Chánh Đạo - Tà Đạo. Kì 21 (57- 59).

57. MỘT VỊ A-LA-HÁN CÓ VÀO SANH
RA TỬ ĐỂ ĐỘ CHÚNG SANH KHÔNG?

          Hỏi: Kính thưa Thầy! Một người đã chứng quả A-la-hán Thanh Văn cũng như một người chứng quả A-la-hán Độc Giác có thể thị hiện vào sanh ra tử hành Bồ Tát Đạo để thành tựu quả A-la-hán Toàn Giác (như kinh sách Đại Thừa nói) không? Hay người đã chứng A-la-hán Thanh Văn Giác thì thôi, có nghĩa là chỉ thành Phật Thanh Văn Giác. Độc Giác cũng vậy, chứ không thể thành Phật Toàn Giác.

          Kính thưa Thầy, con có lòng tin nơi Thầy, kính xin Thầy chỉ dạy cho con tất cả sự thật và hỗ trợ cho con để tương lai con thành một vị A-la-hán Toàn Giác làm lợi ích rộng lớn cho tất cả chúng sanh.

          Đáp: Ở đây con phải phân biệt cho rõ ràng: 1. Pháp tu chứng; 2. Quả tu chứng; 3. Năng lực tu chứng

          1. Pháp tu chứng như thế nào?

          - Tự tìm pháp tu, chứng quả vô lậu, có đầy đủ năng lực như Phật nên tên gọi là Độc Giác A-la-hán hay là Độc Giác Phật

          - Nghe Phật dạy hoặc đọc kinh sách thấu hiểu lời dạy của Đức Phật mà tu tập chứng quả vô lậu, có đầy đủ năng lực như Phật nên tên gọi là Thanh Văn A-la-hán hay là Thanh Văn Phật.      

          2. Quả tu chứng như thế nào?

          Quả tu chứng là tâm vô lậu, tên gọi của tâm vô lậu là A-la-hán. Nếu tự tìm pháp tu mà tâm vô lậu thì gọi là chứng quả A-la-hán Độc Giác, còn nếu nghe Phật dạy hay đọc kinh sách lời dạy của Đức Phật mà tu chứng thì gọi là chứng quả A-la-hán Thinh Văn. Nếu quả vô lậu chưa tròn đủ có nghĩa tâm vô lậu từng phần, vô lậu từ ít đến nhiều, vô lậu từ thô đến tế, vô lậu từ từ. Vô lậu như vậy không được gọi là vô lậu trọn vẹn. Và như vậy không được gọi là vô lậu bậc A-la-hán.

          Ví dụ: Một người tu tập vô lậu được 99 phần trăm, chỉ còn một phần trăm li ti nữa thì cũng chưa được gọi là vô lậu trong đạo Phật. Mà chưa được gọi là vô lậu trong đạo Phật thì cũng chưa được gọi là chứng quả A-la-hán. Đại Thừa không hiểu vô lậu như thế nào nên quá xem thường quả A-la-hán vô lậu của Phật giáo. Do vì không biết tầm mức vô lậu của bậc A-la-hán như thế nào nên đặt ra có nhiều quả A-la-hán để dễ đánh lận người khác và còn dùng câu từ để che mắt mọi người: “Chứng quả A-la-hán mà còn thấy mình chứng quả A-la-hán là chưa chứng quả A-la-hán.

          3. Năng lực tu chứng như thế nào?

          Năng lực tu chứng của Phật như thế nào thì năng lực tu chứng của các bậc A-la-hán cũng như vậy, có nghĩa là Phật có 10 lực và minh hạnh đầy đủ thì các bậc A-la-hán cũng có được như vậy. Phật có gì thì họ cũng đều có nấy. Họ chỉ thua Phật là vì Phật là người sáng lập ra đạo Phật mà thôi. Tại sao năng lực tu chứng lại giống nhau như vậy?

          Bởi vì pháp tu của Phật giúp cho tâm mọi người thanh tịnh, vô lậu, chứ không phải pháp tu tập để tạo ra năng lực có cao có thấp, vì thế tâm mọi người thanh tịnh, vô lậu thì giống nhau, từ tâm thanh tịnh vô lậu lưu xuất ra bảy năng lực Giác Chi. Bảy năng lực Giác Chi tạo ra Bốn Thần Túc. Do đó người tu sĩ nào tu tập tu chứng đạt chân lý đều có Tứ Thần Túc nên năng lực phải giống nhau.

          Xin các bạn đừng hiểu rằng năng lực là do độ chúng sanh mà có, hiểu như vậy không đúng các bạn ạ! Bồ Tát hạnh chẳng qua đó là trả nợ cơm ăn áo mặc cho đàn na thí chủ chứ chẳng có công đức gì cả. Người tu Bồ Tát Đạo hành Bồ Tát Hạnh là người mang nợ đàn na thí chủ nhiều nhất nên phải trả nợ, chứ không phải tu Bồ Tát Đạo hành Bồ Tát Hạnh là có nhiều công đức và năng lực.

Người tu sĩ tu Bồ Tát Đạo hành Bồ Tát Hạnh là những người tu chưa chứng của Đại Thừa. Còn người tu theo Phật giáo đã chứng đạt chân lý, thực hành Bồ Tát Hạnh là để trả nợ cơm áo của đàn na thí chủ hoặc tạo duyên mới để độ mọi người nên gọi là hóa duyên độ chúng sanh

          Khi tâm thanh tịnh (Vô lậu) thì từ nơi tâm thanh tịnh đó lưu xuất ra năng lực mà chúng tôi đã nói ở trên, chứ không phải do pháp tu hành tạo ra năng lực.

          Một người tập pháp môn thiền định để mong nhập được định thì định ấy là tà định không phải chánh định. Người muốn tu tập thiền định để nhập được chánh định thì phải tu pháp môn ly dục ly ác pháp. Khi tâm đã ly dục ác pháp sạch thì tâm thanh tịnh (hết tham, sân, si) Tâm hết tham sân si thì lưu xuất ra bảy năng lực (thất giác chi) để tự điều khiển thân tâm nhập định chứ không phải do pháp tu mà nhập định được. Nhập định như vậy mới gọi là chánh định.

          Muốn hành Bồ Tát Đạo thực hiện Bồ Tát hạnh thì phải nên tu chứng quả A-la-hán xong thì mới đi độ chúng sanh, còn tu tâm chưa vô lậu thì đừng mơ ước độ chúng sanh. Vì chúng sanh nghiệp chướng sâu dày, không độ được chúng sanh mà chúng sanh lại xỏ mũi, dắt mình theo danh và lợi thì rất uổng phí một đời tu hành của một kiếp người. Bằng chứng các nhà Đại Thừa, các vị thiền sư đang bị chúng sanh xỏ mũi trong danh lợi chức phẩm, tiền bạc, ăn ngủ phi thời, chùa to Phật lớn v.v…

58. TU LÀ SỬA, CHỨ KHÔNG PHẢI TỤNG KINH,
NIỆM CHÚ, NIỆM PHẬT, CÚNG BÁI, NGỒI THIỀN

          Hỏi: Những Lời Phật Dạy được Thầy triển khai minh bạch, logic và khoa học làm sao gửi đến giáo hội cấp cao để cùng nghiên cứu lại, cùng nhìn nhận sự thật để kịp thời chấn chỉnh lại Phật giáo. Con hằng mong ước: Ngày Đại hội Phật giáo sẽ là ngày thanh lọc lại những gì đạo Phật nên duy trì và những gì cần lọai bỏ (mê tín) thì may ra mới còn giữ đúng nghĩa chữ “tu.” Vì tu là sửa mà giáo pháp không sửa đúng, cứ cố chấp bảo thủ mãi những giáo pháp không đúng của Phật giáo thì làm sao thực hành theo giáo pháp ấy mà thành tựu đạo quả.

          Đáp: Phải tùy duyên con ạ! Phước chúng sanh chưa đủ, dù chúng ta có muốn cũng không làm được. Không phải thời mạt pháp, mà chỉ vì con người sống trong ác pháp phóng xuất vô lượng từ trường ác trong bầu khí quyển, làm cho môi trường sống xấu đi, từ đó chánh pháp của Phật bị chôn vùi dưới lớp bụi mù kiến giải của những nhà học giả và của ngoại đạo.

          Một Phật giáo truyền thừa đã sai lệnh từ mấy ngàn năm qua đã ăn sâu vào tâm tư của mọi người, một truyền thống văn hoá mê tín lạc hậu của Tịnh Độ Tông, của Mật Tông, một trạng thái ảo tưởng mơ hồ lầm lạc của Thiền Tông. Muốn gội rửa những tư tưởng này không thể một thời gian ngắn mà được, phải có thời gian con ạ!

Vậy chúng ta phải kiên gan bền chí lần lượt từng giờ, từng phút, từng giây để chấn chỉnh lại những kinh sách, những giới luật, những đạo đức làm Người, làm Thánh của Phật giáo. Và còn mạnh dạn thẳng thắn chỉ rõ những chỗ sai lầm, những kiến giải không đúng, những giáo pháp của ngoại đạo đang trộn lẫn vào chánh pháp của Phật, khiến cho tín đồ Phật giáo không biết pháp môn nào là của Phật, pháp môn nào là của ngoại đạo, ngơ ngác trước một rừng pháp môn của kinh sách phát triển Đại Thừa

          Trên đường chấn chỉnh lại Phật giáo là một sự cam go và đầy gian nan thử thách. Nhưng con người có ý chí thì dời núi và lấp biển cũng không phải là khó khăn. Khó là vì chúng ta không đoàn kết, chỉ biết sống cho cá nhân của mình, chỉ vì danh lợi hão của riêng mình, chỉ vì tham mê tiền tài vật chất vô thường, muốn cho mình có nhiều, không thấy sự ích lợi chung cho mọi người, không thấy nền văn hoá tôn giáo mê tín lạc hậu đã làm suy yếu đạo đức nhân bản của loài người.

          Phải chờ đợi con ạ! Chúng ta, mọi người đều ý thức được sự đời là một cuộc sống vô thường, một cuộc sống không có ý nghĩa gì cả, sự an vui đâu là bao, toàn là sự khổ đau nhiều. Phải không con?

          “Các pháp thế gian; Là pháp vô thường
          Các pháp vô thường; Là pháp khổ đau.”

          Do ý thức được điều này nên mỗi người trong chúng ta phải nỗ lực tu tập xả tâm cho thật rốt ráo, nhờ có xả tâm rốt ráo chúng ta mới sống đúng đời sống đạo đức không làm khổ mình khổ người. Đó là chúng ta đã chấn chỉnh lại Phật giáo con ạ! Chúng ta đã làm cho Phật giáo sống bằng thân giáo của chúng ta, bằng đạo đức nhân bản – nhân quả, bằng một tâm hồn thanh thản, an vui trước các ác pháp và các cảm thọ.

          Đừng mong đợi vào ai và cũng đừng mong đợi vào tập thể nào cả mà hãy mong đợi nơi chính mình. Mong đợi nơi chính mình thì phải cố gắng xả tâm, làm một điều thiện là con đã chấn chỉnh lại Phật giáo rồi đấy con ạ!

59. CHẤN CHỈNH PHẬT GIÁO

          Hỏi: Con kính bạch Thầy! Sao trong thực tế: tu là sửa mà người đi tu là cả một sự nghiệp chuyển biến của tư tưởng từ nhận thức đến sự quyết tâm. Thế mà khi đã đi tu rồi còn đòi hỏi phải có một nghị lực và sự bền chí, gan dạ mới thắng được từng tâm niệm tham, sân, si… của mình. Có người tự bỏ cuộc, có người lại chết khi chưa toại nguyện. Và rồi người chứng đạo lại càng hiếm có hơn. Đó là con muốn nói cả một đời tu với bao tâm huyết.

Thế nhưng đại đa số người cứ tin vào sự cầu siêu cho hương linh được về Cực Lạc thì điều này con thấy lạ quá. Làm sao giúp mọi người tín đồ hiểu được điều này thưa Thầy? Vì khi còn sống khuyên đừng sát sanh - không làm được. Khuyên đừng uống rượu - không nghe. Khuyên sống hòa thuận - không làm. Khuyên xem sách đạo đức - lại làm ngơ… Thế mà cứ chết là cầu siêu thì làm sao siêu được!

          Kính bạch Thầy! Hay là trong Giáo hội hay pháp môn Tịnh Độ có cái nhìn, cái lý luận đúng như thế nào mà con không được biết. Thậm chí các thầy tụng kinh niệm Phật cũng ăn thịt chúng sanh, cũng uống rượu thì còn độ ai vào cõi siêu nào nữa!

Con thật không biết đến bao giờ mới có được những ngày huy hoàng là Mặt trận Tổ quốc cấp cao (cơ quan nối liền các ngành) và Giáo hội Phật giáo cấp cao (cơ quan đại diện cho tiếng nói đúng đắn của Phật giáo), lo vì tương lai của thế hệ mai sau mà cùng bàn bạc với Thầy về việc xây dựng nền đạo đức nhân bản - nhân quả trong toàn dân.

Từ ấy mới bắt đầu dựng lại cuộc sống quốc thái dân an, ngày ấy toàn dân được học và hành đạo đức nhân bản - nhân quả, không làm khổ mình, khổ người. Ngày ấy không còn cảnh bận rộn cầu siêu, cầu an, cầu cho tai qua nạn khỏi, cầu may, cầu khẩn xin điểm lên lớp vậy v.v...

          Nếu bản thân mọi người lo học tập và hành đạo đức thì ngày ấy giảm đi số người liều mạng phạm pháp và ngày ấy ngành công an được nâng cao tâm trí, được rèn luyện chuyên môn để cùng nhẹ nhàng hỗ trợ nền đạo đức, hỗ trợ cuộc sống toàn dân cao hơn nữa để quân bình sự tiến bộ của khoa học và đạo đức.

          Thầy ơi! Sao con thấy điều này quá cần thiết và cấp bách nhưng biết bao giờ mới được thực hiện? Hay là nói như bao người là thời mạt pháp phải chịu nền đạo đức tồi tệ như thế để loài người đi đến diệt vong? Lâu lắm rồi con mới viết thư trình Thầy. Con kính mong Thầy chỉ dạy thêm cho con.

          Đáp: Đúng vậy, tu theo đạo Phật là cả một đời tu với bao tâm huyết mới diệt được lòng tham, sân, si, cho nên nhiều người không ý chí, không nghị lực, không gan dạ, không kiên cường, không bền chí nên bỏ cuộc tu hành.

Vì thế, Đại Thừa biết rõ tâm lý của những người này nên sinh ra pháp môn Tịnh Độ để lôi họ vào mê hồn trận ảo tưởng của thế giới siêu hình tưởng tri. Những người không ý chí, không nghị lực, không gan dạ, không kiên cường, không bền chí, lười biếng thì thích tu theo pháp môn này. Do đó Phật giáo trở thành thần giáo mê tín lạc hậu làm mất chánh pháp của Phật giáo.

Trước cái sai của Phật giáo quá nhiều, ai đã từng đọc sách đạo đức nhân bản làm người đều có sự mong ước như con, nhưng làm sao được hỡi con!

          Tôn giáo là lãnh đạo tinh thần của mọi người, là truyền thống văn hoá đạo đức cho con người, thế mà tôn giáo lại dạy người mê tín, phá mất đạo đức nhân bản -  nhân quả như kinh sách Đại Thừa thì chúng ta hết ý kiến. Pháp môn Tịnh Độ là một pháp môn phi đạo đức.

Tại sao pháp môn Tịnh Độ lại là pháp môn phi đạo đức? Con hãy lắng nghe lời đức Phật A Di Đà dạy:

“Thiện nam tín nữ các người
Chí thành tưởng Phật niệm mười tiếng ra
Ta không rước ở nước Ta
Thệ không làm Phật chắc đà không sai.”

          Trên đây là một lời nguyện trong bốn mươi tám lời nguyện của Phật Di Đà khi ngài phát tâm độ chúng sanh, như vậy có thật đúng như vậy không? Không đúng các con ạ! Một trăm lần không đúng. Tâm tham, sân, si một bụng mà chỉ niệm có mười câu Phật là được rước về cõi Cực Lạc Tây phương thì sự việc đó không bao giờ có, vậy lời nguyện của Phật Di Đà là lời lường gạt người, là lời nói láo không thật.

          Chỉ niệm 10 tiếng A Di Đà Phật là được ngài rước về nước Cực Lạc mà không có một điều kiện gì cả. Lời dạy này có đúng không? Nếu có một người gian ác cướp của, giết người, hiếp dâm, phạm vào tội tử hình, lúc bây giờ người này chỉ cần niệm Phật A Di Đà thì Phật Di Đà liền rước người này về cõi Cực Lạc. Ý nghĩ về cõi Cực Lạc này thì con nghĩ sao?

Nếu Phật A Di Đà mà rước người ác này về nước của mình như vậy thì đất nước này sẽ là một đất nước trộm cướp. Một người còn tham, sân, si mà tụng kinh Di Đà sẽ được siêu sanh Tịnh Độ, thật là lừa đảo vô đạo đức. Làm sao niệm Phật mà hết tham, sân, si được. Cho nên pháp môn Tịnh Độ là pháp môn phi đạo đức lừa đảo người khác.

          Khi nào những pháp môn mê tín này được quét sạch ra khỏi Phật giáo thì nền đạo đức nhân bản – nhân quả mới được phổ biến rộng khắp. Nhưng tất cả đều do phước duyên của chúng sanh con ạ! Chúng ta hãy chờ đợi và trong khi chờ đợi thì chúng ta hãy sống đạo đức không làm khổ mình, khổ người và khổ cả hai thì đó là đem nền đạo đức nhân bản – nhân quả vào đời.