7. Phương cách nhập Nhị thiền
Hỏi: Kính bạch Thầy, xin Thầy giảng trạch rõ: - Khi ly dục ly ác pháp nhập Sơ Thiền – Muốn nhập Nhị Thiền phải ra khỏi Sơ Thiền chừng đó điều tâm như thế nào? Nếu Như lý tác ý “tịnh chỉ tầm tứ” có được không? Vì lúc đó tâm không còn thanh tịnh hoàn toàn (vì xả Sơ Thiền).
Đáp: Bởi Sơ Thiền con chưa nhập được nên mới có câu hỏi này. Tại sao? Tại vì tâm chưa ly dục ly ác pháp nên con không biết được trạng thái này, khi tâm đã ly dục ly ác pháp thì tâm con lúc nào cũng thanh tịnh vì nó không còn tham, sân, si, mạn, nghi nữa, lúc tiếp duyên cũng như lúc không tiếp duyên với mọi người nó đều thanh tịnh.
Cho nên trước khi nhập Sơ Thiền thì con ly dục ly ác pháp nhập Bất Động Tâm Định. Bất Động Tâm Định là một trạng thái Tứ Niệm Xứ sung mãn, trạng thái này có đủ bảy năng lực của Thất Giác Chi. Do bảy năng lực của Thất Giác Chi con mới nhập vào trạng thái của Sơ Thiền là trạng thái tâm không phóng dật, tâm không phóng dật tức là tâm ly dục ly ác pháp.
Nói nhập Sơ Thiền là nói tâm thanh tịnh, khi tâm đã thanh tịnh thì làm sao ra khỏi sự thanh tịnh đó? Nói ra khỏi Sơ Thiền để nhập Nhị Thiền tức là muốn nói tâm ra khỏi năm chi thiền của Sơ thiền là: Tầm, Tứ, Hỷ, Lạc và Nhất Tâm. Khi ra khỏi năm chi thiền này thì nương vào hơi thở và ở trên hơi thở để dùng pháp hướng tịnh chỉ tầm tứ nhập Nhị Thiền. Chứ trạng thái tâm đã ly dục ly ác pháp thì không thể nào trở lui lại với đời sống dục lạc thế gian nữa.
Chỉ có những người hết muốn tu thì mới trở lui lại chạy theo dục lạc thế gian để hưởng thụ, còn người quyết tâm tu giải thoát thì luôn luôn lúc nào cũng ở trong trạng thái ly dục này.
Ví dụ: Một sinh viên đang học năm thứ nhất Đại học Y khoa, có nghĩa là phải tốt nghiệp lớp 12 phổ thông, hay nói cách khác cho dễ hiểu là anh phải rời khỏi lớp 12 rồi mới lên đại học học năm thứ nhất được. Ở đây không có nghĩa là người sinh viên này trở lại một cậu bé chưa cắp sách đến trường lần nào (chưa biết chữ) mà bước vào năm thứ nhất của Đại học Y khoa. Còn nếu anh sinh viên đại học mà cứ ở lại lớp 12 và học bài vở lớp 12 thì không thể nào là sinh viện Đại học Y khoa được.
Ra khỏi năm chi của Sơ Thiền là ý nghĩa này chứ không phải rời khỏi tâm thanh tịnh. Sơ Thiền ví như cái nhà của chúng ta đang ở, lìa khỏi cái nhà để trồng đám ngô, đám ngô ví như Nhị Thiền, nhưng trồng ngô xong thì chúng ta trở về nhà nghỉ, nhưng khi chúng ta muốn trồng lúa, đám lúa ví như Tam Thiền thì chúng ta phải rời khỏi nhà và đám ngô, khi trồng lúa xong chúng ta trở về nhà v.v…
Còn nếu mình ở trong nhà (Sơ Thiền) mà trồng ngô thì không thể trồng được vì nhà để ở chứ không thể trồng ngô, trồng lúa được. Cũng như trong đám ngô thì không thể trồng lúa vào được, trồng như vậy chẳng có kết quả.
Cho nên xả Sơ Thiền không có nghĩa là một người có học thức mà xả bỏ cái học thức của mình. Xả Sơ Thiền có nghĩa là rời lớp học thấp lên lớp học cao hơn.
Khi muốn nhập Nhị Thiền thì phải ra khỏi Sơ Thiền bằng cách nương vào hơi thở, tâm ở trên đường dây hơi thở này thường như lý tác ý: “Tầm tứ phải tịnh chỉ nhập Nhị Thiền.” Cứ thỉnh thoảng hướng tâm một lần, chừng nào tâm nhập Nhị Thiền mới thôi, vì lúc đó hơi thở cũng mất tiêu, tầm tứ cũng không còn, tầm tứ không còn thì không còn hướng tâm được.
Tầm tứ thuộc về ý thức, nếu tầm tứ dừng thì ý thức dừng. Ý thức là một thức trong sáu thức nên ý thức dừng thì năm thức kia đều dừng theo hết. Nhóm sáu thức gồm có:
1- Nhãn thức; 2- Nhĩ thức; 3- Tỷ thức; 4- Thiệt thức; 5- Thân thức; 6- Ý thức
Khi nhập Nhị Thiền tai không nghe tiếng, mắt không thấy sắc, mũi không ngửi mùi hương thơm hay thối, lưỡi không nếm vị, thân không xúc chạm tức là sáu căn ngưng hoạt động thì mới nhập được Nhị Thiền
8. Chánh niệm có phải là các pháp thiện không?
Hỏi: Kính bạch Thầy, xin Thầy hoan hỷ chỉ dạy con cách hành và qua ví dụ để con rõ về hai loại định: “Chánh Niệm Tỉnh Giác Định và Định Niệm Hơi Thở.” Chánh niệm có phải là các pháp thiện không?
Đáp: Chánh Niệm Tỉnh Giác Định là niệm chân chánh. Niệm chân chánh tức là niệm thiện, cho nên Chánh Niệm Tỉnh Giác tức là tâm tâm niệm niệm hằng giây, hằng phút, hằng giờ, hằng ngày trong sức tỉnh thức để các niệm ác không xen vào được. Cho nên nó là các pháp thiện, nếu có một niệm ác xen vào thì không thể gọi đây là chánh niệm được.
Trong Bát Chánh Đạo có tám nẻo: Chánh Kiến, Chánh Tư Duy, Chánh Ngữ, Chánh Nghiệp, Chánh Mạng, Chánh Tinh Tấn, Chánh Niệm và Chánh Định. Chánh Niệm là một nẻo thiện trong tám nẻo thiện, pháp hành của đạo Phật là như vậy.
Chánh Niệm trên Tứ Niệm Xứ mà Tứ Niệm Xứ thì có bốn chỗ để tu tập thiện pháp, trên bốn chỗ đó luôn luôn khắc phục ác pháp không cho ác pháp xâm chiếm vào. Vì thế người thường sống trong Chánh Niệm là người sống đạo đức không làm khổ mình khổ người, hay nói một cách khác là người tu thiền Tứ Niệm Xứ. Chánh Niệm như con đã hỏi có phải là các thiện pháp không?
Đúng vậy Chánh Niệm là niệm các pháp thiện như:
1- Không tham.
2- Không sân.
3- Không si.
4- Không làm đau khổ chúng sanh.
5- Không trộm cắp, cướp giật, móc túi, lấy của không cho.
6- Không tà dâm.
7- Không nói vọng ngữ.
8- Không nói lời hung dữ.
9- Không nói thêu dệt
10- Không nói lưỡi hai chiều.
Niệm các niệm thiện không có nghĩa đọc thầm mười niệm thiện như niệm chú, đọc kinh, mà chính phải sống trọn vẹn và giữ gìn thân, thọ, tâm, pháp của mình trong mười điều lành trên đây. Có như vậy mới được gọi là Chánh Niệm Tỉnh Giác Định.
Định Chánh Niệm Tỉnh Giác và Định Niệm Hơi Thở là hai pháp môn thiện để tu tập ngăn các ác và diệt các ác pháp.
Ví dụ: Con đi kinh hành, trước khi bước đi con hướng tâm nhắc: “Tâm như đất từ bỏ tham, sân, si tôi biết tôi đi kinh hành.” Cứ thỉnh thoảng con vừa đi vừa nhắc câu pháp hướng này.
Ví dụ: Con đang nấu cơm, trước khi nấu cơm con hướng tâm nhắc: “Tâm như cục đất, từ bỏ xa lìa lòng tham, sân, si tôi biết tôi đang nấu cơm.” Và trong thời gian còn đang nấu cơm thì con cứ thỉnh thoảng lại nhắc tâm câu pháp hướng trên cho đến khi nấu cơm xong.
Mục đích ở đây là nương vào hành động làm việc hoặc hơi thở để được tỉnh thức không quên Chánh Niệm tức là pháp hướng nhắc tâm. Chứ không phải tỉnh thức trong hành động làm, hay đi, hay thở, mà nhờ nhắc tâm “đi, hơi thở và làm việc là để tỉnh thức trên Chánh Niệm từ bỏ tâm tham, sân, si, mạn, nghi.”
Cho nên pháp hành của đức Phật thật là rõ ràng và cụ thể, mỗi hành động tu tập đều mang đến một ý nghĩa thiện, một kết quả an lạc, yên vui, các pháp hành của đức Phật sẽ mang đến cho chúng ta một điều gì đó rất giải thoát thực tế cho đời sống của con người. Nhờ vậy con người tu tập tức là sẽ sống không làm khổ mình khổ người. Đấy là sự thanh thản, an lạc và vô sự của loài người. Làm người ai ai cũng nên chọn cho mình một sự sống như vậy để đem lại sự an vui cho mình cho người và cho muôn loài vạn vật trên hành tinh này.
9. Pháp hướng tâm ngắn gọn
Hỏi: Kính bạch Thầy, xin Thầy chỉ dạy cho con khi tu Định Niệm Hơi Thở dùng pháp hướng tâm Như lý tác ý nhắc nhiều câu pháp hướng và mỗi câu pháp hướng thì dài như: “Thân ngồi ngay thẳng không được nhúc nhích xê dịch, không được cảm giác nóng lạnh. Đầu không được nhức… cái tâm không được sanh vọng tưởng… tai không được nghe âm thanh… cái mũi… cái miệng…” Như vậy phải nhắc liên tục suốt buổi tu hay thỉnh thoảng cách năm hơi thở? Và hướng tâm như vậy có hiệu quả không?
Đáp: Trạch câu pháp hướng như thế nào “ngắn gọn đầy đủ ý nghĩa và chỉ thẳng mục đích của nó giải quyết tâm trạng đang vướng mắc cần phải xả ly, từ bỏ” trong pháp đang tu hành. Trạch câu pháp hướng như vậy là một lệnh truyền thì sẽ có hiệu quả, còn nếu câu pháp hướng tâm dài quá sẽ mất ý nghĩa truyền lệnh mạnh mẽ, do đó sẽ không có hiệu quả.
Khi hướng tâm thì phải thỉnh thoảng 5 hay 10 hơi thở là lúc ngồi tu định Niệm Hơi Thở hoặc 5 hay 10 bước đi lúc đi kinh hành mới nhắc tâm một lần, chứ không được nhắc liền miệng như tụng kinh, niệm chú thì tu tập như vậy là sai không đúng cách. Không đúng cách sẽ không có hiệu quả tốt và tu tập như vậy sẽ phí công.
Nên lưu ý: Ở đây tu tập không dùng câu pháp hướng tâm để ức chế tâm khiến cho tâm không còn niệm khởi; ở đây dùng câu pháp hướng để xả tâm ly tham đoạn diệt ác pháp, để thực hiện tâm bất động trước các ác pháp và các cảm thọ; để giữ gìn chân lý thanh thản, an lạc và vô sự chứ không dừng ý thức để trở thành gốc cây, cục đá.
10. Khi nào bắt đầu hướng tâm?
Hỏi: Kính Bạch Thầy, khi nào mới bắt đầu hướng tâm?
Đáp: Trước khi đi kinh hành phải huớng tâm rồi mới bước đi và đi được 10 bước lại hướng tâm một lần nữa, và cứ tiếp tục 10 bước là hướng tâm một câu. Hướng tâm như vậy có nghĩa là nhắc tâm đừng quên xa lìa lòng ham muốn và các ác pháp chứ pháp hướng tâm chưa có hiệu quả gì, chỉ giúp cho chúng ta nhớ được lòng ham muốn và ác pháp để xả, đó là hiệu quả đầu tiên của pháp hướng tâm.
Ngồi tu Định Niệm Hơi Thở, sau khi tréo chân ngồi xếp bằng, lưng thẳng và toàn thân cảm giác được an ổn, bất động thì mới bắt đầu hướng tâm, sau khi hướng tâm xong, tâm chú ý vào hơi thở thì bắt đầu hít vô và thở ra, đúng 5 hơi thở hoặc 10 hơi thở rồi dừng lại tác ý hướng tâm một lần nữa như câu trên, tu tập cho đến khi xả Định Niệm Hơi Thở mới thôi.
Tóm lại, cách thức dùng pháp hướng tâm trước khi đi kinh hành rồi từ đó về sau cứ mỗi 5 bước hoặc 10 bước là hướng tâm một lần. Định Niệm Hơi Thở cũng vậy, tu tập như vậy phải siêng năng chuyên cần hằng ngày, đừng tu theo kiểu một nắng hai sương thì không có kết quả.
Pháp hướng tâm là một phương pháp dẫn tâm vào đạo. Trong kinh Pháp Cú Phật dạy: “Tâm dẫn đầu các pháp. Tâm chủ tâm tạo tác...”
Pháp hướng tâm là một pháp môn rất đặc biệt, người nào siêng năng tu tập thì có đủ khả năng điều khiển làm chủ thân tâm một cách cụ thể rõ ràng. Vì thế đức Phật nói:
“Thiên thượng thiên hạ
Duy ngã độc tôn
Nhất thiết thế gian
Sanh, lão, bệnh, tử.”
Chỉ có “Tác ý một tướng khác của tướng kia thì tướng kia sẽ bị diệt sạch.” Đó là lời dạy của Phật để chúng ta theo pháp môn này tập luyện mới có đủ nội lực ngăn và diệt các ác pháp và các cảm thọ rất tuyệt vời. Kính mong quý vị đặt trọn lòng tin áp dụng vào đời sống hằng ngày sẽ thấy kết quả ngay liền “Pháp Ta không có thời gian đến để mà thấy...” đúng như lời đức Phật đã xác định.
Pháp Phật rất đơn giản và tu hành dễ dàng không có khó khăn, không có mệt nhọc như người ta tưởng, vì nó là thiện pháp, là đạo đức của mỗi con người nên con người chỉ cần có nhiệt tâm sống như lời Phật dạy là đã chứng đạt chân lý.
Chỉ có những người không chịu hiểu nên tu sai, nhất là không nhận ra pháp thiện, không chấp nhận sống đời đạo đức làm người thì không thể chứng đạt chân lý được. Vì chân lý là một sự thật của loài người mà ai cũng có nơi thân tâm, nó không riêng của một người nào cả.
11. Tu Định vô lậu trên Tứ niệm xứ
Hỏi: Kính bạch Thầy, khi tu Định Vô Lậu phải dùng tâm tư duy, quán xét bốn chỗ thân, thọ, tâm, pháp. Xin Thầy dạy rõ hơn về cách hành.
Đáp: Muốn tu tập Định Vô Lậu, ở đây Thầy chỉ thẳng không giải thích lòng vòng. Bắt đầu vào tu, con ngồi kiết già hoặc ngồi bán già lưng thẳng hoặc ngồi trên ghế thường hoặc đi kinh hành, hoặc làm mọi việc, tuy đi, đứng, nằm, ngồi hoặc làm mọi việc con nên để ý bốn chỗ thân, thọ, tâm và pháp của con.
Nếu trên bốn chỗ này có xảy ra chướng ngại pháp thì con nên quán xét chướng ngại pháp đó rồi dùng pháp hướng đẩy lui ra khỏi bốn chỗ này. Khi chướng ngại pháp đã được đẩy lui ra khỏi thân tâm thì ngay đó thân tâm con được giải thoát. Thân tâm con được giải thoát tức là vô lậu, vô lậu tức là thân tâm con thanh thản, an lạc và vô sự.
Tu Định Vô Lậu tức là quán xét như thế nào để cho tâm ham muốn và các ác pháp lìa xa khỏi thân tâm của con, khiến cho thân tâm con không còn phiền não đau khổ nữa. Cách tu hành dễ nhất của nó như Thầy đã dạy ở trên.
Ví dụ: Ngồi quan sát trên bốn chỗ thân, thọ, tâm, pháp giống như người lính gác bốn cửa thành như sau:
1- Thấy thân yên lặng, thanh thản, an lạc và vô sự thì nên để thân tâm tự nhiên, đừng đả động đến nó
2- Thấy tâm yên lặng, thanh thản, an lạc và vô sự thì nên để thân tâm tự nhiên, đừng đả động đến nó.
3- Thấy thọ yên lặng, thanh thản, an lạc và vô sự thì nên để thân tâm tự nhiên, đừng đả động đến nó.
4- Thấy pháp yên lặng, thanh thản, an lạc và vô sự thì nên để thân tâm tự nhiên, đừng đả động đến nó.
Cảm giác trên bốn chỗ này thấy rất rõ như vậy thì cứ để tự nhiên cho nó, có nghĩa là để cho nó tự nhiên thanh thản, an lạc và vô sự, đó là tâm không phóng dật. Tâm không phóng dật tức là tâm vô lậu.
Khi tu tập quán Tứ Niệm Xứ còn thấy thân tâm cảm nhận chướng ngại pháp:
1- Trên thân, thọ có pháp ác đến, nghĩa là con có cảm giác như: đau, nhức, ngứa, mỏi mệt, tê, nóng, rát trên thân v.v… thì con nên quán xét mà đẩy lui nó ra khỏi thân con. Vậy đẩy lui bằng cách nào? Khi con ngồi kiết già chân bị tê, đau nhức hay nóng con muốn đẩy lui chướng ngại pháp đó thì con hãy đứng dậy đi kinh hành, tức khắc đau tê nhức được đẩy lui, tức là con trở về trạng thái thân tâm thanh thản, an lạc và vô sự.
2- Trên tâm thọ có ác pháp đến, nghĩa là trong tâm con có một niệm khởi, niệm khởi ấy đem đến cho con một sự phiền não, một sự lo lắng, một sự buồn khổ v.v… cho đến một niệm tào lao chẳng ích lợi gì tuy nó không làm cho tâm con buồn khổ, phiền não, nhưng nó cũng làm cho tâm con mất thanh thản, an lạc và vô sự.
Vì vậy con cần phải đẩy lui tất cả để tâm con trở về trạng thái thanh thản, an lạc và vô sự thì mới đúng cách thức tu tập. Ở đây con phải hiểu có nghĩa là con tu tập đẩy lui như thế nào mà tâm con tự nhiên không phóng dật. Tâm con tự nhiên không phóng dật là con đã đi hết hai phần ba đường của Đạo giải thoát
3- Trên Pháp thọ có ác pháp đến, có nghĩa là con đang sống một mình và đang quan sát thân, thọ, tâm, và pháp của con thì có một người bạn đến nói chuyện thì con phải hiểu đó là ác pháp đến với con khiến con mất đi trạng thái thanh thản, an lạc và vô sự. Nếu con thích nói chuyện với người bạn đó hoặc con tùy thuận nói chuyện để khỏi mất lòng bạn bè thì trong cuộc đời tu hành của con không mạnh dạn quyết tâm đẩy lui các chướng ngại pháp đó, thì dù con có tu ngàn đời muôn kiếp cũng chẳng bao giờ giải thoát được. Vì đó là duyên để tâm con phóng dật, mà tâm còn phóng dật thì chẳng bao giờ hết lậu hoặc, tâm không hết lậu hoặc thì làm sao tâm hết tham, sân, si được, tâm không hết tham, sân, si thì làm sao có thiền định được.
4- Thọ thân, thọ tâm, thọ pháp như thân thọ tâm pháp ở trên đã dạy đều có ác pháp đến xâm chiếm vào thân tâm con thì con cũng quán xét đẩy lui để tâm con luôn luôn sống trong thanh thản, an lạc và vô sự.
Tóm lại chỉ có hằng giây, hằng phút, hằng giờ, hằng ngày, hằng tháng, hằng năm, lúc nào, thời gian nào đều phải quan sát trên bốn chỗ thân, thọ, tâm, pháp mà đẩy lui các chướng ngại pháp trên đó để bảo vệ chân lý. Khi nào các chướng ngại pháp không còn tác động đến bốn chỗ thân, thọ, tâm và pháp là con đã thành tựu viện mãn sự tu hành của con. Chừng đó con đã chứng đạt chân lý, có nghĩa là lúc nào con cũng sống với tâm bất động mà không một chướng ngại nào tác động được. Đến đây con đường tu tập của con đã hoàn thành: “Sanh đã tận phạm hạnh đã thành, không còn trở lui trạng thái này nữa.”