Chánh Đạo - Tà Đạo. Kì 32 (84-88)

84. MUỐN NHẬP ĐỊNH THÌ PHẢI SIÊNG NĂNG LỄ PHẬT  

Hỏi: Kính bạch Thầy, thầy Chân Quang bảo rằng ngồi thiền mà còn nhiều vọng tưởng là còn thiếu phước, phải chịu khó siêng năng lễ Phật, một thời gian sau sẽ nhập định dễ dàng hơn.

Chúng con nhớ lời Thầy dạy: “ly dục ly bất thiện pháp, diệt ngã xả tâm quét sạch ngũ triền cái và dứt bỏ thất kiết sử thì tâm được thanh tịnh và tâm nhập Vô Tướng Tâm Định, (Bất động Tâm Định).

Chúng con tu tập Chánh Niệm Tỉnh Giác và Định Vô Lậu thì thấy vọng tưởng thưa dần. Như vậy có đúng không? Xin Thầy chỉ dạy.

Đáp: Có người bảo rằng: Ngồi thiền mà còn nhiều vọng tưởng là còn thiếu phước nên phải chịu khó siêng năng lễ Phật, một thời gian sau sẽ nhập định dễ dàng hơn. Lời dạy này chúng ta thấy rất mơ hồ, chỉ tưởng giải theo chữ nghĩa của câu kinh: “Năng lễ sở lễ tánh không tịch.

Đây là một câu kinh của kinh sách phát triển do tưởng tri của các Tổ viết ra để lừa đảo con người, để dựng lên tánh không mà Thiền Tông đã lấy đó làm Phật tánh. Kinh sách phát triển đã là sai, mà người lấy câu kinh này tưởng ra thì lại còn sai hơn nữa là chỗ vọng tưởng và phước báo.

Chữ phước ở đây là phước vô lậu hay phước hữu lậu không xác định rõ. Nếu bảo rằng có phước hữu lậu thì nhập định dễ dàng, nếu vậy thì những nhà giàu có, vua, quan v.v… đều là những người nhập định dễ dàng. Vậy họ có hết vọng tưởng không và có nhập định dễ dàng không? Lý này không thể có được.

Còn nếu bảo rằng phước vô lậu do siêng năng lễ Phật mà có thì điều này là vọng ngữ sống trong tưởng tri mà nói ra. Đức Phật dạy phước vô lậu là do “ngăn ác diệt ác pháp, sanh thiện tăng trưởng thiện” sanh thiện tăng trưởng thiện không phải là phước vô lậu sao?

Đức Phật đâu có dạy lễ Phật mà có phước vô lậu, cho nên Đức Phật dạy rõ ràng không có mơ hồ, trừu tượng như nhà học giả này, còn bảo rằng lễ Phật sau một thời gian nhập định dễ dàng thì các người tu theo Tịnh Độ Tông là những nguời siêng năng lễ Phật nhất thế gian mà họ có hết vọng tưởng và nhập định được đâu .

Ở đây chúng ta nên phân biệt phước hữu lậu và phước vô lậu tu như thế nào để có được hai loại phước này?

Người biết cúng dường bố thí đúng chánh pháp, tức là đem của cải tài sản bố thí cho người bất hạnh trong xã hội, nhưng những người này không có tham lam, trộm cắp, cướp của, giết người thì mới có phước hữu lậu, còn ngược lại thì chẳng được phước gì cả, nhiều khi còn phải thọ khổ, cho nên có nhiều người làm từ thiện mà trong nhà không thiện chút nào.

Đem cơm, thực phẩm, y áo, giường nằm và thuốc thang dâng lên cúng dường cho những bậc chân tu giới luật đức hạnh thanh tịnh, thiền định sâu mầu thì được phước hữu lậu, bằng ngược lại phi công đức nghĩa là cúng dường cho những người phá giới, phạm giới thì không được phước mà còn có tội thêm.

Chúng tôi chưa từng thấy trong kinh Nguyên Thủy Đức Phật dạy siêng năng lễ Phật sẽ nhập định dễ dàng bao giờ. Bởi vậy người sau thường hay dựng lên những sự tưởng tượng trong khi mình chưa thực hiện được những điều mình dựng lên mà dám dạy người, may mà sự lễ Phật không có tai hại chứ còn nhiều thứ khác rất tai hại như Thiền Đông Độ và Thiền Minh Sát Tuệ ức chế tâm, nhất là tham công án khiến cho hành giả tu căng mặt, tức ngực, căng thần kinh, đau đầu v.v… Người dạy nhập thiền định kiểu này là người chưa bao giờ biết thiền định, chỉ dựa theo kinh sách phát triển dạy ức chế tâm, khi nào tâm hết vọng tưởng là nhập định, dạy kiểu này là dạy thiền điên.

Đức Phật dạy: “Tịnh chỉ ngôn ngữ nhập Sơ Thiền, tịnh chỉ tầm tứ nhập Nhị Thiền, ly hỷ tưởng nhập Tam Thiền, tịnh chỉ hơi thở nhập Tứ Thiền, hoặc ly dục ly ác pháp hoặc tâm không phóng dật nhập Sơ Thiền” chứ Đức Phật đâu có dạy hết vọng tưởng là nhập định.

Đây là một loại thiền định mới của những nhà học giả đẻ ra trong thế kỷ thứ 21. Lễ Phật để chư Phật gia hộ cho hết vọng tưởng, nhập định dễ dàng mà đời sống ăn uống phi thời, chạy theo danh lợi, tham tiền, tham bạc, tham xe cộ, chùa to Phật lớn v.v… thì dù có lễ mòn đầu gối cũng chẳng hết vọng tưởng. Còn các con tu tập Chánh Niệm Tỉnh Giác Định và Định Vô Lậu để ly dục ly ác pháp diệt ngã xả tâm… thấy vọng tưởng thưa dần là tu đúng cách.

Mục đích ở đây tu hành là để tâm thanh tịnh (không tham, sân, si) chứ không phải diệt vọng tưởng mà vọng tưởng thưa dần là triệu chứng tâm ít phóng dật. 

85. MINH

Hỏi: Kính bạch Thầy, sách Đường Về Xứ Phật tập VI, Thầy có giải nghĩa “Minh” có từ giới luật, và có đoạn ông Bàn Đặc tối tăm dốt nát, sau khi được Phật dạy tu hành, chứng quả A-la-hán thông suốt tam tạng kinh điển, như vậy thời Phật tại thế có kinh điển sao?

Và sao Thầy lại bảo quý thầy đọc các bộ kinh Nguyên Thủy cũng như kinh sách phát triển để khi có ai hỏi để biết trả lời. Theo con nghĩ Thầy nên quán xét và độ họ tu nhanh, giải thoát xong thì có cái gì là không biết? Con thắc mắc xin Thầy chỉ dạy.

Đáp: Nói về “Minh” thì các nhà kinh sách phát triển hiểu “Minh” có nghĩa là sự hiểu biết một cách rộng rãi bao la mà không cần học cho nên câu chuyện ông Châu Lợi Bàn Đặc là một câu chuyện bịa đặt của các nhà phát triển.

Ông Châu Lợi Bàn Đặc trong kinh Nguyên Thủy là người tối tăm học bốn câu kệ mãi mà không thuộc, khi chứng quả A-la-hán, ông thể hiện thần thông biến ra vô số ông Bàn Đặc ngồi khắp trong rừng. Còn kinh sách phát triển nói: khi ông chứng quả A-la-hán liền thông suốt Tam Tạng kinh điển lên đàn thuyết giảng.

Trong kinh Nguyên Thủy chúng ta còn tin vì khi ông Châu Lợi Bàn Đặc chứng quả A-la-hán thị hiện thần thông, còn kinh sách phát triển chúng ta không tin là vì thời Đức Phật chưa có Tam Tạng kinh điển thì lấy gì gọi là thông suốt.

Người ta hiểu lầm ý nghĩa “trí tuệ” của đạo Phật, tưởng khi tu chứng đạo là thông suốt cả tam thiên đại thiên thế giới, cái gì cũng hiểu tất cả, điều đó là sai. Đức Phật đã xác định: “Nếu bảo rằng Ta hiểu biết tất cả là có nói láo trong Ta.” (lời dạy này trong kinh Tăng Chi). Khi tu chứng là có sự hiểu biết không làm khổ mình khổ người; là có sự hiểu biết đạo đức nhân bản làm người. Sự hiểu biết đó có mục đích giải quyết sự đau khổ của con người chứ không phải là sự thông suốt vũ trụ cái gì cũng biết. Nếu tu chứng mà biết như vậy có ích lợi gì hay biết như vậy để đi ra tranh luận hơn thua cao thấp với mọi người?

Đức Phật nói: “Trí tuệ đâu là giới luật đó, giới luật đâu là trí tuệ đó.” (kinh Trường Bộ), giới luật tức là đức hạnh, vậy chỗ nào có đức hạnh chỗ đó có trí tuệ, đức hạnh và trí tuệ được gắn liền với nhau. Trí tuệ thông suốt Tam tạng kinh điển chưa hẳn là trí tuệ đức hạnh.

Kinh điển phát triển phần nhiều có những bài kinh dạy mê tín trừu tượng, mơ hồ và phi đạo đức v.v… Như vậy người thông suốt Tam Tạng kinh điển chưa hẳn là người có “Minh.” Minh của đạo Phật có nghĩa là sự hiểu biết không làm khổ mình, khổ người và khổ tất cả chúng sanh. Ở đây Thầy khuyên đệ tử đọc kinh sách Nguyên Thủy cũng như kinh sách phát triển là để:

              1- Thấu rõ âm mưu thâm độc của Bà La Môn giáo đã, đang và hiện tại diệt Phật giáo bằng những danh từ chấn hưng đạo Phật.
              2- Biết rõ pháp môn nào của Phật giáo và pháp môn nào không phải của đạo Phật.
              3- Khi có người cật vấn nếu không đọc hai loại kinh sách này thì biết đâu mà trả lời cho đúng. Vì Minh của đạo Phật không có nghĩa là trí tuệ hiểu biết sự tào lao (tam tạng kinh điển của Bà La Môn), minh của đạo Phật là trí tuệ hiểu biết để làm chủ sự sống chết và chấm dứt luân hồi.

Thầy xin nhắc lại một lần nữa, khi Đức Phật tu chứng, Ngài nói: “Nếu Ta nói Ta hiểu biết tất cả trong thế gian này là có nói láo trong Ta.

Kinh sách phát triển dựa vào lời nói của Đức Phật: “Ta dạy cho các tỳ-kheo như nắm lá cây trong lòng bàn tay và Ta tu chứng như rừng lá cây.” Nghe câu nói này, những người không hiểu biết về Phật giáo nên nghĩ tưởng rằng: Đức Phật tu chứng đạo là biết tất cả mọi việc trong tam thiên đại thiên thế giới cái gì cũng biết.

Do sự hiểu sai này nên mới bịa ra câu chuyện ông Châu Lợi Bàn Đặc u tối, nhưng khi tu chứng quả A-la-hán thì thông suốt Tam Tạng kinh điển, đó là một điều nói láo của kinh sách phát triển. Nói không đúng sự thật mà không khéo léo để ló đuôi nên người đời sau thấy rõ. Phật còn tại thế đâu có kinh sách. Vậy mà tu chứng là thông suốt Tam Tạng kinh điển thì thật là nói láo không sách vở.

Trong sách Đường Về Xứ Phật, Thầy nêu câu chuyện ông Châu Lợi Bàn Đặc để gợi ý cho phật tử hỏi, do đó mới có nhân duyên vạch trần sự lừa đảo thêm bớt của kinh sách phát triển để mọi người rõ hơn.

86. THIỀN MINH SÁT TUỆ

Hỏi: Kính thưa Thầy, trước kia con có tập tu với thầy Nhất Hạnh, và sau đó có tập tu Tiểu Thừa Tứ Niệm Xứ do các sư Miến Điện chỉ dạy, đề mục chính là theo dõi phồng xệp ở bụng. Con vừa mới hơi quen thì nay con đổi sang theo hơi thở gió ra vào ở nhân trung. Con có thể giữ theo phồng xệp được không?

Đáp: Được, nhưng con phải biết áp dụng cho đúng phương pháp hơi thở của Đức Phật, phồng xệp là sự hoạt động của cơ bụng do sự hít thở. Sự tập trung vào cơ bụng là ức chế tâm chứ không có nghĩa là xả tâm.

Con nên lưu ý Thiền Minh Sát Tuệ Đức Phật không có dạy, nếu theo dõi hơi thở và chỉ có biết cơ bụng phồng xệp thì đó là ức chế tâm, con nên tránh vì nó sẽ đưa con vào thiền tưởng, một loại thiền không có lợi ích gì cho thân tâm.

Nếu có tu tập con nên luôn luôn phải dùng pháp dẫn tâm vào chỗ ly tham đoạn ác pháp, có như vậy con mới khắc phục được tâm tham ưu của mình, mới thấy được tâm hồn thanh thản, an lạc của con, còn nếu chỉ thấy có sự phồng xệp tĩnh lặng và các trạng thái của sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp tưởng xuất hiện thì đó là con đã tu sai rồi, phải mau mau trở về với hơi thở, nương vào hơi thở mà tu tập 19 đề mục hơi thở như Phật dạy.

Phồng xệp là một phương pháp của thiền Minh Sát do các sư Nam Tông Miến Điện tưởng giải ra pháp môn này dùng để ức chế tâm triển khai tưởng tuệ mà các sư gọi là Minh Sát.

Khi dùng nó con phải thiện xảo và khéo léo, luôn luôn phải dùng pháp như lý tác ý theo động tác phồng xệp thì mới có hiệu quả xả tâm.

87. ĐI KINH HÀNH

Hỏi: Kính thưa Thầy, về đi hành thiền, các sư Miến Điện dạy theo dõi bốn động tác của một bước, chuyển, dở, đưa và đạp, nên đi thật chậm, nếu đi mau thì niệm: “bước, bước.” Tâm luôn để ý vào bàn chân. Xin Thầy chỉ rõ cho con cách đi thiền hành. Con có dự định về Việt Nam để tập theo Thầy vài tuần cho quen rồi trở về Mỹ thực tập, xin Thầy cho con biết có thuận tiện cho thiền viện của Thầy không?

Đáp: Con đừng bắt chước đi kinh hành theo các nhà sư Miến Điện, trong kinh điển của Phật không có dạy đi kinh hành giống như một người bệnh đi không nổi. Đi như vậy có nghĩa là ức chế tâm quá mạnh buộc tâm phải gom vào từng động tác của bước chân đi.

Đạo Phật lấy tự nhiên mà tu tập, cho nên Đức Phật dạy lấy đặc tướng mà tu. Vì mỗi người đều có đặc tướng riêng biệt nhau, người có tướng lùn đi chậm, nhưng lại có người lùn mà đi nhanh; người có tướng cao đi nhanh nhưng lại có người cao mà đi chậm. Do thế, chúng ta tùy theo đặc tướng tự nhiên đi chậm hay đi nhanh mà đi kinh hành theo tự nhiên đặc tướng riêng của mình thì mới tìm thấy sự giải thoát ngay liền, còn nếu chúng ta bắt buộc đi chậm quá mất tự nhiên tức là không giải thoát mà ngay từ bắt đầu tu là đã không giải thoát thì làm gì có giải thoát sau này

Vậy con hãy đi tự nhiên theo đặc tướng của mình chậm thì đi chậm, nhanh thì đi nhanh, đi đúng đặc tướng của mình là đã tìm thấy sự giải thoát ngay liền, nghĩa là không có bị gò bó bắt buộc. Đi tự nhiên cứ theo pháp kinh hành tu tập đúng. Tu tập đúng từng bước đi con đã tìm thấy sự thanh thản, an lạc của tâm hồn con.

Con hãy về Việt Nam rồi đến tu viện tu tập, không có gì trở ngại cho tu viện, sau khi tu tập nắm vững căn bản đường lối cách thức rồi con hãy trở về Mỹ tập luyện mới đúng cách xả tâm chứ không khéo con tu ức chế tâm mà không biết thì rất có hại về sau, vì con đường tu còn dài.

88. TỨ NHIẾP PHÁP  

Hỏi: Kính thưa Thầy, trong kinh “Nhiếp Pháp” Tăng Chi 1 trang 610, có dạy Bốn Nhiếp Pháp: 1- Bố thí; 2- Ái ngữ; 3- Lợi hành; 4- Đồng sự. Vậy Bốn Nhiếp Pháp này khác với Tứ Nhiếp Pháp của Đại Thừa như thế nào?

Đáp: Bốn nhiếp pháp của kinh Nguyên Thủy và bốn nhiếp pháp của kinh Đại Thừa danh từ thì giống nhau, nhưng nghĩa lý thì khác nhau.

Kinh Nguyên Thủy lấy bốn nhiếp pháp làm bốn hành động đạo đức để đối xử với nhau trên thuận dưới hòa đem lại cho nhau một cuộc sống thân thương bình đẳng, ai cũng như ai không phân biệt người tu hay không tu. Vậy chúng ta hãy đọc lại bài kệ đã dạy trong kinh Tăng Chi tập 1 trang 610:

              “Này các tỳ-kheo, có bốn nhiếp pháp này.
               Thế nào là bốn?
               “Bố thí và ái ngữ.
               Lợi hành và đồng sự.
               Này các vị tỳ-kheo. Đây là bốn nhiếp pháp.”
               “Bố thí và ái ngữ,
               Lợi hành và đồng sự,
               Đối với những pháp này,
               Ở đời đối xử nhau,
               Chỗ này và chỗ kia,
               Như vậy thật tương xứng,
               Và bốn nhiếp pháp này,
               Như đinh đầu trục xe,
               Nếu thiếu nhiếp pháp này,
               Thời cả mẹ lẫn cha,
               Không được các người con
               Tôn trọng và cung kính,
               Do vậy bậc Hiền trí,
               Đồng đẳng nhìn nhiếp pháp,
               Nhờ vậy họ đạt được,
               Sự cao lớn tán thán.”

Bài kệ trên đây dạy chúng ta dùng bốn nhiếp pháp để tạo thành một cuộc sống an vui có đầy đủ đạo đức làm người không làm khổ mình khổ người, thật là bốn nhiếp pháp tuyệt vời mà mọi người sống trên hành tinh cần phải học và trau dồi bốn đức hạnh này.

Đây chúng ta hãy nghe ý nghĩa bốn nhiếp pháp của Đại Thừa:

“Bốn pháp để thu phục chúng sanh: 1- Bố thí nhiếp; 2- Ái ngữ nhiếp; 3- Lợi hành nhiếp; 4- Đồng sự nhiếp.”

1- Bố thí nhiếp: nếu có chúng sanh nào thích của thì bố thí của, thích pháp thì bố thí pháp, khiến họ vì thế mà sanh tâm thân ái theo ta thụ đạo.

2- Ái ngữ nhiếp: Có nghĩa là tùy theo căn tánh của chúng sanh mà dùng lời lẽ tốt lành để mỹ dụ, khiến họ nhân đó mà sanh tâm thân ái mà theo ta thụ đạo.

3- Lợi hành nhiếp: Tức là khởi thiện hành về thân, khẩu, ý làm lợi ích cho chúng sanh, khiến họ do đó mà sanh tâm thân ái rồi theo ta thụ đạo

4- Đồng sự nhiếp: Có nghĩa là nhờ pháp nhãn mà thấy được căn tánh của chúng sanh tùy theo sự ưa thích của họ mà phân hình thị hiện, cùng làm việc với họ, để được lợi ích cho họ, nhờ đó sanh tâm thân ái theo ta thụ đạo.”

Đoạn kinh trên đây được trích dẫn trong Từ Điển Phật Học Hán Việt. Như vậy Tứ Nhiếp Pháp của Đại Thừa là pháp môn dùng để cám dỗ lôi cuốn mọi người vào Phật giáo Đại Thừa. Một tôn giáo sử dụng bốn pháp nhiếp phục để cám dỗ mọi người theo tôn giáo mình là một tà giáo chứ không phải chánh giáo.

Đồng thời cũng là pháp môn Tứ Nhiếp pháp, nhưng Tứ Nhiếp pháp của Nguyên Thủy là bốn pháp dạy đạo đức làm người cư xử với nhau như nước với sữa, còn Tứ Nhiếp pháp của Đại Thừa là pháp dụ dỗ người, pháp dụ dỗ người là phi pháp, phi đạo đức cần phải cảnh giác đề phòng và tránh xa.