002-NIỀM TIN ĐỨC PHẬT VÀ PHẬT PHÁP CHÂN CHÁNH - Viên Hạnh

Thưa quý độc giả, thương thương và tôn kính!

            Quý độc giả ghé thăm trang web Giọt Nắng Chơn Như, chúng tôi thành thực biết ơn và tỏ bày lòng tôn kính sâu sắc đến quý vị. Giữa thời phồn hoa đô hội, đời sống vật chất sung mãn, vật chất dư thừa, giá trị con người được đo bằng những giá trị của cải và danh vị, chẳng còn mấy ai quan tâm đến giá trị đạo đức làm người. Vậy mà quý vị đã bớt chút thời gian để đọc và suy ngẫm về những bài viết trên trang web này, bảo sao chúng tôi dám không tôn kính.

            Thưa quý vị! Phật giáo và Nho giáo là hai tôn giáo lớn có ảnh hưởng sâu sắc đến tư tưởng, văn hóa, tập tục… của người dân Việt Nam nói riêng cũng như các dân tộc phương Đông nói chung từ mấy ngàn năm nay. Tinh hoa văn hóa Phật giáo, Nho giáo đã góp phần làm nên truyền thống lịch sử vẻ vang của đất nước Việt. Đó là điều chúng ta hết sức trân trọng và vô cùng biết ơn tiền nhân đã giữ gìn và lưu truyền lại.   

            Tuy nhiên, không phải tất cả đều là hoàn hảo. Còn có nhiều, rất nhiều những hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan… khiến cho con người khổ sở về tình thần, hao tốn của cải lãng phí một cách vô ích. Đã đến lúc chúng ta phải sáng suốt nhìn nhận lại, những gì thực sự hữu ích thì bảo tồn và phát triển, còn những gì có hại thì cương quyết loại bỏ chứ không chần chờ luyến tiếc.

            Mục đích chính của trang web này đến với quý vị để chúng ta cùng nhau tìm hiểu về cơ bản đạo đức con người. Đó là nền tảng đạo đức nhân bản – nhân quả mà đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã khai mở và hoằng dương từ hơn hai mươi lăm thế kỷ trước. Ngày nay, ở Việt Nam, đất nước của chúng ta cũng tự hào có một con người vĩ đại như đức Phật, đó là đức Trưởng Lão Thích Thông Lạc, theo pháp Phật, Ngài đã thực tu, thực chứng. Với trí tuệ Tam Minh thấu suốt, với lòng từ bi xót thương chúng sanh vô hạn, Ngài quyết tâm dựng lại Phật giáo chân chính đã bị nhiều thế hệ ngoại đạo xuyên tạc, bóp méo và mưu toan tiêu diệt.

            Đức Trưởng Lão, người Thầy, vị A-la-hán, bậc Thiện Hữu Tri Thức, Người dựng ngay ngắn lại chánh Phật pháp, Thầy đã dạy chúng ta những gì? Qua những lời Thầy giảng, những cuốn kinh sách Thầy biên soạn, chúng ta có thể biết rõ: Những gì của Phật giáo chân chánh phải được trả về Phật giáo, còn những gì bên ngoài đội lốt Phật giáo nhằm bôi xấu và phá hoại thì chúng ta loại bỏ không chấp nhận.

            Để giúp cho những phật tử sơ cơ đỡ hao tốn thời gian đi tìm cầu khắp chùa này thiền viện nọ, mong gặp được một vị Minh Sư dẫn dắt, hay khỏi phải mất công bới tìm trong rừng kinh sách Phật giáo, mong kiếm được những lời dạy chân chánh của đức Phật, chúng tôi xin giới thiệu tóm lược những lời dạy đầy tâm huyết và dạt dào lòng bi mẫn của Thầy. Học nơi Thầy, thấy nơi gương phạm hạnh của Thầy chúng ta nhận rõ đâu là Minh Sư, đâu là Tà Sư; đâu là Chánh pháp, đâu là Tà pháp; vàng cát phân minh, không còn mê mê lẫn lộn mãi như hồi nào nữa.

CHÁNH PHẬT PHÁP ĐƯỢC DỰNG LẠI 
CHÚNG TA CÙNG NHAU TÌM HIỂU 

            Hành tinh sống của chúng ta từ ngàn xưa tới nay chỉ có một đức Phật duy nhất xuất hiện, đó là đức Phật Thích Ca Mâu Ni, Người đã tự mình tìm ra con đường và chứng nghiệm Bốn Chân Lý của loài người. Bốn chân lý đó là: Khổ, Tập, Diệt, Đạo sẽ thường hằng cùng thời gian không bao giờ thay đổi. Trước đức Phật không có một vị Phật nào cả, vậy mà trong kinh sách Phật giáo dạy đã có nhiều vị Phật trong quá khứ. Sau đức Phật cũng sẽ không có một vị Phật tương lai nào khác. Chỉ những vị Thánh Tăng A-la-hán xuất hiện có đầy đủ năng lực như Phật ra đời để chỉnh đốn, bảo vệ và duy trì Chánh pháp.

            Giáo pháp của Phật dạy không cao siêu, không huyền bí như kinh sách phát triển tô vẽ. Giáo pháp của Phật rất thân thiện, gần gũi và thực tiễn với tất cả mọi người. Chỉ cần ai có trí tuệ bình thường, (miễn không phải là mất trí hay điên khùng) thì đều có thể hiểu và hành trì được. Ai quyết tâm thực hành thì có kết quả ngay liền trong cuộc sống. Thực hành ít, có hạnh phúc ít; thực hành nhiều được hạnh phúc nhiều; thực hành rốt ráo sẽ được hạnh phúc hoàn toàn, tức là thoát khỏi khổ đau sinh tử. Không phải như kinh sách phát triển dạy phật tử mặc tình phá giới, tu tập chẳng tới đâu rồi tìm lời vỗ về an ủi: “Phải tu vô lượng kiếp.” Điều này trái với lời dạy của Phật: “…Pháp Ta không có thời gian, đến để mà thấy…” 

            Giáo pháp của Phật dạy chỉ có một pháp môn, một con đường duy nhất, đó là Bát Chánh Đạo (Đạo Đế hay là con đường Giới, Định, Tuệ) mới dẫn dắt hành giả chứng đạt cứu cánh. Cứu cánh đó là: “Tâm bất động trước các ác pháp và các cảm thọ. Tâm làm chủ được Sanh, Lão, Bệnh, Tử và chấm dứt Tái sinh Luân hồi. Đó là Tâm Giải Thoát.” Không như kinh sách phát triển dạy có tới 84.000 pháp môn để ai muốn chọn pháp nào tùy ý và muốn tu đi đến đâu tùy thích, như ngày nay các bạn đã và đang thấy Phật giáo khắp từ Nam đến Bắc, từ Đông sang Tây trên hành tinh này.

            Giáo pháp của Phật không dạy chia ra thời thịnh hay thời mạt pháp. Lúc đương thời thì đức Phật là Thầy, là bậc Đạo Sư, khi nhập diệt thì Giáo Pháp và Giới Luật của Ngài là Thầy, là Đạo Sư. Giáo pháp của Phật là chân lý, là thường hằng không bao giờ thay đổi sao lại có thịnh có suy? Chỉ có con người không hành trì theo Giáo Pháp, Giới Luật, thường bẻ vụn, phá nát giới luật thì chính là người mạt pháp chứ không phải pháp mạt pháp. Con người không muốn lìa tham mà còn muốn ôm ấp quyền hành danh vị thì ngay khi đức Phật đang còn tại thế vẫn là người mạt pháp như thường. Điển hình là Đề Bà Đạt Đa và các phật tử a tòng ủng hộ ông ta.    

            Giáo pháp của Phật không dạy cúng bái, tụng kinh, niệm Phật, trì chú, luyện bùa, bắt ấn v.v… và càng không bao giờ dạy ức chế thân tâm để đạt những ảo tưởng: Phật tánh, Chân Như, Bản Lai Diện Mục, Chân Không Diệu Hữu hay cảnh giới Thiên Đàng, Cực Lạc… Tất cả chỉ là những thứ bánh huyễn do các thầy Tổ tu chẳng được gì, lại thấy mình cao hơn Phật nên mới vẽ ra như vậy, chẳng ích lợi gì mà uổng mất một đời tu.

            Giáo pháp của Phật cũng không dạy chia ra Đại Thừa, Tiểu Thừa, Phật Thừa hay Tối Thượng Thừa. Không có xe lớn hay xe nhỏ mà chỉ có Độc Bộ, Độc Hành theo con đường Bát Chánh Đạo. Trên con đường ấy, mỗi người phải tự đi lấy cho chính mình, đến như đức Phật cũng không thể cõng, vác trên vai để đưa người nào vượt qua được. Chúng ta hãy tự lực cố gắng, không chờ đợi xe lớn hay xe nhỏ, cũng chẳng cần cầu khẩn van xin Bồ-tát hay Phật nào tới rước về một cõi Thiên Đàng Cực Lạc.  

            Giáo pháp của Phật dạy: Không có thế giới siêu hình, không có linh hồn sau khi chết, không có thần, thánh, quỷ, ma… cũng không có Thượng Đế hay một Đấng tối cao nào có quyền năng khen thưởng hay xử phạt con người. Chỉ có Nhân Quả, luật Nhân Quả đang lặng lẽ điều hành vũ trụ một cách tuyệt đối chính xác và công bằng. Hiểu như vậy, chúng ta không cần phải cầu khẩn van xin, không cần phải cầu an, cầu siêu hay làm những trò mê tín nhảm nhí khác. Những trò ấy không có lợi ích gì, chỉ tốn hao công sức và tiền của, lại dẫn con người vào cõi u mê mờ mịt. Chúng ta hãy thản nhiên, không lo lắng sợ hãi khi những chướng ngại, phiền não ập đến trên đường đời. Hãy bình tĩnh, tích cực ly dục ly ác pháp và cố gắng hành thiện trong cuộc sống hàng ngày.

            Kinh sách phát triển không phải do Phật thuyết. Xin dẫn một số như: Kinh Pháp Hoa, Kinh Kim Cang, Kinh Hoa Nghiêm, Kinh Đại Bảo Tích, Kinh Duy Ma Cật, Kinh Thủ Lăng Nghiêm, Kinh Vô Lượng Thọ, Kinh A Di Đà, Bát Nhã Tâm Kinh, Địa Tạng, Dược Sư… và còn rất nhiều nữa. Tất cả những kinh đó là của ngoại đạo xen vào, đó là Ma khoác áo Phật để phá hoại và tiến đến tiêu diệt Phật giáo mà thôi.

            Những lời gốc Phật dạy, (tức Phật Pháp Nguyên Thủy) ngày nay chúng ta chỉ còn trông vào bốn bộ kinh thuộc tạng Kinh A Hàm và năm bộ kinh thuộc tạng Kinh Nikàya là đáng tin cậy. Tuy nhiên, trải qua nhiều thế kỷ truyền thừa nên ít nhiều bị pha trộn, thêm bớt. Chúng ta cần thận trọng suy xét và thưa hỏi Thiện Hữu Tri Thức để khỏi bị nhầm lẫn và hiểu oan cho Phật.

            Thiền của đạo Phật là nền tảng đạo đức của con người. Phật giáo chỉ dạy cho mọi người biết cách tu tập thiền định là thường ngăn ác diệt ác pháp, sinh thiện tăng trưởng thiện pháp để cuối cùng tâm không còn tham, sân, si nữa. Tâm không còn tham, sân, si là mục đích của đạo Phật đã đạt được. Bởi vậy, thiền của Phật giáo không giống bất cứ một thứ thiền nào của các tôn giáo khác. Hành giả thiền Phật giáo sống đơn sơ chỉ một bát, ba y, hằng ngày đi xin ăn một bữa, “tâm hồn trắng bạch như vỏ ốc, phóng khoáng như hư không.

            Chúng ta cùng nhìn lại, hành giả thiền của tôn giáo khác thì sao? Họ sống trong nhà cao cửa lớn như cung vàng điện ngọc, phương tiện tiện nghi thì chẳng thiếu thứ gì. Người đời có vật dụng gì thì họ cũng có thứ đó, thậm chí còn sang trọng hơn nhiều. Chỉ bấy nhiêu thôi, chúng ta đủ nhận biết họ không phải là phật tử, không xứng đáng để chúng ta cung kính tôn trọng. Và một điều chắc chắn là chúng ta sẽ không học tập được ở họ một mảy may phạm hạnh nào dù họ có khéo thuyết giảng đến đâu. Tất cả chỉ là một sự dối trá lường gạt, mọi người hãy thận trọng cảnh giác với giới kinh doanh tôn giáo này.

            Đến đây chắc quý vị phản biện: chùa chiền, thiền viện quý vị đến tu học vẫn được các thầy dạy ăn hiền, ở lành, tránh làm điều ác đấy thôi. Đúng vậy, chúng tôi không phủ nhận điều đó. Nhưng chúng ta phải hiểu rõ rằng:

            Thứ nhất, lời quý thầy dạy có đi đôi với việc thực hành như lời Phật dạy hay không? Hay chỉ dạy cho có, rồi lời Phật trả Phật, quý thầy vẫn sống theo tâm ái dục của mình? Cứ ngẫm trông đời sống của quý thầy tại các chùa, các thiền viện ngày nay chúng ta sẽ thấy rõ liền.

            Thứ hai, như thế nào là sống thiện, là ăn hiền ở lành, điều này có lẽ chính quý thầy cũng chưa tường tận, vậy mà dám đi dạy người. Nếu không có Thiện Hữu Tri Thức chỉ dạy thì chúng ta không thể hiểu được thiện pháp. Bởi vì, muốn hiểu được thiện pháp thì phải có Chánh Kiến, Chánh Tư Duy, muốn có Chánh Kiến, Chánh Tư Duy thì tâm phải ly dục ly ác pháp.

            Thử hỏi ở các chùa chiền, thiền viện đã thấy có vị thầy nào ly được dục, ly được ác hay chưa? Có lẽ còn khó tìm hơn mò kim đáy bể. Vì vậy, lời dạy sống thiện ở những nơi này chỉ là sống giả thiện, thiện hữu lậu, càng cố gắng lâu ngày thì bản ngã càng to lớn và khổ đau càng chồng chất cao như núi.

            Những điều vừa trình bày ở trên là những điều suy tư sâu sắc và tâm huyết nhất khi chúng tôi được học từ những lời dạy của thầy Viện chủ Tu Viện Chơn Như, đó là một tiếng sét lớn xé toang đám mây mù phủ trùm bầu trời Phật giáo từ mấy ngàn năm nay, kể từ khi đức Phật và người đệ tử trực tiếp cuối cùng của Ngài nhập diệt.

            Ngày nay, Đường Về Xứ Phật lại thênh thang rạng rỡ bởi đã có Mặt Trời Phật Pháp từ Tu Viện Chơn Như chan hòa tỏa nắng. Hạnh phúc thay cho chúng ta có duyên phước lớn được gặp Chánh Phật Pháp làm hành trang đi suốt cuộc đời.

            Chúng con thành kinh biết ơn và ghi khắc mãi trong tâm đến muôn đời sau công đức của Thầy, bậc A-la-hán, vị Minh Sư của chúng con. Chúng con cũng tha thiết cầu thỉnh Thầy trụ thế dài lâu vì hạnh phúc của nhân loại trên hành tinh này và tất cả chúng sanh đang quằn quại trong muôn ngàn đau khổ.

            Cuối cùng, chúng tôi trở lại lời thương ban đầu.

            Kính thưa quý vị! Sao lại là thương thương? Chắc quý vị đã có suy tư nghi vấn. Theo suy nghĩ thiển cận của chúng tôi, thương thương là thể tịnh của đạo đức Phật giáo. Mà chúng ta đang cùng nhau trên con đường tìm hiểu, tu tập theo Phật giáo cho nên chủ theo cái tình ấy, đó là lòng yêu thương tự tâm không ái dục, nó không giống với bất cứ loại tình thương nhiễm trước nào khác của cuộc đời.

            Vì sao vậy? Chúng ta, mỗi người đều biết rõ, dù bạn là vua của các vị vua đi nữa, và chúng tôi là những người thường dân vai trần chân đất, thì cả hai, bạn và chúng tôi đều chung một nỗi khổ như nhau. Không có ai khổ nhiều hay có người khổ ít hơn. Sống bình đẳng trong khổ đau thì còn gì nữa mà chẳng dành tình thương chân thật cho nhau. Đó là tình biết thương mình, thương người, tình thương thương vô tư lự, không tính toan so hơn tính thiệt.

            Tình thương không tư vị, dịu mát mênh mang như khí trời, người ban cho thì hân hoan rộng mở, còn người nhận thì lúc nào cũng nhận thấy tràn đầy. Chẳng phải như pháp Ba la mật nào đã dạy, để người cho không biết mình cho, người nhận cũng không biết là mình nhận. Họa chăng đó phải là những cục đá, gốc cây?   

            Vậy đấy! Thế mà còn biết bao nhiêu người vì mải miết lăn theo, bon chen trong cuộc sống để đến lúc thở hắt ra những hơi thở cuối cùng mới hiểu ra giá trị của luồng khí trời tự nhiên kia.

            Tình thương như khí trời vô tận, ban khắp cùng mà chẳng bận vấn vương, chẳng thể nào níu kéo, chẳng có gì buộc ràng.

            Thưa quý vị, có lẽ chỉ Phật giáo mới có thể có tình thương ấy.

            Có lời một bài ca: “Tình mẹ bao la như biển Thái Bình dạt dào.” Nghe tưởng dịu dàng và phóng khoáng làm sao, nhưng chúng ta thấy ngay được rằng đó là tình thương yêu tục thế đầy buộc ràng và lưu luyến. Đã là tình thương yêu luôn có cho và nhận. Ở đây chúng ta biết: Tình mẹ như biển mênh mông thì còn lại chắc chắn tình con như nước muôn sông đổ về. Rồi thế là biết bao nhiêu tháng ngày chờ mong thương nhớ, giận hờn, khổ đau, biển mãi không đầy mà sông dần khô kiệt.

            Thế đấy! Thương yêu, thương nhớ, thương mến, thương kính… dù bao nhiêu cái thương đi nữa cũng chỉ là chồng chất những khổ đau trong thầm mong ao ước, lợi dụng, trông chờ, chẳng có gì trên cuộc đời này là hạnh phúc thực cả, chỉ là mộng tưởng hão huyền. Còn nếu bạn cứ khăng khăng nghĩ rằng, trên cuộc đời này bạn đang có tất cả, có danh, có lợi, có nhà cao cửa rộng, vợ đẹp con khôn, phương tiện tiện nghi không thiếu thứ gì, muốn gì được nấy, như thế là bạn đang hạnh phúc lắm. Có thể bạn đã nhầm, đó chỉ đang là sự biến động thay đổi khác của một loại khổ đau mới nếu bạn cứ nắm giữ, say mê ôm chặt lấy nó.

            Tất cả những gì gọi là hạnh phúc ở bên ngoài đưa đến, nó chỉ là tạm bợ, hư huyễn, thay đổi rất thất thường. Chỉ có hạnh phúc sinh khởi từ trong nội tâm thanh tịnh của mỗi người mới thực sự là hạnh phúc bền chặt dài lâu.

            Mấy lời tâm huyết, suy tư, tìm hiểu cùng quý vị ở trên, nếu có điều chi sai sót, kính xin quý vị lượng tình chỉ giáo. Trên con đường trở về Xứ Phật, cầu chúc cho quý vị sớm có ngày trở thành người Tự Do mà cuộc đời đầy ngưỡng mong tôn kính.

            Chúng con xin nguyện: 

             Một lòng thành kính và biết ơn sâu sắc đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.
             Một lòng thành kính và biết ơn sâu sắc đức Trưởng Lão Thích Thông Lạc.

                                                                     Viên Hạnh