1- Ý nghĩa đơn giản của giải thoát.
Trước tiên ta phải hiểu từ ngữ chữ nghĩa tương đương chẳng hạn như chữ Giải phóng.
Giải: là mở ra, tháo gỡ khỏi, cởi bỏ, vô hiệu hóa sự trói buộc v.v và v.v…
Phóng: là thả, trả tự do, phóng thích, ném tới, vọt lên, thoát ra, vượt qua v.v…
Trước kia Bác Hồ vạch ra con đường giải phóng dân tộc có phải là đấu tranh để giành lại sự độc lập tự do dân chủ cho dân tộc thoát khỏi gông cùm xiềng xích nô lệ của các ách đô hộ thực dân đế quốc và các thế lực thống trị khác... Chính sự thống trị áp bức, cai trị tàn ác dã man của thế lực ngoại bang nên các dân tộc phải tự vùng lên đấu tranh cho đất nước mình thoát khỏi các ách nô lệ trói buộc để được giải phóng dân tộc là ý nghĩa như vậy!
Còn Giải thoát là gì?
Giải ở đây là quăng ném, buông bỏ, cởi mở, tháo ra, vô hiệu hóa sự ràng buộc... Còn thoát là vượt qua, nhảy ra, bỏ lại những gì sau lưng hoặc chung quanh ta (VD: 4 bức tường giam hãm ta phải thoát ra v.v...)
Như vậy giải thoát là buông bỏ, tháo gỡ tất cả những gì bị ràng buộc, bị trói buộc, bị nô lệ chẳng hạn như: cái bị sanh, bị già, bị bệnh, bị chết và những kiến chấp quá sâu dày đã ăn sâu vào bản ngã từ vô thủy vô chung. Vượt qua tất cả những gì trở ngại tự làm chủ lấy mình, giải thoát thân tâm tự làm chủ bốn chổ thân, thọ, tâm, pháp. Vượt qua dục lậu, hữu lậu, vô minh lậu, không để bị dính mắc đắm nhiễm bởi các dục lạc thế gian: sắc, lợi, danh, thực, thùy. Con người thường tự làm khổ lấy mình, cứ để sáu căn: “mắt, tai, mũi, miệng, thân, ý” tiếp xúc với sáu trần: “sắc, thinh, hương, vị, xúc, pháp”. Không chịu phòng hộ sáu căn, sống viễn ly ngăn, đoạn, diệt, bởi vậy cứ bị các dục chi phối lôi kéo, làm sao không đắm nhiễm!! Các trạng thái buông lung dễ làm cho ta trở lại trạng thái cũ, ta phải như con đại tượng đã qua sông thì không quay đầu lại, sống như con tê ngưu một sừng, độc cư thiền định đó là chân lý giải thoát.
Đức phật cách đây trên 2500 đã vạch ra con đường giải thoát với Bốn Chân Lý: khổ, tập, diệt, đạo. Bát chánh đạo là cứu cánh phạm hạnh đưa đến giải thoát toàn phần mà có mấy ai đi trọn con đường… đi hay không đi là quyền của mọi người… đức Phật chỉ là người hướng đạo, bật thầy vĩ đại có trí tuệ chánh đẳng giác là tấm gương thanh tịnh cho mọi người soi, là cha chung của muôn loài…
Tôn chỉ của đức Phật Thích ca Mâu ni là muốn chúng ta sống bình đẳng, xóa bỏ mọi giai cấp giữa người với người, cũng như giữa muôn loài động, thực vật. Chúng ta phải biết thương yêu muôn loài nói chung là chúng sinh. Chúng sinh không giới hạn ở con người, con người cũng là động vật nhưng là động vật cao cấp có lý trí, có lương tâm, có tri giác, có lòng thương yêu. Như vậy tại sao ta không giác ngộ chân lý đừng làm khổ mình, khổ người, khổ mọi chúng sinh... chỉ cần sống như vậy là giải thoát rồi, chứ giải thoát cái gì?
Giải thoát ở đây là giải thoát thân và tâm nhiếp phục mọi tham ưu ở đời, xả bỏ tất cả chướng ngại pháp trong thân tâm, không tham ái chấp trước hai đời, phải thông suốt những gì cần thông suốt, phải biết vượt qua dục lậu, hữu lậu, vô minh lậu. Không để ba cõi tác động, phải có pháp nhãn thanh tịnh thấy, biết rõ như thật, phải tự hoàn thiện lấy mình, không ai thanh tịnh ai, phải biết phân biệt con đường đâu là thiện, đâu là ác, đâu là khổ, đâu là nguyên nhân của khổ, đâu là diệt được khổ, đâu là con đường đưa đến giải thoát hết khổ chấm dứt tái sanh luân hồi. Đó là hành trình giải thoát của một kiếp người!
2- Tự thanh tịnh hoàn thiện lấy mình.
Có sống đời sống độc cư, phòng hộ sáu căn mới lắng nghe và cảm nhận được bên trong nội tâm của mình nó muốn gì, nghĩ gì thì mới gọt giũa được thân tâm của mình một cách tốt nhất. Phải tự phản tỉnh trung thực để diệt trừ mọi ý niệm, lời nói, hành vi bất thiện, bất chánh. Phải quyết tâm từ bỏ, ly dục ly ác pháp, xả bỏ tâm tham, sống đời sống thiểu dục tri túc, phải rải tâm từ khắp mọi loài, phải tĩnh giác chánh niệm, phải diệt ngã xả tâm cho tốt.
Phải có lòng tin sâu vào Phật pháp và phải có lòng tàm quí, biết sợ hãi những lổi lầm nhỏ nhặt do mình gây ra, biết sám hối, ăn năn tự sửa chữa lấy mình, sống đúng mười điều lành, không làm điều ác hạnh, tự thanh tịnh lấy mình ắt sẽ được hoàn thiện.
3- Vượt qua ma giới.
Ma là gì? Ma là chủ của dục lạc, vua của lòng ham muốn, nó có thể sai khiến và cám dỗ quyến rũ tất cả mọi loài. Nó chuyên đi đánh phá, cám dỗ những người có phạm hạnh vì các vị này đi ngược lại con đường của nó, nếu không tinh cần chánh niệm tỉnh giác, buông lung phóng dật ắt sẽ bị ma trói buộc, bị nó đánh bại và sẽ bị thối chuyển tâm lay động.
Như vậy ta phải tự an trú, tự y chỉ, tự lấy mình làm đảo cồn để tu tập, phòng hộ lấy mình, tự mình thanh tịnh lấy mình, vượt lên chính mình, làm chủ bản thân thì mới có thể vượt qua ma giới. Đứng đầu ma vương là tham, sân, si, còn ngũ dục lạc sắc, lợi, danh, thực, thùy quân lính chuyên đi quyến rũ những ai tham đắm ái dục lạc thế gian, người thế tục ít có ai vượt qua ma giới, lúc nào cũng bị ma cám dỗ sai sử. Ma ở đây chúng ta phải hiểu chân chính đó là ma lực, tất cả mọi thú vui kể cả những sinh hoạt thường ngày đều bị ma sai sử trói buộc, chẳng hạn như rượu chè, cờ bạc, hút xách, đĩ điếm gái bao, cá cuợc chơi bời v.v…
Cờ bạc, cá cuợc mọi hình thức thì có con ma cờ bạc sai sử quyến rũ lôi kéo làm cho tan nhà nát cửa, rơi vào cảnh nghèo cùng khốn khổ, vợ con bất hạnh oán thán khôn xiết.
Rượu chè, bia bọt và các chất say có tính kích thích thì có con ma men cám dỗ làm cho tâm trí bị u mê ám chướng, thần kinh bị phân liệt không còn lý trí phân biệt đúng sai, phải trái, dơ sạch, người trên kẻ dưới v.v…
Hút xách bao gồm thuốc lá, á phiện, móc phin, hê rô in và các chất kích thích khác… thì có con ma túy cám dỗ rù rê làm cho suy kiệt sức khỏe, hao tốn tiền bạc, thân thể gầy gộc khô khan, ô nhiễm độc hại cho mình, cho mọi người… dễ rơi vào các trụy lạc khác.
Chơi bời đĩ điếm, bồ bịch lang bang, quan hệ bất chính v,v… thì có con ma dâm dục lôi kéo xúi dục, quyến rũ làm cho tha hóa đồi bại, bệnh hoạn thể chất lẫn tinh thần, chồng vợ tan rã mất hạnh phúc gia đình, con người mất đạo đức đi đến chổ vô liêm sỉ.
Tất cả mọi dục lạc thế gian đều có ma lực cám dỗ, quyển rũ, lôi cuốn. Con người chúng ta ai ý thức giác ngộ được việc nầy thì sẽ làm chủ được thân tâm, vượt qua ma giới.
Vượt qua ma giới là ý thức thấy biết rõ như thật các dục trưởng dưỡng tác động trong thân tâm và ta tự điều phục, chế ngự hoàn toàn thân tâm, khéo biết làm muội lược tâm tham, sân, si, làm chủ các dục. Không để tham đắm chấp thủ dính mắc dù đó là dục thiện hoặc hỷ lạc, đó là vượt qua ma giới. Không còn dục lậu, hữu lâu và vô minh lậu còn gọi là vượt qua tam giới không còn lậu hoặc.