084-MÙA XUÂN TRONG NÉT ĐẸP NGƯỜI TU. TKN Thích Nữ Chân Liễu

Kính thưa quý phật tử và độc giả,

Chúng tôi vừa nhận được bài viết của Ni cô Thích Nữ Chân Liễu với tiêu đề: “Mùa Xuân Trong Nét Đẹp Người Tu”. Lúc này trời đã chuyển mùa thu, nhưng có lẽ “nét đẹp của người tu” thì lúc nào cũng tươi trẻ và đầy sức sống như muôn loài hoa thắm sắc hương xuân.

Trước khi giới thiệu đến quý vị bài viết này, chúng tôi xin trình bày mấy suy tư theo quan điểm của cá nhân mình (dựa theo lời dạy của TL Thích Thông Lạc) để trao đổi về một vài câu trong bài. Mong muốn mọi người, tất cả chúng ta, những người huynh đệ đang cùng nhau trên đường về Xứ Phật luôn có một niềm tin chân chánh vào bậc Đạo Sư, vững bước không sợ bị lầm đường lạc nẻo.

Xin trao đổi cùng tác giả và quý vị:

Trong bài có câu:

(1) Khi những vọng tâm, vọng tưởng, vọng thức, vọng niệm đã dứt sạch, thì sẽ chế ngự được tham lam, sân hận, si mê.

Câu này thể hiện một “mệnh đề” ngược, pháp tu ngược, cho nên người tu tập không thể và không bao giờ đi đến mùa xuân nào cả. Theo cách hiểu này, từ xưa tới nay, bao nhiêu lớp người tu đều cố gắng làm sao để tâm hết vọng tưởng, như các pháp môn Thiền Tri Vọng, Thiền Công Án, Niệm Phật Nhất Tâm, Bắt Ấn, Trì Chú, Thiền Minh Sát... Và họ tưởng rằng khi các vọng niệm thưa dần, dứt sạch thì sẽ chế ngự được tâm tham lam, sân hận và si mê. Đó là một sự nhầm lẫn rất lớn. Cho dù có cố gắng dứt sạch tất cả các vọng niệm nhưng tâm tham, sân, si sẽ vẫn còn đầy đủ, thậm chí còn nhiều hơn lúc chưa tu. Bởi vì, đó là pháp tu ức chế tâm.

Ví như cây cỏ độc mọc trong vườn tâm lấy tham, sân, si làm gốc, các vọng tâm, vọng niệm… chỉ là lá cành. Dẫu cố gắng bao nhiêu để cắt tỉa lá cành cho đến trơ trọi thì gốc kia vẫn còn. Người tu hành cần biết nhổ cỏ tận gốc, nếu chỉ làm sạch lá cành thì rồi sau cành lá khác lại mọc ra nhiều hơn.    

Theo pháp mà cố HT Chơn Như – Trưởng Lão Thích Thông Lạc giảng dạy, chúng tôi nhận thức rằng tất cả các vọng niệm, vọng tâm… còn lăng xăng loạn tưởng đều do nguyên nhân từ lòng tham, sân, si mà phát sinh. Khi tu tập đúng pháp, biết chế ngự và buông bỏ dần các pháp tham, sân, si thì các vọng niệm sẽ thưa dần và chấm dứt. Như vậy kết quả sẽ rõ ràng. Đó là pháp tu xả tâm.

Do vậy câu trên có thể sửa lại là: Khi tu tập đúng pháp, biết chế ngự, buông xả, đoạn diệt hết các ác pháp tham, sân, si, mạn, nghi và các kiết sử thì vọng tâm, vọng tưởng, vọng thức, vọng niệm thưa dần và dứt hẳn. Lúc đó tâm hành giả hoàn toàn tỉnh thức, bất động, thanh thản, an lạc và vô sự. Đó là lúc hành giả đã viên mãn cuộc tu hành.

(2) … ngồi thiền, tụng kinh.

Đây là hai pháp hoàn toàn xa lạ không có trong thời khóa tu tập của người tu pháp môn xả tâm.

Cần hiểu rõ thiền là gì? Thiền của đạo Phật không giống như thiền của các tôn giáo khác. Khi tâm hành giả tu tập đạt đến không tham, không sân, không si thì đó là Thiền của đạo Phật. Lúc đã Thiền rồi thì khi đứng, khi đi, khi nằm, khi ngồi, lúc nào cũng là Thiền cả. Vậy đâu cần ngồi Thiền làm chi cho mệt? Dùng chữ ngồi thiền trong tu tập theo Chánh pháp xả tâm là lạm dụng.

Tuy nhiên, trong thời khóa pháp tu xả tâm có ngồi, nhưng rất ít. Không gọi đó là ngồi thiền (nhầm với pháp tu của các tông phái khác), mà là tu tập định Chánh Niệm Tĩnh Giác, Định Niệm Hơi Thở, Định Vô Lậu hay Định Sáng Suốt. Tu tập các loại định này để chế ngự và đoạn diệt tâm tham, sân, si…

Còn việc tụng kinh như các tông phái phát triển Đại Thừa là việc làm thừa thãi, vô bổ, không ích lợi. Tụng gì? Lục tự Di Đà hay Tứ tự Di Đà, hay tụng những câu thần chú mà chính người tụng cũng không biết mình đang đọc gì. Ê a tụng đọc không làm cho tâm tham, sân, si vơi đi được. Như thế tụng kinh là hoàn toàn không cần thiết đối với con đường tu tập Giới – Định – Tuệ.

(3) … thấy được Phật tánh không sanh, không diệt của mình, để ngộ ra “ý xuân vi diệu” này.

Lời này tưởng hay nhưng thật ý không tỏ. Phật tánh, không sanh, không diệt là những lời từ của những thầy tổ mê mờ, mơ huyễn từ xưa khi các ngài tu tập không tới nơi tới chốn rồi tự đặt chữ nghĩa rườm rà làm khó cho người sau khó khăn tư duy học tập. Ngày nay chúng ta nên bỏ.

Phật dạy: “Ta là Phật đã thành, chúng sanh là Phật sẽ thành” hoàn toàn có ý nghĩa tích cực. Câu này không giống với các câu của thầy tổ dạy: “Phật tánh” “Bản Lai Diện Mục”… hay “Tất cả chúng sanh đều có Phật tánh”…thì rất là mơ hồ và vô lý.

Phật tánh là gì? Sao lại không sanh, không diệt? Đó là một sự mê lầm không nên có. Nếu nói Niết Bàn là trạng thái tâm không tham, không sân, không si của người tu chứng, thì Niết Bàn này Phật dạy vẫn là pháp hữu vi. Mà tất cả pháp hữu vi đều vô thường. Vô thường thì luôn biến diệt không ngừng nghỉ. Sao lại nói không sanh, không diệt. Cái không sanh, không diệt của các tổ là do “không ngơ” mà có.

Mùa Xuân Trong Nét Đẹp Người Tu” nên dù là tu sĩ hay cư sĩ đều cố gắng nhổ thật sạch những cây cỏ độc trong tâm, để những cây xanh hữu ích trong vườn xuân mạnh mẽ vươn lên dưới trời xuân thanh tịnh, an lành.

Trên đây là mấy ý suy tư rất chủ quan lạm bàn cùng tác giả và quý vị. Chúng tôi thành tâm hoan hỷ đón nhận những lời góp ý chia sẻ của tác giả và quý vị để có dịp được học hỏi thêm.

                                                                                                           GNCN

Mời quý vị đọc bài viết:

MÙA XUÂN TRONG NÉT ĐẸP NGƯỜI TU
TKN Thích Nữ Chân Liễu.

Nhân dịp đầu năm, đi chùa lễ Phật, nhìn thấy muôn hoa đua nở, vẻ đẹp tao nhã của thiên nhiên như lời chúc phúc tốt lành đến với tất cả mọi người.

Một sức sống vui tươi vô cùng kỳ diệu khi nhìn cảnh sắc xinh tươi của "Mùa Xuân", tâm tình ai ai cũng cảm thấy phấn khởi và hoan hỷ đón mừng mùa xuân an lạc hạnh phúc, cát tường như ý. Hương xuân làm con người lạc quan yêu đời, cũng là thời gian mà người tu tâm dưỡng tánh có thể chuyển mình tự đứng lên, vượt thoát quá khứ nhiều phiền não, nhìn về tương lai đầy hứa hẹn.

Đệ tử Phật gia ai ai cũng mong ước được vô lượng an lạc, vạn sự cát tường, Phật sự hanh thông, Phật đạo viên thành và đạt được mùa xuân miên viễn, như những lời chúc đầy đạo vị mỗi khi xuân về. Mong ước đạt được những điều chúc tụng đầy ý nghĩa trong dịp xuân về, người con Phật nên hiểu rõ ràng về giáo lý nhân quả và sự thực hành đúng chánh pháp, áp dụng giáo lý đạo Phật trong đời sống hằng ngày.

Điều quan trọng vô cùng sâu sắc của Phật pháp, thể hiện qua giá trị nhân cách sống cao thượng chân chánh của người tu, đó chính là "Xuân trong nét đẹp của người tu", kết quả là sự an lạc cát tường như ý, không mong cầu cũng luôn luôn hiện hữu.

Theo sự tích của Đức Phật, hình ảnh thanh tịnh, từ tốn, bước chân an lạc xuất trần của một vị Sa môn, cùng tấm áo cà sa đơn giản, đầu trần chân đất, cuộc sống ung dung tự tại đã làm Thái Tử Tất Đạt Đa xúc động. Xuất thân từ cung vàng điện ngọc, địa vị cao sang quyền quí tột đỉnh, nhưng cuộc sống của vị Sa môn Cồ Đàm đơn giản thuần khiết, cơ cực khổ hạnh thể hiện qua một con người siêu việt xuất thế. Đức Phật là nét đẹp đạo hạnh đầy đủ "Từ bi và Trí tuệ". Sự kính phục tuyệt đối của nhân loại về chân lý đạt đến cứu cánh giải thoát sanh tử, ngàn đời nay đến đời sau đối với Ngài là vô cùng vô tận.

Sống trong giới pháp của Đức Phật, người tu xuất gia không phải bận rộn miếng cơm manh áo, không lo toan chuyện thị phi thế gian, là đang được hưởng gia tài của cha lành Thế Tôn để lại. Trên bước đường hành đạo, có nhiều chông gai trắc trở, đồng thời cũng có nhiều cám dỗ của vật chất danh lợi trong giai đoạn tự chế ngự bản thân, đó là thử thách, rèn luyện công phu tu tâm dưỡng tánh.

Đối với mùa xuân mỗi năm qua mau, kiếp sống con người thật ngắn ngủi, nếp sống thanh tịnh trầm mặc của các vị tu sĩ là khép lại bớt lục căn: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý.

            Mắt: Không thấy vật chất là vĩnh cửu, là quí giá, cần nắm giữ cho riêng mình.
            Tai: Không nghe nhiều, không chấp vào tiếng khen chê, sanh tâm thương ghét phân biệt.
            Mũi: Không để cho mùi vị, hương lạ làm tâm tán loạn, sanh tâm mê đắm, thích hưởng thụ.
            Lưỡi: Không để cho cảm giác ngon dở, ưa thích sai khiến, tạo nghiệp chẳng lành.
            Thân: Không hơn thua, đẹp xấu phô trương, sanh lòng khinh mạn đua đòi.
            Ý: Không để cho ý sanh vọng tưởng điên đảo, tâm thức tán loạn sẽ rơi vào tội lỗi.

Chứng thực cho sự giải thoát của con người, là được sống thảnh thơi trong an nhàn, tâm an tĩnh, trí sáng suốt, rời xa những bon chen, xô bồ của cuộc sống thường ngày, rời xa vòng danh lợi thế gian, thoát khỏi bể khổ trầm luân. Ấy chính là khi Tâm ta hoàn toàn an tĩnh.

"Nét đẹp của người xuất gia" không phải là hình tướng khác thường bên ngoài, không phải mũ cao, áo thêu áo gấm, đủ màu đủ sắc. Xuân đối với người xuất gia là cái đẹp trong sáng ở nội tâm, khi Tâm thanh tịnh, rời xa được lòng tham lam, sân hận, si mê, nhân cách thuần hậu, nguyện đem lợi lạc cho mình cho người.

Tâm hạnh người xuất gia cao thượng chân thật vô ngã vị tha, ắt sẽ đạt đến Niết bàn vô lượng an lạc, đó là "Xuân trong nét đẹp của người tu xuất gia", cũng là giá trị hạnh phúc bất tận cho người tu ngay tại thế gian.

Đạo Phật không đòi hỏi mọi người đều phải lên Chùa để tu, cầu Kinh sớm hôm và hàng ngày phải ăn chay khổ hạnh hay buộc phải hoàn toàn cắt đứt tất cả tình thương với người thân, mới gọi là biết tu. Ý nghĩa của chữ TU là tu tâm sửa tánh. Đức Phật dạy: "Thắng vạn quân không bằng tự thắng mình. Tự thắng tâm mình là điều cao quý nhất".

Khi những vọng tâm, vọng tưởng, vọng thức, vọng niệm đã dứt sạch, thì sẽ chế ngự được tham lam, sân hận, si mê(1). Kết quả thực tế, cũng là phần thưởng cho những cố gắng, nỗ lực không ngừng của người tu tại gia, trước mắt là những chuỗi ngày hạnh phúc, vui vẻ, đầy an lạc.

Một người yếu đuối sợ khó khăn, tâm tánh ích kỷ, thích mơ mộng danh lợi, đòi hỏi nhiều về thú vui vật chất riêng bản thân, muốn một cuộc sống "tu tại gia" không dễ dàng thực hiện được. Một ví dụ, như làm cha mẹ muốn tu tại gia, vừa trách nhiệm lo miếng cơm manh áo cho gia đình, cho các con, lại còn phải hộ trì Tam Bảo, tu học Phật pháp, niệm Phật, ngồi thiền, tụng kinh(2), tự soi rọi thanh lọc tâm, không phải ai cũng làm được. Nếu thực hành vẹn toàn được công phu "tu tại gia", người tu luôn luôn chịu hy sinh rất nhiều cho riêng bản thân mình, tâm ý cao thượng khó làm khó thực hiện, nhưng đó chính là môi trường tu tâm dưỡng tánh tuyệt vời nhất.

Người muốn tu, ở hoàn cảnh nào cũng tu được, nếu hiểu được cách tu theo lời Phật dạy, nghĩa là áp dụng tứ vô lượng tâm là từ, bi, hỷ, xả, khoan dung rộng lượng trong đối xử, biết tự kềm chế thú vui vật chất, mạnh dạn hy sinh lợi ích cá nhân, biết xả bỏ ích kỷ nhỏ nhen. Người tu tại gia tự độ và còn có thể độ được cho những người thân trong gia đình và làm tấm gương cho con cháu noi theo. Sống biết đủ, không đòi hỏi nhiều, không bận rộn vào cuộc vui vô nghĩa, người "tu tại gia" sẽ có rất nhiều thời gian cho việc nghiên tầm kinh điển, tu học để khai sáng trí tuệ, trưởng dưỡng từ bi.

"Nét đẹp của người tu tại gia" là cuộc sống chân thật hồn nhiên, một nhân cách trong sạch và một tâm Bồ Tát tại gia vô chấp vô phân biệt, vượt qua được hình tướng xuất gia, nhưng vẫn có thể thành tựu đạo nghiệp. Người "tu tại gia" có thể đem lại cho mình, cho những người thân sống chung quanh sự bình yên tuyệt đối trong tâm hồn, sự thoải mái vô cùng qua cung cách cư xử trong từng cử chỉ, lời nói, việc làm cũng như ý nghĩ. Đó là ý nghĩa vi diệu tuyệt vời "Xuân trong nét đẹp người tu tại gia", ngay từ những điều vô cùng giản dị trong cuộc sống hằng ngày.

Tóm lại, mùa xuân trong nét đẹp của người tu xuất gia hay tại gia là ở tâm hạnh của Bồ Tát, nhân cách nghiêm tịnh, giới đức khiêm cung.

 Được gần các "Bậc Thiện Nhân" con người sẽ cảm nhận vô lượng an lạc hạnh phúc, như được hưởng gió mát và ánh nắng ấm áp, đầy đạo vị của những cánh hoa xuân tươi đẹp.

             - Trang nghiêm giới hạnh, đó là thân đẹp. 
             - Ăn ở hiền hòa, thủy chung, đó là nết đẹp.
             - Cư xử khiêm hạ, từ tốn, đó là cử chỉ đẹp. 
             - Giúp đỡ người bị nạn hay đói nghèo, đó là tấm lòng đẹp.
             - Hiếu với cha mẹ, kính bậc hiền thánh, đó là tâm hồn đẹp. 
             - Gặp người đau khổ, sợ hãi, nói lời an ủi, đó là ngôn ngữ đẹp.
             - Không khởi tà niệm, tâm luôn chánh trực, đó là ý đẹp. 
             - Biết độ lượng, bao dung, đó là đức hạnh đẹp.
             - Khai mở tâm trí, phá trừ vô minh, đó là trí tuệ đẹp.
             - Đạt được giác ngộ và giải thoát, đó là nét đẹp tối thắng.

Mùa xuân tuyệt đẹp với một tâm thức an bình tự tại, người biết tu hãy quay trở về nội tâm, thắp sáng ngọn đuốc trí tuệ, trưởng dưỡng tâm từ bi, thấy được Phật tánh không sanh, không diệt của mình(3), để ngộ ra "ý xuân vi diệu" này.

Có như vậy, ta mới có thể thanh thản sống đời, không tự ti cũng không tự tôn, với cái nhìn tự tại, vô úy giữa muôn sự có không, đúng sai, hơn thua, được mất, vinh nhục. Ở thế gian tất cả các pháp sanh diệt đều là vô thường.

"Mùa xuân trong nét đẹp người tu" mới thật sự đem lại thân tâm an lạc, phước trí trang nghiêm, tùy tâm mãn nguyện, vạn sự cát tường.

               NAM MÔ BỔN SƯ THÍCH CA MÂU NI PHẬT
                                                                                                                TKN Thích Nữ Chân Liễu.