11- ĐÔI DÒNG TƯỞNG NIỆM CỐ HÒA THƯỢNG THÍCH MINH CHÂU - Trần Công Tấn

Cập nhật ngày : 05.09.2012    

Về thân thế và sự nghiệp của cố Hòa thượng Thích Minh Châu, các phương tiện truyền thông trong và ngoài Phật giáo đã nói nhiều rồi!, Chúng tôi có nói thêm cũng thừa…, nhưng có một điều “nói nhiều” vẫn không thừa!, đó là công trình dịch thuật Đại Tạng Kinh Việt Nam từ kinh Nikaya nguyên ngữ Pali…

Sở dĩ chúng tôi nói “không thừa” vì trong giới nghiên cứu, tu học, vẫn có những góc nhìn rất khác biệt về công trình dịch thuật này… Điều làm người ta nhớ nhất, bàn luận nhiều nhất là “Lời giới thiệu” kinh Trung bộ. Bằng lời ái ngữ, tiếng nói đầy ái lực của cố Hòa thượng Thích Minh Châu nhẹ nhàng, chân tình, nhưng lại như một gáo nước lạnh làm tỉnh ngủ hàng Phật tử:

“Càng dịch, chúng tôi càng thấy rõ ác ý của các nhà Bà La Môn đã dùng danh từ Tiểu Thừa để gán vào những lời dạy thực sự nguyên thủy của đức Phật và khiến cho các phật tử không dám đọc, không dám học, không dám tu những pháp môn ấy. Càng dịch, càng thấy rõ dụng tâm hiểm độc của các vị Bà La Môn, đã khôn khéo xuyên tạc đạo Phật, khiến cho những giáo lý căn bản, những tinh hoa cao đẹp nhất của tư tưởng nhân loại, đã bị những tư tưởng tà giáo xen lẫn, bị ruồng bỏ, bị che dấu, không được biết đến, không được học hỏi tu hành. Nhưng chân lý bao giờ cũng là chân lý, mặt trời bao giờ cũng là mặt trời. Những lời ba hoa của Ma Vương, các cuộc đo tài của những ngọn đèn lẻ tẻ mù mờ, lời lẽ bập bẹ của những kẻ mới tập tểnh đi vào con đường Triết lý, tất cả cũng chỉ là cuồng vọng đen tối, được ánh sáng rực rỡ của chân lý quét sạch.”

Mặc cho những ai chê trách, chụp mũ, xuyên tạc Ngài phá hoại Phật giáo, vận động các bậc Tôn đức hủy bỏ “Lời giới thiệu” này. Nhưng với tín lực mạnh mẽ, chúng tôi tin rằng đó là một sự kiện lịch sử không thể phi bác, không thể lãng quên…

Khi dịch bản kinh Pàli này, mục đích của Ngài rất rõ ràng: muốn hàng phật tử, các học giả, các sinh viên có được một tài liệu “Nguyên thủy” hoặc “gần Nguyên thủy nhất”, giúp họ tránh khỏi lăng kính của các học phái, và quan trọng hơn, giúp họ trực tiếp tìm hiểu lời Đức Phật dạy đồng thời vượt qua được những xuyên tạc của các nhà “phát triển” muốn giải thích đạo Phật theo dục vọng và tà kiến của họ…

Trong tập sáchChánh Pháp và Hạnh Phúc” (Nxb Tôn Giáo-2001), Ngài cũng thẳng thắn xóa bỏ luận điểm “tất cả các pháp đều là Phật pháp”. Đây là một luận điểm phi Phật pháp của các nhà “Phát triển”: “…Muốn chạy theo tà giáo và tà kiến, lại giải thích đạo Phật viên dung vô ngại, chấp nhận mọi tà kiến, mọi tà thuyết Tà kiến nào, tà thuyết nào cũng là Phật giáo được hết!”

Cũng trong tập sách này, Ngài đã mạnh dạn phê bình Nam tông bỏ gốc tìm ngọn. Xem lời dạy của các Luận sư, Tổ sư qua các Luận quan trọng hơn lời dạy của Đức Phật trong kinh tạng Pali. Điều đó giải thích tại sao trong hành trì, họ lấy “Thanh Tịnh Đạo” làm kim chỉ nam, mà không tìm ra được pháp hành cụ thể ngay trong kinh Nikàya…   

“Bên phái Nam tông, tuy tôn thờ Tam Tạng Pàli, nhưng một số phật tử cũng rơi vào nạn tương tự, là chỉ học luật tạng và A Ty Đàm tạng, bỏ rơi Kinh tạng Pàli, vì xem A Ty Đàm tạng mới đề cập đến Đệ Nhất Nghĩa Đế, còn kinh tạng chỉ bàn đến Tục Đế mà thôi. Đây cũng là một lầm lạc hết sức ngây thơ và nguy hiểm. Vì A Ty Đàm phát xuất từ kinh tạng, và bỏ gốc để tìm ngọn thì không khác gì kẻ đi tìm lõi cây, mà chỉ mang về cành lá. Thật sự đạo Phật đâu có phân biệt Tiểu Thừa và Đại Thừa, đâu có chia đôi Chân đế, Tục đế. Những sự phân chia này chỉ là hậu tác phẩm, hoặc của giáo sĩ Bà La Môn mang danh phật tử muốn loại bỏ những gì tinh túy nhất của đạo Phật, không cho phật tử học và tu, hay của một số đệ tử Phật muốn làm Tổ sư một giáo phái nên đề xướng các chủ thuyết lấn át những lời dạy nguyên thủy của Đức Phật”.

Đoàn Tu viện Chơn Như kính viếng cố HT Thích Minh Châu 

Chúng tôi may mắn có được Trưởng lão Viện chủ Tu Viện Chơn Như, vị thầy đáng kính của chúng tôi đã làm sáng tỏ những gì mà cố Hòa thượng Thích Minh Châu gửi gắm trong “Lời giới thiệu” ấy… Pháp môn NHƯ LÝ TÁC Ý, ĐẠO ĐỨC NHÂN BẢN - NHÂN QUẢ, v.v… được Trưởng lão Viện chủ của chúng tôi DỰNG LẠI một cách chính xác, một phần nhờ vào lời tâm huyết của cố Hòa thượng: “Ðạo Phật là Ðạo đến để mà thấy chớ không phải Ðạo đến để nhờ người thấy hộ, Ðạo của người có mắt (Cakkhumato), không phải Ðạo của người nhắm mắt; Ðạo của người thấy, của người biết (Passato Jànato), không phải là Ðạo của người không thấy, không biết (Apassato Ajànato). Nên chỉ có người đọc mới có thể tự mình thấy, tự mình hiểu và tự mình chứng nghiệm.”

Vâng, đúng thế! Trưởng lão Viện chủ của chúng tôi được “sáng mắt” là nhờ vào câu “Tác ý một tướng khác thì tướng kia bị diệt” (Kinh An trú tầm - Vtakkasanthàna sutta). Từ đó Trưởng lão Viện chủ đã xây dựng một lộ trình thẳng tắp đến THÁNH QUẢ VÔ LẬU.

Công lao của cố Hòa thượng Thích Minh Châu chắc chắn mang về cho Ngài quả Phước báu hữu lậu không nhỏ. Chúng tôi viết vài dòng này để tưởng nhớ cố Hòa thượng. Chúng tôi ước nguyện rằng, từ trường thiện của Ngài tương ưng với nhân quả thiện sẽ trở lại cõi khổ này để giúp chúng sanh cùng vượt qua bể khổ…