Chánh Đạo - Tà Đạo. Kì 29 (76-78).

76. ĐẠO PHẬT YẾM THẾ  

Hỏi: Kính thưa Thầy, người ta cho đạo Phật là yếm thế, an phận thủ thường, thấy ai làm việc ác thì làm ngơ, vậy xin Thầy chỉ dạy?

Đáp: Người ta bảo Phật giáo yếm thế là sai, hiện giờ và xưa kia Phật giáo Nam Tông và Bắc Tông đã và đang xây dựng những ngôi chùa đẹp đẽ, nó trở thành những kỳ quan của thế giới như chùa Đế Thiên Đế Thích. Phật giáo phát triển luôn luôn đã và đang tiếp tục làm việc từ thiện cứu trợ đồng bào bất hạnh, thiên tai hỏa hoạn, bão lụt v.v... như vậy gọi là yếm thế hay sao?

Không có người tu sĩ Phật giáo nào bỏ đời trốn trong núi rừng sống tiêu dao một mình thì mới gọi là yếm thế? Không lẽ thấy những người mới học Phật, mới vào chùa tu hành chưa xong, còn đang ẩn bóng tu hành mà cho Phật giáo là yếm thế thì lại còn sai quá.

Muốn làm một bác sĩ để đem lại lợi ích cho đời thì phải học, trong lúc đang học có làm bác sĩ được hay không? Trong lúc đang học mà ra trị bệnh thì chỉ giết bệnh nhân hơn là cứu người.

Người tu sĩ Phật giáo cũng vậy, khi đang tu chưa xong mà ra giảng đạo dạy người tu hành, “làm Bồ Tát Đạo, hành Bồ Tát Hạnh theo kiểu Đại Thừa” là giết người, không phải giết một người mà giết nhiều người; không phải giết một đời người mà giết nhiều đời người; không phải giết một thế hệ mà giết nhiều thế hệ của con người v.v...

Hiện giờ người ta đang giết người bằng gươm lưỡi, miệng đao, đó là giới tu sĩ Phật giáo phát triển tu hành chưa đến nơi đến chốn, chỉ nhai lại đờm dãi của người xưa chẳng biết đúng sai, thuyết giảng lung tung, giới luật đạo đức thì sống chẳng ra gì, chỉ dùng ba tấc lưỡi lừa đảo những người khác bằng cách lý luận hoặc bằng mọi hình thức mê tín, dị đoan, v.v... nhưng luôn luôn tự vỗ ngực xưng tên mình là người tu hạnh Bồ Tát vừa tu vừa độ người như chiếc xe lớn (Đại Thừa), chỉ có Bồ Tát Đạo mới có đại hùng, đại lực, đại từ bi, mới có tâm nguyện độ chúng sanh rộng lớn như vậy.

Cứ như kinh sách phát triển dạy thì họ đâu phải là kẻ yếm thế mà là đang nhập thế chứ. Đó là những tu sĩ Phật giáo phát triển đang nhập thế, nhập thế để chạy theo danh lợi, vì vậy họ phải mập béo, cường tráng để vào đời độ chúng sanh.

Hiện giờ quý vị chưa biết rõ mặt thật của những tu sĩ Phật giáo như thế nào thì làm sao dám bảo là Phật giáo yếm thế? Khi Đức Phật nhập diệt, độ khoảng trăm năm sau các bậc thánh Tăng đều nhập diệt cả, chỉ còn lại những tu sĩ danh lợi chia phe nhóm (20 bộ phái) để tạo quyền thế chiếm giữ danh lợi riêng tư nên soạn viết kinh sách theo kiến giải riêng của mình. Thường chạy theo dục lạc thế gian nên phải đẻ ra Bồ Tát Đạo, hành Bồ Tát Hạnh làm tấm bình phong để che mắt mọi người, khiến không ai biết mình chạy theo dục lạc, những tu sĩ này thường dạy: “Phật pháp bất ly thế gian pháp,” nghĩa là pháp Phật không lìa pháp thế gian, như vậy đâu thể gọi rằng đạo Phật yếm thế.

Phật giáo ra đời vì sự khổ đau của con người, ra đời để dẫn dắt mọi người thoát ra mọi sự khổ đau của kiếp làm người thì sao gọi là bỏ đời yếm thế? Phật giáo ra đời đem lại cho loài người một nền đạo đức nhân bản không làm khổ mình, khổ người thì sao gọi là Phật giáo yếm thế?

Những bậc chơn tu của Phật giáo đang âm thầm triển khai đạo đức nhân bản - nhân quả để loài người không còn tự làm khổ đau cho nhau nữa, để biến cảnh thế gian này thành cảnh Thiên Đàng, Cực Lạc và Niết Bàn trong cuộc sống này, như vậy sao lại gọi là đạo Phật yếm thế được?

Xin quý vị đừng nhìn vào một số tu sĩ tiêu cực của Phật giáo phát triển dùng những thủ đoạn mê tín, gian xảo, lừa đảo người để ngồi mát ăn bát vàng mà cho Phật giáo là yếm thế thì rất tội cho Phật giáo. Một tôn giáo như Phật giáo luôn luôn lúc nào cũng chỉ dùng sức tự lực để không làm khổ mình, khổ người thì không thể nào yếm thế cho được. Chỉ có những tu sĩ Phật giáo phát triển thì cầu tha lực, luôn luôn dựa vào Tam Bảo, chư Phật, chư Bồ Tát gia hộ cứu khổ cứu nạn, v.v... thì đó gọi là yếm thế thì chúng tôi cũng còn miễn cưỡng chấp nhận, chứ nói Phật giáo yếm thế thì chúng tôi không đồng ý.

Xưa Đức Phật đã dạy: “Thắng trăm trận không bằng thắng tâm mình, thắng tâm mình mới là chiến công oanh liệt.” Người chiến thắng tâm mình đâu phải là người yếm thế, phải từng chung sống với mọi người mà không làm khổ mình, khổ người thì mới là người chiến thắng tâm mình, đạo Phật như vậy có giống như nhà thơ yếm thế Nguyễn Bỉnh Khiêm chăng?

              “Một mai, một cuốc, một cần câu,
              Thơ thẩn dù ai vui thú nào.
              Ta dại ta tìm nơi vắng vẻ,
              Người khôn người đến chốn xôn xao.”

Tinh thần đạo Phật thì không phải là tinh thần yếm thế như vậy nên thường xông pha vào thế tục, lấy các đối tượng của thế gian mà tu tập tâm mình “ly dục ly ác pháp.” Nếu bảo rằng Phật giáo yếm thế vào nơi thanh vắng để cho yên thân của mình, tức là tránh cảnh thì làm sao gọi là ly dục ly ác pháp.

Vả lại giới luật của Đức Phật dạy đạo đức làm người rất rõ ràng và cụ thể. Những hành động đạo đức gần gũi và thiết thực cho đời sống của con người thì làm sao yếm thế mà dạy đạo đức này cho con người như vậy được? Một đạo đức từng dạy mọi người sống “không làm khổ mình, khổ người” thì làm sao gọi là yếm thế?

Xin quý vị cứ suy ngẫm, đừng vội vàng cho đạo Phật là yếm thế thì đó là một sự suy tư chưa chính chắn, còn nông cạn. Chúng tôi xác quyết đạo Phật không bao giờ yếm thế. Người nào tu theo đạo Phật, không đi khất thực, cứ ngồi ỳ trong thất (nhập thất) hoặc ở trong rừng sâu núi thẳm không theo hạnh Phật ngày xưa là người tu sai đạo Phật, là người yếm thế, chứ không phải đạo Phật yếm thế.

77. ĐẠI HỘI LONG HOA  

Hỏi: Hiện nay ở miền Bắc nước ta có một số người nghe theo tuyên truyền Đại Hội Long Hoa. Họ cho rằng thời kỳ của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã hết hạn ở thế gian. Đến năm hai ngàn là thời kỳ của Phật Di Lặc ra đời thay thế cho Đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Kính thưa Thầy như vậy có đúng không? Nếu không đúng thì hiểu như thế nào để không lạc vào con đường tà giáo ngoại đạo và giúp cho mọi người ra khỏi con đường mê mờ này?

Có một số người tu theo đạo Phật nhiều năm mà đạo chẳng ra đạo, đời chẳng ra đời vì phải đi chùa này chùa nọ làm công quả để tạo công đức này, công đức kia, bỏ cả việc làm ăn. Kính thưa Thầy, những người tu như vậy sẽ có lợi ích gì cho đời sống của họ và xã hội? (Câu hỏi của Chơn Thành)

Đáp: Phần đông các tu sĩ Phật giáo hiện giờ đều là đệ tử của Phật Di Lặc, họ tu theo giáo pháp phát triển tức là giáo pháp của Phật Di Lặc chứ đâu còn là giáo pháp của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Giáo pháp của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni thì những tu sĩ này gọi giáo pháp đó là giáo pháp Thanh Văn, Nhị Thừa, Duyên Giác, ngoại đạo. Họ đã bỏ giáo pháp này từ lâu chứ đâu có đợi đến ngày Đại Hội Long Hoa, Phật Di Lặc ra đời rồi mới truyền giáo pháp này.

Họ tu theo giáo pháp phát triển của Phật Di Lặc từ khi chúng tỳ-kheo chia ra làm hai bộ phái: Thượng Tọa Bộ và Đại Chúng Bộ. Trước khi chia ra bộ phái họ đã triển khai kinh sách phát triển vạch ra một đường lối tu mới, vì thế người ta không còn tu theo giáo pháp của Đức Phật Thích Ca, chứ đâu phải đợi tới năm hai ngàn.

Chính lúc mới tám tuổi khi xuất gia học đạo, chúng tôi cũng đều tu học theo giáo pháp của Phật Di Lặc. Nỗ lực tu hành hơn 30 năm trời, đời chẳng ra đời, đạo chẳng ra đạo nên đành phải bỏ pháp môn đó trở lại tu pháp môn Duyên Giác, Thanh Văn, Nhị Thừa của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni chúng tôi mới thấy pháp xả tâm và giới luật của Thanh Văn thật là hữu hiệu.

Nhờ đó, trước tiên chúng tôi nhận được mình là một tu sĩ có đời sống đạo hạnh và thân tâm thường thanh thản, an lạc, vô sự tức là chúng tôi đã nếm được mùi vị giải thoát thật sự của đạo Phật. Chừng ấy chúng tôi mới nhận thấy rõ đạo là đạo, đời là đời, không thể đạo đời lẫn lộn như pháp môn phát triển của Phật Di Lặc.

Cách thức sống của các tu sĩ hiện giờ đạo đời lẫn lộn khiến cho mọi người không biết đâu là đời sống đạo đúng và đâu là đời sống đạo không đúng. Cách thức sống của các tu sĩ Phật giáo hiện giờ cũng chạy theo vật chất thế gian như người đời nên khó phân biệt, chỉ có phân biệt được là chiếc áo tu sĩ mà thôi.

Nếu muốn không lầm lạc vào tà giáo ngoại đạo thì quý vị nên lấy giới luật Phật quán xét giới tu sĩ, người tu sĩ nào sống đúng giới luật, có đầy đủ phạm hạnh là người sống và tu đúng pháp chơn chánh của đạo Phật, còn người tu sĩ nào phạm giới, phá giới, bẻ vụn giới, sống chạy theo vật chất dục lạc thế gian là tu theo pháp phát triển và Thiền Đông Độ.

Người tu sĩ Phật giáo lấy Giới luật làm Thầy như Đức Phật Thích Ca đã di chúc: “Sau khi Ta nhập diệt, các thầy tỳ-kheo hãy lấy giới luật của Ta mà làm Thầy, làm chỗ nương tựa tu hành vững chắc. Giới luật Ta còn là đạo Ta còn, Giới luật Ta mất là đạo Ta mất.

Dựa theo lời di chúc này, các vị tỳ-kheo nào phạm giới, phá giới, bẻ vụn giới là đệ tử của ngoại đạo, tà giáo. Quý phật tử không nên tu hành theo những vị tu sĩ này, vì có tu hành theo họ thì cũng chẳng tu đến đâu, đời chẳng ra đời và đạo cũng chẳng ra đạo. Nếu có tu cũng chỉ trở thành là một ông thầy danh lợi mà thôi.

Nhờ cân nhắc về đức hạnh giới luật mà quý phật tử tìm được một bậc thầy chơn chánh và thoát khỏi những sự lừa đảo của những tà sư ngoại đạo, tu lầm lạc vào con đường mê mờ, u tối, loanh quanh trong các định tưởng. 

Tóm lại, đạo Phật do Giáo Chủ Di Lặc hướng dẫn phần nhiều tu sĩ xem thường giới luật nên đều phạm giới. Chính hình ảnh Phật Di Lặc là hình ảnh mất oai nghi tế hạnh của một tu sĩ chân chánh, mặc áo hở bụng ngực một cách thô lỗ không đúng đức hạnh của bậc thánh Tăng.

Người tu sĩ phạm giới là người không có đức hạnh làm một vị thánh Tăng nên chúng ta dễ nhận xét con đường nào là con đường tu hành của Bà La Môn giáo và con đường nào là con đường tu hành theo Phật giáo.

Trong thời Đức Phật còn tại thế, vấn đề làm công quả thì gần như không có. Vì là một Du Tăng Khất Sĩ, sống rày đây mai đó, không ở chỗ nào quá lâu nên vấn đề công quả không cần thiết. Mỗi tu sĩ đến giờ đi khất thực để sống ngày một bữa nên dồn tất cả các thời gian rảnh rang vào tu tập và rèn luyện pháp hướng tâm.

Cho nên một số người hiện giờ làm công quả từ chùa này đến chùa khác để tìm cầu sự giải thoát thì chắc chắn không bao giờ có được, chỉ uổng cho một đời tu hành bị người khác lừa đảo, làm công không cho họ mà họ không tốn tiền. Làm công quả để được phước báo, điều này chúng ta dễ bị lừa. Bởi phước báo của đạo Phật là do chính mình ngăn ác, diệt ác pháp, hoặc ly dục, ly ác pháp thì phước báo sẽ đến với mình ngay liền tức khắc, còn làm công quả thì thân thể mệt nhọc, tâm sanh ra buồn ngủ; cơ thể mệt nhọc, tâm sanh buồn ngủ là trạng thái mất tỉnh thức, mất tỉnh thức tức là vô minh mà vô minh thì làm sao có phước báo được.

Người làm công quả thì không bao giờ tu hành được, nếu suốt đời làm công quả thì chỉ là một người làm công cho kẻ khác, chẳng ích lợi gì cho mình, chỉ là một người ngu mà thôi. Khi bước vào đạo Phật còn chiếc áo của người cư sĩ, nghĩa là chưa thọ Giới luật thì lúc bây giờ chúng ta làm được những gì để giúp cho chư Tăng yên tâm tu hành, đó là gieo nhân tu hành cho chúng ta ở ngày mai, chứ không phải làm công quả để cầu phước báo đó là sai.

78. KINH VIÊN GIÁC  

Hỏi: Kính bạch Thầy, sau khi đọc kinh Viên Giác thấy có một đoạn kinh nghi ngờ, con xin ghi chép ra đây để Thầy dạy cho chúng con hiểu:

“Này thiện nam! Đây là 25 pháp tu của Bồ Tát. Vậy các Bồ Tát phải y theo đây mà tu hành. Nếu các Bồ Tát hiện tại và chúng sanh đời sau muốn y theo 25 pháp môn này mà tu hành thì phải giữ giới thanh tịnh, tâm suy nghĩ vắng lặng và phải trải qua 21 ngày thành tâm sám hối, rồi viết 25 pháp môn này vào mỗi miếng giấy, niêm lại kỹ, để trên bàn thờ Phật và chí tâm cầu khẩn, rồi tùy tay hành giả rút một miếng giấy, khi mở ra xem thì hành giả sẽ biết trình độ của mình tu pháp Đốn hay Tiệm. Song nếu hành giả một niệm nghi ngờ thì chẳng thành tựu.”

Kính thưa Thầy, con thấy trong kinh dạy làm như vậy chẳng khác nào như bói toán, làm một việc cầu may. Đây có phải kinh Viên Giác dạy làm một việc mê tín không thưa Thầy? Thấy kinh dạy như vậy tâm chúng con sinh ra nghi ngờ, mong Thầy giải nghi cho chúng con?

Đáp: Đến với câu hỏi này thì đã có một cư sĩ ở miền Bắc nhận ra kinh này là đã dạy điều mê tín, kinh mà dạy điều mê tín là tà kinh chứ không thể gọi là chân kinh.

Kinh Viên Giác không phải kinh sách Phật thuyết mà do các Tổ thuyết, nhưng các Tổ khôn khéo gán cho Phật thuyết để dễ lừa đảo tín đồ Phật giáo. Tín đồ Phật giáo cũng dễ tin tưởng tất cả kinh đều do Phật thuyết, vì kinh sách phát triển tập kinh nào cũng bắt đầu bằng câu: Như thị ngã văn nhất thời Phật tại Xá Vệ Quốc, kỳ thọ Cấp Cô Độc viên dữ…, chỉ nội câu này cũng đủ lừa đảo người khác rồi.

Kinh sách phát triển nào cũng có hai phần: 1-Dụ dỗ; 2-Hăm dọa.

Đầu kinh thì dụ dỗ như kinh Pháp Hoa dạy:

“Dù cho tạo tội hơn núi cả
Diệu Pháp Liên Hoa tụng mấy dòng.”

Cuối kinh thì hăm dọa:Ai chê kinh Pháp Hoa và làm não loạn người nói pháp thì đầu sẽ bể làm bảy mảnh như quả A lê.

Kinh sách phát triển lần lượt quý vị đọc kỹ lại sẽ thấy rõ sự dụ dỗ, hù dọa, trừu tượng, lừa đảo, lường gạt, mê tín, phi đạo đức v.v... Kinh Viên Giác là một loại kinh sách của các Tổ đã mượn ý Chân Không của ngài Long Thọ rồi dùng danh từ Viên Giác để che mắt tín đồ.

Những điều con hỏi là đúng sự thật, kinh này dạy bói khoa là một điều mê tín. Những kinh sách phát triển mê tín lừa đảo này không đáng cho người phật tử tin cậy. Từ lâu quý vị đã lầm lạc không hiểu, hôm nay đã hiểu thì quý vị từ bỏ, xa lìa nó như từ bỏ xa lìa một bệnh truyền nhiễm.