Hiểu Biết Thêm Chung. Kì 27 (89-90).

89. TRÍ TUỆ THẾ GIAN CÓ PHẢI
LÀ TRI KIẾN GIẢI THOÁT HAY KHÔNG?

          Hỏi: Kính bạch Thầy, sự suy tư trong việc làm để làm việc không thất bại, đó có phải là trí tuệ hay không? Trí tuệ đó có bằng tri kiến giải thoát trong đạo Phật không? Xin Thầy chỉ dạy cho chúng con được rõ.

          Đáp: Sự suy tư trong hành động để làm việc không gặp thất bại, đó là tri kiến thế gian, nó thường mang theo những hành động thiện và ác nên khi biến ra hành động việc làm thường mang theo quả khổ vui của tri kiến đó. Nó không phải là tri kiến giải thoát của đạo Phật, nó là tri kiến dính mắc khổ đau.

Còn tri kiến dùng để quán xét xả tâm diệt ngã, ly dục ly ác pháp, đó là tri kiến dùng để tu tập Định Vô Lậu trong từng tâm niệm, từng hành động việc làm để xả tâm tham ưu, phiền não. Do sự quán xét tư duy này nên tâm được giải thoát an vui, thanh thản và vô sự. Đó là tri kiến giải thoát.

          Tu tập trong tâm niệm và việc làm tức là tu tập Thân Hành Niệm, đó là một pháp môn đệ nhất của đạo Phật về việc chánh niệm tỉnh thức, nhưng đây là giai đoạn đầu của pháp Thân Hành Niệm.

          Tu tập Định Vô Lậu giúp chúng ta sống trong chánh niệm diệt trừ tà niệm.

          Tu tập Định Chánh Niệm Tỉnh Giác là giúp chúng ta tỉnh thức phá trừ si mê hôn ám và thường sống trong thiện pháp. Để xác định một lần nữa về trí tuệ thế gian và trí tuệ giải thoát. Trí tuệ là sự hiểu biết và tư duy đều giống nhau cả. Nhưng sự tư duy suy nghĩ một điều gì mà do lòng ham muốn và nghiệp tham, sân, si thúc đẩy thì đó gọi là trí tuệ thế gian; còn sự tư duy, suy nghĩ đó mà đi ngược lại với lòng ham muốn và nghiệp tham, sân, si thì đó là trí tuệ giải thoát, còn gọi là tri kiến giải thoát.

          Do sự phân tích và xác định này thì tri kiến giải thoát không phải ngoài trí tuệ thế gian mà có, không phải do tu tập thiền định mà sanh ra theo kiểu Thiền Đông Độ đã nghĩ tưởng. Ngồi yên lặng không niệm thiện niệm ác, tức là không có vọng tưởng thì trí tuệ phát sanh. Trí tuệ đó không phải là trí tuệ giải thoát mà là tưởng tuệ.

          Có một câu chuyện xảy ra trong thế kỷ này, người ta ca ngợi về Thiền Đông Độ một cách huyền thoại:

          “Họ nói rằng trong thời chiến tranh Việt Nam có một vị Đại sứ Mỹ C.B.L. khi được Tổng thống Mỹ đưa sang Việt Nam để giải quyết vấn đề Phật giáo năm 1962-1963, thì ông phải đi sang Nhật Bổn học thiền một khoá rồi mới đến Việt Nam giải quyết. Người ta bảo rằng mỗi khi có gặp một vấn đề khó khăn không giải quyết được thì ông tọa thiền khoảng 30 phút là trí tuệ ông phát ra và hôm sau ông giải quyết sự việc một cách tốt đẹp, đó cũng là một trò lừa bịp.”

          Khi nghe trong Kinh điển Đức Phật dạy: “Giới sanh định, định sanh tuệ.” Do định sanh tuệ nên người ta lại tưởng ra và hiểu một cách sai lệnh về định, cho rằng: ngồi thiền giữ tâm không vọng tưởng là định và khi ngồi im lặng được không vọng niệm xen vào thì trí tuệ phát sanh, trí tuệ này do định sanh rất thông minh. Người ta chưa biết định là gì nên đã hiểu lầm chữ định sanh tuệ trong nhà Phật.

          Chữ định trong nhà Phật là chỉ cho tâm ly dục ly ác pháp, nếu tâm chưa ly dục ly ác pháp thì tri kiến đó là tri kiến thế gian, còn tâm đã ly dục ly ác thì tri kiến ly dục ly ác pháp đó là tri kiến giải thoát. Tri kiến giải thoát tức là định, tức là tâm ly dục ly ác pháp. Tâm ly dục ly ác pháp là tâm thanh tịnh, tâm thanh tịnh tức là tâm bất động, tâm bất động tức là định, định tức là tri kiến giải thoát. Như vậy, Đức Phật gọi định sanh tuệ, chứ không phải ngồi như con cóc không niệm thiện niệm ác rồi mới phát sanh trí tuệ. Đó là một sự hiểu sai lệch, hiểu theo tưởng tri của các nhà học giả xưa và nay.

          Hằng ngày, con tu tập diệt ngã xả tâm, ngăn ác diệt ác pháp, sanh thiện tăng trưởng thiện pháp là con đã tu tập tri kiến giải thoát. Nhờ tu tập trí tuệ tri kiến giải thoát này tâm con nhuần nhuyễn, bén nhạy, phản ứng tự nhiên, khi gặp các ác pháp khiến tâm con thanh thản và an lạc thì đó gọi là tri kiến giải thoát. Cho nên, một sự tư duy suy nghĩ nào mà khiến cho tâm ly dục ly ác pháp là trí tuệ tri kiến giải thoát của con chứ không phải ngồi thiền mà phóng ra trí tuệ đó được.

          Muốn có trí tuệ tri kiến giải thoát thì ngày nào con cũng tu tập quán xét, suy tư để đẩy lùi các chướng ngại pháp trong thân tâm đó là con tu tập rèn luyện trí tuệ tri kiến giải thoát, nó lớn mạnh dần theo sự tu tập của con là con đã khắc phục được tâm tham ưu khổ não của mình, tức là con khắc phục được sanh tử luân hồi.

          Những việc tu tập này Đức Phật gọi là thiền định: “Này các thầy tỳ-kheo, đối với các pháp ác bất thiện chưa sanh, khởi lên ý muốn không cho sanh khởi, tinh cần, tinh tấn, quyết tâm, cố gắng,… Đối với các pháp ác, bất thiện đã sanh, khởi lên ý muốn đoạn tận, tinh cần, tinh tấn, quyết tâm, cố gắng,… Đối với các pháp thiện chưa sanh, khởi lên ý muốn làm cho sanh khởi, tinh cần, tinh tấn, quyết tâm, cố gắng,… Đối với pháp thiện đã sanh, khởi lên ý muốn làm cho an trú, không cho vong thất, làm cho tăng trưởng, làm cho quảng đại, tu tập, làm cho viên mãn, tinh cần, tinh tấn, quyết tâm, cố gắng,…”

          Trên đây là một bài Kinh trong 37 phẩm trợ đạo mà Đức Phật đã dạy chúng ta tu thiền định thuộc Tăng Chi Bộ Kinh Tập 1, trang 82, bài 14-17, tựa là Thiền Định.

          Tóm lại, từ định sanh ra trí tuệ tri kiến giải thoát thì phải ở trong thân hành niệm mà tu tập. Nhờ có tu tập pháp Thân Hành Niệm thì mới đủ năng lực đẩy lùi các ác pháp và nội lực tham dục, sân dục và si dục. Những dục tham, sân, si này rất mạnh, nếu một người tu hành mà không hành pháp Thân Hành Niệm thì chẳng bao giờ có nội lực để đương đầu với nội lực ác pháp tham, sân, si, chúng có một sức mạnh kinh khủng là vì chúng ta đã tập tham, sân, si nhiều đời nhiều kiếp chứ không phải có một đời này.

          Thân Hành Niệm là một tên pháp môn chỉ gồm chung nhiều pháp môn tu tập, rèn luyện về trí tuệ tri kiến giải thoát về nội lực bảy Giác Chi, về lệnh Tứ Như Ý Túc.

Do sự suy tư tu tập này chúng ta suy ra mới thấy rõ đường lối tu tập của đạo Phật là chuyển từ tri kiến thế gian để trở thành tri kiến giải thoát. Từ tri kiến giải thoát chuyển thành tâm ly dục ly ác pháp, từ tâm ly dục ly ác pháp chuyển thành tuệ Tam Minh chứ không phải từ sự yên lặng nào mà sanh ra được.

          Đạo Phật là đạo trí tuệ, là đạo chuyển hóa tâm phàm phu trở thành tâm Thánh. Vậy các con có muốn mình có trí tuệ tri kiến giải thoát hay không?

          Muốn được như vậy không phải dễ đâu! Phải bằng nước mắt, xương và máu của chúng ta, có nghĩa là chúng ta phải chết đi một lần và sống lại. Nếu không có sự quyết tử ấy thì cuộc đời tu hành của chúng ta hoài công vô ích mà thôi. Bởi, tâm Thánh không thể dành cho những kẻ còn ham sống sợ chết, đàng nào rồi các con cũng phải chết, nhưng chết trong đau khổ và mãi mãi khổ đau. Ngược lại, người sống mà như đã chết, thì sẽ sống mãi, sống mãi muôn đời và không còn khổ đau nữa.

90. NĂNG KHIẾU

          Hỏi: Kính thưa Thầy, qua gương hạnh đáng kính của cô Út Diệu Quang, theo con nhận xét sự tu tập rèn luyện thân tâm không phải tầm thường. Một người tu đạt kết quả như vậy, họ có sẵn một cái tài hay một năng khiếu, một trí thông minh... nên con đường tu mau kết quả, có phải vậy không thưa Thầy?

          Đáp: Sự tu tập nào có được nhanh chóng đều phải nhờ nhiều đời huân tu chớ không phải có sẵn tài trí và năng khiếu. Tài trí và năng khiếu là do sự huân tập nhiều đời mà có. Nếu đời này con không trau dồi, tu tập rèn luyện tài trí và năng khiếu thì đời sau con cũng chẳng có.

          Tu tập và xả tâm càng gặp khó khăn, đừng nên chán nản, mà phải quyết tâm khắc phục cho được, xả bỏ cho được, quyết thực hiện cho bằng được thì người đó sẽ trong một đời này thành tựu viên mãn, chỉ có “quyết tâm” là làm nên việc lớn, Đời cũng như Đạo. Trí thông minh và năng khiếu không phải người có, người không, mà tất cả mọi người ai cũng có, nhưng chỉ vì chúng ta không huân tập nên không có mà thôi.

          Ví dụ: trong một lớp học có 60 học sinh, nhưng học sinh giỏi thì có năm ba đứa, chúng học rất nhanh và mau thuộc bài, môn học nào chúng cũng xuất sắc. Thật sự số học sinh này rất ít, nghĩa là học sinh giỏi tất cả các bộ môn. Còn số học sinh giỏi từng môn thì nhiều, kẻ giỏi toán, người giỏi văn, người giỏi sinh ngữ v.v... Đó là vì chúng ta đã có học tập trong đời trước nên đời này chúng ta học lại môn đó, tức là ôn lại nên học rất nhanh, làm bài rất giỏi. Còn những người đời trước không học, đời nay mới học nên học lâu thuộc bài, nhiều khi học mãi mà không thuộc.

          Lịch sử Việt Nam có nhắc lại ông Lê Quý Đôn, khi ông bố sai mua một cuốn lịch xem ngày, ông đem tiền ra mua giấy và đến cửa hàng bán lịch ông xin cho mượn xem. Xem xong ông trả lại cho hàng sách, về nhà ông chép lại cho bố một cuốn lịch mà không sai một chữ nào.

          Bên Trung Hoa đời Tam Quốc, bên Tây Thục sai một người đi sứ qua Bắc Ngụy, tức là Tào Tháo. Tào Tháo viết một cuốn sách lấy tên là Tào Mạnh Đức Kinh đem khoe với vị sứ giả. Vị sứ giả bảo bên nước tôi trẻ con đều thuộc làu kinh sách này. Tào Tháo không tin mới bảo Ông hãy đọc cho Tào Tháo nghe một đoạn, Ông bảo Tào Tháo xin Ngài đưa cho tôi xem có đúng không? Rồi tôi sẽ đọc cho Ngài nghe. Tào Tháo đưa cho Ông đọc, Ông đọc xong trả lại cho Tào Tháo, Ông cả cười nói: “Tôi nói đâu có sai, đúng là trẻ con của nước tôi từng đã đọc sách này.” Ông bắt đầu đọc cho Tào Tháo nghe không sai xót một chữ nào. Tào Tháo tán thán và không bắt tội Ông được.

          Trí thông minh như vậy quá tuyệt vời, đọc qua là thuộc làu, thế mà trí thông minh đó dùng vào việc gì, chỉ đi ra làm quan mà không giải quyết sự khổ đau của dân tộc. Trong thời làm quan, các vị này cũng chẳng làm được những gì lợi ích cho dân cho nước nhiều, mà chính sự thông minh đó cũng chẳng giải quyết được gì cho đời sống của các Ông cả, các Ông ấy cũng chỉ khổ đau vì danh, vì lợi như bao nhiêu người khác.

          Làm được như Thầy (tức là làm chủ tham, sân, si) không để tâm mình phiền não, khổ đau, giận hờn, thương ghét, ấy là tài năng và trí tuệ. Thông minh cũng như năng khiếu đó mới chính là tài năng, trí tuệ, thông minh của đạo Phật. Còn ngược lại tài năng, trí tuệ, thông minh và năng khiếu mà tự làm khổ mình, khổ người. Đó là tài năng trí tuệ của phàm phu, của người thường trong thế gian.

          Bởi vậy, người có tài năng, trí tuệ, thông minh của đạo Phật là sống thanh thản, an lạc không làm khổ mình, khổ người (chỉ có những bậc Thánh A-la-hán mà thôi). Người có được trí tuệ như vậy không phải từ trên trời rơi xuống mà do công huân tu, tu tập của chúng ta nhiều ngày và nhiều đời, cũng như bây giờ con thấy cô Út Diệu Quang có được tri kiến như vậy cũng chính là đời trước cũng phải huân tu rất nhiều. Huân tu mà còn phải có ước nguyện, khi mình cố gắng xả tâm được thì mình làm nghịch hạnh để vừa xả tâm mình, vừa hướng dẫn mọi người đồng được giải thoát khỏi kiếp đời trầm luân khổ đau.

          Như các con đã biết cô Diệu Quang chẳng học Kinh sách Phật, chẳng chịu ảnh hưởng của một tôn giáo nào, Cô chỉ có công giúp Thầy tu trong thất bằng cách làm kinh tế, mua gạo và thực phẩm để mẹ Thầy nấu cơm cúng dường Thầy ăn và tu hành. Mục đích của Thầy tu là tìm sự giải thoát, khi nào giải thoát được thì mới dạy người tu, còn đang tu thì nhất định không dạy ai hết, cho nên cô Diệu Quang chỉ biết trợ giúp cho Thầy tu chứ không có tu hành gì cả.

          Đến khi Thầy tu xong về trình sự tu hành của mình cho Hòa Thượng Thanh Từ thì cũng năm đó phật tử tìm về kiếm Thầy hỏi pháp, do Hòa Thượng Thanh Từ báo cho phật tử biết chính là Thầy đã tu chứng quả “A-la-hán.” Vị cư sĩ tìm về đây đầu tiên là Ông Chánh Giải ở Châu Đốc. Khi gặp Thầy ông xin Thầy cho phép đảnh lễ vì Hòa Thượng đã cho Ông biết Thầy đã chứng quả A-la-hán.

          Từ đó, cô Út Diệu Quang trở thành một người phục vụ cho tu sĩ cũng như phật tử thì còn đâu có thì giờ mà tu tập. Lúc nào rảnh rỗi hoặc nửa đêm Cô mới có thì giờ ngồi tập dừng cái ý, thời gian ấy không lâu chỉ độ 30 phút là cao.

          Hoàn cảnh tu sĩ và phật tử là một trở ngại rất lớn cho sự sống yên tĩnh tu hành của cô. Cô bị mọi người khen thì ít mà chê thì nhiều, nhất là tâm phàm phu của thiên hạ. Nhất là dựa theo tâm lý phàm phu của thế tục mà suy diễn về cô Diệu Quang thì những sự suy nghĩ đó sẽ đem lại ác pháp cho người, chứ cô Diệu Quang như thế nào thì cô tự biết, đó là nhân quả của Cô, chứ Thầy không ý kiến gì hết. Thầy chỉ thấy đó là duyên phước chúng sanh chưa đủ phước, và là luật nhân quả đời trước. Từ những sự việc đó xảy ra, tự Cô phải đương đầu với nội tâm của mình, tâm như biển sóng dồn dập, Cô như chiếc thuyền nan trên mặt biển. Cô vừa chiến đấu với nội tâm để xả những u hoài khổ đau của mình vừa phản công những đối tượng bên ngoài (phật tử và tu sĩ).

          Phiền não tức Bồ Đề, nhờ các đối tượng ấy Cô đã tìm ra phương pháp xả tâm để cứu mình thoát khổ. Đối với những người đã làm Cô khổ, nhưng có điều là Cô không oán hận những người đó, Cô xem đó như bình thường không có gì cả, và khi những người đó hữu sự, có tai nạn thì Cô sẵn sàng khuyên lơn và giúp đỡ. Cô nói nặng nhẹ người khác bởi vì Cô đang còn trên đường tu tập xả tâm, nhưng lòng yêu thương đối với con người không xa lìa, lúc nào cũng thương yêu mọi người, sẵn sàng giúp đỡ, nhưng sẵn sàng nói nặng, vì hạt giống tham, sân, si vẫn còn, để người ấy xả tâm thật sự hay không. Nếu xả tâm thật sự, thì người ấy sẽ chiến thắng được mình. Vả lại, Cô cũng đang còn trên đường tu tập xả tâm, vẫn còn tham, sân, si, mạn, nghi nên các con hãy lấy Cô làm đối tượng nghịch cảnh để buông xả tâm mình, đừng oán giận Cô.

          Khi Cô cố gắng để xả được tâm mình không còn khổ đau, thù hận, xem mọi việc như không, nghĩa là mọi việc không làm Cô bận tâm. Cũng từ đó, tri kiến của Cô phát triển như các con hiện giờ đã thấy. Cô đối đáp giải quyết theo bản năng tự nhiên của đời trước đã huân tu, chứ không phải trong đời nay và trong kinh sách.

          Các con đừng hiểu rằng đời trước là một đời kế đây, đời trước ở đây là một đời mà nhiều đời và cũng có thể đồng thời với Đức Phật. Cô là người đã học và tu trong những thời đó. Kiếp này Cô được làm người, nó đã sống lại trong quá khứ xa xưa kia. Vì thế, các con nên nhớ những gì mà các con tu đúng pháp, dù muôn đời nó vẫn không mất, nó sẽ làm sống lại nơi tâm hồn của các con mà các con sẽ gọi nó là tài năng, năng khiếu hay là trí thông minh. Nhưng nếu các con tu sai, nó vẫn sống lại và đưa các con vào biển khổ bằng ảo tưởng như đồng cốt, những người này họ đâu có tu hành trong đời này, nhưng đời trước họ đã tu theo tà đạo, đời này năng khiếu đó nó sống lại, cho nên họ trở thành là những loại đồng cốt, ông lên, bà xuống, bóng chàng v.v...

          Những người ở đời này tu Thiền Đông Độ, Thiền xuất hồn, Thiền Yoga và tất cả các loại Thiền tưởng, kiếp sau họ trở thành những thầy cúng, phù thủy, đồng, cốt, thầy bói, thầy bùa, thầy ngải v.v... Nói chung kiếp này tu sai chánh pháp, kiếp sau làm những điều mê tín, tiếp tục lừa đảo người khác, đó là năng khiếu tà giáo ngoại đạo.

Khi chúng ta huân tu thì nó không bao giờ mất, nó sẽ sống lại trong khi chúng ta sanh lên làm người. Còn chúng ta tu đúng theo chánh pháp của Phật thì luôn luôn lúc nào cũng xả tâm ly dục ly ác pháp. Tuy rằng cuộc sống có nhiều sóng gió ba đào, nhưng chúng ta không bị lạc vào hoang đảo, cũng vì nhờ đức hạnh và giới luật, nó là ngọn hải đăng đưa tàu vào bến an toàn.

          Cuộc đời tu hành của Thầy cũng vậy, khi mất cả hy vọng trên đường tu tập, chới với giữa biển pháp của Đại Thừa, bước đường cùng chỉ còn chết mà thôi. Trong khi mất hết cả niềm hy vọng thì năng khiếu trỗi dậy để cứu mình, nên trong tiềm thức của Thầy nhớ đến lời của Hòa Thượng Minh Châu. Trong khi sắp chết đuối, một chiếc phao đã hiện ra và đã cứu Thầy.

     Thầy đã tìm được lối thoát mà xưa kia Thầy đã từng tu học giáo pháp này, nên đọc tới đâu Thầy nhận ra pháp hành tới đó và thực hành có kết quả ngay liền, nghĩa là Thầy tu lại theo lời dạy của Đức Phật đã dạy trong Kinh Nguyên Thủy pháp “Như Lý Tác Ý” mà hơn nửa đời người theo đạo Phật tu hành chẳng có một vị Thầy nào dạy tu tập điểm này. Với pháp môn này, Thầy đã nhận ra bí quyết thành công của pháp môn là “Độc Cư.” Pháp Như Lý Tác Ý và Độc Cư là năng khiếu của Thầy trỗi dậy.

     Xưa, Đức Phật cũng vậy, khi con đường tu tập tận cùng, Ngài như sắp chết thì năng khiếu Ngài trỗi dậy. Ngài nhớ lại đạo lộ Tứ Thánh Định, Ngài liền bỏ sạch các pháp môn của ngoại đạo, Ngài không tu khổ hạnh nữa, tiếp tục sống đúng đời sống Phạm hạnh, khi cơ thể Ngài bình phục, 49 ngày dưới cội Bồ Đề do đạo lộ Tứ Thánh Định, Ngài đã viên mãn con đường tu giải thoát, thỏa mãn được ước vọng của Ngài làm chủ sanh, già, bịnh, chết.

          Bởi vậy, muốn có năng khiếu và trí thông minh thì phải tu tập pháp “Hướng Tâm” và “Độc Cư” con ạ! Quyết định phải tu cho bằng được phải không con? Dù cho xương có tan, thịt có nát nhất định chúng ta phải thành công thì đó là con đã huân tập một tài năng, một tri kiến, một năng khiếu.

Hiện giờ cô Diệu Quang có trắc nghiệm bằng một phương pháp nào mà có tận cùng sự khổ đau thì nhất định tâm con cũng như cục đất phải không con? Có như vậy, mới thấy tâm được giải thoát thanh thản, an lạc và vô sự, đó là kết quả của tâm bất động.