102-TRẢ LỜI NHỮNG CÂU HỎI - TL Thích Thông Lạc

ĐẮC ĐẠO, ĐẮC PHÁP, ĐẮC QUẢ.

Hỏi 1: Muốn đắc đạo ngay trong kiếp sống này, thì cần phải hội đủ các yếu tố, điều kiện nhân duyên nào?

Đáp: Muốn đắc đạo ngay trong kiếp sống này, thì cần phải hội đủ các yếu tố, điều kiện nhân duyên như sau:

              1- Phải có ý chí dũng mãnh;
              2- Phải có nghị lực kiên cường;
              3- Phải bền lòng, không nản chí trước những khó khăn;
              4- Phải gan dạ, và nhất là phải có lòng tin nơi Phật, Pháp, Tăng tuyệt đối.

Khi hội đủ các yếu tố trên, dù có đứng trước cái chết con cũng không hề nao núng bỏ pháp, do đó, chỉ trong một kiếp này con đạt được đạo.

Hỏi 2: Đắc đạo và đắc pháp có cùng nghĩa với nhau không?

Đáp: Đắc đạo khác với đắc pháp, vì đắc đạo là thành tựu sự giải thoát toàn diện, còn đắc pháp thì mới đạt được từng phần của đạo. Cho nên đắc đạo, đắc pháp không giống nhau.

Ví dụ: Con học xong chương trình Tiểu học thì phải thi tốt nghiệp Tiểu học. Khi tốt nghiệp Tiểu học xong, con phải thi vào Trung học. Khi tốt nghiệp Trung học xong, con phải thi vào Đại học. Khi tốt nghiệp xong Đại học thì con mới hoàn thành kiến thức của chương trình giáo dục.

Đắc pháp cũng giống như thi tốt nghiệp của mỗi cấp. Cho nên mới thi tốt nghiệp cấp Tiểu học mà cho rằng học hết chương trình giáo dục là sai, không đúng được. Do đó, đắc pháp không thể gọi là đắc đạo được.

Pháp của Phật có tám lớp: Chánh kiến, Chánh tư duy, Chánh ngữ, Chánh nghiệp, Chánh mạng, Chánh tinh tấn, Chánh niệm, Chánh định; và gồm có ba cấp: Giới, Định, Tuệ. Cho nên, học và tu tập xong lớp Chánh kiến thì mới đắc pháp lớp Chánh kiến. Đắc pháp lớp Chánh kiến thì không thể gọi là đắc đạo được. Đến đây có lẽ con đã hiểu rõ rồi chớ?

Hỏi 3:  Đắc Sơ Quả có giống Sơ Thiền không?

Đáp: Sơ Quả tức là Tu Đà Hoàn; Tu Đà Hoàn là quả Nhập Lưu; Nhập Lưu tức là vào dòng Thánh; vào dòng Thánh thì phải ly dục, ly ác pháp; mà đã ly dục, ly ác pháp thì nó tương đương với Sơ thiền. Cho nên kinh dạy: “Ly dục, ly ác pháp nhập Sơ Thiền, do ly dục sanh hỷ lạc”. Vì vậy Sơ Quả tức là Sơ Thiền.

Do tu tập Sơ Thiền mới đắc được Sơ Quả, ngoài Sơ Thiền thì không bao giờ có Sơ Quả. Trong Sơ Thiền có trạng thái Sơ Thiền Thiên. Đó là trạng thái ly dục ly ác pháp.

Hỏi 4: Trong các tích chuyện của kho tang chân lý (Dammapada), có nhắc đến một cô gái nọ trẻ đẹp, giàu có. Khi gặp Phật nghe pháp đắc Sơ Quả, mà cô đã có chồng và con. Cũng một số gia đình gặp Phật, vợ hoặc chồng đều đắc quả như: Tu Đà Hoàn, Tư Đà Hàm, v.v... mà qua Thầy dạy tiến trình tu tập để đạt Thánh quả phải sống nghiêm chỉnh giới luật... Đặc biệt,  phải đoạn trừ ái kiết sử và ngũ triền cái. Vậy những thành phần có gia đình mà đắc Thánh quả đó có mâu thuẫn với lộ trình tu tập không ạ?

Đáp: Trong các chuyện tích (tiền thân Đức Phật) người cư sĩ nghe pháp đắc Sơ Quả, đó là do sự kiết tập sai của các Tổ.

Người cư sĩ nghe pháp đắc pháp nhãn thanh tịnh thì có, chứ không thể đắc Sơ Quả được. Vì Sơ Quả là quả Thánh, không thể nghe xong bài pháp mà thành Thánh được. Vì tập khí con người quá nhiều, phải nhiệt tâm, nhiệt quyết tu tập hết sức mình mới quét sạch tập khí nhiều đời, chứ không phải là một việc dễ làm như trong chuyện tích nói. Các bạn lấy kinh nghiệm tu tập của mình thì biết rất rõ. Cho nên không thể nào tin một điều nói không thực tế.

Pháp Nhãn Thanh Tịnh là gì? Pháp nhãn thanh tịnh là một tên khác của Chánh Kiến; chánh kiến tức là cái thấy biết không làm khổ mình, khổ người; có nghĩa là cái thấy biết nhẫn nhục và xả tâm. Ở đời, người ta nhẫn nhục bằng cách chịu đựng, chứ không phải nhẫn nhục bằng cách xả tâm để ly dục, ly ác pháp. Do thấu suốt lý lẽ cuộc đời, biết nhẫn nhục mà xả tâm, vì thế mới gọi là pháp nhãn thanh tịnh.

Người còn Ái Kiết Sử, Ngũ Triền Cái mà vào dòng Thánh thì làm sao vào được! Có tương ưng chỗ nào đâu mà vào. Khi đọc kinh đến đây, thì con nên tư duy suy nghĩ rằng: những bài kinh này không phải là kinh của Phật thuyết, mà là kinh của Ma thuyết.

Hỏi 5: Thưa Thầy, các sư Nam tông dạy rằng: Nếu đắc Sơ Thiền (Tu Đà Hoàn) thì vẫn còn có gia đình chồng con, vợ con và được hưởng phước báo như chư Thiên, sung sướng đầy đủ, v.v... nhưng vẫn luân hồi tái sanh trong 7 kiếp, đến kiếp thứ 7 thì tu tập đắc quả A La Hán. Đúng thế không thưa Thầy?

Thưa Thầy tôn kính! Trôi lăn trong bao kiếp luân hồi, cũng như long đong, lao đao trong kiếp sống, nay được đến với Thầy, con tâm nguyện được thành tựu trên bước đường tu đạo. Đây là cơ hội và duyên lành của con. Nhưng con vẫn cảm thấy duyên và động lực chưa có thể thúc đẩy con. Con rất cần sự gia lực nơi Thầy!

Đáp: Con hãy tư duy, khi vào dòng Thánh thì làm sao còn Dâm Dục được, mà vẫn còn có gia đình chồng con, vợ con được? Còn Dâm Dục là còn có chồng con, vợ con; còn có chồng con, vợ con là còn phàm phu; còn phàm phu thì chỉ có chứng quả Hướng Lưu, nghĩa là mới hướng về Thánh quả, chứ chưa dự vào dòng Thánh (Nhập Lưu) được.

Giảng như các sư Nam tông là giảng theo chữ nghĩa kiến tưởng giải của tà kiến ngoại đạo, không đúng nghĩa của Phật dạy.

Nếu nói Phật dạy: “Chứng quả Tu Đà Hoàn còn phải bảy kiếp nữa mới chứng quả A La Hán”, lời dạy này cũng có ý đúng, nhưng chúng ta phải hiểu: Nếu một người nhập vào dòng Thánh (Tu Đà Hoàn) mà cứ giữ tâm ở tại trạng thái ly dục, ly ác pháp nhập Sơ Thiền này, để thọ hưởng cảnh giới Sơ Thiền Thiên, mà không chịu tiến lên tu tập nữa để chứng quả A La Hán, thì trạng thái này chỉ kéo dài được 7 kiếp. Trong thời gian 7 kiếp ấy, tâm không bị lui sụt thì người ấy đủ năng lực Bảy Giác Chi để nhập Tam Thiền, Tứ Thiền và thể hiện Tam Minh, chứng quả A La Hán.

Câu này còn có nghĩa là một người ly dục, ly bất thiện pháp, nhập Sơ Thiền suốt 7 ngày sẽ chứng quả A La Hán; nếu 7 ngày chưa chứng thì 7 tháng; nếu 7 tháng chưa chứng thì 7 năm. Còn nếu lui sụt lại làm người, và làm người thì có chồng con, vợ con như những người khác là một sự thường tình của thế gian. Lúc bấy giờ không còn nhập vào dòng Thánh nữa. Nhập vào dòng Thánh tức là Thánh, mà Thánh sao lại có chồng con, vợ con giống như người thế tục vậy???!!!

Cho nên, vì những điều trên đây, mọi người chưa tu chứng quả A La Hán thì nên im lặnh như Thánh, không được giảng thuyết, làm sai ý Phật, khiến cho Phật giáo suy đồi, và như thế thì Phật giáo sẽ mất gốc, thì tội ấy về ai các bạn có biết không?

Khi nào giữ hạnh độc cư trọn vẹn, thì con đường tu tập mới đủ mọi động lực tiến tới chứng đạo. Nhưng giữ gìn độc cư thường bị hôn trầm, thuỳ miên, vô ký và loạn tưởng tấn công; nó là những tên giặc cứng đầu nhất, cần phải lưu ý để diệt trừ cho bằng được.

Khi giữ hạnh Độc Cư thì Hôn Trầm, Thuỳ Miên, Loạn Tưởng và còn bao nhiêu ác pháp cản trở sẽ tấn công tới tấp, khiến cho con đường tu tập của các bạn sẽ gặp nhiều khó khăn. Do sự khó khăn đó, các bạn thiếu ý chí sẽ bỏ cuộc tu hành. Và như vậy sẽ lỡ dở, đời chẳng ra đời; đạo chẳng ra đạo.

               Chúc con tu tập xả tâm tốt, nhớ xả tâm kỹ, chóng đạt thành sự giải thoát.
               Thầy của con

TRÁI ĐẤT, SỰ SỐNG VÀ THỜI GIAN

              Hỏi 1: Kính thưa Thầy, ngoài trái đất ra, trong vũ trụ còn có sự sống nào khác không?

Đáp: Trong vũ trụ mênh mông vô tận như thế này, mà chỉ có một hành tinh sống như trái đất thì thật là không có. Nếu nói có mà mọi người chưa ai biết, thì mọi người có cho mình nói dối không? Vì nói như vậy có ai tin không? Nói mà không có ai tin là nói dối. Nếu tin mà không biết là mê tín.

Một khi chúng ta tin một điều gì thì chúng ta phải biết điều đó rất rõ ràng. Một người trí thức không cho phép họ tin một cách mơ hồ; tin một cách mơ hồ là mê tín. Như hiện giờ, có một số nhà tri thức Việt Nam của chúng ta tin mơ hồ, như họ đang tin tánh nghe, tánh thấy, tánh biết là Phật tánh, điều này có mơ hồ hay không? Có. Kinh Đại thừa dạy rằng: “Tánh nghe, tánh thấy, tánh biết thường hằng”. Vậy khi ta ngủ say, tánh nghe, tánh thấy, tánh biết có thường hằng không?

Tánh nghe, tánh thấy và tánh biết, v.v... là sáu thức trong thân tứ đại của chúng ta, khi tứ đại tan rã thì tánh nghe, tánh thấy, tánh biết cũng tan biến theo, không còn nghe, thấy, biết, như trong giấc ngủ của chúng ta, cho nên tin như vậy là mê tín. Người nói chân thật là người nói một điều gì mà mọi người đều phải nhận biết điều đó rõ ràng. Biết rõ ràng mà tin là chánh tín, tin mà không biết rõ ràng là mê tín như đã nói ở trên.

Điều có thật, nói ra mà mọi người không biết thì nói làm chi, nói như nói láo. Phải không hỡi cháu? Nói ra điều gì mà mọi người nghe, thấy, biết rõ ràng thì mình nói, còn ngược lại, mọi người không nghe, thấy, biết thì không nên nói.

Hỏi 2: Các nhà khoa học cho rằng: “Trái đất thành hình cách đây 5 triệu năm, mặt trời thành hình cách đây 6 tỷ năm. Có đúng không?

Đáp: Căn cứ vào những dụng cụ tối tân của khoa học để đo đạc, các nhà khoa học xác định thời gian trái đất và mặt trời mà mọi người còn nghi ngờ, thì phỏng như Thầy xác định bằng trí tuệ siêu thời gian của trái đất và mặt trời, thì có ai tin không?

Cho nên Thầy nói: “Nói cái gì người ta nghe, thấy, biết được rõ ràng thì hãy nói; còn nói mà không ai thấy nghe, biết, rõ ràng mà nói, là có nói láo; nói phải có bằng chứng cụ thể, còn không thì nhất định không nói”.

Hỏi 3: Đến một lúc nào đó, mặt trời cháy hết nhiên liệu, tắt đi, thì cuộc sống trên trái đất có còn tồn tại không? Tất cả chúng sanh trên trái đất sẽ đi về đâu?

Đáp: Các nhà khoa học rất thiển cận, chỉ biết đi tìm nguyên nhân diệt của mặt trời và trái đất, mà không biết đi tìm nguyên nhân sinh của nó, vì thế mới đoán mò, cho rằng: “Đến một lúc nào đó mặt trời đốt hết nhiên liệu tắt đi...”. Đành rằng các pháp đều vô thường do nghiệp báo nhân quả luân hồi sinh diệt, thì mặt trời và trái đất cũng là pháp vô thường, nhưng sự vô thường ấy đối với sự hiểu biết còn bị hạn cuộc trong không gian và thời gian. Nếu vượt ra ngoài không gian và thời gian, thì sự vô thường sinh diệt ấy không còn nữa, mà là một chuỗi nối tiếp của nhân quả.

Các nhà khoa học không tự hỏi: “Trước khi chưa có mặt trời và trái đất, thì cái gì sanh ra mặt trời và trái đất?” Trong vấn đề này, văn minh cổ đại và các tôn giáo có nói đến, nhưng lại nói trong tưởng tri, thành ra không đúng sự thật. Chỉ có Phật giáo là không đả động đến vấn đề này, nhưng Phật giáo biết rất rõ. Nếu biết nguyên nhân sinh ra mặt trời và trái đất, thì các nhà khoa học không còn lo sợ mặt trời cháy hết nguyên liệu, sẽ bị tiêu diệt và ảnh hưởng sự sống còn trên trái đất. Vì nguyên liệu đốt cháy của mặt trời sẽ không bao giờ cạn, do sự sinh diệt tuần hoàn từ nơi những từ trường trong không gian sinh ra.

Chúng ta nên biết, trong không gian vũ trụ do các từ trường hợp tan, tan hợp mà sinh ra các tinh tú, hành tinh, định tinh, v.v... Các từ trường ấy luôn luôn sinh diệt không bao giờ dứt, cũng giống như các nhà máy sản xuất nhu yếu phẩm. Sản xuất và tiêu thụ tức là sinh diệt.

Hiểu được luật sinh diệt của từ trường vũ trụ, thì không có sự đốt cháy hết nguyên liệu của mặt trời. Nếu người ta biết được như vậy thì không có ngày tận thế. Do không biết như vậy, nên có một số tôn giáo tưởng và các chiêm tinh gia mới tuyên bố năm 2000 là năm tận thế. Nhưng nay đã đến năm 2002 và sắp đến năm 2003, mà có thấy tận diệt đâu. Phải không hỡi cháu?

Nếu mặt trời và trái đất có tận diệt là do con người. Con người mà mãi chạy theo vật chất, không biết buông xả, làm những điều ác khổ mình, khổ người khổ chúng sanh, những hành động ấy sẽ thải ra những từ trường ác làm ô nhiễm môi trường sống, thì lúc bấy giờ mới là tận diệt.

Cho nên, chuyện tận diệt chúng ta đừng lo, mà hãy lo giữ gìn môi trường sống thanh tịnh; thanh tịnh ở đây phải hiểu là con người sống có đạo đức.  Sống có đạo đức thì phóng ra từ trường thiện; từ trường thiện sẽ làm cho môi trường sống thanh tịnh. Môi trường sống thanh tịnh thì làm gì mặt trời cháy hết nhiên liệu. Nếu mặt trời tắt đi thì cuộc sống trên hành tinh này làm sao còn tồn tại được. Đó là một định luật trong sự liên hệ giữa mặt trời và trái đất không thể tách lìa ra được. Mặt trời tắt thì quỹ đạo trái đất không còn nữa. Chỉ cần trái đất đứng lại trong năm, mười phút thì sự sống trên hành tinh này không còn nữa. Sự sống trên hành tinh này không còn nữa thì cháu hỏi tất cả chúng sanh đi về đâu?

Con người từ nhân quả sinh ra, sống trong nhân quả, chết cũng về nhân quả. Nhưng nhân quả không có không gian và thời gian thì con người có đi về đâu, mà chỉ có sinh diệt mãi mãi theo hướng luân hồi nhân quả. Nhưng chúng ta đừng hiểu sinh diệt nhân quả là sự mất còn, mà phải hiểu là một sự nối tiếp của nhân quả liên tục.

Hỏi 4: Những người tu hành sau khi chứng quả và khi nhập diệt, họ còn có biết những gì đang diễn ra trên trái đất này không?

Đáp: Người tu chứng là người đang sống trong tâm bất động; tâm bất động là tâm thanh thản, an lạc và vô sự. Khi ở trong trạng thái đó, chúng ta có biết mọi sự đang diễn biến quanh ta không?

Cháu cứ thử xem, hãy giữ gìn Tâm Bất Động, tức là trong trạng thái Thanh Thản, An Lạc, Vô Sự, thì mọi sự đang diễn biến quanh cháu, cháu sẽ thấy biết rất rõ ràng, và còn biết rõ ràng hơn những người khác.

Theo cháu nghĩ: người tu chứng cũng như người nhập Niết bàn thì không còn biết những gì đang diễn biến xảy ra trên trái đất. Không đâu cháu ạ! Người tu chứng cũng như người nhập Niết bàn đều ở trong trạng thái thanh thản, an lạc, vô sự cũng như cháu đang giữ vậy, nhưng lại khác hơn nhiều. Cháu thì cảm giác thân tâm nặng nề, còn bị chi phối trong không gian và thời gian. Còn người tu chứng cũng ở trong trạng thái đó mà thân thì khinh an nhẹ nhàng, tâm thì hân hoan hỷ lạc, không gian và thời gian không chi phối họ được.

Vì thế họ biết rất rõ, không những sự diễn biến quanh họ, mà còn bất cứ thời gian nào và nơi nào, không những trên hành tinh này mà cả vũ trụ không gian nữa.

Hỏi 5: Họ có biết trước những điều gì xảy ra với con người, như một số nhà chiêm tinh học không?

Đáp: Họ là người đã biết rất rõ sự hoạt động của nhân quả, vì nhân quả không có không gian và thời gian, nên thời gian quá khứ và tương lai của mọi người làm sao mà họ chẳng biết; họ biết rõ như thấy chỉ lòng bàn tay của họ vậy. Nhưng họ không muốn mình là thầy bói, nhà chiêm tinh, vì danh lợi họ đã lìa xa.

Hỏi 6: Thời gian lâu vô hạn, nên mỗi chúng sanh sẽ tiến dần về cõi Phật, như thế sẽ tồn tại một thời điểm và tất cả chúng sanh đều tu thành Phật (dù có thể vô cùng lâu). Thưa Thầy, liệu có thời điểm như thế không? Lúc đó, cuộc sống trong vũ trụ sẽ như thế nào?

Đáp: Cháu không hiểu về từ trường môi trường sống, nên mới có câu hỏi như vậy. Vì còn có những từ trường môi trường sống là còn có chúng sanh; còn có chúng sanh thì làm sao thành Phật hết được. Dù cho thời gian có lâu xa, xa lơ, xa lắc vô cùng tận, khi mà từ trường môi trường sống còn thì không có gì thay đổi cả. Nghĩa là chúng sanh từ trong nhân quả sanh ra, sống trong nhân quả, chết về nhân quả, và cứ như vậy tiếp tục mãi mãi nên gọi là luân hồi. Câu nói trên đây có nghĩa là chúng sanh từ môi trường sống sinh ra, từ đó sống trong môi trường sống và chết thì lại về với môi trường sống. 

Nhờ biết nguyên nhân sinh ra con người là môi trường sống như vậy, môi trường sống còn là con người còn, môi trường sống mất là con người mất. Vì thế, chúng sanh không có đấng hóa nào tạo ra cả. Môi trường sống là cha mẹ của chúng sanh. Môi trường sống là nơi tạo tác của những từ trường nhân quả. Khi môi trường sống hết, thì từ trường nhân quả cũng hết. Nhưng làm sao môi trường sống hết được, khi nhân quả của môi trường sống là nhà máy sản xuất từ trường?

Cho nên, hành tinh có thể tan hoại chỗ này, nhưng từ trường môi trường sống không bị tan hoại, vì thế nó lại kết hợp chỗ khác tạo thành hành tinh mới. Nhờ thế, chúng ta biết hành tinh có thể tan hoại vì nó có sắc tướng, cái gì có sắc tướng là có vô thường, có vô thường là có tan hoại. Từ trường nhân quả không tan hoại, nên hành tinh tụ tán liên tục không hề dứt. Luật nhân quả cũng theo đó mà chi phối và phóng xuất từ trường.

Hiện giờ, chúng ta thấy có sự thay đổi thời tiết nắng, mưa, gió, bão bất thường, lũ lụt, động đất, đất sụp, núi lở là những hiện tượng rất bình thường của môi trường sống theo luật nhân quả, chứ có gì mà gọi là tận thế. Phải không hỡi cháu?

Nếu có thiên tai, hỏa hoạn, lũ lụt, chiến tranh, v.v... là do từ trường nhân quả ác trong môi trường sống tạo ra. Còn nếu như mưa, gió thuận hòa, bão tố, lũ lụt, thiên tai, động đất không có, v.v... cũng là do từ trường nhân quả thiện trong môi trường sống mà có.

Cho nên, những câu hỏi của cháu là những câu hỏi mò trong tưởng.

             Thăm và chúc cháu mạnh khỏe, học tập tốt.
                                                                                                                   Kính thư
                                                                                                             Thầy của cháu.

VƯỢT QUA NHÂN QUẢ,
LÀM CHỦ NHÂN QUẢ, CHẤP NHẬN NHÂN QUẢ

Thầy sẵn sàng trả lời những câu hỏi của các con, và minh họa những câu chuyện khiến cho câu trả lời trở thành phong phú những hành động nhân quả thiết thực, cụ thể hơn. Trước tiên, Thầy xin trả lời những câu hỏi của Kim Quang.

Hỏi 1: Đức vượt qua nhân quả, đức làm chủ nhân quả, đức chấp nhận nhân quả, ba đức này có nghĩa là gì? Và có sự khác nhau như thế nào?

Đáp: Ba đức này có nghĩa khác nhau.

I- Đức Vượt Qua Nhân Quả có nghĩa là nhân quả đến mà không tác động được thân tâm của chúng ta. Ví dụ, có người mắng chửi chúng ta, chúng ta nghe thấy biết rất rõ ràng, nhưng tâm chúng ta không có chút sân giận, và cũng không phân bua trái phải với người ta, thường sẵn sang giúp đỡ người mắng chửi mình khi họ gặp nhân quả xấu. Dưới đây là một câu chuyện vượt qua nhân quả:  

Hạt Giống Luộc Chín

“Ngày xưa, tại một vương quốc nọ, có một vị vua anh minh luôn được mọi người yêu mến. Ngài luôn buồn rầu vì tuổi đã cao mà chưa có con để truyền ngôi. Một hôm, vua nói với các quần thần: “Ta phải đích thân đi tìm một đứa trẻ thật thà làm con nuôi để sau này có người kế vị”. Thế rồi vua truyền lệnh, phát cho những đứa trẻ trong toàn vương quốc một số hạt giống và tuyên bố: “Nếu ai trồng được một chậu hoa đẹp nhất từ những hạt giống này, người đó sẽ được thừa kế ngôi báu”.

Tất cả trẻ con đều hăm hở đem hạt giống về trồng, ngày đêm chăm sóc. Trong số đó, có một cậu bé cũng chăm chỉ chăm sóc cho hạt giống, nhưng mãi không thấy hạt giống nảy mầm. Cậu còn thay cả đất trong chậu, nhưng vẫn không thấy kết quả.

Ngày dâng hoa cho vua xem đã đến, tất cả mọi đứa trẻ đều mang những chậu hoa rực rỡ của mình tới trước cung điện; vua đi xem khắp một lượt, nhưng trên nét mặt không hề có chút vui tươi. Bỗng, vua nhìn thấy lẫn trong đám đông, có một đứa trẻ tay bưng một chiếc chậu không, với nét mặt buồn thiu. Vua lại gần hỏi vì sao, thì cậu bé òa khóc lên, và kể lại cho vua nghe việc mình trồng hoa như thế nào mà hạt giống không nảy mầm. Cậu còn nói, đây có thể là sự trừng phạt vì cậu đã từng ăn trộm táo ở vườn nhà người láng giềng.

Nhà vua nghe xong rất đỗi vui mừng. Ngài kéo cậu bé vào lòng và nói: “Đây chính là cậu bé thật thà của ta”. Mọi người thấy vậy, ngạc nhiên hỏi: “Tại sao nhà vua lại chọn một đứa trẻ đưa chậu hoa không tới để kế thừa ngai vàng vậy?”.

Nhà vua mỉm cười đáp: “Hạt hoa giống ta giao cho mỗi đứa trẻ đều là những hạt giống bị luộc chín”. Nghe xong lời của nhà vua, những cậu bé bưng trên tay những chậu hoa rực rỡ đều xấu hổ, mặt đỏ và cúi đầu im lặng”.

Câu chuyện trên đây chỉ cho chúng ta vượt qua nhân quả; vượt qua nhân quả chỉ có Lòng Thành Thật mà thôi. Câu chuyện trên đây tuy đơn sơ, nhưng rất thấm thía cho cuộc đời, vì con người thường hay phạm vào lỗi lầm này. Theo đức Phật dạy: “Nhân quả chỉ có vượt qua”, mà vượt qua nó bằng Đức Thành Thật. Cho nên, mình làm điều gì ác hay thiện, chỉ có đức thành thật thì sẽ vượt qua mọi nhân quả ác, thiện. Quý vị nên nhớ lời này mà Phật đã dạy: “Đứng lại thì chìm xuống. Tiến tới thì trôi dạt. Chỉ có vượt qua”.

II- Đức Làm Chủ Nhân Quả có nghĩa là từ hành động thân, miệng, ý của mình, trước khi làm hay nói chúng ta đều có sự suy tư tính toán mỗi hành động không làm khổ mình, khổ người và khổ tất cả chúng sinh, rồi mới nói hay làm. Đó là cách thức làm chủ nhân quả.

Làm chủ nhân quả tức là làm lợi ích cho người khác, vì thế ai cũng làm như vậy là đã làm chuyển đổi nhân quả ác trở thành nhân quả thiện; từ cảnh giới Địa ngục để trở thành cảnh giới Thiên đàng, chỉ có hành động làm lợi ích cho người, đừng vì lợi ích cho mình. Đây là một câu chuyện làm chủ nhân quả:

Thiên Đàng Và Địa Ngục

“Có một người đi tham quan Thiên đàng và Địa ngục. Trước tiên anh ta tới Địa ngục. Ở đó, anh ta thấy một cảnh tượng lạ lùng: Trước mắt mọi người có rất nhiều món ăn ngon, nhưng không ai ăn được. Cho dù họ ngồi bên bàn rượu, nhưng người nào cũng còn da bọc xương, mặt mày ủ rũ. Anh lại phát hiện ở cánh tay phải mỗi người buộc một cái đĩa, cánh tay trái buộc một con dao, chuôi dao và đĩa dài độ 4 tấc, làm cho họ không thể nào ăn được, vì vậy mà ai cũng bị đói.

Tiếp đó anh ta lại đến Thiên đàng. Cảnh tượng ở đây cũng chẳng có gì khác, chuôi dao và đĩa cũng dài 4 tấc, nhưng những cư dân Thiên đàng đều ca hát, nói cười vui vẻ. Anh ta nghi hoặc, nhưng cuối cùng cũng tìm ra được câu trả lời. Đó là ở Địa ngục mọi người đều muốn gắp cho mình ăn, vì thế mà không ai ăn được, còn ở Thiên đàng thì mọi người đều gắp cho người đối diện với mình, và cũng được người đối diện gắp lại, vì vậy mọi người cùng giúp đỡ lẫn nhau, nên ai nấy đều có thể ăn uống rất vui vẻ”.

Đọc câu chuyện này, quý vị nghĩ sao về nhân quả? Nếu mọi người hiểu biết về nhân quả thì nên sống vì mọi người; sống vì mọi người thì cuộc sống của chúng ta là Thiên đàng quí vị ạ! Sống vì mọi người rất hạnh phúc. Tại sao vậy? Vì mọi người có an vui thì sự an vui của mình mới lâu dài.

Nhìn lại cuộc sống của chúng ta hiện giờ như thế nào? Hầu hết mọi người chỉ biết nói nhân quả, nhưng chưa thật sống với nhân quả. Cho nên, cuộc sống của loài người trên thế gian là Địa ngục, vì con người chỉ biết sống vì mình, chớ không vì người, vì vậy mà sự xung đột và chiến tranh thường xảy ra khắp trên thế giới không nước này thì nước khác. Đó là sống phi nhân quả nên loài người phải chịu mọi khổ đau, cũng chính nhân quả mình làm m.nh chịu.

III- Đức Chấp Nhận Nhân Quả có nghĩa là biết Nhẫn Nhục, Tùy Thuận, Bằng Lòng dù bất cứ một nhân quả nào xảy đến. Đức chấp nhận nhân quả thì phải dùng cả ba đức này thì mới gọi là chấp nhận nhân quả, thiếu một đức thì không thành đức chấp nhận nhân quả. Đây là một câu chuyện nói về đức chấp nhận nhân quả:

“Có một người đánh cá bắt được một con rùa biển. Ông ta đối xử với nó như con của mình. Thế nhưng con rùa biển không ăn, không uống và cũng không lay động. Lúc nào nước mắt nó cũng giàn giụa. Con rùa van xin người đánh cá và nói: “Trái tim tôi ở biển cả, nơi đó có nhà của tôi, có niềm vui của tôi, xin ông hãy thả tôi ra”. Nhưng người đánh cá không thể thả nó được, bởi vì ông rất yêu nó. Một thời gian sau, thấy con rùa yêu quý của mình ngày càng tiều tụy, người đánh cá rất đau lòng và quyết định thả nó về với biển.

            Một năm sau, vào một ngày nọ, bỗng nhiên ông ta nghe có tiếng gõ cửa. Mở cửa ra, ông thấy đó chính là con rùa mà ông đã thả.
             Người đánh cá liền hỏi: “Con đã có hạnh phúc rồi, sao lại còn trở lại đây làm gì?”
             Con rùa liền đáp: “Hạnh phúc của tôi là do ông mang lại, tôi không thể quên được ơn đó”.
           Người đánh cá nói: “Thôi, con đi đi, chỉ cần con hạnh phúc là được rồi, từ nay về sau không cần phải đến thăm ông nữa”.
Con rùa biển lưu luyến không muốn rời xa ông. Và một tháng sau, người đánh cá lại thấy con rùa biển quay lại”.

Đức chấp nhận nhân quả tức là Lòng Yêu Thương. Ở đâu có lòng yêu thương là ở đó có sự chấp nhận nhân quả. Cho nên, chúng ta chấp nhận nhân quả là vì chúng ta yêu thương mình, yêu thương người, yêu thương tất cả chúng sinh, và ngay cả hoàn cảnh xảy ra chúng ta vẫn yêu thương.

Hỏi 2: Đức vượt qua nhân quả có phải là đức làm chủ nhân quả hay không?

Đáp: Không, đức vượt qua nhân quả và đức làm chủ nhân quả Thầy đã giảng ở trên, nó không phải là một đức. Để Thầy chứng minh thêm đức Vượt Qua Nhân Quả bằng một câu chuyện buông xả:

“Thổ dân Phi châu có một tuyệt chiêu vô cùng thông minh khi đi săn khỉ đầu chó. Họ để thức ăn mà nó thích, đặt vào miệng một cái bình lớn, và cố ý để cho khỉ đầu chó núp ở chỗ xa nhìn thấy. Khi họ đi xa rồi, thì khỉ đầu chó vui mừng nhảy tới, dùng tay thò vào bình, quặp lấy thức ăn. Nhưng do miệng bình rất nhỏ, khi tay của nó nắm thành nắm thì rất khó rút ra, lúc bấy giờ, người thợ săn chỉ việc bình tĩnh đến bắt con vật, mà không lo nó bỏ chạy. Do khỉ đầu chó không thể bỏ thức ăn khoái khẩu của mình, nên càng sợ hãi và vội vàng nắm chặt lấy thức ăn, và càng không thể rút tay ra khỏi miệng bình.

Có người nghe câu chuyện liền thốt lên: “Thật là tuyệt diệu”. Chiêu này tuyệt ở chỗ con người đem tâm lý của mình suy xét tới các loài động vật khác. Kỳ thật, con khỉ đầu chó chỉ cần buông tay ra là nó có thể thoát, thế nhưng nó lại nhất định không chịu buông tay ra. Chính điều này cho thấy rằng con khỉ đầu chó giống con người, cũng có thể nói người giống khỉ đầu chó. Cử chỉ của khỉ đầu chó là một bản năng không ý thức, không rời được nó, mà con người nếu như giống khỉ đầu chó chỉ nhìn thấy lợi mà không thấy hại. Chết không buông tay, đó chỉ có thể trách họ u mê không tỉnh ngộ.

Người xưa nói: “Lùi một bước trời cao biển rộng”. Người thất tình chỉ cần chấp nhận quên người đã bỏ mình, thì đâu đến nổi làm cho bản thân hồn siêu phách lạc, lòng dạ băng giá! Người thất nghiệp chỉ cần từ bỏ cách lựa chọn nghề cứng nhắc của mình mà thay đổi, thì đâu đến nỗi suốt ngày ủ rủ, trách trời trách người đây! Con bạc chỉ cần buông tha ý nghĩ may rủi, thì đâu đến nỗi tiền đi không trở lại, khuynh gia bại sản! Con nghiện chỉ cần tránh xa chất gây nghiện, thì đâu đến nỗi thân tàn ma dại! Người hối lộ, người phá kỷ cương chỉ cần chấp nhận từ bỏ chữ “tiền”, thì đâu đến nỗi phải vào tù, thậm chí mất mạng!”.

Câu chuyện trên đây để xác định được đức vượt qua nhân quả bằng đức Buông Xả; nhờ có buông xả mà Vượt Qua Nhân Quả. Bản chất con người không buông xả; do không buông xả mà con người phải chịu vô cùng khổ đau.

Tất cả các pháp đều vô thường, nên chúng là khổ đau, vì thế ai biết buông xả là người thoát khổ, còn ai không biết buông xả thì khổ đau không bao giờ dứt. Người tu theo Phật giáo cũng chỉ có việc buông xả mà chứng đạo.

Con người ở đời rất là u mê, chết không mang theo vật gì, vậy mà sống thì ôm đồm, không dám buông xả, cứ khư khư giữ chặt, cho nên chịu khổ là phải. Vậy mà ở đây có người tu hành lại phóng dật thưa hỏi lung tung. Sao không biết buông xả xuống đi, để thân tâm được giải thoát trong trạng thái tâm bất động; chỉ được im lặng có một chút xíu là thưa hỏi Thầy lăng xăng, đó không phải là Phóng Dật sao?

               Buông xuống đi, hãy buông xuống đi!
               Chớ giữ làm chi, có ích gì?
               Thở ra chẳng lại, còn chi nữa?
               Vạn sự vô thường, buông xuống đi!

Bốn câu kệ này là lời nhắc nhở mọi người tu hành cần phải buông xả, thế mà quý vị có buông xả đâu, cứ thưa hỏi điều này thế kia để huân tập thêm sự hiểu biết; sự hiểu chỉ là cái tủ đựng kinh sách rỗng tuếch, chẳng có ích lợi gì.

Sợ các con không biết buông xả, cho nên Thầy dạy thêm một bài kệ nữa nói lên phương pháp tu tập, nhưng nào ngờ các con có tu tập chỗ nào đâu, cứ phóng dật lung tung, thưa hỏi những đều vơ vẩn. Nên ngậm im miệng lại, để nó mốc meo thì may ra mới chứng đạo. Nếu thấy tu không được, tâm phóng dật thì nên về trông nom con cháu, nhà cửa còn có lợi ích hơn.

               Tác ý đi, hãy tác ý đi!
               Bất động, thanh thản, chẳng sầu bi.
               Tác ý đi, còn lo chi nữa?
               Giải thoát đây rồi, tác ý đi!

Buông xuống tất cả các pháp tức là vượt qua. Xin các con hãy nhớ ghi khắc trong lòng mà cố gắng tu tập buông xả, đừng nên mượn cớ này cớ khác để hỏi Thầy. Đó là các con đã bị tâm mình lừa gạt phá hạnh độc cư, để thỏa mãn tâm phóng dật.

Một lần nữa Thầy xin nhắc lại, các con Buông Xuống Tất Cả thì ngay liền tâm Bất Động; đó là giải thoát của Phật giáo. Bất động là Vượt Qua Nhân Quả, các con có hiểu chưa?

KHÔNG LÀM KHỔ MÌNH, KHỔ NGƯỜI

Hỏi: Kính bạch Thầy, Thầy dạy không làm khổ mình, khổ người, nhưng trong cuộc sống tương quan hằng ngày, con thấy khó mà giữ cho tuyệt đối và trọn vẹn. Ví dụ:

              1- Một bà mẹ vì thương con, thấy con làm sai, lầm lỗi, nên phải la rầy, đánh dạy. Đứa con bị la rầy, đánh dạy nên buồn phiền đau khổ.
              2- Một cậu trai yêu một cô gái. Cô gái không yêu đáp lại. Cậu trai đau khổ, buồn phiền.
              3- Anh B sai. Anh A dùng lời ngay thẳng để khuyên nhắc anh B. Anh B tự ái rồi giận khổ, buồn phiền.

Kính bạch Thầy, những chuyện này có nằm trong “khổ mình, khổ người” không? Con thấy hầu như tất cả mọi người ai cũng đều có cái khổ; khổ do họ làm hoặc người khác vô tình hay cố ý làm. Như vậy làm sao cho sự “không làm khổ mình, khổ người” được trọn vẹn?

Đáp: Để trả lời câu hỏi này, tức là trả lời ba ví dụ con đã nêu.

1- Để trả lời ví dụ thứ nhất: Chỉ vì con người chưa học đạo đức làm người, nên thường làm khổ mình, khổ người. Trong cuộc sống chung của con người mà không có đạo đức, thì con người vô tình đã tự làm khổ đau cho nhau mà còn đổ thừa tại người khác, chứ không phải tại mình.

Một người mẹ vì thương con, thấy con làm sai, lầm lỗi, nên tức giận la rầy, đánh con, làm cho đứa con khổ đau. Đó là người mẹ không học đạo đức làm người, nên “đặt tình thương không đúng chỗ”. Đặt tình thương không đúng chỗ, khiến cho mẹ con cách biệt nhau; con làm điều gì đều giấu mẹ, vì sợ mẹ la rầy, đánh, mắng. Đến khi đứa con nghiện ngập xì ke, ma túy hoặc bị tù tội thì việc đã rồi, còn mong gì cứu chữa được.

Cho nên, hầu hết một số thanh niên hư hỏng đều do cha mẹ đặt tình thương sai hướng mà đưa con mình vào cuộc đời đen tối. Đó là một trách nhiệm rất lớn của những bậc làm cha mẹ phải gánh chịu những hậu quả này.

Muốn đặt tình thương đúng chỗ, thì những bậc làm cha mẹ phải xem con mình là một người bạn, hơn là một đứa con. Thương con mà rầy mắng, đánh con là một điều sai, là một việc thiếu đạo đức làm người:

              1- Cái sai thứ nhất là tự mình tức giận, làm khổ mình mà không thấy.
              2- Cái sai thứ hai là làm cho đứa con đau khổ (rầy mắng, đánh làm người khác khổ).

Khi biết đứa con làm sai, lầm lỗi, thì cha hay mẹ phải tìm thấy lỗi của mình trước:

             1- Lỗi thứ nhất là cha mẹ không gần gũi con cái, mà cứ mải lo làm ăn, đầu tắt mặt tối, cứ nghĩ rằng có tiền là mua tiên cũng được.
             2- Lỗi thứ hai là cha mẹ thiếu chăm sóc con cái từ cái ăn, cái mặc cho đến sự học tập, có nghĩa là cha mẹ chỉ thỉnh thoảng mua quà cho con và không thường xuyên xem xét sự học hành của con.
             3- Lỗi thứ ba là cha mẹ thiếu ban tình thương âu yếm cho chúng: một lời nói, một cử chỉ, một cái nhìn.
             4- Lỗi thứ tư là cha mẹ không dùng lời nói ôn tồn, nhã nhặn, nhẹ nhàng đối với con mình.
             5- Lỗi thứ năm là cha mẹ không xem con cái là một người bạn thân, mà chỉ xem chúng là một đứa bé khờ dại trong khi chúng đã trưởng thành, có nhiều sự hiểu biết và có nhiều sự ham muốn đang phát triển.

Nếu các bậc làm cha mẹ đã thấy được những lỗi lầm này của mình, thì con cái của mình đâu còn làm sự sai trái, phải không hỡi con? Ở đời, người ta chỉ thấy lỗi người mà không thấy lỗi mình, do đó mà đã tự tạo khổ cho nhau. Nếu ai cũng thấy được lỗi mình tức là đã thấy được nhân quả; thấy được nhân quả tức là chuyển được nhân quả; chuyển được nhân quả thì trên thế gian này còn ai là người đau khổ nữa.

Người ta biết thương yêu là một điều thiện, nhưng lòng thương yêu đặt không đúng chỗ thì sẽ trở thành một điều ác, một điều khổ. Người ta ở đời thường che đậy, hoặc vô tình không thấy những lỗi lầm của mình, mỗi mỗi đều thấy lỗi lầm của người khác, do đó mà có sự khổ đau trên thế gian này vậy.

2- Để trả lời ví dụ thứ hai: Một cậu trai yêu thương một cô gái, nhưng cô gái không yêu đáp lại; cậu trai đau khổ buồn phiền, đó là cậu trai “đặt tình yêu sai hướng”. Một cậu trai không quá nông nổi thì không bao giờ đặt tình yêu thương vào một người, mà người ấy không yêu mình.

Tình yêu chân thật không cho phép chúng ta yêu thương nông nổi, mà phải có sự tìm hiểu đôi bên; sự tìm hiểu đó giúp chúng ta đặt tình yêu thương đúng chỗ, khiến mình hạnh phúc mà người mình yêu thương cũng hạnh phúc. Bởi người ta không học đạo đức làm người, nên người ta đặt tình yêu thương sai hướng; đặt tình yêu thương sai hướng, nên người ta mới tự làm khổ đau như vậy.

Trai gái yêu thương nhau là tìm hạnh phúc an vui cho nhau, chứ không phải tìm sự khổ đau, nhưng thật sự người ta không tìm chân hạnh phúc giữa trai và gái, mà tìm sự đau khổ giữa trai gái nhiều hơn. Nếu ai đã có chồng, có vợ, có con thì hãy tư duy xem lời nói của Thầy có đúng hay không.

Trên đời này, ai đã trải qua tình chồng, nghĩa vợ, nuôi con thì mới rõ được lời đức Phật dạy: “Đời là khổ”, không những đôi vợ chồng khổ mà đoàn con cái được sanh ra đời sau này cũng đều khổ.

3- Để trả lời ví dụ thứ ba: Anh B làm sai; anh A dùng lời ngay thẳng để khuyên nhắc anh B, nhưng anh B tự ái rồi giận khổ, buồn phiền, đó là anh A đặt tình thương không đúng chỗ, và không xét lời nói của mình có trọng lượng đối với anh B hay không.

Muốn khuyên người thì hãy xét lại mình; mình sống có đúng đạo đức làm người chưa? Mình có làm gương hạnh đạo đức cho ai chưa? Tất cả mọi người xung quanh có ai kính trọng mình chân thật chưa? Nếu chưa thì Thầy xin quý vị đừng khuyên nhắc ai hết, mà hãy khuyên nhắc mình không làm khổ mình, khổ người để tâm hồn mình được thanh thản, nhẹ nhàng, an vui.

Anh A vẫn còn khổ đau, vẫn còn làm khổ mình và người khác khổ, thế mà đi khuyên nhắc người khác thì có ai mà nghe cho! Người ta đã không nghe mà còn sinh ra tức giận và cho anh A là người muốn làm thầy dạy đời.

Những ví dụ trên đây, đều nằm trong việc thiếu đạo đức làm khổ mình, khổ người con ạ! Không có một sự đau khổ nào của con người mà hiện hữu được nằm ngoài luật nhân quả cả. Con người là thừa tự của nghiệp lực nhân quả; nghiệp lực nhân quả là cha mẹ đẻ sanh ra loài người, vì thế làm sao có sự đau khổ ngoài luật nhân quả được. Cho nên người sống đúng đạo đức nhân bản không làm khổ mình, khổ người là người sống đúng đạo luật nhân quả, nên chuyển tất cả quả khổ thành quả vui; mình vui, người vui.

Người sống đúng đạo đức nhân quả không làm khổ mình, khổ người là người phải ly dục, ly ác pháp; là người có tâm bất động trước các pháp. Người có tâm bất động trước các pháp là vị Thánh đệ tử Phật chứ không còn là một kẻ phàm phu tục tử nữa.

Vì thế, các con là đệ tử của đức Phật thì phải thực hiện sống cho bằng được đạo đức nhân bản làm người, thì mới xứng đáng là con của Phật, thì mới không phụ lòng mong ước của Phật, của Thầy. Phải không hỡi các con?                                                 

TU TẬP PHÁP NÀO HẾT LẬU HOẶC?

Hỏi 1: Kính bạch Thầy, chúng con là những người mới vào tu, kinh điển Thầy giảng dạy quá nhiều, nhất là giáo án đường lối tu tập của đạo Phật rất là mênh mông, từ giới đức, giới hạnh, giới tuệ đến giới hành. Chúng con như người lạc vào rừng rậm, chẳng biết lối nào ra. Vậy ngưỡng mong Thầy từ bi thương xót chỉ vạch cho chúng con lối ra?

Đáp: Người mới bắt đầu tu tập theo đạo Phật thì phải Sống Đúng Giới Luật. Muốn sống đúng giới luật thì người tu sĩ phải Học Giới Luật Cho Thông Suốt, mỗi giới luật phải biết đức hạnh giới luật ở đâu, và hành giới chỗ nào, để thân khẩu ý không phạm giới, giới luật không bị bẻ vụn, ngày ngày sống đúng giới hạnh.

Kế đến, lấy giới bổn Phòng Hộ 6 Căn, không cho mắt dính sắc, tai dính tiếng, mũi dính mùi, lưỡi dính vị, va chạm dính thọ, ý dính pháp.

Kế nữa, phải tập sống đời sống Thiểu Dục Tri Túc. Hằng ngày chia thời gian Tu Tập Các Định:

              1- Định Chánh Niệm Tĩnh Giác (Thân Hành Niệm).
              2- Định Niệm Hơi Thở (ổn định hơi thở bình thường, tập tụ điểm).
              3- Định Vô Lậu: quán, hướng, xả (bất tịnh, vô thường, khổ, không, vô ngã, v.v...).
              4- Định Chánh Niệm Tĩnh Giác câu hữu Pháp Hướng Vô Lậu.
              5- Định Niệm Hơi Thở câu hữu với Pháp Hướng Vô Lậu.
              6- Định Chánh Niệm Tĩnh Giác câu hữu với Định Niệm Hơi Thở.

Tất cả các pháp hành này đều nhắm vào diệt ngã, xả tâm ly dục ly ác pháp, để tâm được giải thoát (an lạc, thanh thản và vô sự). Đây là Giai Đoạn Thứ Nhất mà một vị tu sĩ cần phải chấp hành nghiêm chỉnh, tu tập hằng ngày không được biếng trễ.

Hỏi 2: Kính bạch Thầy, làm sao biết được tâm mình hết lậu hoặc?

Đáp: Tâm hết lậu hoặc là tâm thường quay vào trong thân, không phóng dật theo sắc, thinh, hương, vị, xúc, pháp; trạng thái tâm lúc này thanh thản và an lạc, tâm tư phát khởi điều thiện đối với các pháp. Luôn nghĩ tốt về mọi người, không bao giờ có ý nghĩ xấu với người khác.

Ngược lại, tâm chưa hết lậu hoặc thường lo xa, suy tư chuyện này đến chuyện kia, khởi tâm ham muốn cái này cái kia hay sanh ra việc làm phá hạnh độc cư nói chuyện phiếm, thân tâm luôn hữu sự, đầu óc đầy ắp những sự việc.

Hỏi 3: Kính bạch Thầy, con chỉ tu một pháp hướng: “Tâm như đất” hằng phút, hằng giây, hằng giờ; con liên tục hướng tâm mình như vậy, có hết lậu hoặc (phiền não) không thưa Thầy?

Đáp: Không, tu như vậy không bao giờ hết lậu hoặc (phá sạch phiền não).

Hỏi 4: Kính bạch Thầy, con tập sống đúng giới luật của Phật, không vi phạm một lỗi nhỏ, hằng ngày con tu một pháp hướng: “Tâm như đất” có kết quả hết lậu hoặc không?

Đáp: Chỉ được 50% chứ không dứt hết lậuhoặc.

Hỏi 5: Kính bạch Thầy, con sống đúng giới luật và con nhìn cuộc sống bằng đôi mắt nhân quả, không làm khổ mình, khổ người và con tu tập chỉ một pháp hướng: “Tâm như cục đất” hằng ngày, hằng giờ, hằng phút, hằng giây, như vậy tâm con có hết lậu hoặc không, thưa Thầy?

Đáp: Hết, tu như vậy tâm con sẽ ly dục ly ác pháp, diệt ngã xả tâm. Cuộc sống tâm hồn con sẽ an lạc, thanh thản như đất.

Hỏi 6: Kính bạch Thầy, con sống không đúng giới luật, nhưng con tu Chánh Niệm Tĩnh Giác Định kết hợp với Định Vô Lậu hằng ngày, hằng giờ, hằng phút, như vậy có diệt ngã xả tâm, ly dục ly ác pháp được chăng?

Đáp: Chỉ hoài công vô ích, con tu như vậy giống như người nấu cát mà mong thành cơm.

Hỏi 7: Kính bạch Thầy, con không giữ gìn giới luật nghiêm chỉnh, nhưng con sống với đôi mắt nhìn đời bằng nhân quả, không làm khổ mình, khổ người và tu tập định Chánh Niệm Tĩnh Giác câu hữu (kết hợp) với Định Vô Lậu, như vậy con có hết lậu hoặc không?

Đáp: Không, con tu như vậy chỉ được 50% mà thôi.

Hỏi 8: Kính thưa Thầy, con sống đúng giới luật nghiêm chỉnh, nhìn đời bằng đôi mắt nhân quả và tu tập Chánh Niệm Tĩnh Giác Định câu hữu với Định Vô Lậu. Như vậy, con diệt ngã xả tâm, ly dục ly ác pháp được chăng?

Đáp: Được, con tu như vậy tâm con sẽ hết lậu hoặc, thanh thản và an lạc.

Hỏi 9: Kính bạch Thầy, con sống không đúng giới luật, con tu Định Niệm Hơi Thở câu hữu với Định Vô Lậu. Kính thưa Thầy, con tu như vậy tâm con có hết lậu hoặc hay không?

Đáp: Không, con tu như vậy chỉ hoài công vô ích.

Hỏi 10: Kính bạch Thầy, con sống đúng giới luật, con tu Định Niệm Hơi Thở câu hữu với Định Vô Lậu, như vậy tâm con có hết lậu hoặc không?

Đáp: Con tu như vậy chỉ xả được tâm lậu hoặc 50%.

Hỏi 11: Kính bạch Thầy, con sống đúng giới luật, nhìn đời bằng đôi mắt nhân quả, không làm khổ mình, khổ người. Con tu tập Định Niệm Hơi Thở câu hữu với Định Vô Lậu. Như vậy, con có diệt ngã xả tâm, ly dục ly ác pháp được không thưa Thầy?

Đáp: Được, con tu như vậy sẽ ly dục ly ác pháp, nhập Sơ Thiền rất dễ dàng; tâm lậu hoặc xa lìa để lại một trạng thái an lạc, thanh thản do ly dục sanh.

Hỏi 12: Kính bạch Thầy, con sống đúng giới luật, giữ gìn nghiêm túc không vi phạm một lỗi nhỏ, không bẻ vụn giới luật, nhưng con không tu Định Chánh Niệm Tĩnh Giác, Định Niệm Hơi Thở và Định Vô Lậu, như vậy con có hết lậu hoặc không?

Đáp: Không, đó là một lối ức chế tâm, hình thức thì giới luật nghiêm trì, nhưng tâm thì giới luật đã bẻ vụn. Tu như vậy chỉ hoài công, khổ hạnh cho mình chẳng ích lợi gì, giống như các vị sư Khất sĩ (lấy giới nén tâm) chẳng bao giờ ly dục ly ác pháp được, chỉ uổng một đời tu mang hình thức giới luật.

Hỏi 13: Kính bạch Thầy, con không giữ gìn giới luật nghiêm chỉnh; con không tu các loại định mà chỉ sống nhìn đời bằng đôi mắt nhân quả, không làm khổ mình, không làm khổ người. Như vậy con có hết lậu hoặc hay không?

Đáp: Không, nếu sống nhìn đời bằng đôi mắt nhân quả, đó là con đã thực hiện đạo đức Nhân Quả đem lại cuộc sống an lành, hạnh phúc cho gia đình, đem lại cuộc sống hòa hợp an vui cho xã hội và đem lại trật tự phồn vinh cho đất nước, chớ không thể nào con hết lậu hoặc (tham, sân, si) được.

Hỏi 14: Kính bạch Thầy, con không sống đúng giới luật, không tu Định Vô Lậu, Định Chánh Niệm Tĩnh Giác, con chỉ tập Định Niệm Hơi Thở diệt tầm tứ nhập Nhị Thiền... Tam Thiền, Tứ Thiền có được không thưa Thầy?

Đáp: Không, con tu như vậy sẽ rơi vào tà thiền, tà định mà chẳng bao giờ nhập Tam Thiền được, nhập Tứ Thiền được. Những loại Thánh Định này không để một người còn mang tâm trạng phàm phu mà nhập vào được. Một người chưa ly dục, ly ác pháp thì không thể nào nhập vào các Thánh Định này.

Vị tỳ kheo phá giới, phạm giới, ăn ngủ phi thời thì Bốn Thánh Định này chỉ là ngôn ngữ suông, chẳng ai nếm được mùi vị của nó. Bởi vậy, một vị tỳ kheo tu sĩ Phật giáo phải sống đúng giới luật, phải nhìn đời bằng đôi mắt nhân quả, phải tu tập Định Vô Lậu, Định Chánh Niệm Tĩnh Giác, Định Niệm Hơi Thở thì mới ly dục ly ác pháp, mới diệt ngã xả tâm, mới nhập vào Sơ Thiền, v.v... Đạt được trạng thái ly dục ly ác pháp này, người tu mới có thể nhập Nhị Thiền đến Tứ Thiền và Tam Minh.

Còn giai đoạn thứ nhất không thực hiện được; tâm chưa hết lậu hoặc (phiền não) mà gọi nhập Tam Thiền, Tứ Thiền, thì đó là một điều phỉnh gạt người khác.

                                                                                                                         Kính thư
                                                                                                                 Thầy của các con