15. VÌ VÔ MINH TA SỐNG VIỄN LY
Hỏi: Kính bạch Thầy, “Vì vô minh ta sống viễn ly.” Theo ý hiểu cạn cợt của con. Con suy xét trên bình diện sự và lý.
Về sự: Ta vẫn sống hội nhập cùng mọi người, ăn ở sinh hoạt trong đời thường.
Về lý: Ta dũng cảm bỏ đi tất cả (ly dục ly ác pháp), phải có tâm kiên cố và dứt khoát để chiến thắng nó.
Sen nở trong bùn mà không có mùi bùn. Có chúng sanh mới có Phật và ngược lại. Trong Tập Đế HT dạy: “chúng sanh vì si mê nên khổ vì tưởng. Tưởng là không có thật nên không chấp. Ví dụ như bị mất trộm, bị đánh, bị chửi rủa là đồ trâu chó v.v... Phải đối cảnh với thực tế này. Lập tức con nghĩ ngay đến nhân quả. Chẳng phải kiếp này mà còn từ kiếp trước ta đã tạo nên những nghiệp này, thì bây giờ có dịp phải trả vay là đúng “hoạn nạn là giải thoát.” Họ chửi ta là đồ trâu chó … là họ nhắc lại cho ta kiếp trước ta là những con vật ấy rồi. Hiểu như vậy tức là ta “chánh niệm tỉnh giác?”
Đáp: Đúng vậy, đời sống con người khổ vì lòng ham muốn và các ác pháp, nhưng lại khổ vì tưởng, lầm cho những cái không có cho là có thật, nên khổ cũng không phải ít. Ví dụ: Thế giới siêu hình không có, người ta tưởng cho nó có, vì thế người ta phải khổ với nó rất nhiều.
Quán xét về nhân quả, đây là một góc độ tu tập của Định Vô lậu. Định Vô Lậu là trí tuệ tri kiến giải thoát, người thường hay quán xét thì trí tuệ tri kiến giải thoát phát triển khiến cho ba lậu hoặc không tác động vào tâm được. Định Vô Lậu là một loại định triển khai trí tuệ tri kiến giải thoát vô lậu như chúng tôi đã nói ở trên, nó có nhiều góc độ để quán xét như:
1- Quán xét về nhân quả như cư sĩ đã quán xét ở trên.
2- Quán xét về lý duyên khởi.
3- Quán xét về Tứ Niệm Xứ.
4- Quán xét về Tứ Vô Lượng Tâm
5- Quán xét Tứ Bất Hoại Tịnh.
6- Quán xét Tứ Chánh Cần.
7- Quán xét Thất Giác Chi.
8- Quán xét Tứ Thánh Định.
9- Quán xét Tứ Như Ý Túc.
10- Quán xét Tam Minh.
Nhờ tư duy quán xét nhân quả chúng ta mới thấu rõ nhân quả thảo mộc; mới thấu rõ đường đi nhân quả của con người; mới thấu rõ thân vô thường, khổ, không, vô ngã; mới thấu rõ thân ngũ uẩn; mới thấu rõ ngũ triền cái; mới thấu rõ thất kiết sử; mới thấu rõ Tứ Vô Lượng Tâm v.v…
Nhờ có thấu rõ nên không có ác pháp nào tác động vào thân tâm chúng ta được, vì thế mà lậu hoặc không còn, tâm hồn lúc nào cũng thanh thản an lạc và vô sự. Một sự giải thoát ngay liền.
16. SÁT SANH MÀ KHÔNG TỘI
Hỏi: Kính bạch Thầy, giết những con vật phá hại, hoặc kẻ ác, (chuột bọ sâu kiến…) HT dạy là không tội? Con đặt nghi vấn:
1, Nếu nặng, do lợi ích cho riêng mình (lòng ích kỷ, đố kỵ).
2, Nếu nhẹ, bản thân mình làm nhưng mang lại lợi ích cho nhiều người. Thêm vào đó mình chưa ly dục ly ác pháp. Một nhân quả rất công lý và công bằng thì tránh sao khỏi không bị chi phối? Khởi niệm giết là chịu nhân một hành động rồi. Nhân quả vậy mà.
Đáp: Trong Giới luật của Phật có hai nghĩa: 1- Là đức hạnh; 2- Là pháp luật nghiêm cấm.
Căn cứ theo giới luật của Phật mà nói thì giới luật là pháp luật nhân quả. Pháp luật nhân quả luôn luôn áp dụng cho muôn loài vạn vật trên hành tinh này rất bình đẳng, không có một pháp luật nào bình đẳng hơn được.
Khi nói đến nhân quả là phải nói đến môi trường sống, hễ nói môi trường sống thì phải nói đến một đạo luật công bằng và công lý. Chuột, bọ, sâu, rầy, kiến … là một loài động vật như bao nhiêu loài động vật khác, trong đó có con người, chúng cũng có một sự sống như bao nhiêu sự sống khác, chúng cũng biết đau khổ, biết sợ chết … Vì thế vô cớ mà chúng ta xâm phạm đến đời sống của chúng và còn tìm chúng để giết hại thì dù là một con kiến, con trùng, con dế v.v… vẫn bị kết tội nặng cũng như giết một mạng người. Đó là pháp luật nhân quả định tội, có định tội như vậy mới là một đạo luật công bằng.
Ngược lại, chúng xâm chiếm vào đời sống của chúng ta, phá hại mùa màng do công lao của chúng ta làm ra bằng mồ hôi nước mắt, vì thế chúng ta có quyền bảo vệ sự sống của chúng ta. Bằng cách phải diệt trừ kẻ ác để tự vệ, không những riêng cho chúng ta mà còn bao nhiêu loài vật khác nữa. Luật nhân quả phải công bằng trên vấn đề này. Vì loài sâu bọ chuột đang phá hoại mùa màng và đang giết người và giết các loài vật khác, chúng ta và các loài vật khác sẽ bị chết đói.
Theo công lý, những loài sâu bọ côn trùng chuột v.v… có tội trộm cướp và cố sát loài người và các loài vật khác, tội ấy là tội tử hình, như vậy chúng ta giết các loài sâu bọ, chuột để tự vệ bảo toàn sự sống của mình và các loài vật khác thì bất cứ một pháp luật nào chúng ta cũng đều là người vô tội.
Ví dụ: Một nước đang bị ngoại xâm, toàn dân nước ấy đứng lên chống ngoại xâm giết giặc tức là giết người mà không có tội, còn kẻ cướp nước kia mới là kẻ có tội.
Tại sao vậy? Vì môi trường sống chung thì phải được bảo vệ để cho mọi loài động vật trên hành tinh này được sống bình đẳng và an ổn. Vì thế phải diệt trừ những loài vật phá hoại môi trường sống. Luật nhân quả sẽ công bằng trị tội nếu ai phá hoại môi trường sống sẽ tự chuốc hậu quả. Loài côn trùng, sâu, bọ, chuột v.v... cũng vậy. Do chúng tạo nhân chẳng lành thì chúng phải trả quả là chúng ta diệt chúng. Đó là luật nhân quả rất công minh. Đối với kẻ có tội trộm cướp giết hại sự sống của loài người thì pháp luật thế gian cũng đều kết án tử hình huống là luật nhân quả, do đó ta giết hại côn trùng phá hại mùa màng của ta là không có tội.
17. NGÃ VÀ VÔ NGÃ
Hỏi: Kính bạch Thầy, câu tác ý: Tôi đi kinh hành tôi biết tôi đi kinh hành. Con hỏi: Đã phá bản ngã thì làm gì có tôi và của tôi. Vậy thay bằng chữ thân đi kinh hành có khác nhau không?
Đáp: Dù có thay danh từ nào thì nghĩa của nó cũng chỉ là “tôi.” Người ta đã chịu ảnh hưởng của Thiền Tông và kinh sách phát triển quá sâu, cho là con người tu theo đạo Phật thì phải không có ngã, không có cái ta, không có cái của ta thì người ấy mới giải thoát, cho nên thường tránh những danh từ xưng hô cái tôi, cái ta mà xưng hô là trò, là con v.v... là có ý dẹp ngã, đó là một việc làm sai. Theo đạo Phật sự cung kính trước mặt cũng như sau lưng đều cung kính thì đó là đạo đức chân thật lợi ích cho mình cho người, còn trước mặt xưng hô là trò, là con mà sau lưng thì khác thì cái đó là giả dối chứ không phải diệt ngã xả tâm.
Theo chỗ chúng tôi hiểu Đức Phật dạy: “Vô thường, khổ, vô ngã,” đây là tam pháp ấn để xác định một sự thật về thế giới hiện tượng này, do chúng ta không hiểu ý này nên lo đập phá cái ngã của mình. Bởi vì người ta thường lầm chấp cho thế giới này là thường hằng, không khổ, là hạnh phúc. Vì sự lầm chấp dính mắc này nên Đức Phật dạy cho chúng ta hiểu để không dính mắc, chứ Đức Phật không bảo chúng ta tu hành để trở thành cây đá (vô ngã, không ta, không cái của ta).
Đức Phật dạy: “diệt ngã” là xả lòng ham muốn của mình, chứ không phải diệt cái ngã, xả lòng ham muốn của mình là Diệt đế. Diệt đế là một chân lý trong bốn chân lý của đạo Phật chứ không phải diệt ngã như người ta hiểu. Vô thường, khổ thì ai cũng rõ, nhưng vô ngã thì người hiểu như thế này, kẻ hiểu như thế kia. Có người lại hiểu rằng: Vô ngã là Niết bàn, hiểu như vậy có nghĩa là trong Niết Bàn không có ngã. Vậy không có ngã thì ai là người biết Niết Bàn? Không người biết Niết Bàn sao Đức Phật lại biết mà dạy cho chúng ta Diệt đế.
Trong Diệt đế theo chúng tôi hiểu thì phải có ngã, vì Diệt đế là mục đích giải thoát của con người cho nên nó là một chân lý của loài người không ai chối cãi được. Một sự giải thoát chân thật không ai phủ nhận được vì nó có người biết Niết Bàn, có người biết tự Niết Bàn trong tâm của mình thì không thể nào là vô ngã được.
Đức Phật dạy: “Pháp không có thời gian đến để mà thấy.” Khi tu theo đạo Phật chúng ta thấy sự giải thoát rõ ràng, vậy không thể nào vô ngã được. “Ngăn ác diệt ác, sanh thiện tăng trưởng thiện pháp,” vậy cái gì ngăn và diệt ác pháp, cái gì sanh thiện tăng trưởng thiện?
Thưa quý vị! Cái gì không giải thoát, cái gì giải thoát? Ác pháp là không giải thoát, thiện pháp là giải thoát. Như vậy người tu có cần gì diệt ngã, cái ngã chỉ cần biết sống trong thiện pháp là Niết Bàn rồi.
Đạo Phật ra đời vốn vì con người khổ chứ không phải vì cái ngã của con người. Đạo Phật biết lấy cái ngã ác của con người tu sửa trở lại để trở thành cái ngã thiện, nhờ thế con người sống toàn thiện, đó là Niết Bàn, chứ không phải vô ngã là Niết Bàn như kinh sách phát triển dạy.
Đại Thừa và Thiền Đông Độ đã lầm nên đã ca ngợi những người vô niệm, vô trụ, vô chứng là tối thượng, vô niệm, vô trụ, vô chứng là vô ngã mà vô ngã là gốc cây cục đá rồi. Nếu còn có cái biết thì không thể nào gọi là vô ngã được.
Con người tu để vô ngã thì không bao giờ tu vô ngã được, cũng như con người bảo rằng không tài sản thì không thể nào có người không tài sản được. Vì thế, hữu ngã thiện pháp mới thật sự là vô ngã.
Có của cải tài sản mà không dính mắc của cải tài sản mới thật sự là không tài sản, nhờ đó mà tâm được an vui, hạnh phúc. Cho nên hữu ngã thiện mới không làm khổ mình, khổ người, gọi là giải thoát.
Đạo Phật tu hành chỉ hiểu biết rõ thiện và ác, lúc nào cũng ngăn và diệt ác pháp thì mục đích của Phật giáo nơi đó là đã chứng đạo.
18. LỤC ĐỘ BA-LA-MẬT
Hỏi: Kính bạch Thầy, trong pháp hành: Nếu ngồi kiết già thẳng lưng thời gian 30 phút, có thực hiện được sáu Ba La Mật không? Nếu đi kinh hành nhiều, vô tình dày đạp lên những con vật nhỏ xíu có phạm vào giới sát không?
Đáp: Ngồi kiết già lưng thẳng giữ tâm không niệm thiện niệm ác thì đó là tu sáu Ba La Mật rồi. Bởi vì sáu Ba La Mật kể ra cho nhiều, nghe cho vui chứ chính bản chất của nó là không (người cho mà không biết mình cho và người nhận không biết mình nhận thì đó mới là bố thí Ba La Mật). Những điều này là những điều hý luận, toàn là thứ bánh vẽ. Cho nên từ xưa đến giờ không có ai tu sáu độ Ba La Mật được cả, chỉ lừa đảo người mà thôi.
Đi kinh hành sợ dẫm đạp lên chúng sanh, chính sự sợ dẫm đạp lên chúng sanh mới là đi kinh hành, còn không sợ dẫm đạp lên chúng sanh mà đi kinh hành thì không có nghĩa là đi kinh hành nữa.
Vô tình sát hại chúng sanh vẫn có tội, do có tội nên đi kinh hành rất cẩn thận, như vậy mới thật sự kinh hành tỉnh thức, mới có nghĩa là tu tập kinh hành. Nhờ sợ dẫm đạp lên chúng sanh mà đi kinh hành đúng đắn, đi kinh hành đúng đắn là tỉnh thức.
19. TỨ THIỀN CÓ GIỐNG VÔ TÂM KHÔNG?
Hỏi: Kính bạch Thầy, tu đến Tứ Thiền: xả lạc, xả khổ, xả niệm thanh tịnh có giống Vô tâm không?
Đáp: Không! Trong trạng thái Tứ Thiền chúng ta có một tâm lực siêu việt dùng để thực hiện Tứ Như Ý Túc và Tam Minh, không phải vô tâm như Thiền Đông Độ. Tứ Thiền là một loại định của thân, vì thế khi nhập Tứ Thiền thì thân bất động, hơi thở tịnh chỉ, hơi thở tịnh chỉ thì các hành trong thân đều ngưng nghỉ.
Vô tâm là một loại thiền định của Đại Thừa và Thiền Đông Độ, vì thế thân nó không định tức là thân còn hoạt động (còn thở ra, vô). Thân không định thì không thể nào thực hiện Tứ Như Ý Túc và Tam Minh được. Nếu không thực hiện được Tứ Như Ý Túc và Tam Minh thì không bao giờ làm chủ sanh, già, bệnh, chết và chấm dứt tái sanh luân hồi.
20. PHÁP THÂN
Hỏi: Kính bạch Thầy, trong sách Cẩm Nang Tu Phật, Thầy giảng về hành Mười Thiện: 1, Thân hữu sắc (thân do duyên hợp giả có). 2, Tâm là vô sắc (không có hình), vậy gọi là pháp thân có được không?
Có giống như trong nước biển có muối, không một mà cũng chẳng phải hai, hay trong nước có bọt nước. Vậy câu: “Sắc tức là không, không tức là sắc” có hợp lý không?
Đáp: Không! Pháp thân là một trạng thái vô dục của tâm chứ không phải tâm, vì tâm là một uẩn trong ngũ uẩn. Khi sắc uẩn hoại diệt thì toàn cả ngũ uẩn đều hoại diệt, ngũ uẩn hoại diệt thì tâm đâu còn. Trong năm uẩn chỉ có sắc uẩn là hữu sắc còn bốn uẩn kia là vô sắc, cho nên không thể lấy một uẩn vô sắc mà gọi là pháp thân được. Vì lấy tâm uẩn cho là pháp thân thì thọ uẩn, hành uẩn và tưởng uẩn cũng cho là pháp thân được sao?
Trong thân nhân quả (thân ngũ uẩn) của chúng ta chỉ thuần có một vị khổ, không có vị giải thoát, nếu chúng ta không tu tập đúng chánh pháp thì không bao giờ có vị giải thoát. Trong luật nhân quả có vị giải thoát và không giải thoát, thiện và ác, thiện là giải thoát, ác là khổ đau. Cho nên đem thân ngũ uẩn ví như nước biển, cũng như nước và bọt nước thì e rằng không đúng vì thân ngũ uẩn là một hợp chất của các duyên chứ không thật có thì làm sao như nước và bọt nước được. Vì thế câu kinh: “sắc tức là không, không tức là sắc” thì không đúng ý nghĩa của Phật giáo. Cho nên Đức Phật dạy: “Nếu còn có một chút xíu gì trong thân ngũ uẩn này thường hằng thì Đạo Phật không ra đời.” Tại sao vậy? Tại vì không giải thoát khổ cho loài người.
Vài lời thăm và chúc con thân tâm an lạc, kiên cố tu hành đến ngày viên mãn.
Kính thư! Sa Môn Thích Thông Lạc
Chơn Như ngày 20 tháng 01 năm 2001.