Học Giới - Định - Tuệ. Kì 34 (72)

72. TU THIỀN ĐỊNH (1)

1. Lục căn 

Hỏi: Kính thưa Thầy, những nguyên nhân gì làm cho lục căn dễ bị hư hoại, muốn lục căn không hư hoại thì người tu sĩ đạo Phật phải tu như thế nào?

Đáp: Lục căn là những phần tiếp xúc với sáu trần của thân tứ đại. Thân tứ đại do đất, nước, gió, lửa hợp thành thì lục căn cũng do đất, nước, gió, lửa hợp thành. Thân tứ đại hoại diệt thì lục căn cũng hoại diệt, lục căn hoại diệt trước là vì nó mỏng manh, yếu mềm v.v...

Người nhập Diệt Thọ Tưởng Định, thân tứ đại không bị hoại diệt thì lục căn cũng không hoại diệt. Muốn lục căn không hoại diệt thì người tu sĩ phải nhập Diệt Thọ Tưởng Định. Vì chỉ có loại định này mới có một từ trường bảo vệ thân tứ đại cứng chắc như đồng sắt nên không bị hư hoại.

Muốn nhập Diệt Thọ Tưởng Định thì người tu sĩ phải có đạo lực điều khiển ý hành tịnh chỉ, tức là ý căn  ngưng hoạt động.

Muốn ý hành tịnh chỉ, người tu sĩ phải ly dục ly ác pháp, diệt ngã xả tâm.

Muốn ly dục ly ác pháp, diệt ngã xã tâm, người tu sĩ phải sống đầy đủ giới hạnh, đầy đủ giới bổn, sống phòng hộ sáu căn với sự phòng hộ của giới bổn, đầy đủ oai nghi chánh hạnh, thấy sự nguy hiểm trong các lỗi nhỏ nhặt, chơn chánh lãnh thọ và học tập các giới học.

Muốn sống đầy đủ giới hạnh, giới bổn thì người tu sĩ phải dùng pháp Như lý tác ý.

Muốn pháp Như lý tác ý có hiệu quả thì người tu sĩ phải sống thân tâm không phóng dật.

Muốn thân tâm không phóng dật thì người tu sĩ phải sống độc cư. Sống độc cư thì tâm phải thích sống trầm lặng; tâm ưa thích sống trầm lặng, đó là bước đầu khởi sự tâm vào thiền.

Nếu tâm chưa ưa thích sống trầm lặng thì phải tập sống trầm lặng bằng cách thọ Bát Quan Trai Giới như đức Phật đã dạy trong các bộ kinh. Bắt đầu chỉ giữ gìn một ngày đêm sống độc cư trầm lặng, ăn ngày một bữa giống như đời sống của đức Phật ngày xưa.

Nếu một ngày ăn một bữa, sống thấy ưa thích độc cư thì tăng lên hai ngày rồi ba ngày, bốn ngày, năm ngày, v.v... cho đến khi tâm không phóng dật, tức là tâm định trên thân. Khi tâm đã định được trên thân thì hành giả chỉ còn ra lệnh, tịnh chỉ các hành trong thân thì nhập các loại định một cách dễ dàng, dù là Diệt Thọ Tưởng Định cũng không còn khó khăn nữa.

2. Hỷ lạc do ly dục sanh…?

Hỏi: Kính thưa Thầy, khi tu ly dục ly ác pháp thì hỷ lạc sanh. Vậy hỷ lạc này có ở trong 18 loại hỷ tưởng không? Nếu nó ở trong 18 loại hỷ tưởng thì tại sao không cho nó sanh mà để nó sanh rồi khi tu đến Tam thiền lại phải diệt nó? Xin Thầy chỉ dạy cho chúng con được rõ.

Đáp: Loại hỷ tưởng do ly dục sanh không phải loại hỷ tưởng trong 18 loại hỷ tưởng. Vì 18 loại hỷ tưởng này là do dục tưởng, còn hỷ lạc do ly dục ly ác pháp sanh thì không còn dục. Vì thế mà gọi là hỷ lạc do ly dục sanh.

Còn 18 loại hỷ tưởng này sanh ra được là do sự tu tập theo giáo pháp phát triển nên ức chế tâm, ý thức dục bị ngưng hoạt động, ý thức dục không hoạt động được nên tưởng thức dục sanh hỷ lạc. Cho nên trạng thái an lạc mà còn dục tưởng thì không có giải thoát được.

Ở đây chúng ta phải lưu ý, dù là hỷ lạc của ý thức dục, hỷ lạc của tưởng thức dục đều phải xả hết (xả hỷ, xả lạc). Duy chỉ có hỷ lạc của ly dục thì không xả, vì đó là tâm thanh tịnh của chúng ta (không còn dục). Nó là một trạng thái Niết Bàn nên khi nhập sâu vào định thì nó cũng không mất.

Khi bước qua giai đoạn tu Tứ Thánh Định, đức Phật đã tự gạn lọc chỗ này rất nhiều lần:

              1- Hỷ lạc do dục sanh.
              2- Hỷ lạc do tưởng sanh.
              3- Hỷ lạc do ly dục sanh.

Khi có hỷ lạc thì đức Phật rất sợ, vì còn hỷ lạc là còn đau khổ nên đức Phật lặp đi lặp lại chỗ này nhiều lần để xác định: “Hỷ lạc do ly dục, chứ không phải do dục.” Vì thế hỷ lạc này phải là nguồn giải thoát của người tu sĩ, hay nói một cách khác là kết quả trạng thái giải thoát do sự tu tập đúng pháp. Cho nên nhập Tam Thiền là ly hỷ, hỷ này thuộc về hỷ dục tưởng thức do tưởng dục sanh.

Chúng ta cũng nên nhớ, khi nhập Nhị Thiền tầm tứ bị diệt nên định sanh hỷ lạc. Do tầm tứ diệt nên ý thức dục ngưng, vì thế trạng thái hỷ lạc của Nhị Thiền là do tưởng dục sanh, không phải do ly dục sanh. Cho nên đến Tam Thiền thì đức Phật dạy xả hỷ tưởng này.

Ly hỷ, trú xả tức là lìa 18 loại hỷ tưởng. Còn trạng thái Sơ Thiền do ly dục sanh hỷ lạc nên không có dục và dục tưởng. Vì thế hỷ lạc trong Sơ Thiền không có xả mà chỉ xả hỷ lạc của Nhị Thiền mà thôi. Trạng thái hỷ lạc của Sơ Thiền là một tâm hồn thanh thản, an lạc và vô sự của tâm ly dục ly ác pháp.

Nên hiểu hỷ lạc của Sơ Thiền là loại hỷ lạc của người giải thoát dục lậu, hữu lậu và vô minh lậu. Ba lậu hoặc này không còn tác dụng được tâm của người nhập Sơ Thiền. Còn Nhị Thiền do ức chế ý thức, ý thức ngưng hoạt động, tưởng thức thay thế hoạt động nên sanh ra hỷ lạc, cũng giống như người ngủ mới có chiêm bao.

Tóm lại, hỷ lạc do ly dục sanh không giống mười tám loại hỷ tưởng này, hành giả nên lưu ý. Đây là những thứ thiền định của đạo Phật rất đặc biệt mà không có một pháp môn nào của ngoại đạo có được. Bởi thế đức Phật dạy: “Được thân người là khó, mà gặp được Phật pháp còn khó hơn,” thế mà có người gặp được pháp chân chánh của đức Phật lại còn thờ ơ thì quá uổng cho kiếp đời của họ. Một mai mất thân rồi thì trăm muôn ngàn kiếp còn có gặp được chánh pháp hay không?

3. Các pháp không phải của ta.

Hỏi: Kính thưa Thầy, theo như trong kinh dạy, chúng con biết: thân, thọ, tâm, pháp cũng không phải của chúng ta, sắc, thinh, hương, vị, xúc, pháp và nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý cũng không phải của chúng ta. Như vậy, thân này còn có ý nghĩa gì?

Đáp: Trong kinh đức Phật dạy: Thân này không phải của ta, thọ, tưởng, hành, thức cũng không phải của ta, lục căn, lục trần cũng không phải của ta, cho nên nghiệp ác hay thiện cũng không phải của ta. Chỉ vì không hiểu rõ (vô minh) ta mới lầm chấp là của ta, do sự lầm chấp này, chúng ta mới bảo vệ nó tạo ra nhiều điều ác, khiến cho chúng ta phải thọ chịu khổ từ kiếp này đến kiếp khác không hề dứt, cứ mãi trôi lăn trong sáu nẻo luân hồi.

Nhờ giáo pháp của đức Phật dạy chúng ta mới hiểu rõ các pháp trong thế gian là do các duyên hợp mà thành, chứ không có một vật gì thường hằng vĩnh cửu. Đức Phật nói: “Nếu còn có một vật gì thường hằng như một chút xíu đất trong móng tay Ta thì con người không thoát khổ và đạo Ta cũng không xuất hiện ở đời.

Hiện giờ chúng ta đã ngộ được lý duyên khởi ấy, nhưng tu cho thân, thọ, tâm, pháp, lục căn, lục trần, lục thức thật sự không phải là ta, của ta, thì phải tu hết sức và còn phải siêng năng, chuyên cần, tinh cần, tinh tấn và với một nhiệt tâm tha thiết tìm cầu sự giải thoát. Nếu không nỗ lực tu hành thì tất cả những thứ này chúng ta đều cho là thật có, là ta và của ta.

Khi muốn phá thân kiết sử này, ta phải sống một đời sống giới hạnh đầy đủ, phải độc cư trọn vẹn suốt ba năm đến năm năm chứ không phải nói suông được với các pháp này. Hằng ngày phải tu cho đúng pháp, đúng cách, đúng căn cơ đặc tướng. Nếu tu không đúng pháp, đúng cách, đúng đặc tướng căn cơ thì sẽ hoài công vô ích. Tất cả các pháp ấy vẫn bị dính mắc, đều là của ta, là ta. Nói thì rất dễ nhưng bỏ cái ta và của ta rất là khó.

Tu cho đúng pháp của đức Phật dạy thì nghiệp quả của thân không còn ý nghĩa gì cả, vì chuyển nghiệp quả khổ thành nghiệp quả phước báo nên thảnh thơi, an lạc và vô sự. Còn tu sai thì muôn đời nghìn kiếp nghiệp thân cứ tiếp tục mãi tái sanh luân hồi và phải chịu thọ khổ vô lượng kiếp.

Nói các pháp không phải là ta, của ta thì dễ, nhưng tu tập để đến chỗ không còn là ta, của ta thì không phải dễ như trên đã nói. Chỗ này cái ta, của ta cần nên lưu ý: đây chỉ là một triết thuyết lý luận chơi chứ không thể thực hiện được cái không ta, không của ta được.

Người ta gán nhận cho đạo Phật là đạo vô ngã, nhưng thực ra chúng ta nghiên cứu kỹ lại đạo Phật thì đạo Phật là đạo “Hữu ngã thiện pháp” và “Vô ngã ác pháp.

Do vậy đức Phật đã xác định có hai lộ trình: “Có hai đường đi, một là đường ác, hai là đường thiện. Người làm ác từ đường ác đến chỗ khổ, người làm lành dạo chơi đường lành đến chỗ vui.” (Tăng Nhất A Hàm tập 3 trang 498).

Đã đi trên con đường thiện thì làm sao gọi là vô ngã được? Thì làm sao gọi là không ta, không của ta được?

Do những điều trên đây mà chúng ta suy ngẫm và tư duy biết rất rõ các pháp của đức Phật thực hiện được, còn tất cả các pháp của kinh sách phát triển và Thiền Đông Độ chỉ là những lý thuyết suông như: “Phật Tánh, vô ngã, vô sở đắc, ngã pháp đều không,” đó là những điều không thể thực hiện được.

4. Tu Thiền như thế nào là có tiến bộ?

Hỏi: Kính thưa Thầy, người tu thiền như thế nào là có tiến bộ, không tiến bộ và dẫm chân tại chỗ? Phải khắc phục tu như thế nào để có tiến bộ không bị dẫm chân tại chỗ?

Đáp: Người tu thiền, ngồi nhiều hoặc dùng pháp ức chế tâm để dừng vọng tưởng (tâm không niệm thiện, niệm ác) thì sẽ dẫm chân tại chỗ, không có lối tiến tới được nữa. Người tu thiền xả tâm, tâm như đất, xả ít tiến bộ ít, xả nhiều tiến bộ nhiều, xả hết tức là ly dục ly ác pháp, tâm như đất trời thì tu xong việc.

Tu xong việc tâm thường quay vào trong thân, không chạy theo các pháp trần, không dính mắc các pháp ác, tức là tâm không phóng dật theo các pháp bên ngoài, như vậy là tâm đã định vào thân, tâm định vào thân là tâm bất động trước các pháp và các cảm thọ; tâm bất động trước các pháp và các cảm thọ, là tâm giải thoát hay là tâm Diệt Đế, tâm Diệt Đế tức là tâm Niết Bàn, tâm Niết Bàn là tâm đoạn dứt lòng ham muốn và các ác pháp, như vậy tức là tâm nhập vô tướng tâm định.

Muốn xả tâm cho được rốt ráo thì phải sống độc cư, không nên tiếp duyên bên ngoài với ai hết, không làm một việc gì cả, thường quan sát thấy tâm niệm khởi phá độc cư thì phải mau mau xả liền không được duy trì, không được nghe theo các niệm phá hạnh độc cư. Trong lúc độc cư, nếu có tất cả mọi niệm khởi lên dù đúng, sai, phải, trái, những niệm đó đều làm mất hạnh độc cư thì phải mau xả xuống, không nên khởi niệm.

Khởi niệm tức là phóng tâm, phóng tâm tức là theo niệm, theo niệm tức là phóng dật cho nên phá độc cư tức là tâm phóng dật.

Quý vị nên lưu ý, độc cư không được đọc kinh sách, không được làm mọi công việc, không được nói chuyện dù chuyện đạo chuyện đời, không được nghe băng nhạc, băng thuyết giảng, v.v... mà duy nhất chỉ có một việc làm là quán xét thân tâm mình để xả các niệm, tâm ham muốn và các ác pháp, do đó thì mới giữ gìn hạnh độc cư trọn vẹn.

Có giữ gìn hạnh độc cư trọn vẹn như vậy thì sự tu hành mới có tiến bộ, bằng ngược lại thì dẫm chân tại chỗ. Người tu thiền xả tâm mà giữ được hạnh độc cư thì xả tâm rất dễ dàng, còn giữ hạnh độc cư không được thì xả tâm không được nên tu thiền không tiến bộ, nói đúng hơn là không có kết quả giải thoát.

Tóm lại, người tu thiền ức chế tâm là thường dẫm chân tại chỗ, không tiến bộ, giống như các vị Tổ sư Thiền Tông tu mãi mà chỉ có lý luận nói nhiều. Ngược lại tu thiền xả tâm thì có tiến bộ rất cụ thể, tiến bộ trong từng phút, từng giây, từng giờ, từng ngày, chúng ta nhận thấy tâm thanh thản an lạc và vô sự rất rõ ràng.

Muốn tu hành không dẫm chân tại chỗ thì phải giữ gìn hạnh độc cư, nếu giữ gìn hạnh độc cư chẳng được thì tu hành chỉ uổng phí một đời tu mà chẳng ích lợi gì cho mình cho người.

5. Vọng tưởng

Hỏi: Kính thưa Thầy, ý thức có phải là tâm không? Vọng tưởng có phải tâm tán loạn vọng động không? Xin Thầy dạy cho chúng con được rõ.

Đáp: Ý thức là một thức trong sáu thức của thân tứ đại: nhãn thức, nhĩ thức, tỷ thức, thiệt thức, thân thức và ý thức. Nếu gọi ý thức là tâm thì không đúng. Chúng ta nên đặt thành vấn đề, nếu gọi ý thức là tâm thì nhãn thức cũng có thể gọi là tâm, như vậy nhĩ, tỷ, thiệt, thân thức cũng gọi là tâm. Nếu sáu thức đều là tâm thì tâm là sáu thức và như vậy có cần gì phải gọi sáu thức này để làm chi.

Cũng như tưởng thức tự nó nghe, thấy, nếm, ngửi, cảm xúc và phân biệt mà không cần sáu căn. Còn sắc thức của thân tứ đại thì cần đến sáu căn, muốn nghe thì phải có nhĩ căn và nhĩ thức, muốn thấy phải có nhãn căn và nhãn thức chứ không như tưởng thức được.

Do đó ý thức không phải là tâm thức, tâm thức là cái biết để thực hiện Tam Minh chứ không phải như tưởng thức và sắc thức. Bởi khi đức Phật sắp chứng đạo, hoàn toàn Ngài dẫn tâm đến Tam Minh. Đó là Ngài dẫn tâm thức chứ không có dẫn sắc thức và tưởng thức. Như vậy, lúc bấy giờ đức Phật đã dùng tâm thức chứ không phải dùng ý thức và tưởng thức.

Nếu nói tâm thức là vọng tưởng thì không đúng, còn nếu bảo sắc thức và tưởng thức là vọng tưởng thì cũng không đúng. Người ta đã lầm khi thấy niệm lăng xăng trong đầu (loạn tưởng) cho đó là tâm thức, ý thức, tưởng thức thì sai tất cả. Những niệm sanh khởi trong tâm của chúng ta là nghiệp nhân quả do chúng ta huân tập lâu ngày đã thành thói quen (tạp khí) nên thường lăng xăng trong đầu của chúng ta. Chỗ này có rất nhiều người đã hiểu lầm lạc, vì thế nên khi tu hành cứ lo ức chế tâm cho hết vọng tưởng, ngồi thiền nhiếp tâm trong hơi thở, trong câu niệm Phật, trong mỗi hành động đi, đứng, nằm, ngồi v.v...

Vì hiểu sai nên tu sai, muốn tâm không phóng dật, tức là không có vọng tưởng thì phải biết gốc của vọng tưởng từ đâu mà có nó. Nó có từ nhân quả thiện ác, cho nên đức Phật dạy: “Ngăn ác diệt ác pháp, sanh thiện tăng trưởng thiện pháp.” Ngăn ác diệt ác pháp, sanh thiện tăng trưởng thiện pháp tức là tu tập, như vậy sẽ không có vọng tưởng, không có vọng tưởng tức là tâm không phóng dật.

Muốn khắc phục được vọng tưởng thì không nên ức chế tướng vọng tưởng trong tâm ta, mà phải dùng pháp Tứ Chánh Cần xả ly tâm tham, sân, si, mạn, nghi và thất kiết sử thì vọng tưởng sẽ hết, tức là tâm không phóng dật. Tâm không phóng dật là tâm định trên thân hay nói cách khác là tâm đã ly dục ly ác pháp nhập Bất Động Định.

Sau khi Bất Động Tâm thì tâm có đủ Tứ Thần Túc, nhờ Tứ Thần Túc mới nhập Sơ Thiền. Từ đó về sau chúng ta nhập các định như: Nhị Thiền, Tam Thiền và Tứ Thiền như trở bàn tay, không mấy khó khăn và mệt nhọc.

6. Hôn trầm

Hỏi: Kính thưa Thầy, con bị hôn trầm nặng phải dùng pháp gì đối trị?

Đáp: Bị hôn trầm có nhiều nguyên nhân xảy ra:

              1- Lao động nhiều mệt mỏi sanh ra hôn trầm (thân mệt).
              2- Tu tập quá nhiều (tâm mệt) sanh ra hôn trầm.
              3- Tu tập quá ít sanh ra lười biếng nên bị hôn trầm.
              4- Sống độc cư cô đơn sanh ra hôn trầm.
              5- Uống thuốc chỉ thống sanh ra hôn trầm.
              6- Khi thân bị bệnh sanh ra hôn trầm.
              7- Bị ma chướng hôn trầm.  

Muốn phá hôn trầm tùy theo mỗi thứ bệnh mà phá:

1- Lao động nhiều, thân mệt mỏi sanh ra hôn trầm, do đó người tu tập không nên lao động quá sức, lao động quá nhiều. Phải lao động vừa với sức của mình, chúng ta nên biết sự tu tập là một sự lao động rất lớn bằng trí mà còn phải lao động cơ thể quá nhiều thì không thể nào không bị hôn trầm, nên nhớ lao động để tu, chứ không phải để lao động hết công việc.

2- Tu tập là một sự lao động về tinh thần nên tu tập nhiều, tinh thần sanh ra mỏi mệt, do đó mới có hôn trầm. Hôn trầm do tu tập sanh ra thì nên dựng lại thời khóa tu tập cho hợp với sức của mình thì sẽ hết hôn trầm và càng tu càng thấy thích thú hơn.

3- Tu ít sinh ra lười biếng, nên tu đúng theo thời khóa thì hết hôn trầm. Vì tu ít, dư nhiều thì giờ rảnh rỗi, ở không sanh ra lười biếng nên bị hôn trầm tấn công.

4- Người mới sống độc cư, cô đơn không nên ngồi nhiều, đừng nên ở không, phải lao động vừa sức, nhẹ nhàng thì hết hôn trầm.

5- Uống thuốc chỉ thống sanh buồn ngủ, nên đi ngủ và thuốc tan hết là hết hôn trầm.

6- Thân bệnh sanh ra hôn trầm, nên tịnh dưỡng trị bệnh, tu ít lại, xả nghỉ thì hôn trầm sẽ hết.

7- Bị ma chướng hôn trầm thì đi kinh hành, dùng pháp hướng và đem hết nghị lực chiến đấu bằng cách liên tục động thân, hoặc rửa mặt, đi tắm hoặc làm tất cả những hành động khác, mục đích là giữ đúng giờ không đi ngủ trước.

Còn một cách nữa là trèo lên bồ đoàn ngồi kiết già lưng thẳng, mắt nhìn xuống chóp mũi, tập trung tâm tại nhân trung, biết hơi thở ra, vô tại đó, đồng thời hít vô chậm chậm cho hết sức hít vô, rồi lại thở ra, cũng chậm chậm cho hết sức thở ra, tiếp tục thở như vậy, cho đúng 10 hơi thở thì sẽ hết hôn trầm.  

Nếu không hết, còn có một phương cách cuối cùng là thở hơi thở phát ra tiếng kêu, nghĩa là thở mạnh có âm thanh, thở đến khi nào không còn bị hôn trầm thì mới thôi.