Có một phật tử hỏi:
“Trong sách "HỎI ĐÁP OAI NGHI CHÁNH HẠNH" của Trưởng Lão, trang 118, có viết: "Tốt hơn là các con chỉ xướng TĂNG BẠT mà thôi vì xướng tăng bạt là để nhắc nhở các con tinh tấn tu hành ngày một tốt hơn."
Chúng tôi không hiểu ý nghĩa của chữ TĂNG BẠT này và cách hành trì Tăng Bạt như thế nào. Trong sách cũng không giải thích.
Vậy kính xin Bạn vui lòng giải thích cho chúng tôi được hiểu. Xin vô cùng cám ơn”.
Trước khi xem các lời đáp, chúng tôi xin dẫn trích nguyên văn bài Trưởng Lão trả lời câu hỏi của Ngọc Bình (trang 114 – 118, sách HỎI ĐÁP OAI NGHI CHÁNH HẠNH – NXB Tôn giáo 2011).
Câu hỏi của Ngọc Bình: Trong bữa thọ thực của chúng con có bài thí thực, lấy ba hạt cơm bỏ vào trong chung nước. Chúng con có thể thí cơm và thực phẩm thêm không? Hay chỉ thí thực một lần thôi?
Trưởng Lão dạy: "Nghi thức thí thực này là của các vị tổ sư Đại thừa, mê tín tự đặt ra để cúng những vong linh chết oan, chết chưa đến số mệnh. Trong kinh sách Nguyên Thủy không có dạy điều này, vì đức Phật dạy thế giới cô hồn, các đảng là thế giới tưởng của con người còn sống tự tạo ra (tưởng tri chứ không phải liễu tri).
Bởi vậy, các sư thầy thí thực là bắt chước theo nghi thức của kinh sách Đại thừa. Thí thực có nghĩa là cúng thực phẩm cho “cô hồn, các đảng”. Trong các chùa Đại thừa hiện nay, thường vào buổi chiều 5 giờ các thầy đều công phu tụng kinh “MÔNG SƠN THÍ THỰC” cúng cô hồn, các đảng bằng gạo và muối. Từ trong các chùa Đại thừa đã truyền thừa tư tưởng mê tín này vào dân gian, và đã ăn sâu thành một phong tục tập quán mê tín lạc hậu.
Cô hồn, các đảng là những vong linh người chết oan, chết còn trẻ, chết yểu, chết chưa tới số, chết bất đắt kỳ tử như tai nạn giao thông, tự tử thắt cổ, chết đuối, chết trong trứng nước như những thai nhi bị móc bỏ, chết như những chiến sĩ trận vong, v.v... Những kiểu chết trên đây là chết oan uổng, chết tức tối.
Qua những sự chết này, con người chưa đủ kiến thức khoa học nên khéo tưởng tượng ra những linh hồn sống lơ lửng theo cây đa bong mát, theo chùa chiền để kiếm ăn, vì những linh hồn này chưa tới số nên không thể đi đầu thai được. Từ những tưởng nghĩ mê tín này đã truyền thừa từ xưa đến nay, nên đã in sâu vào tư tưởng con người thành những phong tục dân gian rất khó bỏ.
Thường mỗi bữa thọ trai, sau phần tụng bài “Cúng dường” xong, thì đến phần thí thực “lấy ba hạt cơm bỏ vào trong chung nước” để trong lòng bàn tay trái, và tay mặt bắt ấn “Cam lồ” hay còn gọi là bắt ấn “Dương chi”, bắt ấn theo hình ảnh đức bồ tát Quan Thế Âm, rồi đọc chú “Cam lồ” để biến ba hạt cơm thành ra trùng trùng hạt cơm, nhờ đó mới đủ sức bố thí cho trùng trùng những cô hồn, các đảng, tức là những vong linh chết oan, chết yểu.
Bắt ấn niệm chú như vậy chỉ có sư cô Trưởng đoàn hay người chủ lễ bữa thọ trai, chứ các ni sinh chỉ ngồi im lặng lắng nghe. Sau khi niệm chú xong, sư cô Trưởng đoàn trao chung nước có ba hạt cơm cho người thị giả. Người thị giả đem ra cúng chim đại bàng và thí thực cô hồn, các đảng.
Theo Thầy nghĩ, chúng ta là đệ tử của Phật thì không nên làm những điều mê tín lạc hậu của ngoại đạo, mà phải tập sống như Phật. Bố thí là bố thí cho những chúng sinh còn sống, chứ không phải bố thí cho những người đã chết. Nhưng chúng ta là những người đi xin ăn (khất sĩ), thì lấy cơm đâu mà bố thí. Bố thí theo kiểu Đại thừa lấy ba hạt cơm đọc thần chú biến ra vạn triệu hạt cơm. Đó là một hình thức lừa đảo của những pháp môn mê tín. Bố thí đúng nghĩa là phải tự làm ra thực phẩm, làm cơm gạo, chứ không làm ra thực phẩm, làm ra cơm mà bố thí thì nghĩa bố thí không đúng. Chúng ta là người xin ăn thì chỉ có chia sớt bữa ăn với những chúng sinh khác đang đói khổ mà thôi. Chia sớt không thể cho chúng sinh ăn đồ dư thừa.
Cho nên trước khi thọ thực, sau bài tụng dâng lên lòng thành kính chư Phật, tổ tiên, ông bà và cha mẹ xong, thì mỗi tu sĩ khởi lòng thương yêu chúng sinh đang đói khổ, nên dành riêng ba hạt cơm và một ít thực phẩm, để sau khi ăn xong đem đến nơi nào có loài vật đang đói khổ như: kiến, chuột, chó, mèo hoang không ai nuôi, v.v... Còn không có chúng sinh đang đói khổ thì không nên phí thực phẩm, vì thực phẩm làm ra bằng mồ hôi nước mắt của đàn na thí chủ.
Nếu chúng ta phí phạm thực phẩm ít như ba hạt cơm cũng là phí phạm. Và như vậy cũng giống như “ăn thịt con mình”.
Phần trả lời này các con có hiểu chưa?
- Thứ nhất, các con không nên tụng kinh và niệm chú cúng chim đại bàng và thí thực cô hồn, các đảng theo lối mòn mê tín của Đại Thừa. Giáo đoàn Chơn Như càng phát triển lớn mạnh thì càng sống đúng gương hạnh của Phật, không để những sự mê tín của ngoại đạo xen vào làm mất ý nghĩa chân lý cao thượng của Phật giáo.
- Thứ hai, chung quanh thất các con có những loài vật đang đói khổ thì nên dành cơm và thực phẩm bố thí cho chúng, nhưng không được nuôi súc vật trong thất. Người tu sĩ không được nuôi con vật nào cả, chỉ những con vật hoang vô chủ, đói khát lang thang thì các con mới chia sớt cơm và ít thực phẩm bố thí cho chúng. Không được nuôi kiến, chúng đã tự kiếm ăn được, chỉ khi nào nào mưa gió chúng không đi kiếm ăn được, chúng ta mới dành một ít cơm và thực phẩm đến chỗ chúng ở bố thí.
Tốt nhất là các con đừng cúng “THÍ THỰC”, mà chỉ xướng Tăng Bạt mà thôi, vì xướng Tăng Bạt là để nhắc nhở các con tinh tấn cố gắng tu hành ngày một tốt hơn".
Ở đây, do có chữ “xướng Tăng Bạt” trong câu kết của bài trả lời nên mới có câu hỏi của phật tử nêu trên. Câu hỏi này cũng được thưa hỏi một vị tăng Đại Thừa và được vị tăng trả lời như sau:
Vị tăng Đại Thừa giảng:
Trả lời: "PHẬT CHẾ TỲ KHEO THỰC TỒN NGŨ QUÁN TÁN TÂM TẠP THOẠI TÍN THÍ NAN TIÊU ĐẠI CHÚNG VĂN KHÁNH THINH CÁC CHÁNH NIỆM NAM MÔ A-DI-ĐÀ PHẬT". Đó là câu trong TĂNG BẠT.
Phật tử giải và hỏi thêm:
Như vậy phật tử giải phân câu trên như sau, không biết có sai không? xin hoan hỉ sửa lại giúp:
PHẬT CHẾ: TỲ KHEO THỰC TỒN (các vị tỳ kheo đang hay sắp ăn), NGŨ QUÁN (quán 5 điều), ĐẠI CHÚNG VĂN KHÁNH THINH (khi mọi người nghe tiếng khánh), CÁC CHÁNH NIỆM (hãy theo các chánh niệm). (Chúng tôi nghĩ chữ CÁC nên thay bằng chữ TÁC, giống như TÁC Ý, không rõ nên chăng). NAM MÔ A-DI-ĐÀ PHẬT (chúng tôi sửa lại NAM MÔ BỔN SƯ THÍCH CA MÂU NI PHẬT).
Câu hỏi của phật tử cũng được chuyển đến thưa hỏi thầy Bảo Nguyên và được Thầy trả lời (nương theo lời giảng dạy của Trưởng Lão Thích Thông Lạc) như sau:
Thầy Thích Bảo Nguyên giảng.
Ý nghĩa chữ xướng TĂNG BẠT (DUY NA) là danh từ chỉ cho vị chủ xướng (dẫn chúng) … trong các buổi thọ trai đọc lên "TAM ĐỀ, NGŨ QUÁN" và toàn chúng đọc theo lời dẫn xướng này. Nếu ta thọ thực một mình thì cũng thầm đọc lên tam đề, ngũ quán như vậy.
Dưới đây là phần nội dung tam đề, ngũ quán do Trưởng Lão biên soạn:
TAM ĐỀ:
1- Miếng thứ nhất: Ước nguyện tâm con Ly dục ly ác pháp, diệt ngã xả tâm
2- Miếng thứ hai: Ước nguyện tâm con sanh thiện, tăng trưởng thiện pháp, luôn sống trong tâm bất động thanh thản, an lạc và vô sự.
3- Miếng thứ ba: Ước nguyện tất cả chúng sanh đều ly dục, ly ác pháp, không làm khổ mình khổ người
NGŨ QUÁN: (quán sau khi ăn ba miếng cơm lạt)
1- Quán xét công ơn người đàn na thí chủ rất nặng. Làm ra thực phẩm bằng mồ hôi nước mắt, bao nhiêu công khó khổ để cúng dường.
2- Quán xét giới luật mình có gìn giữ nghiêm chỉnh hay chưa? Nếu còn phạm giới có xứng đáng thọ nhận sự cúng dường đó chưa?
3- Quán xét công đức tu hành ly dục ly ác pháp của mình có xứng đáng thọ dụng của đàn na thí chủ chưa?
4- Quán xét thực phẩm bất tịnh mình có nhàm chán hay chưa? Nếu đã có tâm nhàm chán thì mới xứng đáng thọ dụng của đàn na thí chủ.
5- Quán xét đời sống thiểu dục tri túc, minh hạnh của mình có trọn vẹn chưa? Nếu xét thấy đời sống của mình thiểu dục tri túc và oai nghi chánh hạnh đầy đủ thì xứng đáng thọ dụng của đàn na thí chủ.