Kì 5: Chánh Tín - Mê Tín (20 - 22)

20. SÁU NẺO LUÂN HỒI

            Hỏi: Kính thưa Thầy! Xin Thầy giảng cho con hiểu đúng nghĩa của “Sáu nẻo luân hồi: Trời, Người, Atula, ngạ quỷ, súc sanh và địa ngục.” 

            Đáp: Sáu nẻo luân hồi theo kiến giải của các nhà học giả thì có sáu cõi để linh hồn người chết tiếp tục tái sanh tùy theo việc làm thiện ác của người đó.

            Các nhà học giả kiến giải như sau: 

            Ở cõi Trời, nếu chư Thiên sanh lòng dục tạo ác pháp, chờ hết duyên chư Thiên sanh xuống làm người. Nếu ở cõi làm người mà làm thiện, ít ham muốn dục thì sanh trở lại cõi Trời.

            Nếu ở cõi làm người sanh tâm làm ác, thường giận dữ, thích đánh đá, khi lìa bỏ thân người thì “linh hồn” tái sanh vào cõi Atula. Loài Atula ở đó hung dữ vô cùng, chuyên môn đi đánh lộn hoặc đi đánh cướp nước người khác.

            Nếu sanh vào cõi Atula thường làm thiện, ít giận hờn, không đánh đá ai hết, đến khi chết thì sẽ sanh làm người trở lại. Nếu Atula này làm thiện, ít dục, không giận dữ, không đánh đập, không làm khổ mình, khổ người thì đến khi chết sẽ sanh vào cõi Trời. Nếu đã sanh ở cõi Atula mà giận dữ, ích kỉ, bỏn xẻn không dám bố thí thì khi bỏ thân Atula sẽ sanh vào Ngạ quỷ.

            Con người sanh vào cảnh giới Ngạ quỷ thường đói khổ, muốn ăn mà không có ăn, muốn uống mà không có uống, quần áo rách rưới, lang thang, nghèo khổ. Nếu cõi Ngạ quỷ mà biết bố thí, san sẻ thì được sanh trở lại cõi Atula.

            Nếu ở cõi Ngạ quỷ mà biết bố thí, san sẻ, không giận dữ, làm thiện, ít làm khổ mình, khổ người khác thì sanh làm con người.

            Nếu ở cõi Ngạ quỷ làm toàn thiện, không làm khổ mình, khổ người thì được sanh ngay lên cõi Trời. Nếu ở cõi Ngạ quỷ mà tâm ác không trừ, lòng ích kỷ, bỏn xẻn, không bố thí thì đọa xuống địa ngục chịu đủ thứ cực hình khổ sở.

            Cõi địa ngục là nơi con người sanh vào đó chịu đủ thứ mọi cực hình. Nói chung cõi địa ngục là cõi tiếng kêu khóc không hề dứt. Sau khi sanh ở cõi địa ngục, con người ở đó mới tiếp tục sanh làm loài vật. Như chúng ta đã thấy các loài vật đang sống quanh ta, đó là cõi súc sanh.

            Trên đây là cái hiểu của các nhà học giả của kinh sách phát triển có sáu cảnh giới rõ ràng: trời, người, Atula, ngạ quỷ, địa ngục và súc sanh, con người phải tiếp tục trôi lăn mãi mãi ở đó.

            Thật ra, sáu nẻo luân hồi là cảnh ở trần gian của chúng ta trên hành tinh này, không có ở nơi nào khác nữa. Tùy theo đặc tính, cách sống, cuộc sống của mọi con người và loài vật trên hành tinh này mà phân chia làm sáu nẻo luân hồi.

            Chánh Phật pháp dạy:

            Thứ nhất là cõi Trời, là chỉ cho những người đang sống đúng trong mười điều lành, tâm hồn của họ thường thanh thản, an lạc và vô sự, không làm khổ mình, khổ người, không làm điều ác, toàn làm điều thiện, muốn chi có nấy. Đó là những bậc chân tu, thạc đức đang sống trầm lặng, sống với trí tuệ nhân quả, sống với tâm hồn tha thứ và thương yêu mọi loài chúng sanh.

            Thứ hai là cõi Người, người là những người đang sống đúng năm điều lành không hề phạm phải, còn những người sống không đúng năm điều lành này là cõi khác chứ không phải cõi người.

            Thứ ba là cõi Atula, Atula là những người hay sân hận, giận dữ, chuyên môn đi đánh lộn, không biết nhường nhịn và nhẫn nhục ai cả, chỉ biết la hét đánh đập với nhau.

            Thứ tư là cõi Ngạ quỷ, Ngạ quỷ là những người nghèo đói khổ sở không có cơm ăn, áo mặc.

            Thứ năm là cõi súc sanh, súc sanh gồm có con người và các loài thú vật. Vì những người này hình người mà bản chất sống như loài thú vật, họ chẳng hề sống có một chút đạo đức làm người nào cả. Cho nên, dưới đôi mắt của Đức Phật thì những người này họ là súc sanh (động vật).

            Thứ sáu là cõi Địa ngục, địa ngục là những người đang bệnh đau, đang khổ sở rên la trên giường bệnh, chúng ta hãy đến nơi các bệnh viện, nơi đó là Địa ngục.

            Tóm lại, sáu cõi luân hồi không phải ở đâu xa mà chính cuộc sống của chúng ta trên hành tinh này hiện ra đầy đủ sáu cõi. Sáu cõi này được xác định thực tế và cụ thể, rất khoa học, không có mơ hồ trừu tượng mà ai cũng có thể hiểu một cách dễ dàng.

            Chỉ có những người tu theo kinh sách phát triển sống trong tưởng tri, trong mơ mộng mới xây dựng sáu nẻo luân hồi ảo tưởng ngoài cuộc sống của con người.

 

21. ĐỨC PHẬT DI LẶC

            Hỏi: Kính thưa Thầy, xin Thầy chỉ dạy cho chúng con được rõ: Phật Di Lặc có thật hay không?

            Đáp: Phật Di Lặc không có, đó chỉ là một Phật tưởng tượng của các kinh sách phát triển Bà La Môn. Vì thế, chúng tôi mạnh dạn lật tẩy bộ mặt thâm độc của Bà La Môn giáo để cho phật tử hiểu rõ. Nếu bảo rằng quá khứ đã có bảy vị Phật thì khi Đức Phật Thích Ca đi tu phải có đạo Phật, tại sao lại chỉ có lục sư ngoại đạo mà không có cái tên là Phật giáo?  

            Thật ra, mãi đến khi Đức Phật Thích Ca Mâu Ni tu hành chứng quả, nhờ mọi người hiểu biết cung kính và tôn trọng Đức Phật nên dựng ra tôn giáo Phật giáo, bấy giờ chúng ta mới có tôn giáo mang tên là Phật giáo. Thế mà kinh sách phát triển dám bảo quá khứ có bảy vị Phật, rồi gán cho Đức Phật Thích Ca Mâu Ni nói thì rất oan cho Đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Trong kinh Tương Ưng Đức Phật nói: “Nếu Ta nói một điều gì mà chúng sanh hiểu bằng tưởng thì có nói láo trong Ta.”

            Rồi về vị lai các kinh sách phát triển sản xuất ra một người có tên là Từ Thị, hiệu là Di Lặc muốn tranh chức giáo chủ với Đức Phật Thích Ca Mâu Ni giống như các nhà vua phong kiến ở thế gian tranh ngai vàng. Thật là danh lợi ghê quá. Theo như kinh sách phát triển, đạo Phật có chín vị giáo chủ:

            Bảy vị Phật làm giáo chủ ở quá khứ là:

                        1- Tỳ Bà Thi (Vipassĩ.)

                        2- Thi Khí (Sikhĩ).

                        3- Tỳ Xá Bà (Vessabhũ)

                        4- Câu Lâu Tôn (Kakusandha)

                        5- Câu Na Hàm (Konãgamana)

                        6- Ca Diếp (Kassapa)

                        7- Cổ Phật Nhiên Đăng.

            Một vị Phật giáo chủ ở hiện tại tức là Đức Phật Thích Ca.

            Một vị Phật giáo chủ ở vị lai tức là Phật Di Lặc.

            Phật Di Lặc đã được kinh sách phát triển nói đến rất nhiều. Đó là một thâm ý nham hiểm của các kinh sách phát triển thành lập Phật Di Lặc để làm một cuộc cách mạng Phật giáo, lật đổ Đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni, thay thế bằng vị giáo chủ mới là Phật Di Lặc. Hội Long Hoa tức là cuộc cách mạng Phật giáo do các nhà thuộc kinh sách phát triển lãnh đạo. Khi Phật Di Lặc lên nắm quyền giáo chủ Phật giáo thì toàn bộ kinh sách Nguyên Thủy sẽ bị triệt tiêu, tức là đường lối giáo lý của Phật Thích Ca Mâu Ni sẽ bị đốt sạch.

            Kinh sách Nguyên Thủy không bao giờ có nói đến Phật Di Lặc, các bậc Thánh Tăng đệ tử của Đức Phật không có ai tên là Di Lặc. Đối với kinh sách Nguyên Thủy, tên Di Lặc là một tên xa lạ, vậy mà bây giờ sắp lên nắm quyền giáo chủ Phật giáo! Xin quý vị phật tử suy ngẫm để khỏi lầm lạc.

            Hội Long Hoa được xem như một cuộc trưng cầu dân ý bầu cử đức giáo chủ mới cho Phật giáo. Các tôn giáo khác không hiểu, dựa vào gốc kinh sách phát triển và tưởng ấm của con người thể hiện qua “cơ bút” cho biết ngày tận thế và Hội Long Hoa sắp mở bày. Phật giáo Nguyên Thủy không chấp nhận điều này. Đức Phật dạy: “Quá khứ không truy tìm, vị lai không ước vọng, chỉ có hiện tại.” Quá khứ và vị lai không cần biết đến, chỉ làm một việc lành ngay trong hiện tại thì quá khứ và tương lai là hạnh phúc.

            Hội Long Hoa là một sự bịa đặt của những kinh sách phát triển, chờ cơ hội thuận tiện nhất để mở một cuộc họp Phật giáo toàn thế giới lật đổ Phật giáo Nguyên Thủy. Nhưng vì thế lực Phật giáo Nguyên Thủy còn mạnh cho nên họ không thể làm gì được.

            Hiện nay cả Phật giáo thế giới đều chấp nhận kinh sách phát triển là giáo pháp của Phật giáo. Đó là một bước thắng lợi thứ nhất của kinh sách này. Đến khi các sư Nam Tông tức là các sư Phật giáo Nguyên Thủy dần dần chịu ảnh hưởng giáo pháp của kinh sách phát triển và lần lượt các sư Nam Tông sẽ tu tập theo giáo pháp của kinh sách phát triển thì giáo pháp Nguyên Thủy sẽ bị đốn tận gốc. Lúc bấy giờ người ta bảo rằng Hội Long Hoa ra đời thành lập Phật giáo mới và đức giáo chủ là Phật Di Lặc.

            Đó là một thâm ý sâu sắc của kinh sách phát triển dựng lên Phật Di Lặc là có ý diệt trừ Phật giáo tận gốc mà hầu hết các tu sĩ Phật giáo hiện giờ, Nam Tông lẫn Bắc Tông đều vô tình không thấy ý đồ thâm độc của Bà La Môn giáo ngày xưa.

            Kinh sách nói về Phật Di Lặc và Hội Long Hoa là do các giáo sĩ Bà La Môn viết soạn ra rồi đưa vào kinh sách Phật giáo mạo nhận Phật thuyết. Lợi dụng lúc Phật giáo kết tập kinh sách nhiều lần chưa thành văn bản, người ta đã tùy tiện thêm bớt thật dễ dàng. Cho nên người nghiên cứu kinh sách Phật giáo hiện nay gặp phải khó khăn là có nhiều bài kinh mâu thuẫn nhau, khiến chẳng biết đâu là lời Phật dạy chân chánh, đâu là lời giả không phải Phật thuyết.

 

22. XEM NGÀY TỐT XẤU

            Hỏi: Kính thưa Thầy! Các cư sĩ tại gia khi làm nhà, đào móng, xây tường hoặc làm chuồng heo, chuồng bò, làm cổng ngõ, đào giếng, v.v... đều phải xem ngày tốt xấu. Khi cất nhà xong thì gia chủ phải lập đàn Đại Bi năm ngày đêm trì chú cầu nguyện cho gia chủ được may mắn phát tài phát lộc, thưa Thầy, xem ngày giờ tốt xấu như vậy có đúng không? Xin Thầy chỉ dạy.

            Trong kinh Bát Dương dạy: Ngày nào cũng tốt, tháng nào, năm nào, giờ nào cũng tốt, nếu ai nói ngày, tháng, năm, giờ tốt xấu là phản lại thiên thần địa lý. Tuy trong kinh dạy như vậy nhưng nếu khi làm nhà, cưới hỏi, chết, bốc mộ, làm chuồng nuôi gia súc, v.v... tùy trường hợp xem ngày tốt xấu lại mang kinh Bát Dương ra tụng. Thưa Thầy như thế là  thế nào? 

            Đáp: Xem ngày tốt xấu là sự mê tín của Trung Quốc nên có những bộ sách mà trong các chùa dùng để xem ngày tháng tốt xấu như Ngọc Hạp, Thông Thư, Trần Tử, Văn Công, Thọ Mai v.v... Những loại sách lịch này không phải của Phật giáo mà của nền văn minh Trung Quốc sản xuất ra dưới các triều đại phong kiến. Từ âm dương bát quái, dịch số, đến tứ thời, ngũ hành, nhị thập bát tú v.v... Do đó các nhà tri thức lập thành theo vận khí âm dương để xem ngày giờ tốt xấu đoán vận mạng cho con người.

            Đối với đạo Phật thì kinh sách này không đúng với tinh thần của Phật giáo. Đôi mắt của Phật giáo nhìn các pháp thế gian đều là do duyên hợp tạo thành, diễn biến theo luật nhân quả nên không thể nào đoán vận mạng được. Vì đạo Phật cho rằng: vận mạng của con người di động theo diễn biến hành động thiện ác của con người. Nên làm sao biết chắc được đúng mà tiên đoán.

            Ví dụ: có người muốn cất nhà đến xem tuổi năm nay có cất nhà được không? Ông thầy xem tuổi bảo: năm nay tuổi tốt, cất nhà khỏi kim lâu, địa sát, thọ tử, được tứ tấn tài, đại kiết; kế đó xem tháng tốt, ngày tốt, đến ngày giờ làm lễ khởi công. Cất xong nhà, thỉnh quý sư thầy đến tụng kinh cầu an. Nhưng người gia chủ này làm nghề buôn bán đồ lậu thuế, Nhà nước phát giác ra bắt bỏ tù và niêm phong tất cả nhà cửa của cải, tài sản v.v…

            Như vậy cất nhà coi tuổi tốt, ngày, tháng tốt được tấn tài tấn lộc, đại kiết, mà sao lại không tấn tài tấn lộc, đại kiết mà phải đi ở tù, của cải bị Nhà nước tịch thu? Xét như vậy xem ngày tốt xấu có đúng không? Hay do hành động làm điều ác? Nếu người này không buôn bán đồ lậu thuế thì làm sao có sự việc ở tù, của cải bị tịch thu. Gieo nhân nào thì phải gặt quả nấy chứ không phải do cất nhà, tuổi tác, ngày giờ tốt xấu mà tốt được. Tốt xấu là do hành động thiện ác của mình. Vì vậy trong kinh Bát Dương dạy: “Ngày tháng năm nào cũng tốt, tốt xấu là do hành động thiện ác của mình.”

            Kinh Bát Dương là một loại kinh phát triển thuộc Bà La Môn giáo, đập phá sự mê tín xem ngày tốt xấu của văn minh Trung Quốc nhưng lại bày vẽ cúng bái tụng niệm theo sự mê tín của tôn giáo này. Cất nhà, cưới hỏi, chết, bốc mộ, làm chuồng nuôi gia súc đều đem kinh Bát Dương ra tụng để cầu tài, cầu lợi thì sự mê tín lại còn dị đoan lạc hậu hơn, cũng không thua gì xem ngày giờ tốt xấu.

            Xem ngày tốt xấu người ta dựa theo luật âm dương, tính toán ra ngày tốt xấu thì còn có chút ít khoa học thực tế hơn, còn kinh Bát Dương thì không có khoa học chút nào cả, chỉ dựa vào chư Phật cứu độ, gia hộ tai qua nạn khỏi thì thật là lạc hậu dị đoan. Nếu giết người, cướp của, đi buôn đồ lậu thuế bị bắt ở tù, đem kinh Bát Dương ra tụng thì dù cho tụng ngàn biến cũng chẳng tiêu tai giải nạn nổi. Đó là sự lừa đảo của các loại kinh sách phát triển, chỉ những người chưa có trình độ kiến thức sâu rộng mới tin và nghe theo.

            Từ sự mê tín xem ngày tốt xấu đến sự mê tín cúng bái của kinh sách phát triển, tất cả đều là lừa đảo người để làm tiền một cách trắng trợn mà không ai bắt tội được. Quý phật tử cần nên sáng suốt, đừng để bị lừa gạt bởi những kẻ vô lương tâm làm nghề bất chính. Phải mạnh dạn thực hiện đạo đức nhân bản - nhân quả, sống không làm khổ mình, khổ người, tức là sống thiện, làm thiện, ăn ở thiện thì mọi phước báo và sự an vui sẽ đến với quý vị.