45. NĂNG LỰC CỦA TƯỞNG
Hỏi: Kính thưa Thầy, người ta vì bốc mả người chết mà đổ nước vào trong quan tài khấn vài câu, xương nổi lên mặt nước hết là vì sao? Xương bốc bỏ vào tiểu đầy không hết, đậy nắp không được, nhưng nếu khấn vài câu tự nhiên xẹp xuống và đậy nắp kín. Con kính mong Thầy giải thích cho con được rõ?
Đáp: Từ nhỏ còn bé cho đến hôm nay tuổi Thầy đã gần đất xa trời mà chưa có một lần đi bốc mả, vì miền Nam không có tục lệ như miền Bắc. Do đó Thầy không có dịp trực tiếp quan sát những sự việc xảy ra khi bốc mộ, nhưng theo sự suy tư của Thầy có hai trường hợp xảy ra:
1, Về khoa học, xương người chết, nước và không khí có tác dụng khoa học, khiến xương nổi lên và xẹp xuống.
2, Về phần tâm linh thuộc về tưởng ấm. Khi tâm thành khấn thì năng lực tưởng của người khấn phát tác, khiến cho xương nổi lên và xẹp xuống đậy kín nắp tiểu.
Ở đây, chúng ta đừng hiểu theo kiểu mê tín có linh hồn người chết khiến cho xương nổi lên, xương nổi lên cần gì phải đổ nước vào quan tài? Nếu khấn mà linh thiêng thì khấn cho tất cả xương đều bay vào tiểu, cần gì người ta phải lượm xương chất vào tiểu.
Tất cả những sự việc trên đây mà con hỏi cũng đã khiến cho người ta phải tin rằng thế giới siêu hình có thật. Vì không ai hiểu và giải thích được của một năng lực tưởng của người còn sống siêu thời gian và không gian. Vì thế chỉ có những người tu hành đúng chánh pháp của Phật vượt không gian và thời gian thì mới thấu rõ được năng lực của tưởng của người còn sống thật là vi diệu. Từ xưa đến nay loài người và các tôn giáo đều không hiểu rõ năng lực của tưởng nên lầm lạc cho đó là thế giới siêu hình. Vì thế mà thế giới siêu hình được duy trì và tồn tại sống mãi đến ngày hôm nay. Mặc dù dân trí của loài người nhờ khoa học nâng lên tầm hiểu biết khá sâu rộng, tuy chưa hoàn chỉnh nhưng cũng tiến bộ rất xa.
Sự tiến bộ này đã bắt đầu làm rung chuyển thế giới siêu hình. Cho nên Đại Thừa và thiền Đông Độ sẽ không còn lừa phỉnh được ai. Rồi đây thế giới siêu hình hoàn toàn bị triệt tiêu trên hành tinh này do các nhà khoa học và đạo đức học. Và loài người không còn bị lừa đảo bởi thế giới siêu hình này nữa.
46. CÂU CHUYỆN LIÊU TRAI
Hỏi: Kính thưa Thầy, người ta bảo trần sao âm vậy. Vì người ta từng đi “tem” qua chỗ tha ma người ta thấy họ cũng họp chợ lao xao tiếng nói như người. Vậy như thế nào? Xin Thầy dạy cho chúng con được rõ.
Đáp: Đây là câu chuyện Liêu Trai mà người ta đã chịu ảnh hưởng tư tưởng của Bồ Tùng Linh. Những chuyện ma của Bồ Tùng Linh là một tư tưởng phi không gian và thời gian có nghĩa là không có sự chết mà chỉ có một sự hiện hữu trong cuộc đời này bằng hai mặt: sắc và vô sắc.
Với đôi mắt của Bồ Tùng Linh, thế giới hữu hình và thế giới siêu hình chỉ là một chứ không hai. Do thế một tiểu thư con gái nhà quan đã chết hơn trăm năm mà vẫn thành chồng vợ với một cậu thư sinh mới mười tám tuổi. Vì thế, sự họp chợ ngoài nghĩa địa tha ma là một sự tưởng tượng phi không gian và thời gian của nhà văn Bồ Tùng Linh.
Chúng ta phải đứng trong góc độ của ý thức xây dựng cho mình một nền đạo đức chân thật để mang hạnh phúc an vui cho mình cho người, đừng nên sống trong sự tưởng tượng của Bồ Tùng Linh, nó không lợi ích thiết thực mà chỉ là một giấc mơ ảo huyền, đôi khi còn ám ảnh tâm hồn của chúng ta trong thế giới ma.
Nếu chúng ta không hiểu ý nghĩa của Bồ Tùng Linh thì cái thế giới tưởng siêu không gian và thời gian này sẽ mang cho chúng một sự mê tín rất lớn và còn đem tai hại cho đời sống của chúng ta nhiều khổ đau hơn là hạnh phúc. Là một con người chúng ta phải sống chân thật cho mình, đừng sống trong ảo tưởng mà phải sống trong nền đạo đức nhân bản - nhân quả, không làm khổ mình khổ người để khắc phục những nỗi khó khăn của kiếp làm người. Những nỗi khó khăn đó đang chờ đợi chúng ta ở phía trước.
47. TƯỞNG TRI VÀ THẬT TRI
Hỏi: Kính thưa Thầy! Tưởng tri và thật tri nghĩa như thế nào?
Đáp: Tưởng tri và thật tri khác nhau không giống nhau. Tưởng tri là sự hiểu biết qua tưởng thức, thật tri là sự hiểu biết qua ý thức.
Ví dụ: Một người chưa từng bao giờ thấy ma, nghe người ta nói ma, họ diễn tả con ma hình thù bằng cách này, bằng cách khác. Do sự tưởng diễn tả những hình ảnh của ma, từ đó năng lực tưởng thức của chúng ta mô phỏng theo hình dáng đó xuất hiện, khiến chúng ta nhìn thấy con ma như thật. Cái thấy con ma thật sự như vậy gọi là tưởng tri. Cho nên cái thế giới siêu hình cũng do từ năng lực của tưởng tạo ra chứ không phải có linh hồn người chết nhập vào người còn sống, mà chính người còn sống mới có năng lực tưởng tri của mình tạo ra. Chính năng lực tưởng tri của người đó đã nói chuyện với người đó.
Vì thế các nhà ngoại cảm vẫn thấy có linh hồn người chết mượn xác thân mình nói chuyện với người còn sống. Những sự hiểu biết qua tưởng thức như vậy gọi là tưởng tri. Còn thật tri là sự hiểu biết qua ý thức, chắc quý vị ai cũng đều rõ. Khi chúng ta phân biệt mọi vật trước mắt mà hiểu được mọi vật đó một cách rõ ràng và cụ thể thì đó là thật tri. Thật tri chính là ý thức của chúng ta đang sử dụng hằng ngày trong cuộc sống. Đó là sự hiểu biết phân biệt phải, trái, tốt, xấu, trắng, đen, dơ, sạch, thiện, ác v.v...
48. SAU KHI NHẬP DIỆT, CHƯ PHẬT
CÒN TRỞ LẠI THẾ GIAN NỮA KHÔNG?
Hỏi: Kính thưa Thầy! Đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni và các vị Phật xưa kia, sau khi nhập diệt từ bỏ xác thân có trở lại thế gian nữa không?
Đáp: Đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni sau khi nhập diệt từ bỏ sắc thân không còn trở lại thế gian nữa. Trong kinh Nguyên Thủy thuộc tạng kinh A Hàm, Đức Phật Thích Ca đã xác định điều này rất rõ ràng. “Ta chỉ còn một kiếp này nữa thôi.” Tại sao Phật không tái sanh lại cõi thế gian này nữa?
Chư Phật không tái sanh lại cõi thế gian này nữa vì cõi thế gian đầy dẫy các ác pháp, con người trên thế gian này có việc gì thì ăn thua đủ, không biết nhẫn nhịn, hung dữ, chửi mắng, mạt sát lẫn nhau, gian xảo, lừa đảo, điêu ngoa, xảo quyệt, giả dối, nhiều chuyện, gian ác, hiểm độc, v.v...
Phật không dám tái sanh lại cõi thế gian này nữa là vì khí hậu thời tiết khắc nghiệt, lúc nắng, lúc mưa, gió bão bất thường, lại thêm bão lụt, động đất, thủy tai, hỏa hoạn, giặc giã, trộm cướp, giết người chẳng chút lòng xót thương, v.v...
Phật không dám tái sanh lại cõi thế gian này nữa là vì mang thân tứ đại này giống như ở tù chung thân, đi đâu cũng không được tự tại, tự do rất là khổ sở.
Phật không dám tái sanh lại cõi thế gian này nữa là vì tâm Phật hết tham, sân, si. Tâm Phật hết tham, sân, si thì không còn tương ưng với chúng sanh thì không thể nào tái sinh lại được, dù Phật muốn sinh làm người lại nhưng không làm sao được nữa.
Phật không dám tái sanh lại cõi thế gian này nữa là vì mang thân tứ đại này như ở trong ổ bệnh, nóng nực quá chịu không nổi, lạnh quá chịu cũng không xong, mỗi mỗi đều có thể xảy ra gây thương tích làm đau nhức không xiết kể. Thân tứ đại lại vô thường nên thường xảy ra bệnh tật, khi bệnh tật thì khổ đau vô cùng, vô tận.
Vì thân tứ đại vô thường, nên không tránh khỏi sự già nua, mà hễ già nua thì tay chân run rẩy, đi đứng không vững vàng thì thật là khổ sở vô cùng.
Vì thân tứ đại vô thường nên sự hoại diệt chắc chắn phải đến, đến trong sự đau khổ tử biệt sanh ly. Cho nên khi một Đức Phật nhập diệt không tránh khỏi cả một trời đau thương phải không hỡi các con? Khi còn là một học Tăng, Thầy đọc kinh Niết Bàn, trước giờ phút Đức Phật nhập diệt cả Trời Người đều khóc thương thảm thiết khiến Thầy cũng xúc động khóc theo. Đây không phải là sự đau khổ tận cùng của sự chia ly hay sao?
Cho nên Đức Phật ra đi bỏ báo thân này thì không bao giờ trở lại làm thân người nữa, không phải chư Phật sợ khổ đau làm thân chúng sanh mà chính duyên chúng sanh đã hết. Nếu còn duyên với chúng sanh thì Đức Phật không bao giờ nhập Niết Bàn, Ngài sẽ phục hồi sự sống rất dễ dàng, muốn sống bao lâu cũng được. Trong kinh Niết Bàn đã nói điều này rất rõ ràng.
Hết duyên với chúng sanh có nghĩa là duyên nhân quả đã hết. Mục đích của một người tu theo đạo Phật là phải trả sạch nhân quả, có nghĩa là không còn nợ nhân quả; không còn nợ nhân quả tức là một người sống toàn thiện, vì sống toàn thiện là thoát khổ, cho nên không còn nghiệp lực nhân quả đi tái sanh; không còn nghiệp lực nhân quả đi tái sanh thì lấy cái gì để đi tái sanh, cái đi tái sanh đã bị diệt rồi và nợ nhân quả cũng hết rồi thì còn duyên nghiệp gì để Phật đi tái sanh nữa.
Mục đích phải đạt của một vị tu sĩ là tu thành Phật, thành Phật để chấm dứt duyên nghiệp tái sanh luân hồi. Khi chấm dứt rồi thì còn lấy cái gì đi tái sanh. Mầm tái sanh đã bị diệt ngay từ lúc hướng tâm đến Lậu Tận Minh.
Mầm tái sanh làm người đã dứt thì nợ nhân quả đã hết, nợ nhân quả đã hết thì duyên chúng sanh đã hết, duyên chúng sanh đã hết thì dù có muốn tái sanh cũng không làm ích lợi cho con người. Vì hết duyên, có thuyết giảng, có dạy đạo chúng sanh cũng chẳng nghe.
Ví dụ: Hiện giờ Đức Phật Thích Ca Mâu Ni có tái sanh trở lại dạy người tu hành thì người ta vẫn phỉ báng rằng Đức Phật Thích Ca Mâu Ni dạy pháp điên, dạy lỗi thời, dạy không đúng giáo pháp Đại Thừa và Thiền Đông Độ, dạy cho những người sơ cơ còn có chứng, có đắc, còn pháp môn hiện giờ vô chứng, vô đắc, tự tại, vô ngại đói ăn, khát uống, không chấp giới luật. Do những điều trên đây mà chư Phật nhập diệt rồi thì không bao giờ trở lại cảnh giới thế gian này nữa.
49. ÁNH SÁNG TRÍ TUỆ
Hỏi: Kính thưa Thầy! Vị Minh Sư tỏa sáng đều khắp cho chúng sanh. Chúng sanh nào có tâm ly dục trở nên trong sáng sẽ được hưởng ánh sáng nhiều và ngược lại?
Đáp: Vị Minh Sư luôn tỏa ánh sáng trí tuệ đều khắp cho chúng sanh. Chúng sanh nào có đủ duyên với Phật pháp nên khi gặp được ánh sáng trí tuệ đó liền đặt trọn lòng tin kiên cố ở vị Minh Sư, nhiệt tâm thực hiện lời dạy của Người, sống đúng, tu tập đúng, nhờ đó tâm ly dục ly ác pháp. Ngày ngày tâm trở nên trong sáng hơn và thụ hưởng áng sáng trí tuệ đó nhiều hơn. Ánh sáng trí tuệ Phật luôn luôn tỏa khắp trong không gian như không khí mà quý vị đang hít thở, nếu quý vị khởi một niệm thiện pháp thì ánh sáng đó trở thành trí tuệ của quý vị, tức là quý vị đang hành động một đạo đức nhân bản không làm khổ mình khổ người.
Vì thế kẻ nào sống trong thiện pháp, biết ngăn ngừa ác pháp là đang sống trong trí tuệ của Phật, trí tuệ của vị Minh Sư, ngược lại sống không biết ngăn ác, diệt ác pháp, sống phạm giới, phá giới là sống xa lìa trí tuệ Phật, không hưởng được ánh sáng của vị Minh Sư tức là sống xa lìa sự giải thoát của đạo Phật.
Phật lúc nào cũng sống bên chúng sanh, còn chúng sanh thì lúc nào cũng sống xa Phật.
Tại sao vậy?
Vì chúng sanh thường sống trong ác pháp, còn Phật thì sống trong thiện pháp. Nếu chúng sanh biết sống trong thiện pháp thì đó là trở về với Phật, còn chúng sanh sống trong ác pháp là xa lìa Phật, dù muốn gần Phật cũng không được, dù hết lòng cầu khẩn cũng không được. Cho nên đạo Phật rất đơn giản nhưng người không biết tu tập sai pháp như: ngồi thiền, tụng kinh, niệm Phật, niệm chú, bắt ấn, đọc thần chú, bái sám, lạy hồng danh chư Phật, cầu an, cầu siêu, v.v... đều là những việc làm đi ngược lại với Phật giáo, gây tạo ra nhiều màu sắc mê tín, dị đoan, ảo giác, trừu tượng... phần nhiều sống trong ảo mộng.
Xét lại tất cả các tôn giáo hiện có mặt trên hành tinh này đều có sự giống nhau, không rơi vào hình thức mê tín này thì lại rớt vào hình thức mê tín khác. Đó là vì chịu ảnh hưởng chung trong một bối cảnh siêu hình của tưởng tri. Vì thế, khi Đức Phật nhập diệt, các tu sĩ ngoại đạo cố gắng lồng thế giới siêu hình vào đạo Phật để biến Phật giáo giống như các tôn giáo khác để dễ bề chúng phát triển thế giới siêu hình.
Nếu đạo Phật giẫm lại lối mòn của các tôn giáo khác thì đạo Phật không còn ý nghĩa tự lực của đạo giải thoát nữa. Nhìn chung toàn bộ kinh sách Đại Thừa đều là một kho giáo lý góp nhặt những tưởng tri của các nhà triết học tôn giáo và thế tục. Lý luận nghe rất siêu nhưng áp dụng vào đời sống con người thì ích lợi không bao nhiêu mà tai hại thì rất nhiều.