Kính quý vị phật tử và độc giả.
Kính chia sẻ cùng quý vị
BBT GNCN
NGHĨA CỦA CÁC CÂU, CÁC TỪ - Kì 6
Vần C (tiếp theo)
Vần CH
Con đường Bát Chánh Ðạo (PhậtDạy.1) chia ra làm ba cấp tu tập: - Cấp I Giới Luật. Khi học hết cấp này trọn vẹn thì được “cấp bằng” Nhập Lưu (Tu Ðà Hoàn), còn chưa học hết cấp thì tùy ở sự hiểu biết, tu tập và giữ gìn giới luật được nhiều hay ít, ít thì Hướng Lưu; nhiều thì Dự Lưu. - Cấp II Tứ Thánh Ðịnh. Tu học hết cấp này trọn vẹn thì mới được “cấp bằng” Bất Lai, còn chưa trọn vẹn thì chỉ có “chứng chỉ” Thất Lai (Tư Ðà Hàm) cao hơn một chút nữa thì có “chứng chỉ” Nhất Lai (A Na Hàm). - Cấp III Trí Tuệ Tam Minh. Tu học hết cấp này thì tâm vô lậu hoàn toàn được“cấp bằng” Niết Bàn (A La Hán). Ba cấp tu này chia ra tám lớp học, thì tâm người ấy vô lậu hoàn toàn, chứng quả A La Hán. “Cấp bằng” cao nhất trong Ðạo Phật là Niết Bàn.
Con đường Phạm hạnh (PhậtDạy.4) sống chế ngự với sự chế ngự của giới bổn Patimokkha, đầy đủ oai nghi chánh hạnh, thấy nguy hiểm trong những lỗi nhỏ nhặt, thọ lãnh và tu học trong giới pháp, thân nghiệp, ngữ nghiệp thanh tịnh. Mạng sống trong sạch giới hạnh đầy đủ, thủ hộ các căn, chánh niệm, tỉnh giác và biết tri túc.
Con đường trung đạo (12Duyên) là con đường vượt ra khỏi hai cực đoan, gồm có 12 nhân duyên: Từ duyên Vô Minh khởi nên duyên Hành khởi. Từ duyên Hành khởi nên duyên Thức khởi. Từ duyên Thức khởi nên duyên Danh Sắc khởi. Từ duyên Danh Sắc khởi nên duyên Lục Nhập khởi. Từ duyên Lục Nhập khởi nên duyên Xúc khởi. Từ duyên Xúc khởi nên duyên Thọ khởi. Từ duyên Thọ khởi nên duyên ÁI khởi. Từ duyên ÁI khởi nên duyên Hữu khởi. Từ duyên Hữu khởi nên duyên Thủ khởi. Từ duyên Thủ khởi nên duyên Sinh khởi. Từ duyên Sinh khởi nên duyên Ưu Bi, Sầu Khổ, Bệnh Tử khởi. Từ duyên Ưu Bi, Sầu Khổ, Bệnh Tử khởi nên duyên Vô Minh khởi. (là toàn bộ khổ uẩn theo 12 duyên tập khởi).
Con đường tu học của Phật giáo (TâmThư.1) có ba chặng: Chặng đầu gọi là Giới, chặng giữa gọi là Ðịnh, Chặng cuối cùng gọi là Tuệ.
Con đường tu tập giải thoát (Tạoduyên) theo những lời dạy của phật Sakya Gotama trong các kinh nguyên thủy chữ Pali.
Con đường tu tập theo Phật (Phậtdạy.3) phải trải qua ba giai đoạn: 1- Giai đoạn thứ nhất: “Ðể chứng đạt những gì chưa chứng đạt (Ly dục ly ác pháp)”. 2- Giai đoạn thứ hai: “Ðể chứng đắc những gì chưa chứng đắc (Nhập Bốn Thiền)”. 3- Giai đoạn thứ ba: “Ðể chứng ngộ những gì chưa chứng ngộ (Thông suốt Tam Minh)”.
Con ngựa chưa thuần thục (CầnBiết.3) có nghĩa thân tâm còn tham, sân, si, mạn, nghi, còn chưa ly dục ly ác pháp. Khi tâm còn tham, sân, si, mạn, nghi, chưa ly dục ly ác pháp thì đừng có tu thiền định, vì có tu thiền định cũng chỉ mất công phí sức chẳng bao giờ nhập được định, bởi vì nền tảng tu thiền định của Đạo Phật là Giới luật. Có nền tảng giới luật thì tu thiền định mới bảo đảm. Tâm phải thanh tịnh ly dục ly ác pháp thì mới nên tu tập thiền định.
Con ngựa thuần thục (PhậtDạy.1) (CầnBiết.3) là chỉ cho tâm đã ly dục ly ác pháp, tâm đã lìa tham, sân, si, mạn, nghi. Khi tâm đã ly dục ly ác pháp thì lúc bây giờ chúng ta mới tu tập Thiền định. Cho nên Đức Phật dạy: “Hãy tu Thiền với sự Thiền định của con ngựa thuần thục”. Thân tâm đã thuần thục trong giới luật thì tâm định tỉnh nhu nhuyến dễ sử dụng. Lúc bấy giờ chúng ta mới bắt đầu tu tập Thiền Định. Nền tảng thiền định của Ðạo Phật là giới luật mà giới luật thì phải nghiêm chỉnh; giới luật có nghiêm chỉnh thì tâm mới ly dục ly ác pháp hoàn toàn. Lúc bấy giờ, chúng ta mới bắt đầu tu tập Thiền Ðịnh. Tu như vậy mới đúng như lời Phật dạy.
Con người của nhân quả (PhậtDạy.4) là con người của tham, sân, si. Con người tham, sân, si là con người đau khổ.
Con người hoàn hảo (ĐườngVề.9) là một con người có đạo đức nhân bản – nhân quả sống không làm khổ mình, khổ người và không làm khổ tất cả chúng sanh, trong cuộc sống hằng ngày đối với ông bà, cha mẹ, anh em, chị em, vợ chồng, con cái, bà con quyến thuộc, bạn bè thân hữu, chòm xóm láng giềng, v.v… luôn luôn phải đối xử với nhau biết nhẫn nhục, tùy thuận, bằng lòng và còn phải biết tha thứ thương yêu, đùm bọc lẫn nhau, nhờ đó mới không làm khổ mình, khổ người. Ðây là giai đoạn tu tập giải thoát thứ nhất mà người cư sĩ và tu sĩ đạo Phật nào muốn cầu giải thoát thì cũng đều phải tu tập cho viên mãn.
Con người phi thường (MuốnChứngĐạo) Có ba phi thường: - Phi thường thứ nhất: làm chủ sinh, già, bệnh, chết. - Phi thường thứ hai: có ba trí tuệ siêu việt. - Phi thường thứ ba: tâm luôn bất động, thanh thản, an lạc và vô sự.
Công đức (TâmThư.2) là sống đúng giới luật chuyển được ác nghiệp, do chuyển được ác nghiệp mới không còn đau khổ, không còn đau khổ.
Công đức rất lớn (TruyềnThống.2) là nói đến thiện pháp, nhưng đừng hiểu thiện pháp hữu lậu, mà phải hiểu là giới luật. Giới luật là thiện pháp vô lậu, vì vô lậu mới có lợi ích rất lớn. Ðức Phật đã từng dạy: “Tam Vô Lậu Học” là Giới vô lậu, Ðịnh vô lậu, Tuệ vô lậu. Cho nên thiện pháp vô lậu của giới luật sẽ chuyển hoá tất cả ác pháp hay chuyển hoá nghiệp ác.
Cốt tủy thiền định hay nền tảng thiền định (ThiềnCănBản) của đạo Phật là chỗ ly dục, ly bất thiện pháp, phải nhắm vào đức hạnh và giới luật của đạo Phật để xả tâm, để ly ác pháp.
Cội nguồn sanh ra mọi đau khổ phiền não của con người (CầnBiết.2) gồm có 10 phiền não gốc: 1.- Tham: là lòng tham lam. 2.- Sân: là nóng giận. 3.- Si: là si mê, mờ ám, biết không rõ, không chính xác, không đúng, không thể nhìn thấy được sự thật, phán đoán được cái hay cái dở, cái tốt, cái xấu. 4.- Mạn: là ngã mạn, kiêu căng, tự đắc, là nâng cao mình lên và hạ người khác xuống; tự thấy mình là quan trọng mà khinh rẻ mọi người; mình có tiền của tài trí, có học thức, có bằng cấp cao, có quyền thế mà sanh tâm "sanh âm sanh dương" với người đức hạnh, chà đạp kẻ dưới, lấn lướt người trên. Mạn có bảy thứ: 1- Mạn: Nghĩ mình hơn người. 2- Ngã mạn: Ỷ mình hay giỏi mà lấn lướt người. 3- Quá mạn: Mình bằng người mà cho là hơn người, người hơn mình mà cho là bằng. 4- Mạn quá mạn: Người hơn mình nhiều mà cho mình hơn người. 5- Tăng thượng mạn: Chưa chứng Thánh quả mà cho mình đã chứng 6- Ty liệt mạn: Mình thua người nhiều mà nói mình thua ít. 7- Tà mạn: Người tu về tà mạn được chút ít thần thông, hoặc hiểu biết đôi chút việc quá khứ, vị lai, rồi khinh lướt người khác, xem trời đất không còn ai. 5.- Nghi: là nghi ngờ, là lòng nghi ngờ, ngờ vực, không tin. Nghi ngờ có ba: 1- Tự nghi: là nghi mình. 2- Nghi pháp: là nghi phương pháp mình đang tu, nghi pháp mình đang tu không đúng chánh pháp của Phật. 3- Nghi nhân: là nghi người dạy mình, không tin ông thầy dạy mình. 6.- Thân Kiến: là chấp thân ngũ uẩn tứ đại giả hợp này cho là Ta, là của Ta, là bản ngã của Ta. 7.- Biên Kiến: có nghĩa là chấp một bên, nghiêng về một phía, đó là những thành kiến rất cực đoan. Biên kiến có nhiều lối chấp sai lầm, trong đó, lớn nhất là 3 kiến chấp: 1- Thường kiến: Là một loại luận thuyết mơ hồ trừu tượng, cho rằng người chết còn linh hồn cho rằng có thế giới siêu hình, có bản thể vũ trụ, có tiểu ngã, đại ngã, có thần thức, có Phật tánh, có Thiên Ðàng, có Ðịa Ngục, có Ngọc Hoàng Thượng Ðế, có Chúa trời, có thần, quỷ, ma, v.v... Những người chấp thường kiến là những người thường sống trong mê tín, lạc hậu, sống trong mộng tưởng, xây dựng cảnh giới siêu hình, thường cầu cúng, tế, lễ bái và ước vọng làm những điều thiện để khi chết được sanh lên Cực Lạc Thiên Ðàng của cõi Trời, cõi Niết Bàn hay cảnh giới chư Phật. Thiền tông, Mật tông đều thuộc về thường kiến. 2- Ðoạn kiến: Là một loại luận thuyết chết cứng, khô cằn, cho chết là hết, không còn gì cả. Loại luận thuyết này khiến cho con người mất hết niềm hy vọng về tương lai. Cho nên người ta đặt ra câu hỏi: “Tương lai không có thì hiện giờ để làm gì? Ngày mai chết là hết”. Vì vậy, con người chấp đoạn kiến thì làm bao nhiêu ăn bấy nhiêu, chẳng còn biết nghĩ đến ai cả, sống chỉ quay cuồng trong dục lạc, sống theo kiểu hiện sinh không có ngày mai. Người chấp đoạn kiến là những người không thông suốt môi trường sống hợp duyên của các pháp. 3- Vừa thường vừa đoạn kiến: Có một luận thuyết cho rằng các pháp trong thế gian này vừa có vừa không như ngài Long Thọ: “Sắc tức thị không, không tức thị sắc”. Ðó là lối lý luận trườn uốn như con lươn, để rồi Ngài đẻ ra trí tuệ Bát Nhã chơn không, thành ra thường kiến. Cuối cùng, Ngài cũng như các nhà thường kiến khác, nhưng giỏi khéo lý luận để che mắt thiên hạ, chứ kỳ thực Chơn Không của Ngài đâu có khác gì thần thức, linh hồn, đại ngã, Phật tánh, bản thể vạn hữu, chỉ có khác là danh từ mà thôi. 8.- Kiến thủ là chấp chặt sự hiểu biết sai lầm của mình, có ba trường hợp: 1- Kiến thủ vì ảnh hưởng tư tưởng của người khác: Khi học hiểu một điều gì do lý luận của các nhà tư tưởng, như tư tưởng chơn không, Phật tánh, v.v... Cũng như thấy những hiện tượng nhập đồng, nhập cốt do cô, cậu hoặc linh hồn người chết oan nhập vào, nói đâu trúng đó, rồi cho đó có linh hồn người chết, có thế giới siêu hình, rồi chấp chặt, ai nói gì cũng không tin. Do sự chấp chặt này, họ phải chịu thiệt thòi nhiều mặt về sự tu hành cũng như về đời sống. 2- Kiến thủ vì không ý thức được sự sai lầm của mình: Hành vi của mình sai quấy, ý kiến của mình sai lầm, nhưng vì không đủ sáng suốt để nhận thấy, nên cứ bảo thủ hành vi, ý kiến của mình, tự cho mình là hay, là giỏi, ai nói gì cũng chẳng nghe. 3- Kiến thủ vì tự ái, hay vì ngoan cố cứng đầu: Biết mình làm như thế là sai, nói như vậy là không đúng, lỡ lời, nhưng vì tự ái, cứ bảo thủ cái sai cái không đúng của mình, không chịu thay đổi, không chịu sám hối, xin lỗi, không chịu từ bỏ, xa lìa. 9.- Giới cấm thủ: Có nghĩa là làm theo, sống theo giới cấm của ngoại đạo, tà giáo. Những giới cấm của tà giáo ngoại đạo này phần nhiều vô lý, phi đạo đức, mê muội, dã man, v.v... Những giới cấm này khiến cho con người bất hiếu và tự làm khổ mình. 10.- Tà kiến là chấp chặt theo lối không chân chánh, trái với sự thật, trái với luật nhân quả, phi đạo đức, mê tín. Nghĩa là trên đời này, cái gì ý thức không hiểu được, mà phải dùng tưởng thức để hiểu, hiểu như vậy là hiểu một cách mơ hồ, trừu tượng, không rõ, không thực tế, không cụ thể, thì đều gọi là tà kiến.
Cỗ xe Thân Hành Niệm (PhậtDạy.2) (CầnBiết.4) (MuốnChứngĐạo) gồm có tất cả các hành động nội ngoại của thân, nghĩa là hành động tay, chân và hơi thở phải được sắp xếp như thế nào cho hợp lí khi đi, đứng, nằm, ngồi, cúi đầu, nhìn, ngó, liếc v.v… Trong các hành động trong thân còn một hành động tự động của thân, đó là Hơi Thở, vì hơi thở là một hành động tự động của nội thân, nó rất quan trọng trong việc tu tập Thân Hành Niệm, nếu thiếu nó thì pháp Thân Hành Niệm chưa đủ. Trong lúc pháp môn Thân Hành Niệm chưa thành căn cứ địa, nhưng nó vẫn thành tựu như một cổ xe kiên cố, tuy rằng nó còn có mọi chướng ngại pháp xâm chiếm vào, nhưng cứ ôm pháp tiến lên để vượt qua các chướng ngại ấy để chiếc xe Thân Hành Niệm không dừng lại. Như vậy là đã kết hợp các Thân Hành Niệm thành được cổ xe kiên cố. Nếu cổ xe bị đứng lại khi bị những chướng ngại pháp thì chưa kết hợp các Thân Hành Niệm trở thành cổ xe mà chỉ mới tu tập pháp Thân Hành Niệm mà thôi.
Vần Ch
Chấm dứt tái sanh luân hồi (PhậtDạy.4) (ĐườngVề.3) tức là chấm dứt sự đau khổ của muôn vạn kiếp làm chúng sanh. Khi chấm dứt tái sanh luân hồi mang năng lượng tỉnh giác trí tuệ, luôn luôn lúc nào cũng ở trong trạng thái thanh thản, an lạc và vô sự, chỗ tâm không còn ái dục. Trong không gian có một từ trường thanh thản, an lạc và vô sự, vì thế người tu hành giữ gìn tâm không phóng dật là ở trạng thái từ trường đó, nên tâm không phóng dật. Trạng thái thanh thản, an lạc và vô sự bên ngoài không có thì tâm chúng ta cũng không giữ gìn được thanh thản, an lạc và vô sự. Chấm dứt được sanh tử luân hồi là từ bỏ được tâm tham chứng quả vô lậu A La Hán.
Chân nhân (Tạoduyên) Bậc tu chứng đạo.
Chân pháp (ĐườngVề.5) là “Giới, Ðịnh, Tuệ”.
Chế ngự (PhậtDạy.2) (TruyềnThống.2) (CầnBiết.3) nghĩa là làm cho nó giảm bớt, không còn tăng trưởng, không còn phát triển, không còn dính mắc với sáu trần, làm cho nó không còn dính mắc sáu trần nữa, không làm theo ý muốn. Chế ngự là ngăn chặn làm cho đối phương phục tùng, làm cho kẻ khác phải đầu hàng, làm cho giảm bớt, khiến đối phương phải làm theo ý lệnh của mình.
Chế ngự các căn (TrợĐạo) Trong thân con người có sáu căn. Ở đây chỉ tìm hiểu năm căn: 1- Nhãn căn (hai con mắt); 2- Nhĩ căn (hai lỗ tai); 3- Tỷ căn (hai lỗ mũi); 4- Thiệt căn (lưỡi); 5- Thân căn (cơ thể). Chế ngự các căn là làm cho căn không chạy theo các trần bên ngoài, không bị các trần bên ngoài lôi cuốn các căn. Căn và trần không lôi cuốn, không chạy theo thì tâm Bất động hiện tiền. Muốn tu chứng đạo hãy siêng năng Chế Ngự Các Căn. Muốn chế ngự các căn có kết quả hãy tu tập các pháp môn “Chánh Niệm Tỉnh Giác”. Chánh Niệm Tỉnh Giác là một pháp môn tu tập trên Thân Hành ngoại và Thân Hành Nội tức là nương vào Thân Hành tu tập.
Chết (12Duyên) là cơ thể bị hủy diệt, tử vong, các uẩn tàn lụn, hoại diệt v.v... đó là một sự khổ mà con người không ai tránh khỏi.
Chết khổ (ĐạoĐức.2) Chết khổ là sự dừng hơi thở, nhưng trước khi dừng hơi thở thì con người phải thọ lấy những sự khổ đau tận cùng của thân và tâm. Tâm thì lo âu cho những người thân: anh, chị, em, con, cháu... lo lắng những việc làm chưa xong còn bỏ dở... nuối tiếc lúc phân ly hay rất sợ hãi trước cái chết... Còn về cơ thể bị bệnh đau nhức bất an, trăn qua, trở lại, vật vã người, mệt nhọc khó thở, v.v... cho đến khi kiệt sức mới chịu dừng hơi thở, tức là chết... Chết khổ là một sự thật hiển nhiên, nên là chân lý của con người. Do mọi người đều chấp nhận “Bệnh khổ” nên nó là chân lý.
Chí nhân khổ cái khổ của người, vui cái vui của muôn loài. Cái vui này là cái vui vô lượng (TâmThư.1) Người tu sĩ Phật giáo thấy cái ác, cái khổ của người liền tìm cách khuyên ngăn đừng làm ác và giúp cho người thóat khổ, để đem lại cho người nguồn vui hạnh phúc, chứ không làm cho người khổ hoặc bơi móc chuyện xấu của nguời hoặc nói xấu hoặc nói thêu dệt, thêm bớt hoặc nói li gián, v.v... Cho nên người tu sĩ Phật giáo lấy cái vui của người và lấy cái thiện để chuyển hóa cái khổ của người để làm nguồn vui chung cho mình, cho người. Người tu sĩ Phật giáo không có cái vui riêng cho mình. Vì vui buồn đối với người tu sĩ Phật giáo chỉ là pháp vô thường nên chẳng vui cũng chẳng buồn, lúc nào thân tâm cũng thanh thản, an lạc và vô sự mà thôi.
Chỉ nhận sự cúng dường vừa đủ (PhậtDạy.4) Ðây là lời khuyên của đức Phật đối với những đệ tử xuất gia. Khi đi khất thực thì nhận sự cúng dường vừa đủ, không nên tham nhiều, không nên đòi hỏi món này, món kia, ai cho gì ăn nấy, dở ngon không cần, chỉ ăn để sống, sống để tu hành ly dục ly ác pháp, ly tất cả dục lạc trên cõi đời này, sống trong hạnh thiểu dục tri túc để luôn luôn sống đúng phạm hạnh; không phải ăn để mập, để béo, để hưởng thụ. Phải lấy câu này làm các câu tác ý tự kỷ ám thị hằng ngày để nhắc nhở tâm ít muốn biết đủ (thiểu dục tri túc). Giới luật mới nghiêm chỉnh không hề vi phạm một lỗi nhỏ nhặt nào; mới ly dục ly ác pháp; tâm mới thanh thản, an lạc và vô sự; nhờ đó mới chứng đạt chân lí.
Chi phối (PhậtDạy.1) (CầnBiết.3) là tác dụng điều khiển.
Chỉ trích (Phậtdạy.3) là sự nói xấu người khác. Có ba cách: 1- Ðặt điều ra nói xấu người. 2- Bới móc chuyện xấu của người khác, để tỏ ra mình là người tốt. 3- Phê bình chỉ trích những việc làm của kẻ khác, để tỏ ra mình là người thông thái.
Chiếc bè sang sông (PhậtDạy.4) (CầnBiết.5) Không còn dùng nữa, cho nên đức Phật cho nó là chiếc bè sang sông. Những giáo pháp của Phật được gọi là chiếc bè sang sông là các pháp môn Định Niệm Hơi Thở, Định Vô Lậu, Định Sáng Suốt, Tứ Thần Túc. Những giáo pháp của Phật không phải chiếc bè sang sông là Tứ Vô Lượng Tâm, Tứ Bất Hoại Tịnh, Tứ Niệm Xứ, Định Vô Lậu Sáng Suốt, Định Chánh Niệm Tỉnh Giác và giới luật.
Chiêm bao (LinhHồn) là cái thức Tưởng trong thân con người hoạt động, do tưởng thức của chúng ta tạo ra hình ảnh của người khác. Sống với ý thức thì không có chiêm bao được.
Chiên Ðà La (TruyềnThống.2) là giai cấp cùng đinh, làm nô lệ, tôi tớ, tay sai cho người khác.
Chín đức hạnh (Giới Bát Quan Trai) (ĐườngVề.9) gồm có: 1/ Ðức hiếu sinh (Lòng thương yêu sự sống của muôn loài). 2/ Ðức buông xả (Không gian tham trộm cắp cướp giựt, móc túi, lấy của không cho). 3/ Ðức chung thủy (Không tà dâm lấy vợ người, chồng người khác). 4/ Ðức thành thật (Không nói dối). 5/ Ðức sáng suốt (Không uống rượu). 6/ Ðức tự nhiên (Không trang điểm, đeo vòng vàng chuỗi ngọc và thoa dầu thơm). 7/ Ðức trầm lặng độc cư (Không ca hát, không nghe ca hát, không gõ mõ tụng kinh, niệm Phật, niệm chú). 8/ Ðức thanh bần (Không nằm giường cao rộng lớn). 9/ Ðức ly dục (Không ăn uống phi thời, Không ăn uống lặt vặt, chỉ ăn ngày một bữa).
Tám giới luật Phật tức là chín đức hạnh.
Chịu đựng khổ thọ (12Duyên) Khi cảm giác khổ thọ tận cùng của sức chịu đựng thì trở nên mát lạnh. Các cảm thọ là Vô Thường thì tâm không còn ưa thích và cũng không còn sợ hãi, vì thế khổ thọ đối với chúng ta không còn ý nghĩa tác dụng nên chúng ta vẫn thản nhiên, tâm bất động. Khổ thọ vẫn là pháp Vô Thường nên nó không làm gì được chúng ta. Đối với pháp Vô Thường chúng ta đừng sợ, đừng dao động tâm thì Khổ Thọ sẽ tan biến. Hãy cố gắng gan dạ chịu đựng sự đau khổ tận cùng sinh mạng mình thì Khổ Thọ sẽ tan biến. Do đó khổ thọ không còn tác động vào tâm được, tâm không còn dao động và trở nên mát lạnh, và cơ thể chỉ còn là một cái thây ma vô tri mà thôi.
Chịu thọ khổ trong cảnh địa ngục tại trần gian (GiớiĐức.1) để cho mọi người trông thấy cảnh bịnh tật, khổ đau tận cùng khi tu hành chưa đến nơi, đến chốn, bị tưởng giải mà viết dịch sai ý kinh sách khiến tín đồ Phật giáo hiểu sai kinh điển Phật giáo là tự mình phỉ báng Phật Pháp; Tăng, ni ăn uống phi thời, ngồi lều, ngồi quán; đi đứng, nói nín, oai nghi tế hạnh chẳng có; tăng, ni nam nữ chung chạ gần gũi... Tất cả những lỗi này tăng, ni phải nhiều đời nhiều kiếp đọa địa ngục và còn tái sanh làm thân súc sanh. Do thế, tất cả giới luật của Phật rất quan trọng đối với tăng, ni khi đã cắt ái ly gia, xuất gia học đạo, thì phải hết sức giữ gìn giới luật.
Chú tâm cảnh giác (PhậtDạy.1) biết chú tâm cảnh giác từng tâm niệm, từng đối tượng của mình để ngăn và diệt các pháp ác, đó là người đang thể hiện Hạnh Ðức của mình. Ðó là Ðịnh Vô Lậu trên Tứ Niệm Xứ, là Hạnh Ðức của vị tu sĩ và của vị cư sĩ.
Chú tâm tỉnh giác (12Duyên) (CầnBiết.4) là pháp môn nương vào thân hành niệm nội và ngoại tu tập để đoạn tận lậu hoặc: 1/ Chánh Niệm Tỉnh Giác 2/ Mười tám đề mục Định Niệm Hơi Thở. 3/ Thân Hành Niệm. Nếu ai tu đúng pháp Chú tâm tỉnh giác thì sức tỉnh giác rất cao, tỉnh giác trong cuộc sống hằng ngày, có việc gì xảy đến đều hóa giải một cách dễ dàng, có nghĩa là đẩy lui các chướng ngại pháp một cách dễ dàng. Còn nếu ai tu sai thì bị ức chế tâm, sinh ra các trạng thái tưởng và có thể rối loạn thần kinh, hoặc đứt mạch mao phế quản trong phổi. Muốn được tỉnh giác thì chỉ có pháp Như Lý Tác Ý và đi kinh hành. Cách chú tâm tỉnh giác là vị Tỳ kheo ban ngày trong khi đi kinh hành và ngồi, tâm gọt sạch các triền cái. Ban đêm trong canh một, trong khi vị ấy đi kinh hành và ngồi, tâm gọt sạch các pháp triền cái. Ban đêm trong canh giữa, vị ấy nằm phía hông bên hữu, trong tư thế con sư tử, chân này đặt lên chân kia, chánh niệm tỉnh giác, tác ý tưởng đến lúc ngồi dậy. Ban đêm trong canh cuối, trong khi vị ấy đi kinh hành và ngồi, tâm gọt sạch các pháp triền cái, như vậy gọi là chú tâm tỉnh giác”.
Chùa (Tạoduyên) là nơi để tu hành giải thoát, không phải chùa là nơi để nghỉ mát, nghỉ hè, làm việc mê tín, dị đoan. Chùa là nơi để cho tăng, ni tu tập giải thoát khỏi sự khổ đau của cuộc đời và chấm dứt tái sanh luân hồi, chứ không phải là trường học, trạm y tế, Tuệ Tĩnh đường, phòng thuốc từ thiện xã hội. Đến chùa cốt là để học hỏi những lời vàng ngọc của Phật, để tu học giải thoát thân tâm, để vượt ra khỏi cảnh đời ô trược, chứ không phải đi tìm cái ăn cái ở trong chùa, đi tìm cái được mạnh giỏi, đi tìm cái phù hộ, cái gia bị của đức Phật.
Chùa Am (ChùaAm) ngày xưa chỉ là một túp lều tranh với một cốt tượng Phật Thích Ca Mâu Ni bằng đất sét do anh em mục đồng và ông sơ vị trụ trì đời thứ 5 chùa Am (là Thầy Thông Lạc) khéo tay làm ra. Ngày nay cốt tượng ấy đã bị giặc Pháp càn quét đập phá tan nát làm mất một di chứng lịch sử, thật đáng tiếc. Chùa Am ngày nay là một cơ sở giáo dục đào tạo đạo đức nhân bản – nhân quả của Phật giáo, sống không làm khổ mình, khổ người và khổ tất cả chúng sinh, nó có tám lớp học đạo đức để đào tạo những con người hữu duyên từ phàm phu, trở thành những bậc Thánh Hiền. Chùa Am cũng hiểu mọi việc đều do duyên nhân quả phước báu của mọi người, nếu mọi người không đủ phước báu thì dù có muốn cũng không làm nên được, cho nên làm được hay không đều do phước của mọi người chớ không phải do người chủ trương, đời họ làm chưa xong thì các thế hệ đời sau sẽ nối tiếp chí hướng đó mà không bao giờ bỏ cuộc.
Chuyên cần, tinh tấn (Phậtdạy.3) (CầnBiết.4) là phải bền chí siêng năng không lúc nào biếng trể, phải luôn luôn hăng hái sửa đổi, cải thiện những tính ác của mình và luôn luôn làm những điều lành, đoạn diệt những điều dữ và lòng ham muốn của mình. Phàm làm người ai cũng đều có những lỗi lầm. Có những lỗi lầm nhưng biết sửa mình, biết cải hối, biết làm cho mình sống thiện, biết sửa sai những điều ác để trở thành sống trong những điều thiện. Từ những người xấu trở thành những người tốt đều là những người biết cải hối, ăn năn, biết xấu hổ với những việc làm ác của mình thì người ấy sẽ trở thành người thiện, người tốt, người có ích lợi cho mình, cho người, cho xã hội, v.v...
Chư ác mạc tác. Chúng thiện phụng hành (CầnBiết.5) nghĩa là: Các Pháp ác không nên làm, nên làm các pháp thiện. Hai câu này là chỉ cho pháp hành, tức là gieo nhân thiện, diệt nhân ác. Gieo nhân thiện diệt nhân ác tức là hằng ngày phải sống bằng những hành động thiện. Sống bằng những hành động thiện là luôn suy nghĩ những điều thiện và ngăn chặn những ý niệm điều ác; luôn nói những lời lành và ngăn chặn những lời nói ác; luôn làm những việc lành và ngăn chặn làm những việc ác.
Chư Thiên tăng thì con người giảm, chư thiên giảm thì con người tăng (ĐườngVề.9) có nghĩa là từ trường thiện tăng thì từ trường ác giảm, từ trường ác tăng thì từ trường thiện giảm. Nói cách khác cho dễ hiểu hơn nhân quả thiện tăng thì nhân quả ác giảm, nhân quả ác tăng thì nhân quả thiện giảm. So sánh luật nhân quả là so sánh thiện và ác, cho nên trong sáu nẻo luân hồi của đạo Phật là sáu trạng thái của tâm: 1- Trời là trạng thái tâm sống trong 10 điều lành gọi là thập thiện. 2- Người là trạng thái tâm sống trong năm điều lành gọi là ngũ giới. 3- A tu la là trạng thái nóng giận, la hét, chửi mắng, đấm ngực, cào mặt. 4- Ngạ quỷ là trạng thái đang bị đói mà không có thực phẩm ăn. 5- Súc sanh là trạng thái ti tiện nhỏ mọn, ích kỷ. 6- Ðịa ngục là trạng thái đau khổ như đang đau nhức do bệnh tật, do bị đánh đập.
Chưa chứng đạo (TâmThư.2) Giới luật chưa nghiêm chỉnh, còn ăn uống phi thời, chưa sống thiểu dục tri túc, còn dùng phương pháp dưỡng sinh trị bệnh là chưa chứng đạo.
Chứng đắc những gì chưa chứng đắc (CầnBiết.4) là Nhập Bốn Thiền
Chứng đạo (PhậtDạy.1) (PhậtDạy.4) (12Duyên) (Đường Về.7) (ĐườngRiêng) (TâmThư.1) (TâmThư.2) Chứng đạo là sạch Vô Minh, Minh hiện tiền, là tâm bất động trước các pháp và các cảm thọ. Chứng đạo là chứng một đạo lực có Bốn Thần Túc để thực hiện Tam Minh, làm chủ sanh, già, bệnh, chết và chấm dứt tái sinh luân hồi, trước khi chết phải biết mình đi về đâu? ở đâu? phải làm chủ được sự sống chết. Chứng đạo là chứng trạng thái tâm định tĩnh, nhu nhuyễn, dễ sử dụng. Khi ý thức muốn sai bảo thân tâm làm một việc gì thì thân tâm làm theo đúng như ý.
Chứng đạo chỉ là sống với một tâm không bị dục lậu, hữu lậu và vô minh lậu tác động, tâm không còn tham pháp, sân pháp, si pháp. Trong sự chứng đạo chỉ có một điều quan trọng nhất, đó là phải sống đúng giới luật. Chứng đạo không có nghĩa là chứng thần thông, phép lực cao cường, hô phong, hoán võ, tàng hình, biến hóa, đằng vân, độn thổ, biết chuyện quá khứ, vị lai của mọi người, v.v... mà chứng đạo chỉ là tâm bất động trước các ác pháp và các cảm thọ. Cho nên, chứng đạo không có chứng một cái gì cao siêu, huyền bí và vĩ đại cả, chỉ là sống với cái tâm bình thường như mọi người, nhưng không có chướng ngại pháp nào làm cho tâm người ấy bị giao động, lúc nào cũng sống với tâm thanh thản, an lạc và vô sự. Tâm không kềm chế; không bị bắt buộc phải tu tập như thế này, phải làm như thế kia.
Chứng đạo của Phật giáo là chứng một điều gì có lợi ích giải thoát khỏi mọi sự ưu bi sầu khổ và bệnh tật nơi thân tâm mình, chứ không phải chứng đạo để nói suông, để làm chiêm tinh gia, để trở thành những nhà ảo thuật. Người tu chứng đạo mới giảng giải nỗi nghĩa lý thâm sâu của kinh sách Phật, Nếu tâm tham, sân, si còn đủ (người tu chưa chứng đạo) thì làm sao hiểu được kinh sách Phật. Chứng đạo là phải chứng nghiệm bằng hành động sự thật chứ không phải bằng lời nói suông, phải nhập Tứ Thánh Ðịnh một tuần lễ, ai chửi mắng hay làm bất cứ một việc gì, biết mà vẫn thản nhiên Tâm Bất Động. Ðường đi đến chứng đạo là con đường Tứ Niệm Xứ. Nếu không trên pháp môn Tứ Niệm Xứ tu tập thì không bao giờ chứng đạo, nhưng trên Tứ Niệm Xứ tu tập thì phải tỉnh giác, nếu thiếu tỉnh giác thì không tu tập được. Năng lực của những người tu chứng đạo là ý thức của họ hoàn toàn chủ động điều khiển sự sống chết của cơ thể họ. Cho nên người tu chứng đạo làm chủ sự sống chết không có khó khăn, không có mệt nhọc. Người chứng đạo là người sống trọn vẹn đầy đủ đạo đức làm người không làm khổ mình, không làm khổ người và không làm khổ tất cả chúng sanh. Ðạo Phật không chấp nhận thần thông, cho nên phải dẹp nó qua một bên, có nghĩa là xem thần thông không quan trọng, có thần thông hay không có thần thông không phải là chỗ chứng đạo của Phật giáo.
Chứng đạo của Đức Phật xẩy ra khi tâm đức Phật bất động thanh thản, an lạc và vô sự kéo dài từ ngày này sang ngày khác, cho đến khi tâm bất động thanh thản, an lạc và vô sự hoàn toàn, khi các ác pháp chướng ngại không còn nữa, thì đức Phật cảm nhận tâm mình bất động thanh thản an lạc và vô sự luôn luôn đang ở trên bốn chỗ của thân, thọ, tâm, pháp. Đức Phật để cho trạng thái tâm tự nhiên đó kéo dài suốt 7 ngày đêm liền. Sau khi ở trong trạng thái này suốt 7 ngày đêm như vậy thì đức Phật biết mình đã chứng đạo.
Chứng đạt (PhậtDạy.4) (CầnBiết.5) là nhập vào pháp đó, sống như pháp đó, nhưng trước khi chứng đạt cần phải giác ngộ. Nhập vào giáo pháp đó gọi là nhập lưu, nhập lưu tức là nhập vào dòng Thánh, nhập vào dòng Thánh tức là tâm phải ly dục ly ác pháp. Còn tâm chưa ly dục ly ác pháp thì không làm sao nhập vào dòng Thánh được. Ở đây đức Phật nêu ra bốn pháp giải thoát cần tu tập. Ðó là Thánh giới, Thánh định, Thánh tuệ, Thánh giải thoát, nhưng khi tu tập pháp Thánh giới thành tựu thì thành tựu luôn ba pháp kia. Muốn thành tựu ba pháp kia thì phải thành tựu Thánh giới. Cho nên, thành tựu ba pháp kia là thành tựu một pháp Thánh giới này. Tám lớp học (Bát Chánh Ðạo) mà hết bảy lớp tu học về giới luật, chỉ có một lớp tu định và ngay khi nhập định là triển khai trí tuệ Tam Minh trong lớp đó. Như vậy xét thấy Thánh định, Thánh tuệ và Thánh giải thoát chỉ có một lớp học mà thôi. Trên Tứ Niệm Xứ giữ gìn giới luật nghiêm túc đừng để vi phạm một lỗi nhỏ nhặt nào, thì ngay đó là đã được giải thoát tâm vô lậu, tuệ vô lậu. Nhập vào dòng Thánh là tâm phải ly dục ly ác pháp, còn tâm chưa ly dục ly ác pháp thì không làm sao nhập vào dòng Thánh được.
Chứng đạt chân lí (PhậtDạy.4) (Tạoduyên) Chứng đạt chân lí của Phật giáo là chứng đạt tâm Bất Động, là tâm vô lậu, tức là chứng quả A La Hán. Trước khi muốn chứng quả A La Hán thì phải học và tập sống đạo đức nhân bản - nhân quả, luôn luôn không làm khổ mình, khổ người và khổ tất cả chúng sanh. Chứng đạt chân lí là ly dục ly ác pháp trên bốn chỗ thân, thọ, tâm và pháp. Nhờ có ly dục ly ác pháp trên bốn chỗ thân, thọ, tâm và pháp mới chứng đạt chân lí. Muốn chứng đạt chân lí tức là muốn tâm thanh tịnh không còn một chút tham pháp, sân pháp, si pháp thì phải siêng năng tu tập. Khi chứng đạt được những chân lí này thì mới dám tuyên bố: “Chỉ đây là sự thật, ngoài ra đều sai lầm”.
Chứng đạt những gì chưa chứng đạt (CầnBiết.4) là Ly dục ly ác pháp
Chứng đạt Thánh giới luật (PhậtDạy.4) Khi sống được tâm thanh thản, an lạc và vô sự, sống đem lại lợi ích cho mình, cho người, tức là sống không làm khổ mình, khổ người, khổ cả hai, tâm luôn luôn bất động trước các ác pháp và các cảm thọ, đó là tâm thanh thản, an lạc và vô sự. Thánh giới luật mà không được nghiêm trì thì Thánh định, Thánh tuệ, và Thánh giải thoát không làm sao có được. Thánh giới luật nghiêm chỉnh thì Thánh định, Thánh tuệ, Thánh giải thoát sẽ hiện tiền rõ ràng, thì sự tu tập không còn khó khăn, không còn mệt nhọc. Bởi vậy, trên Tứ Niệm Xứ giữ gìn giới luật nghiêm túc đừng để vi phạm một lỗi nhỏ nhặt nào, thì ngay đó là đã được giải thoát tâm vô lậu, tuệ vô lậu.
Chứng ngộ những gì chưa chứng ngộ (CầnBiết.4) là Thông suốt Tam Minh.
Chướng ngại pháp (ThờiKhóa) không khác dục và ác pháp nhưng còn rõ nghĩa hơn. Ví dụ như ngồi kiết già hai chân đau, đó là chướng ngại pháp; sáng muốn ăn, chiều muốn uống sữa, đó cũng là chướng ngại pháp; v.v...
Chương trình giáo dục đào tạo lớp ngũ giới (TâmThư.1) là một chương trình chọn lựa để đưa người vào lớp chuyên tu. Vào tu viện Chơn Như là vào đại giới đàn không được đi đây đi đó tự do, khi đi ra khỏi giới đàn mà không có duyên sự chính đáng thì không được rời khỏi giới đàn.
Chọn lựa pháp thiện (ĐườngVề.9) có hai cách: 1.- Chọn lựa pháp thiện loại trừ pháp ác tức là tu tập Ðịnh Vô Lậu, mà trong kinh dạy: “Với trí tuệ suy tư, tư duy, thẩm sát pháp ấy trong khi ấy Trạch Pháp Giác Chi bắt đầu khởi lên”. Khi Trạch Pháp Giác Chi bắt đầu khởi lên tức là chúng ta biết rất rõ pháp nào thiện và pháp nào ác rất cụ thể, và chúng ta không còn lầm lạc nên diệt trừ các ác pháp và lòng ham muốn của mình rất dễ dàng, tức là đẩy lui các chướng ngại pháp trong tâm. Người muốn tu Trạch Pháp Giác Chi thì giữ gìn tâm thanh thản, an lạc và vô sự tức là tâm tỉnh giác, ở tâm tỉnh giác đó mà Trạch Pháp Giác chi thì rất hiệu quả, có nghĩa là ngăn ác và diệt ác pháp rất dễ dàng và dùng pháp hướng tâm điều khiển không mấy khó khăn. Cho nên kinh dạy: “Trong khi ấy Trạch Pháp Giác Chi được tỳ kheo tu tập đi đến viên mãn”, có nghĩa là chúng ta thường tu tập chọn lựa pháp nào thiện và loại trừ pháp nào ác và thường hướng tâm đuổi ác pháp đi thì tâm của chúng ta thanh thản, an lạc, và vô sự, nhờ tâm thanh thản an lạc và vô sự chúng ta cảm thấy sự giải thoát an lạc rất rõ ràng và cụ thể, do đó tự động chúng thích tu tập Trạch Pháp Giác Chi vì tu tập Trạch Pháp Giác Chi có lợi ích thật sự cho cuộc sống của chúng ta. 2.- Chọn lựa câu pháp thiện dùng làm pháp hướng tâm cho đúng đối tượng pháp môn của mình đang tu. Ví dụ: đang tu định Sơ Thiền mà dùng câu pháp hướng tâm “diệt âm thanh hay tịnh chỉ tầm tứ” là không đúng, mà phải dùng câu pháp hướng tâm “Tâm ly dục ly ác pháp nhập Sơ Thiền”. Sự lựa chọn như vậy gọi là Trạch Pháp Giác Chi. Trạch Pháp Giác Chi là sự chọn lựa một câu pháp để tâm mình huân tập sự giải thoát như ý muốn của mình trong ý nghĩa của câu ấy.
Chơn pháp (CầnBiết.1) là “Giới, Ðịnh, Tuệ”.
Chơn tâm (ĐườngVề.2) là sự tưởng giải của kinh sách phát triển Ấn Ðộ, ảnh hưởng Lão giáo đẻ ra thiền Ðông Ðộ. Mục đích của người tu thiền Ðông Ðộ là kiến tánh rồi khởi tu (thấy tánh rồi mới tu) tu như vậy gọi là “bảo nhậm”, giữ “ông chủ” đó là chỗ ngộ được chơn tâm rồi mới sống với nó, chứ không phải nhập chơn tâm vì đã nhập vào thì đâu còn gì phải nuôi dưỡng. Mục đích của thiền Ðông độ không phải làm chủ sanh tử, chấm dứt luân hồi, mà chỉ nhắm vào bản thể bất biến thường hằng bốn tánh Niết bàn “thường, lạc, ngã, tịnh”. Pháp môn Thiền Ðông Ðộ không phải là Phật Pháp nên không làm chủ sự sống chết và chấm dứt luân hồi.
Chớ có tin (ĐườngVề.1) 1- Chớ có tin vì nghe truyền thuyết, 2- Chớ có tin vì nghe theo truyền thống, 3- Chớ có tin vì nghe người ta nói đồn, 4- Chớ có tin vì được kinh tạng truyền tụng, 5- Chớ có tin vì nhân lý luận siêu hình, 6- Chớ có tin vì đúng theo một lập trường, 7- Chớ có tin vì đánh giá hời hợt những dự kiện, 8- Chớ có tin vì phù hợp với định kiến của mình, 9- Chớ có tin vì nơi phát xuất có uy quyền, 10- Chớ có tin vì bậc Sa Môn là Ðạo Sư của mình.