Lời BBT GNCN:
Kính thưa quý phật tử và độc giả,
Bài viết “34 NĂM DỰNG LẠI CHÁNH PHÁP…” lên trang đã hơn 2 tháng. Mới đây chúng tôi nhận được ý kiến phản hồi của độc giả Trần Anh Tú về những vấn đề mà bài viết đã nêu ra. Nhận thấy những ý kiến này có thể giúp quý vị có một cái nhìn đa hướng về các vấn đề tại tu viện Chơn Như khi Trưởng Lão còn sinh thời để hiểu thêm và tin tưởng vào kinh sách, những lời của Ngài đã dạy.
Chúng tôi xin giới thiệu để quý vị chia sẻ và (nếu có thể) sẽ có thêm những ý kiến để mọi người phật tử khi đến với chánh pháp Phật do Trưởng Lão Thích Thông Lạc dựng lại đều được thông suốt, không còn nghi hoặc một điều gì.
GNCN xin giới thiệu thư phản hồi của độc giả Trần Anh Tú:
“Kính gửi Ban Biên tập Giọt Nắng Chơn Như,
Sau khi đọc bài viết "34 NĂM DỰNG LẠI CHÁNH PHÁP - CÓ NĂM THỨ BÁU KHÓ GẶP. TL Thích Thông Lạc" trên trang GNCN, tôi xin có đôi lời bàn như sau:
1- Trong cuốn sách "Lịch Sử Chùa Am (Tu Viện Chơn Như) (1802 - 2009)", sách giấy xuất bản quý III năm 2010, trang 111, Trưởng Lão viết:
"Tháng 7 năm 1975 đất nước giải phóng xong, bom đạn không còn cày xới trên mảnh đất quê hương, thầy trở về sửa sang lại mảnh đất chôn nhau cắt rốn, nơi CHÙA AM cổ xưa yêu dấu mà của tổ tiên để lại..."
2- Cũng cuốn sách này, trang 160, Trưởng Lão viết:
"Suốt 34 năm trời, Chùa Am mở cửa đón nhận mọi người khắp mọi nơi về đây tu học đều được yên ổn tu hành trong giáo pháp của đức Phật ...(Hình 68)... Suốt 34 năm trời, người ra, kẻ vào không biết bao nhiêu mà kể..."
- Kết luận 1-2: Như vậy, 34 năm độ chúng sinh là tính từ năm 1975 đến năm 2009, lúc Trưởng Lão viết cuốn sách này.
3- Trong cuốn sách "Mười Hai Cửa Vào Đạo", sách giấy xuất bản quý I năm 2012, trang 168, cuối trang có đoạn chú thích:
"2-LBT: Tính từ năm 1975 đến năm 2009 (năm đức Trưởng Lão viết cuốn sách này) là 34 năm"
- Kết luận 1-2-3: Cách tính 34 năm độ chúng sinh của Trưởng Lão ở 2 cuốn sách này là giống nhau, đều tính từ năm 1975, khi xây dựng lại Chùa Am, đến năm 2009, khi Trưởng Lão viết 2 cuốn sách.
Dựa trên 2 cuốn sách giấy đã xuất bản của Trưởng Lão nói trên, thời Ngài còn tại thế, thì 34 năm độ chúng sinh đâu có gì khó hiểu. Cho nên, tôi nghĩ các diễn giải như bài viết của GNCN có thể gây hoang mang cho nhiều người.
Tôi nghĩ, Trưởng Lão làm việc gì cũng rõ ràng, dễ hiểu, chứ đâu có để các con Ngài phải suy nghĩ mông lung, phải đoán nọ đoán kia như vậy.
Đôi lời đóng góp, mong GNCN hỷ xả đón nhận. Xin chân thành cảm ơn.
Kính chúc GNCN luôn đi đúng con đường Chánh pháp của Phật, của Thầy!”
Bài liên quan: (http://giotnangchonnhu.org/index.php?mod=detail&ID_theloai=16&ID_theloai...)
Sau khi nhận được phản hồi của độc giả Trần Anh Tú, chúng tôi đã có thư hồi âm dưới đây:
Cảm ơn đạo hữu Trần Anh Tú đã có lời trao đổi chia sẻ.
Chúng tôi xin tiếp thu, nhập tâm thêm một lần nữa những lời đạo hữu dẫn trong thư. (Thực ra những điều đạo hữu dẫn, chúng tôi cũng đã được biết, vì các sách (in giấy và ấn bản điện tử) của Trưởng Lão, chúng tôi đều đã đọc qua.
Tuy nhiên chúng tôi rất băn khoăn với lời dạy này: “…Ba mươi bốn năm(1) chúng tôi dựng lại chánh pháp của Phật, đã giảng nói hết lời thế mà quý vị có hiểu được những gì đâu. Quý vị đã tu sai hết, giảng nói một đàng mà quý vị hiểu một nẻo,…"
Vậy nếu Trưởng Lão dựng lại Chánh Pháp từ năm 1975 thì lấy ở đâu ra Chánh Pháp mà dạy người? Bởi vì mãi tới năm 1980 Trưởng Lão mới tu xong, mới thấu tỏ, liễu tri Chân Lý của đạo Phật.
Do vậy chúng tôi nghĩ Ngài chỉ dựng lại Chánh Pháp khi Ngài đã có Chánh Pháp. Còn khi chưa có Chánh Pháp thì lấy cái gì để dựng? Dựng kiểu ấy thì cũng lại như các thầy tổ muôn đời xưa vậy thôi.
Trưởng Lão cũng đã từng dạy, tu chưa xong thì không dạy người. Vậy năm 1975 Ngài đã tu xong đâu?
Mấy ý trao đổi cùng đạo hữu như vậy.
Xin trân trọng cảm ơn.
BBT GNCN.
Kính thưa quý phật tử và độc giả,
Quý vị đã từng quan tâm đến tu viện Chơn Như, đến Trưởng Lão Thích Thông Lạc – bậc Thầy kinh yêu của tất cả những ai đã, đang và sẽ tha thiết hướng tâm về Chánh Phật pháp – hẳn mỗi người đều có những suy tư riêng và giữ mãi sự tôn kính sâu sắc đối với Ngài.
Cuộc đời hoằng pháp của Ngài đã phải trải qua những bước đường sóng gió vô cùng gian nan, vất vả. Nếu không phải là người có năng lực và trí tuệ siêu việt như Ngài thì không thể vượt qua được. Công ơn của Người đối với chúng sanh vô cùng to lớn không thể gì so sánh.
Chánh pháp đã được Ngài dựng lại, việc giữ gìn và bảo vệ sự trung thực những lời Ngài dạy là trách nhiệm của tất cả những người con yêu thương của Ngài. Thế nhưng, điều này cũng thật khó khăn như Chánh pháp thật khó đến với đời.
Không riêng gì ở bài “34 NĂM DỰNG LẠI CHÁNH PHÁP…” mà chúng tôi đã đặt ra những điều nghi vấn khi quá trình soạn thảo, chú thích trong các sách và tài liệu in ấn, phát hành của Ngài. Còn nhiều nữa, nhiều nữa… cả những vấn đề khác liên quan tới tu viện, có thực không, trong đó đều tất cả là lời của Trưởng Lão?
Ví dụ như “Bức tâm thư cuối cùng” có phải chăng đây chính là những lời do Trưởng Lão đã viết? Hay những băng video phát hành sau khi Trưởng Lão nhập diệt. Chúng tôi đọc, chúng tôi nghe, tuy hình ảnh và những lời thoại là của Trưởng Lão không sai. Nhưng còn lời viết, (và các hình ảnh không kèm rõ thời gian ghi, lời thoại có còn nguyên vẹn?...) chúng tôi vẫn còn nghi vấn, ngay cả đến chữ kí của Ngài nữa. Những điều này ai biết, ai hay đó là sự thực, sự hư?
Nhân sự kiện có thư phản hồi của đạo hữu Trần Anh Tú, chúng tôi tha thiết mong cầu quý phật tử và độc giả (những ai biết rõ) hãy chia sẻ sự thật chân chánh. Chỉ có sự thật chân chánh mới giữ gìn và phát triển Chánh Phật pháp trường tồn.
BBT GNCN.
. .
Nhằm giúp quý phật tử và độc giả có thêm tài liệu để tư duy, suy luận, chúng tôi xin dẫn một trích đoạn trong bài "Lòng thương vô bờ bến của một vị Thầy" do Trưởng Lão Thích Thông Lạc đã viết bằng tất cả tấm lòng chân thật đầy nhiệt huyết của một người cha sốt sắng vì đàn con khờ dại. (Sách ĐVXP tập II trang 47 - NXB Tôn giáo Hà Nội - 2006). Mời quý vị và bạn Trần Anh Tú cùng đọc:
"...Rồi đây dòng đời sẽ dẫn dắt các con đi vào con đường mờ mịt của kiếp người đầy gian truân và cay đắng.
Gần hai mươi sáu năm từ 1980-2005, Thầy bỏ ra công lao biết là bao nhiêu, kể sao cho hết, để hướng dẫn đào tạo một số người có giới đức làm Người làm Thánh, nghiêm chỉnh, nhất là áp dụng phương pháp độc cư để cho mọi người phòng hộ sáu căn, thúc liễm thân tâm, lìa xa các chướng ngại pháp để thực hiện tâm bất động trước các ác pháp và các cảm thọ tức là để tâm hoàn toàn ly dục ly ác pháp nhập Sơ Thiền, nhưng mọi người chịu ảnh hưởng của kinh sách phát triển nên tu tập cứ ức chế tâm, không nghe lời Thầy dạy sống độc cư, cứ hết giờ ngồi thiền ức chế tâm thì lại tìm gặp nhau để nói chuyện; có người bảo là đã nhập được Tam Thiền, Tứ Thiền; có người bảo là đã nhập định vong thân; có người bảo là đã có thần thông bay lên hư không; có người bảo là tịnh chỉ hơi thở; có người bảo là không còn nghe âm thanh v.v… nhưng tất cả các con đều lén lút Thầy phá hạnh độc cư, tìm cách nói chuyện với nhau. Cuối cùng có một người đệ tử thẳng thừng không chấp nhận hạnh độc cư của Thầy, xin Thầy cho phép tiếp chuyện với vợ con và bạn bè, chỉ một thời gian ngắn tu chứng thần thông sẽ dạy lại Thầy.
Bởi vậy, thời sau này con người tu hành chưa ra gì mà muốn hơn Phật như các Tổ Long Thọ, Thế Thân, Vô Trước, Mã Minh, rồi bây giờ các đệ tử của Thầy cũng vậy, họ muốn tu tập hơn thầy, chỉ vì Thầy không có thể hiện thần thông, trong lúc họ là những người đang cần thần thông. Người tu sĩ đạo Phật mà ham mê thần thông là đi ngược lại đạo Phật."...