Hiểu Biết Thêm Chung. Kì 37 (141-147)

141. Định Niệm Hơi Thở Câu Hữu Pháp Hướng Tâm

            Hỏi: Kính thưa Thầy, con ngồi kiết già 30 phút tu Định Niệm Hơi Thở câu hữu pháp hướng tâm: Ly tham, sân, si, vô ngã, vô thường, bất tịnh. Tu như vậy thời gian bao lâu hết tham, sân, si? Thân bị bệnh đau kinh niên hướng tâm xả thọ có hết đau không?

            Đáp: Tu Định Niệm Hơi Thở câu hữu với pháp hướng xả tâm ly dục ly ác pháp mà hỏi Thầy thời gian lâu mau thì các con nên tự hỏi mình tu hành con có quyết tâm xả, ly dục và ly ác pháp hay không. Còn thời gian tu tập lâu mau là do người tu tập có giữ gìn giới luật nghiêm túc hay không, chứ hỏi Thầy thì làm sao xác định đúng được. Các con mãi phạm giới ăn uống phi thời và phá giới hạnh độc cư thì làm sao xác định được thời gian.

            Muốn tâm ly dục ly ác pháp nhanh chậm là còn tùy ở mức độ giữ gìn giới luật có nghiêm chỉnh hay không? Nếu có quyết tâm xả ly, từ bỏ dục và ác pháp thì giới luật là thước đo cho tu tập nhanh hay chậm và thời gian ngắn hay dài. Ngược lại, không có quyết tâm xả ly chỉ hướng tâm cũng giống như người niệm Phật tụng kinh cho hết thời công phu thì tu chẳng bao giờ xả ly được. Tu như vậy mất thì giờ vô ích, chẳng có kết quả gì, tâm nào tật nấy, không bao giờ thay đổi.

            Khi có ý muốn tu tập xả tâm ly dục ly ác pháp thì phải có quyết tâm xả bỏ. Ví dụ: Khi tâm khởi muốn ăn, thấy bụng đói mà chưa tới giờ ăn thì nhất định không ăn; đó là ly dục, đó là giữ giới, còn ăn là không ly dục, không giữ giới. Tâm khởi muốn nghe băng hoặc lấy kinh sách ra đọc thì nhất định không nghe băng, không đọc kinh; đó là ly dục, đó là giữ giới, còn nghe băng và đọc kinh là không ly dục, không giữ giới v.v... Khi bị người khác chửi mắng mạ nhục mình, mà mình tức giận là không ly ác pháp, là không giữ giới; còn không tức giận mà biết thương người chửi mắng mình là ly dục ly ác pháp, là giữ giới.

            Dùng pháp hướng tâm là để pháp hướng tâm nhắc nhở tâm mình ly thì mình phải ly, nếu mình không ly mà nhắc nhở thì cũng như nước đổ trên lá sen, tu như vậy uổng công mà thôi. Pháp hướng tâm chỉ giúp ta thấm nhuần lý giải thoát để không chấp nhận dục và ác pháp. Đã không chấp nhận thì quyết định xa lìa. Do quyết định xa lìa thì tu rất nhanh, còn tu lừng khừng, không quả quyết xa lìa thì tu chẳng có kết quả gì.

            Thân bệnh đau, muốn hướng tâm xả thọ cho hết đau thì người ấy thấu suốt lý nhân quả, không sợ chết, không sợ đau bệnh thì pháp hướng tâm hỗ trợ, tâm người ấy không dao động và cảm thọ sẽ chấm dứt không còn đau khổ. Còn người ấy sợ chết, sợ đau, hở ra một chút là cảm thấy đau khổ vô cùng thì pháp hướng tâm không có hiệu quả, thọ không đẩy lui được, đầu óc suy nghĩ lăng xăng, tâm khởi đi bác sĩ này, đi bác sĩ khác, uống thuốc này, uống thuốc khác thì người ấy bệnh đau còn mãi mãi khó mà hết được.

            Dùng pháp hướng mà tâm dao động như vậy thì pháp hướng không kết quả. Người dùng pháp hướng là người phải có ý chí, phải có nghị lực mạnh mẽ. Khi hướng tâm thì giống như lấy đinh đóng cột, nhất định là tâm không dao động, quyết chiến quyết thắng, có như vậy mới đẩy lui được bệnh khổ. Có như vậy mới thấy pháp Như lý tác ý của Đức Phật rất mầu nhiệm mà trên đời này không có một pháp môn nào hơn được, một phương thuốc nào hơn được. Pháp Như lý tác ý của Đức Phật là một thần dược, nếu ai biết cách sử dụng.

142. Ngồi Thiền Nhập Định

            Hỏi: Kính thưa Thầy! Con được theo Thầy tu học nhiều năm, chỉ thấy Thầy làm việc nhiều để chúng rảnh rang tu học, Thầy thì chẳng thấy ngồi thiền nhập định ngày nào hết. Vậy sao mà Thầy nhập định tháng này qua tháng khác được?

            Đáp: Từ khi làm phật sự giúp đỡ người tu, Thầy không có thời gian ngồi thiền nhập định một vài tháng, chỉ ngồi nhập định 1, 2 giờ khuya để dưỡng sức lo cho chúng.

            Tháng 8 năm 1991, Thầy vào thất với chúng tu tập, lúc bấy giờ Thầy mới có dịp nhập định được bảy ngày và đến 15 ngày để làm gương cho chúng và cũng không còn có thì giờ nhập định lâu hơn, vì phải ở ngoài để lo sự tu tập của chúng. Lỡ chúng tu sai, điên khùng Thầy chịu trách nhiệm nên không dám lơi lỏng. Nhưng đó là nhập định chơi cho quý thầy biết mà thôi, chứ nhập định không phải tập ngồi nhiều mà chỉ tập pháp hướng cho có hiệu quả để truyền lệnh nhập định, chứ không phải ngồi lim dim như con cóc từ giờ này đến giờ khác.

            Người tu thiền định, muốn nhập định mà không tập luyện pháp hướng tâm, chỉ tập ngồi thiền cho nhiều thì sẽ nhập định con cóc chứ không có nhập định nào được cả. Vì thiền định của Phật từ giới sinh ra định chứ không phải từ định sinh ra định. Người muốn nhập các định thì tu tập pháp Như lý tác ý (hướng tâm) mới điều khiển nhập được các định. Bởi vì, các loại định đều có sự tịnh chỉ các hành trong thân khác nhau như sau:

              1- Sơ Thiền, tịnh chỉ ngôn ngữ.
              2- Nhị Thiền, tịnh chỉ tầm tứ.
              3- Tam Thiền, tịnh chỉ tưởng (hỷ).
              4- Tứ Thiền, tịnh chỉ hơi thở.

            Người tu tập pháp hướng tâm chỉ cần ra lệnh tịnh chỉ trạng thái nào hoặc hành tướng nào ở định đó, thì trạng thái, hay hành tuớng ở định đó liền tịnh chỉ (ngưng), nhập vào định đó. Đừng hiểu lầm là phải tập ngồi thiền cho nhiều, ngồi nhiều từ từ sẽ nhập định này rồi đến định khác, đó là người không hiểu thiền định. Thiền định không thể tu tập nhập theo kiểu đó được, tu tập theo kiểu đó chỉ rơi vào các loại tà định (tưởng định). Tu như vậy chẳng ích lợi gì, không bao giờ làm chủ sanh, già, bệnh, chết được, mà ngược lại chỉ nuôi thiền miệng, thiền lưỡi, chỉ nhập thiền tuởng.

            Điều quan trọng của sự tu tập thiền định là phải tu tập “xả tâm diệt ngã, ly dục ly ác pháp”, nhờ đó tâm thanh tịnh. Tâm thanh tịnh mới tịnh chỉ được các hành thì mới nhập các định, nhất là nhập Tứ Thiền hơi thở phải tịnh chỉ. Do đó, an trú trong định 1, 2 ngày rất dễ dàng mà không thấy đau nhức, mỏi mệt gì cả. Khi tập luyện pháp hướng có đạo lực thì hành giả muốn nhập định lúc nào cũng dễ dàng và nhập bao lâu cũng được tùy theo loại định. Vì thế, Đức Phật mới gọi đó là: “Định Như Ý Túc.”

            Cho nên khi tâm ly dục ly ác pháp xong thì mới tu tập thiền định, còn tâm chưa ly dục, ly ác pháp mà tu thiền định thì đó là thiền cóc, thiền ngồi, thiền tưởng. Muốn tu tập nhập định cho đúng thiền của Phật giáo như trên đã nói thì phải tu tập giới luật và giữ gìn giới hạnh cho nghiêm chỉnh không hề vi phạm một lỗi nhỏ nhặt nào thì mới nhập định được. Rất mong quý vị hiểu cho.

143. Thời Khóa Tu

            Hỏi: Kính thưa Thầy! Hiện nay, chỉ có buổi khuya con ngồi tu Định Niệm Hơi Thở 30 phút gom sáu thức và hơi thở vào tụ điểm, không thấy nặng đầu và mệt nữa. Nếu bỏ qua lâu ngày không tu gom tâm sẽ mất tụ điểm. Xin Thầy chỉ dạy cho con rõ.

            Mỗi ngày buổi sáng và chiều ngồi 30 phút tu Định Niệm Hơi Thở câu hữu pháp hướng tâm để xả tham, sân, si, mạn, nghi. Pháp Tứ Chánh Cần con nhớ luôn luôn ngăn ác diệt pháp ác trong tâm và kiểm soát tâm mình rất kỹ để xả và diệt ác pháp liền, con tu như vậy có được không? Hiện giờ con muốn tu xả tâm cho rốt ráo như lời Thầy dạy, nhưng thời khóa phải tu như thế nào?

            Đáp: Theo lời khuyên của Thầy, tuổi con cũng già yếu, nay đau mai ốm không chừng, từ trước con đã tu pháp ức chế tâm nên tâm không có xả tham, sân, si, vì thế tới nay vẫn chưa viên mãn giải thoát.

            Trải qua một thời gian dài tu tập pháp môn ức chế tâm là một bài học kinh nghiệm sống, pháp nào tu có giải thoát, pháp nào tu không giải thoát, con đã biết tất cả mùi vị cay đắng ngọt bùi của các pháp môn của kinh sách phát triển và kinh sách các Tổ sư thiền. Bây giờ là lúc con trở về với pháp môn của Phật. Ngày đêm con chia làm bốn thời, mỗi thời tu tùy theo sức khỏe, thời gian còn lại của con thì phải tu tập cho hợp với đặc tướng. Thời công phu nào, con cũng câu hữu với pháp hướng xả tâm ly tham, đoạn diệt ác pháp.

Luôn luôn phải giữ tâm sống một mình, không lý luận thuyết pháp cho ai hết mà phải lo cứu mình trước đã, sống luôn luôn để tâm hồn thanh thản, an lạc, trầm lặng độc cư. Tới giờ đi xin cơm để ăn, hết giờ ngồi chơi và tu tập xả tâm. Cứ tu như vậy, thời gian ngắn con sẽ thấy kết quả tâm sẽ không phóng dật, tâm không phóng dật là tâm giải thoát hoàn toàn thanh tịnh, tức là tâm ly dục ly ác pháp. Đến giờ phút lâm chung, con sẽ nhẹ nhàng và tự tại không còn đau khổ nữa.

            Nếu pháp hướng có đạo lực, con chủ động điều khiển theo ý muốn của mình đi tái sanh, chứ không bị nghiệp lực dẫn đi. Nói như vậy, chứ tâm không phóng dật là không còn tái sanh, tâm không phóng dật là Niết Bàn, chứ không còn Niết Bàn nào khác nữa. Điều quan trọng nhất là con nên xả tâm, còn tụ điểm gom tâm không có mất đâu mà con sợ. Chỉ cần con cố gắng tu tập, để có đạo lực của pháp hướng tâm, thì mọi sự làm chủ đời sống của con hoàn toàn chủ động. Tụ điểm không quan trọng đâu, có hay không có cũng không sao. Tụ điểm gom tâm chỉ là giai đoạn mới tu mà thôi, còn hiện giờ chỉ có xả tâm cho thật sạch là quan trọng. Vì chính xả sạch sẽ chứng đạt chân lý.

144. Đề Tài Thiền Quán

            Hỏi: Kính thưa Thầy! Nay con tu Định Niệm Hơi Thở không được, xin Thầy cho con một đề tài thiền quán để tâm chuyên nhất cảnh mới mong thanh tịnh.

            Đáp: Muốn xin đề tài thiền quán để tâm chuyên nhất cảnh thì phải sống độc cư trọn vẹn mới thực hiện được đề tài thiền quán này. Phải giữ gìn tâm không được phóng dật, sống đúng giới hạnh, đời sống thiểu dục tri túc, ít muốn, biết đủ thì mới tu tập đề tài thiền quán này. Từng phút, từng giây, hàng ngày ngăn ác, diệt ác, thì kết quả sẽ nhập được bốn thiền và thực hiện được Ba Minh không có khó khăn không có mệt nhọc, không có phí sức.

Muốn được vậy con nên tu tâp xả tâm vô lượng có nghĩa là tất cả các niệm sinh khởi trong tâm cũng như các cảm thọ nơi thân thì con nên dùng tri kiến hiểu biết Chánh kiến và Định Niệm Hơi Thở xả sạch và đẩy lui các bệnh khổ. Đó là xả tâm rốt ráo. Khi xả tâm rốt ráo thì tâm sẽ được định tỉnh, nhu nhuyến dễ sử dụng, dễ sai khiến thì lúc bây giờ con sẽ thực hiện được Tứ Như Ý Túc và như vậy con làm chủ sự sống chết và chấm dứt luân hồi dễ như trở bàn tay.

145. Đừng Mất Hy Vọng

            Hỏi: Kính thưa Thầy! Theo lời Thầy dạy, thân định trên tâm, tâm định trên thân tức là nhập Tứ Thiền. Như vậy cơ thể con bây giờ không làm được điều đó. Xem như đời sống của mình vô dụng. Bây giờ con về thất, phát nguyện giữ gìn sống đúng giới luật, thà chết trên giới luật, không hề vi phạm và bẻ vụn giới luật. Thỉnh thoảng con về thăm Thầy và chúng huynh đệ, nhờ Thầy ban bố cho những lời pháp bảo sách tấn để thời gian còn lại con cố gắng tu hành cho đến hơi thở cuối cùng.

            Đáp: Giới luật nghiêm túc thà chết không vi phạm, đó là con đã thân định trên tâm, tâm định trên thân, tức là con đã nhập Tứ Thiền rồi. Sợ e giới luật không nghiêm chỉnh thì dù con có đủ sức ức chế tâm con cũng chẳng nhập được.

            Con đừng bi quan mà phải cố gắng tu xả tâm, chỉ một thời gian tâm con như cục đất thì Tứ Thiền nhập như trở bàn tay. Sợ e con xả tâm không được mà thôi. Phải bền chí cố gắng xả tâm, đó là chánh pháp thiền định của Phật. Con nên nhớ kỹ mà tu cho đúng. Không trễ đâu, đừng mất hy vọng, hằng ngày cố nhớ xả tâm! Chỉ có bền chí là thành công, chấm dứt một đời người đau khổ không còn tái sanh luân hồi nữa.

            Xả tâm rất dễ con ạ! Chỉ ngồi chơi không làm gì hết, có niệm thì dùng câu tác ý mà xả; có thọ thì dùng định niệm hơi thở mà đẩy lui các cảm thọ. Như vậy ngày nào cũng tu tập như vậy thì tâm con sẽ thanh thản, an lạc và vô sự tức là tâm con không phóng dật.

146. Pháp Hướng Tâm

            Hỏi: Kính thưa Thầy! Pháp hướng tâm do tưởng thức hay do ý thức, hay do tâm thanh tịnh mà có lực mạnh như vậy?

            Như con vừa tác ý, sáu thức gom vào hơi thở là có một cái lực vô hình gom vào rất mạnh. Con tác ý nhĩ thức nghe vào trong, nghe sự yên lặng của tâm là ngay đó có một sức hút mạnh làm cho thân con rối loạn, các cơ ép cho tim mệt, chuyển động não đầu. Như vậy là do tưởng lực hay do cái gì mà nguy hiểm như thế, xin Thầy chỉ dạy cho con rõ để con dùng pháp hướng cho đúng cách, nếu không rõ mà tu pháp hướng thì rất là nguy hiểm cho tánh mạng.

            Đáp: Đến giờ này con mới rõ được lực của pháp hướng siêu việt như vậy, nhưng con nên lưu ý:

            1- Dùng ý thức tu tập pháp hướng tâm để xả tâm ly dục ly ác pháp thì không nguy hiểm cho người mới tu. Và người mới tu chỉ được dùng pháp hướng tâm ly dục ly ác pháp mà thôi, chứ không được dùng tịnh chỉ, vì dùng tịnh chỉ sẽ rơi vào các trạng thái tưởng thì rất nguy hiểm.

            2- Ức chế tâm như các con tu tập dừng vọng tưởng mà dùng pháp hướng thì đó là tưởng lực của pháp hướng, chứ không phải ý lực của pháp hướng. Tưởng lực này rất nguy hiểm cho người tu tập, nó sẽ làm rối loạn cơ thể, có khi bị bệnh rối loạn chức năng của cơ thể, có khi rối loạn chức năng thần kinh sanh ra điên khùng rất nguy hiểm, cần nên đề phòng cảnh giác. Người tu thiền định ức chế tâm như: Lục Diệu Pháp Môn, Sổ Tức Quan, Tùy tức, Chỉ tức, nhiếp tâm niệm Phật, Tri vọng, Tham công án, Tham thoại đầu v.v... không được dùng pháp hướng tâm

            3- Tâm thanh tịnh, tức là tâm hết tham, sân, si thì mới được dùng pháp hướng tâm nhập định. Vì lúc này tâm rất định tỉnh, nhu nhuyến dễ sử dụng. Cho nên lúc này dùng pháp hướng để tu tập Bốn Định Hữu Sắc và Ba Minh, vì lúc này tâm có đủ Tứ Như Ý Túc thì sự tu tập không còn khó khăn, mệt nhọc.

            Khi tâm chưa ly dục ly ác pháp mà sử dụng pháp hướng để gom tâm, để tịnh chỉ các hành trong thân là một sự việc rất nguy hiểm như trên Thầy đã nói.

            Khi tâm chưa ly dục ly ác pháp thì chỉ được quyền sử dụng pháp hướng tâm ly dục ly ác pháp mà thôi. Chừng nào tâm ly dục ly ác pháp xong thì mới được sử dụng pháp hướng tâm tịnh chỉ các hành trong thân thì mới không nguy hiểm.

            Người tu tà thiền, tà định dùng pháp hướng tâm là nguy hiểm tính mạng, tốt hơn hết là dùng pháp hướng xả dục và ác pháp. Dùng pháp hướng thư giãn thân tâm để trở về trạng thái bình thường, an lạc, vô sự và thanh thản thì tốt.

            Chỉ khi nào tâm thanh tịnh hoàn toàn, không còn tham, sân, si, mạn, nghi nữa, thì dùng pháp hướng tâm tịnh chỉ tầm tứ, gom tâm, tịnh chỉ tưởng thức, tịnh chỉ hơi thở và tịnh chỉ âm thanh, tịnh chỉ thọ v.v...

            Lưu ý: Khi tâm chưa hết tham, sân, si, mạn, nghi mà dùng pháp hướng tịnh chỉ là nguy hiểm cho tánh mạng, cần nên tránh. Pháp hướng tâm là một pháp rất mầu nhiệm, có một năng lực rất mạnh, như một sức hút của đá nam châm.

147. Đếm 1000 Hơi Thở

Hỏi: Kính thưa Thầy! Có một bạn đồng tu bảo con hôm nay chị đếm đến 1000 hơi thở mà không có vọng tưởng? Con bảo chị không nên đếm nhiều thế? Nếu sức tỉnh thức cao thì nên tu 5, 10, 15 phút, thì em nghĩ nó không mệt tâm. Con trả lời với chị bạn như vậy có được không thưa Thầy?

            Đáp: Được, con khuyên như vậy rất tốt. Đếm nhiều hơi thở đến 1000 hơi thở mà không vọng tưởng, đó là tu pháp sổ tức quán, pháp môn này thuộc loại ức chế tâm.

            Tu không xả tâm thì không có giải thoát được. Dù tu tập đến 4, 5 ngàn hơi thở không vọng tưởng nhưng không ích lợi gì cho cuộc sống thực tại. Ngồi tu thì không vọng tưởng nhưng xả ra thì tâm phóng dật tứ tung, chạy Đông, chạy Tây.

            Con khuyên đúng, nếu sức tỉnh thức cao thì tu 5, 10, 15 phút và hướng tâm xả ly dục và ác pháp (tham, sân, si) thì đó sẽ có giải thoát ngay liền. Một ngàn hơi thở không thất niệm mà không hướng tâm xả ly đoạn diệt tham, sân, si, mạn, nghi thì rất phí uổng sự tu tập.

            Con nên khuyên bạn con tu theo thiền của đạo Phật thì phải xả ly tâm tham, sân, si. Đừng ảnh hưởng thiền ức chế tâm của kinh sách phát triển và kinh sách thiền Đông Độ, tu hành suốt đời sẽ chẳng đi đến đâu. Đó là pháp môn tu hình tướng để lừa đảo người chứ chẳng có ai tu tới đâu cả. Tu tập pháp môn nào thì hãy nhìn kết quả của những người đã tu trước, nếu kết quả chẳng ra gì thì nên bỏ đi, đừng tu tập chẳng lợi ích gì.