090-BÀI THỈNH NGUYỆN SÁM HỐI. TL Thích Thông Lạc

BBT GNCN giới thiệu:

Về HT Thích Thanh Từ đã dẫn:

“Năm 1986, Hòa thượng (Thích Thanh Từ) dời Chân Không về Thường Chiếu. Khí hậu nơi đây khắc nghiệt khiến việc tu thiền gặp nhiều khó khăn. Hè năm sau, Hòa thượng lên chùa Quan Âm ở Đà Lạt tịnh dưỡng. Một đêm, ngài mộng thấy mình ôm cổ chim Phụng Hoàng bay cao. Tỉnh giấc, nghiệm lại điềm mộng, ngài suy nghĩ “Thường Chiếu, tuy là nơi giảng dạy Tăng Ni Phật tử đến tu học đông đảo, nhưng vẫn còn nhiều giới hạn cho việc tu thiền…” (Lời ghi trong “Quá trình thành lập” Thiền Viện Trúc Lâm - Nguồn: http://thuongchieu.net/index.php/component/content/article?id=454).

Một vị tu sĩ đã hết cả cuộc đời tu tập và giảng dạy bao nhiêu lớp người tu, mà khi đêm nằm ngủ vẫn còn mộng mị chiêm bao?!!! Đó là Thánh hay Phàm? Người có chút hiểu biết về Phật pháp thì nhận ra ngay rằng vị tu sĩ ấy vẫn còn phàm phu hơn cả phàm phu. “Dục Phụng Hoàng” tức dục thế gian cao ngất, còn có tâm thánh ở đâu? Vậy mà sao HT chẳng tự biết mình?

Và cố HT Chơn Như – Trưởng Lão Thích Thông Lạc đã dạy:

“Khi một người tu chứng đạo làm chủ thân tâm giảng nói chánh pháp của Phật đâu phải ai nghe cũng hiểu hết, trăm vạn người chỉ mới được một hai người hiểu và tu tập đến nơi đến chốn, còn tất cả mọi người chỉ hiểu một cách cạn cợt nên không tích cực tu tập, chỉ tu chơi, tu cho có hình thức…”

             “Chúng sanh thiếu phước, nên khi một người tu chứng đạo xong, đem những kinh nghiệm tu chứng của mình ra dạy để mọi người cùng được giải thoát, nhưng khi đem ra dạy thì gặp biết bao nhiêu là gian nan khổ ải…”  Trích từ: http://giotnangchonnhu.org/index.php?mod=detail&ID_theloai=16&ID_theloaitin=2&ID_tintuc=456

Trưởng Lão Thích Thông Lạc, bậc chân tu có trái tim từ bi yêu thương sâu rộng như đất trời, dạt dào mênh mang như biển cả. Nhưng đối với Ngài, thế vẫn còn chưa đủ. Khiêm tốn hạ mình trước một vị Thầy (phàm phu) và các huynh đệ đồng môn thì mấy mươi thế kỷ nay chưa có được một người như thế.

GNCN xin giới thiệu “Bài Thỉnh Nguyện Sám Hối” của Trưởng Lão Thích Thông Lạc với Thầy của Ngài và các huynh đệ đồng môn.

BÀI THỈNH NGUYỆN SÁM HỐI
Trưởng Lão Thích Thông Lạc
Phương Minh ghi chép từ Mp3.

               Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.
               Kính bạch Thầy và đại chúng,
               Con tỳ-kheo Thích Thông Lạc, hôm nay có duyên sự xin đầu thành đảnh lễ tác bạch sám hối(1).

              Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.
              Kính bạch Thầy và đại chúng,
              Từ ngày con về Chơn Không học thiền với Thầy, con đã ngộ những gì và tu hành như thế nào.

Kính bạch Thầy và đại chúng,

Trong ba tháng hạ năm ấy (năm 1970) con đã nghe Thầy giảng kinh Kim Cang đến câu: “Bồ tát độ chúng sanh trong bốn loài mà không thấy mình độ, độ hết chúng sanh thì thành Phật”. Thầy giảng câu này cho chúng con, đó là vọng tưởng, độ hết chúng sanh tức là hết vọng tưởng, hết vọng tưởng tức là thành Phật.

Lại nữa, cũng kinh đó Thầy giảng câu: “Hiện tại tâm bất khả đắc, vị lai tâm bất khả đắc và quá khứ tâm bất khả đắc”. Con ngộ câu này: tâm quá khứ và vị lai là vọng tưởng, tâm hiện tại là tác ý. Ngộ hai câu kinh này con đặt trọn niềm tin ở Thầy là một thiền sư đắc đạo mới hiểu được như vậy.

Quét hết vọng tưởng, dùng tác ý để thành Phật, lúc bấy giờ tâm con đều buông xuống hết. Con không còn tha thiết cái ăn, cái ngủ, cái mặc dẹp sạch, cả ngủ nghỉ con cũng không còn ham thích nữa. Con không còn tham học hay tìm hiểu về kinh sách nào. Con từ khước dịch thuật khi Thầy giao cho con một tập kinh trong bộ Đại Tạng, con từ giã tất cả những gì của thế gian, quyết lòng thực hiện cho bằng được.

Trong chúng chỉ có mười huynh đệ cùng nhau tu học, con thường tìm cách xa bạn bè, tránh nói chuyện tào lao, nghị luận, tìm nơi vắng vẻ, năng nổ tu hành.

Con tự nghĩ người xưa chỉ ngộ một câu rồi dẹp tất cả, tìm lấy con đường giải thoát cho mình như ngài Đại Mai ngộ câu “Tứ tâm, tức Phật”, dời Mã Tổ đến núi Đại Mai nỗ lực tu hành. Lục Tổ Huệ Năng ngộ câu: “Ưng vô sở trụ, nhi sanh kỳ tâm” từ giã mẹ già đến chùa Quỳnh Mai nỗ lực thực hiện, quét sạch vọng tưởng trong lao tác, chẳng học tập gì hết. Ngài Dược Sơn ngộ câu: “Nhướng mày, chớp mắt, không nhướng mày, chớp mắt, ba năm không làm một điều gì hết, da mỏng da dày đều hết sạch”. Bởi vậy ngộ là để tu chứ không phải tìm văn trích cú, hiểu biết nhiều, kiến giải sâu. Ngộ là để thực hiện sự làm chủ thân tâm mình ra khỏi nhà sanh tử luân hồi. 

Kính bạch Thầy và đại chúng,

Suốt mười năm trong thất con quét sạch vọng tưởng, dùng tác ý. Đầu tiên con được Thầy dạy pháp môn Tri Vọng (Biết vọng liền buông), nhờ pháp môn này con đã dẹp gần hết vọng tưởng nhưng thật chưa sạch. Năm cuối cùng con dùng pháp hơi thở nhiếp sạch, nhiếp mạnh, hoàn toàn ức chế được tâm mình. Con thành tựu dùng tác ý kéo dài thời gian này bảy ngày đêm liên tục không biết đói khát.

Tiếp tục suốt hai tháng con không còn nghe, thấy, biết gì bên ngoài và không còn cảm giác đau nhức, nóng lạnh khó chịu. Duy nhất con không mất tâm thức, tâm thức của con rất tỉnh táo.

Rồi một hôm ngón chân con đụng vào bàn Phật, hơi thở con bắt đầu thở trở lại. Biến cố xảy ra trong con, toàn thân con có sự thay đổi. Con có cảm giác như toàn thân con nhẹ nhàng thanh thản, các công án, các tắc ở trong Bích Nham Lục con đều hiểu rõ. Con thấy các Tổ tu như thế nào chứng, tu như thế nào không chứng, con biết sạch, cũng như hiện giờ Thầy và con là một hay là hai con cũng đều biết. Con đã có trí tuệ và có thiền định. Thầy nói con, con đều đáp đúng như ý của Thầy, không bao giờ con đáp sai ý. Thầy lấy kinh Lăng Già ấn chứng cho con. Sau này con có về trinh Thầy hai lần nữa những trạng thái trong định, Thầy đều cho rằng tất cả những điều mà con nhập định là đúng.

Kính bạch Thầy và đại chúng,

Khi về trình Thầy lần đầu tiên, biết duyên mình chưa đủ với chúng sanh, con khéo léo xin Thầy ra đi. Trước là để niềm tin cho chúng thấy sự nhập định và làm chủ sự sống chết của con để họ theo Thầy tu tập và con sẽ ghi lại những kinh nghiệm để lại cho Thầy, nhưng Thầy yêu cầu con ở lại giúp Thầy chấn hưng thiền Lý, Trần. Do sự yêu cầu này con ở lại đem hết sức mình giúp Thầy giữ gìn con đường Thiền Tông phát triển lâu dài.

Mười năm làm Phật sự đã qua, con gặp nhiều cay đắng cam go và thử thách vô vàn, con chẳng sờn lòng, nghĩ Thầy trò hiểu nhau như lời Thầy đã dạy con: “Chẳng sợ ngại gì, chỉ Thầy trò hiểu nhau là hơn hết”, con tin ở lời này.

Kính bạch Thầy và đại chúng,

Con chẳng tự xưng mình chứng quả A-la-hán, nhập sơ thiền, nhị thiền, tam thiền, tứ thiền. Khi gặp thầy Đắc Pháp ở Thường Chiếu, Thầy có giảng nói về trạng thái của sơ thiền cho đến tứ thiền, con đáp lại lời Thầy: “giống thì có giống nhưng có chỗ không giống”. Cũng như Tứ Không, Diệt Tận Định, chẳng có ai trực tiếp dạy con nhập các thiền, các định này nên làm sao dám xác định nhập các thiền các định, chỉ dò theo trạng thái lúc nhập, lúc nhiếp tâm nhập định, không chừng theo kiến giải chữ nghĩa trong kinh điển mà nói ra. Đó là kiến thức chứ không phải thiền định.

Và con cũng chẳng bao giờ tự khoe mình có thần thông phép lạ xuất hồn nói túc mạng. Thế mà người ta đồn đại, nhất là từ ngày thầy Thông Huyễn (Chân Quang) trú tại Chơn Như, sự đồn đại ấy càng ngày càng nhiều.

Kính bạch Thầy và đại chúng,

Sự hiểu biết của tri tuệ học hỏi làm sao hiểu được kinh điển, nội tâm tu hành của kẻ khác. Thầy Thông Huyễn là một người thông minh, có trí nhớ đặc biệt và có học thức nhưng kiến giải qua sự hiểu biết của trí thế gian thì bảo sao không xây dựng trên ảo tưởng huyền thoại, và đó cũng là sở trường của thầy Thông Huyễn.

Kính bạch Thầy và đại chúng,

Hôm nay nhân duyên làm Phật sự của con không đủ nên xin Thầy và đại chúng chứng minh, kể từ ngày nay con sẽ không chỉ dạy kinh nghiệm này cho ai nữa, nó là một thứ thiền ngoại đạo như lời Thầy đã dạy. Đất nước này, thời buổi này, Thầy là người có công chấn hưng lại Thiền Tông Việt Nam. Con là đệ tử của Thầy, trợ giúp Thầy, vô tình đã làm Thầy buồn. Vậy con xin sám hối Thầy và đại chúng. Từ nay về sau con không làm phiền lòng Thầy nữa. Mỗi tháng con sẽ về xin thỉnh nguyện sám hối một lần để có những lỗi lầm nhờ Thầy và đại chúng chỉ dạy cho, để được con làm tròn bổn phận là người đệ tử biết ơn sâu dày.

Kính bạch Thầy và đại chúng,

Ơn nghĩa Thầy khai ngộ con thấu suốt được lý giải thoát sanh tử, làm sao con quên được. Lời khích lệ năm xưa còn văng vẳng bên tai” “Phật pháp còn mãi thế gian là còn người tu chứng”, những lời này ghi khắc mãi trong tâm con. Ngày nay con đã làm chủ được thân tâm, bản ngã đã tiêu mòn, danh lợi đã sạch, sanh tử đã tự tại là nhờ ơn đức của Thầy. Ơn đức này sánh dường trời bể, hơn cả công sinh thành dưỡng dục của mẹ cha, biết lấy chi so sánh được. Một lần nữa con cúi xin Thầy mở lượng từ bi lân mẫn cho con sám hối. Từ đây về sau con sẽ làm Thầy vui lòng để đền đáp ơn sâu dày trong muôn một.

Sau cùng con xin phép Thầy, khi Thầy ra đi con sẽ cùng Thầy, cùng với Thầy ra đi nếu chẳng còn ai theo con tu học nữa. Khi con ra đi, con không lưu lại dấu vết gì, nếu lưu lại con tự nghĩ là một việc làm bất nghĩa.

              Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.  
             (Bài thỉnh nguyện sám hối này ngày 30 tháng 2 năm Canh Ngọ, tức ngày 26 tháng 3 năm 1990 tại thiền viện Thường Chiếu).

           Chú thích:

           (1) Quý phật tử và độc giả theo dõi toàn bộ “Bài Thỉnh Nguyện Sám Hối” và những lời tâm huyết của Trưởng Lão đối với Thầy của mình - tức HT Thanh Từ - cùng các huynh đệ đồng môn tại thiền viện Thường Chiếu, từ phút 28 băng 51a đến phút 17 băng 51b trong 61 cuộn băng Mp3 dạy về “Đường Lối Tu Tập Của Đạo Phật”).