Hỏi: Kính thưa Thầy! Thầy Chân Quang nói rằng con đường đạo Phật trong tương lai theo ý của thầy: thứ nhất là phải tôn kính Phật thật nhiều thì mới có chứng đạo được và thứ hai là phải có lòng vị tha vô hạn để cứu độ đời. Còn tu mà ăn ít, ngủ ít như vậy, tức là không có chứng đạt được, còn có thể tác hại nhiều hơn nữa.
Cho nên cuối cùng thầy dẫn chứng rằng con đường của thầy đi là con đường được Phật chấp nhận. Sự dẫn chứng đó là thầy có một người đệ tử ngồi thiền cảm thấy ngồi như mới ngồi 15 phút mà thật ra là đã ngồi hai tiếng đồng hồ. Trong khi vị sư đó được nhập vào hội Đức Phật đang thuyết pháp và nghe Đức Phật thuyết pháp rất hay và nói rằng: Đức Phật thuyết pháp y như thầy Chân Quang thuyết. Đó là kết luận của cuộn băng mà con được nghe. Kính xin Thầy chỉ dạy.
Đáp: Thầy Chân Quang nói tôn kính chư Phật thật nhiều, nhưng tôn kính như thế nào thì thầy Chân Quang không nói rõ. Nếu thầy lặp lại ý của kinh sách Đại Thừa mà từ xưa những kinh sách này đã dạy tôn kính Phật thật nhiều như:
1- Kinh sách Đại Thừa dạy là phải lạy hồng danh tam thiên chư Phật để tiêu tội nghiệp chướng (Lạy hồng danh sám hối). Lạy hồng danh sám hối tức là kinh sách Đại Thừa cho đó là tôn kính chư Phật. Khi tôn kính chư Phật lạy hồng danh sám hối thì tiêu tội nghiệp chướng.
Nếu dựa vào kinh sách này mà thầy Chân Quang cho là chứng đạo thì chúng tôi e rằng không đúng. Vì từ xưa đến ngày nay, có biết bao nhiêu người cung kính tôn trọng Phật theo kiểu lạy sám hối tam thiên chư Phật mà có thấy người nào tiêu tội và chứng đạo đâu?
2- Phải có lòng vị tha vô hạn để cứu độ chúng sanh. Điều này kinh sách Đại Thừa đã dạy “Hành Bồ Tát Đạo,” tức là thực hiện lòng vị tha vô hạn để cứu độ chúng sanh. Nhưng con người tu chưa chứng đạo thì làm sao có lòng vị tha vô hạn được. Phải không quý vị?
Tâm còn tham, sân, si chưa lìa thì lòng vị tha vô hạn ở chỗ nào có được? Vì thế những người tu chưa chứng mà thực hiện Bồ Tát Đạo cũng giống như người mù dắt một đám người mù mà đi. Vì lòng vị tha vô hạn của người tu chưa chứng đã độ chúng sanh, vì thế độ chúng sanh đâu không thấy mà thấy độ danh, độ lợi, độ chùa to Phật lớn, độ xe hơi, ti vi, tủ lạnh v.v…
Có lẽ thầy Chân Quang nghĩ rằng người tu có chùa to, Phật lớn, tủ lạnh, ti vi là chứng đạo.
3- Thầy Chân Quang dạy: ăn ít, ngủ ít thì tu không chứng đạo. Thầy dạy như vậy có ngược lại với Phật giáo hay không? Đức Phật và chúng Thánh Tăng, Thánh Ni ăn ngày một bữa sao các Ngài lại chứng quả giải thoát, tự tại trong sanh tử, chấm dứt luân hồi mà trong kinh sách Nguyên Thủy còn ghi rõ ràng. Thời nay quý thầy ăn uống phi thời thân xác mập phì, đau bệnh liên tục, lúc nào cũng thuốc thang, châm cứu. Vậy chứng đạo chỗ nào? Thầy Chân Quang dám phỉ báng Đức Phật và chúng Thánh Tăng và Thánh Ni như vậy không sợ tội đọa địa ngục sao?
Tại tu viện Chơn Như, Thầy đã tiếp nhận những tin tức từ chùa Phật Quang loan báo: “Thầy Thông Lạc chết, Thầy Thông Lạc bệnh nặng, Thầy Thông lạc bại liệt, Thầy Thông Lạc ói ra máu…” Những tin tức này đã làm cho một số phật tử hoang mang dao động. Nhờ những tin tức này mà Thầy mới được rảnh rang.
Làm một vị Thầy có trách nhiệm và bổn phận đối với đệ tử của mình thì rất là vất vả, còn ngược lại không thấy trách nhiệm bổn phận mà nhận một số lượng đông đệ tử để làm mồi danh lợi cho vị thầy đó, chứ số đệ tử đó tu hành chẳng đi đến đâu cả. Điều này đã chứng minh cụ thể, hiện giờ số lượng tu sĩ Phật giáo đông như kiến, mà tu hành đời chẳng ra đời, đạo chẳng ra đạo. Ai chịu trách nhiệm này?
Một người nhập định thì không có thời gian và không gian thì làm sao trong hai tiếng đồng hồ mà cảm thấy bằng 15 phút. Chứng tỏ vị này chưa phải nhập định mà đã rơi vào trạng thái “lên đồng” của tưởng ấm. Sắc và thinh tưởng hiện ra. Thầy ấy cảm thấy mình như đang dự hội Phật Thích Ca Mâu Ni thuyết pháp giống như thầy Chân Quang.
Vị sư ấy chưa chứng minh được đời sống Phạm hạnh, giới luật còn vi phạm thì làm sao sư ly dục ly ác pháp được để nhập đúng chánh định, chưa nhập đúng chánh định thì làm sao có Tam Minh, không có Tam Minh thì làm sao dự hội thuyết pháp của Phật được. Như vậy rõ ràng vị sư này nhập vào định tưởng, bị sắc thinh tưởng ấm ma mới có cảm tưởng thầy Chân Quang thuyết pháp như Phật Thích Ca Mâu Ni.
Tóm lại vị sư này đã rơi vào định tưởng, một loại thiền định đưa đến bệnh thần kinh. Hầu hết những người có nhiệt tâm tu hành thiền định đều bị bệnh thần kinh này dù nhẹ hay nặng mà chúng tôi đã từng gặp rất nhiều người.
51. GIỚI CẤM HAI VỊ TỲ-KHEO KHÔNG ĐƯỢC NGỦ CHUNG
Hỏi: Kính thưa Thầy! Trong cuộn băng của thầy Chân Quang, gần phân nửa cuộn băng có một phần ba mà thầy nói rất là hay, nói về Thầy, tức là thầy Chân Quang đã từng ở tại đây cả một năm trời. Nào là có những lúc nằm bên cạnh Thầy, buổi trưa Thầy ngủ trưa rồi Thầy còn nhường ghế, nhường giường cho thầy Chân Quang ngủ nữa, lúc đó Thầy rất dễ dãi, Thầy cho thầy Chân Quang thoải mái, ăn ngày ba bữa, muốn làm sao thì làm, mà cũng không cần phải tu nữa.
Chúng con nghe nói ở với Thầy một năm, chúng con nói: Trời ơi sướng quá! Tha hồ mà học hỏi! Rốt cuộc bây giờ thầy Chân Quang nói: Lúc đó, Thầy dạy mà thầy học một tháng trời mà không có bắt được cái đường dây hơi thở, mà nhiều khi phải chạy tại chỗ, chạy thở hổn hển. Con không hiểu là lúc đó Thầy dạy cho thầy Chân Quang đặc biệt làm sao mà chúng con không hiểu nổi. Rồi thầy Chân Quang kể lại: Thầy nói chuyện túc duyên giữa Thầy với thầy Chân Quang chúng con nghe thích quá hà! Vậy xin Thầy kể lại cho đại chúng ở đây nghe.
Đáp: Thầy Chân Quang thường sống trong tưởng nên tưởng ra mà nói với quý vị cho vui, chứ giới luật Phật cấm không cho hai vị tỳ-kheo ngủ chung. Nhường ghế, nhường giường thì có, mà ngủ chung thì không có. Cho thầy Chân Quang ăn thoải mái thì có, vì thầy đang bệnh hạch hầu ăn uống không được, người ốm xanh xao v.v…
Thầy nhiếp tâm trong hơi thở không được vì bệnh hạch hầu, nên thầy cũng không có tu hơi thở được. Còn chạy lúp xúp và thở hổn hển thì Thầy không có dạy, mà chỉ dạy năm hơi thở hồi hướng một câu cũng giống như bây giờ Thầy dạy năm hơi thở tác ý một câu hoặc năm hơi thở đi kinh hành 20 bước.
Nói về túc mạng thì thầy Chân Quang thường nói chuyện với Thầy về những đời trước của mình: thầy tưởng đời trước của thầy là Trương Lương, là Khổng Minh. Khi nói như vậy Thầy biết đó là thầy Chân Quang đang sống trong tưởng, Thầy liền lái qua nhân quả mà trả lời: Nếu đời trước là Trương Lương và Khổng Minh thì đời nay mình phải thông minh như những người ấy. Cho nên xem quả hiện tại mà biết nhân ở quá khứ, còn xem nhân hiện tại thì biết quả ở vị lai. Còn Chân Quang hiện giờ thông minh thì nhân quá khứ là một danh tướng. Thầy không chấp nhận vấn đề sống trong tưởng, nhưng không nói thẳng mà chỉ nói nhân quả cho Chân Quang tự hiểu. Đó là lối khéo léo thiện xảo của Thầy.
Ví dụ: Như cuộc đời hiện tại của mình đang sống là một tu sĩ Phật giáo là do duyên tu trong đời trước. Vì thế tuổi trẻ trở thành tu sĩ sớm như thế này. Luận như vậy là luận nhân quả có thời gian. Còn luận đời trước mình là ông này ông kia là luận theo kiểu Đại Thừa mê tín. Nghiệp tái sanh chứ không có ông này ông kia tái sanh. Mà nghiệp chỉ là hành động thiện ác của ông ta, chứ không phải ông ta.
Cuốn Luận Về Nhân Quả của thầy Chân Quang viết ở Thường Chiếu chứ không phải viết ở tu viện Chơn Như. Nhưng khi mang tập bản thảo này về đây và nhờ Thầy đọc lại, cho lời giới thiệu. Trước khi viết lời giới thiệu Thầy có khuyên Chân Quang bỏ bớt những tưởng giải, nhất là tưởng về thầy Thanh Từ và thầy Nhật Quang. Cuốn sách này có lợi ích về nhân quả nhưng vì viết về tưởng nhiều quá nên mất giá trị, khiến người ta mê tín chẳng lợi ích nhiều cho con người.
Nói về hơi thở thì ngay từ bắt đầu dạy người tu tập về hơi thở Thầy đã dạy theo kinh nghiệm dùng hơi thở tập tỉnh thức, dùng hơi thở phá hôn trầm.
1- Dùng năm hơi thở hướng tâm một lần (xưa Thầy dùng chữ “hồi hướng” để Đại Thừa và Hòa Thượng Thường Chiếu không nghi ngờ).
2- Dùng năm hơi thở, kinh hành 20 bước để phá hôn trầm.
3- Dùng một hơi thở chậm nhẹ và năm hơi thở bình thường là để phá hôn trầm ngồi tại chỗ, là để gom tâm phá thọ.
4- Hơi thở ra biết ra, hơi thở vào biết vào và kèm theo pháp hướng tâm, như trong kinh Nhập Tức Xuất Tức, để dùng ý thức ngăn ác pháp.
Thầy không bao giờ dạy sai kinh điển Phật, dạy sai lời Phật dạy. Đức Phật dạy như thế nào thì Thầy dạy như thế nấy. Thầy không kiến giải pháp mới mà chỉ dạy đúng như lời dạy của Đức Phật đã dạy để làm Phật giáo sống lại. Pháp nào của đạo Phật là phải trả về cho đạo Phật, pháp nào không phải thì phải loại trừ ra khỏi Phật giáo. Không được lừa đảo tín đồ Phật giáo.
Tóm lại, mục đích cuộn băng mà các con được nghe thầy Chân Quang thuyết dù nói thuận chiều hay nghịch chiều với Thầy đều là có mục đích duy trì thế giới siêu hình, vì thế giới siêu hình còn có thì dễ lừa đảo và làm giàu trên mồ hôi nước mắt của người khác khi mình tu chưa chứng.
Hỏi: Kính thưa Thầy! Con xin hỏi Thầy câu cuối cùng, vì bây giờ sắp tới giờ ngọ rồi, mà câu này cũng rất là quan trọng. Người ta nói: Khi Thầy nói, phê bình về Đại Thừa và Thiền Đông Độ giọng nói của Thầy hơi sân, có không thưa Thầy? Xin Thầy….
Đáp: Thật sự mà nói Thầy sân thì không đúng. Vì kinh sách Đại Thừa và Thiền Đông Độ không có làm điều gì cho Thầy sân, vì nó là kinh sách, là lời dạy của các Tổ, không đúng như lời dạy của Phật, nó là sản phẩm của những nhà học giả tu hành chưa tới nơi, tới chốn, chứ không phải của hành giả đạt đạo.
Thường người ta giận là giận con người, chứ có ai giận kinh sách bao giờ. Giọng nói của Thầy có “gằn mạnh” những từ dùng “thẳng thắn” “mạnh bạo” như một dũng tướng xông trận, nhưng không phải vì thế mà gọi là căm tức giận hờn được. Nếu người hiểu biết giọng nói đó là tiếng chuông xé nát bầu không gian để cảnh tỉnh mọi người đừng quá u mê, đừng nghe theo giáo pháp phi đạo đức, công lý và công bằng, giáo pháp đầy sự mê tín lạc hậu, lừa đảo mọi người.
Giáo pháp đó đã giết chết biết bao nhiêu thầy Tổ của chúng ta trải qua hai mươi mấy thế kỷ, giờ đây đang giết chết chúng ta và sẽ giết chết con cháu của chúng ta sau này. Tiếng nói của Thầy là tiếng nói chung của nhiều người từ trong tâm trạng đau khổ của những ai đã thiết tha đi tìm đường giải thoát của đạo Phật.
Thầy nói ra, không phải vì sân hận đâu. Giọng nói gằn mạnh của Thầy là để cho mọi người hiểu biết mà cố tránh giáo pháp này. Vì giáo pháp này sẽ giết chúng ta như trên Thầy đã nói. Suốt cả cuộc đời tu hành của chúng ta, tu mà chẳng có gì hết.
Từ khi Đức Phật tịch, giáo pháp của Ngài đã bị dìm mất, thay thế bằng một tà giáo. Thầy Tổ của Thầy, tức là các Hoà Thượng như là Hoà Thượng Phước Lưu, ngài chết rất đau khổ vì bệnh bán thân. Hoà Thượng Thiện Hoà, ngài là thầy đỡ đầu trên con đường học tập của Thầy, ngài chết cũng rất đau khổ, vì bệnh bán thân.
Vì kiến chấp giáo pháp Đại Thừa nên họ phỉ báng Thầy, nói Thầy sân. Nhưng Thầy sân ai bây giờ? Tại sao Thầy lại sân giáo pháp đó để làm gì? Không những Thầy là nạn nhân của giáo pháp đó và còn biết bao nhiêu người nữa, bao nhiêu thế hệ nữa. Trong sách Thầy đã nói: Thầy là nạn nhân của giáo pháp Đại Thừa và Thiền Tông. Nếu Thầy không đủ phước Thầy cũng điên như thầy Thông Vân, thầy Thiện Thuận và rất nhiều người nữa.
Tóm lại, một giáo pháp sai giết hại biết bao nhiêu thế hệ tín đồ Phật giáo, Thầy biết mà không dám nói thẳng, nói mạnh thì ai biết nó là sai!!! Không biết giáo pháp đó sai thì ai biết đâu mà tránh!!! Phải không hỡi quý vị? Biết sai nhưng nó đã trở thành những phong tục tập quán thì bỏ rất là khó.