89. CHÁNH PHÁP CÒN PHẢI BỎ HUỐNG LÀ PHI PHÁP
Hỏi: Kính thưa Thầy, ý nghĩa câu: “Chánh pháp còn phải bỏ huống hồ phi pháp.” (Kinh Ví dụ con rắn - Trung Bộ 1 trang 307). Xin Thầy giảng cho chúng con được rõ?
Đáp: Đúng như vậy “Chánh pháp còn phải bỏ huống là phi pháp.”
Ví dụ: Hiện giờ chúng ta dùng 37 phẩm trợ đạo mà tu tập, sau khi tu xong rồi thì chúng ta còn tu nữa không? Vậy 37 phẩm trợ đạo khi người tu xong thì không còn giá trị gì cả.
Nhờ 37 phẩm trợ đạo chúng ta xả ly và xa lìa các pháp thế gian, nhưng khi từ bỏ xa lìa các pháp thế gian rồi thì 37 phẩm trợ đạo cũng không còn dùng được nữa. Bởi vì 37 phẩm trợ đạo tuy là chánh pháp nhưng nó chỉ dùng để trừ diệt ác pháp, sau khi diệt trừ ác pháp xong thì nó không còn dùng vào việc gì được nữa, do đó mới có lời dạy:
“Chánh pháp còn phải bỏ huống là phi pháp.”
90. HỦY BỎ NHỮNG HỌC GIỚI NHỎ NHẶT
Hỏi: Trong kinh “Đại Bát Niết Bàn” Đức Phật dạy: “Này Ananda, nếu chúng Tăng muốn, sau khi Ta diệt độ, có thể hủy bỏ những học giới nhỏ nhặt chi tiết.” Đọc hai tập “Giới Đức Làm Người” của Thầy, dù với những giới nếu phạm thì “tội nhẹ” con cũng không thấy giới nào “nhỏ nhặt và chi tiết.” Vậy thế nào là “những học giới nhỏ nhặt chi tiết?”
Đáp: Lời dạy này là của các Tổ sau này đặt ra và xen vào kinh Phật để mạo nhận Phật dạy bỏ các giới nhỏ nhặt, để các vị có phạm giới, phá giới thì bảo đó là những giới nhỏ nhặt, vì thế tín đồ không phê phán được. Ý đồ của các Tổ là dẹp bỏ giới luật của Phật, nhưng không dẹp được nên phải tổ chức theo kiểu vết dầu loang để lần lượt phá sạch giới luật của Phật.
Bằng chứng hiện giờ các con đi tìm một vị tu sĩ giới luật nghiêm chỉnh không bao giờ có. Giới luật Phật giúp cho con người sống có đạo đức thì còn có giới nào nhỏ nhặt không hợp thời? Giới luật là Thánh hạnh thì còn có giới luật nào mà lại bỏ được?
Trong khi Đức Phật thường nhắc nhở các đệ tử của mình: “Này các tỳ-kheo, hãy sống đầy đủ giới hạnh, đầy đủ giới bổn, sống phòng hộ với sự phòng hộ của giới bổn, đầy đủ oai nghi chánh hạnh, thấy sự nguy hiểm trong các lỗi nhỏ nhặt, chơn chánh lãnh thọ và học tập các học giới.”
Trong đoạn kinh này cho chúng ta thấy người tu sĩ lấy giới luật làm sự sống của mình, nhất là câu: “thấy sự nguy hiểm trong các giới (lỗi) nhỏ nhặt.” Vậy giới nhỏ nhặt nào phải bỏ và giới nhỏ nhặt nào nguy hiểm trong đời sống tu hành.
Ở đây Đức Phật có mâu thuẫn trong những lời dạy của mình chăng? Đúng là các Tổ thêm vào để đánh lạc hướng: “Này Ananda, nếu chúng Tăng muốn, sau khi Ta diệt độ, có thể hủy bỏ những học giới nhỏ nhặt chi tiết.”
Giới luật giúp cho tâm chúng ta ly dục ly ác pháp, nhờ giới luật tâm không phóng dật, tâm không phóng dật tức là thiền định chứ không phải thiền định theo kiểu ngồi không vọng tưởng. Giới luật giúp ta nhập các định và thực hiện Tam Minh một cách dễ dàng không có mệt nhọc, không có khó khăn, như vậy thì có giới luật nào nhỏ nhặt mà bỏ được.
Thời nay người ta tu thiền và Tịnh Độ mà giới luật thì dẹp qua một bên, vì thế tu từ đời này sang đời khác mà chẳng ra gì, chỉ có hình thức tu chứ có giải thoát được gì đâu. Các Tổ còn dựng lên câu chuyện ông Ca Diếp và ông Phú Lâu Na tranh chấp về việc bỏ các giới nhỏ nhặt để hạ bệ các vị đại đệ tử A-la-hán của Đức Phật rằng chứng quả A-la-hán vẫn chưa có giải thoát, vì tư tưởng bất đồng, đó là một mưu đồ diệt Phật giáo sâu sắc nhất của các giáo sĩ Bà La Môn.
Câu chuyện xảy ra sau khi đám tang Đức Phật xong, ông Ca Diếp và ông Phú Lâu Na bất đồng ý kiến về việc bỏ những giới nhỏ nhặt, ông Ca Diếp nhất định không bỏ giới nhỏ nhặt nào cả vì ông A Nan không hỏi Phật kỹ giới nào bỏ giới nào lấy. Ông Phú Lâu Na chấp nhận bỏ tất cả các giới nhỏ nhặt, hai người tranh cãi nhau.
Câu chuyện trên đây thật là vô lý:
1- Hai vị A-la-hán này đều do Giới luật mà thành quả A-la-hán (Giới luật là mẹ sinh ra các vị A-la-hán).
2- Những vị A-la-hán lậu hoặc đã diệt sạch thì không có lý do bất đồng ý kiến.
3- Các vị A-la-hán đều có đầy đủ Tam Minh sao không vào Niết Bàn hỏi Phật bỏ giới nào lấy giới nào.
Câu chuyện trên do các nhà Đại Thừa đã bịa đặt để phá giới luật của Phật và để hạ bệ các vị đệ tử của Phật. Thật là một âm mưu sâu độc. Tóm lại, tất cả giới luật của Phật dù lớn hay nhỏ, dù khinh hay trọng, dù hợp thời hay không hợp thời đều không được bỏ một giới luật nào cả.
Tại sao vậy? Như ở trên đã nói giới luật là đức hạnh làm người làm Thánh, cho nên không có giới luật nhỏ nhặt lỗi thời, chỉ có những người phá giới, phạm giới, bẻ vụn giới mới thấy nó lỗi thời.
Vì Giới luật là người thầy dẫn đường đưa lối cho chúng ta đi đúng lộ trình giải thoát của đạo Phật, ngoài giới luật ra không có một vị thầy nào xứng đáng dẫn đường đưa lối cho chúng ta đến đích cứu cánh giải thoát như Phật được.
Vả lại “Giới luật còn là Phật pháp còn, giới luật mất là Phật pháp mất.”
Thời đại này được xem như Phật pháp đã mất chỉ vì các thầy tỳ-kheo đã phạm giới, phá giới và bẻ vụn giới thì Phật pháp làm sao còn. Phải không quý vị?
Hỏi: Kính bạch Thầy, để lý giải cho sự thay đổi về giới, những câu chuyện như:
1- Có vị tỳ-kheo đi khất thực bị xỉu vì đói, sau đó Phật cho phép tỳ-kheo có thể ăn nhẹ, uống sữa buổi sáng để có sức trước khi đi khất thực.
2- Vị tỳ-kheo bị cọp đuổi, vì sợ phạm giới leo cây, bị cọp giết. Sau đó Phật chế lại giới cho leo cây khi hữu sự.
3- Có một quốc độ nam ngồi tiểu bị chế nhạo là nữ, các tỳ-kheo về bạch Phật và được dạy: thì “đứng tiểu vậy.” Phải chăng đây là những câu chuyện bịa đặt để biện hộ cho việc thay đổi giới luật, cho hợp hoàn cảnh không gian và thời gian?
Đáp: Ba câu chuyện trên do các Tổ đặt ra nhằm mục đích phá giới luật, chôn vùi nền đạo đức nhân bản – nhân quả của Phật giáo.
1- Câu chuyện thứ nhất
Một vị tỳ-kheo đi khất thực xỉu vì ăn cơm ngọ, do ăn cơm ngọ không đủ sức khỏe. Nếu tại tu viện chưa có ai ăn cơm ngọ thì nghe câu chuyện này ai cũng tin rằng đúng, nhưng vì ở đây ăn cơm ngọ lao tác mà vẫn thấy bình thường không có ai mệt nhọc, không có ai ngất xỉu nên mới biết câu chuyện này là câu chuyện bịa đặt ra để chạy theo ăn uống giống như người thế gian. Các Tổ vì còn tham ăn mới đặt ra câu chuyện này.
Trong kinh Nguyên Thủy dạy: “Thừa tự Pháp chứ không thừa tự thực phẩm.” Có hai vị tỳ-kheo ở xa đến để gặp Phật, đến nơi thì đã quá giờ thọ trai, một vị thì nhất định không ăn, còn một vị thì ăn những đồ ăn thừa còn lại, khi gặp Phật, Phật chê trách vị tỳ-kheo còn tham ăn và ca ngợi tán thán vị tỳ-kheo giữ gìn giới luật nghiêm chỉnh.
Chính nhờ giữ gìn giới luật nghiêm túc mà vị tỳ-heo này đã ly dục ly ác pháp và chứng quả A-la-hán, còn vị tỳ-kheo kia còn tham ăn, tu hành không ly dục ly ác pháp nên sự tu hành không biết bao giờ mới xong.
Vả lại giới không ăn phi thời là một Thánh hạnh của một bậc Thánh tăng, người ăn uống phi thời mà muốn làm Thánh tăng sao được. Thấy cách sống mà biết Thánh hay phàm. Bởi giới luật của Phật là đạo đức làm người, làm Thánh. Ai sống đúng giới luật của Phật là Thánh, là Hiền.
Vì tâm còn phàm phu tục tử tham ăn đặt điều ra nói Phật dạy bỏ những giới nhỏ nhặt không hợp thời để chạy theo dục lạc thế gian, những vị Tổ này không đáng cho ta đầu đội vai mang.
2- Câu chuyện thứ hai
Vị tỳ-kheo bị cọp đuổi trèo lên cây để phá giới Phật cấm tỳ-kheo không được trèo cây. Giới luật này chúng ta phải hiểu, Đức Phật cấm trèo cây tức là dùng tay chân ôm cây trèo lên giống như một con thú (loài khỉ vượn). Giới luật Phật muốn dạy con người thoát ra khỏi bản chất loài cầm thú vì thế mới cấm đệ tử của mình trèo cây không riêng cho tu sĩ mà ngay cả cư sĩ, vì 100 giới chúng học là 100 giới đức làm người.
Vì thế, một con người không thể là một con thú vật được. Theo như Đức Phật dạy những giới luật này để tránh hành động vô tình biến mình thành loài thú vật.
Muốn trèo cây hoặc lên từng gác, lầu đều phải dùng thang, ghế để biến hành động trèo cây, lên lầu xuống lầu mà không phạm giới, không trở thành loài thú vật. Muốn hái trái xoài, trái mít thì đừng ôm cây trèo lên, mà hãy bắc ghế, thang:
- Thứ nhất là không nguy hiểm.
- Thứ hai là trèo cây mà không giống như loài thú vật.
Giới này chế ra có hai mục đích giáo dục đạo đức làm người, khiến cho người ta không xảy ra tai nạn, vì tai nạn xảy ra sẽ làm khổ mình khổ người, và thoát ra khỏi hành động còn mang bản chất của loài thú vật. Các Tổ không hiểu những giới luật này là đức hạnh làm người để thoát ra bản chất của loài động vật, các ngài cho nó là những giới nhỏ nhặt, xem thường nên đặt ra câu chuyện cọp đuổi bắt, vị tỳ-kheo túng thế phải trèo cây và nhờ đó Đức Phật chế lại cho phép tỳ-kheo trèo cây.
Câu chuyện này hết sức vô lý, vì giới luật là đức hạnh làm người, làm Thánh thì có giới nào là nhỏ nhặt. Giới luật nào cũng đáng cho chúng ta phải học và sống đúng để không làm khổ mình, khổ người; để ly dục ly ác pháp; để tâm hồn được thanh thản, an lạc và vô sự; để nhập thiền định; để làm chủ sự sống chết và luân hồi. Giới luật là vô giá như vậy, thế mà các Tổ không hiểu nên lúc nào cũng muốn tìm cách bỏ ra để được tự do phóng dật theo dục lạc thế gian. Thật đáng thương thay!!!
Tóm lại những câu chuyện trên đây là một sự bịa đặt ra của các Tổ, ngõ hầu để diệt nền đạo đức nhân bản của Phật giáo.
3- Câu chuyện thứ ba
Có một quốc độ nam ngồi tiểu bị chế nhạo là nữ nên Phật chế giới lại cho đứng tiểu. Đặt ra câu chuyện này:
Thứ nhất là các Tổ không hiểu Giới luật là đức hạnh làm người làm Thánh, giới luật là thiện pháp để diệt ác pháp, chuyển quả khổ thành phước báo an vui, giới luật là thiền định để có đủ năng lực làm chủ được sự sống chết và luân hồi.
Thứ hai là các Tổ xem thường Đức Phật như một người tầm thường, chế giới luật mà cứ sửa đi sửa lại như vậy làm sao gọi Phật được? Phật là người có trí tuệ thì không thể nào chế giới luật giống như người thế gian, đặt ra pháp luật mà cứ sửa tới sửa lui mãi.
Thật là vô lý hết sức, một người làm Giáo chủ của đạo Phật, đạo Phật là đạo trí tuệ thì vị Giáo chủ phải đầy đủ trí tuệ, cớ sao các Tổ đặt ra những câu chuyện như vậy để hại Đức Phật, biến Đức Phật trở thành người vô minh, không trí tuệ và các vị Tổ là người minh, người sáng suốt biết bỏ những giới luật nhỏ nhặt không hợp thời để biến đạo Phật hợp thời đại. Bởi các Tổ muốn cho đạo Phật hợp thời đại, vì thế đạo Phật bị thế tục hóa, do đó người tu sĩ Phật giáo tu mãi thành người giàu có, thành người có quyền uy thế lực.
Muốn cho hợp thời, vì thế tu sĩ đều phạm giới, phá giới, con đường chân chánh tu tập của Phật giáo đã trở thành con đường tà giáo ngoại đạo, giới luật đã được ném ra khỏi cổng chùa, người tu sĩ chỉ còn danh và lợi, sự giải thoát khó mà tìm thấy được ở đời này.