Pháp Học Đầu Tiên: TỨ DIỆU ĐẾ.
6, Lớp thứ sáu: Chánh Tinh Tấn
Chánh Tinh Tấn là lớp thứ sáu trong Bát Chánh Đạo. Vậy Chánh Tinh Tấn là gì?
Chánh Tinh Tấn là sự siêng năng đúng với chánh pháp, có những sự siêng năng mà không đúng chánh pháp như những tu sĩ và cư sĩ siêng năng “Niệm Phật, trì chú, tụng kinh, bái sám, ngồi thiền, v.v…” đó không phải là Chánh Tinh Tấn, mà là Tà Tinh Tấn.
Chánh Tinh Tấn mà đức Phật đã xác định rất rõ ràng là “Tứ Chánh Cần.” Người nào có Chánh Tinh Tấn tức là hằng ngày siêng năng tu tập “Ngăn ác diệt ác pháp, sanh thiện tăng trưởng thiện pháp.” Và sự tu tập siêng năng như vậy sẽ mang lại cho họ ngay liền một cuộc sống thanh thản an vui và vô sự.
Cách thức tu tập Tứ Chánh Cần thì quý vị đã học rồi, chúng tôi không cần giảng ra đây làm mất thì giờ vô ích. Người mới bắt đầu tu theo đạo Phật thì phải tu học và sống cho đúng theo năm lớp: Chánh Kiến, Chánh Tư Duy, Chánh Ngữ, Chánh Nghiệp, Chánh Mạng.
Nếu đã tu học và sống đúng năm lớp này thì đương nhiên người đó đang tu tập Tứ Chánh Cần, tức là ngăn ác diệt ác pháp, sanh thiện tăng trưởng thiện pháp. Mà ngăn ác diệt ác pháp, sanh thiện tăng trưởng thiện tức là đang thực hiện lớp thứ sáu trong Bát Chánh Đạo, đó là Chánh Tinh Tấn.
Vậy Chánh Tinh Tấn tức là siêng năng tu tập, nhưng siêng năng tu tập cái gì?
Siêng năng tu tập ngăn ác diệt ác pháp tức là siêng năng tu tập: Chánh Kiến, Chánh Tư Duy, Chánh Ngữ, Chánh Nghiệp, Chánh Mạng.
Trong thiền định của đạo Phật thì Chánh Tinh Tấn là phương pháp đầu tiên để tu tập thiền định, nghĩa là hằng ngày đi, đứng, nằm, ngồi, nói, nín đều ngăn ác diệt ác pháp và luôn luôn sống trong thiện pháp để giúp cho thân tâm ly dục ly ác pháp.
Thân tâm ly dục ly ác pháp thì thân tâm mới thanh tịnh, thân tâm có thanh tịnh thì mới bắt đầu có định, chính từ tâm thanh tịnh này chúng ta mới chính thức đi vào thiền định. Nếu thân tâm chưa thanh tịnh mà vội vàng tu thiền định tức là tu sai, tu không đúng như trong Bát Chánh Đạo đã dạy.
Chánh Tinh Tấn tức là Tứ Chánh Cần, Tứ Chánh Cần là một danh từ chỉ chung cho cách thức tu tập của năm lớp trong Bát Chánh Đạo như: Chánh Kiến, Chánh Tư Duy, Chánh Ngữ, Chánh Nghiệp, Chánh Mạng. Trong năm lớp này cách thức tu tập theo Tứ Chánh Cần rất rõ ràng.
Ví dụ: Có một pháp xảy đến, trước tiên chúng ta thấy pháp đó không làm khổ mình khổ người, nhưng muốn chắc ăn hơn chúng ta tư duy suy xét pháp đó đúng là pháp thiện, pháp không làm khổ mình khổ người tức là chúng ta tu tập lớp Chánh Tư Duy. Khi đã tư duy xong pháp đó chúng ta mới đưa ra hành động thân, miệng, ý của mình tức là chúng ta tu tập Chánh Nghiệp.
Hành động Chánh Nghiệp đưa đến thân tâm của chúng ta được thanh thản, an lạc và vô sự. Thân tâm được thanh thản, an lạc và vô sự, đó là chúng ta tu tập Chánh Mạng. Như vậy trong sáu lớp của Bát Chánh Đạo chúng ta tu tập được thân tâm thanh tịnh và giải thoát hoàn toàn.
Còn hai lớp nữa là Chánh Niệm và Chánh Định, như vậy có thừa không? Chúng tôi xin thưa rằng: đức Phật không bao giờ dạy thừa mà cũng không dạy thiếu, vì Đạo Đế là một chân lý trong bốn chân lý thì không lý nào lại dạy thừa mà cũng không lý nào lại dạy thiếu, vì dạy thiếu người đời sau không biết đâu mà tu tập, còn dạy thừa tu tập mất thì giờ vô ích.
Lần lượt chúng ta sẽ tu học trọn hai lớp sau cùng và sẽ thấu rõ tám lớp tu tập của đạo Phật không thiếu không thừa. Sáu lớp này chúng ta chưa thấy đức Phật dạy ngồi thiền, tụng kinh, lạy sám hối hoặc trì chú, niệm Phật, cúng bái, tế lễ v.v… mà chỉ có dạy chúng ta ngăn ác diệt ác pháp. Lần theo dấu vết của Bát Chánh Đạo chúng ta mới thấy rõ thầy Tổ của chúng ta tu sai pháp, lạc vào pháp môn của ngoại đạo tà giáo rất rõ ràng.
7, Lớp thứ bảy: Chánh Niệm
Chánh Niệm là lớp thứ bảy trong Bát Chánh Đạo. Vậy Chánh Niệm là gì?
Chánh Niệm là niệm chân chánh không có tà niệm, niệm thiện, niệm không làm khổ mình khổ người và khổ chúng sanh.
Đức Phật đã xác định Chánh Niệm là Tứ Niệm Xứ, Tứ Niệm Xứ là một tên khác của Chánh Niệm, cho nên người tu Chánh Niệm tức là tu tập Tứ Niệm Xứ. Người đời sau không hiểu vì chưa có thực hành tu chứng nên đã biến Tứ Niệm Xứ thành một loạt thiền ức chế tâm chứ không còn là Chánh Niệm trong Bát Chánh Đạo.
Cho nên Chánh Niệm trong Bát Chánh Đạo mà đức Phật đã xác định là Tứ Niệm Xứ như trên chúng tôi đã dạy, nếu đức Phật không xác định như vậy thì chắc chắn Tứ Niệm Xứ là Tà Niệm. Bởi vì, Chánh Niệm là chân lý của đạo Phật, mà trong đạo Phật thì không thể có hai ba chân lý được, chánh là chánh, tà là tà, không thể cái nào cũng chánh hết cả.
Vì thế pháp môn Tứ Niệm Xứ là giáo trình tu học cho lớp Chánh Niệm của Bát Chánh Đạo. Cho nên tên Chánh Niệm là tên của lớp học, còn Tứ Niệm Xứ là những môn học cho lớp học đó chứ không phải Chánh Niệm là những môn học như Tứ Niệm Xứ. Quý vị có hiểu chưa?
Tu Tứ Niệm Xứ thì ai cũng thông suốt theo kiểu Đại Thừa và kiến giải của các nhà học giả, họ lý giải Tứ Niệm Xứ đủ kiểu cách nhưng nhìn lại quá trình tu tập của mọi người thì kết quả sẽ chẳng đi tới đâu cả. Bởi vì người ta biến Tứ Niệm Xứ thành Tà Niệm, một loại pháp môn tu hành ức chế tâm, chứ không còn là Chánh Niệm nữa.
Như trong bài trước đức Phật đã xác định Chánh Tinh Tấn là Tứ Chánh Cần cũng như trong bài này Chánh Niệm là Tứ Niệm Xứ.
Như vậy trong bốn pháp này chỉ có hai pháp mà thôi, tuy tên có khác nhưng tu tập và kết quả đều đẩy lui các chướng ngại pháp (ác pháp). Theo lời đức Phật dạy trên đây chúng ta phải hiểu như thế nào?
Theo kinh nghiệm tu hành của chúng tôi thì Tứ Chánh Cần và Tứ Niệm Xứ là những pháp môn trong 37 phẩm trợ đạo. Vì thế chúng tôi hiểu rằng đức Phật xác định như vậy là vì Tứ Chánh Cần và Tứ Niệm Xứ là những bài pháp tu học cho lớp Chánh Tinh Tấn và lớp Chánh Niệm chứ không phải Chánh Tinh Tấn và Chánh Niệm là môn học như trên đã nói.
Cách thức tu tập Tứ Niệm Xứ tức là trên thân quán thân tỉnh giác Chánh Niệm để khắc phục tham ưu ở đời, đó là kinh dạy như vậy. Nhưng chúng ta phải hiểu quán là quan sát, quán xét trên bốn chỗ thân, thọ, tâm, pháp, bốn chỗ này đức Phật gọi là Tứ Niệm Xứ. Quan sát, quán xét trên bốn chỗ này để làm gì?
Trên bốn chỗ này thường có Tà Niệm xảy ra (ác pháp) vì vậy mà phải quan sát, quán xét cho kỹ để phát hiện ra những Tà kiến, Tà Niệm. Phát hiện ra được những Tà Kiến và Tà Niệm là chúng ta đã đẩy lui chúng ra khỏi tâm tư mà đức Phật gọi là khắc phục tham ưu.
Công việc tu hành Tứ Niệm Xứ là chỉ có quan sát bốn vị trí này để diệt trừ các chướng ngại pháp. Cho nên tâm thường ở trong Chánh Niệm tức là không có Tà Niệm, không có Tà Niệm tức là không có niệm ác, không có niệm ác thì thân tâm thanh thản an lạc và vô sự.
Quý vị nên lưu ý trong Bát Chánh Đạo có hai nẻo tu tập xả tâm như: 1- Chánh Tinh Tấn; 2- Chánh Niệm.
Chánh Tinh Tấn thì ngăn ác diệt ác pháp, sanh thiện tăng trưởng thiện pháp. Đây là pháp tu tập phòng hộ bảo vệ thân tâm không cho các ác pháp bên ngoài xâm chiếm vào bốn chỗ thân, thọ, tâm, pháp. Chánh Tinh Tấn giống như chiến thuật chiến lược ngăn và đánh giặc, không cho giặc tấn công vào lãnh thổ.
Học lớp Chánh Niệm là học lớp khắc phục tham ưu có nghĩa là chiến đấu với nội tâm của mình khi thân, thọ, tâm, pháp của chúng ta có chướng ngại thì dùng Tứ Niệm Xứ đã học trong lớp Chánh Niệm để đẩy lui ác pháp.
Cũng giống như một nhà vua dùng chiến thuật, chiến lược diệt giặc nội chiến để đem lại đất nước thống nhất, tức là trị nội loạn. Còn dùng Tứ Chánh Cần đã học trong lớp Chánh Tinh Tấn đem ra diệt giặc ngoại xâm.
Qua sự giải thích này quý vị có thể hiểu rõ ràng là Phật giáo có một chương trình giáo dục đào tạo những bậc Thánh vô lậu A-la-hán. Chúng tôi cố gắng giải thích cho quý vị hiểu dễ dàng để không bị Đại Thừa và Thiền Tông lừa gạt, đánh lận pháp môn vào pháp môn của Phật giáo.
Người tu tập theo đạo Phật mà không biết sử dụng Tứ Chánh Cần thì đâu dễ gì ngăn ác pháp bên ngoài được.
Người tu theo đạo Phật mà không biết sử dụng Tứ Niệm Xứ thì đâu dễ gì diệt ác pháp trong nội tâm được.
Tóm lại, tu học lớp Chánh Tinh Tấn là cách thức ngăn và diệt các ác pháp bên ngoài, còn tu học lớp Chánh Niệm thì tu học cách thức đoạn diệt các ác pháp bên trong.
8, Lớp thứ tám: Chánh Định
Chánh Định là lớp thứ tám của Bát Chánh Đạo, đây cũng là lớp cuối cùng của Đạo Đế. Vậy Chánh Định là gì?
Chánh Định ở đây có nghĩa là ngưng hoạt động, tịnh chỉ các hành trong thân và tâm.
Đức Phật đã xác định Chánh Định là Bốn Thiền tức là Tứ Thánh Định. Trong Tứ Thánh Định này có bốn thiền như:
1- Sơ Thiền;
2- Nhị Thiền;
3- Tam Thiền;
4- Tứ Thiền.
Muốn nhập Sơ Thiền thì phải tịnh chỉ ngôn ngữ tức là ly dục ly ác pháp.
Muốn nhập Nhị Thiền thì phải tịnh chỉ tầm tứ tức là lìa sáu thức: nhãn thức, nhĩ thức, tỷ thức, thiệt thức, thân thức và ý thức.
Muốn nhập Tam Thiền thì phải tịnh chỉ tưởng thức tức là ly hỷ dục tưởng.
Muốn nhập Tứ Thiền thì phải tịnh chỉ hơi thở tức là xả lạc xả khổ xả niệm thanh tịnh.
Khi giảng tới đây chúng tôi mới thấy rõ Đạo Đế của đạo Phật thật là một chân lý giải thoát thực tế, cụ thể và rất rõ ràng. Chỉ còn có quyết tâm tu tập hay không tu tập mà thôi đều là do hành giả chứ không phải do pháp môn nữa, vì lớp học Chánh Định này dạy Bốn Thiền quá rõ ràng.
Không còn một điểm nào nghi ngờ lớp học này được nữa, và cũng không còn một Tà Thiền, Tà Định nào lừa đảo, dối gạt chúng ta được nữa. Bát Chánh Đạo đã xác định từ cách thức tu tập xả tâm ly dục ly ác pháp, cho đến cách thức nhập các định cụ thể rõ ràng.
Không còn có một pháp môn của ngoại đạo nào lồng vào giáo pháp của đạo Phật được, lồng đến đâu người ta đều thấy bộ mặt giả của nó, vì Bát Chánh Đạo đã chỉ cho chúng ta biết rất rõ.
Những bài vở học tu ở lớp nào ra lớp nấy, đâu đó rõ ràng, có mạch lạc, có thứ lớp từ thấp đến cao. Cho nên theo chương trình giáo dục đào tạo ở trên thì giáo pháp của Đại Thừa, Thiền Đông Độ và Mật Tông không còn gạt được ai nữa.
Nếu ai có đủ duyên học tập Tứ Diệu Đế, hiểu rõ bốn chân lý này thì không còn bị các pháp thiền của ngoại đạo lừa đảo được. Bởi vì đức Phật đã xác định nghĩa lý của thiền định rất rõ ràng. Từ xưa đến giờ người ta hiểu thiền định của Phật giáo không đúng.
Đây, chúng ta nghe các nhà học giả xưa và nay định nghĩa Chánh Định:
“Chánh Định có nghĩa là tập trung tư tưởng vào một vấn đề chánh đáng, đúng với chân lý có lợi ích cho mình cho người. Người theo đúng Chánh Định thường tập trung tư tưởng để quan sát những vấn đề chính sau đây như: 1- Quán thân bất tịnh; 2- Quán từ bi; 3- Quán nhân duyên; 4- Quán giới phân biệt; 5- Quán hơi thở.”
Như vậy, ở đây quý vị thấy chữ “Định” có đúng nghĩa hay không?
Đức Phật đã xác định nghĩa của chữ “Định” rất rõ ràng “Tịnh chỉ, ngưng hoạt động,” còn các nhà học giả định nghĩa chữ “Định” bằng cách “Tập trung tư tưởng rồi quán xét các pháp.”
Ở trong Bát Chánh Đạo chúng ta thấy rất rõ, tập trung tư tưởng quán xét các pháp là ở các lớp tu tập đầu tiên như: “Chánh Kiến, Chánh Tư Duy, Chánh Ngữ, Chánh Nghiệp, Chánh Mạng, Chánh Tinh Tấn và Chánh Niệm, còn Chánh Định thì không còn tư duy quán xét mà chỉ có tịnh chỉ các hành trong thân ngũ uẩn. So sánh như vậy chúng ta thấy rất rõ ràng, người tu thiền thời nay và thiền của đạo Phật ngày xưa thì không giống nhau.
Tóm lại, Định Vô Lậu câu hữu với Tứ Thánh Đế tức là nhờ quán xét tu tập Tứ Thánh Đế mà thân tâm hoàn toàn vô lậu, vô lậu tức là giải thoát không còn khổ đau nữa. Nếu được sanh làm người, được gặp Tứ Thánh Đế và được tu tập Đạo Đế thì sẽ làm chủ sanh, già, bệnh, chết và chấm dứt tái sanh luân hồi trong một kiếp này mà thôi.