Lời BBT/GNCN
Chúng tôi may mắn được một đạo hữu chuyển đến một thủ bút của đức Trưởng lão. Điều đáng quý là vị đệ tử này đã cẩn trọng giữ gìn bản viết tay dạy tu của Trưởng lão từ gần 20 năm nay… GNCN xin trân trọng giới thiệu đến quý độc giả bản thủ bút này như một sự tưởng nhớ đến vị thầy thương kính đã nhập diệt của chúng ta…
Thủ bút của đức Trưởng lão
GIỮ TÂM THANH THẢN
Nếu còn thấy người khác ác xấu thì tâm ta chưa xả. Tâm chưa xả tức là tâm chưa thanh thản, tâm chưa thanh thản mà vội tu Thiền định thì không bao giờ nhập định được. Chỉ khi nào thấy mọi người đều tốt, không có ác ý với ta dù bất cứ việc gì thì tâm ta đã xả, tâm ta đã xả thì nhập định dễ như trở bàn tay.
Xả tâm không phải trong một ngày, một tháng, một năm mà hết được, phải nhiều năm tháng.
Xả tâm không phải trong một lần, hai lần mà hết được, phải nhiều lần, vạn lần.
Thiền định cũng vậy, không phải trong một ngày, hai ngày mà đóng sáu căn được, phải nhiều ngày, nhiều năm tháng.
Vì thế phải bền chí, phải kiên cường, không chùn bước, không thối chuyển tâm.
Người muốn xả tâm được thanh thản, để nhập được Thiền định giải thoát thì phải lập 08 Đức, 12 Hạnh.
08 Đức:
1- Cẩn thận
2- Kỹ lưỡng
3- Dè dặt
4- Kín đáo
5- Im lặng
6- Nhẫn nhục
7- Tùy thuận
8- Bằng lòng
12 Hạnh
1- Không khoe khoang tài giỏi của mình.
2- Không khoa trương hiểu biết ngoài đời cũng như trong đạo.
3- Không làm Thầy dạy đạo khi còn đang tu.
4- Không bàn Kinh, luận Thiền và nghị luận thế gian.
5- Không nói chuyện tào lao nhảm nhí.
6- Không hành động tự kiêu, tự dắc.
7- Tránh giọng nói ngạo nghễ.
8- Tránh nụ cười mỉa mai khi dể.
9- Tránh nụ cười tự tôn, tự đại.
10- Tránh nhìn liếc xéo, liếc ngang.
11- Tránh dáng đi ngoe nguẩy.
12- Tránh trề môi khi dể người khác.
Nhẫn Xả Tâm và Nén Tâm
1- Nhẫn không thấy mình nhẫn là nhẫn xả tâm.
Nhẫn mà thấy mình nhẫn là nhân nén tâm.
2- Nhẫn không có phiền não là nhẫn xả tâm.
Nhẫn mà còn phiền não là nhẫn nén tâm.
3- Nhẫn mà thấy mọi vấn đề không quan trọng là nhẫn xả tâm.
Nhẫn mà còn thấy mọi vấn đề quan trọng là nhẫn nén tâm.
Lợi Ích Của Xả Tâm và Tai Hại Của Nén Tâm
Nén tâm là tự giết mình, xả tâm là tự cứu mình.
Nén tâm là Địa ngục, xả tâm là Thiên đàng.
Nén tâm là ác pháp, xả tâm là thiện pháp.
Nén tâm là nhân ác, xả tâm là nhân thiện.
Nén tâm là quả khổ, xả tâm là quả vui.
Nén tâm là u tối, xả tâm là sáng suốt.
Nén tâm là không Thiền, xả tâm là có Thiền.
Nén tâm là thiếu trí tuệ, xả tâm là có trí tuệ.
Nén tâm là làm khổ mình, xả tâm là không làm khổ mình.
Nén tâm là ghét đời, xả tâm là yêu đời.
Nén tâm là không thương mình, xả tâm là thương mình.
***
Tu tập tốt – Khéo linh động – Nhớ ám thị - Thường kinh hành.
Chỉ cần tập một phút tỉnh giác hoàn toàn nhiếp tâm thì hơi thở sẽ có chất lượng cao.
***
Bền chí siêng tu tập,
Một phút tỉnh giấc cao.
Cẩn thận từng hơi thở,
Thiền định vốn không xa.
***
Bền chí tập luyện,
Thuần thục một phút,
Tỉnh giác trong hơi thở,
Là cơ bản Thiền định.
***
Cẩn thận kỹ lưỡng trong mọi công việc cũng như sự tu tập là tất yếu sự thành công của con người.
Cẩn thận kỹ lưỡng từng hơi thở, tránh chủ quan trong lúc tu tập.
***
Song song với sự ức chế tâm phải lập đức, lập hạnh ăn, ngủ, độc cư đúng cách, nhẫn nhục, tùy thuận, bằng lòng, xả tâm rốt ráo.
***
Phải nhìn vào trong,
Tư duy cho rõ
Xả tâm cho sạch
Đừng nghĩ chuyện ngoài
Để tâm thanh thản
Tu tập mới tốt
Đức hạnh mới xong.
***
Đạo của Phật – Đạo diệt ngã – Nếu chấp ngã – Không tu được – Uổng một đời.
Cuộc đời tu hành,
Là trường tranh đấu.
Có bền chí – Có nghị lực – Có chiến thắng – Có giải thoát.
Cuộc đời tu hành,
Là trường tranh đấu.
Thiếu bền chí – Thiếu nghị lực – Có thất bại – Có ê chề.
***
Người tu theo đạo Phật là phải tôi luyện mình trong lửa đỏ, “Hoa sen nở trong lò lửa”.
Muốn tu tốt: Hơi thở đều – Ám thị kỹ - Gom sáu căn - Tại một điểm - Không thay đổi.