Kì 4: Chánh tín - Mê tín (17-19)

17. CHẾT GIỜ TỐT, GIỜ XẤU

          Hỏi: Kính thưa Thầy, trong gia đình nào có người chết, rất quan trọng là giờ phút lúc tắt thở. Họ đến nhờ ông thầy cúng xem người chết lúc đó giờ tốt hay xấu, giờ trùng hay không trùng. Nếu ông thầy nói chết được giờ tốt, không có trùng thì gia đình yên tâm, nếu ông thầy bảo giờ xấu có trùng thì ông thầy ấy cho bùa yểm để trong gia đình không có người chết nữa. Như vậy có đúng không thưa Thầy?

          Đáp: Không đúng đâu con ạ! Đó là những kinh sách mê tín, lạc hậu của người xưa khi đời sống con người còn lạc hậu, dân trí chưa cao, kiến thức khoa học chưa có, tầm hiểu biết không nhìn rộng thấy xa được. Con người thời ấy bản chất còn mang tính thú vật, chưa biết đạo đức là gì, chỉ còn đi lượm trái cây rừng hoặc đào rễ cây mà ăn. Cho nên những hiện tượng thiên nhiên, thời tiết họ không thể nào hiểu được nên đành dùng tưởng tri để hiểu. Do tưởng tri để hiểu thì những cái không hiểu được nên đã biến thành một ảo tưởng, một thế giới siêu hình.

          Từ tưởng tri thế giới siêu hình họ mới tìm cách đo đạc thời gian phân chia ngày, tháng, năm để hoàn thành lịch và dịch số chiêm tinh. Do chỗ không thấu rõ hiện tượng thiên nhiên vũ trụ nên các nhà tôn giáo và triết gia sản xuất ra biết bao nhiêu loại kinh sách tưởng, để thuyết minh các hiện tượng siêu hình bằng hình thức thiên khải. Thiên khải tức là hiện tượng tưởng thức họat động.

          Cho nên những hiện tượng siêu hình ngày nay đã biến thành một tai họa rất lớn cho con người trên thế giới; muốn phá bỏ nó thật là điều nan giải. Nó đã in sâu vào tâm khảm và truyền từ thế hệ này đến thế hệ khác.

          Những cái không đúng sự thật chỉ là tưởng mà thôi, những cái tai hại cho con người vô cùng to lớn từ đời trước đến đời sau; những cái phi đạo đức đã đưa con người đến chỗ hung ác, gian xảo hơn loài cầm thú, dùng mọi cách lừa đảo, lường gạt. Báo Công An đã tường thuật không biết bao nhiêu là mánh khóe cưỡng đoạt tài sản của kẻ khác, chỉ cần một trăm ngàn hay một triệu đồng là xem mạng sống con người không ra gì.

          Những kẻ đầu trộm đuôi cướp này chỉ mua một cuốn sách tử vi xem ngày tốt xấu đi trộm cướp giết người lấy của mà không bị ai bắt được thì cần gì phải đi lao động khó nhọc mà chưa chắc đã có tiền như đi ăn trộm, ăn cướp. “Con ơi học lấy nghề cha, một đêm ăn trộm bằng ba năm làm”, đó là tục ngữ ca dao dân gian đã dạy như vậy.

          Trên cuộc đời này, thứ nhất là danh; thứ hai là lợi. Các nhà triết học đua nhau dựng lên những triết thuyết này đến triết thuyết khác đủ mọi thứ mọi loại, phần nhiều đều nằm ở trong tưởng thức mà luận ra, không thực tế, mơ hồ, trừu tượng. Khi áp dụng vào đời sống con người vốn đã khổ đau lại càng khổ đau hơn.

          Như thuyết hiện sinh, thuyết vô ngã của kinh sách phát triển, thuyết hữu ngã ảo tưởng của Thiền Đông Độ, thuyết hữu thần của các tôn giáo khác, thuyết âm dương của Trung Quốc, thuyết luân hồi tái sanh mê tín của kinh sách phát triển và các tôn giáo khác, v.v... đều đưa con người quay cuồng trong các học thuyết đảo điên và điên đảo.

          Thuyết âm dương của Trung Quốc mới có xem ngày giờ tốt xấu, coi cung mạng xung khắc, trong bát quái có các cung như: càn, khảm, cấn, chấn, tốn, ly, khôn, đoài. Họ lý luận rằng con người khi chết, cũng như lúc sanh ra phải ở trong một cung nhất định.

          Các nhà học giả thời nay đua nhau nghiên cứu triết thuyết trừu tượng này và đã tốn biết bao nhiêu tâm lực và giấy mực. Nhưng nó có đem lại lợi ích cụ thể thiết thực cho đời sống của loài người đâu, chỉ toàn là luận thuyết để mà cầu danh và lợi. Và chính nó càng làm thêm rắc rối cho tư tưởng con người, mất hết một cuộc sống an nhiên tự nhiên.

          Những loại triết thuyết này đưa ra biến thành một cuộc nội chiến trong tâm của mọi người. Đó là những cuộc chiến tranh tư tuởng của con người giữa đời và đạo; giữa triết học này và triết học khác. Có những người cuồng tín tin một cách mù quáng, biến mình thành những công cụ cho những tôn giáo và những triết thuyết này triết thuyết khác. Đó là những tín đồ hăng say, điên khùng xông vào cái chết và giết người như cỏ rác mà chẳng chút xót thương ai cả.

          Năm tháng, ngày giờ tốt xấu, đó là một triết thuyết về luật âm dương đưa con người đến chỗ mê tín nhảm nhí tận cùng, mỗi khi làm việc gì cũng xem ngày giờ tốt xấu và tuổi tác có hợp hay không hợp.

          Hiện giờ ai cũng biết đó là việc mê tín, lạc hậu, phi đạo đức, vậy mà người ta không thể bỏ được tập quán, thói quen này, ngay cả những người có học thức, có kiến thức về khoa học mà vẫn còn bỏ không được.

          Đạo đức nhân bản - nhân quả đã xác định: kẻ làm ác dù có xem ngày giờ tuổi tác, tốt xấu, cất nhà, dựng vợ gả chồng cho con cái, hoặc xem giờ an táng, hoặc xem tuổi tác người chết tránh cung trùng tang liên táng; bằng mọi cách như mua bùa về yếm cho tai qua nạn khỏi, bệnh tật được triêu trừ và hưởng được phước báo đầy nhà thì chẳng bao giờ được. Nếu được thì đó là một điều vô đạo đức không công bằng và công lý.

          Người ta sanh ra ở đời phải chấp nhận luật nhân quả. Nếu ta làm điều thiện thì ngay đó tâm ta được an vui thanh thản, đó là phước báo của mình làm ra. Còn nếu mình làm ác mà cầu phước báo thì chẳng bao giờ có được, dù cho những bậc xem ngày giờ tốt xấu giỏi như Trương Lương, Tiêu Hà, Khổng Minh, Quỷ Cốc, cũng không tránh khỏi luật nhân quả. Cho nên Trương Lương phải ẩn bóng, Tiêu Hà bị chết, Khổng Minh thất bại trong việc chấn hưng nhà Hán.

          Xét cho cùng, từ xưa cho đến nay có mấy ai xem ngày giờ tốt xấu mà làm nên sự nghiệp đâu. Làm lên sự nghiệp đều do nhân quả thiện của mình. Người xưa nói: “Tích ác phùng ác, tích thiện phùng thiện”, làm ác gặp khổ, làm lành gặp phước an vui thanh thản.

 

18. GIỜ HẠ HUYỆT

          Hỏi: Kính thưa Thầy, khi linh cữu đưa ra khỏi nhà, vào lúc hạ huyệt có phải xem giờ không thưa Thầy? Người mới chết có cần phải cúng cơm bốn mươi chín ngày mới thôi không thưa Thầy?

          Đáp: Theo sự mê tín lạc hậu của những người xưa thường sống trong tưởng thức nên dễ bị ảnh hưởng của sách vở mê tín phi đạo đức của nền văn minh Trung Quốc. Cho nên xem ngày giờ tốt xấu rồi mới được chôn cất để không ảnh hưởng xấu đến con cháu sau này.

          Phật giáo truyền sang qua Trung Quốc thấy dân chúng ở xứ này đang tin tưởng vào ngày giờ, năm, tháng, tuổi tác, tốt xấu của những người giàu tưởng tượng nên cũng chế ra những loại sách vở mê tín để bói toán xem số mạng, vận nước tốt xấu.

          Những nhà thiên văn, địa lý dựa vào luật âm dương, tạo ra sách vở chiêm tinh bói toán dịch số như Châu Văn Vương sống trong tù bảy năm ở Vạn Lý Gia soạn bộ dịch số, Quỷ Cốc Tử, Tôn Tử, Trương Lương, Khổng Minh, đều là những tay bói toán thần tình, biết trước những sự việc xảy ra. Thế mà Châu Văn Vương không tránh khỏi bảy năm tù mà còn ăn thịt con, Trương Lương vào núi ở ẩn, Khổng Minh tan mộng phục hưng nhà Hán.

          Tất cả những sự thành bại trong đời người đều do nhân quả. Không có nhà chiêm tinh bói toán nào giải quyết được luật nhân quả. Không thể nào xem giờ tốt xấu, cất nhà, hạ huyệt, an táng mà tránh khỏi luật nhân quả.

          Nếu là chiêm tinh gia tiên tri mọi việc, sao quý vị không xem giờ tốt xấu để cãi lại luật nhân quả số phận của mình, để mình giàu sang và quyền cao quan, tước trọng. Cớ sao lại đi ngồi ngoài hè đường phố hoặc mở phòng xem bói, chiêm tinh, tử vi. Hoặc ẩn náu trong chùa, mang hình thức tu sĩ Phật giáo làm những chuyện phi Phật, phi pháp, phi đạo đức, lừa đảo tín đồ Phật giáo bằng cách xem ngày giờ tốt xấu như các nhà Nho lỗi thời. Đúng là không biết nghề nào làm ăn, mượn ba thứ sách mê tín, dị đoan để lừa gạt người nhẹ dạ.

          Phần nhiều, những hạng người có học Nho như các thầy đồ nho, học hành, thi cử thất bại, và các ông thầy chùa, tu chẳng ra tu, mượn chiếc áo Tỳ-kheo làm những điều mê tín, lường gạt người bằng những trò bịp bợm xem ngày giờ tốt xấu, cung mạng, sao hạn để khiến người khác sợ hãi, bỏ tiền ra cúng bái tế lễ và còn nhận tiền tổ, tiền sư, đủ mọi thứ, để rồi những người mê tín “tiền mất tật mang.” Luật nhân quả rất công bằng và rất cụ thể. Nếu ai làm điều ác, dù xem ngày giờ tốt xấu cũng không tránh khỏi tai họa; nếu ai làm một việc lành, dù chẳng xem ngày giờ tốt xấu, chẳng cúng sao hạn mà phước báo vẫn cứ đến.

          Xưa Đức Phật dạy: “Nếu một người làm ác, như cục đá ném xuống hồ, dù cho tụng kinh niệm chú, cầu khẩn cho cục đá nổi lên thì nó chẳng bao giờ nổi. Nếu một người làm thiện, giống như những giọt dầu nổi trên mặt nước, dù không cần tụng kinh, niệm chú và cầu khẩn, giọt dầu vẫn nổi, không ai làm nó chìm được.

          Theo đạo Phật, chết là nên đem xác thiêu đốt và chôn cất không cần phải xem ngày giờ tốt xấu, vì thây người chết bất tịnh, uế trược, hôi thối, để lâu sình ra truyền nhiễm những bệnh tật khổ đau cho người còn sống. Không có giờ ngày nào là tốt hay xấu. Tốt xấu là do hành động thiện ác của con người tạo ra để rồi thọ lấy tai nạn, bệnh tật, khổ đau chứ không phải người chết nhằm giờ ngày xấu, hoặc hạ huyệt vào giờ ngày xấu mà con cháu những người thân trong gia đình xảy ra tai nạn bệnh tật.

          Đạo Phật không hề chủ trương sự mê tín như vậy. Đạo Phật xây dựng tôn giáo mình trên một nền đạo đức nhân bản – nhân quả rất khoa học và bình đẳng, phá vỡ những điều mê tín mù mờ, dị đoan, tưởng tượng của những loại kinh sách phi khoa học, phi đạo đức v.v…

          Đạo Phật chủ trương ai làm ác thì phải gặt lấy quả khổ, chịu quả đau đớn chứ không có kẻ này làm mà người khác chịu.

          Đạo Phật không có dạy rằng: cha giết người mà con bị tù tội, cha ăn trộm mà con bị chặt tay. Quý phật tử hãy tin nhân quả và sống cho đúng nhân quả, đừng làm khổ mình khổ người thì cuộc đời sẽ được an vui và hạnh phúc, không bao giờ có tai nạn, bệnh tật nan y xảy đến.

          Chết muốn chôn giờ nào, ngày nào cũng đều tốt, vì ngày giờ là thời gian tự nhiên của vũ trụ, không bao giờ có tốt, có xấu. Nếu lúc nào chúng ta cũng làm điều thiện, làm điều lành thì hà tất phải sợ những tai nạn bệnh tật khổ đau. Bệnh tật khổ đau là hành động thân, miệng, ý làm ác.

          Xem ngày giờ tốt xấu để chôn cất là những người lạc hậu, mê tín bị kẻ khác lừa đảo, tiền mất chẳng ích lợi gì. Hãy mạnh dạn, đừng sợ hãi, bất chấp mọi thử thách, mọi dư luận, lúc nào cũng làm lành, không làm khổ mình khổ người, rồi mọi sự tốt đẹp sẽ đến với mình.

 

19. KHÔNG THẮP HƯƠNG KHI CÚNG GIỖ

          Hỏi: Kính thưa Thầy, khi nhà có đám giỗ kị, hoặc ngày tư, ngày tết, cúng bái không thắp hương có được không thưa Thầy?

          Đáp: Được, xưa Đức Phật dạy nên thắp năm thứ tâm hương cúng Phật, năm thứ hương đó là:

          1- Giới hương tức là đức hạnh làm người, không làm khổ mình, khổ người.

          2- Định hương tức là đức hạnh làm Thánh nhân.

          3- Tuệ hương tức là sự hiểu biết siêu việt phi thường của Tam Minh khiến cho nguyên nhân tái sanh của con người không còn.

          4- Giải thoát hương tức là về trí tuệ đức hạnh làm người, làm Thánh.

          5- Giải thoát tri kiến hương là trí tuệ giải thoát mọi kiến chấp, mọi tà pháp, mọi ác pháp.

          Người tu theo đạo Phật không nên thắp những thứ hương vỏ cây. Trong ngày giỗ, ngày tết nên thắp năm loại hương này cúng dâng lên chư Phật, ông bà, cha mẹ nhiều đời. Không những người thắp lên nén tâm hương này được nhiều phước báo, mà những người quá cố như ông bà, tổ tiên, cha mẹ đều được phước báo vô lượng ở kiếp sau.

          Bởi thắp hương vỏ cây chỉ tượng trưng lòng thành kính, có tánh cách mê tín lạc hậu. Ngầm trong hành động thắp hương này đã bị người khác lừa đảo, tiền mất mà ô nhiễm khói hương khó thở, chẳng đem lại sự ích lợi thiết thực cho mình, cho người khác mà còn dại dột đem tiền cho kẻ kinh doanh hương vỏ cây làm giàu.

          Càng suy ngẫm chúng ta càng thấy con người dễ bị kẻ khác lừa đảo bằng mọi hình thức mê tín. Họ kinh doanh, làm giàu trên mồ hôi nước mắt của kẻ khác, như nhóm xe ôm, xe lôi, xe buýt đô thị đồn đại Đức Mẹ hiện hình trên đỉnh núi xã Phú Lâm, huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai là hàng ngàn người đổ về xem Đức Mẹ hiện hình.

          Rồi Phật sống ở An Giang, thầy nước lạnh, uống vào bệnh gì cũng hết, thầy rờ lá cây trị bệnh như thần, người không thấy đường năm mười năm, uống vào mắt sáng liền, v.v... Biết bao nhiêu điều lừa đảo như vậy để lường gạt hàng trăm, hàng vạn người bỏ công, bỏ của để làm giàu cho bọn xe thồ, xe ôm, xe lôi v.v...

          Tại núi tỉnh Tây Ninh có Bà Đen được vua Gia Long sắc phong là Linh Sơn Thánh Mẫu. Hằng năm người ta trẩy hội Bà Đen rất đông, số tiền cúng nơi đây có thể hằng tỉ bạc. Trong chiến tranh người ta bảo rằng Bà Đen nay bà về chỗ này, mai bà về chỗ kia để lôi cuốn những người mê tín về cúng bái. Đó cũng là hình thức kinh doanh thần thánh.

          Ngày xưa, người ta không biết thắp hương nhưng những người trong các tôn giáo có sáng kiến mới chế ra cây hương làm bằng vỏ cây, dạy cho mọi người thắp hương cúng bái. Mỗi lần có thắp hương là linh hồn ông bà, thánh thần nghe mùi hương mà trở về chứng giám lòng thành của con cháu. Đó là cách thức dạy mê tín của các nhà tưởng tri, của các nhà sư kinh sách phát triển.

          Sau này, các nhà kinh doanh lợi dụng lòng mê tín này biến thành một nghề nghiệp sống. Do đó, hàng năm người ta phải bỏ ra một số tiền hằng tỉ tỉ bạc, tiêu phí mua hương vỏ cây trong việc cúng bái tế lễ. Họ bảo, nếu chúng ta cúng bái mà không thắp hương thì sự cúng bái lạnh lẽo không trang nghiêm bằng thắp những cây hương, khói hương quyện vào nhau trông rất ấm cúng và đẹp đẽ, tưởng chừng như những linh hồn người chết nương theo khói hương mà trở về vui vầy sum họp với con cháu.

          Đó là sự tưởng của người giàu tưởng tượng. Ngày nay, cây hương bằng vỏ cây đã trở thành một truyền thống, một thói quen rất khó bỏ. Nếu ngày giỗ, ngày Tết mà không thắp hương thì phải thật là người có óc khoa học, có trí hiểu biết thấu suốt thế giới siêu hình không có thì mới có can đảm vượt qua sự mê tín cố hữu ấy.

          Đức Phật dạy: “Đứng lại thì chìm xuống” nghĩa là mình cứ theo phong tục thắp hương trong những ngày giỗ, ngày tư, ngày tết và những lễ cúng bái là mình đang đứng mà đang đứng lại là đang chìm xuống, đang chìm xuống tức là ngu si, mê muội, dại dột, tiền mất mà chẳng có ý nghĩa gì và lợi ích gì về cuộc sống.

          Còn “Tiến tới thì trôi dạt” có nghĩa là chống hẳn lại sự mê tín, không chấp nhận nó thì chúng ta sẽ bị chống đối nguyền rủa của người khác. Họ nói rằng chúng ta ngang tàng, vô thần, v.v... không có ân nghĩa, không biết có tổ tiên, ông bà, cha mẹ, v.v... là những người ở dưới đất nẻ chui lên.

          Chỉ có vượt qua.” Vượt qua cái gì? Nghĩa là không chấp nhận mê tín, không làm theo mê tín, nhưng không chống mê tín mà chuyển mê tín thành chánh tín. Cho nên, ai mê tín mặc họ, chúng ta chỉ biết giải quyết cho chúng ta mà thôi, giải quyết tâm mình đừng sống trong mê tín, giải quyết tâm mình đừng chướng ngại với người mê tín. Cho nên, thắp hương hay không thắp hương trong ngày giỗ là do ở tâm con.

          Ví dụ: nhà có giỗ kị, mọi người thắp hương cúng bái, con không nên cấm họ, nhưng đến khi con cúng bái, con không thắp hương, chỉ đứng trước bàn thờ, con thầm tưởng nhớ đến công ơn của tổ tiên, ông bà và đem sự sống của con không làm khổ mình, khổ người dâng lên.

          Nhớ lại ngày nào ông bà, cha mẹ lìa khỏi cuộc đời để lại trong tâm con một kí ức, một niềm thương nhớ. Hôm nay con còn chỉ biết dâng lên nén tâm hương với lòng đầy đạo đức làm người của con, không làm ô nhục tổ tông, không làm mang tiếng tai cho dòng họ.

          Những hành động sống hằng ngày đó đến ngày giỗ ông bà, tổ tiên và cha mẹ con thắp trước bàn thờ. Đó là con thắp cây hương đạo đức làm người cúng dâng tổ tiên, ông bà, cha mẹ chứ không thắp những cây hương bột vỏ cây mà thắp hương lòng của con đối với tổ tông, không có gì xấu hổ cả con ạ!

          Nếu con làm đúng như vậy (không thắp hương vỏ cây) vào ngày giỗ vẫn ấm cúng và trang nghiêm vô cùng. Con thắp cây hương lòng không phải mất tiền, tiền ấy để dành dụm làm việc từ thiện, giúp người bất hạnh trong xã hội còn tốt hơn.