Học Giới - Định - Tuệ. Kì 33. (69 71)

69. TU NHƯ THẾ NÀO LÀ ĐÚNG?

Hỏi: Kính thưa Thầy, Thầy dạy chúng con, hằng ngày phải tu cho đúng pháp, đúng cách, đúng căn cơ đặc tướng của mình, song chúng con chưa thấu triệt lắm. Kính mong Thầy chỉ dạy cho chúng con để được thâm hành Phật pháp và giải thoát thân tâm?

               Đáp: Muốn tu tập đúng pháp, đúng cách, đúng căn cơ đặc tướng như thế nào? Chúng ta nên chia làm ba phần:
             1. Đúng pháp.
             2. Đúng cách.
             3. Đúng căn cơ đặc tướng.

1. Như thế nào là tu đúng pháp?

               Sau khi nghiên cứu tường tận biết rõ pháp môn nào là của Phật, pháp môn nào không phải của Phật. Ví dụ:
              1- Pháp môn của Phật là pháp xả tâm, chứ không phải là pháp môn ức chế tâm.
              2- Pháp môn của Phật là pháp môn vô ngã ác pháp, hữu ngã thiện pháp.
              3- Pháp môn của Phật là pháp môn ngăn ác diệt ác pháp, sanh thiện tăng trưởng thiện pháp.
              4- Pháp môn của Phật là pháp môn toàn thiện.
              5- Pháp môn của Phật là một pháp môn đạo đức nhân bản – nhân quả không làm khổ mình khổ người và khổ tất cả chúng sanh.
              6- Pháp môn của Phật là một pháp môn huấn luyện tâm, rèn luyện tâm Như Lý Tác Ý.
              7- Pháp môn của Phật là một pháp môn dùng để dẫn tâm vào đạo đức làm người.

Nếu quý phật tử biết rõ đúng pháp thì sẽ tu tập đúng pháp. Bảy sự hiểu biết trên đây là đúng về Phật Pháp. Còn ngoài ra là sự hiểu sai, hiểu sai Phật pháp tức là tu sai, tu sai thì phí công vô ích mà còn tạo thêm gánh nặng cho phật tử (tín đồ) cúng dường. Cho nên trước khi đi tu thì phải nghiên cứu cho tường tận lời dạy của đức Phật rồi mới tu.

2. Như thế nào là tu đúng cách?

Tu tập đúng cách tức là tu tập xả tâm, xả tâm đúng cách tức là phải khéo léo thiện xảo, tu tập đúng cách là không bao giờ ức chế tâm. Tu tập đúng cách là phải biết pháp nào tu trước pháp nào tu sau. Ví dụ như pháp Tam Vô Lậu Học thì giới luật phải tu trước. Sau khi tu giới luật xong nghĩa là sống đúng giới luật không có vi phạm một lỗi nhỏ nhặt nào thì mới tu tập thiền định.

Còn vi phạm giới luật dù là một giới rất nhỏ thì cũng còn phải tu giới luật trở lại chứ không được tu thiền định. Chừng nào giới luật thanh tịnh thì mới bắt đầu tập tu thiền định. Sau khi nhập xong Tứ Thiền thì mới bắt đầu tu trí tuệ. Thiền định chưa xong mà vội tu trí tuệ là tu sai, tu như vậy trở thành tưởng tuệ chứ không phải là trí tuệ.

Cũng như tu tập Tứ Thánh Định thì phải tu tập Sơ Thiền trước tiên. Sau khi Sơ Thiền được sung mãn thì mới tu tập Nhị Thiền. Sau khi Nhị Thiền được sung mãn thì mới tu tập Tam Thiền. Sau khi Tam Thiền được sung mãn thì mới tu tập Tứ Thiền.

Nếu chúng ta tu tập không đúng cách thì cũng giống như con bò, chân trước chưa bước mà chân sau đã bước thì con bò không thể nào đi được. Cũng giống như vậy, người tu sĩ đạo Phật giới luật chưa nghiêm trì mà tu thiền định thì chẳng bao giờ có thiền định được, thiền định của những người tu sĩ phạm giới là thiền định tưởng. Đó là những người tu không đúng cách.

3. Tu đúng căn cơ đặc tướng

Nếu tu tập không đúng căn cơ của mình thì cũng giống như người nhạc sĩ lên dây đàn, căng quá thì đứt dây, chùng quá thì không thành tiếng. Do đó khi tu hành chúng ta phải biết căn cơ của mình. Vậy muốn biết căn cơ của mình thì phải biết như thế nào?

Căn cơ của chúng ta thể hiện qua nhân tướng và hành tướng. Vì thế khi tu tập chúng ta nên tu tập theo nhân tướng và hành tướng tự nhiên của mình.

Ví dụ: Hành tướng ngoại tự nhiên của mình đi chậm, khi tu tập thì phải theo hành tướng đi chậm mà tu, không được đi nhanh, cũng không đi quá chậm. Khi hành tướng tự nhiên của mình đi nhanh thì tu tập không được đi chậm hoặc quá chậm hoặc quá nhanh, phải đi với tướng tự nhiên của mình.

Hành tướng nội tự nhiên của mình khi hơi thở chậm thì nên tu tập theo hơi thở chậm, hơi thở nhanh thì nên tu tập theo hơi thở nhanh, không nên hơi thở chậm mà khi tu tập thì lại thở nhanh, cũng như hơi thở nhanh mà khi tu tập thì lại thở chậm, tu như vậy không tự nhiên. Không tự nhiên thì có sự ức chế, mà có sự ức chế thì có chướng ngại pháp, có chướng ngại pháp thì không có giải thoát ngay liền, không có sự giải thoát ngay liền là tu sai pháp Phật, tu sai pháp Phật tức là tu theo pháp môn của ngoại đạo.

Nhân tướng là hình dáng của cơ thể, có người có nhân tướng cao, nhưng cũng có người có nhân tướng thấp, người đẹp, người xấu, người trắng, người đen, người mập, người ốm, người mặt dài, mặt ngắn, mặt vuông, mặt chữ điền, mặt bầu, mặt tròn… Tất cả mọi hình tướng khác nhau đều gọi là nhân tướng.

Người tu theo đạo Phật không nên vì nhân tướng mà tu tập. Ước mơ có một tướng đẹp như Phật, ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp, ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp có còn đâu, khi đức Phật nhập Niết Bàn chỉ còn lại một nắm xương vụn bất tịnh thiêu chưa cháy hết.

Mục đích của đạo Phật là tâm bất động trước các pháp và các cảm thọ chứ không phải tướng tốt. Dưới đôi mắt của Phật thì nhân tướng của con người chỉ là tứ đại duyên hợp, bất tịnh uế trược không có đáng cho chúng ta quan tâm, nhưng trong khi tu tập chúng ta biết sử dụng nó như sử dụng một con ngựa để đi đường xa vạn dặm.

Vì thế chúng ta phải biết cách khi thì dụ dỗ, khi thì ra lệnh, chứ không bắt ép nó tu tập nhiều thì cũng không tốt mà tu tập ít thì cũng không có lợi, không được khổ hạnh ép xác, mà cũng không được lợi dưỡng phá giới luật.

Ngày ngày tu tập phải tùy theo đặc tướng của mình mà thực hiện cho đúng pháp thì có kết quả lợi ích rất lớn.

70. NHƯ LÝ TÁC Ý

             Hỏi:  Kính thưa Thầy, cho phép chúng con thưa hỏi về pháp hướng tâm Như lý tác ý. Con biết pháp trên có lợi ích rất lớn, hiệu quả tuyệt vời cho đường tu tập, đó là giúp cho trí tuệ nhạy bén nhanh chóng và giúp cho tâm tạo ra một năng lực siêu việt không thể nghĩ lường.

Xưa đức Phật đã thành đạo và ngày nay Thầy đã nhập được Tứ Thánh Định và Tam Minh cũng đều nhờ đến pháp này. Vì vậy, chúng con xin Thầy chỉ dạy cách thức hướng tâm và tu tập rèn luyện pháp này như thế nào để thành tựu quả giải thoát.

Đáp: Pháp Như lý tác ý là pháp môn dẫn tâm vào đạo rất tuyệt vời, nhờ nó mà huấn luyện được tâm cũng như người huấn luyện voi, cọp, gấu, v.v… làm xiếc. Người huấn luyện thú làm xiếc nếu không nhờ đến những loại bánh đặc biệt và không thiện xảo thì khó mà huấn luyện những loài thú hoang dã.

Pháp Như lý tác ý cũng giống như những loại bánh kia vậy, nhưng cũng phải thiện xảo thì sự tu tập mới có hiệu quả. Tâm của con người giống như một con thú vật rừng hoang dã. Muốn thuần phục nó để sai bảo làm việc tốt hơn theo ý muốn của mình thì phải biết cách dùng pháp Như lý tác ý đúng lúc. Có lúc thì ngọt ngào, có lúc thì cứng rắn, có lúc thì vuốt ve, nhưng có lúc thì roi vọt.

Pháp Như lý tác ý nghe thì đơn giản mà thực hành muốn có hiệu quả thì phải vô cùng khéo léo thiện xảo, nếu không khéo léo thiện xảo cũng chỉ hoài công mà thôi.

Ví dụ: Hằng ngày chúng ta thường hướng tâm: “tâm như cục đất không có tham sân si nữa.” Nhưng mỗi lần có việc đến, tâm tham, sân, si nổi lên là chúng ta phải ngăn chặn liền, đoạn dứt liền với một lòng cương quyết mạnh mẽ như sắt đá. Không thể để cho tâm tham sân si xâm chiếm tâm hồn mình. Sự cương quyết dũng cảm mạnh mẽ ngăn chặn như vậy cũng giống như con thú trở chứng ương ngạnh thì phải roi vọt đánh trị khiến cho nó sợ thì mới có thể dễ sai nó được. Nhưng cũng không phải lúc nào cũng dùng roi vọt đánh trị, mà cũng phải có lúc vuốt ve, an ủi, gần gũi, âu yếm, chăm sóc thương yêu.

Người tu hành biết cách tu tập, rèn luyện pháp này khéo léo và thiện xảo như trên đã dạy thì kết quả mau chóng làm chủ sự sống chết và chấm dứt luân hồi không còn khó khăn như người ta tưởng.

Trong sự tu tập thiền định mà không có pháp Như lý tác ý thì không thể nhập định được. Không nhập được thiền định mà dạy người tu tập thiền định thì đó chỉ là thiền định miệng lưỡi mà thôi. Bởi con đường tu theo Phật giáo mà không có pháp Như lý tác ý thì không phải là con đường tu theo đạo Phật, mà là con đường tà giáo.

Người tu theo đạo Phật được thành tựu giải thoát là nhờ ở pháp Như lý tác ý, nếu không có pháp Như lý tác ý thì không làm sao mà giải thoát được. Vì thế pháp Như lý tác ý là một pháp môn nòng cốt của đạo Phật. “Ý dẫn đầu, ý làm chủ, ý tạo tác các pháp.

Kinh sách Đại Thừa và Thiền Đông Độ không bao giờ có pháp môn này.

71. HỘ TRÌ CÁC CĂN

             Hỏi: Kính mong Thầy từ bi chỉ dạy cho chúng con để hộ trì các căn như đức Phật dạy: “Chớ có nắm giữ tướng chung, chớ có nắm giữ tướng riêng.” Làm thế nào để khi sáu căn tiếp xúc sáu trần không nắm giữ tướng chung, tướng riêng của nó?

Đáp: Sáu căn tức là: mắt, tai, mũi, miệng, thân, ý của mình; sáu trần là: sắc (hình dáng), thanh, (âm thanh), hương (mùi thơm), vị (mùi vị), xúc (cảm giác), pháp (mọi sự việc chung quanh ta).

Bây giờ chúng ta phải hiểu rõ tướng chung như thế nào? Và tướng riêng như thế nào? Đối với sắc khi mắt vừa thấy một hình dáng toàn diện, đó là tướng chung, còn thấy rõ ràng từng đường nét của hình dáng là tướng riêng.

Ví dụ: Khi chúng ta vừa thoáng thấy hình bóng một cô gái, hình bóng vừa thoáng thấy đó là mắt thấy sắc tướng chung của cô gái. Nhưng đến khi lại gần thấy rõ gương mặt, mũi, miệng, tay chân, thân hình và cách trang sức của cô, đó là mắt thấy sắc tướng riêng.

Chúng ta hãy nghe đức Phật dạy ông Anan phòng hộ sáu căn khi mắt thấy sắc không nắm giữ tướng chung và tướng riêng của nó.

              Ông Anan hỏi Phật:
              - “Bạch Thế Tôn! Chúng con là những tu sĩ trẻ tuổi, khi gặp người nữ thì chúng con phải làm sao?
              Đức Phật đáp:
              - “Không nên gặp.

Câu hỏi của ông Anan trên đây có nghĩa là khi mắt thấy tướng chung của sắc thì làm sao cho mắt đừng dính sắc? Đức Phật đáp: “Không nên gặp.” Có nghĩa là giữ gìn mắt đừng cho thấy tướng chung của nó, vì khi đã thấy thì xả bỏ ra rất khó khăn.

Đó là cách phòng hộ thứ nhất của người tu sĩ đạo Phật, có nghĩa là ngừa bệnh hơn trị bệnh. Vì vậy, người tu sĩ đạo Phật muốn phòng hộ sáu căn để khỏi tiếp xúc sáu trần thì khi đi, đứng, nằm, ngồi mắt phải nhìn xuống, không ngó qua, ngó lại, không liếc ngược, liếc xuôi. Tai cũng vậy, cố lắng nghe mọi sự hoạt động trong thân, không được lắng nghe âm thanh bên ngoài.

Vì thế đức Phật dạy chúng ta tu tập thân hành niệm nội hay ngoại cũng nhằm mục đích phòng hộ mắt, tai, mũi, miệng, thân, ý của mình không cho dính mắc sáu trần.

Đi tôi biết tôi đang đi, thở tôi biết tôi đang thở hoặc làm việc gì thì tôi biết tôi đang làm việc đó. Đó là pháp phòng hộ sáu căn đệ nhất của đạo Phật mà các nhà học giả họ không hiểu nên thường dạy mọi người tu trong việc làm. Pháp phòng hộ mà thành pháp ức chế tâm, thật là buồn cười cho những người mù dắt một đám người mù đi.

              Ông Anan hỏi tiếp:
              - Bạch Thế Tôn! Lỡ chúng con gặp thì sự giữ gìn không cho mắt dính sắc thì chúng con phải làm như thế nào?
              Đức Phật đáp:
             - Đừng nói chuyện.

Đây là cách phòng hộ thứ hai. Có nghĩa là thấy được tướng chung của đối tượng thì phải mau mau tránh xa. Đừng nói chuyện, có nghĩa là đừng sáp lại gần, sáp lại gần tức là thấy tướng riêng vì tướng riêng khó bỏ hơn tướng chung.

Trên đây là hai pháp ngăn ngừa. Người tu sĩ biết dùng pháp ngăn ngừa là tốt nhất trong sự tu tập phòng hộ sáu căn. Pháp ngăn ngừa thứ nhất như ông Anan đã hỏi đức Phật ở trên là không cho thấy tướng chung, không thấy tướng chung thì làm sao có dính mắc được. Pháp thứ hai là pháp ngăn ngừa không cho thấy tướng riêng, mà đã không thấy tướng riêng thì làm sao dính mắc được.

Bây giờ chúng ta đọc lại câu hỏi: “Để hộ trì các căn,” đức Phật dạy: “Chớ có nắm giữ tướng chung, chớ có nắm giữ tướng riêng.” Chúng tôi lấy câu chuyện ông Anan hỏi Phật để trả lời và giảng rộng cách thức hộ trì các căn mà đức Phật đã cô đọng qua lời nói ngắn gọn khiến cho chúng ta không biết đâu mà thực hành.

Tóm lại sự phòng hộ, hộ trì các căn là tu chánh niệm tỉnh giác thân hành niệm thì tâm không dính mắc sáu trần. Đó là pháp môn ngăn ác pháp, ly dục tuyệt vời của đạo Phật, chúng ta nên nhớ lấy mà tu tập.

Phần nhiều tu sĩ thời nay không tu tập phòng hộ, hộ trì các căn, vì thế tâm thường phóng dật chạy theo sáu trần, do đó mà tu mãi không thành tựu. Về cách thức hộ trì sáu căn như câu chuyện ông Anan hỏi Phật thì quý thầy cũng đã hiểu rồi.

Nhưng câu hỏi của con ở đây nhắm vào chỗ tu tập khi sáu căn tiếp xúc sáu trần chứ không còn là phòng hộ, hộ trì nữa mà là đi sâu vào phương pháp hóa giải cho căn và trần không dính mắc. Muốn biết pháp hóa giải căn và trần không dính mắc thì chúng ta lắng nghe ông Anan hỏi Phật.

               Ông Anan hỏi Phật:
               - Lỡ chúng con nói chuyện thì làm sao?
               Đức Phật đáp:
              “Quán như em, như chị, như mẹ.
               Trong hội chúng này có vua Ba Tư Nặc tham dự nên nhà vua quỳ xuống hỏi Phật:
               - “Bạch Thế Tôn! Chúng con là hàng cư sĩ không thể quán như vậy được.
               Đức Phật đáp:
               - “Quán bất tịnh.

Qua hai câu trả lời trên đây chúng ta hiểu đức Phật đã dạy chúng ta tu tập pháp môn Định Vô Lậu. Đối với sắc tướng của nữ giới để không dính mắc tâm mình thì phải quán như em, như chị, như mẹ, và nếu còn dính mắc thì phải quán bất tịnh.

Đối với các sắc pháp của vạn hữu thì ta phải quán vô thường, khổ, vô ngã; phải thấy sự nguy hiểm, sự tai hại, sự khổ đau của các sắc pháp; phải tưởng nhàm chán các sắc pháp.

Có tưởng có quán như vậy thì tướng chung tướng riêng không dính mắc.

Tóm lại, khi sáu căn tiếp xúc sáu trần không nắm giữ tướng chung tướng riêng của nó thì chúng ta nên tu Định Vô Lậu, tức là diệt các ác pháp và ly dục trong ta. Cách thức tu tập như vậy gọi là phòng hộ, hộ trì các căn không nắm giữ tướng chung và tướng riêng của nó.

Tịnh chỉ năm thức là điều khiển năm thức ngưng hoạt động, điều khiển năm thức ngưng hoạt động tức là tịnh chỉ hơi thở.

Tịnh chỉ hơi thở tức là xả lạc, xả khổ, xả niệm thanh tịnh. Hay nói một cách khác là “thân hành tịnh chỉ.Thân hành tịnh chỉ là thân định trên tâm, tức là nhập Tứ Thiền hay nói cách khác là gom năm thức nhập Tứ Thiền.