37. CÓ THÂN NGƯỜI MỚI ĐỦ
ĐIỀU KIỆN TU HÀNH GIẢI THOÁT
Hỏi: Kính bạch Thầy, trong sách của Thầy có nói: “Người đánh mất thân này đến muôn ngàn kiếp sau cũng khó mà được làm người, ví như con rùa mù tìm bộng cây ngoài biển.”
Theo con hiểu đó là sau lúc chết đi, đến kiếp sau họ đâu còn biết họ là ai nữa, đó là cái nghiệp khổ của họ, chứ không phải họ chết rồi bị đi đầu thai làm các con vật khác, phải vậy không thưa Thầy?
Đáp: Sự hiểu biết của cháu là sự hiểu biết chấp đoạn, cái nghiệp ác kia tiếp tục đi tái sanh luân hồi, cái nghiệp đó do ai làm ra? Có phải chính trong cuộc sống của chúng ta đã tạo ra nó không? Khi con người còn sống thường huân tập ác và thiện do lòng ham muốn tạo ra. Khi người chết chẳng còn một vật gì cả nghĩa là không có thần thức, Phật tánh hoặc linh hồn, tất cả đều hoại diệt theo thân xác của họ, nhưng cái còn lại là gì?
Hành động thiện ác của chúng ta còn lại, nó trở thành một cái lực rất mạnh nên kinh gọi nó là nghiệp lực. Nghiệp lực cũng giống như đứa con của chúng ta sanh ra, tạo ra, rồi đứa con nghiệp lực của chúng ta lại sanh ra cháu nghiệp lực của chúng ta, cháu nghiệp lực của chúng ta lại sanh ra chít nghiệp lực của chúng ta và cứ thế mãi mãi sanh ra trong vô lượng kiếp. Và mỗi nghiệp lực sanh ra như vậy đều do chúng ta mà có, thế mà chúng ta vô trách nhiệm với những nghiệp lực này sao? Khi mà những nghiệp lực này mang đầy đau khổ lúc nó thọ lấy thân người hoặc thân chúng sanh và mãi mãi muôn đời muôn kiếp thì chúng ta là người cha (thân ngũ uẩn) sanh nó ra, cớ sao chúng ta không thấy trách nhiệm mình sao?
Trong thư con hỏi: “Sau lúc chết đi, đến kiếp sau, họ đâu còn biết họ là ai nữa, đó là cái nghiệp khổ của họ, chứ không phải là họ chết đi bị đầu thai làm các con vật, phải không thưa Thầy?”
Ví dụ: như cháu có một đứa con, cháu có muốn cho đứa con ngoan tốt, hiền lành có hiếu thảo, chăm học, không ham chơi hay muốn có một đứa con không ngoan tốt, hung dữ, bất hiếu, không chăm học, thích chơi đùa không? Nếu cháu có một đứa con ngoan tốt, hiền lành, có hiếu thì cháu có sung sướng không? Chắc hẳn là sung sướng phải không cháu? Bằng ngược lại cháu có một đứa con không ngoan tốt, tánh tình hung ác, bất hiếu thường thích chơi, không thích học thì cháu có khổ không? Chắc hẳn là khổ rồi phải không cháu? Và như vậy, dù biết hay không biết về nghiệp của cháu ở quá khứ hay vị lai, cháu cũng đều phải có trách nhiệm trong hành động thiện, ác của cháu đối với nghiệp. Vả lại, trong hiện kiếp của cháu, sự khổ vui của đời cháu đều do chính hành động nghiệp thiện ác của cháu, nhưng trong thư cháu bảo:
“Cũng không biết kiếp trước mình là ai cả, cũng như con, giờ đây con đâu biết kiếp trước mình là ai? Ở đâu? Do vậy họ đâu có sợ làm điều ác, vì kiếp sau họ đâu biết họ là ai để mà đau, mà tiếc, mà ân hận v.v...”
Như Thầy đã dạy: Dù con có biết hay không biết kiếp đã qua và kiếp vị lai của con là ai? Nhưng trong hiện tại con làm điều ác thì con không thể tránh khỏi mọi sự khổ đau. Vì thế con phải có trách nhiệm bổn phận về đời sống hiện tại của con, nhất là con phải thấy và hiểu biết trách nhiệm và bổn phận của con trong cuộc sống hiện tại là con không nên làm khổ con, không nên làm khổ người khác bằng những hành động ác thân miệng ý của con. Vì những hành động ác ấy trong hiện tại đã khiến cho đời sống hiện kiếp của con phải gặp nhiều sự bất hạnh, khổ đau, bất toại nguyện và cay đắng v.v... con có biết không?
Cho nên con còn phải hiểu biết về luật nhân quả đang chi phối những hành động nghiệp thiện ác của con ở tương lai sau này. Vì những hành động thiện ác của con trong hiện kiếp mà vị lai bao nhiêu chúng sanh do nghiệp thiện ác ấy sanh ra phải chịu khổ đau, vui buồn, bất an, bất toại nguyện v.v… Đó là trách nhiệm đạo đức làm người con ạ! Con không thể thờ ơ để cho hành động thiện ác của con đi tái sanh mặc khổ vui kệ nó.
Bởi vậy Đức Phật dạy: “chúng sanh là những người thừa kế của nghiệp, nghiệp là cha đẻ ra chúng sanh.” Thừa kế của nghiệp tức là nghiệp sanh ra chúng ta ra. Nếu chúng ta có đôi mắt nhìn xuyên thủng qua lớp áo thân nghiệp của chúng sanh thì chúng ta sẽ thấy tất cả chúng sanh đều do nghiệp lực của chúng ta sanh ra, chừng đó chúng ta có nỡ lòng nào ăn thịt chúng sanh không? Vì cầm dao cắt cổ gà, đập đầu cá là cầm dao cắt cổ cha mẹ mình, là đập đầu con cháu mình thì thử hỏi con người có tình cảm, biết khổ đau, biết thương khóc, biết nức nở khi mất cha mất mẹ thì làm sao chúng ta có những hành động ác ấy được.
Còn ăn thịt chúng sanh là như ăn thịt cha mẹ, con cháu của mình chứ đâu phải ai xa lạ, chỉ có loài thú vật mới không có sự hiểu biết, mới ăn thịt cha mẹ con cháu như vậy. Nhưng con người thì chúng ta sao nỡ có những hành động ác độc ấy được, là con người thì không thể sống như con thú vật được. Vì con người sống có đạo đức làm người, sống có tình cảm, sống có trí tuệ hiểu biết thì không thể nào sống man rợ hung ác như loài cầm thú được.
Ví dụ: để cháu thấy nghiệp lực một người bình thường không có sân, đến khi gặp việc trái ý, nghịch lòng, người ấy tức giận giống như một con thú dữ, đó gọi là nghiệp lực của sân.
Chúng ta giết hại chúng sanh để ăn thịt, lâu ngày thành thói quen ăn thịt, thói quen ăn thịt tức là nghiệp lực nên khi ăn uống không có thịt chúng sanh thì ăn uống không ngon. Do đó nghiệp thích ăn thịt chúng sanh vẫn còn nên tương ưng với thịt chúng sanh mà tái sanh làm chúng sanh. Một nghiệp lực như vậy có thể sanh ra làm trăm muôn con vật để rồi tiếp tục sanh tử theo nghiệp của nó, vay trả trả vay. Còn những nghiệp lực thiện cũng tiếp tục tái sanh làm người, một nghiệp lực thiện có thể sanh ra nhiều người tùy theo môi trường sống của hành tinh, tức là môi trường nhân quả trên quả địa cầu này.
Mặc dù họ không biết họ là ai trong kiếp kế, nhưng nghiệp lực thiện ác của họ luôn luôn tiếp tục tái sanh luân hồi làm mọi thân chúng sanh. Khi cuộc sống hiện tại họ đã giết hại chúng sanh như thế nào thì họ phải vay trả như thế nấy. Làm thân chúng sanh chỉ biết khổ đau mà không biết cách thoát khổ, nghĩa là làm thân chúng sanh không biết thiện ác, chúng làm theo bản năng tự nhiên của chúng để bảo vệ sự sống, vì thế chúng phải chịu khổ vô vàn trong vô lượng ngàn muôn kiếp.
38. ĐƯỢC THÂN NGƯỜI KHÓ
Hỏi: Kính bạch Thầy, người đánh mất thân này đến muôn ngàn kiếp sau cũng khó mà được làm người, ví như con rùa mù tìm bọng cây ngoài biển, xin Thầy chỉ dạy cho con được rõ.
Đáp: Đức Phật dạy: “được thân người là khó,” khó có nghĩa là khó được thân người chứ không phải là không được thân người, khi hành động thiện ác của con đã trải qua một thời gian trả nghiệp của nó thì nghiệp ấy lại được sanh làm người.
Một người làm ác luôn luôn làm khổ mình khổ người và khổ tất cả chúng sanh thì nghiệp ác ấy chẳng bao giờ trở lại làm người. Cho nên Đức Phật ví dụ bọng cây và con rùa mù giữa biển, có nghĩa là nghiệp ác không bao giờ trở lại làm thân người nữa được, phải thời gian lâu lắm trả cho hết nghiệp ác đã làm, khi trả hết nghiệp ác đã làm thì nghiệp còn lại tương ưng với loài người thì mới sanh ra làm người. Ở đây con nên hiểu mang lốt nghiệp chúng sanh là mang lốt nghiệp trả nợ máu xương mà con người đã từng gieo rắc, đến chừng trả hết nghiệp ác của mình đã gây ra thì mới tương ưng với nghiệp làm người tức là mới đủ duyên sanh làm người.
Vấn đề tái sanh luân hồi và nghiệp thiện ác không phải là vấn đề để cho người còn trí hữu hạn hiểu biết, càng luận về nhân quả luân hồi càng bị tưởng tri lừa đảo thành ra hiểu sai mất. Vấn đề này phải là người có trí vô hạn không bị ngăn cách bởi không gian và thời gian mới thấu suốt, không bị tưởng tri đánh lừa. Vấn đề này là vấn đề không ích lợi nên Đức Phật gọi là hý luận. Trong lúc con người còn bản năng loài cầm thú hung dữ, chà đạp lên nhau vì miếng cơm manh áo và vật chất, kẻ mạnh ăn hiếp kẻ yếu, cuộc sống con người không còn có đạo đức khiến cho loài người quá khổ đau vì phải bon chen trong cuộc sống.
Vấn đề Phật giáo là vấn đề lợi ích cho cuộc sống của con người, đó là đạo đức nhân bản không làm khổ mình khổ người chứ không phải ngồi thiền, niệm chú, tụng kinh, niệm Phật hay để tìm hiểu nhân quả ba đời mà khiến cho con người hết khổ. Ngồi thiền, niệm chú, niệm Phật, tụng kinh sám hối hay tìm hiểu nhân quả ba đời đó là những điều dễ bị tưởng lừa đảo dối gạt người.
Đạo Phật có mặt trên đất nước Việt Nam hơn 2000 năm, chùa cất khắp nơi đâu đâu cũng có mà dân tộc Việt Nam có hết khổ chưa? Chùa càng nhiều càng tạo ra nhiều việc mê tín, lừa đảo, tiền mất tật mang. Hiện giờ chùa tháp xây cất hàng tỷ tỷ bạc, chùa nào cũng đẹp đẽ khang trang như cung vàng điện ngọc, tiền bạc của tín đồ đổ vào như nước mà có ích lợi gì? Đời khổ vẫn còn khổ như vậy và còn khổ hơn.
Đạo đức con người càng ngày càng xuống dốc, ngồi thiền, niệm Phật, niệm chú, tụng kinh, sám hối v.v... có giải quyết được những gì lợi ích cho xã hội đâu, hay là một sự tránh né của những người tiêu cực hoặc của những người mượn sự vô minh của người khác làm giàu trên mồ hôi nước mắt bằng danh nghĩa tôn giáo.
Trong lúc nhân dân Việt Nam nói riêng và con người trên hành tinh này nói chung đang cần có một nền đạo đức để con người đối xử với con người đừng làm khổ cho nhau. Bởi vậy cháu hỏi những điều này là những điều lừa bịp của các tôn giáo nói về con người bằng cách này hay bằng cách khác chứ không bao giờ nói đúng về con người cả.
Được thân người khó là khó ở năm tiêu chuẩn làm người chứ không phải khó ở thân người. Thân người cũng giống như thân của loài động vật. Động vật sinh ra trùng trùng thì con người cũng sinh ra trùng trùng. Như vậy thân người như thân động vật thì không khó, nhưng thân người khó là khó ở chỗ năm đức hạnh.
39. CON NGƯỜI NGÀY MỘT ĐÔNG HƠN
Hỏi: Kính bạch Thầy, hiện nay trên thế giới, dân số ngày một đông hơn mà điều ác càng ngày càng tinh vi và xảo quyệt hơn, tức là càng có nhiều điều ác hơn trước, vậy mà loài người càng lúc càng đông hơn. Vậy có trái với luật nhân quả hay không?
Thưa Thầy, vì nhiều người làm ác thì không được làm người càng nhiều sau khi chết mà sao dân số càng đông lên là sao vậy? Thưa Thầy, theo luật nhân quả thì người phải ít đi mà súc vật phải nhiều mới đúng, mong Thầy giải thích cho con hiểu?
Đáp: Theo kinh sách của Đức Phật đã dạy và xác định luật nhân quả rõ ràng: “Chư Thiên giảm thì con người tăng,” có nghĩa là thiện pháp giảm, ác pháp tăng. Câu hỏi của cháu trong thư ở trên: “Theo luật nhân quả như con hiểu thì người phải ít đi mà súc vật phải nhiều mới đúng.” Con hiểu luật nhân quả tái sinh như vậy không đúng. Con hiểu như vậy là hiểu theo linh hồn đi tái sinh chứ không phải theo nghiệp thiện ác đi tái sanh. Con nên hiểu con người cũng chỉ là một loài động vật như bao nhiêu loài động vật khác nhưng nó được xem là một loài động vật cao cấp hơn các loài động vật khác mà thôi.
Người ta ví loài người là một loài động vật ác độc nhất trong các loài động vật trên hành tinh này, nó có thể diệt tất cả các loài động vật trên hành tinh này, nhưng môi trường sống nhân quả sẽ không cho phép nó. Vì thế nó càng ác độc thì nó lại càng sanh sôi này nở nhiều hơn. Để làm gì? Để nó tự giết nó và tự nó, nó sẽ diệt toàn bộ loài người trên hành tinh này. Nếu không có một nền đạo đức nhân bản – nhân quả để giúp nó thoát ra khỏi bản chất của loài động vật thì nó tự diệt chủng lấy nó.
Tất cả các loài vật khác sanh ra với bản chất hiền lành tự nhiên của chúng, chúng chẳng có sự tư duy và biết thiện, ác, phải trái v.v… như con người, chúng chỉ biết sống và bảo vệ sự sống, nên có lúc chúng ta thấy chúng rất hung dữ, cái hung dữ của chúng là bản năng tự vệ chứ không phải cái hung dữ như con người. Trong môi trường sống thì có bốn loại sinh: 1, Thấp sanh; 2, Noãn sanh; 3, Thai sanh; 4, Hóa sanh.
Thấp sanh là những vật sanh ra nơi ẩm ướt như cỏ cây và những loài vi sinh vật, những loài vật này sanh trước tiên. (thuộc về ác nghiệp).
Noãn sanh là những loài sanh trứng như loài chim, loài bò sát, là những loài vật này được sanh ra sau các loại thấp sanh. (thuộc về ác nghiệp).
Thai sanh là những loài vật sanh con, những loài vật này được sanh ra sau loài sanh trứng. (thuộc về ác nghiệp).
Hóa sanh là những từ trường thiện được sanh ra do hành động làm thiện của con người, nó luôn luôn có sự hiện diện trong môi trường sống của chúng ta. Nếu con người làm ác nhiều thì từ trường thiện sẽ giảm đi và con người làm thiện nhiều thì từ thiện tăng lên. Từ trường thiện tăng lên thì con người và tất cả loài vật trên hành tinh này đều sống an vui, hạnh phúc, không bệnh tật, không tai nạn và không khổ đau. Môi trường sống sẽ không bị ô nhiễm, sức khỏe của con người và loài vật được bảo đảm an toàn, lúc bấy giờ bệnh viện chỉ còn là một cổ tàng viện để con người đến tham quan vui chơi chứ không có bệnh nhân.
Với đôi mắt của Đức Phật nhìn suốt qua lốt nghiệp của mọi chúng sanh nên chỉ thấy nó toàn là ác nghiệp chứ không phải có người và loài vật. Tức là từ con người cho đến những loài vật khác nhỏ nhít như loài côn trùng sâu bọ đều là con người đang trả vay của một đạo luật nhân quả rất công bằng và công lý.
Khi vô tình hay hữu ý họ đã làm những điều ác mà giờ này họ phải làm thân chúng sanh để trả quả, trả chừng nào hết thì họ mới được tái sanh làm người. Khi làm người họ không biết thiện ác nên chạy theo tâm ham muốn sanh ra nhiều ác pháp làm khổ mình khổ người và khổ chúng sanh tạo thành nghiệp ác hay nói cho rõ hơn là từ trường ác. Từ trường ác ấy tiếp tục sanh làm các loài vật để thọ lấy những sự khổ đau mà không có phương pháp nào giải cứu được. Ngoại trừ chỉ có loài người nhờ có trí tuệ phân biệt được thiện ác, nên Đức Phật, Ngài để lại cho chúng ta một kinh nghiệm sống của một con người thoát khổ, chấm dứt sự trôi lăn trong sáu nẻo luân hồi và mãi mãi ở trong từ trường thiện vĩnh viễn.
Vì thế Đức Phật dạy: “Chư Thiên tăng thì con người giảm, chư thiên giảm thì con người tăng.” Có nghĩa là từ trường thiện tăng thì từ trường ác giảm, từ trường ác tăng thì từ trường thiện giảm. Nói cách khác cho dễ hiểu hơn: nhân quả thiện tăng thì nhân quả ác giảm, nhân quả ác tăng thì nhân quả thiện giảm. Bằng chứng con người sanh nhiều và làm ác nhiều thì nhân quả ác tăng, nhân quả thiện giảm, nhân quả ác tăng, nhân quả thiện giảm thì con người trên hành tinh này khổ nhiều từ thiên tai dịch họa đến những sự gian xảo lừa đảo giết hại nhau và những bệnh tật đủ mọi thứ cho đến những bệnh thời đại không thuốc trị.
Bức thư của cháu so sánh ở trên giữa con người và con vật thì không đúng luật nhân quả. So sánh luật nhân quả là so sánh thiện và ác, cho nên trong sáu nẻo luân hồi của đạo Phật là sáu trạng thái của tâm:
1, Trời là trạng thái tâm sống trong mười điều lành gọi là mười thiện.
2, Người là trạng thái tâm sống trong năm điều lành gọi là năm giới.
3, A Tu La là trạng thái nóng giận, la hét, chửi mắng, đấm ngực, cào mặt.
4, Ngạ quỷ là trạng thái đang bị đói mà không có thực phẩm ăn
5, Súc sanh là trạng thái ti tiện nhỏ mọn, ích kỷ.
6, Địa ngục là trạng thái đau khổ như đang đau nhức do bệnh tật, do bị đánh đập.
Trong sáu nẻo này theo nhân quả được chia ra làm hai phần: thiện và ác.
1. Trời là cõi mười thiện có 33 cõi Trời tức là có 33 từ trường thiện, hay là 33 cấp thiện của Trời.
2. Người là cõi năm giới. Cõi năm giới có năm đức:
i- Đức hiếu sinh;
ii- Đức từ bỏ lấy của không cho;
iii- Đức chung thủy;
iv- Đức thành thật;
v- Đức Minh mẫn
Người giữ gìn và sống năm giới trọn vẹn mới thật sự là ở cõi người, còn không giữ gìn trọn vẹn như vậy thì không được gọi là cõi người mà là mang hình người nhưng ở trong các cõi giới khác như: A Tu La, ngạ quỷ, súc sanh và địa ngục. Người và các loài động vật đang ở trạng thái này đều được gọi là ở cõi ác, cõi khổ đau.
Người làm ác phải thọ chịu những quả khổ. Những người đó được gọi là A Tu La, ngạ quỷ, súc sanh, địa ngục; A Tu La, ngạ quỷ, súc sanh, địa ngục là những cấp bực khổ của con người, và sự khổ tận cùng là địa ngục.
Trên đây là sự phân chia nhân quả để chúng ta khái niệm hình dung một mô hình nhân quả thiện ác của Trời, Người, A Tu La, ngạ quỷ và súc sanh, đó là một trạng thái thật sự chứ không phải chúng ta tưởng tượng ra cảnh giới của sáu cõi luân hồi vừa siêu hình vừa hữu hình. Cho nên kinh sách giàu tưởng tượng nói ra như vậy là kinh sách lại còn sai biệt mù.
Như trong thư cháu nói: “Theo luật nhân quả người phải ít đi mà súc vật nhiều mới đúng.” Có lẽ cháu đã hiểu câu: “Được thân người là khó” nên mới suy luận nhân quả như vậy.
Ý của Đức Phật ở đây so sánh trong các loài động vật thì loài người nhờ có bộ óc thông minh hơn các loài vật khác, nhờ đó loài người mới vượt thoát ra bốn sự đau khổ và chấm dứt luân hồi, còn các loài động vật khác thì không thể vượt thoát được. Khi một người mất thân khó tìm lại được thân chứ không phải Đức Phật nói con người ít đi, giảm đi hoặc con người không sanh ra nữa.
Điều này không phải, cách đây hơn 2500 năm trong thời Đức Phật còn tại thế, loài động vật trên hành tinh này gồm chung cả loài người thì số lượng loài vật và người so sánh với hiện giờ thì chỉ bằng một phần trăm, một phần ngàn, một phần triệu. Còn hiện giờ loài động vật mà người ta ăn thịt: vừa săn bắt những loài động vật hoang dã và vừa những loài động vật nuôi, một ngày loài người đã giết bao nhiêu loài vật trên hành tinh này để cung cấp làm thực phẩm. Nhu cầu hằng ngày cho con người như vậy số lượng đâu phải ít, chỉ có loài vật hoang dã thì giảm và có loài động vật bị loài người diệt chủng.
Loài người càng sanh ra nhiều mà sống trong ác pháp thì đó là một nỗi lo âu của những người trí, vì nó sẽ diệt các loài động vật khác mà còn tự diệt nó bằng trí óc thông minh của nó, bằng chứng hiện giờ “Kế hoạch hóa gia đình” là một hiện tượng con người giết con người.
Cháu phải hiểu nhân quả tái sinh chứ không phải linh hồn tái sinh. Vì thế một người còn sống mà đã tạo ra nhân quả thì nhân quả tiếp đi tái sinh làm những con người và những con vật khác. Nhưng người ấy vẫn còn sống và tiếp tục những hành động nhân quả thiện ác khác, rồi những hành động này tương ưng tiếp tục tái sinh cho đến khi những hành động cận tử nghiệp của người ấy đi tái sinh khi người ấy chết. Cho nên nhân quả trùng trùng duyên sanh và cũng trùng trùng duyên diệt. Đó là lời Đức Phật đã dạy: “Nhân quả trùng trùng sinh khởi.”
Cháu hãy nhìn cây đu đủ kia, trong một quả đu đủ có nhiều hạt, mỗi hạt lên một cây đu đủ; mỗi cây đu đủ cho nhiều trái; mỗi trái có nhiều hạt; mỗi hạt lên một cây, nhưng cây đu đủ mẹ vẫn còn sống. So sánh nhân quả của cây đu đủ và nhân quả của con người thì có khác chi đâu. Vì mọi vật trên thế gian này được sinh ra đều do nhân quả, sống trong nhân quả và chết cũng đi về nhân quả, trừ những người tu chứng họ đã ra ngoài quy luật nhân quả không còn bị chi phối.
Chúc cháu vui mạnh và sống đúng đạo đức làm người, không làm khổ mình khổ người.
Kính thư. Thầy của các con!
TB: Sách của Thầy viết là triển khai lại lời dạy của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, Người đã dạy không có thế giới siêu hình, Thiên Đàng, Địa Ngục, những cảnh giới siêu hình toàn là cảnh giới tưởng tri. Sách của thầy Chơn Quang viết nói có thế giới siêu hình là do ảnh hưởng của kinh sách phát triển Bà La Môn và các tôn giáo khác nhất là không hiểu ý Phật dạy trong kinh Nikaya (Nguyên Thủy). Người tu giải thoát không có đi về đâu vì không có cõi Niết Bàn để đi. Niết Bàn chẳng qua là một danh từ để chỉ cho chân lý thứ ba (Diệt đế). Diệt đế là một trạng thái tâm hết tham, sân, si tức là một trạng thái tâm ly dục ly ác pháp v.v... Cho nên một trạng thái tâm ly dục ly ác pháp là cảnh giới của người giải thoát ở đó. Đó là một từ trường, không còn có cảnh giới nào khác nữa.
Khi tâm ly dục ly ác pháp thì không còn nghiệp nên không có tái sanh luân hồi. Khi người còn sống tâm ly dục ly ác pháp thì giới luật nghiêm chỉnh, không hề vi phạm một lỗi nhỏ nhặt nào. Người giới luật nghiêm chỉnh, không hề vi phạm một lỗi nhỏ nhặt nào là ly dục ly ác pháp hoàn toàn, là người có tri kiến giải thoát. Tri kiến giải thoát là “Minh” chứ không còn “Vô minh” nữa. Trong Minh gồm có giới luật và tri kiến giải thoát, nên Phật dạy: “Tri kiến ở đâu thì giới luật ở đó, Giới luật ở đâu thì tri kiến ở đó. Tri kiến làm thanh tịnh giới luật, giới luật làm thanh tịnh tri kiến.” Như vậy chỗ Niết Bàn đâu phải chỗ hết niệm, vì hết niệm làm sao có tri kiến, có giới luật?
Tóm lại Niết Bàn không phải là một cõi giới siêu hình, nó chỉ là chỗ tâm bất động trước các ác pháp và các cảm thọ.
Chơn Như ngày 19-5-2000.
Thầy của các con!