33- NHẬN ĐỊNH LOẠT BÀI “PHẢN BIỆN” CỦA TOÀN KHÔNG VỀ “HIỆN TƯỢNG THÍCH THÔNG LẠC” - Bài 01 - Quảng Hạo

Cập nhật ngày : 01.12.2012    

Lời BBT/GNCN

Ngày 22/11/2012, trên trang nhà Thư Viện Hoa Sen xuất hiện loạt bài "Phản biện hiện tượng Thích Thông Lạc" của Toàn Không. Loạt bài này phản ánh trình độ kém hiểu biết của người viết về giáo pháp Nguyên thủy, nhầm lẫn TL Thích Thông Lạc đang dạy pháp của Nam tông Theravada... GNCN sẽ lần lượt  giới thiệu đến độc giả những bài nhận định của tác giả Quảng Hạo về loạt bài này ...

Bài số 01:

Bài viết của tác giả Toàn Không được mở đầu bằng một sự rào đón, nhưng thiếu kín kẽ:

Trong quan niệm của chúng tôi sẽ tránh dùng danh tự Đại thừa, Tiểu thừa mà thay bằng Bắc truyền, Nam truyền được nhiều chừng nào tốt chừng ấy để tránh bớt sự phân chia có tính cách miệt thị không tốt trong Phật giáo”.

Viết như thế, tác giả đã mặc nhiên thừa nhận sự miệt thị của Đại thừa đối với giáo pháp Nguyên thủy của đức Bổn sư Thích-ca Mâu-ni là có thật. Nay tác giả muốn “tránh dùng danh từ Đại thừa, Tiểu thừa”, không phải tuyệt đối trăm phần trăm, mà chỉ ở mức “nhiều chừng nào tốt chừng ấy”, với mục đích chỉ để “tránh bớt” thôi!,  chứ không thể dứt điểm triệt để “sự phân chia có tính cách miệt thị” này… 

Đây chẳng phải “sáng kiến” mới của Toàn Không. Tỳ-kheo Thích Nguyên Hải cũng đã từng có “sáng kiến” tương tự. “Chương XIII: Đối thoại với thầy Thông Lạc. Tại sao có người thấy Phật thừa hay Đại thừa khó hiểu?”, tác giả Thích Nguyên Hải đã từng viết:

Tuy nhiên, thay vì dùng chữ Tiểu Thừa, Nguyên Hải dùng chữ Nguyên Thủy và dùng chữ Phật Thừa thay chữ Đại Thừa…”.

Dù Toàn Không và Nguyên Hải có muốn thay Đại thừa, Tiểu thừa bằng những danh xưng khác như: Bắc truyền, Nam truyền, Nguyên thủy, Phật thừa. thì bản chất vấn đề vẫn thế, vẫn không thể làm thay đổi lịch sử, thứ lịch sử khắc nghiệt mà giáo pháp Nguyên thủy của Thế tôn phải gánh chịu bởi sự miệt thị của Đại thừa. Bất đắc dĩ tôi phải dẫn lại ở đây lời của cố HT Thích Minh Châu:

“Càng dịch, chúng tôi càng thấy rõ ác ý của các nhà Bà La Môn đã dùng danh từ Tiểu Thừa để gán vào những lời dạy thực sự nguyên thủy của đức Phật và khiến cho các Phật tử không dám đọc, không dám học, không dám tu những pháp môn ấy. Càng dịch, càng thấy rõ dụng tâm hiểm độc của các vị Bà La Môn, đã khôn khéo xuyên tạc đạo Phật, khiến cho những giáo lý căn bản, những tinh hoa cao đẹp nhất của tư tưởng nhân loại, đã bị những tư tưởng tà giáo xen lẫn, bị ruồng bỏ, bị che dấu, không được biết đến, không được học hỏi tu hành. Nhưng chân lý bao giờ cũng là chân lý, mặt trời bao giờ cũng là mặt trời. Những lời ba hoa của Ma Vương, các cuộc đo tài của những ngọn đèn lẻ tẻ mù mờ, lời lẽ bập bẹ của những kẻ mới tập tểnh đi vào con đường Triết lý, tất cả cũng chỉ là cuồng vọng đen tối, được ánh sáng rực rỡ của chân lý quét sạch.”

Buồn thay! ác ý của những nhà Bà-la-môn khi dùng danh từ Tiểu thừa gán cho lời dạy Nguyên thủy của Đức Phật lại được tìm thấy rất nhiều trong các văn bản rất quan trọng của Đại thừa như “Pháp hoa kinh”, “Đại thừa khởi tín luận” v.v… Thiện chí của Toàn Không khi muốn “tránh bớt sự phân chia có tính cách miệt thị” cũng bất khả thi chừng nào những văn bản ấy còn tồn tại trong hệ thống kinh luận Đại thừa Phát triển. 

Toàn Không ảo tưởng rằng: chỉ cần thay danh từ Đại thừa, Tiểu thừa bằng tên gọi khác sẽ “tránh bớt sự phân chia có tính cách miệt thị”!?... Thích Nguyên Hải cũng đã làm như thế, nhưng lại đem những hiểu biết ấu trĩ ra để giải thích: Tiểu thừa chỉ là xe nhỏ, xe đạp 2 bánh!?. Đại thừa là xe vận tải 18 bánh, thuyền lớn chạy vù vù!?. Tiểu thừa chỉ là trình độ cử nhân, không thể so với Đại thừa là cao học, tiến sĩ!???. Chúng tôi không có chút mãy may hi vọng nào Toàn Không sẽ không đi vào vết xe đã đổ của Nguyên Hải…

            Ngày nay, tên gọi “Đại thừa” vẫn chính danh, “Tiểu thừa” tuy bị loại dần ra khỏi các văn bản hành chánh Phật giáo, nhưng vẫn còn đầy ắp trong kinh luận Phát triển. Do đó, tư tưởng mang tính loại trừ giáo pháp Nguyên thủy của Đại thừa vẫn tồn tại, đã thâm căn cố đế trong đầu những Phật tử theo các tông phái Phát triển, biểu hiện qua tư duy tiêu cực như: “pháp nhỏ”, “xe nhỏ”, “tục đế”, “ích kỷ”, “tự độ”, “tiêu nha bại chủng” v.v… Toàn Không và Nguyên Hải đã quá ảo tưởng khi nghĩ rằng chỉ đơn giản thay đổi danh xưng “Tiểu thừa”, “Đại thừa” bằng những tên gọi khác sẽ làm thay đổi được bản chất của vấn đề??? 

Đó chính là hệ quả mà HT Thích Minh Châu đã phát hiện khi dịch kinh tạng Nikaya: “Càng dịch, chúng tôi càng thấy rõ ác ý của các nhà Bà La Môn đã dùng danh từ Tiểu Thừa để gán vào những lời dạy thực sự nguyên thủy của đức Phật và khiến cho các Phật tử không dám đọc, không dám học, không dám tu những pháp môn ấy. Càng dịch, càng thấy rõ dụng tâm hiểm độc của các vị Bà La Môn, đã khôn khéo xuyên tạc đạo Phật, khiến cho những giáo lý căn bản, những tinh hoa cao đẹp nhất của tư tưởng nhân loại, đã bị những tư tưởng tà giáo xen lẫn, bị ruồng bỏ, bị che dấu, không được biết đến, không được học hỏi tu hành”. Những lời tâm huyết của HT Thích Minh Châu dù có trích đi trích lại hàng triệu lần vẫn chẳng bao giờ thừa trước tình cảnh vàng thau lẫn lộn ngày nay…

Luận điểm đầu tiên Toàn Không muốn “phản biện” là phát biểu của HT TTL trong ĐVXP-Tập 8: 

Phật Giáo Đại Thừa không phải là Phật Giáo chánh thống, mà là Phật giáo theo kiểu kiến giải giáo pháp của Bà La Môn; hay nói cách khác, Phật Giáo Đại Thừa là đạo Bà La Môn lấy tên là Phật Giáo Đại Thừa để lừa đảo tín đồ Phật Giáo, cho nên nghĩa lý toàn bộ kinh sách Đại Thừa là Giáo pháp của Bà La Môn chính gốc”. 

Dòng chữ được Toàn không bold lên là điểm cần nhấn mạnh để “phản biện”. Chúng tôi tạm chia mạch văn trên làm 3 mệnh đề. 

- Mệnh đề 1: Phật Giáo Đại Thừa không phải là Phật Giáo chánh thống mà là Phật giáo theo kiểu kiến giải giáo pháp của Bà La Môn.

- Mệnh đề 2: Phật Giáo Đại Thừa là đạo Bà La Môn lấy tên là Phật Giáo Đại Thừa để lừa đảo tín đồ Phật Giáo (được nhấn mạnh bold đậm)

- Mệnh đề 3: cho nên nghĩa lý toàn bộ kinh sách Đại Thừa là Giáo pháp của Bà La Môn chính gốc. (kết luận)

            Mệnh đề 1 và 2 được nối với nhau bằng câu “hay nói cách khác”…

            Nhận định: Mệnh đề 1 là mệnh đề chính, mệnh đề 2 chỉ để diễn giải thêm… Lẽ ra Toàn Không nên “phản biện” mệnh đề 1, tìm nguồn tư liệu để chứng minh Đại thừa là chính thống, được chính đức Bổn sư Thich-ca Mâu-ni tuyên thuyết từ thời Nguyên thủy. Toàn không đã không làm được điều này, lại đi ôm mệnh đề phụ thứ 2: “Đại thừa là Bà-la-môn” để “phản biện”!?... 

Bằng Phương pháp luận quy nạp máy móc, Toàn Không đã dẫn chứng từ nguồn tư liệu của các học giả không mấy tên tuổi, về vài điểm khác biệt giữa Đại thừa và Bà-la-môn giáo như Thượng đế, Phạm thiên v.v… từ đó đi đến kết luận: Đại thừa khác Bà-la-môn giáo!. 

 Sẽ rất ngây thơ khi nghĩ rằng, vì Bà-la-môn tin Thượng đế, Phạm thiên v.v… còn Đại thừa thì không. Từ đó dẫn đến kết luận: Đại thừa không phải là Bà-la-môn giáo!... Về điểm này, ý kiến của tác giả Như Pháp trong bài “Đại thừa là Bà-la-môn hay Ki-tô giáo” rất xác đáng: “Đây là nói về hiện tượng, là sự biến thái tiệm tiến, là hòa để hóa trong điều kiện khả thể, là lưu danh nhưng chất đã biến bởi các yếu tố ngoại lai… v.v…”

Quả đúng thế, danh gọi “Đại thừa Phật giáo” vẫn được bảo lưu, nhưng chất đã bị thay thế bởi các yêu tố phi Nguyên thủy… “Hòa để hóa” có nghĩa là thỏa hiệp trước, sau đó chờ thời cơ thuận lợi để đồng hóa, nhưng không phải một sớm một chiều, mà là tiệm tiến theo suốt chiều dài lịch sử của nó…  Bà-la-môn hóa giáo nghĩa Nguyên thủy để rồi sau đó khoác lên mình một chiếc áo mới: Đại thừa! ngụy trang khéo đến nỗi thoạt nhìn vào sẽ không thấy Bà-la-môn nên lầm tưởng Đại thừa cũng do chính Đức Phật tuyên thuyết…

Nói Đại thừa là Bà-la môn chính là nói về sự tương quan siêu hình tưởng giữa hai tôn giáo này. Gọi là “siêu hình tưởng” bởi quan điểm siêu hình do tưởng tri mà có. Trong giáo thuyết Nguyên thủy, không hề có yếu tố siêu hình tưởng nào. Đạo Phật Nguyên thủy đơn giản chỉ là một nền “Đạo đức Nhân bản - Nhân quả”, rõ ràng cụ thể, không mờ hồ trừu tượng, ai cũng có thể hiểu, đúng như lời Phật dạy trong kinh Tương Ưng: “Nếu Ta nói một điều gì mà chúng sanh hiểu bằng tưởng thì có nói láo trong Ta.”

Nếu có một giáo thuyết mang tính siêu hình nào đó được gọi là “đạo Phật”, dứt khoát đó là “ngụy đạo Phật”. Siêu hình Bà-la-môn là điều không cần bàn. Nhưng với Đại thừa, có yếu tố siêu hình không? Câu trả lời khẳng định: không những có, mà có rất nhiều.  

Ví dụ: kinh Hoa Nghiêm, phẩm Thế giới thành tựu: “Thần lực Như Lai tạo lập thế giới”. Đây rõ ràng là quan điểm siêu hình tưởng của tôn giáo Thần ngã. Nó chẳng khác gì với quan niệm “quyền năng Thiên Chúa tạo dựng vũ trụ” hoặc Brahman là tất cả, vũ trụ đều quy kết và phát sinh từ ngài”. Nếu Toàn Không không “phản biện” được điểm này thì phải thừa nhận câu của HT TTL: ”Phật Giáo Đại Thừa không phải là Phật Giáo chánh thống mà là Phật giáo theo kiểu kiến giải giáo pháp Bà La Môn” là hoàn toàn chính xác.  

Trong bài viết của mình, Toàn Không đã cố gắng chứng minh Đại thừa không dạy những điều thần bí. Nhưng để biện minh cho điều này, tác giả lại rơi vào những lý luận siêu hình mà không tự biết. Trái ngược với tinh thần giáo pháp Nguyên thủy, một giáo pháp “không có thời gian đến để mà thấy”. Những điều Đức Phật dạy thiết thực, nói ra là hiểu ngay, ví dụ Ngài dạy chân lý về KHỔ, ai cũng có thể hiểu được ngay đời đúng là bể khổ, chân lý về TẬP, DIỆT, ĐẠO cũng thế, cụ thể rõ ràng, không mơ hồ trừu tượng.

Hoàn toàn khác với mớ lý luận siêu hình của Toàn Không, cũng là những khái niệm Phật giáo như nhân duyên, nhân quả, chơn như, niết bàn… Nhưng bằng lý luận siêu hình, mới nghe rất hay, rất cao siêu, nhưng muốn hiểu, phải vận dụng tưởng tri mới hiểu! Đó là điều mà Đức Phật không chấp nhận: “Nếu Ta nói một điều gì mà chúng sanh hiểu bằng tưởng thì có nói láo trong Ta.”

Đoạn văn dưới đây được Toàn Không dẫn lại từ bài viết của Như Thị:

“Còn Phật giáo Bắc Truyền luận rằng Không tánh là thực tánh của các pháp, vì là không tánh nên quy luật nhân duyên được vận hành và trở thành năng lực chi phối sự vận động của các pháp; sự chuyển vận này làm thành các hệ quả mà sanh trụ dị diệt, có, không … là những biểu tướng phải xảy ra.”

Chúng tôi hiểu rằng, tác giả muốn nói đến học thuyết “Duyên Sanh Tánh Không”. Đó là học thuyết siêu hình tưởng phi Nguyên thủy. Đức Phật không hề dạy “Không Tánh là thực tánh của vạn pháp”. Đạo Phật không gì khác hơn là một nền Đạo đức Nhân bản Nhân quả. Nhờ sống một cuộc sống đạo đức phạm hạnh, hiểu rõ được lý nhân quả và làm chủ được nó, cũng có nghĩa là làm chủ nghiệp lực. Như thế là giải thoát, đơn giản chỉ có thế!.. Cho dù Toàn Không có chứng minh được Đại thừa không phải là Bà-la-môn chăng nữa, cũng không thể chứng minh Đại thừa là chính thống bởi những luận thuyết siêu hình không do Phật dạy như “Duyên Sanh Tánh Không”.

Cũng cần phải nói thêm, “Không tánh” là thuật ngữ mà ta có thể tìm thấy trong kinh Tiểu không (Cùlasunnata sutta) thuộc Trung bộ kinh, nhưng nghĩa của nó hoàn toàn không phải là “thực tánh của các pháp”.

Đại thừa không nói “Không tánh” mà chỉ nói “Tánh không”. “Tánh Không” trong “Duyên Sanh Tánh Không” của học thuyết Bát nhã, hoàn toàn khác xa với “Không tánh” trong giáo nghĩa Nguyên thủy.

Nếu đây không phải là một nhầm lẫn sơ đẳng thì chính là sự cố tình đánh tráo khái niệm thiếu lành mạnh của tác giả giữa “Không tánh” trong kinh Nguyên thủy với ”Tánh không” của ngài Long Thọ!... Chúng tôi sẽ trở lại đề tài này khi có dịp...

Như đã nói ở phần trên, lẽ ra Toàn Không phải “phản biện” mệnh đề 1: “Phật Giáo Đại Thừa không phải là Phật Giáo chánh thống…”. Toàn Không lại bám vào mệnh đề phụ thứ 2: “hay nói cách khác, Phật Giáo Đại Thừa là đạo Bà La Môn lấy tên là Phật Giáo Đại Thừa để lừa đảo tín đồ Phật Giáo”, để dẫn đến kết luận: “lấy tên là Phật Giáo Đại Thừa để lừa đảo tín đồ Phật Giáo là không có cơ sở”. Do đó, câu kết luận này hoàn toàn vô nghĩa… 

Phần còn lại nói về “Thiền đông độ”, một sản phẩm tôn giáo Trung Hoa chính hiệu. Chúng tôi chưa muốn nói đến sự truyền thừa ngụy tạo “Niêm hoa vi tiếu”, chưa cần phải nhắc đến sự phá giới phá đạo của các Thiền sư. Chỉ muốn nhắc cho Toàn Không nhớ một câu, được cả xã hội Trung Hoa thừa nhận, đã in sâu vào ý hệ nhiều tín đồ, kể cả giới học giả cũng thừa nhận, một câu đã xuất hiện từ hàng ngàn năm trước: “Tam giáo đồng nguyên”, nghĩa là Phật, Khổng, Lão cùng chung một cội nguồn. Chừng nào câu nói ấy còn tồn tại, thì nhận định của HT.TTL vẫn còn nguyên giá trị.   

Nhân đây cũng có đôi lời xin thưa cùng độc giả. Nếu độc giả nào đã có duyên đọc bộ sách ĐVXP của HT TTL. Xin chú ý, do nhân duyên có thưa hỏi mà Ngài trả lời. Đó là một thứ văn nói, không phải văn viết… Bằng trực giác của một hành giả, câu trả lời cô động, trỏ thẳng vào những điểm chính, vắn gọn trong ngữ cảnh người hỏi. Hoàn toàn không có tiêu chí của một bài văn viết. Nếu ai đó nuốn lấy các tiêu chí của một “công trình nghiên cứu học thuật” theo kiểu học giả để phê bình lời nói vắn gọn của một hành giả thì chỉ là chém một người rơm do tự tay mình dựng lên… Nếu muốn phê bình HT TTL, chỉ có mỗi điểm duy nhất, đó là lời nói bộc trực dễ mếch lòng, lời nói thực đến mức trần trụi khiến va vào là choáng, như từ “lừa đảo” nằm trong chính câu mà Toàn Không cố bám vào để “phản biện”… 

Khi chúng tôi vừa xong sơ thảo bài này, Toàn Không đã cho lên mạng bài thứ 2. Đọc qua, cảm giác nói chung là: chán!... Cái gọi là “phản biện” thực ra chỉ là sự góp nhặt từ những điều ấu trĩ, lạc hậu… Chúng tôi sẽ cố đợi Toàn Không lên tiếp thêm vài bài nữa rồi sẽ nhận định chung cùng một lượt.

Trân trọng kính chào!