Chánh Đạo - Tà Đạo. Kì 31 (81-83)

81. KHÔNG CÓ CẢNH GIỚI NIẾT BÀN, TU RỒI VỀ ĐÂU?

Hỏi: Kính bạch Thầy, người tu giải thoát trong kiếp này thì về đâu thưa Thầy? Vì Thầy nói là không có cả cảnh giới Niết Bàn, vậy nơi đó gọi là gì?

Đáp: Thầy đã xác định không có cảnh giới Niết Bàn mà có trạng thái Niết Bàn, trạng thái Niết Bàn như Đức Phật đã dạy trong kinh Tứ Diệu Đế, nó được gọi là “Diệt Đế”. “Diệt Đế” là một trạng thái lìa xa và đoạn dứt tâm ái dục và các ác pháp. Khi người tu hành xong thì lúc nào họ cũng ở trong trạng thái đó, như Đức Phật thường dạy ở trong trạng thái đó là nhập vào Bất Động Tâm Định. Nhập vào Bất Động Tâm Định là nhập vào Niết Bàn. Niết Bàn là một trạng thái thanh thản, an lạc và vô sự của thân tâm, dù cho bất cứ các cảm thọ hay các ác pháp nào đến cũng không làm cho họ dao động tâm được.

Chúng ta hãy lắng nghe Đức Phật xác định Niết Bàn: “Này Bà La Môn, khi vị ấy cảm thọ tham ái được đoạn tận không có dư tàn, cảm thọ sân đoạn tận không có dư tàn, cảm thọ si được đoạn tận không có dư tàn. Như vậy, này Bà La Môn, Niết Bàn là thiết thực hiện tại, không có thời gian đến để mà thấy, có khả năng hướng thượng, được người trí giác hiểu.” (Tăng Chi tập 1 trang 285).

Như vậy Niết Bàn không phải là một cảnh giới mà là một trạng thái của tâm không còn tham, sân, si nữa phải không quý vị? Cho nên Niết Bàn là một trạng thái của tâm mình, khi người tu chứng có về đâu? Ngay chỗ trạng thái tâm hết tham, sân, si, mạn, nghi là chỗ về. Chỗ trạng thái tâm hết tham, sân, si, mạn, nghi là Niết Bàn, chứ đâu có cảnh giới Niết Bàn để về.

Khi tu xong tâm không còn tham, sân, si nữa, thì chỗ tâm không còn tham, sân, si, mạn, nghi chính là Niết Bàn chứ không còn chỗ nào khác gọi là Niết Bàn như trên đã nói. Còn có chỗ nào khác gọi là Niết Bàn thì chỗ ấy là cõi tưởng, cõi không có thật.

Niết Bàn cũng như một bàn tay có mặt và trái, trái là tham, sân, si, mạn, nghi; mặt là không tham, sân, si, mạn, nghi. Vậy trái và mặt của một bàn tay có phải là một bàn tay hay là hai bàn tay? Chỉ có một bàn tay mà thôi, nhưng mặt trái của bàn tay thì không giống mặt phải của bàn tay. Mặt trái là sự khổ đau, mặt phải là sự hết khổ đau. Do đó chúng ta suy ra Niết Bàn không phải là một cảnh giới mà là một trạng thái của tâm mình không còn tham, sân, si, mạn nghi nữa.

Niết Bàn là một danh từ để chỉ cho một trạng thái của tâm, chứ không phải Niết Bàn là một cảnh giới theo kiểu của các nhà dựa theo kinh sách phát triển giàu tưởng tượng bịa đặt ra để lừa đảo con người. Vì thế người tu chứng đạo khi bỏ thân tứ đại này thì không có về cõi Niết Bàn mà họ đang ở trong Niết Bàn, vì ngay khi còn sống họ tu chứng thì luôn luôn sống trong trạng thái Niết Bàn của tâm họ mà ở trên Thầy đã dạy: “Bất Động Tâm Định.”

Nếu chúng ta không gọi nó là Niết Bàn mà gọi nó là “Tâm không tham, sân, si, mạn, nghi” hay gọi cách khác nữa là “Tâm thanh thản, an lạc, vô sự” hay gọi khác nữa là “Diệt Đế” như trong kinh Tứ Diệu Đế hay gọi là “Đạo đức nhân bản – nhân quả, sống không làm khổ mình, khổ người và khổ cả hai” thì có gì là khác đâu.

82. NGƯỜI TU CHƯA GIẢI THOÁT HOÀN TOÀN
CÓ BỊ VÔ MINH CHE MỜ VÀ CÒN TIẾP TỤC TÁI SANH KHÔNG?

Hỏi: Kính bạch Thầy, người tu chưa giải thoát hoàn toàn lỡ giữa đường tu chết đi, người ấy có bị tái sanh không? Họ có bị vô minh che lấp không? Họ có biết mình là ai ở kiếp trước tu những gì không?

Đáp: Người tu hành đúng chánh pháp của Phật là phải sống đúng giới luật, sống đúng giới luật tức là sống trong thiện pháp, sống trong thiện pháp thì tâm tham, sân, si của họ giảm bớt rất nhiều, do sống trong thiện pháp nên họ thường tạo nghiệp thiện, nghiệp thiện thì không còn tái sanh làm người và như vậy Thầy đã trả lời câu hỏi thứ nhất của con.

Nhưng ở đây con nên nhớ: pháp thiện có hữu lậu và vô lậu. Thiện hữu lậu vẫn còn tiếp tục đi tái sinh luân hồi, chỉ có thiện vô lậu mới chấm dứt tái sinh. Đó là điều chắc chắn mà không ai phủ nhận được.

Người sống trong thiện pháp còn bị vô minh che lấp hay không? Không. Tại sao vậy? Vì đối với đạo Phật, người có tri kiến giải thoát ở đâu là đạo đức ở đó, đạo đức ở đâu là tri kiến giải thoát ở đó. Vậy đạo đức là gì?

Đạo đức là giới luật, là thiện pháp, là pháp không làm khổ mình, khổ người. Người không làm khổ mình khổ người là không bị vô minh che lấp và như vậy khi chết bỏ thân này họ đều biết kiếp trước của mình là ai? Ở làng nào, tỉnh nào, nước nào? Tên họ của kiếp trước là gì? Cha mẹ là ai? Làm nghề nghiệp gì? Tu pháp môn gì? Sống như thế nào? Và chết như thế nào? Như vậy Thầy đã trả lời câu hỏi thứ hai của con. Những người tu hành không đúng pháp của Phật nghĩa là họ không tu “Giới, định, tuệ” tức là không tu đức hạnh thiện pháp đạo đức mà tu luyện theo tà giáo ngoại đạo thì phải tái sanh luân hồi và bị vô minh che lấp.

Trước khi chết họ thường phải thọ lấy bệnh tật khổ đau như người thế tục và mê man không tỉnh táo nên bị nghiệp lực tương ưng với môi trường ác bất tịnh tái sanh nên không còn biết gì cả (mê muội).

83. NGƯỜI ĐIẾC KHÔNG SỢ SÚNG

Hỏi: Kính bạch Thầy, người kiếp này khổ đau nghèo khó, xét theo luật nhân quả là kiếp trước họ làm nhiều điều không tốt, làm ác, nói chung là thường làm khổ mình khổ người hoặc kiếp này làm nhiều điều ác không tốt khiến mình khổ người khác khổ và kiếp sau sẽ thọ quả khổ, xong cả hai kiếp quá khứ và vị lai cũng không biết mình là ai cả, cũng như con hiện giờ đây, con đâu có biết kiếp trước mình là ai? Ở đâu vậy? Vì thế họ đâu có sợ làm điều ác, vì kiếp sau họ đâu biết họ là ai để mà đau, mà khổ, mà hối tiếc, mà ân hận v.v… Vậy định luật nhân quả có hạn chế không? Mong Thầy giải thích cho con hiểu.

Đáp: Định luật nhân quả như cháu đã hiểu đó là luật nhân quả của kinh sách phát triển chứ không phải là đạo đức nhân quả. Đạo đức nhân bản - nhân quả tức là đạo đức gốc của con người. Ví dụ một lời nói làm cho người khác buồn khổ là mình thiếu đạo đức nhân bản. Cho nên đạo đức nhân bản - nhân quả rất thực tế, không mơ hồ trừu tượng như nhân quả của kinh sách phát triển, nhân kiếp trước thọ quả kiếp này, nhân kiếp này thọ quả kiếp sau, đó là một hình thức mơ hồ trừu tượng, không logic, kẻ gieo nhân và người gặt quả không chủ thể, khiến cho người ta không đủ lòng tin.

Kinh sách phát triển thường dạy nhân quả trừu tượng để lừa đảo con người và đã biến luật nhân quả trở thành luật định mệnh hay gọi là số mệnh.

Luật nhân quả của đạo Phật không phải là luật số mệnh, vì luật số mệnh có nghĩa là có sự cố định không thay đổi được. Nếu có luật nhân quả cố định nào như vậy thì đạo Phật sẽ không xuất hiện trên đời này vì không giải quyết mọi sự khổ đau của loài người và tất cả chúng sanh. Đối với đạo Phật thì luật nhân quả là những hành động sống hằng ngày trong môi trường duyên hợp duyên tan của các pháp vô thường, thường thay đổi di dịch, biến  động liên tục theo các hành của nó.

Nếu hành động ác thì sự đau khổ tăng lên nhiều, nếu hành động thiện thì sự khổ đau giảm xuống và giảm xuống dần rồi đi đến hết khổ đau mà đạo Phật gọi là giải thoát hay là Niết Bàn, ngược lại hành động càng ác thì sự khổ đau càng tăng dần đi đến khổ đau tận cùng mà Đức Phật gọi là Địa ngục.

Vì rõ thấu môi trường sống của luật nhân quả vô thường như vậy nên đạo Phật ra đời, ra đời xây dựng cho loài người một nền đạo đức nhân bản – nhân quả để mọi người cùng sống không làm khổ mình khổ người bằng cách ngăn ác diệt ác pháp trong tâm, sống thiện tăng trưởng thiện pháp.

Nhân quả của kiếp trước tạo nên một môi trường sống cho hiện tại chứ nó không còn nhân quả nối tiếp với hiện tại nữa. Nhân quả quá khứ ví như đám ruộng. Đám ruộng bạc mầu chai xấu không mầu mỡ là nhân quả quá khứ ác, còn đám ruộng mầu mỡ đất phù sa là nhân quả quá khứ thiện.

Nhân quả hiện tại ví như hạt giống tốt, ngọt, ngon, béo v.v… mà được gieo trồng trên mảnh đất xấu, không mầu mỡ (nhân quả quá khứ ác) thì sự chăm sóc rất vất vả và cực nhọc mới có quả tốt để hưởng. Thiện chuyển ác thành phước báo.

Nhân quả hiện tại ví như hạt giống xấu, chua, cay, đắng v.v… mà được gieo trồng trên mảnh đất xấu “nhân quả quá khứ ác” thì sự chăm sóc phải gian nan cực nhọc, nhưng lại hưởng quả chua, cay, đắng và còn cay đắng hơn, đó là quả Địa ngục. Ác cộng ác thành Địa ngục.

Mảnh đất tốt mầu mỡ (nhân quả quá khứ thiện) được gieo hạt giống tốt ngọt ngon (nhân quả hiện tại thiện) thì thọ hưởng quả an vui, phước báo, hạnh phúc, an lạc v.v…

Mảnh đất tốt mầu mỡ (nhân quả quá khứ thiện) nhưng lại được gieo trồng hạt giống chua, cay, đắng (nhân quả hiện tại ác) thì cũng phải gặt lấy sự khổ đau, mặc dù nhân quả quá khứ tốt thiện, nhưng cũng không mang lại cho chúng ta hạnh phúc, an vui được, bởi vì nhân quả quá khứ không còn là nhân quả nữa, nó chỉ còn là một môi trường sống của muôn loài vạn vật đang sống chung nhau mà thôi, chỉ có nhân quả hiện tại mới đáng cho chúng ta lưu ý, khổ, vui, hạnh phúc hay không hạnh phúc đều do nhân quả hiện tại mà có.

Do quy luật chuyển đổi được nhân quả này, đạo Phật ra đời dạy chúng ta ngăn ác pháp diệt ác pháp, sống thiện tăng trưởng thiện là để chúng ta thoát khổ, chứ không có nghĩa dạy chúng ta đi tìm một cảnh giới Niết Bàn ở đâu xa mà cũng không có nghĩa đi tìm nhân quả quá khứ để biết mình kiếp trước là ai? Làm gì? Sống ở đâu? Tỉnh nào, huyện nào, xã nào và nước nào? Tìm như vậy có ích lợi gì?

Phỏng chừng khi biết quả quá khứ như vậy thì có lợi ích những gì cho chúng ta trong hiện giờ chăng? Đó là một lối hý luận của kinh sách phát triển để biến đạo đức nhân quả thành một triết thuyết nhân quả suông chuyên tranh luận hơn thua.

Suy ra sự khổ đau của con người là ở nhân quả hiện kiếp chứ nhân quả quá khứ và vị lai không có nghĩa lý gì cả đối với một người sống thiện, hành thiện trong hiện tại. Sống thiện, hành thiện trong hiện tại là có một cuộc sống an vui, hạnh phúc, còn ngược lại cho rằng chẳng biết mình ở quá khứ và vị lai là ai để chịu đau khổ, ân hận, hối tiếc v.v... về sau, thì hiện tại cứ làm ác đâu sợ vì kiếp sau có biết ai đâu để mà đau, mà khổ, mà tiếc, mà ân hận v.v… Nghĩ như vậy thì cứ làm rồi kết quả hiện tại sẽ thấy.

Ví dụ: cứ đi ăn trộm, ăn cướp, hiếp dâm lấy vợ người thì sẽ thấy quả khổ của nó ngay liền, bị người bắt đánh đập và tù tội có khi mang án tử hình v.v… Đó là quả hiện tại chứ đừng bảo sẽ trả quả ở tương lai ai trả mặc kệ họ.

Sự tư duy như vậy là không hiểu nhân quả của đạo Phật. Đức Phật dạy:“Quá khứ không truy tìm, vị lai không ước vọng, chỉ có pháp hiện tại.” Ba câu kệ trên đây Đức Phật khéo nhắc nhở chúng ta, nhân quả quá khứ và vị lai đừng truy tìm, vì có truy tìm thì cũng chẳng có ích lợi gì, chỉ có nhân quả hiện tại là đáng kể cho đời sống của chúng ta, vui buồn, khổ đau phiền não đều do nhân quả hiện tại.

Con người sống chỉ có khổ hay vui trong kiếp hiện tại mà thôi, trong hiện tại mà làm ác, sống ác, tức là làm khổ mình khổ người, khổ tất cả chúng sanh, điều này không thể chạy trốn đâu khỏi sự đau khổ.

Luật nhân quả rất công bằng và công lý, không tha thứ và vị tình ai cả trong hiện tại. Ngược lại trong hiện tại làm thiện, sống thiện tức là không làm khổ mình, khổ người, khổ tất cả chúng sanh, điều này dù muốn dù không người này vẫn phải hưởng phước báo an vui, hạnh phúc trong hiện tại.

Luật nhân quả xử phạt công minh trong hiện kiếp, là do hành động ác thiện của mình mà mình thọ hưởng quả khổ vui trong hiện kiếp, còn nhân quả quá khứ và vị lai thì chỉ còn là một nền tảng cho nhân quả hiện kiếp do nhân quả mới đâm chồi nảy lộc.

Nhân quả thiện ác trong hiện kiếp trả chưa xong còn tồn đọng dư thừa, khi người ấy chết thì sự thọ khổ vui cũng tan biến thành một môi trường sống, nếu làm ác thì môi trường sống ấy trở thành một hoàn cảnh thiếu trước hụt sau, khi nhân quả sanh ra trong một đời sống cơ cực, ba chìm bảy nổi, vất vả vô cùng.

Còn ngược lại làm thiện, sống thiện thì môi trường sống kế tiếp khi nhân quả sanh ra không thiếu trước hụt sau, đời sống không cơ cực, không ba chìm bảy nổi, lúc nào cũng gặp may mắn, tiền của dư thừa. Có khi nhân quả vừa sanh ra trong môi trường (hoàn cảnh) thì có kẻ hầu người hạ, được học hành đến nơi đến chốn và còn được học đạo đức làm người sống toàn thiện.

Luật nhân quả không tha thứ giảm tội cho những kẻ vô tình làm ác. Vô tình làm ác thì cũng phải trả vay sự khổ đau như kẻ hữu ý, vì thế Đức Phật nói vì vô minh mà chúng sanh tự làm khổ, vô minh tức là vô tình, vô ý chứ không có nghĩa là ngu si tối tăm như mọi người hiểu.

Vô minh không phải là không biết mà biết sai sự thật, biết không chánh kiến, không chánh kiến tức là vô tình làm ác. Do vô tình hiểu biết không chân chánh tức là không có chánh kiến như trên đã nói. Vì thế con người mới làm ác. Làm ác nên cuối cùng phải chịu lấy muôn ngàn sự khổ đau trong kiếp hiện tại. Người không biết nhân quả, không sợ nhân quả mà cứ làm ác thì cũng chịu đủ mọi sự khổ đau trong hiện kiếp. Sau này có dịp được đọc sách Đạo Đức Làm Người thì cháu sẽ hiểu nhiều hơn về môn đạo đức này.