Trong bài kinh Pháp Môn Căn Bản, Phật nói ba mươi ba cõi trời chỉ là tưởng ra thôi, không có thật, chỉ có con người do duyên thọ sanh mà có. Chúng ta sống trong duyên hợp. Hợp rồi tan rã. Pháp của Phật chỉ nhắm làm chủ sanh,già,bệnh,chết; nhằm phá vỡdây xích 12 nhân duyên bằng sự làm chủ ý thức. Chỉ có con người mới có ý thức làm chủ bốn sự sanh,già,bệnh,chết. Trong mười hai duyên có bốn cửa vào để phá vỡcác mắtxích của 12 nhân duyên. Tu sĩ là người đi vào cửa SANH của 12 nhân duyên để phá dây xích này, là cửa các con đã đi vào. Vào cửa sanh thì phải bỏ hết, phải cắt ái ly gia, phải quyết tu cho tới nơi tới chốn. Nếu còn lui tới thăm gia đình hay còn để phật tử tới lui thăm viếng thì không cách nào tu thành công. Không đúng với Phật giáo, không cắt ái ly gia là tu sai pháp Phật. Tu phải thành công, phải tu cho tới nơi tới chốn, rồi mới nói chuyện với gia đình, với phật tử để giúp họ tu.
Ra khỏi tu viện, ra khỏi chùa thì phải làm chủ được bốn sự khổ đau đó của kiếp người, phải làm chủ luân hồi, phải chấm dứt luân hồi. Nếu chưa làm được mà đi ra nói mình thanh tịnh như vầy hay như khác, tôi ngồi một hai giờ không có vọng tưởng thì đó là không đúng, chỉ có ngoại đạo thôi, không đúng của đạo Phật.
Cho nên,các con nhớ kỹ: Phải dùng pháp tác ý khi có niệm, càng có niệm thì càng tác ý để rèn luyện cái tâm của mình. Khi không có niệm thì không tác ý nhưng tâm không được trụ vào đâu hết, vì chỗ trụ là chỗ ý thức của ta bám vào, cột vào chỗ đó. Nhớ kỹ: Có niệm thì tác ý, không niệm thì ngồi chơi chờ niệm.