Học Giới - Định - Tuệ. Kì 36 (73).

73. TU THIỀN ĐỊNH (2)

1. Tâm lực pháp hướng

Hỏi: Kính bạch Thầy, pháp hướng tâm có lần Thầy bảo, khi nào tâm thanh tịnh hướng tâm mới có kết quả. Nhưng chúng con sơ cơ tâm còn quá nhiều tạp loạn, làm sao chúng con dùng pháp hướng tâm có hiệu quả được?

Đáp: Pháp hướng tâm hiệu quả có cao có thấp như:

1- Trình độ cao tức là tâm đã ly dục ly ác pháp thì hướng tâm diệt tầm tứ, ly hỷ tưởng và tịnh chỉ hơi thở làm chủ sự sống chết, thực hiện Tam Minh và chấm dứt luân hồi. 

2- Trình độ thấp là tâm chưa ly dục ly ác pháp thì pháp hướng tâm sẽ giúp chúng ta có nội lực tỉnh thức trước các pháp ác.

Pháp hướng tâm đối với người mới tu cũng như người tu lâu đều có hiệu quả, nhưng hiệu quả trong giai đoạn tu của nó. Như hiệu quả ở giai đoạn ly thì không hiệu quả ở giai đoạn chỉ, ở giai đoạn chỉ thì không hiệu quả ở giai đoạn diệt v.v… Người mới tu ở giai đoạn ly dục ly ác pháp mà muốn pháp hướng có hiệu quả ở giai đoạn chỉ thì không thể nào được, cũng như ở giai đoạn chỉ mà muốn pháp hướng có hiệu quả ở giai đoạn diệt thì không thể được. Chừng nào tu tập viên mãn ở giai đoạn này, làm sung mãn ở giai đoạn kia thì mới thấy hiệu quả pháp hướng tâm cụ thể, rõ ràng.

2. Cách tu Định Niệm Hơi Thở và Chánh Niệm Tỉnh Giác.

Hỏi: Kính bạch Thầy, xin Thầy chỉ rõ cách tu Định Niệm Hơi Thở và Chánh Niệm Tỉnh Giác Định?

Đáp: Cách tu Định Niệm Hơi Thở có 19 giai đoạn tu tập:

              1- Hít vô tôi biết tôi hít vô, thở ra tôi biết tôi thở ra.
              2- Hít vô dài tôi biết tôi hít vô dài, thở ra dài tôi biết tôi thở ra dài.
              3- Hít vô ngắn tôi biết tôi hít vô ngắn, thở ra ngắn tôi biết tôi thở ra ngắn.
              4- Cảm giác toàn thân tôi biết tôi hít vô, cảm giác toàn thân tôi biết tôi thở ra.
              5- An tịnh thân hành tôi biết tôi hít vô, an tịnh thân hành tôi biết tôi thở ra.
              6- Cảm giác tâm hành tôi biết tôi hít vô, cảm giác tâm hành tôi biết tôi thở ra
              7- An tịnh tâm hành tôi biết tôi thở vô, an tịnh tâm hành tôi biết tôi thở ra.
              8- Quán thân vô thường tôi biết tôi hít vô, quán thân vô thường tôi biết tôi thở ra.
              9- Quán thọ vô thường tôi biết tôi hít vô, quán thọ vô thường tôi biết tôi thở ra.
            10- Quán tâm vô thường tôi biết tôi hít vô, quán tâm vô thường tôi biết tôi thở ra.
            11- Quán các pháp vô thường tôi biết tôi hít vô, quán các pháp vô thường tôi biết tôi thở ra
            12- Quán ly tham tôi biết tôi hít vô, quán ly tham tôi biết tôi thở ra.
            13- Quán ly sân tôi biết tôi hít vô, quán ly sân tôi biết tôi thở ra.
            14- Quán từ bỏ tâm tham tôi biết tôi hít vô, quán từ bỏ tâm tham tôi biết tôi thở ra.
            15- Quán từ bỏ tâm sân tôi biết tôi hít vô, quán từ bỏ tâm sân tôi biết tôi thở ra.
            16- Quán đoạn diệt tâm tham tôi biết tôi hít vô, quán đoạn diệt tâm tham tôi biết tôi thở ra.
            17- Quán đoạn diệt tâm sân tôi biết tôi hít vô, quán đoạn diệt tâm sân tôi biết tôi thở ra.
            18- Với tâm định tỉnh tôi biết tôi hít vô, với tâm định tỉnh tôi biết tôi thở ra.
            19- Với tâm giải thoát tôi biết tôi hít vô, với tâm giải thoát tôi biết tôi thở ra

Đây là 19 giai đoạn khái niệm tu tập về Định Niệm Hơi Thở, còn nếu tu tập cho trọn vẹn là phải 40 giai đoạn.

Hiện giờ con nên tu tập giai đoạn thứ nhất của Định Niệm Hơi Thở trong một tháng khiến cho tâm nhu nhuyến thuần thục quen dần với hơi thở và với phương pháp này. Vì từ xưa đến nay người tu tập hơi thở bằng cách quán niệm hơi thở nên thường ức chế tâm để cho hết vọng tưởng

Bắt đầu tu con ngồi kiết già hoặc bán già, lưng thẳng, hai bàn tay để chồng nhau lên trên hai bàn chân, hai ngón tay cái đụng đầu vào nhau, khi thân ngồi yên lặng con cảm giác toàn thân được yên ổn, con Như lý tác ý: “Ý thức phải tập trung biết hơi thở ra biết hơi thở vô.

Hai mắt con bắt đầu tập trung nhìn mũi, con vừa hít vô vừa nhắc tâm: “Hít vô tôi biết tôi hít vô,” sau khi hít vô xong, con vừa thở ra vừa nhắc tâm: “Thở ra tôi biết tôi thở ra.

Một hơi thở đầu con nhắc tâm như vậy và bốn hơi thở kế tiếp con không nhắc, vẫn để tâm tự nhiên biết hơi thở ra và hơi thở vô, xong năm hơi thở con đứng dậy đi kinh hành. Trước khi đi kinh hành con nhắc tâm: “Đi kinh hành ý thức phải biết đi kinh hành.

Bắt đầu đi kinh hành con chú ý bước chân đi và đi rất tự nhiên, đi theo thói quen đi hằng ngày của mình. Không nên đi chậm quá mà cũng không nên đi nhanh quá, đi như người vô sự. Trong khi đi con thầm đếm mỗi bước đi là một số 1, 2, 3, 4, cho đến 20 bước, mỗi 5 bước là con hướng tâm một lần: “Tôi đi kinh hành tôi biết tôi đi kinh hành,” đúng 20 bước thì con ngồi trở lại y như lúc ban đầu con ngồi tu hơi thở.

Con nên lưu ý: giai đoạn tu tập này mục đích là tập luyện sự tỉnh thức, sự tinh cần và nghị lực chứ không phải tu tập cho hết vọng tưởng.

Sau khi tu tập một tháng cho thuần thục Thầy sẽ dạy tiếp giai đoạn 2. Còn nếu bây giờ Thầy dạy hết 18 đề mục Định Niệm Hơi Thở này thì con chỉ học để hiểu chứ tu hành bị rối rắm như cuộn tơ. Vì thế Thầy bảo rằng: nếu có cơ sở sống đúng phạm hạnh Thầy trực tiếp dạy các con tu tập, chứ viết ra thành sách cho các con hiểu để mà hiểu, còn tu tập thì không phải dễ.

Về hơi thở phải tu tập từng đề mục cho thuần thục, khi thuần thục đề mục này xong thì mới tu tập đề mục khác, chứ không phải tu một lần luôn cả 18 đề mục, và tu tập như vậy là tu sai pháp.

Định Niệm Hơi Thở là pháp môn có lợi ích rất lớn trong vấn đề tu tập xả tâm trên Tứ Niệm Xứ để hộ trì và bảo vệ chân lý. Nếu không có Định Niệm Hơi Thở thì không thể nào tu tập Tứ Niệm Xứ được và cũng không thể nào tu tập pháp xả Tứ Vô Lượng Tâm được.

Bởi vậy Định Niệm Hơi Thở rất cần thiết và hỗ trợ trên bước đường về xứ Phật. Xin quý vị hãy tu tập kỹ lưỡng, đứng coi thường loại thiền định này.

3. Quán và Biết

Hỏi: Kính bạch Thầy, “Quán ly tham tôi biết tôi hít vô, quán ly tham tôi biết tôi thở ra,” xin Thầy chỉ cách hành chữ “Quán” và nghĩa chữ “Quán” trong câu này. Còn chữ “Biết” là biết hơi thở đang hít vô hay biết ly tham mà tâm đang ly tham hay đã ly tham. Con trạch pháp hướng tâm có phải mình đang vướng mắc hoặc hướng tâm để thấu lý rõ lý mới dùng?

Ví dụ: “Tham” con đang ham muốn cái xe hơi đẹp đắt tiền thì con phải quán lý vô thường, xảy ra nhiều cái khổ khác như cọ quẹt, trộm mất v.v… quán triệt rồi tâm con ly ham muốn cái xe đó đi. Và phải nhắc hoài để nó ly! Thưa Thầy có phải vậy không? Và như vậy biết “tâm ly tham” hay “hành động hít vô?”

Đáp: Trong câu hỏi của con: xin Thầy chỉ “cách hành chữ quán” và “nghĩa của chữ quán.

Quán có nghĩa là quan sát, xem xét, tư duy, suy nghĩ về một pháp gì, một việc gì, một điều gì v.v…

Cách hành chữ quán như câu “Quán ly tham tôi biết tôi hít vô, quán ly tham tôi biết tôi thở ra,” câu này có ba nghĩa và có ba kết quả trong một hành động tu:

1- Nhắc nhở tôi quan sát xem xét tâm tôi có khởi lên tham muốn cái gì không? Nếu có thì tôi phải tỉnh thức quán xét tâm tham muốn đó “để xa lìa” như tôi đang tỉnh thức biết hơi thở vô ra vậy.

2- Nếu không có niệm khởi tâm tham muốn thì nó giúp tôi tỉnh thức trên tâm tôi, tôi biết rõ tâm tôi “không có tham muốn” tức là tôi biết rõ tâm tôi đang ở trong trạng thái “thanh thản, an lạc và vô sự” như tôi đang tỉnh thửc biết hơi thở ra vô rõ ràng vậy.

3- Nếu tâm tôi không có niệm khởi tham muốn thì câu pháp hướng trên sẽ thấm nhuần “lý ly tham” và sau này trở thành một “nội lực không tham muốn” nó sẽ giúp tôi đoạn diệt lòng tham muốn.

Chữ “Quán” ở đây có nghĩa là quan sát xem xét, còn chữ “Biết” có nghĩa là hiểu biết một cách rõ ràng.

Ba kết quả trên đây giúp chúng ta tin tưởng vào pháp môn như lý tác ý của đức Phật bất lay chuyển để hằng giây, hằng phút, hằng giờ, hằng ngày, hằng tháng, hằng năm rèn luyện tu tập xa lìa tâm tham muốn của mình cũng như giống mình biết hơi thở vô, hơi thở ra vậy.

Câu “quán ly tham tôi biết tôi hít vô, quán ly tham tôi biết tôi thở ra,” đó là con đã hiểu được nghĩa thứ nhất của nó “đang vướng mắc.

Biết “tâm bị tham” là chánh, còn hành động hít vô và thở ra là phụ, có nghĩa là nương vào hơi thở vô và ra để biết tâm tham của mình dễ dàng hơn mà xa lìa nó, như đức Phật đã dạy: “Muốn ly dục ly ác pháp thì Định niệm hơi thở vô hơi thở ra phải khéo tác ý.

Ở đây có nghĩa là biết hơi thở để lìa tâm tham, sân, si chứ không phải biết hơi thở để mà biết hơi thở thì không có ích lợi gì. Dùng hơi thở để xả tâm tham, sân, si là có ích lợi, vì tâm được thanh thản, an lạc và vô sự tức là tâm giải thoát. Còn ngược lại dùng hơi thở để nhiếp tâm ức chế tâm không niệm khởi, đó là tu sai, tu không đúng pháp của Phật dạy. Cách thức tu tập này là diệt ý thức khiến cho người tu hành trở thành cây đá.

4. Ly các loại hỷ tưởng

Hỏi: Kính bạch Thầy, xin Thầy cho con nghe qua về cách tu tập để ly các loại hỷ tưởng.

Đáp: Muốn ly các loại hỷ tưởng, khi hành giả diệt tầm, tứ, ý thức ngưng hoạt động, tưởng thức xuất hiện hoạt động thì có những trạng thái hỷ lạc do dục tưởng sanh ra. Lúc bây giờ hành giả muốn lìa xa các trạng thái hỷ tưởng này thì phải xuất Nhị Thiền, nương vào hơi thở vô hơi thở ra và thỉnh thoảng phải Như lý tác ý những câu này: “18 loại hỷ tưởng này phải lìa xa không được ở trong thân tâm này” hoặc “Thân tâm phải ly hỷ tưởng cho thật sạch.

Tu tập như vậy cho đến khi nào các trạng thái hỷ không còn là lúc bấy giờ chúng ta xả niệm hơi thở diệt tầm tứ mà không thấy có trạng thái hỷ là chúng ta đã nhập Tam Thiền. Còn có trạng thái hỷ là nhập Nhị Thiền, cho nên trong kinh dạy: “Ly hỷ trú xả nhập Tam Thiền.

Thầy xin nhắc lại một lần nữa, còn xả niệm hơi thở diệt tầm tứ mà có hỷ lạc là nhập Nhị Thiền.

Khi nào dạy về Thiền căn bản (2) thì Thầy sẽ giảng rõ, còn bấy giờ chưa có ai ly dục ly ác pháp được mà giảng cho nhiều thì mọi người biết để mà biết chứ chẳng có ích gì. Đôi khi còn làm hại người khác, giúp cho họ chỉ biết nói thiền nói đạo miệng để lừa đảo thiên hạ làm như mình đã nhập được thiền định sâu mầu.

Dạy tu tập thiền định mà dạy sai dù là một li, nhưng vẫn đưa hành giả vào chỗ bệnh tật chứ không vào chỗ giải thoát, vì thế xin quý vị lưu ý cảnh giác.

5. Xả lạc, xả khổ, xả niệm thanh tịnh…?

Hỏi: Kính bạch Thầy, xin Thầy hoan hỷ cho con nghe qua cách tu xả lạc, xả khổ xả niệm thanh tịnh. Lạc nào? Khổ nào? Và niệm thanh tịnh nào? Đã là thanh tịnh sao lại phải xả?

Đáp: Muốn xả lạc, xả khổ, xả niệm thanh tịnh thì phải trú vào hơi thở dùng pháp hướng tâm tịnh chỉ han hành thì xả lạc, xả khổ, xả niệm thanh tịnh sẽ đạt được kết quả như ý muốn. Nhưng trước khi xả lạc, xả khổ, xả niệm thanh tịnh thì tâm phải ly dục ly ác pháp hoàn toàn thì tịnh chỉ thân hành không có khó khăn, không có mệt nhọc, không có phí sức, bằng ngược lại chưa ly dục ly ác pháp hoàn toàn mà xả lạc, xả khổ, xả niệm thanh tịnh thì chẳng bao giờ xả được.

Khi tu tập nhập vào tâm bất động thì tâm định tỉnh nhu nhuyến dễ sử dụng. Tâm định tỉnh nhu nhuyến dễ sử dụng là tâm có đủ bảy năng lực Giác Chi. Tâm có đủ bảy năng lực Giác Chi là tâm có đủ Tứ Thần Túc. Khi có đủ Tứ Thần Túc thì xả lạc, xả khổ và xả niệm thanh tịnh rất dễ dàng không có khó khăn không có mệt nhọc.

Xả lạc nào? Xả khổ nào? Và xả niệm thanh tịnh nào? Lạc, khổ và thanh tịnh là ba trạng thái của thọ, tức là cảm thọ:

              1- Thọ lạc;
              2- Thọ khổ,
              3- Thọ bất lạc bất khổ tức là niệm thanh tịnh.
              Trong phần cảm thọ có hai:
             - Cảm thọ thuộc về thân.
             - Cảm thọ thuộc về tâm.

Lạc và khổ thuộc cảm thọ về thân, còn hỷ và niệm thanh tịnh thuộc cảm thọ về tâm. Như vậy ly hỷ, xả lạc, xả khổ và xả niệm thanh tịnh là xả cảm thọ về thân và tâm; xả cảm thọ về thân và tâm là tịnh chỉ các hành trong thân và tâm.

Cho nên người nhập Tứ Thiền toàn thân tâm bất động, thân tâm không còn rung động một chút xíu nào thì hơi thở phải tịnh chỉ. Trong câu hỏi: Lạc nào? Khổ nào? Thanh tịnh nào? Sao thanh tịnh mà lại phải xả?

              Lạc, khổ và niệm thanh tịnh có hai phần:
             1- Lạc, khổ và niệm thanh tịnh do tâm tham dục sanh ra.
             2- Lạc, khổ và niệm thanh tịnh do tâm ly dục sanh ra.

Lạc, khổ và niệm thanh tịnh do dục hoặc do ly dục sanh ra đều phải xả sạch thì mới nhập vào định Tứ Thiền được, còn có trạng thái thanh tịnh thì không nhập vào Tứ Thiền được, dù là thanh tịnh do ly dục sanh. Như vậy đến đây con đã hiểu xả lạc, xả khổ và xả niệm thanh tịnh nào rồi. Đức Phật không chấp nhận ba thọ:

1- Thọ lạc; 2- Thọ khổ; 3- Thọ bất lạc bất khổ.

Thọ là gì? Thọ là các cảm thọ nơi thân tâm. Thọ là một pháp vô thường như các pháp khác; thọ là pháp khổ, là pháp vô ngã. Người tu theo Phật giáo đứng trước các cảm thọ tâm không hề dao động; Thọ lạc không tham đắm, thọ khổ không sợ hãi, thọ bất khổ bất lạc không quan tâm. Vì thế đứng trước các khổ, tâm không hề lay động một mảy may nào. Tâm không hề lay động một mảy may nào tức là xả lạc, xả khổ.

Tại sao lại xả niệm thanh tịnh? Niệm thanh tịnh vẫn còn là một pháp vô thường, khổ, vô ngã. Pháp vô thường, khổ, vô ngã là ác pháp cho nên đức Phật bảo: “Dù Ta nhập các định do ly dục có hỷ lạc, nhưng hỷ lạc không chi phối tâm Ta.

Không chi phối tâm Ta là đức Phật bất động tâm, không dính mắc vào thọ lạc do ly dục sinh, đó là đức Phật xả thọ lạc.

Xả lạc thọ giai đoạn đầu là không dính mắc, không thích thú, không chấp trước, không mong đợi v.v… Khi tâm định tỉnh nhu nhuyến dễ sử dụng thì xả thọ là tâm đình chỉ các hành trong han khiến cho han an lành không còn một chút cảm thọ nào xảy ra.

Khi hơi thở ngưng thì các hành trong han đều ngưng thì cảm nhận trạng thái thanh tịnh của tâm cũng không còn. Đó là phương cách xả niệm thanh tịnh ở giai đoạn Tứ thiền. Ngoài Tứ thiền thì không có thiền nào xả niệm thanh tịnh. Cho nên xả lạc, xả khổ, xả niệm thanh tịnh là chỉ có ở trạng thái Tứ thiền. Người nhập Tứ thiền là người đã xả các cảm thọ và xả luôn tâm niệm thanh tịnh. Đó là phương pháp tu tập làm chủ sự sống chết.

Tu theo Phật giáo mà không tu tập Tứ thánh Định thì không thể nào làm chủ sự sống chế được. Trên thế gian này chỉ có pháp môn Tứ Thánh Định mới tịnh chỉ được hơi thở.

6. Ly hỷ trú xả có phải là pháp hướng tâm…?

Hỏi: Kính bạch Thầy, ly hỷ trú xả có phải là pháp hướng tâm không? Xin Thầy chỉ dạy lại ý này.

Đáp: Ly hỷ trú xả không phải là pháp hướng tâm, ly hỷ trú xả là những danh từ chỉ cho chúng ta muốn nhập Tam Thiền thì phải lìa xa 18 loại hỷ tưởng. Muốn lìa xa 18 loại hỷ tưởng thì phải trú trong pháp xả, pháp xả gồm có hai phần:

             1- Định Niệm Hơi Thở;
             2- Pháp hướng tâm Như lý tác ý.

Khi muốn ly các loại hỷ tưởng thì phải trú tâm vào hơi thở và khéo tác ý xả nó, do đó đức Phật gọi tắt: “Ly hỷ trú xả,” có nghĩa là muốn ly trạng thái hỷ thì phải trú ở trong hơi thở ra, hơi thở vô thì sẽ ly trạng thái hỷ rất dễ dàng không mấy khó khăn và không có mệt nhọc.

Khi tu tập vừa thấy hay cảm nhận một trạng thái tưởng nào thì mau mau xả pháp môn đang tu tập, không được tiếp tục tu tập nữa. Khi xả pháp môn xong thì nên tiếp tục dùng pháp tác ý. Tác ý ngay trạng thái tưởng đó bảo nó phải diệt ngay liền và nương vào tâm thanh thản, an lạc và vô sự và thỉnh thoảng tác ý trạng thái tưởng đó phải dừng lại, cơ thể và tâm phải bình thường.

Tác ý đến chừng nào trạng thái tưởng đó không còn nữa mới thôi. Ly hỷ trú xả không phải là pháp hướng tâm, nó là ngôn ngữ để chúng ta nói cho người khác thông hiểu cách thức lìa xa trạng thái hỷ tưởng. Còn pháp Như lý tác ý là phải tác ý đúng trạng thái tưởng đó, đúng tên của nó, chứ không thể nói chung chung được. “Ly hỷ” là danh từ chỉ chung thì tâm biết trạng thái hỷ gì mà ly.

Ví dụ: Sắc tưởng hiện ra khiến chúng ta thấy ánh sáng như hào quang, hoặc thinh tưởng hiện ra tai nghe tiếng nói của các Tổ hay chư Thiên nói pháp, hay tiếng tụng kinh niệm Phật thì phải tác ý đúng tên của nó như:

Ánh sáng hào quang này là sắc tưởng hãy đi đi. Ta không chấp nhận ngươi.” Hoặc “Tiếng nói của Tổ hay chư Thiên là thinh tưởng, là Ma, hãy đi đi. Ta không chấp nhận ngươi.