Kì 7: Chánh Tín - Mê Tín (26-30)

26. TÂM DANH VÀ BỎN XẺN

          Hỏi: Kính thưa Thầy, cái tâm của phật tử lúc phấn khởi lên trước đám đông người: “Tôi xin đăng ký cúng dường vào sổ công đức” nhưng một tuần sau lại trả lời: “Tôi chỉ cúng ít thôi.” Thưa thầy, có phải là tâm chúng sanh hoảng loạn không? Lúc vầy lúc khác.

          Đáp: Không phải là tâm hoảng loạn mà tâm háo danh và tâm bỏn xẻn. Vì Phật pháp, vì lợi ích chung cho mọi người mà phát tâm cúng dường cũng như làm việc từ thiện, không ai bắt buộc mình cúng dường nhiều hay ít mà tùy nơi lòng thành và lòng hảo tâm. Những phật tử làm như vậy là có đúng chánh pháp không?

          Tâm danh và tâm bỏn xẻn chen lẫn nhau trong một việc làm như vậy để cho mọi người nhận được tâm mình thiếu thành thật, đang bốc đồng trong danh chứ không phải thực lòng cúng dường, thực lòng thương người mà làm từ thiện. Rồi sau đó lại cúng dường ít và làm từ thiện ít thôi, trong khi mình rất khá giả, giàu có, đó là thể hiện tâm bỏn xẻn để mọi người đều nhận biết, đó là cái danh “hão”. Đạo Phật dạy thật tình, thật tâm. Cái gì đúng nghĩa, đúng chánh pháp thì cúng dường bao nhiêu không tiếc.

          Trong thời Đức Phật có hai vợ chồng nhà kia rất nghèo. Hai người chỉ có một bộ y áo. Khi chồng đi ra ngoài thì mặc bộ y áo đó, còn vợ thì ở trong nhà đóng cửa lại vì không có y áo che thân. Khi vợ đi ra ngoài mặc y áo đó đi thì chồng cũng đóng cửa ở trong nhà. Thế mà khi nghe Đức Phật đến trụ tại vùng này thì hai vợ chồng bàn nhau đem bộ y áo đó cúng dường cho Phật. Cuối cùng họ phải dùng lá cây che thân và dâng bộ y áo cúng dường Phật. Đây là do tâm thành cúng dường Phật mặc dù rất nghèo.

          Cúng dường không có nghĩa là cầu danh.

          Trên một chiếc xe buýt, người ăn mày tàn tật đi xin từ đầu xe đến cuối xe chẳng ai cho một xu, thấy thế chúng tôi bảo người phật tử ngồi gần bên hãy bố thí cho người ăn mày quá tội nghiệp này. Khi người phật tử cho tiền thì mọi người xúm nhau cho tiền. Đó là sự bố thí xu hướng chạy theo “danh” từ thiện, biết “thương người”.

          Kì thực họ chẳng thương ai hết. Làm việc từ thiện cũng như cúng dường, không ai bắt buộc ai mà phải tự tâm mình thấy việc mình làm là cần thiết vì lợi ích mọi người; vì Phật pháp được trường tồn; vì nỗi bất hạnh của mọi người trong xã hội đang cần sự cứu giúp. Còn đối với Phật giáo đang cần sự duy trì thì sẵn sàng cúng dường, không danh, không bỏn xẻn, đúng lúc, đúng thời điểm nhưng không bị lừa đảo.

 

27. THỜ PHỤNG, ĐI LỄ, CÚNG CHÙA

          Hỏi: Kính thưa Thầy, có phật tử nói: “Nhà tôi giàu có là nhờ thờ phụng đến nơi đến chốn, đi lễ cúng chùa nhiều, các con tôi làm toàn chức to, ông lớn.” Thưa Thầy như vậy có đúng không?

          Đáp: Không phải nhờ thờ phụng, đi lễ, cúng chùa nhiều mà nhà giàu có, con cháu làm quan to, chức lớn mà chính là nhân quả. Giàu có là nhờ không tham lam trộm cắp, biết san sẻ bố thí cho người bất hạnh, biết giúp đỡ người khốn cùng trong cảnh hoạn nạn v.v... Làm quan là nhờ không sát hại chúng sanh, giúp người thế cô, yếu sức, an ủi chia sẻ nỗi khổ đau của mọi người và giúp người nghèo khó học tập đến nơi đến chốn.

          Dân chúng Campuchia cất một ngôi chùa vĩ đại Đế Thiên, Đế Thích (một trong những kỳ quan thế giới) nhưng nước Campuchia có giàu có hơn ai đâu, vẫn lạc hậu nghèo nàn và hung dữ. Nếu nói: “Nhà tôi giàu có là nhờ thờ phụng đến nơi đến chốn, đi lễ cúng chùa nhiều, các con tôi làm toàn chức to, ông lớn” thì nước Campuchia giàu có nhất thế giới. Phải không quý vị?

          Người phật tử chưa hiểu luật nhân quả nên tưởng mình thờ phụng và đi lễ chùa nhiều là giàu có làm quan. Nhưng không ngờ đó là một hành động mê tín lạc hậu. Một hành động làm sai đạo đức làm người, bị kinh sách phát triển lừa gạt mà không biết Sự thờ phụng đúng cách như thờ tổ tiên, ông bà và nếu có đạo Phật thì nên thờ Đức Phật Thích Ca Mâu Ni mà thôi. Thờ nhiều tức là thờ đa thần mê tín.

          Thờ ông bà tổ tiên là nhớ nguồn gốc của mình.

          Thờ Phật Thích Ca Mâu Ni là nhớ ơn người chỉ dạy con đường giải thoát không làm khổ mình, khổ người, khổ chúng sanh, tạo nên gia đình hạnh phúc, xã hội yên vui và có trật tự.

          Thờ Đức Khổng Tử là nhớ ơn người dạy đạo đức tam cương, ngũ thường, nhân, nghĩa, lễ, trí, tín. Mỗi sự thờ cúng của chúng ta đều có ý nghĩa sâu xa và tình cảm sâu sắc của tình người.

          Thờ Thần Tài, Chúa Tiên, Chúa Xứ, Bồ Tát, Tứ Đại Thiên Vương, thờ rồng, thờ hổ thì đó là mê tín, thờ cô hồn các đảng cũng là mê tín, thờ cúng đa thần mà không ý nghĩa đạo đức là mê tín. Thờ cúng cho đúng cách là người chánh kiến, thờ cúng không đúng cách là người tà kiến.

          Đi chùa lễ bái cúng dường Phật, cúng dường chư Tăng đúng cách là người chánh kiến; đi chùa lễ bái cúng dường không đúng cách là người tà kiến mê tín.

          Người tu sĩ đệ tử Phật phải sáng suốt và đừng để những tà sư ngoại đạo của kinh sách phát triển lừa đảo, kinh sách đó dựng lên những giáo lý mang đầy những tư tưởng mê tín tà kiến vào đạo Phật chẳng lợi mình, lợi người mà còn tạo nên một truyền thống mê tín cho dân tộc nước này, nước khác và đời này sang đời khác, từ thế kỉ này đến thế kỉ khác. Những điều đó đã chứng minh cho chúng ta thấy những tư tưởng kinh sách phát triển không tốt đẹp cho các thế hệ từ hai mươi lăm thế kỉ trước đến nay.

 

28. GIẢI HẠN

          Hỏi: Kính thưa Thầy, ở khu vực con có một gia đình, không hiểu đi xem ở đâu có ông thầy bảo: tháng năm bị một cái hạn phải nằm bệnh viện thập tử nhất sinh. Đến tháng mươi một cũng bị sao hạn như vậy nữa. Gia đình này sợ quá mời thầy ấy đến cúng sao giải hạn. Thưa Thầy như thế có giải hạn được không?

          Cũng ở khu vực con, có gia đình đó nghe được như vậy rất ân hận là vì bố chị ta ốm nặng phải nằm bệnh viện, mẹ chị không chịu mời thầy cúng sao giải hạn nên bố chị phải nằm bệnh viện khổ sở. Xin Thầy vui lòng giải tỏa cho chúng con những điều thắc mắc trên đây, chúng con xin được tri ân công đức.

          Đáp: Như con đã biết: luật nhân quả, ai làm ác thì phải thọ lấy quả khổ, ai làm thiện thì sẽ hưởng phước báo. Không thể có Thánh thần, chư Phật, chư Bồ Tát hoặc sao hạn nào cứu khổ hoặc giải hạn cho các con được. Như trong sách ngoại đạo dạy người nào gặp sao La Hầu, Kế Đô, Thái Bạch v.v... Vào tháng giêng, tháng ba, tháng bảy, tháng chín, tháng năm, tháng mười một thì sẽ gặp tai nạn hoặc bệnh tật thập tử nhất sinh.

          Loại kinh sách này là loại kinh sách phi đạo đức, dạy người làm điều mê tín lạc hậu. Làm sao cúng bái sao hạn mà giải hạn tai ách được? Nếu giải hạn tai ách được thì thế gian này còn gì là công bằng công lý? Kẻ làm ác cứ việc cầu cúng nhiều thì tiêu tai giải hạn không còn khổ đau nữa và họ tha hồ làm ác, giết hại người vô tội được sao?

          Một người bị bệnh tật khổ đau hoặc tai nạn đâu phải ngẫu nhiên mà có, chính do hành động bất thiện làm khổ kẻ khác, loài vật khác mà phải trả quả. Do hành động làm ác của mình, thời tiết nhân duyên đủ thì phải thọ quả khổ chứ đâu phải có ai làm cho họ khổ mà phải cầu cạnh kẻ khác giải hạn, giải khổ cho. Những loại kinh sách mê tín do những kẻ gian xảo viết ra, lừa đảo người khác để làm tiền một cách bất chính. Người hiểu luật nhân quả thì những ông thầy cúng sao giải hạn không lừa đảo được. Ngược lại, không hiểu luật nhân quả dễ bị kẻ khác lừa đảo bằng nhiều hình thức mê tín khác nhau.

          Quý phật tử là đệ tử của Phật phải sáng suốt đừng để những tà sư ngoại đạo đội lốt tu sĩ Phật giáo làm mất uy tín Phật giáo, hãy chỉ thẳng cho mọi người biết không ai giải hạn tiêu tai, tiêu nạn mà chính tự mình giải nó, nghĩa là mình đừng làm khổ mình, khổ người và khổ chúng sanh khác thì chẳng có tai nạn gì xảy ra thì cần phải giải hạn.

          Quý phật tử hãy tu tập tâm bất động trước các pháp, tâm bất động trước các pháp thì không ai lừa đảo quý vị được và quý vị sẽ không còn bị ảnh hưởng mê tín của những tà sư ngoại đạo bịa ra sao hạn.

          Muốn tiêu tai giải hạn thì quý phật tử hãy nghe Đức Phật dạy: “Các pháp ác chớ làm, nên làm các pháp thiện”. Nếu người nào nghe lời Phật dạy như vậy mà sống thì người ấy sẽ tiêu tai giải hạn tất cả, cuộc sống không còn đau khổ nữa.

 

29. TRIỆU LINH, TIẾP LINH

          Hỏi: Kính thưa Thầy, lúc lâm chung, theo chúng con nghĩ, vong linh vẫn còn trong nhà, khi mời thầy cúng đến làm lễ phải triệu vong tiếp vong rồi mới tụng kinh. Như vậy có đúng không thưa Thầy?

          Đáp: Theo đạo Phật khi một người chết tức là thân tứ đại tan rã, mà thân tứ đại tan rã thì thân ngũ uẩn cũng không còn sót một thứ gì, nghĩa là tất cả đều hoại diệt sạch, không có vong linh và thần thức nào còn, chỉ còn lại hành động thiện ác, tức là “nghiệp lực” và nghiệp lực tiếp tục tái sanh luân hồi.

          Cho nên đối với đạo Phật không có triệu linh và tiếp linh, vì có linh hồn đâu mà triệu và tiếp. Cái không có người ta tưởng ra cho có thì đó là mù quáng vô minh không hiểu biết. Người phật tử không nên nghe theo lời dạy vô minh này.

          Tất cả thế giới hữu hình có con người và vạn vật cỏ cây, đất đá, núi sông, dưới đôi mắt của Đức Phật chỉ là những cảnh huyễn giả, những cảnh tưởng tri không có thật. Cảnh hữu hình còn như vậy thì cái thế giới vô hình làm sao có thật được mà cầu mà cúng, mà triệu linh, tiếp linh. Phải không quý vị?

          Nếu thế gian này có thật thì phải có một vật hằng còn. Nhưng dòng lịch sử của loài người chưa chứng minh có một vật gì hằng còn, tất cả đều hoại diệt theo thời gian năm tháng. Cho nên, những việc làm của các nhà phát triển kinh sách Bà La Môn là việc làm mê tín dị đoan, lừa đảo con người.

          Vậy chúng ta là những phật tử đệ tử của Phật mà lại đi nghe và làm theo những lời dạy không đúng sự thật thì chúng ta có xứng đáng là đệ tử của Phật nữa không? Người tín đồ của Phật giáo không nên nghe và làm theo những việc mê tín dị đoan, ngu si để bị người khác lừa đảo thì quá dại dột.

 

30. LINH HỒN BÁO MỘNG

          Hỏi: Kính thưa Thầy, trong thời gian từ lúc mới chết đến bốn mươi chín ngày, người trong nhà thường hay nằm mộng thấy người chết về. Vậy có phải linh hồn người chết về báo mộng hay không?

          Đáp: Trong nhà có người mới chết, không những 49 ngày mà còn nói rằng có thể đến khi mãn tang hai năm vẫn còn nằm mộng thấy người chết. Đó không phải linh hồn về báo mộng mà chính tưởng ấm của người thân trong gia đình nằm mộng biến hiện ra hình ảnh người chết.

          Vì tình cảm thương nhớ người mất nên tưởng ấm xuất hiện giấc mộng để khiến cho ngươi thân thỏa tình nhớ thương chứ không có linh hồn nào cả. Giấc mộng do tưởng thức hoạt động mà thành, nó thể hiện tình cảm, tâm lý và sự ước ao của người sống đối với người chết. Người thân, thương nhớ người quá cố thì nằm mơ thấy người chết về.

          Ước mong nằm mộng thấy thành tựu điều ao ước như: trúng vé số, giao cảm nằm mộng thấy sự việc hoặc tai nạn xảy đến đều có đúng như thật. Đó là tưởng giao cảm biến thành mộng báo trước (trực giác qua mộng), trực giác qua thân (máy mắt, hồi hộp tim đập), trực giác qua tâm (tâm lo lắng nghĩ ngợi, bứt rứt).

          Nói về mộng thì quý phật tử đừng nghĩ rằng có linh hồn người chết mà hãy biết đó là tưởng thức tự tạo ra bối cảnh theo tâm lý, tình cảm của con người rồi nó tự hiện, chủ khách đều là nó cả.

          Trong thân ngũ uẩn nó là tưởng uẩn, còn gọi về thức thì nó gọi là tưởng thức; còn gọi về dục thì nó gọi là tưởng dục; còn gọi về vô minh nó được gọi là vô minh tưởng; còn gọi về trí tuệ thì nó gọi là tưởng tuệ; còn gọi về tri kiến thì nó gọi là tưởng kiến; còn gọi về tri thì nó gọi là tưởng tri; còn gọi về năng lực thì nó là tưởng lực.

          Cho nên tưởng uẩn nó có rất nhiều tên khác nhau, khi nó ở phận sự nào thì nó có một cái tên rất xứng hợp. Vì thế sự hoạt động của nó cũng không lường. Tóm lại linh hồn không có, chỉ có tưởng thức biến hiện ra khiến cho mọi người chưa có trí vô hạn lầm chấp “có sự sống sau khi chết”.