95. VỀ KẾT QUẢ BẢN THÂN
Hỏi: Kính thưa Thầy! Nương theo sự chỉ dạy của Thầy, con đã y cứ vào đó mà thọ trì tu tập, càng ngày con càng nhận được sự thanh thản, an lạc rõ ràng hơn. Hiện nay trước một loạt các khó khăn và bất an xảy ra thường ngày con đã vững vàng, bình tĩnh hơn và đã vượt qua được. Nếu so với trước đây thì khó khăn lắm con mới làm chủ được. Tất cả những gì con làm là đều do ánh sáng trí tuệ của Phật, của Thầy chỉ dạy, con hiểu ra rằng chỉ có sống đúng đạo đức nhân bản bằng những giới luật hằng ngày thì ta mới có bản lĩnh và nghị lực để vượt qua được mọi sóng gió của cuộc đời. Tuy kết quả chưa được to lớn nhưng cũng là một sự khích lệ, động viên để con vững bước trên con đường mình đã chọn.
Kính thưa Thầy! Trong khi tu tập thực hành có nhiều lúc con phải kìm nén những giọt nước mắt trước sự tấn công của ác pháp, vì hiện tại con chưa đủ đạo lực để vượt qua. Nhưng qua những lần như vậy con lại cứng cáp hơn, mạnh mẽ hơn. Con luôn tự nhủ nếu mình chùn bước trước mọi ác pháp thì mình sẽ mãi mãi trôi lăn trong khổ đau vô tận. Những lần như vậy con lại nghĩ đến Thầy, đến cô Út với tất cả tấm lòng kính trọng vô biên trước mọi khó khăn, cực nhọc mà Thầy và cô đã trải qua. Do vậy, trong lúc học đạo làm người có những việc con chưa làm được, còn phạm phải những lỗi lầm không đáng có. Ví dụ, như vẫn còn hay cãi lại mẹ hay lời nói không được đẹp tai, dịu dàng lắm v.v... Mỗi lần như vậy con thật sự xấu hổ với bản thân. Hôm nay con viết những dòng này kính bạch lên Thầy những việc con chưa làm được mà tự nơi tâm con không thể nói hết được. Kính xin Thầy từ bi hoan hỷ tha thứ và chỉ dạy. (Câu hỏi của Liễu Thiện)
Đáp: Mặc dù con rất cố gắng khắc phục tâm mình, nhưng gặp những pháp cực ác thì không sao làm chủ được. Đó là nghiệp lực sân hận con đã huân tập nhiều đời, nhiều kiếp, nó đã thành khối. Vì thế muốn tu tập quét cho thật sạch khối nghiệp lực này thì phải kiên trì, bền chí tu tập với một ý chí sắt đá, hằng ngày phải thường nhắc câu pháp hướng: “Tâm như đất, tham, sân, si phải chấm dứt,” mỗi lần vấp ngã thì con hãy đứng lên tiếp tục tu tập nữa; mỗi lần vấp ngã là mỗi lần rút ra nhiều kinh nghiệm xả tâm; mỗi lần vấp ngã là mỗi lần giúp con tỉnh giác nhận được ác pháp ngay liền nơi con và thiện pháp nơi người; mỗi lần vấp ngã là mỗi lần pháp hướng tâm hiện ra như một người bạn lành tốt bụng nhắc con, khiến cho tâm con được an ổn ngay liền; mỗi lần vấp ngã là mỗi lần trí tuệ tri kiến giải thoát của con phát triển, nếu con biết cách triển khai. Nhờ đó mà tâm hồn con thanh thản, an lạc và vô sự.
Một người tu theo đạo Phật mà sợ gặp ác pháp, thường tránh né, tìm chỗ an ổn để tu tập thì khó mà xả tâm, thường bị ức chế tâm.
Mục đích của đạo Phật là tâm bất động trước các ác pháp. Muốn tâm bất động trước các ác pháp thì con nên nhớ hằng ngày phải trau dồi những pháp sau đây:
1- Pháp hướng tâm “Dẫn tâm vào đạo chứ đừng dẫn đạo vào tâm,” nghĩa là tu tập nhiều chứ đừng học nhiều, học nhiều không tu thì chẳng ích lợi gì, giống như cái tủ đựng kinh sách.
2- Triển khai trí tuệ tri kiến nhân quả “Đừng thấy mọi sự việc đúng, sai, phải, trái, mà hãy thấy nó thiện và ác.”
3- Đừng thấy lỗi người mà hãy thấy lỗi mình.
4- Hãy khởi tâm yêu thương những người đang sống trong ác pháp.
5- Hãy khởi tâm tha thứ những người đang sống trong ác pháp.
6- Chúng ta lớn hơn, cao thượng hơn mọi người là nhờ ở chỗ biết nhẫn nhục, tùy thuận và bằng lòng.
7- Chúng ta có được một tâm hồn thanh thản, an lạc và vô sự, đó là nhờ biết buông xả các ác pháp.
8- Chúng ta làm chủ được sanh, già, bịnh, chết và chấm dứt tái sanh luân hồi là nhờ biết ly dục ly bất thiện pháp, biết diệt ngã, xả tâm, biết buông xả các ác pháp, biết giữ tâm bất động trước ác pháp và các cảm thọ và luôn luôn lúc nào cũng biết giữ tâm thanh thản, an lạc và vô sự.
Một cuộc đời tu tập theo đạo Phật mà biết buông xả, tâm bất động trước các ác pháp thì không có một vật gì quý báu nhất trong đời này mà đem trao đổi được. Vì biết tâm thanh thản, an lạc và vô sự là một vật vô giá, không có vật quý báu nào trên thế gian này hơn được. Vì thế chúng ta hãy cố gắng tu tập, tu tập cho bằng được, vì nó rất lợi ích cho chúng ta và cho mọi người trên hành tinh này.
96. TRAI HAY LÀ CHAY?
Hỏi: Kính thưa Thầy! Trong một bài giảng về chánh tín và mê tín đăng trên nguyệt san Giác Ngộ. Hòa Thượng Thích Thanh Từ có giảng: “... Trong Miền Nam các nhà sư Nguyên Thủy chỉ có ăn trai chứ không ăn chay. Vì trong khi hành hạnh khất thực, ai cho gì ăn nấy kể cả thức ăn mặn.” Có phải vậy không thưa Thầy? (Câu hỏi của Liễu Thiện)
Đáp: Trai là một danh từ chữ Hán. Chay là một danh từ chữ Việt. Nghĩa của “trai” và “chay” thì đồng nghĩa, có nghĩa là không ăn thịt chúng sanh. Vì thế mới có “nguyệt trai,” “nhật trai.” Nguyệt trai là một tháng ăn chay (không ăn thịt chúng sanh), như: tháng giêng, tháng bảy và tháng mười.
Nhật trai là ngày ăn chay (không ăn thịt chúng sanh) như:
1- Nhị trai: Gồm có ngày rằm và ngày 30 âm lịch.
2- Lục trai: Gồm có ngày 8, 14, 15, 23, 29, 30 âm lịch.
3- Thập trai: Gồm có các ngày như: 1, 8, 14, 15, 18, 23, 24, 28, 29, 30 âm lịch.
Theo chữ nghĩa thì Bắc Tông Đại Thừa hiểu chữ trai là “ăn chay.” Nam Tông Tiểu Thừa hiểu chữ trai là “giới cấm,” cho nên mới có Thọ Bát Quan Trai, ngọ trai. Nhưng nói đến giới cấm thì không nói đến chay và mặn, mà chỉ nói đến thiện và ác. Vì vậy trong giới luật của Phật mới có “Giới thứ nhất dạy chẳng sát sanh,” nghĩa là cấm không cho giết hại chúng, không bảo, không xúi bảo người khác giết hại. Ở đây có nghĩa giới luật cấm các vị tỳ-kheo không được ăn thịt động vật, vì ăn thịt động vật tức là bảo người khác giết hại chúng sanh.
Cho nên chữ trai bên Nam Tông Tiểu Thừa cũng có nghĩa là ăn chay, nhưng các sư biến chữ trai thành nghĩa khác như HT Thích Thanh Từ giảng như vậy là để tùy thuận với các sư Nam Tông nuốt trôi những miếng thịt động vật.
97. ỨC CHẾ TÂM
Hỏi: Kính thưa Thầy! Theo sự hiểu biết của con thì ức chế vọng tưởng là do những niệm khởi lên mà ta không tỉnh thức quán xét xem là thiện hay ác pháp để xả bỏ. Vội vàng đoạn diệt không cần truy xét nó thuộc về lậu hoặc nào. Vả lại, ức chế tâm còn do sự ham muốn dục lạc, khi dục lạc ham muốn khởi lên ta cũng không quán xét lợi hay hại để xả bỏ mà chỉ có nhẫn chịu, vì thế, nếu có dịp nó sẽ bung ra. Có phải vậy không thưa Thầy?
Đáp: Đúng vậy, sự ức chế tâm có hai cách:
1- Chịu đựng mọi sự giận hờn, căm tức, phiền não, sợ hãi, lo rầu, v.v... mà không bao giờ nói ra cho một ai biết. Sự chịu đựng này gọi là kham nhẫn. Ví dụ: Trong gia đình có người chồng độc tài luôn luôn bắt vợ con phải tuân theo lệnh của mình, sai bảo đâu làm đó, không được làm trái. Những người bị bắt buộc như vậy gọi là chịu đựng, những người chịu đựng là những người ức chế tâm. Sức chịu đựng sẽ đến một mức độ nào đó thì không còn chịu đựng được nổi. Khi không còn chịu đựng nổi thì thần kinh hưng phấn, thần kinh hưng phấn thì người ấy bị rối loạn thần kinh, bị điên khùng, bị tẩu hỏa nhập ma, v.v...
Suốt thời gian chịu đựng thì người ấy là người khổ đau tận cùng của cuộc đời mình.
2- Người dùng một đối tượng, một pháp môn để ức chế tâm để không khởi niệm vọng tưởng, đó là loại ức chế có pháp môn, có phương cách. Loại ức chế tâm này có đường lối, có phương pháp để dẫn tâm vào thế giới tưởng như: Thiền xuất hồn, Thiền Yoga, Thiền Đại Thừa, Thiền Đông Độ, Thiền Lục Diệu Pháp Môn, Mật Tông, Tịnh Độ Tông, v.v...
Cho nên các pháp môn này đều xây dựng cho mình một thế giới siêu hình mơ hồ, trừu tượng, ảo giác, khiến cho con người phải mê mệt với nó, nhưng không ích lợi thiết thực cho đời sống. Chỉ riêng có thiền của Phật giáo Nguyên Thủy thì xả tâm “ly tham đoạn ác pháp.” Do đó người tu hành sẽ không bị ức chế tâm và đạt được kết quả giải thoát làm chủ sanh, già, bịnh, chết, chấm dứt tái sanh luân hồi.
98. DUYÊN NHÂN QUẢ
Hỏi: Kính thưa Thầy, vợ chồng lấy nhau, người ta bảo rằng đều có số định cả, có nghĩa là người này phải lấy người mà có số định với mình, không được lấy người nào khác. Có phải vậy không thưa Thầy?
Đáp: Không phải số định mà cũng không phải số mệnh mà là duyên nhân quả nợ vay trong thuận cảnh, cũng như trong nghịch cảnh.
Ví dụ: Kiếp trước chúng ta đối xử với những người làm công cho mình quá khắc nghiệt, đánh đập, chửi mắng, trả tiền công ít, v.v... Kiếp này họ làm vợ hoặc chồng hoặc con cái trong nhà, họ phá tán của cải tài sản và còn chửi mắng đánh đập, khiến cho gia đình đau khổ bất an. Cho nên kiếp trước gieo nhân nào thì kiếp này phải trả quả nấy.
Tình nghĩa vợ chồng con cái đều do nhân quả, chứ không phải do số mệnh duyên nợ tiền định. Vì không có tiền định. Tiền định là cái vật gì? Ông gì? Ông Ngọc Hoàng Thượng Đế ư?
Vì không hiểu môi trường sống nên người ta đặt ra những câu hỏi để có hỏi mà không có trả lời: “Con người từ đâu sanh ra? Chết đi về đâu?”
Do không hiểu, người ta dùng tưởng tri, tạo ra một Đấng Vạn Năng, một ông Ngọc Hoàng, một ông Trời, một ông Tạo Hóa sanh ra vạn vật trên hành tinh này.
Lại có thuyết cho rằng từ trong Đại Ngã vạn vật sanh ra và mỗi vật được sanh ra là Tiểu Ngã. Những thuyết này mơ hồ và trừu tượng không thể trả lời hai câu hỏi trên. Và vì vậy, hai câu hỏi trên vẫn còn đóng kín cửa.
Duyên tiền định giữa đôi vợ chồng cũng là sự tương tri của con người đặt ra chứ không có số định, số mệnh.
Theo đạo Phật con người từ nhân quả sanh ra, chết trở về nhân quả, chứ không từ đâu đến và chết cũng không đi về đâu.
Còn duyên vợ chồng, con cái đều là do vay nợ của nhân quả theo định luật của nhân quả “Vay thì phải trả.”
Vậy, chồng vợ có số mệnh là không đúng, mà có nợ nhân quả ác hay thiện với nhau là đúng.
Nhìn cuộc sống của họ chúng ta có thể biết chắc chồng nợ vợ hay vợ nợ chồng một cách cụ thể và rõ ràng. Vì thế, trong cuộc đời này vợ chồng thường làm khổ cho nhau nhiều hơn là đem lại hạnh phúc an vui cho nhau. Họ sống với nhau phần đông là chịu đựng.
99. NHÂN QUẢ BẬC TU CHỨNG
Hỏi: Kính thưa Thầy, bậc tu hành đã chứng đạo làm chủ sanh tử, chấm dứt luân hồi còn có bị tai nạn và bệnh tật xảy ra hay không? Xin Thầy chỉ dạy cho chúng con rõ.
Đáp: Như các con đã biết con người từ nhân quả sanh ra, sống trong nhân quả, chết trở về nhân quả.
Bậc tu hành sanh ra cũng như mọi người, từ nhân quả sanh ra và cũng đang sống như mọi người, ăn uống, ngủ nghỉ, nói nín, sinh hoạt, hoạt động đều đang sống trong nhân quả và chết cũng như mọi người già cả, yếu đuối, bệnh tật và tử vong, nhưng không trở về nhân quả.
Có lẽ các bạn đã hiểu rằng: Một người tu chứng, làm chủ sanh tử luân hồi không bao giờ có tai nạn, bệnh tật, già, chết đến với họ. Hiểu như vậy, tức là hiểu sai, hiểu không đúng.
Bậc tu hành đắc đạo, trước khi chưa tu hành, chưa đắc đạo thì các bậc ấy vẫn sanh ra như mọi người khác, vẫn mang thân nhân quả. Như các bạn đã biết thân nhân quả là thân vô thường có vui, có buồn, có tai nạn, có bệnh tật, có sân hận, có si mê, có ganh tỵ, có tỵ hiềm, có nghi ngờ, có tật đố, có san tham và có già chết cũng như mọi người khác. Nhưng bậc tu hành dù đã chứng đạo vẫn phải còn mang thân xác nhân quả đó thì mọi sự kiện vô thường của thân nhân quả không thể tha thứ cho bất cứ một ai còn mang thân xác đó, dù đó là Đức Phật vẫn bị thân nhân quả vô thường chi phối theo luật nhân quả. Vì thế mới bảo rằng luật nhân quả rất công bằng và công lý không nể mặt một ai.
Nên khi sắp sửa nhập Niết Bàn, Đức Phật cũng bị đau, Ngài bảo ông A Nan: “Ta đau lưng quá, hãy trải chỗ cho ta nằm.” Nói như vậy, các bạn sẽ hỏi đã nói tu hành chứng đạo, làm chủ sanh, già, bệnh, chết, cớ sao lại bảo còn có phiền não, già, bệnh, chết và có tại nạn?
Thưa các bạn, ở đây chúng tôi nói bậc tu hành chứng đạo làm chủ sanh, già, bệnh, chết, nghĩa là thân nhân quả vô thường là thân sanh, già, bệnh, chết thì người tu hành chỉ làm chủ sanh, già, bệnh, chết, chứ không phải làm chủ cái thân giả tạo vô thường duyên hợp. Cái thân giả tạo vô thường duyên hợp, nó là một vật không có thật, nên sự sanh, già, bệnh, chết của nó là phải đến với nó nhưng nó không tác động vào người tu chứng được. Vì thế sanh, già, bệnh, chết không còn làm tâm họ dao động. Đó là giai đoạn làm chủ thứ nhất của người tu chứng. Chỗ làm chủ thứ hai: nghĩa là khi có sanh, già, bệnh, chết đến thì người tu chứng sẽ làm chủ cái đó, bằng cách dùng đạo lực đẩy lui để lúc nào thân tâm cũng thanh thản và an lạc, không có khổ não.
Ví dụ: Làm chủ sanh khi cuộc sống chúng ta có xảy tai nạn, tranh tụng, ham muốn, thèm khát, sợ hãi, lo toan v.v... Người tu chứng sẽ dùng trí tuệ nhân quả quán xét thì ngay đó tâm sẽ được an ổn không còn buồn lo, sợ hãi, sân hận v.v... Còn khởi tâm ham muốn cái này, cái khác thì ta dùng trí tuệ Tứ Niệm Xứ quán xét các pháp vô thường, khổ, không, vô ngã thì tâm ham muốn (tham dục) dừng liền. Đó là cách làm chủ sanh thứ hai.
Làm chủ già, thân hành, khẩu hành, ý hành, tịnh chỉ, tức là tịnh chỉ tầm tứ. Một người tu chứng tới tuổi già tám mươi vẫn quắc thước, đi đứng vững vàng, không run rẩy, không lụm cụm, trí tuệ sáng suốt không lẫn lộn v.v... đó là làm chủ già.
Làm chủ bệnh khi thân có bệnh đau nhức khổ sở chúng ta muốn làm chủ bệnh thọ này thì phải ly hỷ trú xả nhập Tam Thiền, từ nơi trạng thái Tam Thiền theo pháp như lý tác ý xả thọ khổ. Kinh dạy ly hỷ trú xả, tức là sau khi trú được xả, trú được xả tức là nhập Tam Thiền. Khi đã nhập Tam Thiền xong liền xả lạc xả khổ, xả lạc xả khổ, tức là xả thọ, xả thọ tức là xả sự đau khổ của thân. Ở đây các bạn nên nhớ, phần nhiều bệnh đau của con người đều do tưởng sanh ra bệnh, vì thế khi nhập Tam Thiền đã ly tưởng, do ly tưởng mà tâm không dao động trước các cảm thọ, nên xả cảm thọ rất dễ. Đó là làm chủ bệnh bằng thiền định. Còn làm chủ bệnh bằng pháp môn Định Niệm Hơi Thở: khi thân có bệnh liền nhiếp tâm an trú vào hơi thở rồi dùng pháp như lý tác ý: “Thọ là vô thường, bệnh gì (nói tên ra) ra khỏi thân ta. An tịnh thân hành tôi biết tôi hít vô, an tịnh thân hành tôi biết tôi thở ra” khi tác ý xong liền hít thở năm hơi thở rồi lại tác ý lại câu trên. Cứ tu tập như vậy cho đến khi hết bệnh. Đó là phướng pháp làm chủ bệnh. Còn một phương pháp làm chủ bệnh nữa, đó là Tứ Thần Túc, chỉ cần hướng tâm về thân không bệnh là bệnh hết ngay. Làm chủ chết khi thân suy yếu sắp chết ta tịnh chỉ hơi thở nhập Tứ Thiền hướng tâm xả bỏ thân tứ đại nhân quả một cách dễ dàng, không có mệt nhọc, không có đau khổ, không có ngộp thở, chết một cách yên nhàn và thanh thản.
Làm chủ sanh, già, bệnh, chết có hai phần:
1- Phần thứ nhất: Làm chủ tâm bất động trước cảnh sanh, già, bệnh, chết.
2- Phần thứ hai: Làm chủ những trạng thái sanh, già, bệnh, chết của thân xảy đến, tức là trực tiếp tịnh chỉ các trạng thái đau khổ của sanh, già, bệnh, chết chứ không phải ngăn chặn không cho sanh, già, bệnh, chết hoặc ngăn chặn tai nạn đến với thân này. Vì thân này là thân nhân quả nên phải vay trả những điều thiện ác trước kia mà ta đã tạo ra thì không thể ngăn chặn được.
Ngăn chặn tức là dừng nhân quả. Đạo Phật dạy làm chủ nhân quả, vượt qua nhân quả, chuyển nhân quả, chứ không dạy ngăn chặn và dừng nhân quả. Vì từ nhân quả con người sanh ra thì chỉ có làm chủ tâm không tạo nhân quả ác nữa thì nhân quả sẽ chấm dứt, như Phật đã dạy trong pháp Tứ Chánh Cần: “ngăn ác diệt ác, sanh khởi thiện, tăng trưởng thiện.” Đó là pháp tu tập làm chủ nhân quả, chuyển nhân quả hay là pháp môn tu tập nhập định để làm chủ sanh tử, luân hồi.
Tóm lại, muốn làm chủ nhân quả, chấm dứt luân hồi là phải tu tập điều khiển khẩu hành, thân hành và ý hành luôn luôn thực hiện nhân thiện để tạo quả lành, hoàn toàn phải ngăn và diệt trừ nhân ác. Đó là giai đoạn tu tập thứ nhất mà người đệ tử của Phật cần phải tinh cần siêng năng tu tập, không được biếng trễ (Sơ Thiền). Muốn làm chủ điều khiển nghiệp quả của thân (lão, bệnh, tử) thì phải tu tập nhập Nhị Thiền, Tam Thiền, Tứ Thiền. Đó là giai đoạn thứ hai mà người đệ tử của Phật cần phải tinh cần tinh tấn siêng năng tu tập không được biếng trễ.
Muốn điều khiển làm chủ sự tái sanh luân hồi thì phải tu tập Tứ Niệm Xứ để có Tứ Thần Túc. Đó là giai đoạn thứ ba, người đệ tử của Phật cần phải tinh cần tinh tấn, siêng năng tu tập không được biếng trễ. Quý phật tử đừng hiểu lầm làm chủ nhân quả là dừng nhân quả. Hay nói cách khác, làm chủ nhân quả có nghĩa là làm cho thân tâm thanh thản, an lạc trước thọ lạc, thọ khổ, thọ bất lạc bất khổ chứ không như “Bất muội nhân quả” của các nhà Đại Thừa và Thiền Đông Độ.
Tóm lại, làm chủ nhân quả tức là làm chủ thân tâm của mình trước các pháp ác, bất thiện pháp, khiến cho thân tâm bất động và tự tại.