098-TẠO DUYÊN GIÁO HÓA CHÚNG SANH. Người Chiến Thắng

1- THẦY THÔNG LẠC  

Thỉnh thoảng thầy Thông Lạc lại về Thiền viện Thường Chiếu thăm sư phụ (HT Thanh Từ) và các huynh đệ. Sáng nay, chúng tôi lại trông thấy Thầy từ cuối hàng dương liễu cùng với cư sĩ Thiện Chí (đệ tử của Thầy), anh Đỗ Đình Đồng và một bà Ưu Bà Di (Diệu Nhiên).

Dáng người Thầy nhỏ nhắn, cặp kính không che dấu được đôi mắt thanh thản, ung dung, chòm râu bạc lơ thơ dưới cằm. Thầy thường mặc chiếc áo tràng màu vàng khi đi đường và hôm nay cũng vậy. Những đệ tử của Tu viện Chân Không và Thường Chiếu ít ai không biết thầy Thông Lạc.

Thầy là một trong mười thiền sinh đầu tiên của Tu viện Chân Không.

Thầy được phân công làm hương đăng cho hợp với tuổi tác và vóc dáng. Kể từ khi Thầy được sư phụ giảng cho nghe pháp môn tri vọng: Thầy như con đại tượng qua sông không quay lại, đã tinh tấn không phút giây lơi lỏng. Có lần sư phụ tuyên bố: - Trong pháp hội có người đại tinh tấn.

Và lúc đó ai cũng ngầm hiểu người đó là Thầy.  

2- RỜI KHỎI CHÂN KHÔNG

Thường thì ít ai biết chịu thua vọng tưởng, nhưng khi nó mời gọi những ý kiến hấp dẫn thì khó tránh khỏi vòng tay của nó.

Vì thế, thầy Thiện Năng và Thiện Ấn bất ngờ đến rủ thầy Thông Lạc rời Chân Không ra đi giáo hoá sau ba tháng vẻn vẹn học thiền, qua những bài kinh Bát Nhã, cuốn Nguồn Thiền, Thiền Quang Sách Tấn, Trung Hoa Chư Thiền Đức Hành Trạng và kinh Lăng Già Tâm Ấn.

Thầy Thông Lạc không chấp nhận ý kiến phóng dật chạy theo ngũ dục lạc (đi chu du chơi), mà lại mượn danh từ Hành Đạo để lừa mình, lừa người thật là tội lỗi vô cùng. Thầy Thông Lạc thẳng thắn nói theo tâm nguyện của mình:

“Tôi đã hứa với sư phụ là sẽ ở đây học thiền suốt ba năm. Đâu lẽ bây giờ lại ra đi thì lời hứa kia còn ra gì? Xin quý thầy cứ đi, Thông Lạc xin ở lại đây tu học đến khi nào chứng đạo mới thôi.”

Thầy Thiện Ấn nói khích: - Tôi biết mà, Thầy muốn ở lại để được khen là đại tinh tấn chứ gì.

Như một ngón nhất dương chỉ điểm đúng vào yếu huyệt sợ danh dự của thầy Thông Lạc.

Sau một đêm suy tư không ngủ, nước mắt thầy Thông Lạc tràn trề. Ở thì không được vì lời nói của thầy Thiện Ấn quá cay độc, còn đi thì thương Thầy (HT Thanh Từ) và thân phận tu hành của mình, không biết rồi sẽ ra sao? Đi về đâu?

Đối với Hòa thượng Thanh Từ thì thầy trò mới gặp nhau trong ba tháng an cư năm 1970 mà tình nghĩa rất sâu đậm.

Sáng hôm sau thầy Thông Lạc trả lời đồng ý ra đi. Sự ra đi đột ngột ấy làm sao thầy Thông Lạc quên được tình nghĩa thầy trò. Những buổi ngồi thiền chung với chúng trong thiền đường, Hòa thượng cầm thiền bản đi tới đi lui tuần thiền để xem xét và kiểm tra cách thức chúng ngồi thiền. Trong khi ấy thầy Thông Lạc ngồi thiền đau chân lắm, Hòa thượng biết được sự đau đớn này nên lấy bàn tay để nhẹ sau lưng của thầy Thông Lạc. Khi bàn tay Hòa thượng đặt vào sau lưng thì thầy Thông Lạc cảm thấy mát lạnh, sự đau đớn ấy giảm đi rất nhiều. Tình thương bằng hành động ấy làm sao thầy Thông Lạc quên được; làm sao thầy Thông Lạc không khóc. Lời nói cay nghiệt của thầy Thiện Ấn bắt buộc thầy Thông Lạc phải ra đi, phải rời Hòa thượng, một vị thầy mà trên đời này khó tìm được, tình thương của Hòa thượng Thanh Từ như vậy thì lòng dạ nào không đau xót; thì lòng dạ nào không tan nát. Phải không các bạn?

Thầy Thông Lạc khóc nhiều lắm nhưng có ai biết đâu. Cho nên tối hôm đó ba người đến đảnh lễ Hòa thượng để sáng sớm hôm sau ra đi, thầy Thông Lạc khóc nức nở nghẹn ngào. Hòa thượng cũng không nói được lời nào, chỉ nhìn những người học trò thân thương của mình quá dại dột:

Hòa thượng nhẹ nhàng nói qua hơi thở như một lời trách móc: - Thầy sợ mấy chú nông nổi.

Hòa thượng chỉ nói được những lời ấy thôi, rồi im lặng. Trong bầu không khí vắng ngắt, không một tiếng động trong sự chia lìa thương đau trước cảnh kẻ ở, người đi, thật là đau buồn tê tái, đứt từng đoạn ruột, nói làm sao hết nỗi thương đau này. Các bạn có biết không? Có cảm nhận được sự chia ly đau buồn này không?

 Trong tu viện chỉ có 10 huynh đệ, bây giờ đi mất ba người làm sao mà không buồn, không rơi nước mắt được.

3- NHỮNG NGÀY SỐNG TRÊN HÒN SƠN

Ba người đã ra đi trong sự bất bình của huynh đệ và chính sư phụ cũng không vui.

Ba người xuống đến An Giang rồi qua Rạch Giá ra biển đến Hòn Sơn chơi ba ngày lại trở về An Giang trú nơi tịnh xá Ngọc Vân xã Mỹ Luông do sư Định làm trụ trì. Chợt thầy Thông Lạc nhuốm bệnh nặng, hai thầy kia bỏ đi sang núi Cô Tô, Hà Tiên chơi nhưng lại nói đi hóa đạo.

Tịnh xá chỉ còn lại hai sư và thầy Thông Lạc. Đó là sư Duyên và sư Định săn sóc cho thầy Thông Lạc rất tận tình, thường đi xin phật tử từng bát cháo, từng viên thuốc, từng ly nước. Thật là một tình nghĩa bạn đạo khó quên. Đến khi bệnh tình giảm, thầy Thông Lạc theo sư Định về Sài Gòn, sẵn thầy Thông Lạc về Trảng Bàng thăm lại mẹ và em gái ít hôm. Thầy lại từ giã ra đi một mình một bóng trở lại ra Hòn Sơn Rạch Giá ngồi tu ngót gần một năm trong cái hang đá. Những thợ rừng thỉnh thoảng mang cơm gạo cúng dường Thầy. Thầy cảm thấy không tiện, nên tập ăn rau và lá cây rừng để sống.

Suốt thời gian ở trên đỉnh Hòn Sơn, trong hang núi Ma Thiên Lãnh, Thầy sống bằng lá cây rừng và rau sà lách soong trồng trong ao nước giữa hai tảng đá to lớn. Thân hình Thầy xanh và gầy như que tăm.

Nhờ sống được như vậy, Thầy tu tập dẹp sạch vọng tưởng, ngồi bất động suốt 3, 4 tiếng đồng hồ dễ dàng.

4- TRỞ VỀ SỐNG BÊN MẸ

Những đêm khuya thanh vắng, tiếng tàu đánh cá ngoài khơi văng vẳng gợi lên lòng nhớ thương mẹ và em nơi quê nhà, trong khi đất nước còn bom cày, đạn xé từng tấc đất yêu thương, thầy Thông Lạc tự hỏi:

Không biết giờ này mẹ mình và em mình ra sao? Có tránh khỏi những làn tên mũi đạn hay không? Có còn bình an ở nơi đó hay không? Hay đã siêu lạc nơi nào?

Bao nhiêu câu hỏi dồn dập trong đầu không sao trả lời được. Bây giờ pháp Tri Vọng vô phương không dẹp được những loạn tưởng này. Thầy Thông Lạc xót xa thương mẹ, và đứa em gái đang độ tuổi còn học trò mà phải lăn xả vào đời buôn gánh bán bưng để nuôi mẹ. Mỗi lần em đi buôn bán thì mẹ ngồi tựa cửa trông em, nhớ tưởng cảnh ấy lòng Thầy tê tái thương mẹ, thương em vô cùng, phải chi thầy Thông Lạc có cánh thì Thầy sẽ bay về bên mẹ liền tức khắc. Thương em thân gái bé thơ mà phải chịu gian truân trong cảnh đất nước đang hồi chiến tranh quyết liệt. Khi nào thấy mặt em về đến nhà thì mẹ mới an tâm. Tội nghiệp mẹ và em lắm. Nghĩ đến đây Thầy không cầm được những giọt nước mắt, không thể ngồi yên tu hành trên Hòn Sơn được mà chỉ mong được về bên mẹ, được núp dưới bóng mẹ như lúc còn bé thơ và sống như vậy mới an tâm tu hành, dù sống bên mẹ có gian khổ như thế nào thì mẹ con đồng chia sẻ nhau, Thầy an ủi mẹ, mẹ an ủi Thầy, Thầy an tâm tu hành vì có mẹ có em, mẹ an tâm vì có hai con một bên.

Hôm sau Thầy đón tàu về bên mẹ.

Khi trở về nhà, Thầy nói với mẹ: - Mẹ ráng nuôi con ngày một bữa để con được an tâm tu hành nghe mẹ! Cuộc đời của con chỉ còn biết tu mà thôi, con thương mẹ lắm, con không thể bỏ mẹ một mình ngồi tựa cửa trông em con.

Nghe thầy Thông Lạc nói như vậy, mẹ Thầy không cầm được nước mắt, những giọt nước mắt rơi xuống nói lên lòng mẹ thương con vô cùng vô tận. Nhớ lại lời ca Y Vân: “Lòng mẹ bao la như biển Thái Bình dạc dào.”

Thầy quay lại nói với em:

- Em ráng nuôi anh tu hành, anh về em phải cực nhọc nhiều hơn. Anh sẽ làm phụ em những gì anh làm được và anh sẽ tiết kiệm tối đa để em đỡ vất vả, nhất là em yên tâm nhà có anh bên mẹ và chăm sóc mẹ thay em.

Em Thầy nói: - Thầy cứ an tâm tu tập, có mẹ lo cơm nước cho Thầy, còn em buôn bán đắp đổi qua ngày, Thầy đừng lo, để mặc em.

 

5- NGƯỜI CHIẾN THẮNG GIẶC SINH TỬ

Thầy khép cửa thất lá lại, bắt đầu sống cuộc đời cô đơn và cô độc suốt gần mười năm liền. Người em gái buôn gánh bán bưng chắt mót từng đồng để nuôi mẹ, nuôi anh.

Mẹ Thầy lo nhiệm vụ hộ thất mang cơm xách nước cho Thầy qua khung cửa nhỏ.

Thời gian lặng lẽ trôi qua mãi, những đĩa rau khoai lang luộc với chén nước tương hoặc nắm muối trắng bên cạnh tô cơm là những gì nuôi nấng chút sức lực còn lại để Thầy âm thầm chiến đấu với giặc sanh tử từ muôn kiếp.

Thầy nhớ văng vẳng bên tai lời của sư phụ (Hòa thượng Thanh Từ): Phật pháp còn hiện hữu ở thế gian bởi vì còn có người tu chứng.

Đúng vậy, nếu Phật pháp không có người tu chứng thì giáo pháp của ngoại đạo sẽ diệt mất Phật pháp. Bằng chứng cụ thể như hiện giờ kinh sách Đại Thừa và kinh sách Thiền Tông của Trung Quốc đã diệt mất Phật pháp ở nước này.

Vì sợ danh dự mà ra đi, nhưng lòng Thầy lúc nào cũng nhớ đến sư phụ: chỉ nguyện dốc hết sức tiến tu đền ơn sư phụ đã chỉ dạy đường lối tu hành quí báu, cũng là để cho pháp môn Thiền Tông hiện hữu ở mãi thế gian, để cho chúng sinh có nơi nương tựa từ thế hệ này đến thế hệ mai sau và mãi mãi.

Lúc mới dụng công Thầy cũng cố gắng biết vọng không theo, nhưng vọng tưởng chập chùng ngăn che cái biết không hiện tiền, vọng tưởng lừa gạt tuôn chảy mãi. Thầy tự thấy chưa đủ trình độ đi con đường thẳng tắp này nên lui lại áp dụng phương pháp đếm hơi thở. Sau khi đếm hơi thở thuần thục Thầy lại chuyển sang tùy tức, theo dõi hơi thở. Sau một thời gian chuyên chú tăng tiến, sức tỉnh giác đã mạnh, Thầy mới trở lại phương pháp biết vọng không theo.

Hồi ở trên Chân Không, sư phụ có đưa một tập sách trong Đại Tạng Kinh chữ Hán bảo thầy Thông Lạc dịch, nhưng Thầy xin được giữ độn công phu, không trọng nghĩa giải.

Bây giờ ở trong thất kín cũng vậy, Thầy bỏ hết sách vở, một bề miên mật xoay về nội tâm tỉnh giác. Có những khi Thầy bắt chân lên ngồi thì liền thấy rõ cảnh vật ở làng xa xa, nhưng không chấp nhận, Thầy xả thiền đi kinh hành. Hôm thầy Nhật Quang về thăm quê có ghé thăm thầy Thông Lạc. Thầy Thông Lạc có hỏi thăm về sự việc này, thầy Nhật Quang bảo đó là ngũ ấm ma. Khi thầy Nhật Quang về núi thuật lại cho sư phụ, sư phụ có viết một bức thư gửi cho thầy Thông Lạc, nhưng bức thư đó không đến.

Những tháng ngày tiếp nối lặng lẽ trôi qua, cuộc đời bên ngoài biến chuyển rộn ràng, chiến tranh khói lửa ngút ngàn. Đến năm 1975 thì hòa bình lập lại sau cuộc chiến thắng lớn lao của quân đội giải phóng. Cả nước đang nỗ lực góp sức xây dựng lại quê hương sau bao nhiêu năm chinh chiến. Hoàn cảnh lúc này có khó khăn vì mới bước đầu dựng lại nền kinh tế độc lập cho xứ sở và dĩ nhiên sinh hoạt Phật giáo cũng có phần ảnh hưởng.

Tu viện Chân Không chỉ còn vài thầy với sư phụ, các thầy trẻ tuổi về mở mang canh tác ở Thường Chiếu.

Nhưng trong chiếc thất lá đơn sơ này có một bóng người ngồi lặng lẽ, thản nhiên, không bận tâm về các việc khác. Người này đang còn bận phải lập một chiến công oanh liệt nhất là tự chiến thắng mình. Cuộc chiến này chưa ngã ngũ, những tên giặc vọng tưởng vi tế còn lẩn lút đâu đây.

Thầy Thông Lạc vẫn kiên trì, không chút lơi lỏng, từng giờ, từng phút, từng giây đều kỹ lưỡng tỉnh giác, không cho sơ hở. Khi ăn, lúc uống, khi đứng, lúc đi, khi ngồi thiền, lúc xả thiền đều miên mật chăm chú.

Một thời gian dài lâu trôi qua như vậy. Một hôm Thầy chợt nghĩ: “Chư Phật thành đạo đều do sức đại hùng, đại lực, bây giờ mình phải khởi phát đại hùng để dứt hẳn vọng tưởng vi tế này.”

Thầy bắt chân lên bồ đoàn ngay thẳng tập trung sức tỉnh giác tột độ, cột trói tâm vào hơi thở, vào mắt, vào tai. Quả nhiên dòng vọng tưởng vi tế bị cột lại cứng ngắc. Thầy dần dần cảm thấy thân thể bị đau đớn quá đỗi, nhưng như con đại tượng đã qua sông không ngó lại, Thầy vẫn chịu đựng để mong dứt sạch vọng tưởng cuối cùng.

Khi Thầy thấy dễ chịu và xả thiền thì đã qua mất một đêm không hay, sáng mẹ Thầy mang cơm vào, Thầy nói: “Bây giờ con ngồi thiền nếu mẹ thấy thân con còn ấm thì thôi, còn nếu thấy thân con đã lạnh thì gọi bà con lại chôn con.”

Mẹ Thầy ngỡ ngàng nhìn Thầy rồi lui ra, không tin những điều vừa nghe được. Nhưng những giọt nước mắt của mẹ Thầy rơi xuống, không dấu được Thầy. Thầy thương mẹ lắm, nước mắt của Thầy cũng chảy dài trên má. Thầy tự hứa với lòng mình: phải ráng tu để đền đáp ơn mẹ, ơn nhiều người.

Thầy lại lên bồ đoàn, lại tập trung sức tỉnh giác tột độ như vậy và cảm giác đau đớn lại khởi lên. Vẫn ý chí ngất trời xanh, vẫn tâm nguyện kiên cường như núi đá. Thầy tiếp tục ngồi không lay động. Người mẹ già mỗi ngày mang cơm vào rồi lại mang ra, vì Thầy ngồi mãi không xả. Bà lo sợ, nước mắt lại tuôn rơi, sợ Thầy chết mất, nên đến gần quan sát thì thấy vẫn còn hơi nóng nơi thân của Thầy, nên yên tâm đi ra, nhưng không sao giữ được những giọt nước mắt thương con, Bà thương con lắm, tu hành sao khổ đến thế!

 Đến ngày thứ bảy thì Thầy xả thiền, bà mừng rỡ mang cơm vào cho Thầy, định hỏi thăm vài điều, nhưng thấy Thầy nhìn bà như nhìn một người xa lạ và không nói câu nào, không bảo đói, không nói khát, chỉ ngồi trơ trơ như người từ một thế giới nào lạc vào đây vậy.

Lúc này thầy Thông Lạc đang ở trong cái đại tử của nhà thiền, mắt vẫn thấy, tai vẫn nghe nhưng mọi suy nghĩ phân biệt không khởi, có cơm thì ăn, có nước thì uống, chứ không còn thấy đói khát gì cả. Khi ngồi thiền, khi xả thiền đều từ thói quen của tay chân tự động, chứ không tác ý. Thời gian đại tử này kéo dài gần hai tháng.

Một hôm Thầy bắt chân ngồi sát bàn Phật mà không biết, đến khi xả thiền kéo chân ra đụng vào góc bàn Phật liền đó tan vỡ. Xem như giai đoạn tu tập Thiền Tông Tối Thượng Thừa đến đây là xong. Nhưng khi trở ra đời sống bình thường, không ở trong trạng thái đại định này thì Thầy thấy tâm mình còn tham, sân, si, mạn, nghi và còn mạnh hơn lúc chưa tu, nhưng tâm rất khôn khéo lý luận che đậy bằng những lời lẽ mà các sư đệ thường gặp trong kinh sách Thiền Tông và Đại Thừa như: “Tự tại vô ngại, đói ăn, khát uống, mệt ngủ liền” hoặc “Vô sở đắc” hoặc “Còn thấy tu chứng là chưa chứnghoặc “Em là em, Phật là Phật, em không phải là Phật, Phật không phải là em…”

Tu xong rồi tâm vẫn còn phiền não, bệnh đau phải đi bác sĩ, uống thuốc, không biết cách nào làm chủ sự sống chết. Tu hành chỉ có thông suốt tất cả những công án và kinh sách Đại Thừa để làm gì?, khi không làm chủ sanh, già, bệnh, chết. Thầy rất buồn nản, chẳng còn muốn sống, 10 năm tu tập trong thất rất là gian khổ chỉ có một số tưởng giải để lý luận hơn thua, thế là cuộc đời tu hành của Thầy trở thành số không. Nhập vào trạng thái không vọng tưởng thì 18 loại hỷ tưởng xuất hiện, biết chuyện quá khứ vị lai của mình của người rất rõ ràng, nhưng để làm gì đây? Để trở thành thầy bói ư!

Thầy muốn chết đi là xong, muốn vào rừng tự tử cho xong một đời tu hành chẳng ra gì. Tu hành như thế này còn mang nợ của đàn na thí chủ, chẳng ích lợi gì cho ai, chỉ có nói dối lừa người. Ôi! Thật là xót xa vô cùng, phí một đời người chỉ trở thành người nói dối có kinh sách, giới luật thì vi phạm không một giới nào là không vi phạm (phạm giới trong ý). Đúng là chết quách đi cho rồi, nhưng mẹ còn sống mà chết đi là bất hiếu.

Bây giờ Thầy ở trong tình trạng như muốn điên loạn, thầy lấy tập kinh Trung Bộ song ngữ (do Hòa thượng Minh Châu dịch) ra đọc cho hết thời gian, nhưng khi đọc đến những câu: “Tác ý một tướng khác thì tướng kia bị diệt” hoặc “Quán ly tham tôi biết tôi hít vô” hoặc “Quán từ bỏ tâm tham…” hoặc “Quán đoạn diệt tâm tham...”. Đọc đến những đoạn kinh này thầy Thông Lạc như bừng tỉnh. Thầy áp dụng vào đời sống tu hành của mình ngay liền, Thầy không ngồi kiết già nữa vì ngồi kiết già tâm sẽ nhập vào Không Vô Biên Xứ Tưởng, Thầy rất sợ 18 loại tưởng xuất hiện, nên chỉ ngồi tựa cửa thất nhìn trời mây cây cỏ mà tác ý: “Tâm Như Đất, Ly Tham, Sân, Si Cho Thật Sạch.” Nhờ tác ý như vậy tâm Thầy lần lượt quay vào định trên thân, suốt ngày đêm Thầy không ngủ, luôn luôn biết hơi thở ra, vô và cảm giác toàn thân. Chính lúc này tâm Thầy đang quán trên thân tức là Thầy đang tu tập Tứ Niệm Xứ mà không biết. Tâm định trên thân suốt sáu tháng trời khi đi, đứng, nằm, ngồi, ăn uống đều biết chỉ có một tâm đó.

Một hôm trên tâm thanh tịnh đó xuất hiện Bốn Thần Túc, Thầy liền biết một cách rõ ràng, nhưng cái biết đó không phải là ý thức mà cái biết đó là thức uẩn nên Thầy dùng thần lực đó nhập bốn định Hữu Sắc và thực hiện Tam Minh. Thầy hoàn toàn làm chủ sanh, già, bệnh, chết và chấm dứt luân hồi sanh tử. Thầy biết rất rõ chỉ còn một đời sống này nữa mà thôi. Tâm Thầy không còn một chút tham, sân, si, mạn, nghi nào cả.

Sau sáu tháng tu tập với câu tác ý đơn giản mà thành công vĩ đại không ngờ. Sự thành công này mở màn cho nền đạo đức nhân bản – nhân quả của Phật giáo ra đời.

Thầy mở cửa thất đi ra làm Người Chiến Thắng vinh quang sau hơn mười năm giam mình trong cô đơn hiu quạnh, Thầy đi đến mẹ mình nói: “Từ nay mẹ khỏi mang cơm vào thất, vì con sẽ ra đây ăn cơm với mẹ! Con đã tu xong rồi.”

Mẹ Thầy vui mừng quá đỗi nói: “Thời gian qua mẹ tưởng con điên mất và nhất là lo sợ con chết.”

Có lẽ lời nguyện hứa từ kiếp nào đã làm tròn, bà cụ ra đi sau đấy ba tháng.

Mẹ ra đi vào cõi vĩnh hằng, trong nhà chỉ còn lại hai anh em, nên thầy Thông Lạc xin một đứa cháu mới 8 tuổi - đặt cho pháp danh là Mật Hạnh - về nuôi,  cho đi học và dạy tu hành.

Sau mười năm nhọc nhằn nuôi mẹ, nuôi anh, giờ đây, người em được Thầy giúp đỡ mọi công việc nặng nhọc, đặt cho pháp danh là Diệu Quang và lại dạy tu hành ngồi thiền xả tâm. Đó là hai người đệ tử cư sĩ đầu tiên được quy y với Thầy.

6- TẠO DUYÊN GIÁO HÓA CHÚNG SANH

Thấy mình không có duyên giáo hóa chúng sanh nên Thầy muốn thị hiện Niết Bàn để gây niềm tin cho mọi người rằng: Thời mạt pháp vẫn có thể tu chứng. Việc lợi ích chúng sinh của Thầy chỉ như vậy, chỉ là gây niềm tin cho mọi người bằng hình ảnh Niết Bàn của mình. Thầy cất một cái nhà sàn định dùng làm giàn hỏa thiêu. Nhưng Thầy thấy chúng sanh còn quá khổ, bỏ đi sao đành, con đường tu hành theo Phật giáo để được giải thoát thì bị kinh sách phát triển Đại Thừa và thiền Đông Độ dìm mất, còn mình thì không có duyên làm sao cứu họ đây. Thầy suy tư rất nhiều để tìm mọi cách độ chúng sanh. Rồi Thầy lại nhớ ngày xưa đức Phật còn hóa duyên độ chúng sanh thì Thầy bây giờ cũng vậy. Phải hóa duyên độ chúng sanh, nhưng phải bằng cách nào?

Rồi Thầy tự trả lời câu hỏi: Phải tạo duyên mới chớ sao? Nhưng tạo duyên mới như thế nào? Người nào? Ở đâu?

Để trả lời những câu hỏi này, Thầy dùng trí tuệ tu chứng quan sát khắp nơi: Chỉ thấy có sư phụ (Hòa thượng Thanh Từ) là nơi tạo duyên hóa độ chúng sanh dễ dàng.

          Sư phụ là người đã dạy bảo, đã khích lệ mình mới có sự tu chứng như ngày hôm nay, Thầy tìm về núi cũ để thăm sư phụ và tạo duyên giáo hóa chúng sanh.

Cảnh vật nơi Chân Không thay đổi nhiều quá, đường lên núi được lát đá sắp cấp dễ đi hơn nhiều. Hai bên đường là những am thất sang trọng. Thầy Phước Hảo bỡ ngỡ nhìn ông già xa lạ từ đâu đi đến tự xưng là Thông Lạc. Thầy Thông Lạc nói:

·                 - Thầy nhớ tôi không? Tôi là Thông Lạc đây!

·                 Thầy Phước Hảo không tin người đứng trước mặt mình là người huynh đệ Thông Lạc ngày xưa. Thông Lạc ngày xưa đẹp đẽ nho nhã bao nhiêu thì ông già này tiều tuỵ già cỗi bấy nhiêu, mái tóc dài lõa xõa, chòm râu bạc lơ thơ, răng chiếc còn chiếc mất làm sao là Thông Lạc được.

·                 Nhưng dù sao thầy Phước Hảo cũng nhận ra được và huynh đệ rất mừng tay nắm tay. Sau khi uống nước xong, thầy Phước Hảo giới thiệu lên sư phụ. Đi vòng qua Thiền Đường uy nghi mát mẻ, qua tăng đường chỉ còn trơ lại nền đất, lên dốc Đại Nam uốn quanh, khỏi cốc thầy Kiến Thiện là phương trượng sư phụ. Sư phụ nhận ra thầy Thông Lạc liền. Thầy Thông Lạc thưa:

- Thưa Thầy! Sau bao năm xa Thầy, giờ đây con đã có trí tuệ và nhập định một cách dễ dàng.

Sư phụ bảo: Chú nói chú có trí tuệ, bây giờ tôi hỏi mà chú đáp được thì tôi công nhận.

Thầy Thông Lạc nói: Thỉnh Thầy hỏi.

  Sư phụ đưa ra một công án thiền.

 - Có một thiền sư hỏi thiền khách: “Phật là gì?” Thiền khách đáp mãi mà thiền sư không đồng ý.

 - Bây giờ tôi hỏi chú:  Phật là gì?

- Như trái banh nổi trên nước, đụng là xoay, đẩy là chạy, thầy Thông Lạc liền đáp: Thầy có thấy lá cây rung trước gió chăng?

              Sư phụ gật đầu và đưa ra một công án khác:

Có một thiền khách hỏi Động Sơn: - Thế nào là đại ý Phật pháp.

Động Sơn đáp: Ba cân gai.

Vậy tôi hỏi chú: Ba cân gai là gì?

Thầy Thông Lạc đáp nhanh như gió không cần suy nghĩ: Đạo không lìa đời.

Sư phụ gật đầu đọc một đoạn trong kinh Lăng Già để ấn khả chỗ đến của thầy Thông Lạc, tức là Thầy đã kiến tánh hoàn toàn. Theo Thiền Tông, Kiến tánh thành Phật, người thông suốt 1.700 công án thiền là trí chứ không còn là thức phàm phu nữa.

Sư phụ có bảo: Nếu chú có ở gần tôi, chú đã đến chỗ này sớm hơn.

Thầy Thông Lạc lại thưa: Thưa Thầy cho phép con nhập Niết Bàn.

- Năm nay chú bao nhiêu tuổi?

- Dạ, hơn năm mươi tuổi!

- Chú hãy còn trẻ lắm, hãy ở gần tôi thêm lợi ích và trợ duyên tôi giáo hoá.

Duyên đã tạo ra được, từ đây thầy Thông Lạc bình thản ở lại và tìm mọi cách dựng lại Chánh pháp của Phật. Sư phụ lại đưa cho Thầy nhiều kinh sách Đại Thừa và Thiền Tông để mở mang kiến thức.

7- CHỈ CÓ NGƯỜI TU CHỨNG MỚI THỐNG NHẤT PHẬT GIÁO

Hôm nay ngày 11 tháng 3 âm lịch năm 1987, thầy Thông Lạc lại về thăm sư phụ.  

Sư phụ đang ngồi trên võng nơi nhà mát phương trượng với vài ba phật tử quen thuộc ngồi dưới nền. Thầy Thông Lạc đến xá chào và ngồi xuống bên phải gần sư phụ. Các phật tử đi theo Thầy cũng ngồi xuống chỗ thích hợp. Trong buổi nói chuyện này, anh Đỗ Đình Đồng đã trình nhiều ý kiến về Phật giáo và Thiền Tông với sư phụ. Câu chuyện ban đầu đi dần đến kinh nghiệm tu hành. Thầy Thông Lạc thưa:

Thưa thầy, theo kinh nghiệm của con: Người tu thiền phải xả bỏ tận gốc các kiến giải, tưởng giải vì sự hiểu biết đó chỉ là hiểu biết ảo tưởng chứ không phải sự hiểu biết của tri kiến giải thoát. Như ngày trước con tu không xem kinh sách gì, đến khi con lên trình Thầy, Thầy hỏi là con bèn đáp theo Tri Kiến Trực Giác chứ không do ý thức suy nghĩ phàm phu.

               Hòa thượng Thanh Từ bảo: Không phải thức như thế này. Có hai loại trí:
                - Một là Trí Hữu Sư.
                - Hai là Trí Vô Sư.

Trí hữu sư Do Học, còn trí vô sư do Tâm Thanh Tịnh. Trí vô sư này mới chống lại với giặc sanh tử được, còn trí hữu sư thì không chống được. Trí tuệ là cái chính yếu để phá trừ vô minh được giải thoát. Ngày xưa các tỳ-kheo dù nhập định đến 7, 8 ngày mà chưa thấy lý Tứ Đế, vẫn không chứng A La Hán, vì trí hữu sư vẫn là phàm phu trí.

Sau đó sư phụ lại đề cập đến vấn đề Nguyên Thủy và Đại Thừa đang là điều chú ý hiện nay. Thầy bảo cũng là đạo Phật mà hai bên đi hai đường như trái hẳn nhau; không thông cảm, không thống nhất gì được. Anh Đỗ Đình Đồng tỏ vẻ bi quan về việc thống nhất dung hợp Nguyên Thủy và Đại Thừa là điều quá khó khăn xưa nay không ai nghĩ tới. Thầy Thông Lạc thưa:

- Thưa Thầy, theo con thấy mình cứ biểu hiện bằng sự tu chứng của mình. Họ thấy được điều đó rồi theo mình là tự nhiên thống nhất.

Sư phụ bảo:

- Được mấy người tu chứng, và bao lâu mới tu chứng. Dĩ nhiên điều này là hay nhưng đòi hỏi thời gian. Trong khi vấn đề hiện nay cấp bách là phải giải quyết liền. Có ba yếu tố có thể giúp cho sự thống nhất:

- Một là biểu hiện qua sự tu hành chân chánh của mình. Điều này đòi hỏi bên Đại Thừa phải trong sáng, không để xen lẫn những hình thức mê tín, dị đoan trái tinh thần giải thoát giác ngộ của đạo Phật, phải có những người tu hành có kết quả rõ rệt; phải giữ gìn giới luật nghiêm túc; phải sợ hãi những lỗi lầm nhỏ nhặt trong giới luật.

- Hai là Giáo lý Nguyên Thủy và Đại Thừa phải được dẹp bỏ những kiến giải, tưởng giải làm sai lệch ý Phật. Nhất là kinh sách Đại Thừa xây dựng thế giới siêu hình ảo tưởng tạo thành một tôn giáo thần quyền, chuyên cúng bái cầu siêu, cầu an tạo ra nhiều sự mê tín dị đoan, lạc hậu, khiến phật tử mất hết sức tự lực, chỉ còn tha lực cầu cạnh quỷ thần. Những tư tưởng sai lệch của Đại Thừa như vậy cần phải dẹp bỏ thì mới có thể hòa hợp với Nguyên Thủy Nam Tông. 

- Ba là nghi thức: Mình là người Việt nam, Phật giáo là Phật giáo Việt Nam mà bên thì tụng kinh bằng tiếng Pàli bên thì tụng bằng tiếng Hán, người Việt Nam nghe không hiểu gì hết.

Ngừng một chút sư phụ tiếp:

             - Nội cái việc hai tạng kinh không đồng nhau là đã rắc rối rồi. Hoà thượng Minh Châu chỉ nhận tạng kinh Pàli là đạo Phật, còn cho kinh điển Đại Thừa là ngoại đạo. Hòa thượng Trí Tịnh thì bảo ai không nhận kinh điển Đại Thừa, kẻ đó là ngoại đạo. Hai ông Hòa thượng lớn của giáo hội còn chưa thông cảm nhau, huống hồ người dưới.

Không thể nào giáo lý Đại Thừa và Nguyên Thủy không trái nhau, hai giáo lý này nghĩa lý cách xa nhau như một trời, một vực, vì thế không thể thống nhất giáo lý được, mà thống nhất giáo lý không được thì làm sao thống nhất hai hệ phái lớn này được. Hai hệ phái lớn không thống nhất được thì các chi phái nhỏ nhánh khác dễ dàng gì thống nhất họ được.

Anh Đỗ Đình Đồng vui vẻ thưa: Con thấy việc làm này rất khó, chỉ có những người tu chứng mới làm nổi như ý thầy Thông Lạc.

Thầy Thông Lạc cũng đồng ý: Đây chỉ còn là cách duy nhất mà thôi.

Sư phụ bảo: “Tôi chỉ gợi ý thôi, còn để cho mấy chú sau này làm.”

Nói xong sư phụ quay nhìn những đệ tử trẻ chúng tôi ngồi gần đấy.

Đã đến giờ ngọ trai, trước khi lui ra thầy Thông Lạc thưa: Con muốn thưa chuyện riêng với Thầy, nếu được Thầy cho phép, con gặp Thầy vào buổi chiều.

Ờ, hai ba giờ chiều rồi tới.

8- THẦY TRÒ THÔNG CẢM

Ba giờ chiều thầy Thông Lạc vào hầu chuyện với sư phụ, ba phật tử lúc sáng cùng đi theo.

Thầy Thông Lạc thưa: Thưa Thầy, từ ngày con lên núi trình Thầy, được Thầy ấn chứng, con có xin Thầy cho phép nhập Niết Bàn, nhưng Thầy bảo con ở lại trợ duyên Thầy giáo hoá. Vì thế con không đi trước Thầy.  Theo lời Thầy dạy, con tiếp tục nghiên cứu các kinh sách Đại Thừa. Và con cũng tuỳ duyên tiếp người mới học. Nhưng có những lời đồn quanh quất nơi các phật tử bên ngoài là đường lối con khác đường lối Thầy, gây chia rẽ giữa con với Thầy. Thưa Thầy, con tuỳ căn cơ người mà lập hai pháp; bên Thiền bên Định, bên thiền về quán để dạy người xả chướng ngại pháp. Còn Thầy dạy Bát Nhã cũng là quán, hoặc biết vọng không theo cũng là định, không có gì khác nhau. Hôm rồi, có những phật tử ở Cần Thơ đến nói con về việc này, rồi họ mời con xuống dưới để giải thích.

Thưa Thầy, hôm nay con lên đây để trình việc này và cũng để xóa tan những dư luận bên ngoài, có khi sẽ lan tới bên trong, xin Thầy cho vài huynh đệ về phụ với con như để xác định lại rằng đường lối của con không khác đường lối của Thầy, làm sáng tỏ chỗ dư luận như vậy.

Sư phụ bảo: Điều đáng ngại là Thầy trò không thông cảm nhau, còn khi Thầy trò đã thông cảm với nhau thì dư luận ở bên ngoài không quan trọng. Việc đưa người về đó không tiện vì hành chánh giấy tờ họ đã ổn định ở đây rồi, đưa qua đưa lại mất công. Khi nào thuận tiện tôi sẽ đi thăm là được rồi.

Các đạo hữu mừng rỡ. Sư ông đến thăm còn gì quí bằng.

Như vậy xem như chuyện thầy Thông Lạc lên thăm đây là mỹ mãn.

Sư phụ lại nói về tình hình Phật giáo hiện tại và bảo hiện nay Nhà nước đang xây dựng một viện nghiên cứu triết lý Phật giáo, nhất là Phật giáo Việt Nam thời Lý, Trần.

Cư sĩ Thiện Chí thưa: Thưa sư Ông, nhiều người nói sư Ông bác Tịnh Độ?

Thầy cười bảo: Nếu chấp nhận Tịnh Độ thì đã tu Tịnh Độ mất rồi! Tôi không nói là bác, nếu ai hỏi về Tịnh Độ tôi chỉ giải thích niệm Phật đến chỗ nhất tâm.

              Thầy Thông Lạc thưa: Thưa Thầy, ngoài miền Trung và miền Bắc có nơi nào tu thiền không?

Sư phụ bảo: Ở ngoài Bắc nơi chùa Hòa Giai có sư cụ Pháp chủ Đức Nhuận tu theo thiền Tào Động, lối phản quang tự tánh. Còn ở miền Trung thì hoàn toàn không còn nữa: mặc dù trước đây miền Trung là nơi truyền dạy thiền của hai ngài Nguyên Thiều và Liễu Quán.

Sư phụ nói thêm: Mình nói tu theo Đại Thừa, mà Thiền Tông là cốt tủy của Đại Thừa thì không chấp nhận. Hồi tôi lập Tu viện Chân Không để dạy thiền, cả giáo hội hồi đó không ai đồng ý cả, chỉ có Hòa thượng Thiện Hòa vì tình cảm riêng mà ra thăm hỏi. Trong khi thời đó nhóm Lương Sĩ Hằng dạy thiền xuất hồn hoàn toàn sai với đạo Phật thì giáo hội không nói được một lời nào để phê phán. Trái lại tôi dạy thiền của đạo Phật thì các vị lạnh lùng xa cách. Bởi vậy việc làm của tôi bao nhiêu năm qua là việc làm trong cô đơn yên lặng. Phật giáo Việt Nam mình hầu hết 99 % là Tịnh Độ, chỉ bắt đầu từ khi Tu viện Chân Không xuất hiện thì mới có thiền. Cho nên tiếng nói của thiền thật là bơ vơ lạc lõng.

Hồi trước kia trong một kỳ họp của giáo hội với tư cách là người trong ban hoằng pháp, tôi phát biểu chư Tăng bấy giờ có nhiều người muốn chuyên tu. Xin giáo hội cho lập những Tịnh Viện, Thiền Viện làm cơ sở cho chư Tăng chuyên tu ròng tu tập. Kỳ đó Thượng tọa Thiện Minh làm chủ tọa, các vị bác ý kiến tôi không tiếc lời, bác thẳng tay.

Thầy Thông Lạc tiếp lời:

- Tuy sư phụ nói như vậy, nhưng riêng chúng con lại thấy khác. Có thể đối với giáo hội trước kia, sư phụ là người cô độc đi con đường của mình, nhưng từ mọi miền đất nước, từ nhiều nơi trên thế giới, với những người thiết tha tu tập mà không thỏa mãn nơi sinh hoạt của giáo hội, đã hướng về sư phụ như ngọn hải đăng rực sáng cao cả soi phá bóng đêm âm u trên biển khổ trầm luân sinh tử, giúp họ vượt qua đêm dài tăm tối si mê, đưa họ trở lại lối tu cốt tuỷ của đạo Phật.

- Sư phụ không cô đơn vì pháp âm của Người vang mãi trong lòng muôn người chân thành vì đạo pháp;

- Sư phụ không cô đơn vì con đường Người vạch lối có vô số người bước theo và tìm thấy nơi đây bình an và hạnh phúc;

- Sư phụ không cô đơn vì hàng đệ tử chúng con vững bước theo Người, nối tiếp sứ mạng của Người làm trong sáng đạo Phật khỏi những sai lầm cực đoan và mê tín. Vì thế mà hiện giờ sư phụ không còn cô đơn nữa, con đường của sư phụ đi là con đường sáng chói huy hoàng mà chúng con là những người thực hiện ánh sáng ấy.

9- GIAI ĐOẠN CHUYỂN BIẾN PHẬT GIÁO TỪ TỊNH TỚI THIỀN

Hôm thứ bảy ngày mùng 7 tháng 3 âm lịch vừa rồi có Hòa thượng Minh Châu cùng với ông Đức Phương, Võ Đình Cường, Tống Hồ Cầm, Tống Anh Nghị là những người chịu trách nhiệm tờ báo Giác Ngộ - tờ báo Phật giáo hiện nay - đến Thiền viện thăm sư phụ. Những vị kia hầu hết đều quen thuộc đối với Phật giáo, riêng ông Đức Phương là chủ bút tờ báo Giác Ngộ. Chúng tôi đã đãi các vị bữa cơm trưa với các món ăn tự sản xuất được như: mít kho, đào chiên, canh rau dền. Sau buổi nghỉ trưa ngồi nói chuyện với sư phụ, ông Đức Phương nhận xét:

- Tôi nghe Thầy là người tu theo “Đại Thừa” nhưng khi đọc cuốn “Chìa Khóa Học Phật” tôi thấy Thầy nói về đức Phật rất thực tế không có vẻ gì huyền thoại. Ý ông nói là Nguyên Thủy mà tránh dùng chữ quá rõ.

Sư phụ đáp: - Tôi không để ý đến những khía cạnh khác, với tôi đạo Phật tùy bệnh cho thuốc.

Ông Đức Phương: - Biết bệnh biết thuốc cũng khó chứ. Thật ra sư phụ muốn gạt vấn đề Nguyên Thủy và Đại Thừa qua một bên chia đôi hai nhánh làm gì, tùy bệnh thô thì nói pháp thô, bệnh tế thì nói pháp tế, với người chưa tỉnh thì nói pháp giải thoát, với người tỉnh rồi thì nói lý tưởng độ sanh.

              Các ông khẩn khoản mời sư phụ viết bài cho báo Giác Ngộ.
              Sư phụ có vẻ từ chối nói rằng: - Tôi là người nhiệt tình, cũng muốn nói lên những điều cần phải nói nhưng những điều tôi đã nói lại có người hiểu lầm. Riết rồi tôi chỉ thích coi ngó làm ruộng làm rẫy mà thôi.
             Ông Tống Hồ Cầm lại khuyến khích: - Thầy là con người văn hoá, công việc văn hoá là thích hợp chứ.
             Ông Võ Đình Cường lại thêm: - Thôi, Thầy viết cho bài trong đặc san Phật đản kỳ này đi. Có lẽ trong nội bộ Phật giáo hiểu lầm Thầy thôi.

           10- THIỀN TÔNG KHÔNG LÀM CHỦ SINH, LÃO, BỆNH, TỬ

Đang thuật chuyện thầy Thông Lạc, tôi lại nhắc đến các ông, bây giờ giải thích sự kiện hiểu lầm, tôi lại phải nhắc chuyện nhà Tổ. Khi cất xong nhà Tổ, sư phụ nói chuyện với tứ chúng. Trong bài nói, sư phụ có dẫn thiền sư Thường Chiếu.

              Thần Nghi hỏi thầy là Thường Chiếu: - Mọi người đến thời tiết này, chỗ ngộ này, vì sao đều theo thế tục mà chết?
              Thường Chiếu bảo: - Ngươi nhớ được mấy người không theo thế tục mà chết?
              Thần Nghi thưa: - Một mình tổ Đạt Ma.
              Thường Chiếu hỏi: - Có những gì đặc biệt?
              Thần Nghi thưa: - Một mình đạp sóng trở về Tây.
              Thường Chiếu hỏi: - Núi Hùng Nhĩ là nhà ai? (ý nói tổ Đạt Ma cũng chết chôn trong núi này).
              Thần Nghi thưa: - Chỉ là chỗ chôn chiếc giày trong hòm mà thôi.
              Thường chiếu bảo: - Lừa người lấy lợi, đứng đầu là Thần Nghi (ý chê Thần Nghi đi ngõ khác với Thiền).
               Thần Nghi thưa: - Đâu thể nói Tống Vân truyền dối việc vua Trang Đế quật mồ thì sao?
              Thường Chiếu bảo: - Một con chó lớn sủa láo, mấy con chó nhỏ sủa theo.
              Thần Nghi thưa: - Hòa thượng cũng tùy tục chăng?
              Đáp: - Tùy tục.
              Lại hỏi tiếp: - Vì sao như thế?
              Thường Chiếu bảo: - Ấy là cùng người đồng chết.
              Thần Nghi chợt tỉnh ngộ, lễ bái thưa:
- Con đã hiểu lầm hết rồi.

Người theo Thiền Tông cốt ngộ được pháp thân bất sanh bất diệt, còn cái thân tứ đại này theo luật vô thường phải có ngày tan hoại. Phật cũng thế. Không làm chuyện lạ bày trò sống lâu với thân tứ đại này chỉ vì dạy người giác ngộ pháp thân vượt ngoài sanh tử. Thần Nghi chưa ngộ pháp thân nên chỉ nhìn nơi chuyện lạ ca ngợi tổ Đạt Ma đã tịch chôn trong tháp ở núi Hùng Nhĩ rồi mà còn sống lại ra khỏi tháp đi về Ấn Độ, gặp sứ giả Tống Vân trên núi. Thống lãnh Tống Vân về thuật lại, vua Trang Đế quật tháp chỉ còn một chiếc hài.

Thiền sư Thường Chiếu đã quở trách những người đến với đạo Phật chỉ để ý chuyện lạ, không sáng lý tánh qua câu: “Một con chó lớn sủa mấy con chó nhỏ sủa theo”. Sư phụ dẫn chuyện này để khẳng định đường đi của Phật giáo không chú trọng chuyện lạ, vì như thế có thể chìm vào dị đoan, mê tín. Nhưng không biết trong những người đứng nghe lúc đó nghe thế nào mà hiểu lầm rằng con chó sủa láo chính là công kích các hệ phái khác.

Trước khi ra về, các ông đã xin những cuốn sách sư phụ đã trước tác căn bản như “Mới vào cổng chùa”, “Yếu chỉ thiền tông”, “Hé mở cửa giải thoát.”

Sư phụ nói tiếp với thầy Thông Lạc và các phật tử: - Tất cả những việc tôi âm thầm làm từ trước trong hoàn cảnh không thích hợp như khôi phục Thiền Tông, sau giải phóng thì tổ chức sinh hoạt lao động trong thiền viện, bây giờ những việc đó bắt đầu có cơ duyên thích hợp, từ lâu yên lặng, bây giờ mới nói lên tiếng nói...

11- HUYNH ĐỆ TU VIỆN THƯỜNG CHIẾU THƯA HỎI

Vì thầy Thông Lạc đến sáng mai mới về, nên tối nay huynh đệ chúng tôi khẩn khoản thỉnh Thầy hoan hỷ cho chúng tôi tham vấn. Sau giờ xả thiền chúng tôi trải chiếu, bày trà nơi gian nhà trống và mời Thầy đến.

Thầy Thông Quán đã thay mặt huynh đệ hỏi trước. - Thưa Thầy, con nghe Thầy có dạy các pháp tu định và tu quán, các pháp này thế nào?

Thầy Thông Lạc bảo: - Hai phép tu định và tu quán không khác với nhau, đường lối của Thầy viện chủ chỉ là tuỳ căn cơ người học mà Thầy thiên về định hay về quán thôi (thầy Thông Lạc có thói quen xưng “Thầy” gọi chúng tôi là “huynh đệ” có lẽ vì Thầy thấy thân mật, chúng tôi cũng thấy cởi mở).

Với người thông minh học nhiều – Thầy tiếp – Thầy cho họ pháp quán xả tâm để đi suốt con đường tri kiến giải thoát tận đỉnh. Ngay tri kiến giải thoát tận đỉnh là tâm bất động tức là Bất Động Tâm Định. Bất Động Tâm Định là mục đích của đạo Phật, người tu tập tới đây muốn nhập định nào cũng dễ dàng và thực hiện Tam Minh cũng không còn khó khăn. Muốn thực hiện là được liền, tức là phải dùng pháp hướng tâm.

Cho nên trong kinh thường dạy: “Hướng tâm đến Túc Mạng Minh; hướng tâm đến Thiên Nhãn Minh; hướng tâm đến Lậu Tận Minh v.v...”. Nhưng các huynh đệ hãy lưu ý: muốn đạt được tâm bất động như vậy mà không tu tập Tứ Niệm Xứ thì không bao giờ đạt được. Muốn tu tập Tứ Niệm Xứ sung mãn mà không giữ gìn giới luật nghiêm chỉnh thì Tứ Niệm Xứ chỉ là một pháp ức chế tâm, khiến cho hành giả rơi vào các loại thiền tưởng, có khi bị Tẩu Hỏa Nhập Ma.

Tùy căn cơ của mỗi người, đôi khi Thầy cho họ một câu hỏi khó giải để diệt ý thức phân biệt, nhờ đó nghi tình sẽ phát khởi, khi nghi tình phát khởi thì cái nghi chôn sâu vào tâm họ, chờ duyên khai phát cái nghi đó. Cái nghi bùng vỡ là pháp tưởng hiện tiền, 1.700 công án họ đều phá sạch, không một cái nào dấu họ được. Nhưng cái khuyết ở trường hợp này là trên đường đi họ dễ sanh ngã mạn, nói năng to lớn.

Người thầy phải biết trị cái bệnh này biết “thằng này nói dóc”, chặn lại và sách tấn họ vượt qua tiếp, khéo chuyển kiến giải, tưởng giải thành tri kiến giải thoát. Đa số người kiến giải, tưởng giải ở phương tiện này đều phải hàm dưỡng nhiếp tâm, an trú tâm và sức tỉnh giác rất cao để bất động tâm chứng ngộ chân lí.

Còn với người trì độn ít học, Thầy chỉ họ tu Định Niệm Hơi Thở, từ đề mục thứ nhất cho tới đề mục thứ 19. Nếu họ vào định thật sự rồi, tức là vào chỗ tâm thanh thản, an lạc và vô sự. Đó là chân lí thứ ba của đạo Phật trong Tứ Diệu Đế. Cái khuyết ở trường hợp này là họ dễ chìm trong si định, cái định si mê ham ngủ, lười biếng. Nếu người thầy khéo gỡ mới đưa họ qua khỏi trạng thái si mê này thì họ chứng đạo. Trường hợp người đi qua phương tiện tu Định Niệm Hơi Thở này, khi đạt được đề mục thứ 19 thì cũng là chứng ngộ luôn.

Thầy Thông Vân thưa: - Trong kinh pháp Bảo Đàn. Lục Tổ Huệ Năng dạy: “Niệm khởi liền giác, không sợ vọng khởi, chỉ là đừng lầm vọng tưởng.” Lời dạy này có khác với Thầy chăng thưa Thầy?

Thầy Thông Lạc bảo: - Cái diệt niệm của Tiểu Thừa là diệt niệm ác, còn niệm thiện không diệt, cho nên Tứ Chánh Cần dạy: “Ngăn ác diệt ác pháp, sinh thiện tăng trưởng thiện pháp”, trong kinh Pháp Cú dạy: “Chư ác mạc tác chúng thiện phụng hành” hoặc “Thấy lỗi mình không thấy lỗi người”, để vào Bất Động Tâm Định. Cho nên khác với cái giác niệm của Đại Thừa. Với Đại Thừa niệm khởi mình chỉ biết thì nó không còn là vọng tưởng nữa. Tuy nhiên trong Thiếu Thất Lục Môn tổ Đạt Ma có dạy Lý nhập và Hạnh nhập. Người thượng căn khi nghe một câu liền ngộ và từ đó sống luôn với chỗ ngộ của mình đây gọi là Lý nhập nhưng với người kém hơn phải nhờ Hạnh nhập, tức là tu định một thời gian mới có thể thấy tánh.

Lục Tổ có bảo: “Niệm trước không sanh là tâm, niệm sau không diệt là Phật”, “Trước niệm không sanh là Phật, sau niệm không thêm cái diệt chỗ đó là tâm.” Nếu giữ được như vậy lâu ngày thì thành viên mãn. Đó là theo pháp môn ảo tưởng của Đại Thừa, Thiền Tông nên chỉ nói suông chứ không thể thực hiện được. Cho nên Tổ sư và các đệ tử nhiều đời nhiều kiếp chỉ chết cứng trong những kiến tưởng giải này không lối thoát, vì thế không ai làm chủ sanh, già, bệnh, chết được.

Còn người nhập định như gốc cây cục đá, chẳng đem lợi ích gì cho mình, cho người. Những loại thiền định ngôn ngữ suông này nó đã diệt nền đạo đức nhân bản – nhân quả của Phật giáo xuống tận đáy vực thẳm. Vì thế, hỏi đến nền đạo đức nhân bản - nhân quả, sống không làm khổ mình khổ người và khổ tất cả chúng sanh thì từ thiền sư Tổ cho đến các thiền sư con đều không ai biết, họ chỉ biết kiến tánh thành Phật.

Phật của họ là Phật phạm giới, tự tại vô ngại đói ăn, khát uống, mệt ngủ, nên ăn uống phi thời có sao đâu. Họ cho rằng dâm dục cũng đâu có mất Phật tánh, vì tánh Phật xưa nay đều có sẵn. Tất cả chúng sanh đều có Phật tánh. Uống rượu ăn thịt như Tế Công, Tuệ Trung cũng đâu có mất Phật tánh.

- Thưa Thầy, có ý kiến Tổ sư thiền là đến siêu phương tiện, không qua thứ lớp định huệ đồng thời. Còn Thầy chia hai phương tiện như vậy có hợp chăng?

- Đây chỉ là phương tiện ban đầu của Thầy để đưa người mới học đến cửa. Thật ra không phải căn cơ người nào cũng giống nhau. Người thượng thượng căn một lần nghe là đốn chứng viên mãn. Người thượng căn có đốn ngộ cũng phải tiệm tu. Còn người trung, hạ căn phải có phương tiện mới xả tâm rốt ráo. Như ngài Khuê Phong, tuy đã ngộ, nhưng Ngài tự thấy mình còn ái kiến nên bỏ vào núi tập định ngót mười năm mới sạch.

Thầy Thông Quán lại thưa: - Thưa Thầy có dùng lối chỉ thẳng như các vị thiền sư không?

Thầy Thông Lạc bảo: - Có, có khi qua cái dụng để chỉ cái thể, có khi đốn cơ gạt bỏ tri thức khiến họ ngộ nhập. Nhưng trường hợp này ít ỏi.

Một thầy mới đến thiền viện thưa: - Thưa Thầy, con dùng lối sổ tức để tập tu ban đầu, nhưng trong mười hơi đang đếm vẫn còn vọng niệm xen lẫn.

Thầy Thông Lạc bảo: - Vậy là còn thiếu phước nên tu thập thiện, sư đệ hãy phát nguyện tu thập thiện, bắt đầu khởi tu tập ngăn ác diệt ác pháp và sinh thiện tăng trưởng thiện pháp như trong kinh Thập Thiện dạy. Khi tu tập pháp này thuần thục rồi, thì sư đệ mới tiếp tục tu 19 đề mục Định Niệm Hơi Thở thì sẽ không còn vọng tưởng xen lẫn vào nữa.

- Thầy Thông Quán lại hỏi: - Nếu không tỉnh giác có bị các pháp cột trói không thưa Thầy?

- Không tỉnh giác là bị các ác pháp cột trói. Cho nên tu tập cần phải tu tập Chánh Niệm Tỉnh Giác. Chánh Niệm Tỉnh Giác có bốn giai đoạn tu tập:

1- Giai đoạn thứ nhất: Đi kinh hành bình thường, chỉ 10 bước đứng lại tác ý một lần: “Tôi đi kinh hành tôi biết tôi đi kinh hành.” Khi tác ý xong câu này rồi tiếp tục đi. Đi và đứng lại tác ý như vậy đúng 30 phút mới xả nghỉ.

2- Giai đoạn thứ hai: Đi kinh hành bình thường, chỉ 10 bước đứng lại tác ý: “Hít vô tôi biết tôi hít vô, thở ra tôi biết tôi thở ra một lần.” Sau khi tác ý xong rồi thở ra hít vô đúng 5 hơi thở ngưng lại thì tác ý: “Tôi đi kinh hành tôi biết tôi đi kinh hành.” Khi đi xong 10 bước đứng lại tác ý thở như trên. Tu tập như vậy đúng 30 phút rồi xả nghỉ.

3- Giai đoạn thứ ba: Đi kinh hành bình thường, chỉ 10 bước ngồi xuống kiết già hay bán già lưng thẳng, mắt nhìn chóp mũi rồi tác ý: “Hít vô tôi biết tôi hít vô, thở ra tôi biết tôi thở ra.” Sau khi tác ý xong rồi thở ra, hít vô đúng 5 hơi thở, ngưng lại đứng dậy tác ý: “Tôi đi kinh hành tôi biết tôi đi kinh hành.” Khi đi xong 10 bước đứng lại rồi ngồi xuống tác ý thở như trên. Tu tập như vậy đúng 30 phút rồi xả nghỉ.

4- Giai đoạn thứ tư: Đi kinh hành theo pháp Thân Hành Niệm, pháp này phải được trực tiếp với người có kinh nghiệm dạy, chứ đừng tự mình tu tập thì dễ bị sai lệch rất nguy hiểm. Pháp này mỗi hành động trong thân đều phải tác ý trước rồi mới hành động sau, có nghĩa là lệnh đâu thì hành động phải theo đó mà thi hành.

Thầy Thông Quán hỏi: - Nếu không tỉnh giác cũng không bị vọng tưởng có bị các pháp cột trói không thưa Thầy?

- Nếu không tỉnh giác cũng không bị vọng tưởng có bị các pháp cột trói không. Đó là đã rơi vào không như cây đá rồi. Người tu hành mà để thành cây đá thì có ích lợi gì. Câu hỏi của sư đệ không bao giờ có trường hợp xảy ra như vậy. Không tỉnh giác tức là mê. Mê có hai ngả:

               - Ngả thứ nhất là bị vọng tưởng.
               - Ngả thứ hai là bị hôn trầm, thùy miên, vô ký, ngoan không.

Hai ngả này xác định khi mê thì không chạy đâu khỏi, không rơi ngả này thì phải lọt ngả khác, cho nên không bị các pháp cột trói là không có.

Không tỉnh giác cũng không bị vọng tưởng là bị hôn trầm, thùy miên, vô ký, ngoan không rồi. Đã bị hôn trầm, thùy miên, vô ký, ngoan không, còn tỉnh đâu mà các pháp cột trói. Có đúng như vậy không các huynh đệ.

- Cho nên không bị vọng tưởng lôi kéo thì ngay đó là tỉnh giác rồi, có tỉnh giác thì các pháp làm sao trói buộc? Câu hỏi của sư đệ vô lý, chỉ đặt ra hỏi cho có hỏi chứ không có nghĩa lý gì cả.

Thưa các huynh đệ! Muốn thưa hỏi tu hành hay thưa hỏi để nói chuyện tào lao, người tu hành không phí thời gian vô ích. Sau này sư đệ muốn thưa hỏi thì phải thưa hỏi những câu hỏi có ý nghĩa trong vấn đề tu tập và cũng không nên hỏi những câu hỏi ngoài vấn đề.

Đưa cái ly ra, thầy Thông Quán lại hỏi tiếp: - Bạch Thầy, nếu bảo thấy cái ly là chạy theo vật, còn nói không thấy cái ly là phủ nhận sự hiện hữu vậy phải làm sao?

- Thấy cái ly mà chạy theo vật là phàm phu, không thấy cái ly là ngoại đạo chấp không (Đại Thừa Bát Nhã).

Thầy Thông Quán lại hỏi tiếp: - Bạch Thầy các thiền sư ngồi thiền biết thân hay không biết thân?

- Thiền định có nhiều cấp độ nhập định nên các trạng thái định cũng có rất nhiều. Thầy xin kể cho các sư đệ nghe Thiền định được phân làm hai loại:

              1- Loại nhập định còn biết thân gọi là Tâm Định.
              2- Loại nhập định không biết thân gọi là Thân Định.

              Tâm định gồm có những loại định như sau:
              1- Định Chánh Niệm Tỉnh Giác
              2- Định Vô Lậu
              3- Định Niệm Hơi Thở
              4- Định Sáng Suốt
              5- Định Tư Cụ (Tứ Chánh Cần)
              6- Định Tứ Niệm Xứ
              7- Định Thân Hành Niệm
              8- Định Từ Tâm
              9- Định Bi Tâm
              10- Định Hỷ Tâm
              11- Định Xả Tâm
              12- Định Tứ Bất Hoại Tịnh
              13- Định Bất Động Tâm
              14- Định Vô tướng Tâm
              15- Định Diệt Tầm Giữ Tứ
              16- Định Sơ Thiền

              Thân định gồm có những loại định như sau:
              1- Định Nhị Thiền
              2- Định Tam Thiền
              3- Định Tứ Thiền
              4- Định Không Vô Biện Xứ Tưởng
              5- Định Thức Vô Biên Xứ Tưởng
              6- Định Vô Sở Hữu Xứ Tưởng
              7- Định Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Xứ
              8- Định Diệt Thọ Tưởng

Còn riêng các loại thiền định khác của pháp Yoga, của Mật Tông, của Minh Sát Tuệ, của Thiền Đông Độ, của kinh sách phát triển Đại Thừa, của Pháp Vô Vi xuất hồn ông Tám, ông Tư, của Tiên Đạo Lão Tử, Trang Tử v.v... đều thuộc thiền định tưởng, không được ghép vào thiền của Phật giáo, vì những loại thiền định này không ly dục ly ác pháp, không thực hiện được Tứ Thần Túc và Tam Minh, nó thuộc về thiền định của ngoại đạo.

Thầy Thông Quán lại hỏi tiếp: - Bạch Thầy, thiền sư khi không tiếp duyên, không khởi trí dụng, có thấy các pháp là huyễn hóa không?

- Khi không khởi trí dụng thì có pháp nào nói huyễn nói chơn?

Thầy Thông Quán lại thưa: - Bạch Thầy, từ lâu chúng con có những thắc mắc về Thầy, nay xin Thầy hoan hỷ giải bày cho chúng con hết mọi nghi ngờ. Bạch Thầy, lần trước con có nghe Thầy nói vấn đề tu do chim thú cúng dường, lại nghe Thầy xin Thầy viện chủ nhập Niết Bàn. Thầy còn thấy Niết Bàn nào để nhập chăng?

Thầy Thông Lạc thong thả bảo: - Trong kinh Bát Thành có dạy tám pháp độc nhất, người tu hành chỉ cần ôm một pháp tu tập cũng đi đến cứu cánh giải thoát hoàn toàn. Tám pháp ấy gồm có:    

              1- Từ tâm
              2- Bi tâm
              3- Hỷ tâm
              4- Xả Tâm
              5- Sơ thiền
              6- Nhị thiền
              7- Tam thiền
              8- Tứ thiền

Người tu tập Từ tâm, tâm luôn luôn lúc nào cũng biết yêu thương chứ không biết ghét giận hờn ai cả. Họ thực hiện đức hiếu sinh, không phải họ chỉ thương mọi người, mọi loài động vật mà còn thương tất cả cỏ cây sông núi, không khí nước uống v.v... Như ông Phú Lâu Na, người đã thực hiện Từ tâm đến rốt ráo hiện tiền, nên chứng quả A La Hán cũng do từ pháp Từ Tâm Tứ Vô Lượng.

              Một hôm ông Phú Lâu Na xin Phật đi giáo hóa ở một nước xa xôi. Đức Phật bảo:
              “- Dân ở đó hung dữ lắm, họ sẽ chửi mắng con đó.
              Ông trả lời:
              - Dân ở đó họ còn thương con, họ chưa lấy cây đánh con.
              - Họ sẽ lấy cây đánh con.
              - Dân ở đó họ còn thương con, họ lấy cây đánh con, chứ chưa lấy dao giết con.
              - Họ sẽ lấy dao giết con.
              - Dân ở đó họ còn thương con, họ lấy dao giết con, vì con còn mang thân này là còn khổ đau, mất thân này con vào Niết Bàn, không còn đau khổ nữa.
              - Thôi! Con cứ đi đi!”

Người tu Từ tâm như vậy từ trường thiện phóng xuất nơi họ ở, do đó tất cả chúng sanh đều sống bên họ không sợ hãi. Người tu hành có từ tâm như vậy nên mới có những loài vượn hái trái cây cúng dường. Phật và những đạo sĩ tu khổ hạnh trong rừng thường xảy ra những trường hợp này.

Còn ở đây khi huynh đệ muốn cho chim thú cúng dường thì chim thú không cúng dường. Chim thú cúng dường là do từ tâm. Có đúng như vậy không các huynh đệ.

 Thầy xin lập lại câu hỏi thứ hai của thầy Thông Quán: "- Thầy còn thấy Niết Bàn nào để nhập chăng?"

- Có lẽ lo tu thiền tri vọng nên sư đệ không học bài pháp Tứ Diệu Đế sao? Vậy Diệt Đế là gì? Diệt Đế không phải là Niết Bàn sao. Phật dạy: Người tu hành trước tiên phải giác ngộ chân lý rồi sau mới hộ trì và bảo vệ chân lý, nếu không ngộ được chân lý thì biết cái gì mà hộ trì, bảo vệ, Thiền Đông Độ không dạy sư đệ Kiến tánh rồi khởi tu sao?

Năm anh em Kiều Trần Như nghe xong bài pháp này liền chứng quả A La Hán. Sư đệ không nhớ: Thiền Tông dạy: “Kiến Tánh Thành Phật.” Vậy Phật là gì? Không phải Niết Bàn sao?

Nói nhập Niết Bàn là danh từ nói chứ từ khi kiến tánh thành Phật là đã nhập Niết Bàn chứ còn chỗ nào nữa. Cho nên người tu hành chứng đạo thì thân tâm đều luôn ở trong Niết Bàn. Thân tâm đều luôn ở trong Niết Bàn nên gọi là Hữu Dư Niết Bàn, còn người tu chứng thân đã chết thì gọi là Vô Dư Niết Bàn.

Vậy sư đệ nói: Thầy còn thấy Niết Bàn nào để nhập chăng? Tội nghiệp sư đệ quá, sư đệ đừng lấy những câu phá chấp của kinh sách Đại Thừa mà hiểu lầm rằng còn thấy Niết Bàn là chưa biết Niết Bàn.

Sư đệ đưa câu hỏi này ra chứng tỏ sư đệ không có nghiên cứu kinh sách, chỉ đọc một vài cuốn kinh Đại Thừa, giống như người trì độn công phu, tu tập trong ngu si. Nói chân lý tức là nói một sự thật, một sự thật thì người chưa tu cũng phải nhận ra, nếu người chưa tu không nhận ra được thì đó đâu phải là chân lý. Như Phật tánh đâu phải là chân lý, người tu gần chết mà còn chưa kiến tánh được huống là người chưa tu thì biết gì là Phật tánh. Cho nên Phật tánh không phải là chân lý. Còn Diệt Đế là chân lý. Tại sao dám khẳng định Diệt Đế là chân lý?

             - Thứ nhất, kinh thường nhắc đến bốn chân lý của Phật giáo.
             - Thứ hai, là bài kinh xác định là diệt hết lòng ham muốn.
             - Thứ ba, là chỉ định trạng thái hết lòng ham muốn, đó là tâm thanh thản, an lạc và vô sự.
             - Thứ tư, là trạng thái tâm bất động trước các ác pháp và các cảm thọ.

Bốn điều nêu trên đây nếu người nào chưa tu cũng nhận ra được, đó là một trạng thái thật sự của con người, chứ không phải là cảnh giới bên ngoài, là con người không ai là không nhận ra được Chỉ có sư đệ Thông Quán hiểu lầm tưởng Niết Bàn mà thầy Thông Lạc nói nhập là cảnh giới bên ngoài như cõi Cực Lạc hay cõi Thiên Đàng. Nghe đến chỗ này các huynh đệ đều cởi mở, vui vẻ.

Sáng hôm sau thầy Thông Lạc đến chào sư phụ và từ giã huynh đệ ra về. Chúng tôi trân trọng xá Thầy, một đại sư huynh đã cho chúng tôi tấm gương tu hành lớn lao. Chúng tôi cũng nguyện theo tấm gương tinh tấn của Thầy vững bước đi theo đường mà sư phụ đã vạch lối, con đường thiền giáo đồng hành mà trong đó việc tìm lại căn bản giáo lý đức Phật là điều quan trọng.