trái việc làm ác của họ, mặc dù chúng ta đã có lời khuyên, đó là sống tùy thuận.
Người ta chửi mắng mình; mình không chửi mắng lại người, nhưng trong lòng có phiền não tức giận là sống nhẫn nhục trong tùy thuận. Người ta chửi mắng mình mà mình không chửi mắng lại, không giận hờn phiền não, đó là sống tùy thuận.
Người ta mời mình đi đánh bạc mà mình khéo léo từ chối không đi đánh bạc là người sống tùy thuận. Người ta mời mình uống rượu mà mình lấy cớ bị bịnh không uống rượu được, đó là sống tùy thuận.
Tùy thuận mà không bị lôi cuốn phải sống như thế nào?
Ví dụ, mình là người ăn chay mà đi dự tiệc cưới, hay đám giỗ hoặc đám ma chay, khi ngồi vào bàn tiệc mình tìm bánh, trái cây để ăn, không ăn thịt, cá, đó là tùy thuận mà không bị lôi cuốn.
43- Tu có đối tượng
Hỏi: Kính thưa Thầy, trong cuộc sống hằng ngày con phải va chạm rất nhiều người và sự việc khiến tâm con bất an. Có phải chăng, nếu con cứ gặp hoài là con không biết tránh duyên? Còn nếu con tránh gặp có phải là con tu không có đối tượng?, hay tại con chưa biết tu?
Đáp: Đúng vậy, chính vì phần đông người ta tu theo đạo Phật, nhưng có mấy ai đã tu đúng theo giáo pháp của đức Phật; mọi người đã tu lạc vào giáo pháp Bà La Môn.
Giáo pháp của Phật dạy: “Ngăn ác diệt ác pháp” hay: “Các pháp ác chớ nên làm”. Nếu chúng ta cố tránh duyên thì làm sao có ác pháp đâu để tu tập; nhờ có ác pháp mới thấy được tâm giải thoát, “phiền não tức Bồ đề” là vậy.
Cho nên, người tu theo đạo Phật phải nghiên cứu và tìm hiểu cho rõ ràng lời dạy của đức Phật rồi mới tu tập, đừng vội cứ nghe đâu nói là Phật thuyết rồi cứ tin theo thì tiền mất tật mang mà còn phí công vô ích.
Có nhiều người hiểu lầm cần phải tránh duyên để sống một mình trong thất tu tập thiền định, sau một thời gian tu tập, chừng nào tâm có nội lực rồi mới tiếp duyên, đó là sự hiểu biết theo kiểu tu tập giáo pháp của Bà La Môn chứ không phải của Phật giáo.
Đức Phật dạy “Sống độc cư”, không có nghĩa là sống tránh duyên, mà sống trong mọi hoàn cảnh, mọi duyên nhưng tâm không phóng dật, tức là sống ngăn ác, diệt ác pháp; tức là sống ly dục, ly ác pháp; tức là sống an trú trong Sơ Thiền.
Từ cuộc sống đó chúng ta suy ra, hạnh độc cư tức là sống trong các chướng ngại mà tâm không hề dao động. Muốn được vậy, thì người tu theo đạo Phật cần phải có đối tượng để tu tập, vì tu tập trong đối tượng nên phải lấy giới luật làm sự sống, làm thành lũy bảo vệ, làm sự phòng hộ sáu căn, làm Phạm hạnh của bậc Phạm thiên.
Nếu tu tập không có đối tượng là tu theo ngoại đạo, là độc cư theo ngoại đạo, hành theo pháp ngoại đạo. Ngược lại, tu theo đạo Phật sống không tránh né các đối tượng mà tâm không phóng dật tức là sống độc cư, sống trầm lặng, vì thế, thiền định của đạo Phật là thiền Xả Tâm, còn tất cả các loại thiền định khác đều là thiền Ức Chế Tâm.
Trong hoàn cảnh của con mà tu tập theo đạo Phật thì phải được trang bị với trí tuệ giới luật, tức là đạo đức làm Người, làm Thánh; đạo đức làm Người, làm Thánh tức là đạo đức không làm khổ mình, khổ người. Khi được trang bị với đạo đức như vậy mà con khéo áp dụng vào đời sống hằng ngày thì chính là con tu tập theo đạo Phật, và tu tập như vậy mới thật sự là thiền định.
Thiền định của đạo Phật là một loại thiền định thực tiễn giải thoát trong đời sống của chúng ta. Nếu đã tu tập theo đạo Phật thì chúng ta sẽ tìm thấy sự giải thoát ngay liền, tức là tâm chúng ta thanh tịnh, có nghĩa là tâm chúng ta không còn tham, sân, si và không còn phiền não, đau khổ, bất toại nguyện nữa.
Cho nên, người tu hành theo pháp môn của đức Phật càng có đối tượng, càng có chướng ngại pháp thì sự tu nhanh hơn người tu không có chướng ngại. Nhưng sự tu hành có chướng ngại pháp thì người tu sĩ phải có ý chí lớn - “cưỡi cá kình vượt sóng to” - phải có nghị lực dũng mãnh, phải có gan dạ phi thường, phải có bền chí dẻo dai thì mới tu nổi.
Đạo Phật tu không khó, nhưng khó ở chỗ này, các con nên nhớ lấy: “Tu sai một đường tơ, ngàn năm không thấy đạo”. Chỉ một đường tơ tu sai thì lạc đi hơn ngàn vạn dặm. Đừng nghĩ rằng pháp môn tu nào tu tới rốt ráo cũng về một chỗ. Đừng nghĩ chung chung như vậy không bao giờ có được, vì mỗi con đường đều dẫn về một con đường khác nhau.
Người ở đời muốn cho các tôn giáo hòa hợp, nên mới có những tư tưởng như vậy, nhưng các tôn giáo đều có một mục đích khác nhau, nhất là đối với đạo Phật không có thế giới chân thật; thế giới chỉ là duyên hợp thì làm sao về cùng một mục đích được.
44- Chỉ lỗi người phạm giới
Hỏi: Kính thưa Thầy, thấy quý thầy tu phạm giới, nếu mình nói ra có phải là mình phạm giới hay không? Trong Bồ Tát giới dạy: “Nếu nói lỗi của tu sĩ sẽ bị tội đọa”. Một cư sĩ có thể nói lỗi của người xuất gia được không?, trường hợp này mình phải làm thế nào?
Đáp: Bồ Tát giới là giới luật của các Tổ đặt ra để bịt miệng các cư sĩ, để mọi người không được nói lỗi của tu sĩ. Đó là lối hăm dọa để ngăn chặn người khác nói lỗi mình, để các vị tỳ kheo tăng và ni tự do phá giới luật Phật, đó là mục đích của Bà La Môn có chủ tâm diệt Phật giáo.
Vì như lời đức Phật dạy: “Giới luật còn là Phật giáo còn; giới luật mất là Phật giáo mất”. Do đó, Bà La Môn biết được như vậy nên chế ra Bồ Tát giới, có mục đích là diệt Phật giáo, tạo điều kiện cho tu sĩ Phật giáo phá giới bằng cách thêm bớt trong kinh sách nguyên thủy rất nhiều.
Các Bà La Môn rất khôn khéo bịa đặt ra câu chuyện để sau này chúng tỳ kheo phá giới mà không có tội: “Trong thời đức Phật còn tại thế, lúc bấy giờ có một vị tỳ kheo trời tối mờ mịt còn ôm bình bát đi khất thực để ăn tối, đến một nhà kia đứng trước cửa. Người chủ nhà mở cửa, thấy một bóng đen đứng lù lù; bà ta sợ hãi và té xỉu. Khi tỉnh lại, bà chửi tan nát vị tỳ kheo ấy. Do đó, khi hay được tin này đức Phật mới chế ra giới cấm ăn phi thời, ngày ăn một bữa”.
Câu chuyện trên đây để chứng minh đạo Phật chấp nhận ăn uống phi thời, nhưng vì lý do xảy ra ở trên nên buộc lòng đức Phật phải chế giới cấm ăn phi thời. Điều này thật vô lý! Bởi vì muốn ly tham, đoạn ác, nên người tu sĩ đạo Phật mới không ăn phi thời, vì ăn phi thời là tâm còn tham; tâm còn tham là đi ngược lại với đạo Phật.
Mười ba năm đầu, tuy không chế giới luật, nhưng chúng tỳ kheo và đức Phật không ăn phi thời, vì họ sống đúng Phạm hạnh, cho nên trong kinh thường nhắc đi nhắc lại: “Vì sự nghiệp giải thoát Ta mới sống đời sống Phạm hạnh”. Thưa quý vị, sống đời Phạm hạnh có ăn phi thời không?
Giới luật còn là có người tu chân chánh; giới luật mất là không có người tu chân chánh, vì thế, hiện giờ thắp đuốc lên đi tìm một bậc chân tu của Phật giáo khắp năm châu bốn biển vẫn khó mà tìm thấy được.
Đối với Phật giáo, một người cư sĩ có quyền nêu rõ những vị tỳ kheo phạm giới, phá giới, bẻ giới mà không có lỗi gì cả. Tại sao vậy? Tại vì những người dám chỉ thẳng lỗi của người xuất gia, là những người biết xây dựng tốt nhiều mặt cho đạo và cho đời:
1- Giúp cho các vị tỳ kheo trở lại tu tập theo con đường chân chánh: “Giới luật nghiêm chỉnh”.
2- Giúp cho các vị tỳ kheo không còn mượn chiếc áo đạo tạo cuộc sống thế gian.
3- Giúp cho các vị tỳ kheo không còn lừa đảo tín đồ và mọi người.
4- Khiến cho Phật giáo được hưng thịnh và trường tồn.
5- Khiến cho mọi người không còn khinh chê Phật giáo.
6- Khiến cho mọi người dù là người không tôn giáo cũng luôn luôn kính trọng Phật giáo.
Như vậy, sự chỉ trích và chỉ thẳng tội lỗi phạm giới của những vị tỳ kheo có ích lợi như vậy thì quý vị nghĩ sao? Dù cho thật sự có tội, nhất định chúng ta cũng không sợ phải không hỡi quý bạn? Là vì làm lợi ích cho đời, cho đạo quá rõ ràng.
Nếu chúng ta che dấu những vị tỳ kheo phạm giới, phá giới thì chúng ta có lỗi rất nặng, đó là tội a dua a tòng theo Bà La Môn diệt Phật giáo, và tội ác nặng nhất là làm mất đạo đức nhân bản của loài người.
45- Tu tập pháp nào hết lậu hoặc?
Hỏi 1: Kính bạch Thầy, chúng con là những người mới vào tu, kinh điển Thầy giảng dạy quá nhiều, nhất là giáo án đường lối tu tập của đạo Phật rất là mênh mông, từ giới đức, giới hạnh, giới tuệ đến giới hành. Chúng con như người lạc vào rừng rậm, chẳng biết lối nào ra. Vậy ngưỡng mong Thầy từ bi thương xót chỉ vạch cho chúng con lối ra?
Đáp: Người mới bắt đầu tu tập theo đạo Phật thì phải sống đúng giới luật. Muốn sống đúng giới luật thì người tu sĩ phải học giới luật cho thông suốt, mỗi giới luật phải biết đức hạnh giới luật ở đâu, và hành giới chỗ nào, để thân khẩu ý không phạm giới, giới luật không bị bẻ vụn, ngày ngày sống đúng giới hạnh.
Kế đến, lấy giới bổn phòng hhộ 6 căn, không cho mắt dính sắc, tai dính tiếng, mũi dính mùi, lưỡi dính vị, va chạm dính thọ, ý dính pháp.
Kế nữa, phải tập sống đời sống thiểu dục tri túc. Hằng ngày chia thời gian tu tập các định:
1- Định Chánh Niệm Tĩnh Giác (Thân Hành Niệm).
2- Định Niệm Hơi Thở (ổn định hơi thở bình thường, tập tụ điểm).
3- Định Vô Lậu: quán, hướng, xả (bất tịnh, vô thường, khổ, không, vô ngã, v.v...).
4- Định Chánh Niệm Tĩnh Giác câu hữu Pháp Hướng Vô Lậu.
5- Định Niệm Hơi Thở câu hữu với Pháp Hướng Vô Lậu.
6- Định Chánh Niệm Tĩnh Giác câu hữu với Định Niệm Hơi Thở.
Tất cả các pháp hành này đều nhắm vào diệt ngã, xả tâm ly dục ly ác pháp, để tâm được giải thoát (an lạc, thanh thản và vô sự). Đây là Giai Đoạn Thứ Nhất mà một vị tu sĩ cần phải chấp hành nghiêm chỉnh, tu tập hằng ngày không được biếng trễ.
Hỏi 2: Kính bạch Thầy, làm sao biết được tâm mình hết lậu hoặc?
Đáp: Tâm hết lậu hoặc là tâm thường quay vào trong thân, không phóng dật theo sắc, thinh, hương, vị, xúc, pháp; trạng thái tâm lúc này thanh thản và an lạc, tâm tư phát khởi điều thiện đối với các pháp. Luôn nghĩ tốt về mọi người, không bao giờ có ý nghĩ xấu với người khác.
Ngược lại, tâm chưa hết lậu hoặc thường lo xa, suy tư chuyện này đến chuyện kia, khởi tâm ham muốn cái này cái kia hay sanh ra việc làm phá hạnh độc cư nói chuyện phiếm, thân tâm luôn hữu sự, đầu óc đầy ắp những sự việc.
Hỏi 3: Kính bạch Thầy, con chỉ tu một pháp hướng: “Tâm như đất” hằng phút, hằng giây, hằng giờ; con liên tục hướng tâm mình như vậy, có hết lậu hoặc (phiền não) không thưa Thầy?
Đáp: Không, tu như vậy không bao giờ hết lậu hoặc (phá sạch phiền não).
Hỏi 4: Kính bạch Thầy, con tập sống đúng giới luật của Phật, không vi phạm một lỗi nhỏ, hằng ngày con tu một pháp hướng: “Tâm như đất” có kết quả hết lậu hoặc không?
Đáp: Chỉ được 50% chứ không dứt hết lậu hoặc.
Hỏi 5: Kính bạch Thầy, con sống đúng giới luật và con nhìn cuộc sống bằng đôi mắt nhân quả, không làm khổ mình, khổ người và con tu tập chỉ một pháp hướng: “Tâm như cục đất” hằng ngày, hằng giờ, hằng phút, hằng giây, như vậy tâm con có hết lậu hoặc không, thưa Thầy?
Đáp: Hết, tu như vậy tâm con sẽ ly dục ly ác pháp, diệt ngã xả tâm. Cuộc sống tâm hồn con sẽ an lạc, thanh thản như đất.
Hỏi 6: Kính bạch Thầy, con sống không đúng giới luật, nhưng con tu Chánh Niệm Tĩnh Giác Định kết hợp với Định Vô Lậu hằng ngày, hằng giờ, hằng phút, như vậy có diệt ngã xả tâm, ly dục ly ác pháp được chăng?
Đáp: Chỉ hoài công vô ích, con tu như vậy giống như người nấu cát mà mong thành cơm.
Hỏi 7: Kính bạch Thầy, con không giữ gìn giới luật nghiêm chỉnh, nhưng con sống với đôi mắt nhìn đời bằng nhân quả, không làm khổ mình, khổ người và tu tập định Chánh Niệm Tĩnh Giác câu hữu (kết hợp) với Định Vô Lậu, như vậy con có hết lậu hoặc không?
Đáp: Không, con tu như vậy chỉ được 50% mà thôi.
Hỏi 8: Kính thưa Thầy, con sống đúng giới luật nghiêm chỉnh, nhìn đời bằng đôi mắt nhân quả và tu tập Chánh Niệm Tĩnh Giác Định câu hữu với Định Vô Lậu. Như vậy, con diệt ngã xả tâm, ly dục ly ác pháp được chăng?
Đáp: Được, con tu như vậy tâm con sẽ hết lậu hoặc, thanh thản và an lạc.
Hỏi 9: Kính bạch Thầy, con sống không đúng giới luật, con tu Định Niệm Hơi Thở câu hữu với Định Vô Lậu. Kính thưa Thầy, con tu như vậy tâm con có hết lậu hoặc hay không?
Đáp: Không, con tu như vậy chỉ hoài công vô ích.
Hỏi 10: Kính bạch Thầy, con sống đúng giới luật, con tu Định Niệm Hơi Thở câu hữu với Định Vô Lậu, như vậy tâm con có hết lậu hoặc không?
Đáp: Con tu như vậy chỉ xả được tâm lậu hoặc 50%.
Hỏi 11: Kính bạch Thầy, con sống đúng giới luật, nhìn đời bằng đôi mắt nhân quả, không làm khổ mình, khổ người. Con tu tập Định Niệm Hơi Thở câu hữu với Định Vô Lậu. Như vậy, con có diệt ngã xả tâm, ly dục ly ác pháp được không thưa Thầy?
Đáp: Được, con tu như vậy sẽ ly dục ly ác pháp, nhập Sơ Thiền rất dễ dàng; tâm lậu hoặc xa lìa để lại một trạng thái an lạc, thanh thản do ly dục sanh.
Hỏi 12: Kính bạch Thầy, con sống đúng giới luật, giữ gìn nghiêm túc không vi phạm một lỗi nhỏ, không bẻ vụn giới luật, nhưng con không tu Định Chánh Niệm Tĩnh Giác, Định Niệm Hơi Thở và Định Vô Lậu, như vậy con có hết lậu hoặc không?
Đáp: Không, đó là một lối ức chế tâm, hình thức thì giới luật nghiêm trì, nhưng tâm thì giới luật đã bẻ vụn. Tu như vậy chỉ hoài công, khổ hạnh cho mình chẳng ích lợi gì, giống như các vị sư Khất sĩ (lấy giới nén tâm) chẳng bao giờ ly dục ly ác pháp được, chỉ uổng một đời tu mang hình thức giới luật.
Hỏi 13: Kính bạch Thầy, con không giữ gìn giới luật nghiêm chỉnh; con không tu các loại định mà chỉ sống nhìn đời bằng đôi mắt nhân quả, không làm khổ mình, không làm khổ người. Như vậy con có hết lậu hoặc hay không?
Đáp: Không, nếu sống nhìn đời bằng đôi mắt nhân quả, đó là con đã thực hiện đạo đức Nhân Quả đem lại cuộc sống an lành, hạnh phúc cho gia đình, đem lại cuộc sống hòa hợp an vui cho xã hội và đem lại trật tự phồn vinh cho đất nước, chớ không thể nào con hết lậu hoặc (tham, sân, si) được.
Hỏi 14: Kính bạch Thầy, con không sống đúng giới luật, không tu Định Vô Lậu, Định Chánh Niệm Tĩnh Giác, con chỉ tập Định Niệm Hơi Thở diệt tầm tứ nhập Nhị Thiền... Tam Thiền, Tứ Thiền có được không thưa Thầy?
Đáp: Không, con tu như vậy sẽ rơi vào tà thiền, tà định mà chẳng bao giờ nhập Tam Thiền được, nhập Tứ Thiền được. Những loại Thánh Định này không để một người còn mang tâm trạng phàm phu mà nhập vào được. Một người chưa ly dục, ly ác pháp thì không thể nào nhập vào các Thánh Định này.
Vị tỳ kheo phá giới, phạm giới, ăn ngủ phi thời thì Bốn Thánh Định này chỉ là ngôn ngữ suông, chẳng ai nếm được mùi vị của nó. Bởi vậy, một vị tỳ kheo tu sĩ Phật giáo phải sống đúng giới luật, phải nhìn đời bằng đôi mắt nhân quả, phải tu tập Định Vô Lậu, Định Chánh Niệm Tĩnh Giác, Định Niệm Hơi Thở thì mới ly dục ly ác pháp, mới diệt ngã xả tâm, mới nhập vào Sơ Thiền, v.v... Đạt được trạng thái ly dục ly ác pháp này, người tu mới có thể nhập Nhị Thiền đến Tứ Thiền và Tam Minh.
Còn giai đoạn thứ nhất không thực hiện được; tâm chưa hết lậu hoặc (phiền não) mà gọi nhập Tam Thiền, Tứ Thiền, thì đó là một điều phỉnh gạt người khác.