Câu hỏi của Diệu Quang
Hỏi:Kính thưa Thầy! Trong Tứ Thiền ta ngưng sổ tức để đạt tới Không Định, như vậy có đúng không thưa Thầy?.
Đáp:Không, đức Phật không có dạy trong Tứ Thiền ngưng sổ tức để đạt tới Không Định. Đức Phật dạy: “Muốn nhập Không Định thì phải dùng “Tưởng Không” mà tu tập”, như trong kinh Tiểu Không đức Phật đã dạy. Nhà học giả này giàu tưởng tượng tự đặt ra sự nối tiếp giữa bốn thiền hữu sắc và bốn định vô sắc, chứ ông ta đâu biết rằng bốn thiền hữu sắc và bốn thiền vô sắc tu hành khác nhau, không giống nhau chút nào. Thiền hữu sắc dùng ý thức mà tu, còn định vô sắc dùng tưởng thức mà tu. Cho nên, sự tu hành của hai loại thiền này cách biệt rất xa và cũng không phải là hai bậc thang của một cây thang.
Phật dạy nhập Tứ Thiền hơi thở tịnh chỉ, hơi thở đã tịnh chỉ thì còn đâu phải ngưng sổ tức, nhà học giả này đã tự đặt ra mà không thấy cái sai của mình. Từ xưa đến giờ, các Tổ đều nghĩ tưởng bốn thiền hữu sắc thấp hơn bốn định vô sắc. Vì có nhập được bốn thiền hữu sắc thì mới có thể nhập bốn định vô sắc, hiểu như vậy, tức là hiểu sai. Xưa, đức Phật chưa nhập bốn thiền hữu sắc mà đã được hướng dẫn nhập bốn định vô sắc và Ngài đã nhập được Vô Sở Hữu Xứ Định và Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Xứ Định.
Người muốn nhập định vô sắc thì không cần phải nhập định hữu sắc, vì trong kinh Tiểu Không Đức Phật đã dạy rõ ràng. Quý vị nên đọc lại bài kinh Tiểu Không, ở trong kinh Trung Bộ. Muốn nhập Không Vô Biên Xứ Định, Đức Phật đã dạy: “ý thức thanh tịnh không liên hệ ngũ căn thì nhập Không Vô Biên Xứ Định”, chứ không phải nhập Tứ Thiền rồi mới nhập Không Định như nhà học giả đã dạy ở trên.
Tóm lại, các nhà học giả phần đông chưa có tu tập nhập được từ Sơ Thiền đến Tứ Thiền thì không làm sao giảng nổi Tứ Thánh Định. Nếu không có kinh nghiệm tu hành nhập được Tứ Thánh Định chân thật thì Tứ Thánh Định của đạo Phật chỉ còn là một bài kinh chữ nghĩa suông, nếu ai đem giảng nói, mà không có kinh nghiệm tu hành thì không có ích lợi gì cho ai cả mà còn hại cho người tu sau này. Nhiều nhà học giả tự đặt ra bằng trí tưởng tượng nên làm sai lệch ý nghĩa lời dạy của đức Phật, càng giảng Tứ Thánh Định lại càng thêm tối nghĩa, mù mờ không rõ, pháp hành không có.