Kính Bạch Thầy
1. Trong khi con đang lái xe đến chổ làm thì tự nhiên con có câu hỏi mà con không trả lời được. Con biết là khi mình mới tu thì mình dùng ý thức để ra lệnh điều khiển làm cho bốn chổ thân thọ tâm pháp thanh tịnh. Khi ý thức lực đủ rồi thì Thất giác chi xuất hiện và có tứ thần túc, muốn ngưng ý thức thì phải nhập nhị thiền và muốn ngưng tưởng thức thì phải nhập tam thiền. có điều con không hiểu là khi ý thức ngưng rồi thì ở trong tam thiền cái gì mà điều khiển để phá các loại tưởng, nếu là ý thức thì không phải vì lúc đó ý thức đã ngưng.
2. Con không biết là ý thức và cái tâm có phải là 1 không thưa thầy? thí dụ tâm con đang nghĩ ngợi lăng xăng, thì con bảo tâm không được nghĩ ngợi lăng xăng mà phải thanh thản, rồi thì cái tâm nó thanh thản, và có cái tâm thanh thản. vậy thì con có 1 cái biết hay là hai cái biết. vậy thì khi cái tâm thanh thản thì cái ý thức nó ở đâu?
3. Dạo này con cảm giác như là cái tâm con và cái ý thức là hai, cái tâm con mà nghỉ ngợi lăng xăng thì con ra lệnh nhắc nó thì con thấy nó bắt đầu nghe lời, cho nên con cảm giác là con có 2 cái biết hay là 2 cái tâm. hồi đó thì con cho cái tâm là con cho nên nó nghĩ gì thì con cho nó là con, không biết sao bây giờ nó phân ranh giới, cái tâm là cái tâm, cái ý thức là cái ý thức. con không hiểu rõ lắm. xin Thầy giải thích giùm cho con được hiểu rõ hơn.
Con cám ơn Thầy
con, Huệ Vân
TRẢ LỜI NHỮNG CÂU HỎI HUỆ VÂN
TRẢ LỜI CÂU HỎI 1:
Chỗ này các con hãy lắng nghe cho kỹ: Trước khi nhập Tứ Thánh Định người tu sĩ phải có Tứ Thần Túc. Khi tu tập Tứ Niệm Xứ viên mãn thì từ nơi trạng thái tâm bất động thanh thản an lạc và vô sự thì mới có đủ Tứ Thần Túc, đó là lực VÔ LẬU
Một người chưa tu tập thì người nào cũng có nghiệp lực HỮU LẬU, do nghiệp lực hữu lậu này mà mọi người phải tiếp tục tái sinh luân hồi từ kiếp này sang kiếp khác. Ngược lại khi người tu tập TỨ NIỆM XỨ tâm sẽ bất động luôn luôn thanh thản an lạc và vô sự . Nơi tâm bất động ấy thì TỨ THẦN TÚC xuất hiện. TỨ THẦN TÚC tức là lực VÔ LẬU.
Khi có TỨ THẦN TÚC thì mới nhập được TỨ THÁNH ĐỊNH. Chúng ta hãy lắng nghe đức Phật nhập và xuất TỨ THÁNH ĐỊNH một cách rõ ràng như sau:
Muốn nhập TỨ THÁNH ĐỊNH đức Phật ở trạng thái tâm bất động thanh thản, an lạc và vô sự rồi dùng TỨ THẦN TÚC nhập Sơ Thiền, khi muốn ra khỏi Sơ thiền liền dùng TỨ THẦN TÚC xuất Sơ thiền; khi muốn nhập Nhị thiền liền dùng TỨ THẦN TÚC nhập Nhị thiền; khi muốn ra khỏi Nhị thiền liền dùng TỨ THẦN TÚC ra khỏi trạng thái Nhị thiền; khi muốn nhập Tam thiền liền dùng TỨ THẦN TÚC nhập Tam thiền; khi muốn xuất ra khỏi Tam thiền liền dùng TỨ THẦN TÚC xuất Tam thiền; khi muốn nhập Tứ thiền liền dùng TỨ THẦN TÚC nhập Tứ thiền; khi muốn ra khỏi Tứ thiền liền dùng TỨ THẦN TÚC xuất Tứ thiền. Như vậy chúng ta thấy rất rõ: Những ai muốn nhập TỨ THÁNH ĐỊNH đều phải có TỨ THẦN TÚC, ngoài TỨ THẦN TÚC thì không thể nhập CHÁNH ĐỊNH của Phật giáo được.
Như vậy Thầy đã trả lời câu hỏi thứ nhất của con.
TRẢ LỜI CÂU 2 VÀ CÂU 3:
Cái TÂM tên gọi chung cho sáu cái biết. Sáu cái biết gọi là: 1) Nhãn thức, 2) nhĩ thức, 3) tỹ thức, 4) thiệt thức, 5) thân thức, 6) ý thức.
Mỗi cái biết có trách nhiệm biết việc làm của nó. Ví dụ cái biết của con mắt chỉ phân biệt màu sắc xanh, vàng, đỏ tím v.v… Còn cái biết của ý thì tư duy suy nghĩ. Trong tư duy suy nghĩ của cái biết ý thức là tư duy suy nghĩ thiện hay ác, như trong câu hỏi của con. Con cảm thấy như có hai cái biết: cái biết suy nghĩ về điều ác và cái biết bảo dừng tâm không suy nghĩ nữa, tâm phải thanh thản. Trong hai cái biết này chỉ là một cái biết, đó là ý thức thiện ra lệnh bảo ý thức nghĩ ác dừng.
Trong ý thức phân biệt thực hiện hằng ngày của một con người có bốn sự tư duy suy luận:
1- Tư duy suy luận về thiện
2- Tư duy suy luận về ác.
3- Tư duy suy luận không thiện không ác.
4- Tư duy suy luận truyền lệnh tác ý.
Tóm lại tâm là tên gọi chung cho sáu thức và ý thức có bốn sự tư duy suy nghĩ chứ không phải có bốn ý thức. Bây giờ con đã hiểu rồi phải không?
Kính ghi
Thầy của các con
Trưởng lão Thích Thông Lạc