Có niệm thì tác ý, không có niệm thì ngồi yên lặng. Không dùng phương pháp nào ức chế để làm cho tâm không niệm. Khi tâm không niệm thì cái biết là cái tâm ở chỗ nào? Nếu nó biết trên toàn thân là đúng, còn nó bám duy nhất bất kỳ một chỗ khác của thân là sai. Thí dụ nó bám ở màng tang, hay ở đỉnh đầu, hay ở hơi thở... là không đúng. Nó phải cảm nhận từ chân lên đầu, từ đầu xuống chân là đúng, lúc đó là lúc nó bám tứ niệm xứ. Mà khi nó ở trên toàn thân thì nó phải biết động dụng nào của thân rõ nhất, thí dụ ngồi yên thì nó biết hơi thở; mà nếu thân có động dụng nào khác thì nó theo và biết động dụng đó.
Tu pháp nào thì đúng là tu pháp đó. Đừng tu lộn xộn, đừng tu lẫn lộn. Phải dùng tác ý để chỉ tu trong một pháp duy nhất. Và cũng dùng tác ý để chỉ tập trung tâm vào duy nhất thân hành đang tu, tập trung trong hành động của thân. Pháp tác ý là pháp dẫn tâm vào đạo, vào chỗ giải thoát, là pháp làm chủ thân tâm. Có sai lạc thì phải dẫn nó vào, “Có như lý tác ý thì lậu hoặc đã sanh sẽ bị diệt”.
Vô thất thì không còn quán gì khác, không còn quán tâm từ bi. Tâm từ bi là khi còn làm việc chung với mọi người, ai nói sao, dù thế nào cũng không khởi tâm tham,sân,si.
Trước khi tu ĐỊNH NIỆM HƠI THỞ thì phải tu Tứ Bất Hoại Tịnh là niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng, niệm giới. Khi còn sống chung với mọi người, còn làm việc chung với mọi người thì có thể quán tâm từ bi để xả tâm tham,sân,si thô. Cho nên,Tứ vô lượng tâm là pháp để tu trong cảnh động của giai đoạn đầu, lúc mới vào tu. Khi đã vô thất rồi thì không còn quán gì khác, không tu pháp nào khác. Chỉ tu pháp tác ý trong khi sống độc cư hoàn toàn để xả các niệm cho tâm thanh tịnh thật sự. Đây là giai đoạn tu tâm, tu nội tâm. Các pháp khác chỉ tu khi chưa nhập thất, còn tu với ngoại cảnh, nghĩa là các pháp như TứBất Hoại Tịnh là pháp tu trước khi tu Định Niệm Hơi Thở.
TứBất Hoại Tịnh là niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng, niệm Giới. Niệm Phật thì con phải biết Phật sống như thế nào, tu như thế nào, hạnh sống của Phật làm sao, để con thử xem con có làm như Phật được không? Như con có ăn ngày một bữa được không, con có cắt ái ly gia như Phật một mình vào rừng sống, có nhớ gia đình không. Rồi sống như Pháp, vậy thì Pháp dạy ra sao. Pháp dạy ngăn ác diệt ác, sanh thiện tăng trưởng thiện. Rồi Niệm Tăng là sao, con phải chọn một vị tăng nào giới luật oai nghi nghiêm chỉnh, con xem vị đó có đầy đủ oai nghi tế hạnh thì con học theo vị đó gọi là niệm tăng. Đặc biệt trong lãnh vực giới là lãnh vực oai nghi tế hạnh của người tu theo chánh pháp Phật. Trong pháp của Phật có mười giới Sa di là những giới như thế nào. Sau đó con phải nghiên cứu đầy đủ giới của một vị Tăng. Giới bổn Patimokkha là bộ giới cấm chứ không phải là giới đức. Trong giới đức sẽ cho con thấy những giới nhỏ nhặt như giới nhỏ về tham lam mà chỉ khởi ý lấy của không cho là đã phạm giới rồi. Các giới nhỏ nhặt như vậy rất là nhiều. Như giới không sát sanh là thực hiện đức hiếu sinh thế mà trong khi con đi, con quên không tỉnh giác chú ý vào bước chân dẫm đạp lên các côn trùng như kiến... là con đã phạm giới. Con phải hiểu và sống cho đúng giới luật. Có nhiều bộ giới, trong đó con có thể tìm học giới 250 cho Tăng hay 349 cho Ni.
Vậy thì con phải nghiên cứu là con cần niệm TứBất Hoại Tịnh, tu TứChánh Cần, tu Tứ Vô Lượng Tâm, tu các loại Định Vô Lậu... cho giai đoạn đầu. Đó là những pháp tu ngoại cảnh. Đó là những pháp phải tu xong trước khi nhập thất tu xả tâm, tu Tứniệm xứ. Khi đã vào thất tu thì những cái đó phải tu trước cho thành thục. Khi đã vào thất tu thì chỉ còn ôm pháp Như lý tác ý mà thôi, là pháp để tu với nội tâm.
Trong đề mục thứ tư “Cảm giác toàn thân....” của ĐỊNH NIỆM HƠI THỞ thì con tu cảm nhận toàn thân bằng cách cảm nhận từ bàn chân trở lên cho tới đỉnh đầu và ngược xuống từ đỉnh đầu xuống bàn chân. Cách cảm nhận là NHÌN THẤY. Nhìn thấy là cảm nhận bằng mắt, sau đó cảm nhận bằng hình dung trong tưởng, trong ý. Nếu sự hình dung chưa được rõ ràng thì con cúi xuống nhìn lại cho thấy phần thân thể đó, rồi không còn nhìn nữa mà chỉ cảm nhận trong hình dung mà thôi. Phải tập chứ không phải tự nhiên mà cảm nhận dễ dàng.
Còn sự rung động là CẢM NHẬN SỰ RUNG ĐỘNG chứ không phải là sự rung động. Thí dụ khi hít thở con thật sự cảm nhận có sự rung động từ bụng lên trong khi con ngồi, nhưng con tập cảm nhận sự rung động này lan tràn khắp thân cùng lúc với nhịp thở vào ra khi thở. Đó là cảm nhận qua cái TƯỞNG để rồi con tập cảm nhận qua sự cảm nhận.
Phải tập từ từ và dùng tưởng của cái có thật, chứ không phải tưởng của cái không thật có, của tưởng. Như khi quán thực phẩm bất tịnh là có thật sự bất tịnh của thực phẩm nhưng trong lúc đó không có hiện tượng bất tịnh đó mà do ta tưởng tượng ra mà quả có thật. Chúng ta chỉ dùng tưởng để đối trị tâm tham dục của ta chứ không để tưởng đưa chúng ta đi vào thế giới siêu hình hư cấu, không thật có. Chúng ta biết dùng tưởng để đối trị tâm tham dục, chứ không để tưởng sử dụng lại mình. Tạo cho ý thức của mình nhàm chán. Như ngồi đây đâu có hôi thối nhưng con tưởng như có thây ma sình thối để con nhàm chán thân, ghê tởm thân con, để không quý trọng nó đến độ ai đụng chạm hay làm thương tổn thân con thì con có những hành động để bảo vệ nó. Con thấy trong kinh Phật có dạy “Tưởng thây ma” không? Đó là chúng ta dùng tưởng để tu. Cũng như làm gì có thực phẩm thiu thối nhưng con tưởng như có.
Trong khi con thư giãn mà cứ bị tâm tập trung, thì con phải dùng tác ý để thực hiện pháp nào ra pháp nấy, thư giãn thì ra thư giãn, hơi thở thì ra hơi thở, tâm bất động thì ra tâm bất động, không lộn xộn, không lầm lạc giữa các pháp. Đừng để nó lầm lạc, nói thư giãn mà nó cứ ở trong hơi thở không chịu thư giãn mà lại làm cho mình mệt, không tốt đâu. Con phải dùng pháp tác ý để thư giãn là thư giãn mà tu bất động là tu bất động. Đừng để nó làm lộn xộn, làm sai, bởi tu tập theo đạo Phật thì cái nào phải ra cái nấy, pháp nào ra pháp nấy, không được lẫn lộn. Con tác ý, nhờ pháp tác ý mà lôi nó trở ra, tu tập đúng pháp.
Con để ý cứ ngồi im thì nó tự động vô hơi thở nhưng khi tác ý, tâm chủ động thì nó không vô tự động đâu, nhưng ngồi im thì nó lại tự động vô, vậy thì tác ý nữa, nó không chịu thư giãn thì phải tác ý cho nó thư giãn: “Bây giờ là giờ thư giãn, không được tập trung vào hơi thở, bằng không thì đến giờ tu mày không thể tập trung vào hơi thở được”. Mỗi khi thấy tâm tự động không tu đúng pháp đang tu thì phải tác ý cho tâm trở lại pháp tu.
Khi đi thân hành niệm, trước tiên con thấy chân, rồi trong khi đi, con cảm nhận bàn chân. Trong cảm nhận có hình dung hình dáng của bàn chân tức là có tưởng trong trí hình dáng và cảm nhận thật sự các chuyển động của chân từ lúc dở gót, dở chân, đưa tới, hạ xuống. Nghĩa là trong trí lúc nào cũng có hình ảnh của chân đang chuyển động và trong trí cũng có cảm nhận chân đang di chuyển.
Nói chung, khi thân có hoạt động nào mà mắt thấy được thì dùng mắt để thấy, nếu mắt không thể thấy thì dùng cảm nhận và hình dung hoạt động có thật của thân. Tưởng nhưng có thật, nghĩa là hình dung cái đang thật sự có. Và cảm nhận cái có đó. Chỉ tập trung tâm vào duy nhất một hành động của thân thôi, không để cái biết phân ra biết tất cả mọi hoạt động của thân. Khi nó biết toàn thân hay biết cái không phải đối tượng chú tâm của con, thí dụ nó vừa biết bước chân mà cũng vừa biết tay con đang nhúc nhích trong khi đi, thì con tác y: “Tâm chỉ biết bước chân thôi, không được biết cái gì khác”. Trong khi đi im lặng thì nó lại biết toàn thân thì con tác ý: “Biết bước chân đi”. Có tác ý thì tâm sẽ trở về biết bước chân, quên cảm nhận toàn thân, rồi khi con đi im lặng thì nó sẽ trở lại thói quen lâu cũ của con mà biết toàn thân. Nếu muốn cho nó không trở lại thói quen cũ của con thì con phải tập trung trong pháp đi kinh hành cho đúng cách đi pháp Chánh niệm tĩnh giác. Thân hành của con trong khi đi là bước đi thì nó phải chỉ biết bước đi mà không được biết cái khác, như vậy mới trọn vẹn chứ không khéo nó biết đủ các cái thì không được. Nó biết đủ thứ là nó bị phân tâm. Không tốt đâu. Đừng nghĩ tưởng trong khi đi tâm chỉ biết những hành động của thân mà không có vọng tưởng là đúng. Không phải như vậy! Như con thấy trong pháp Thân Hành Niệm, Thầy dạy: “Chân trái bước! Dở gót lên! Dở chân lên! Đưa chân tới!...” nhằm mục đích cho tâm chỉ chú ý vào hành động nào đó của thân chứ không phải biết hết mọi hành động của thân. Phải tập trung trong từng hành động của thân rõ ràng cụ thể. Truyền lệnh cho ý thức gom lại trên hành động đó chứ không được gom vào cái khác. Con thấy nếu nó không chịu nghe thì cứ tác ý. Tác ý riết thì nó phải nghe. Bền chí tác ý cho dù thời gian lâu đến cả tháng thì cuối cùng tâm cũng phải nghe theo tác ý, làm theo tác ý. Phải trị nó bằng pháp tác ý không cho tâm làm theo cái nó muốn.
Pháp tác ý là pháp rất tuyệt vời. Khi ta muốn cho thân tâm làm gì thì chỉ duy nhất tác ý điều đó. Chỉ có pháp tác ý mới làm được việc đó. Đó là pháp dẫn tâm vào đạo, dẫn cái biết của ta vào chỗ chúng ta muốn là chỗ giải thoát làm chủ sanh, già, bệnh, chết, không để nó tự động muốn làm theo nó. Đó là phương pháp dẫn tâm bằng ý thức làm chủ, không cho nó “đi lang thang”. Làm chủ bệnh được thì làm chủ sống chết được. Phật cho chúng ta cái pháp, bây giờ Thầy triển khai dựng lại để cho các con có phương pháp làm chủ được thân tâm của các con tức là pháp dẫn thân tâm vào chỗ giải thoát với pháp tác ý. Các con phải tác ý để dẫn thân tâm vào chỗ giải thoát làm chủ sống chết.
Thầy thường nhắc trong kinh Tất cả lậu hoặc: “Có như lý tác ý, lậu hoặc chưa sanh sẽ không sanh mà đã sanh thì sẽ bị diệt”. Lậu hoặc là sự đau khổ của thân tâm mà chỉ có pháp tác ý thì nó sẽ không sanh hay đã sanh thì sẽ bị diệt. Thí dụ thân hiện giờ không có bệnh đau gì nhưng cũng tác ý “Thân không bệnh đau, phải khỏe mạnh bình thường” thì nó sẽ không bị bệnh đau, thân muốn đau cũng không bị đau được. Còn thân đang bị bệnh thì tác ý: “Thân không được đau, phải khỏe mạnh” tác ý hoài thì bệnh đau phải hết.
Phật đã dạy: “lậu hoăc đã sanh thì sẽ bị diệt”. Các con có biết nó - pháp tác ý - là vật vô giá, có quý nó thì nó mới có giá trị; chứ không biết giá trị của nó thì không ích lợi gì cho các con. Thầy chỉ tạo cho các con chỗ ở yên ổn để tu tập đúng với pháp của Phật dạy chứ Thầy không tu tập thay thế các con được. Các con phải tự thắp đuốc lên mà đi. Nhưng khi các con đủ điều kiện được ở gần Thầy thì từ trường thiện của Thầy giúp cho các con được yên ổn tu tập, không bị từ trường ác làm tâm các con động như khi ở xa Thầy. Các con không thấy được điều này nhưng tự nhiên có như vậy khi được gần vị có từ trường thiện, từ trường giải thoát. Trong không gian quanh chúng ta chứa đầy những từ trường thiện và ác. Từ trường thiện mạnh thì từ trường ác tự nhiên phải lui ra xa. Thầy chỉ có từ trường thiện nên khi các con ở gần thầy tự nhiên được hưởng sự yên lành đó giúp cho tâm các con.
(Thầy trả lời câu hỏi của cô Liễu Thắm - Ninh Bình)
Tu Định niệm hơi thở thì cứ ở trên Định niệm hơi thở mà tác ý thì những chướng ngại trên thân tâm phải hết. Thí dụ con bị buồn ngủ thì trên định niệm hơi thở tác ý: “Với tâm định tỉnh tôi biết tôi hít vô. Với tâm định tỉnh tôi biết tôi thở ra” thì nó phải hết buồn ngủ thôi.
Phật đã trang bị cho chúng ta đủ các pháp. Tâm các con còn lăng xăng này kia thì: “Quán ly tham tôi biết tôi hít vô. Quán ly tham tôi biết tôi thở ra”... “Quán ly sân...” “Quán ly si...”. Tất cả những cái đó đều ở trên các đề mục Định niệm hơi thở.
Khi tu Định niệm hơi thở ít nhất mỗi đề mục con phải tu trong một tuần lễ rồi mới chuyển qua đề mục kế. Sau khi tu từng đề mục một tuần cho đến khi hết cả 19 đề mục rồi ngồi lại xem cái tâm đã xả đến đâu, cái tâm bất động yên lặng đến mức độ nào. Nếu trong 30 phút tự nó yên lặng chứ không dùng phương pháp nào ức chế nó, vì con chuyên tu trên Định niệm hơi thở, thì tu định niệm hơi thở lần thứ ba, cho đến khi ngồi lại không còn niệm nữa thì đường tu Định niệm hơi thở của con đã tu xong. Nếu sau mỗi lần tu Định niệm hơi thở mà tâm chưa hoàn toàn thanh tịnh, không niệm thì tu lại lần nữa. Cứ còn có niệm thì tu lại cũng chỉ trên Định niệm hơi thở thôi cho đến khi không khởi niệm mới thôi là vì tu đã xong, đã chứng đạo.
Con chỉ tu trên Định niệm hơi thở thôi vì trong pháp này có đầy đủ hết tất cả các pháp, chứ bây giờ con tu pháp này rồi qua pháp khác thì sẽ làm các pháp lộn xộn.
Con tu Định niệm hơi thở đợt thứ nhất xong cả 19 đề mục rồi qua lần thứ hai, thứ ba... cho đến lần thứ mười. Như vậy con giam mình ở tu viện trên ba năm ròng (ghi thêm: 3 năm 7 tháng 2 tuần) và chỉ chuyên tu pháp Định niệm hơi thở thì sẽ chứng đạo và như vậy đâu lâu. Tránh làm tâm phóng dật, tu Định niệm hơi thở đợt này xong tiếp tục tu đợt khác.
Trong khi tu mà có những chướng ngại gì là do con tu sai với pháp, như đã ức chế tâm, sai pháp, không đúng trên pháp Định niệm hơi thở chứ nếu không thì không bao giờ có những hiện tượng như nặng đầu, tức ngực, khó thở, ...
Pháp Định niệm hơi thở dạy rất rõ: “Hít vô tôi biết tôi hít vô. Thở ra tôi biết tôi thở ra”; hít; thở. Đó là nhiếp tâm lần thứ nhất. Còn an trú tâm trong năm hơi thở thì tác ý “An tịnh thân hành tôi biết tôi hít vô. An tịnh thân hành tôi biết tôi thở ra”, rồi hít vô, thở ra. Cứ năm hơi thở tác ý lại.
Nghĩa là mình nhiếp tâm hay an tịnh tâm mình trong năm hơi thở. Đến khi con tác ý: “Quán ly tham tôi biết tôi hít vô. Quán ly tham tôi biết tôi thở ra” thì để cho tâm tự nó ly tham, con không làm gì hết. Không còn lo gia đình hay nghĩ nhớ gì hết. Cũng đừng ghi chép gì hết.
Khi đến giờ ăn mà không thấy muốn ăn. Sau khi quán ly tham xong thì “Quán từ bỏ tâm tham...” rồi “Quán đoạn diệt tâm tham...”. Biết bao nhiêu đề mục của Định niệm hơi thở mà con tu. Định niệm hơi thở khởi đầu là tu hơi thở. Rồi cũng Định niệm hơi thở tu nhiếp tâm cho được trong năm hơi thở bằng câu tác ý “Hít vô tôi biết tôi hít vô. Thở ra tôi biết tôi thở ra”. Rồi cũng Định niệm hơi thở tu an trú tâm trong năm hơi thở với câu tác ý: “An tịnh tâm hành tôi biết tôi hít vô. An tịnh tâm hành tôi biết tôi thở ra”. Khi đã an tịnh rồi cũng Định niệm hơi thở, nhưng không còn tác ý nữa mà chỉ lắng nghe sự an tịnh của tâm thôi. Rồi cũng Định niệm hơi thở mà tác ý: “Quán ly tham tôi biết tôi hít vô. Quán ly tham tôi biết tôi thở ra”, rồi “Quán đoạn tâm tham tôi biết tôi hít vô. Quán đoạn tâm tham tôi biết tôi thở ra”, rồi “Quán diệt tâm tham tôi biết tôi hít vô. Quán diệt tâm tham tôi biết tôi thở ra”. Rồi tâm sân cũng tu như tâm tham. Khi tu giải thoát các lậu hoặc này thì cũng chỉ tu khởi đầu bằng năm hơi thở và để cho tâm tự ly tham, ly sân, si... Khi đã giải thoát lậu loặc xong, không còn ái kiết sử, thì cũng định niệm hơi thở: “Quán tâm giải thoát tôi biết tôi hít vô. Quán tâm giải thoát tôi biết tôi thở ra”.
Con thấy mình có duyên với Định niệm hơi thở thì ôm định niệm hơi thở tu. Sau mỗi lần thì tâm lậu hoặc của con giảm bớt. Con tu mỗi lần đủ cả cả 19 đề mục cho đến lần thứ mười thời gian tu nhanh cũng phải ba năm.
Mỗi khi buồn ngủ thì không cần đi kinh hành mà chỉ tác ý: “Với tâm định tỉnh tôi biết tôi hít vô. Với tâm định tỉnh tôi biết tôi thở ra” rồi dùng hơi thở thật chậm và thật dài mà phá cơn buồn ngủ. Phật đã dạy hơi thở dài hơi thở ngắn như thế thì làm gì còn buồn ngủ được. Tất cả những ác pháp khác cũng bị phá sạch. Phật trang bị cho chúng ta, đã dạy đủ hết, giờ chúng ta chỉ còn tu thôi.
Trong khi tu hơi thở, con chỉ biết hơi thở vô ra ở chỗ mũi chứ không tập trung tâm ở mũi, hay chót mũi, hay ở bất kỳ đâu. Con cứ tác ý cho đúng với câu tác ý trong Định niệm hơi thở hoài, đừng tác ý sai, đừng tự đặt ra câu tác ý khác, thì sự tác ý liên tục đó làm cho con có nội lực. Mỗi đề mục con tu một tuần lễ mà tu như vậy cả 19 đề mục, một lượt là 19 đề mục thì thời gian là 19 tuần lễ mới xong, mà con tu mười lần như vậy thì cái lực ý thức của con sẽ trở nên Tứ thần túc. Nhớ là chỉ hít thở sau khi tác ý câu tác ý xong. Và chỉ biết hơi thở vô ra ở cửa mũi, không tập trung tâm ở chỗ nào khác thì không sinh chướng ngại trên thân. Tác ý mỗi năm hơi thở, lúc nào cũng tác ý thì lực ý thức rất mạnh. Một tuần lễ tu chỉ một đề mục. Hơi thở dài một tuần lễ, hơi thở ngắn một tuần lễ. Tu ba mươi phút xả nghỉ ba mươi phút, vô tu ba mươi phút khác. Qua tuần lễ khác tu đề mục khác. Mỗi đề mục chỉ tu trong một tuần và chỉ tác ý câu trong đề mục thôi. Không tác ý tâm bất động vì con không tu tâm bất động. Chỉ ôm pháp Định niệm hơi thở tu, không tu pháp nào khác hết. Các tu sinh khác, như các Thầy, các Cô thì họ tu trực tiếp ngay với tâm bất động, người ta không dùng hơi thở như con, cho nên Thầy lo cho họ khi tâm nhiếp vào hơi thở thì họ đâu biết như thế nào đúng hay sai nên Thầy chỉ cho họ để cái tâm của họ ở chỗ đúng của pháp tu tâm bất động để họ không bị rơi vào sự ức chế tâm, không rơi vào chỗ sai rồi sinh ra những cảm thọ như nặng đầu, nhức đầu, hay cơ thể bị bất an... Còn con chỉ có duy nhất pháp Định niệm hơi thở với câu tác ý thay đổi theo từng đề mục thì không có gì làm con bất an. Nếu có là do tập trung sai. Chỉ đặt tâm ở mũi để biết hơi thở vô ra tại đó và chỉ chú tâm vào hơi thở thì không sai, đừng tập trung tâm nơi nào khác thì không làm sao có sự gây cảm giác bất an thân.
Khi đặt tâm ở hơi thở ở mũi rồi hít vô chậm chậm, thở ra cũng chậm chậm, đó là hơi thở dài. Ở đây không tập trung tâm chỗ nào mà chỉ tập trung trong hơi thở vô ra, điểm ở mũi chỉ là nơi để cảm nhận hơi thở đi qua, đi ngang không phải là tập trung tâm tại đó. Không tập trung tâm ở chóp mũi, hay điểm chóp mũi, cũng không ở giữa trán hay đỉnh đầu, không tập trung tâm ở bụng để thấy hơi thở vô ra thì cơ bụng phình xọp theo pháp tu của Miến Điện. Không tập trung tâm ở bất cứ chỗ nào mà chỉ tập trung tâm vào hơi thở. Ở đây chỉ thấy hơi thở vô ra, không thấy gì khác hết.
Tối ngày chỉ tu tập theo 19 đề mục Định niệm hơi thở thôi, không tu tập gì khác hết. Tu hết cả 19 đề mục Định niệm hơi thở lượt này xong thì tu lượt khác, mỗi đề mục một tuần, lúc nào cũng tác ý đúng với câu tác ý của đề mục mà tu cho đủ số 10 lượt như vậy thì có kết quả to lớn lắm, lực ý thức cũng mạnh không đo lường được.
Người không tu theo Định niệm hơi thở mà chỉ tu tâm bất động thì họ ngồi yên lặng chờ niệm, có khi cả nửa giờ hay lâu hơn, họ không có cơ hội để tác ý nhiều. Còn con tu định niệm hơi thở phải tác ý hoài vì đó là pháp của định niệm hơi thở, tu cứ 5 hơi thở tác ý một lần và tu trong 30 phút, xả nghỉ 30 phút tu lại; tu đúng một tuần lễ thì thay qua đề mục khác cũng tu như vậy trong một tuần. Đi cho hết cả 19 đề mục Định niệm hơi thở rồi trở lại tu lượt khác. Nội tâm tham con phải tu “Quán ly” rồi “Quán từ bỏ” rồi “Quán đoạn diệt” là như vậy con phải tu trong 3 tuần với tâm tham. Rồi tâm sân, rồi tâm si, mỗi loại tâm ác pháp đó con cũng phải tu tâm trong ba tuần. Tu xong cả ba tâm này mới chuyển qua đề mục khác. Mỗi đề mục con tu 30 phút, xả nghỉ 30 phút và tu đủ mỗi thời khoá ba giờ trong cả bốn thời khoá.
Nhưng vì tập trung hơi thở trở thành thói quen nên khi xả nghỉ nó cũng cứ tập trung trong hơi thở cho nên con cần tác ý cho nó buông hơi thở ra. Nhưng chỉ được một lát, nó lại quay về biết hơi thở, khi đó con cần tác ý lại. Cứ mỗi khi nó quay về biết hơi thở thì con phải tác ý để thư giãn, trong xả nghỉ thì phải xả nghỉ, cho đến khi tâm không còn bám trong hơi thở, không để cho tâm lúc nào cũng tập trung trong hơi thở. Pháp thư giãn rất quan trọng cho nên phải tu cho đúng pháp thư giãn. Phải tập thư giãn. Giờ tu không chịu tu mà giờ thư giãn lại ôm pháp tu. Cái tâm làm việc trái ngược như thế. Trong khi nghỉ mà tâm vẫn bám vào hơi thở thì cũng phải tác ý cho tâm rời hơi thở trở lại trạng thái bình thường.
Pháp của Phật là pháp dẫn tâm vào đạo. Phải dẫn tâm vào chỗ thư giãn. Nghỉ là nghỉ, không tu pháp nào cả. Giờ mình tu pháp thư giãn mà không tu được thì sẽ làm cho mình mệt, sẽ làm chướng ngại thân tâm. Khi tu thì phải tu cho nhiệt tâm, cho có chất lượng trong từng giây, từng phút, từng giờ.
Định niệm hơi thở không tu kèm với bất kỳ pháp tu nào khác. Chỉ tu định niệm hơi thở thôi. Khi buồn ngủ thì tác ý: “Với tâm định tỉnh, tôi biết tôi hít vô. Với tâm định tỉnh, tôi biết tôi thở ra”, rồi hít vô chậm chậm, thở ra cũng chậm chậm theo hơi thở chậm và dài thì cơn buồn ngủ phải lui, con được tỉnh táo trở lại, không đi kinh hành, chỉ tu Định niệm hơi thở thôi, chỉ dùng hơi thở của Định niệm hơi thở để phá hôn trầm chứ không phải con tu định niệm hơi thở. Tại cái pháp Định niệm hơi thở đã sẵn sàng đủ hết các đề mục để giúp con diệt trừ tất cả các lậu hoặc, các tham ưu trên thân tâm đúng theo Phật pháp.
Vào giờ tu thì phải pháp nào ra pháp ấy. Tu pháp tâm bất động thì phải là pháp tâm bất động. Bây giờ chỉ mới nhận ra tâm bất động chứ chưa sống được với tâm bất động. Pháp tác ý là pháp sẽ dẫn tâm các con vào chỗ bất động, chứ bây giờ các con ngồi bất động thì không được cho nên phải tác ý để thân tâm bất động hoàn toàn. Các con tác ý không chỉ để thân tâm các con bất động, mà còn cho thân tâm làm theo ý thức để tạo thành lực ý thức, để sự tác ý trở thành bốn thần lực để rồi các con sử dụng nó mà nhập các định.
Lúc này là lúc luyện ý thức chứ không phải luyện sự bất động, chỉ là tu cái lực ý thức chứ chưa phải tu tâm bất động. Dùng sự bất động để nhắc tâm chúng ta rèn luyện lực ý thức, tác ý càng nhiều thì lực ý thức càng mạnh. Sự tác ý có giá trị rất cao. Nếu không tác ý, hoặc tác ý ít quá thì nó không tạo thành cái lực. Cho nên, pháp tác ý rất cần cho các con trong giai đoạn tu tập này. Do vậy, đừng hiểu sai mục đích pháp tu trong giai đoạn này để không bị rơi vào trạng thái ức chế ý thức, ức chế tâm. Hiện giờ các con chưa đủ lực của ý thức chứ nếu lực ý thức có đủ thì khi các con muốn cái gì, ra lệnh thì lệnh đó có cái lực, có sức mạnh, nó khiến, nó bảo, nó bắt buộc thân tâm phải làm theo y như vậy. Đó là cái lực ý thức.
Hôm nay tu tập là tu lực ý thức chứ không phải là tu tâm bất động. Cho nên, người nào tu tâm bất động thì sẽ bị rơi trong sự ức chế tâm của mình. Lực ý thức mạnh đến độ vượt qua những quy luật vật lý chúng ta đang biết. Thí dụ con ra lệnh bảo cái thân này phải bay lên bao nhiêu thì thân sẽ bay lên cao như ý con muốn, chỉ bằng cái lực ý thức của con. Vậy giai đoạn này là giai đoạn rèn luyện lực ý thức chứ không phải rèn luyện cái tâm bất động, các con cần phải tác ý mỗi khi có niệm. Niệm nhiều, tác ý nhiều. Tác ý càng nhiều thì lực ý thức càng mạnh mà niệm lạí giảm bớt. Khi không có niệm thì ngồi im lặng hoàn toàn thư giãn, tâm không được ôm một pháp nào, tâm không chú ý vào một đối tượng nào. Con nhìn xem tâm con bám vào cái gì, nó bám vào cùng lúc toàn thân và hơi thở thì được, còn nó chỉ bám vào một chỗ nào của thân là sai. Đầu tiên chúng ta quán xét để biết cái tâm bất động thôi chứ không phải chúng ta dùng nó để tu tâm bất động. Chúng ta nhắc tác ý: “Tâm phải bất động, thanh thản, an lạc, vô sự”, rồi ngồi nhìn trong đầu thấy nó không có niệm gì thì chúng ta biết rằng nó đang bất động. Biết như vậy nhưng lại không được nhìn mãi trong đầu bằng không thì bị ức chế. Chỉ nhìn trong đầu để biết nó đang có bất động thôi, không được tu nhiều, nghĩa là không chú tâm lâu vào trong đầu, chỉ đủ thời gian để biết có sự bất động. Như vậy mới đúng cách. Nhờ cái bất động này để rèn lực ý thức, không phải tu tâm bất động. Phải hiểu như vậy chứ không thì khi thấy nó bất động và tác ý cho nó bất động là không phải. Tác ý không phải để cho tâm bất động mà chỉ để có lực ý thức. Nhưng khi lực ý thức có rồi, con bảo tâm bất động thì tâm sẽ bất động không niệm.
Các con thấy ta tu cái ý thức này được kết quả có lực rồi thì ta lại làm chủ được cái tâm không niệm kia. Chẳng những vậy mà khi thân bị bệnh gì thì dùng ngay lực ý thức đó bảo thân không được có bệnh như vầy như vầy thì đuổi được bệnh đó. Cho nên, chúng ta tu tập cái lực ý thức, chứ không phải tu tập pháp tâm bất động, nhưng chúng ta dùng câu tác ý tâm bất động để rèn luyện pháp tác ý tạo lực ý thức. Khi nó đang yên lặng thì đừng tác ý. Nó thoái mái, thư giãn, nhìn trời mây trăng gió gì thì cứ để cho nó tự nhiên tự do như vậy. Nhưng khi nó bám dính vào một cái gì thì lôi nó ra. Nghĩa là khi nó có ý nghĩ, có tư tưởng về một cái gì, về một chuyện gì thì đó là nó đang phóng dật, phải tác ý chấm dứt sự phóng dật đó ngay. Nó chỉ biết trong thân mới đúng. Nó phải thản nhiên, phải vô sự thật sự, không dính với ngoại cảnh, mặc dù nó đang nhìn ra ngoài thân. Nếu nó có ý nghĩ, có tư tưởng nào thì tác ý bảo nó quay vô trong thân, không được phóng dật.
Việc nào không phải là trách nhiệm của mình thì đừng làm. Việc chính của mình là tu, là huấn luyện tâm, tu tập tâm, không làm gì cả. Không có tư tưởng ý nghĩ về sự chướng mắt.
Nếu trong thời gian tu tác ý tâm bất động mà các hồi tưởng về quá khứ cứ hiện về liên tục thì cũng tác ý liên tục. Các hồi tưởng này bao lâu còn thì bấy giờ vẫn còn tác ý cho đến chừng nào các hồi tưởng chấm dứt. Các hồi tưởng có kéo dài một hai tuần thì cũng cứ tác ý trong suốt thời gian đó. Khi không có hồi tưởng, không có niệm nào thì ngồi yên lặng trong trạng thái tâm bất động. Còn niệm thì còn tu, nỗ lực tu cho đến khi không còn niệm, trong bao lâu cũng không có niệm. Cho đến khi suốt bảy ngày đêm không có niệm là thành công. Hết tu. Còn khi có niệm, khi không có là do tâm ta chưa xả ly hết dục, chưa xả ly hết ác pháp. Khi ác pháp hết, dục hết thì tâm không có niệm. Tâm không còn niệm thì không còn đối tượng tu.
Tất cả mọi chuyện trong đời đều có nhân quả, nhưng vì ta chưa có minh nên không biết nó do từ nhân quả nào cụ thể mà vì vậy có niệm này kia lại tạo nên nhân quả mới. Cứ nhân quả mới trùm lên nhân quả cũ, cho nên nhân quả cứ tiếp nối nhân quả, không dứt, hậu quả là tái sanh vô tận vô cùng. Khi có tri kiến minh về nhân quả thì tâm tham, sân, si bị hoá giải không còn, cho nên dù ai nói gì, làm gì cũng không buồn, không giận, không vui vì biết đó là nhân quả giữa mình với người. Biết đó là nhân quả thì sao phải có thái độ buồn vui? Có tri kiến và nhân quả thì không còn tham, sân, si. Khi chưa hết tham, sân thì dùng pháp Như lý tác ý đuổi tham, sân ra. Chỉ có minh khi tâm bất động đủ thời gian cần thiết. Và sẽ hết tham muốn khi có tâm bất động. Khi còn tham, sân, si thì còn tương ưng mới có bào thai. Khi hết tham, sân, si thì không có bào thai, không còn tương ưng với ai hết.
Tu đơn giản như vậy đó. Nghiệp cản đường tu của ta. Trong góc độ nhân quả, nghiệp rất khó vượt qua. Khi chúng ta chiến đấu với nhân quả mới thấy sức mạnh của nghiệp.
Khi thân không đau, còn khỏe thì thấy pháp Như lý tác ý rất thường, nhưng khi đau mới thấy phải ôm pháp Như lý tác ý cho chặt chứ không thì đau không chịu đựng nổi. Cho nên, Thầy nói ôm pháp Như lý tác ý như ôm phao vượt biển. Khi thân đau thì pháp Như lý tác ý là cái phao, phải ôm cho thật chặt mới vượt qua cái đau, ôm lỏng lẻo thì sẽ bị cảm thọ đau. Cho nên, phải ôm cho chặt pháp Như lý tác ý mới vượt qua cảm thọ thống khổ khốc liệt, chứ không thì bị cảm thọ đánh chịu đựng không nổi, cũng như khi ôm phao không kỹ bị sặc nước. Phải luyện tập pháp Như lý tác ý trong khi thân chưa bị đau để đến khi đau thì pháp đã được ôm chặt rồi. Nhờ đã ôm chặt nên mới vượt qua biển khổ đến được bờ an toàn. Cho nên, phải làm sao ôm cho chặt tâm bất động để vượt sóng cảm thọ. Đừng ôm lỏng để không bị cảm thọ đánh. Ôm chặt thì không cảm giác đau mà ôm lỏng thì bị cảm thọ đau mà lâu hết. Ôm lỏng thì khi không cảm thấy đau, khi bị đau. Khi bị đau thì không chịu đựng nổi.
Vọng tưởng nhiều thì tác ý nhiều, vọng tưởng ít thì tác ý ít, không có vọng tưởng thì ngồi chơi. Giữ hạnh độc cư cho nghiêm, sống một mình đừng đi lui tới với ai hết thì không lâu sẽ đạt được tâm bất động, rồi sống với tâm bất động cho thật kiên cố bền chặt. Trong trạng thái tâm bất động là trong trạng thái tứ niệm xứ nên không cảm thấy mệt mỏi gì cả, lúc nào cũng khỏe khoắn an lạc, không đói khát gì cả. Khi tâm bất động thì không quan tâm đến bất kỳ cái gì của bất kỳ ai nhưng tâm biết rõ những cái đó mà không hề quan tâm đúng sai gì cả.
Trạng thái tứ niệm xứ là trạng thái của Chánh Niệm trong đạo Phật. Khi tâm các con vừa biết hơi thở mà cảm nhận toàn thân thì đó là tâm tứ niệm xứ.
Khi nhập vào định tâm bất động thì cũng không ăn uống, không ngủ. Họ như người bình thường nên người khác có thể tiếp cận người đang ở trong trạng thái tâm bất động. Trong định tâm bất động thì không như trong định Tứ Thiền vì trong định Tứ Thiền có từ trường như một lồng kiếng, không ai xâm nhập vào lồng kiếng của người đang trong định Tứ Thiền này được. Người nhập Chánh Định (Tứ Thiền) không ăn, không uống nhưng không chết, cơ thể không khác biệt với người sống. Định tâm bất động là định của tứ niệm xứ, chưa phải là định của Chánh Định (Tứ Thiền). Khi Thầy nhập Chánh Định Phật giáo (Tứ Thiền) thì Thầy ở trong trạng thái định (Tứ Thiền), không biết gì hết (mọi cái chung quanh), còn khi trong định tâm bất động thì thầy còn biết hết mọi cái chung quanh nhưng không bị duyên vào trong cái nào cả, sai đúng không ảnh hưởng gì Thầy, Thầy không quan tâm cái gì hết. Trong tâm bất động suốt bảy ngày đêm ở trên tứ niệm xứ, không ăn uống gì mà không sao, chứ nếu còn động thì không chịu nổi, còn cần ăn uống tiêu tiểu.
Thầy dẫn dắt các con đi vào tứ niệm xứ: Giờ các con còn bám vào hơi thở cho đến khi các con vừa biết toàn thân mà cũng biết được hơi thở thì đó là tâm tứ niệm xứ. Các con lần lượt sẽ vào tâm tứ niệm xứ này từ tâm bất động. Nếu các con vào bằng đường nào khác là trật. Cho nên, các con tu tâm bất động thì sẽ vào đúng tứ niệm xứ, không thể trật được. Trong tâm bất động thì tâm không phiền não giận hờn mà như vậy không bị bệnh đau chứ còn phiền não giận hờn thì sẽ hay bị bệnh đau. Mà khi tâm bất động thì đã có lực ý thức nên thân có bệnh đau gì thì chỉ cần tác ý là hết bệnh. Chỉ cần tác ý đuổi cảm thọ một cách nhẹ nhàng thì không bị cảm thọ gì cả: “Thọ là vô thường, chỗ đau này hãy đi đi”. Chỉ nói nhẹ như vậy thôi là hết cảm thọ, hết bệnh.
Trong không tưởng có những cái nguy hiểm, có thể bị chết trong không tưởng. Trong không tưởng lúc nào cũng có thời gian hạn định, nếu không chịu xuất khi tới hết thời gian này thì “cửa thời gian” bị đóng lại không còn biết đường xuất ra được, vì vậy sẽ chết trong trạng thái không tưởng. Trong Chánh Định thì có xuất có nhập do ý làm chủ, do ý tạo tác; còn trong thiền không tưởng định thì chỉ nhập định khi không còn ý thức cho nên không chủ định được, không điều khiền bằng ý thức được, mà lại có thời gian hạn định, như trong mấy ngày: một tuần hay một tháng, hay một số ngày nhất định phải định trước. Nếu tới hạn mà không chịu xuất ra thì “Cửa thời gian bị khoá” không còn biết đường xuất ra. Không xuất ra được vì không có lực ý thức thì cái thân sẽ bị chết. Thân xác ở trong không định nên không hư thối nhưng bị khô vì thân đã chết, thân thành bộ xương khô. Còn người nhập Chánh Định Phật giáo thân không khô vì Thiền duyệt thực, thân tự hấp thu trong không khí những yếu tố cần thiết để nuôi thân.
Ở Việt Nam có các ngài Vũ Khắc Minh, Vũ Khắc Tường tu theo Thiền Đông Độ, nhập vào không định, muốn đi tới nữa mà không tới được, cho nên lâu quá, không biết đường ra, mà bỏ thân lại sau khi bị chết. Bên Trung quốc có nhiều vị sư tu Thiền tông đã để lại nhục thân như ngài Từ Hàng, ... Lục tổ Huệ Năng cũng lọt vào trong không định mà chết, để lại nhục thân.
Thiền của Phật có xuất có nhập nhờ vào ý thức làm chủ, mà các tổ không hiểu, không biết nên chê: “Thiền có xuất có nhập là còn thấp, thiền các tổ không như vậy mà đi tới luôn”. Các tổ đâu tu với ý thức làm chủ để muốn vô thiền nào thì vô ngay thiền đó. Sơ thiền thì vô ngay Sơ thiền, Nhị thiền thì vô ngay Nhị thiền.... Khi đang ở trong mức thiền nào mà muốn nhập mức thiền khác thì phải xuất mức thiền đang trú mới nhập vào mức thiền khác. Các con thấy trong kinh Đại Bát Niết Bàn, đức Phật nhập Sơ thiền, ra Sơ thiền; nhập Nhị thiền, ra Nhị thiền; nhập Tam thiền, ra Tam thiền; nhập Tứ thiền. Rồi ngược lui, ra Tứ thiền nhập Tam thiền; ra Tam thiền nhập Nhị Thiền; ra Nhị thiền nhập Sơ thiền. Rồi đi xuôi lên từ Sơ thiền đến Tứ thiền. Ba lần xuôi ngược như vậy rồi Phật mới nhập Niết Bàn. Các con đọc trong kinh nói: “Ra Sơ thiền nhập Nhị thiền”. Vậy khi ra Sơ thiền thì tâm ở chỗ nào rồi từ chỗ đó mới nhập vào tầng thiền định muốn nhập. Các con đang còn tâm tham, sân, si mà các con muốn nhập định thì làm sao nhập được. Cho nên, Tứ Niệm Xứ được xác định rất rõ là Chánh Niệm sau Chánh Định trong Bát Chánh Đạo của đạo Phật, mà trạng thái tứ niệm xứ là trạng thái tâm bất động. Khi con muốn nhập Sơ thiền thì con phải ở trạng thái tứ niệm xứ là trạng thái tâm bất động. Khi con xuất Sơ thiền thì con phải trở ra trạng thái tâm bất động đó, chứ các con ra xong tầng thiền nào thì tâm con ở trạng thái nào, không lẻ có trạng thái lừng chừng nào để tâm con từ đó vào Nhị thiền sao? Còn nếu trong khi con đang ở trong Sơ thiền rồi từ đó con vào ngay Nhị thiền thì sao có thể nói “xuất ra kh̉ỏi Sơ thiền”. Trong kinh nói rất rõ: “Đức Phật nhập Sơ thiền, xuất ra khỏi Sơ thiền (mới) nhập Nhị thiền, ra khỏi Nhị thiền (mới) nhập Tam thiền, ra khỏi Tam thiền (mới) nhập Tứ thiền...”. Vậy khi Phật ra khỏi Sơ thiền thì tâm Phật ở chỗ nào để vô Nhị thiền? Đọc kinh thì phải hiểu chứ không phải chỉ đọc suông.
Phật xuất ra các thiền chứng thì tâm Phật phải ở chỗ nào, ở trên mảnh đất nào, rồi từ đó Phật mới nhập vào thiền khác. Còn nếu Phật không xuất mà đi một lèo từ Sơ thiền, Nhị thiền, Tam thiền, Tứ thiền vậy thì kinh nói Phật xuất ra khỏi có ý nghĩa thế nào? Cho nên, trước khi Phật nhập Sơ thiền thì Phật đã đạt tâm bất động, thanh thản, an lạc, vô sự trên tứ niệm xứ rồi, tức Phật đã ở trên Chánh Niệm rồi. Từ trong Chánh Niệm đó sau bảy ngày đêm thì ta có được định như ý. Định như ý túc, là chứng đạt định như ý mình muốn, cho nên từ mảnh đất tâm bất động đó mới tác ý vào Sơ thiền thì tâm ta vào Sơ thiền. Khi đang ở trong Sơ thiền, muốn xuất ra khỏi Sơ thiền thì cũng dùng định như ý để ra khỏi Sơ thiền. Khi đã vào Nhị thiền thì ý thức mình đâu còn làm việc gì được nữa vì lúc đó tầm tứ đã bị diệt. Mà ý thức là một trong sáu sắc thức hoàn toàn bị tê liệt, ngưng hoạt động vậy mà con xuất ra nhập vào các thiền được là xuất nhập ra vô bằng Định như ý, Định như ý túc bằng ý thức lực của Tứ thần túc để xuất nhập vô ra các thiền chứng.
Diệt tầm tứ là diệt ý thức, sáu thức hoàn toàn tê liệt ngưng hoạt động vậy mà vẫn ra vô được là bằng Định như ý túc, định như ý muốn. Chỉ có lực định như ý mới làm được việc này. Cho nên ý bảo xuất ra khỏi Sơ thiền thì tâm phải ở trên tâm bất động của tứ niệm xứ. Từ tâm bất động đó Định như ý bảo vô Nhị thiền thì thân tâm sẽ vô Nhị thiền. Trước khi vô Nhị thiền không phải bằng ý thức ra lệnh mà Định như ý ra lệnh nhập Nhị thiền bằng lệnh: “Diệt tầm tứ nhập Nhị thiền”. Rồi khi ra khỏi Nhị thiền, tâm ở trên mảnh đất tâm bất động của tứ niệm xứ, Định như ý mới ra lệnh: “Diệt tất cả các loại tưởng nhập Tam thiền”. Khi ra khỏi Tam thiền thì tâm lại ở trên mảnh đất tâm bất động của Tứ niệm xứ, Định như ý ra lệnh: “Tịnh chỉ hơi thở nhập Tứ thiền”. Mỗi mức thiền đều có hỉ lạc khinh an của thiền. Mức khinh an hỉ lạc này thay đổi tuỳ theo loại thiền. Thiền càng cao thì mức khinh an này càng lớn. Nhị thiền không bằng Tam thiền; Tam thiền an ổn ít hơn Tứ thiền.
Còn các định tưởng từ Không vô biên xứ tưởng đến Phi phi tưởng xứ đều là thiền của ngoại đạo, do ức chế ý thức ngưng hoạt động mà vào. Không phải đạo Phật không nhập được các loại định tưởng này. Đạo Phật nhập được các loại định tưởng này rất dễ dàng bằng Định như ý túc, khi chúng ta có được Định như ý túc thì nếu muốn nhập bất kỳ định tưởng nào cũng đều nhập được cả, không gì chướng ngại vì ý thức của ta thiết lập đầy đủ các điều kiện nhập định và diệt tất cả các điều kiện làm cản trở trên đường nhập các loại định tưởng đó. Cho nên, từ Không vô biên xứ cho đến Thức vô biên xứ, Vô sở hữu xứ hay Phi tưởng phi phi tưởng xứ và Diệt thọ tưởng định đều nhập được hết.
Khi ta đã nhập vào tứ Chánh Định của Phật giáo rồi thì mọi định tưởng của ngoại đạo không có gì khó khăn, không gì chướng ngại. Khi Phật tu theo ngoại đạo, các vị thầy ngoại đạo dạy cho Phật nhập các loại định của họ thì Phật nhập rất dễ dàng như Không vô biên xứ tưởng hay vị khác dạy nhập Phi phi tưởng xứ, nhưng xét lại Phật thấy tâm tham, sân, si vẫn còn. Phật thấy nhập các định này không diệt hết tham, sân, si nên từ đó Phật mới tìm ra phương pháp ngăn ác diệt ác, sanh thiện tăng trưởng thiện pháp diệt hết tham, sân, si thành tựu được Sơ thiền từ nền tảng tứ niệm xứ.
Nhờ vậy hôm nay chúng ta có pháp Tứ Niệm Xứ. Pháp ngăn ác diệt ác, sanh thiện tăng trưởng thiện pháp là Tứ chánh cần. Khi ngăn ác diệt ác hết rồi thì tâm tự nó bất động. Như bây giờ Thầy dạy các con pháp tác ý là ngăn ác diệt ác. Khi tâm các con diệt hết ác pháp thì tự nó không niệm là lúc các con ở trên tứ niệm xứ, tâm các con tự bất động vì nó đang ở trên Chánh Niệm là tứ niệm xứ. Mà khi ở trên tứ niệm xứ không niệm trong thời gian đòi hỏi thì các con có đủ Tứ như ý túc, rồi các con mới nhập được Tứ Thánh định của Phật giáo, là các con qua lớp thứ tám của Phật giáo là Chánh Định.
Chỉ có Chánh Định mới có Thiền thứ Tư chứ thiền của ngoại đạo chỉ có Tà Định, không thể có Chánh Định thiền thứ Tư làm chủ sống chết. Phật giáo có bốn thiền từ Sơ thiền đến thiền thứ Tư mà muốn nhập từ thiền này vào thiền khác thì phải xuất ra khỏi thiền đang chứng mới nhập vào tầng thiền khác cao hay thấp hơn. Cho nên, các Tổ bảo thiền có xuất có nhập hãy còn thấp, còn dở, không như thiền của các Tổ đi một lèo lên các tầng thiền cao hay xuống theo thứ tự từ cao xuống thấp. Không cần phải xuất ra khỏi rồi mới nhập như thiền của Phật giáo, của Phật. Thầy chỉ là người đi trước, là người dẫn đường, là vị Thầy của các con thôi. Không phải Tổ của pháp thiền nào.
Tất cả các sách chỉ là để hiểu biết thôi, không phải là sách cho chúng ta tu. Chỉ khi các con đã tu chứng xong, viết lại những gì do từ kinh nghiệm bản thân của các con thì đó mới là sách dạy tu vì có đầy đủ thực tế do kinh nghiệm từ bản thân của các con, không bị sai chỗ nào. Khi các con tu chưa xong thì chỉ hiểu các pháp tu tập qua kiến giải nên sai trật rất nhiều mà các con không nhận thấy, người tìm học cũng không nhận thấy. Cả hai, người viết và người đọc, thấy hợp với sự suy luận của họ nên họ chấp nhận và chấp chặt. Càng đọc nhiều sách thì càng rối thêm.
Bây giờ các con chỉ ôm pháp Như lý tác ý để ngăn và diệt cho hết các ác pháp trong tâm. Tâm còn niệm nào thì tác ý để cho nó tạo thành lực ý thức. Đó là pháp tu Thầy dạy cho các con để các con tu làm sao cho tâm các con trở nên bất động, không có vọng tưởng. Không vọng tưởng mà đúng pháp chứ nếu các con tu tập bất cứ pháp nào dù được không vọng tưởng nhưng lại sai pháp, thì sẽ không nhập Chánh Định của Phật giáo được bởi lực ý thức của các con chưa đủ. Vậy nên các con cần tập luyện cho lực ý thức có đủ. Bởi vậy, các con cần tác ý nhiều cho nó tạo lực ý thức, nhưng không phải ngồi mà tác ý hoài dù không có niệm nào, làm như người điên ngồi nói lảm nhảm hoài. Có niệm thì mới tác ý còn khi đang không niệm thì cứ để cho nó tự nhiên, không được tác ý vì tác ý là làm cho tâm bị động bởi câu tác ý. Tác ý là chỉ khi nào có đối tượng. Có đối tượng mới tác ý để làm cho lực ý thức sinh khởi. Hơn nữa tác ý mà không có đối tượng là bị tưởng, là bị bệnh tưởng.
Trong pháp môn Niệm Phật, người mới tu mà niệm Phật được nhất tâm là bị ý thức ngưng hoạt động; ý thức bị ngưng thì tưởng thức sẽ hoạt động, nhìn đâu cũng thấy cõi Cực Lạc, nhìn đâu cũng thấy có Phật Di Đà, có chư vị Bồ Tát là bị điên khi không còn ý thức mình đang trong thực tế cuộc sống trong đời. Cho nên, tu phải biết cách tu. Không biết cách tu, lại dạy cho người tu trong sự tối tăm đó thì sao tránh được sanh bệnh tưởng? Họ chỉ căn cứ vào kinh cho là Phật dạy tu như vậy, như kinh Di Đà chẳng hạn. Nếu không có người tu chứng thì ai làm sao vạch cho thấy cái sai của kinh sách như vậy, vì ai cũng tin là pháp này do Phật tu và thuyết lại cho người sau. Trong kinh còn ca tụng pháp tu Niệm Phật này phù hợp với thời đại, dễ tu dễ chứng, ai tu cũng được, ai tu cũng có thể chứng được. Những ca tụng đó làm cho ai nghe cũng ham thích pháp, cũng thực hành vì quá dễ thực hành trong mọi hoàn cảnh. Cõi Cực Lạc lại có vô số điều vui sướng mà cõi này không thể có. Bây giờ, trong số các con đã có người, thay vì niệm danh Phật, họ lại niệm câu tác ý. Thật không thể tưởng có những người tin pháp tác ý của Phật một cách sai lạc như vậy.
Bây giờ các con chỉ còn tu pháp tác ý: Vọng tưởng nhiều tác ý nhiều, vọng tưởng ít tác ý ít, không vọng tưởng không tác ý chỉ ngồi tác ý yên lặng theo dõi cái yên lặng đó.
Nhớ như vậy mà tu!