9- TÁC Ý CHO THÂN TÂM LÀM THEO Ý THỨC

Vào giờ tu thì phải pháp nào ra pháp ấy. Tu pháp tâm bất động thì phải là pháp tâm bất động. Bây giờ chỉ mới nhận ra tâm bất động chứ chưa sống được với tâm bất động. Pháp tác ý là pháp sẽ dẫn tâm các con vào chỗ bất động, chứ bây giờ các con ngồi bất động thì không được cho nên phải tác ý để thân tâm bất động hoàn toàn. Các con tác ý không chỉ để thân tâm các con bất động, mà còn cho thân tâm làm theo ý thức để tạo thành lực ý thức, để sự tác ý trở thành bốn thần lực để rồi các con sử dụng nó mà nhập các định.

Lúc này là lúc luyện ý thức chứ không phải luyện sự bất động, chỉ là tu cái lực ý thức chứ chưa phải tu tâm bất động. Dùng sự bất động để nhắc tâm chúng ta rèn luyện lực ý thức, tác ý càng nhiều thì lực ý thức càng mạnh. Sự tác ý có giá trị rất cao. Nếu không tác ý, hoặc tác ý ít quá thì nó không tạo thành cái lực. Cho nên, pháp tác ý rất cần cho các con trong giai đoạn tu tập này. Do vậy, đừng hiểu sai mục đích pháp tu trong giai đoạn này để không bị rơi vào trạng thái ức chế ý thức, ức chế tâm. Hiện giờ các con chưa đủ lực của ý thức chứ nếu lực ý thức có đủ thì khi các con muốn cái gì, ra lệnh thì lệnh đó có cái lực, có sức mạnh, nó khiến, nó bảo, nó bắt buộc thân tâm phải làm theo y như vậy. Đó là cái lực ý thức. 

Hôm nay tu tập là tu lực ý thức chứ không phải là tu tâm bất động. Cho nên, người nào tu tâm bất động thì sẽ bị rơi trong sự ức chế tâm của mình. Lực ý thức mạnh đến độ vượt qua những quy luật vật lý chúng ta đang biết. Thí dụ con ra lệnh bảo cái thân này phải bay lên bao nhiêu thì thân sẽ bay lên cao như ý con muốn, chỉ bằng cái lực ý thức của con. Vậy giai đoạn này là giai đoạn rèn luyện lực ý thức chứ không phải rèn luyện cái tâm bất động, các con cần phải tác ý mỗi khi có niệm. Niệm nhiều, tác ý nhiều. Tác ý càng nhiều thì lực ý thức càng mạnh mà niệm lạí giảm bớt. Khi không có niệm thì ngồi im lặng hoàn toàn thư giãn, tâm không được ôm một pháp nào, tâm không chú ý vào một đối tượng nào. Con nhìn xem tâm con bám vào cái gì, nó bám vào cùng lúc toàn thân và hơi thở thì được, còn nó chỉ bám vào một chỗ nào của thân là sai. Đầu tiên chúng ta quán xét để biết cái tâm bất động thôi chứ không phải chúng ta dùng nó để tu tâm bất động. Chúng ta nhắc tác ý: “Tâm phải bất động, thanh thản, an lạc, vô sự”, rồi ngồi nhìn trong đầu thấy nó không có niệm gì thì chúng ta biết rằng nó đang bất động. Biết như vậy nhưng lại không được nhìn mãi trong đầu bằng không thì bị ức chế. Chỉ nhìn trong đầu để biết nó đang có bất động thôi, không được tu nhiều, nghĩa là không chú tâm lâu vào trong đầu, chỉ đủ thời gian để biết có sự bất động. Như vậy mới đúng cách. Nhờ cái bất động này để rèn lực ý thức, không phải tu tâm bất động. Phải hiểu như vậy chứ không thì khi thấy nó bất động và tác ý cho nó bất động là không phải. Tác ý không phải để cho tâm bất động mà chỉ để có lực ý thức. Nhưng khi lực ý thức có rồi, con bảo tâm bất động thì tâm sẽ bất động không niệm.

Các con thấy ta tu cái ý thức này được kết quả có lực rồi thì ta lại làm chủ được cái tâm không niệm kia. Chẳng những vậy mà khi thân bị bệnh gì thì dùng ngay lực ý thức đó bảo thân không được có bệnh như vầy như vầy thì đuổi được bệnh đó. Cho nên, chúng ta tu tập cái lực ý thức, chứ không phải tu tập pháp tâm bất động, nhưng chúng ta dùng câu tác ý tâm bất động để rèn luyện pháp tác ý tạo lực ý thức. Khi nó đang yên lặng thì đừng tác ý. Nó thoái mái, thư giãn, nhìn trời mây trăng gió gì thì cứ để cho nó tự nhiên tự do như vậy. Nhưng khi nó bám dính vào một cái gì thì lôi nó ra. Nghĩa là khi nó có ý nghĩ, có tư tưởng về một cái gì, về một chuyện gì thì đó là nó đang phóng dật, phải tác ý chấm dứt sự phóng dật đó ngay. Nó chỉ biết trong thân mới đúng. Nó phải thản nhiên, phải vô sự thật sự, không dính với ngoại cảnh, mặc dù nó đang nhìn ra ngoài thân. Nếu nó có ý nghĩ, có tư tưởng nào thì tác ý bảo nó quay vô trong thân, không được phóng dật.

Việc nào không phải là trách nhiệm của mình thì đừng làm. Việc chính của mình là tu, là huấn luyện tâm, tu tập tâm, không làm gì cả. Không có tư tưởng ý nghĩ về sự chướng mắt.

Nếu trong thời gian tu tác ý tâm bất động mà các hồi tưởng về quá khứ cứ hiện về liên tục thì cũng tác ý liên tục. Các hồi tưởng này bao lâu còn thì bấy giờ vẫn còn tác ý cho đến chừng nào các hồi tưởng chấm dứt. Các hồi tưởng có kéo dài một hai tuần thì cũng cứ tác ý trong suốt thời gian đó. Khi không có hồi tưởng, không có niệm nào thì ngồi yên lặng trong trạng thái tâm bất động. Còn niệm thì còn tu, nỗ lực tu cho đến khi không còn niệm, trong bao lâu cũng không có niệm. Cho đến khi suốt bảy ngày đêm không có niệm là thành công. Hết tu. Còn khi có niệm, khi không có là do tâm ta chưa xả ly hết dục, chưa xả ly hết ác pháp. Khi ác pháp hết, dục hết thì tâm không có niệm. Tâm không còn niệm thì không còn đối tượng tu.