NHỜ THEO DÕI HƠI THỞ MÀ ĐƯỢC ĐỊNH

Câu hỏi của Diệu Quang

Hỏi:Kính thưa Thầy!Tâm ý, sở dĩ định được là nhờ theo dõi hơi thở, cấu uế đã được tiêu diệt thì tâm ý dần dần trong sạch, đó gọi là Nhị Thiền. Thưa Thầy những lời dạy này có đúng trong kinh điển của đức Phật dạy hay không?

Đáp:Không, Phật dạy khi nhập Sơ Thiền thì tâm phải ly dục ly ác pháp, tâm ly dục ly ác pháp là tâm giới luật nghiêm trì, tâm giới luật nghiêm trì là tâm thanh tịnh, tâm thanh tịnh thì cấu uế lần lần tiêu diệt chỉ còn dùng định niệm hơi thở khéo tác ý hướng tâm tịnh chỉtầm tứ thì liền nhập Nhị Thiền. Còn tâm chưa ly dục ly ác pháp là tâm chưa thanh tịnh, tâm chưa thanh tịnh thì tâm không có cách nào nhập được Sơ Thiền, tâm chưa nhập được Sơ Thiền thì giới luật chưa thanh tịnh, giới luật chưa thanh tịnh thì tâm chưa thanh tịnh, tâm chưa thanh tịnh thì không thể theo dõi hơi thở mà nhập được Sơ Thiền, Sơ Thiền chưa nhập được thì mong gì nhập được Nhị Thiền, còn cấu uế của tâm là nhờ giới luật mới được tiêu trừ chứ không phải nhờ có định. Nhà học giả dạy nhập định theo kiểu tưởng giải của mình, không đúng như kinh Phật dạy.

Phật dạy nhập định Nhị Thiền không có ức chế tâm chỉ dùng tâm ly dục ly ác pháp tức là tâm thanh tịnh, tâm Sơ Thiền, tâm thanh tịnh ở đây có nghĩa là tâm không phóng dật, thanh thản và an lạc. Người muốn nhập Nhị Thiền phải ở trạng thái này nương theo định niệm hơi thở, dùng pháp hướng tâm như lý tác ý tịnh chỉ tầm tứ.

Phật không dạy tùy tức nhập Nhị Thiền và cũng không dạy nhờ định mà cấu uế được tiêu diệt. Kinh An Ban Thủ Ý dạy điều này để nhập Nhị Thiền là không đúng như kinh Phật dạy.

Đọc bài tựa kinh An Ban Thủ Ý, ta thấy những lối lập luận về Tứ Thánh Định, pháp hành không đúng cách, những từ dùng để chỉ thiền định không đúng như lời Phật dạy trong kinh, định mà còn niệm thì làm sao định được, đếm và tùy đó là hai phương pháp ức chế tâm thì không thể là thiền định được.

Kinh này dạy: Bỏ pháp đếm hơi thở chú tâm vào chóp mũi gọi là chỉ, làm như chỗ tâm ý ở đầu chóp mũi đó là Tam Thiền. Cách thức dạy nhập Tam Thiền như thế này không giống như Phật dạy: “ly hỷ trú xả nhập Tam Thiền”. Cách thức tu tập theo Phật dạy, dùng định niệm hơi thở khéo tác ý hướng tâm tịnh chỉ 18 loại hỷ tưởng, âm thanh và mộng vắng bóng.

Về Tứ Thiền kinh An Ban dạy: Niềm tin Tam Bảo vững chãi, bây giờ tất cả những gì u tối đều trở nên trong sáng, đó gọi là “Tứ Thiền”. Nếu dạy theo kinh An Ban, chỉ cần có niềm tin Tam Bảo vững chãi là nhập được Tứ Thiền, thì như vậy Tứ Thiền nhập quá dễ dàng. Tứ Thiền là một loại định bất động của thân không phải là một việc dễ làm, hơi thở ngưng nghỉ không phải là chuyện dễ. Phật không dạy như thế này mà dạy tịnh chỉ hơi thở nhập Tứ Thiền, tịnh chỉ hơi thở, tức là không còn thở, không còn thở, tức là xả thọ, xả thọ mà trong kinh gọi là xả lạc, xả khổ, xả niệm thanh tịnh.

Lạc, khổ thuộc về thọ, niệm thanh tịnh là đối tượng của tâm, còn có thọ và đối tượng của tâm là chưa nhập được Tứ Thiền. Cho nên, muốn nhập Tứ Thiền thì phải tu tịnh chỉ hơi thở, tịnh chỉ hơi thở, tức là không còn đối tượng của tâm, nên thân định trên tâm và tâm định trên thân.

Nếu còn có đối tượng trong sáng của tâm là chưa phải nhập Tứ Thiền nên kinh An Ban dạy nhập định Tứ Thiền không đúng như theo lời Phật đã dạy trong kinh Nguyên Thủy.